Tập thơ Của Căn Cước Ẩn Dụ của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh vừa được nhà xuất bản Vô Danh in tại Sài Gòn, tháng 4, 2020. Tập thơ này được in lần đầu bởi tác giả năm 2001, với chỉ vài chục bản photocopy. Vô Danh là một cơ sở xuất bản cá nhân, hoàn toàn độc lập, không thông qua kiểm duyệt. Dưới đây là bài giới thiệu tập thơ của ICiệt, và bài thơ “Những Mối Quan Hệ” của Nguyễn Quốc Chánh, trích từ Của Căn Cước Ẩn Dụ.
ICiệt| Lời giới thiệu tập thơ Của Căn Cước Ẩn Dụ của Nguyễn Quốc Chánh
Của Căn Cước Ẩn Dụ là tập thơ của nhà thơ theo đuổi tự do tư tưởng một cách dứt khoát, Nguyễn Quốc Chánh. Dứt khoát là không thoả hiệp, dứt khoát là bất tương nhượng, tất yếu dứt khoát là cắt rời mọi liên kết nhùng nhằng trong mớ dây nhợ nối kết các giá trị cố hữu làm nên trật tự, trật tự đó dù hữu lý hay phi lý, thì tự do là phi trật tự, dứt khoát với tự do cần đoạn tuyệt một lần với ràng buộc trong trật tự. Ở quốc gia mà chủ nghĩa cộng sản thống trị giai tầng tư tưởng lãnh đạo, len lỏi vào quan hệ đời sống giữa các cá thể, chủ thể và thực thể; nó – chủ nghĩa cộng sản độc tài – sẽ dùng sợi dây của bạo quyền, của luật pháp vô minh, của lưu manh táo tợn, để siết chặt mọi quan hệ giữa các cá thể, chủ thể và thực thể kia lại thành thứ siêu trật tự mà nó muốn; nơi đó, tự do được định nghĩa là tự do trong khuôn khổ, đánh lận con đen bằng đồng hoá tự do với bừa bãi phóng túng tuỳ tiện. Bằng ngôn ngữ, Nguyễn Quốc Chánh bước vào thơ từ vị trí của kẻ quyết khước từ cái trật tự đã định nghĩa tự do – những giá trị căn bản nhất về tự do con người – để xây dựng một phản đề trong thái độ với thi ca. Phản đề ngôn ngữ thanh-tục, Nguyễn Quốc Chánh đứng ở vai trò kẻ làm thơ chống lại thứ quan điểm xem thơ là dùng từ đẹp đẽ cao sang – chữ Hán chẳng hạn – từ những từ ngữ bị khi rẻ vứt khỏi thi ca, Nguyễn Quốc Chánh dùng nó để tuyên chiến với thứ uyển ngữ vốn là công cụ của tuyên truyền, của xảo trá mà chế độ này xây dựng trật tự lưu manh trên nó. Phản đề với các chủ đề uỷ mị, diễm tình, của thói vuốt ve tâm hồn đầy ám muội, mà thật ra là thứ tâm hồn lẩn tránh thực tại, trốn tránh va chạm bằng chui rúc vào thứ mỹ học thi ca lý ra phải chết tự lúc nào ở quá khứ rồi, để Nguyễn Quốc Chánh đi vào mọi vấn đề ám ảnh nên kiếp sống thực tại mỗi cá nhân.
Từ đây, cá nhân và mọi vấn đề của nó trong mô thức xã hội toàn trị không được xem xét như một con người, với chính quyền cai trị, người dân chỉ là các đối tượng chuẩn bị phá bĩnh, phá bĩnh và sẽ phá bĩnh, đưa chúng vào các mã số định danh, thứ tù nhân định sẵn, các mã số công dân hiện hữu trên tấm thẻ căn cước. Mà, căn cước kia là phép ẩn dụ về cái nhìn độc đoán nặng tính giai cấp ở quyền lực cai trị.
