Làm nghệ thuật không làm… chính trị
Không khó để tìm thấy những người cầm bút hiện nay, lẩn tránh chính trị, trong văn chương và cả trong thảo luận. Lẩn tránh một cách có ý thức. Tôi nhấn mạnh tính ý thức trong hành vi, vì kinh nghiệm bản thân, đôi lúc tôi dễ chìm đắm vào nghệ thuật một cách vô thức; tôi gần như không chút lay động nào với hiện tình đất nước, lệch pha hoàn toàn với cảm xúc xã hội. Thường, lúc đó tôi thả bản thân hoàn toàn theo nghệ thuật, khi nào sự thôi thúc chính trị lớn hơn nghệ thuật, tôi biết mình phải viết về chính trị.
Vậy, làm nghệ thuật có độc lập với chính trị? Tôi không nghĩ là có.
Nghệ thuật theo đuổi cái đẹp, hơn cả cái đẹp, còn là cái đẹp mới, duy tân mỹ học, còn chính trị theo đuổi phạm vi của quyền lực quốc gia. Nhưng, một cá nhân không thể nào tách rời hắn ra khỏi chính trị, hắn là một sinh vật chính trị nói như Aristotle. Không có thứ ám ảnh nghệ thuật nào thường trực bằng chính trị, chính chính trị gắn một cá nhân với cảm xúc xã hội chứ không phải nghệ thuật. Nghệ thuật là thế giới đối thoại của cái tôi và bản ngã, chính trị là thế giới mà cái tôi đối thoại cùng đồng bào hắn, thổn thức cùng đồng bào hắn, thiếu đi điều đó hắn mất hẳn chất liên kểt của hắn với dân tộc mình, nghĩa là mất luôn cả khả năng định nghĩa chính mình.
Nên tôi không nghĩ ai có thể thoát được ám ảnh chính trị, cùng lắm, họ lựa chọn thể hiện hay không thể hiện ám ảnh đó ra. Thể hiện hay không thể hiện, là một thái độ, một hình thức biểu đạt về ý chí. Nếu lựa chọn thể hiện, người ta buộc phải phiêu lưu vào thế giới thông tin, xem xét và phân tích, để đưa ra cho mình sự chọn lựa thái độ chính trị; ngược lại, người ta bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trước mọi thông tin liên quan đến đời sống mình. Đó là lý do người không thích nói về chính trị thường là kẻ ngây ngô nhất; hiển nhiên, không phải cứ nói hay bàn về chính trị là sâu sắc.
Sâu xa hơn, không nói về chính trị còn là một lựa chọn… hèn. Có hai lý do căn bản để một cá nhân không muốn nói về chính trị, hoặc quá ngu đến dốt để có khả năng phân tích nhận định những vấn đề phức tạp như chính trị, hoặc sợ. Văn nghệ sĩ Việt Nam, nếu loại bỏ yếu tố tuổi tác, những người không muốn nói về chính trị thuộc lý do thứ hai: Sợ.
Cái sợ thứ nhất. Họ khiếp hãi chính quyền và công cụ từ chúng. Những đòn roi chế độ về tinh thần là viễn cảnh u ám cho những tâm hồn mỏng manh, xem tài năng của mình và báu vật cần được bảo vệ khỏi đòn roi đó.
Cái sợ thứ hai. Họ sợ chính… nỗi sợ của mình. Sợ đến mức rụt rè, vừa nghe thấy ai nói về chính trị thì tim giật thót lên.
Chúng ta hiểu, lẩn trốn chính trị nhưng chính trị không bao giờ buông tha mình. Tôi chỉ nói riêng về nghệ thuật, lẩn trốn chính trị hiếm khi là tài năng lớn. Tài năng sáng tạo lớn bao giờ cũng có một lá gan ương ngạnh, nếu không ương ngạnh chúng không dám vượt người đi trước. Lá gan như vậy, chính trị chưa bao giờ là nỗi sợ, trái lại, còn là thử thách. Đó là lý do mà nhiều nhà văn theo đuổi sáng tạo thường ám ảnh chính trị nhiều hơn cả nếu họ sống trong bối cảnh quốc gia đang suy đồi. Nhà văn Nguyễn Viện xem chính trị là phương tiện cho sáng tạo nghệ thuật. Xem chừng, anh chưa bao giờ ngừng ám ảnh chính trị.
Từ đó, nghe thấy nghệ sĩ nào lẩn tránh chính trị, dù trong tác phẩm hay trong đời thường, tôi chỉ thấy hai thứ trong họ: hoặc bất tài hoặc, ngu xuẩn. Mà thằng ngu nào cũng muốn che lấp sự dốt nát của mình bằng huyền học, siêu hình học.
Đành rằng, có những tài năng lớn không chịu ảnh hưởng về chính trị thời cuộc, nhưng tài năng đó hoặc chết yểu hoặc sáng tác không vượt nổi chính mình. Thành thật mà nói, tôi cảm giác xem thường nghệ sĩ nói không với chính trị. Thật.