Tôi thích tựa đề tập thơ, Của Căn Cước Ẩn Dụ. Thích nhất chữ của. Của là liên kết từ (hay kết từ), kết từ trong phạm vi ngôn ngữ học là sợi dây nối các bộ phận trong câu lại thành câu với trật tự có lý (logic ngữ nghĩa) làm nên ý nghĩa. Nhưng, ở đầu này sợi dây, nối vào “căn cước ẩn dụ” – thứ ám ngữ về quyền lực áp chế lên người dân, như sợi dây xích vào cổ chó; thì đầu dây kia, biến mất. Của ở đây mang biểu hiện thuộc tính, nhưng cái là thuộc tính cho thứ nằm sau từ của, biến mất. Chúng ta thử thêm vào tiền tố cho tên tập thơ xem, như ‘Mọi Vấn Đề Của Căn Cước Ẩn Dụ’, thì mọi vấn đề biến mất như trạng thái mù mờ ngây ngô của người dân trong xã hội toàn trị, họ không nhìn thấy mọi vấn đề thực tại đè lên đời sống mình. Cứ thử thêm vào bất kỳ thứ gì có thể đứng trước Của Căn Cước Ẩn Dụ, ta sẽ thấy khi nó biến mất, để lại một bi kịch thực tại ở chính sự biến mất đó.
Nếu thêm vào Nguyễn Quốc Chánh, lại khác. Nguyễn Quốc Chánh Của Căn Cước Ẩn Dụ, xoá cái thêm vào đi, cái được xoá lại trở thành tự do, không ràng buộc.
Một tập thơ thú vị ngay từ tên gọi của mình. Nhưng hơn hết, với tôi, thái độ hay các phép biểu đạt ngôn ngữ của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, không biến thi ca thành phương tiện cho đấu tranh chính trị, tư tưởng hay gào thét đòi quyền tự do; chúng chỉ là phương tiện truy tầm vẻ đẹp tiếng Việt từ vế bên kia quyền lực cai trị, vế bên kia của ý niệm lỗi thời thi ca, vế bên kia của thứ định nghĩa đẹp-xấu tục-thanh trong ngôn từ và vế bên kia của những gì thuộc về số đông thời thượng.
Được sự cho phép của nhà thơ, nay đưa tập thơ này đến độc giả của tôi, đón nhận thứ thi ca tiếng Việt sống động ngay ở thời đại của mình, một cách tự do như nó vốn là, không như nó vốn được là sau khi chính quyền cấp phép.
**
Nguyễn Quốc Chánh | Những mối quan hệ
Trong truyền thuyết suối cạn, có ngữ điệu sỏi.
Trong hồi ức lá rừng, có ngụ ngôn thác.
Trong tiếng hát nhựa cây, có bóng râm má tôi.
Một âm bản của chem chép không biết nói.
Một di vật còn sót của ao cạn.
Nơi binh tướng của sen và súng, tranh giành nhan sắc.
Nơi giáo mác của ao và đầm, quanh năm chém nhau.
Nơi xác thủy sinh là hồn ma, ám vào thị giác của sen và súng.
Nhan sắc của chúng chướng khí, rũ thành mùn.
Là dưỡng chất phì nhiêu trong vô thức của đất.
Chúng nở ra những bông trắng và vàng.
Chúng nở ra không có tay và chân.
Chúng là gia vị khiếm thị nơi xó bếp má tôi hàng ngày.
Bà cẩn thận giữ, nó đậm đặc và có mùi bùn.
Từ bùn non, một con ễnh ương teo tóp thoát hạn.
Nó ồm ộp loan tin, tổ phụ chem chép bây giờ vẫn sống.
Lão là Rồng.
Từ sinh vật bò sát hóa thân, trong lúc vội bay lên, Rồng làm rớt sợi râu.
Chem chép há miệng ngáp trong lúc buồn ngủ, vớ được, cất vào bụng.
Khi trở thành Rồng, tổ phụ chem chép tĩnh mộng trong nọc độc bò sát.
Hổ mang bò lên mái, nơi Rồng chầu, lượn điệu đồng cốt và hổ thẹn vì không râu.
Rồng vẫn ung dung và bất động, chưa một lần nhức đầu hay tăng huyết áp.
Má tôi uống cổ và tân dược, vẫn không trục khỏi bụng, cơn đau do râu Rồng tác quái.
II
Xem thế giới loài vật, con mơ, chim mỏ vàng,
Chân xanh, đậu trên kim gió.
Mỏ đỏ, mổ vào từng con số,
1,2,3… đồng hồ biến mất, và thời gian…
Không tiếng gà con trong vuốt diều hâu.
Không khỉ già cốc đầu khỉ nhỏ.
Không sâu bọ đeo băng đỏ.
Không quấy nhiễu những khẩu hiệu nhảm gì gì đó.
Ba tuổi, con là thỏ trắng.
Chín ngày tuổi, thỏ nhiễm trùng rốn,
Thỏ, 24 ngày thở trong lồng kính.
Khi biết nói, thỏ đòi về trời.
Khi tiêu chảy, thỏ đòi về trời.
Thỏ nói ở đó không có người lớn, không đỏ, đen.
Chỉ những đám mây lông trắng, và thỏ vạn hoa dưới trăng.
Gặp ác mộng, 39 độ, thỏ mê sản, kêu: ‘Bố!… Rắn! …’
Mắt, tê dại mở, và mặt, lá non nhúng nước sôi.
Thỏ hỏi từ đâu thỏ ra, đàn ông hay đàn bà?
Chúa sinh muôn loài, sinh Chúa, là ai?
Bố nói dốc, bố là củ cà rốt, thức ăn có râu cho sinh vật trong suốt.
Cà rốt không ác mộng.
Cà rốt không Scar. (Vua sư tử)
Cà rốt không đỏ, đen, và con tin…
Con bị tù từ ngày vào lớp mầm.
Giờ mười tuổi, con chịu án bảy năm.
Ðể mạnh giỏi, tôi hay liếm mật ong, không ra ngoài ngày lễ.
Và thường nổi khùng, vì một lần, dối thỏ trắng.
III
Hồi nhỏ, tôi ăn rô đồng, vợ tôi giống con rô biển.
Cô ta bơi giữa cá nhám và cá đuôi hồng.
Cô ta thở vị muối, nhưng nhạy cảm với mùi nước mắm.
Cô ta không phân ranh giữa sông và biển.
Cô ta nhìn mọi vật bằng ánh chéo của trắng và đen.
Không may cho thỏ, cô ta nhìn vật đen bằng mắt trắng và ngược.
IV
Anh tôi, ngựa lạc vào sa mạc.
Chân, lún trong cát.
Chết, dưới cái nhọc gay gắt của lạc đà.
Các em tôi là ngựa vằn.
Con sở thú, con bìa rừng.
Chúng ăn cỏ, sống bằng lông.
Sợ lông biến thành cỏ, và cỏ, thành xương rồng.
V
Bạn tôi rùa, có lỗ tai thỏ.
Chị ta thành đàn bà khi ba mươi bởi một ông già.
Chị ta nghe từ rất xa, nhưng đến nơi lại chậm.
Chị ta thích chữ thà là và hay hát: “Thà là rong … thà là mây…”
Chắc bây giờ chị ta hát: “Thà là…tuyết, tuyết, tuyết…”
VI
Tôi gặp trên báo, ở Sài Gòn, khi là bạn, khi quen.
Họ vẫn xài ngữ điệu, Hùng Vương.
Nhưng trên đường trơn của lời, họ thường không thắng kịp.
Bởi vậy mà cụt chân, mù, thậm chí, bỏ mạng vì các thứ chủ nghĩa.
Họ ma mảnh trong ánh sáng đục, và ngờ nghệch dưới ánh sáng trắng.