2.2018
**
Hiểu
Một trong những huyền thoại đi từ Nho giáo là, người ta tin rằng, cha mẹ luôn là người hiểu con mình nhất. Tôi gọi đó là một huyền thoại vì nó thiêng về niềm tin hơn là sự thật; hơn nữa, nó sai. Cái sai từ việc đánh đồng hai phạm trù của tri giác: Hiểu và biết.
Hiểu là nắm được quy luật nằm bên dưới hiện tượng hay sự vật nào đó, biết là nhận diện được hiện tượng hay sự vật nào đó. Biết quả táo rơi xuống đất khác hoàn toàn việc hiểu được quả táo rơi xuống đất. Biết một con người khác hoàn toàn hiểu một con người. Biết, hướng đến cái cụ thể; hiểu, đi vào trừu tượng. Biết, là nhận diện; hiểu, là cảm nhận. Biết, là bề nổi; hiểu, là phần chìm. Biết, gắn với hiện tượng; hiểu, đi liền với bản chất. Biểt, là quan sát; hiểu, là suy tư.
Sâu xa hơn về cách thức tiếp nhận và xử lý thông tin, biết là cách tiếp nhận thông tin từ giác quan, hiểu là hoạt động xử lý lại thông tin đó.
Cha mẹ nào cũng biết con mình rõ hơn người ngoài. Cũng dễ hiểu, họ nhìn thấy mọi thói quen từ khi chúng mới bắt đầu hình thành thói quen lần đầu, họ nhìn thấy cảm xúc của chúng khi tính cách của chúng dần định hình. Không ai quan sát đứa con nhiều như cha mẹ chúng, ngắm con là một cái thú quái gở mà chỉ có ai làm cha mẹ mới biết. Thông tin mà cha mẹ có từ con cái là sự quan sát trìu mến đó. Lúc chúng còn bé, quan sát như là giám sát; lúc chúng trưởng thành, quan sát như là ngóng, một cái nhìn len lén không muốn bị phát hiện. Mãi mê nhìn ngắm đứa con, kể cả khi không có nó ở đó, họ vẫn ngắm chúng trong tưởng tượng và trong kỷ niệm. Ngắm như vậy, cha mẹ nào cũng biết rất rõ thói quen của con, cái nó yêu, cái nó ghét, món nó thích, món nó chê, vân vân. Nhưng, họ không thể hiểu tại sao nó yêu cái này ghét cái kia, thích món này nhưng chê món nọ.
Một vài trường hợp hạn hữu, dựa trên kinh nghiệm về những điều đã biết ở con, người ta có thể phán đoán hành vi của chúng trong một vài hoàn cảnh cụ thể. Phán đoán đó càng lúc càng sai, vì người là loài sinh vật có mức độ phức tạp về hành vi lẫn tâm lý. Trừ khi bậc cha mẹ rất sâu sắc về tâm lý học, họ có thể hiểu phần nào tâm hồn đứa con dựa trên những gì quan sát được. Thực tế chứng minh ngược lại, nếu hiểu con mình thì mâu thuẫn giữa hai thế hệ không diễn ra như một quy luật. Lý do chính, tương đối khách quan, là hai thế hệ bao giờ cũng là sản phẩm của hai thời đại có quá nhiều khác biệt về đời sống; người thuộc hệ quy chiếu này không thể hiểu được hệ quy chiếu kia, bởi luật trong mỗi hệ là khác nhau, nó không thể tương thích; giống như phần mềm tạo cho hệ điều hành windos thì không thể dùng cho IOS.
Do đó, cha mẹ hiểu con cái là điều bất khả, họ chỉ có thể biết vài điểm chính ở đứa con, vượt ra khỏi cái biết đó không cha mẹ nào có kinh nghiệm. Đứa con nào cũng học cách chia sẻ tâm hồn chúng từ gia đình hướng ra bạn bè, càng lúc chúng càng tâm sự với bạn bè hơn là cha mẹ. Mâu thuẫn căn bản giữa con cái và cha mẹ vẫn là, không hiểu nhau. Quan điểm của tôi về giải pháp giảm nhẹ mâu thuẫn đó là… tốt nhất đừng hiểu nhau. Thật, chúng ta, dù con cái hay đang làm cha mẹ, chúng ta cần học cách thích nghi rằng, chúng ta không phải là Đấng Tạo Hoá mà hiểu lấy con chiên của mình.
Hiểu được một con người, tôi e là Chúa cũng phải suy tư. Ai là người có khả năng hiểu một cá nhân cao nhất? Kinh nghiệm của tôi là tri kỷ. Tại sao chúng ta có khuynh hướng giàu tình cảm với những ai hiểu mình? Tôi đoán chừng, đứng trước thế giới tâm hồn của mình, bất kỳ ai cũng cảm thấy lạc lõng và cô đơn; họ không thể hiểu được chính mình. Nên bất kỳ ai, có thể hiểu phần nào tâm hồn mình, người ta càng bớt đi cảm giác cô đơn.
Mọi tri thức mà nhân loại có đến giờ, không tri thức nào đủ để cá nhân hiểu được chính mình. Mỗi thời đại, cũng có kẻ gào lên tuyệt vọng về nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, càng muốn hiểu về chính mình người ta càng vang lên câu hỏi ám ảnh lịch sử tư tưởng loài người: Tôi là ai?
Saigon 2.2018