Họ nhúng tay vào các quân bài, lá mặt lá trái.
Họ được nuông và hay õng ẹo với con số 6 & 8…
Những con số “minh triết”, luôn giạng chân và bị hiếp quanh năm.
Là thẻ sâm, họ bị sốc chí mạng bởi bàn tay hồi xuân của bà già, cầu duyên.
VII
Bơi ngược, tôi lần vào cái đuôi của nước.
Thấy những cái xác từ nguồn trôi xuôi.
Thấy cái mang phùng không khép được của cá chết.
Lưỡi của nguồn đã nặng mùi, sóng môi vỗ vào răng giả.
Tôi ngoáy đuôi giữa những âm bằng, âm nào cũng cài sẵn bẫy.
Tôi mắc lưới, cùng cá cơm, tôi bị tống vào thùng gỗ.
Khi mùi vân cây nhiễm mặn, tôi biết mình còn thở dưới đáy vại nước mắm.
Tôi đọc thơ lẳng của bà Hương, kiểm lại cảm giác của răng và lưỡi: răng sạch và lưỡi bén.
Ai đó nói: còn răng, còn lưỡi, còn mùi.
Bà tôi nói: giữ răng, giữ tóc, giữ gốc.
Bà còn nói: đười ươi là loài chỉ cười trong đêm.
May mà bà không biết, nó là tặng vật của niềm vui tiền sử.
VIII
Trong chiếc giày há mõm của những kẻ lâm nạn, là trí nhớ rúc vào nách dơi.
Trong dĩ vãng đầy rận, là ngày hội hàng ngàn cái miệng xài chung một lưỡi.
Trong bội thực của rác, bố tôi, là tình trạng hoạt họa của cua rụng càng.
Một chiến binh của những cái hốc.
Gia tăng độ sâu cho những cái hốc, các chiến binh lần lượt, rụng hết càng.
Gia tài của bố tôi là dám chui ra khỏi hang.
Ðể lại giấc mơ kế thừa của đất, một quá khứ đầy hang hốc.
Mặt đất tỉnh dậy khi nấm linh chi mở mắt.
Hang hốc ngộ ra từ cái tháp giả cổ vừa mọc.
Mũi và miệng tháp trổ tứ phía, thở và nói sặc mùi nhang.
Nạn ô nhiễm của răng tước quyền tự do của lời.
Thức ăn của ruồi, muôn năm không xương.
Chúng đo khoái cảm của khẩu vị xưa nay bằng mùi.
Vô số xác già, trẻ, đàn ông, đàn bà vẫn xanh trong ký ức cỏ cây.
Quan tài chim, cá, chuột, heo, gà không mai táng trong mộ, lăng lịch sử.
Sự thật của huyền thoại rã bởi cái lưỡi bẩm sinh khôi hài của đất.
Những kẻ sống sót trong dối trá, nuốt sự thật vào bụng.
Con đường đến tự do là học cách suy tư trong cứt.
Muối thiếu i ốt, giữ cho cá khỏi ươn được phép hành nghề.
Chúng luôn nói tổ mẫu của bố tôi bây giờ vẫn trinh.
Bà là Tiên.
Tôi hồi tưởng một ngàn năm trong bào thai.
Tôi nhận mặt tổ mẫu bố tôi qua các cuộc thi sắc đẹp.
Tôi hau háu nhìn những bộ ngực mâm cao, những cái mông cổ đầy.
Và trinh tiết thỏ đế, luôn khép nép giữa hai đùi sành điệu.
IX
Trong trí nhớ dai dẳng, tôi có lão cùi.
Mặt lão bóng, giống trái cà biến gen, dị kỳ và sắp nứt.
Những chiếc ngón của lão chín, sút cùi, rụng, lều bều mặt nước.
Nghề của lão chuyên câu cá chẽm, lão phù thủy khi nhìn xuống sông.
Như tôi tớ, lão luôn biết nơi và giờ đại yến của những con cá bự.
Nó không kiếm mồi ở những sông nông.
Lão nói: “Xứ sở lão là con voi lâm nạn”.
Rồi mặt lão tái, vãi ra quần.
Chân tay co giật, bật khỏi thuyền.
Chắc không phải nơi và giờ đại yến của những con cá bự.
Một đàn ông, có năm con, bỏ nhà lên núi.
Bảy chín tuổi, lúc sắp tịch, sư đòi ăn chuối.
Mưa, đường lên núi trơn, bá tánh vãn.
Sư luôn mồm kêu: “Chuối! Chuối! Chuối!”
Chốc lại há miệng, cười, nhe răng sắc và trắng.
Cách lão cười không thể xóa trong tôi.
Vừa ngây ngô, vừa tinh quái, vừa van nài, vừa đe dọa.
Các chú tiểu bắt đầu cãi, vì không còn chuối.
Một chú tiểu lầm lì, quát: “Ðồ con voi ham ăn!”
Mắt lim dim, sư lại nhe răng, mắng: “Lũ chồn cáo, bay lừa tao!”
(Ê, lêu lêu! Voi nhẹ dạ, bỏ nhà theo cáo, bị chúng đánh rơi!)
Hơn ba thế kỷ trầm mình, đầm một ngàn năm không đánh răng, rửa mặt.
Rắn biết gáy, rùa mọc lông, cá có cánh, voi bất đắc dĩ mọc thêm vòi.
Nhưng chúng ngọ nguậy vẫn y như cũ.
Vòi thứ nhất, vớ được: “Nắm xôi.” (Ca dao)
Vòi thứ hai, vớ được: “Cỏ non xanh tận chân trời.” (Kiều)
Vòi thứ ba, vớ được: “Chai Vodka.” (Nga)
Vòi thứ tư, vớ được: “Trái thị trong bị bà già.”(Cổ tích)
Ngọ nguậy mãi, ngỡ là phép màu, chân Giao Chỉ vẫn không chạm đất, không làm sao xỏ được vào giày. Những đứa trẻ bụng ỏng, đít teo, đầu chưa ráo máu, luôn bị dọa bằng roi, dụ bằng lời sụt sùi nước mắt, để chúng tích nhục, biến nhục thành kỹ năng, noi gương chết của còng và cáy.
Lớn lên, mỗi thế hệ ra khỏi nhà với con dao giắt lưng, tiến về đầm lầy. Tôi, đứa trẻ xấu hổ biết mình không có càng (dù cu mọc lông sớm). Một ngày cỏ, cây, đất và máu trộn nhau, tôi bị bứng lên, ném khỏi vũng lầy bởi những viên đạn bằng đất sét bắn nhau giữa còng và cáy. Nơi voi lâm nạn, và đầm, ngàn năm là đối tượng cám dỗ, chia đám đông thành phe nhóm.
Và đến lượt nó, voi, thành nạn nhân của chính sự cám dỗ. Voi, như vật tế, bị chặt đuôi, khất nhượng. Họ kéo nó lên, trịnh trọng đặt xuống tấm thớt lộ thiên bằng đá cẩm thạch, loại đá xây đền và lăng.
Theo tập tục nhục hình, sản phẩm chia theo kết qủa hiểm độc của dao. Trên tinh thần bảo tồn môi sinh của UN: da voi thuộc, thịt voi xáy, lòng voi ngâm rượu, xương voi nấu cao. Bộ ngà quý là vật bất hợp pháp luôn thuộc về gã quảng tượng và bọn buôn lậu.
Nay mất vài răng, tôi không còn thói quen giấu mặc cảm trước bộ càng của còng và cáy, nhưng vẫn sợ sự ranh mãnh của nó, ám. Thỉnh thoảng, tôi cùng Nhon vào sở thú, nhìn mấy con voi kiếm ăn bằng cách làm trò.
