Sarah Timmer Harvey | Những bí mật công khai: phỏng vấn Phan Nhiên Hạo

Trong bài thơ tựa đề “Hãy Rửa Tay,” Phan Nhiên Hạo viết “Thưa các ngài đây không phải chuyện lắt nhắt/ không phải chuyện vị nghệ thuật, nhân sinh/ đây là chuyện vết cắt mấy mươi năm.” Bài thơ, viết năm 2009, qua thời gian, vẫn có nhiều ý nghĩa đối với cái hiện tại khủng hoảng của chúng ta, cũng như đối với cái quá khứ phức tạp của Phan Nhiên Hạo. Phần lớn cuốn sách mới nhất của Phan Nhiên Hạo, Paper Bells, khẳng định ý kiến của Diana Khoi Nguyen rằng anh là nhà thơ “có khả năng hiện diện trong những bề mặt đa chiều của cuộc tồn tại.”

Được dịch sang tiếng Anh một cách kỹ lưỡng bởi Phan Hải-Đăng, Paper Bells vừa được ấn hành bởi nhà xuất bản The Song Cave ở Brooklyn [New York]. Trong hoàn cảnh thế giới đang chiến đấu với sự lan tràn của dịch COVID-19 và hàng triệu người đang cố gắng thích nghi với một hiện thực mới đáng sợ, Phan Nhiên Hạo đã rộng lòng nhận lời trò chuyện với tôi. Chúng tôi trao đổi qua email về cuốn sách Paper Bells và về việc giữ cân bằng giữa tình trạng bị bắt buộc ở nhà với việc viết lách và gia đình. Phan Nhiên Hạo chia sẻ những ý nghĩ của anh về kiểm duyệt, về sáng tác trong lưu vong và tầm quan trọng sống còn của những câu chuyện cá nhân trong việc viết (lại) lịch sử.

Sarah Timmer Harvey, tháng Ba, 2020.

Sarah Timmer Harvey (STH): Chúng ta đang chuyện trò vào một thời điểm rất kỳ lạ và khó khăn. Anh ở Ilinois, tôi ở New York, và chúng ta đang phải ở nhà vì dịch coronavirus. Tôi hy vọng anh và người thân bình an. Anh đang trải qua tình trạng cô lập thế nào và sinh hoạt ra sao? Anh có cảm thấy thôi thúc để viết và viết được không?

Phan Nhiên Hạo (PNH): Tôi làm việc cho một thư viện đại học, trường đại học đóng cửa vì dịch coronavirus nhưng chúng tôi được yêu cầu làm việc tại nhà. Điều thú vị là giờ đây chúng tôi họp hành nhiều hơn bất cứ lúc nào, họp hành qua mạng. Tôi nghĩ tôi có sự chuẩn bị tốt về mặt tinh thần cho việc giãn cách xã hội. Tôi nghĩ hầu hết các nhà thơ là người hướng nội, và điều đó rất hữu ích trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi muốn viết, nhưng cần thời gian để thẩm thấu tình trạng này. Trận dịch bệnh này quá siêu thực, quá phi lý, làm cuộc sống chấn động đến mức không tưởng tượng được. Có vẻ như tôi sẽ còn phải ở nhà một thời gian nữa, hy vọng từ từ tôi sẽ viết được.

SHT: Anh giữ cân bằng giữa công việc và viết lách với đời sống gia đình và bổn phận làm cha mẹ như thế nào?

PNH: Tôi không biết những người làm thơ khác có viết mỗi ngày không. Tôi ước gì tôi viết được như vậy. Sự thật là tôi không viết thường xuyên, và tôi làm thơ, không phải viết tiểu thuyết, nên thời gian thật sự không phải là một vấn đề. Tuy vậy, tôi đã nhận ra rằng, dù bạn không viết thường xuyên, là một người viết, đầu óc của bạn cần luôn nghĩ về chuyện viết lách. Đi làm toàn thời gian và có một gia đình gồm con nhỏ, rất khó cho tôi để lúc nào cũng suy nghĩ như một nhà văn. Hơn nữa, làm một nhà thơ lưu vong là đã bị cô lập khỏi cái cộng đồng văn chương mà từ đó anh ta có thể tìm được sự hỗ trợ và cảm hứng. Từ khi chuyển đến sống ở Illinois, trong vòng mười bốn năm qua, tôi chưa gặp một nhà văn người Việt nào; thậm chí trước đó, lúc sống ở Nam California, tôi cũng chỉ gặp một hai nhà văn Việt. Ở Việt Nam các nhà văn thường gặp nhau, đôi khi quá thường xuyên, nhưng điều này kích thích đầu óc và thúc đẩy bạn viết. Có lẽ những điều này chỉ để biện hộ cho việc tôi viết không thường xuyên. Ước gì tôi viết được nhiều hơn.

STH: Paper Bells là tuyển tập thơ thứ hai của anh bằng tiếng Anh. Viễn kiến của anh là gì khi làm cuốn sách này? Cách mà anh thực hiện tác phẩm này có giống cách anh làm cuốn sách song ngữ năm 2006, Night, Fish and Charlie Parker không?

PNH: Cả hai cuốn Night, Fish and Charlie Parket và Paper Bells đều được dịch qua những khoảng thời gian dài. Tôi biết Đinh Linh lần đầu năm 2000, khi một tạp chí văn chương Việt ngữ nhờ tôi dịch một truyện ngắn của anh ra tiếng Việt. Không lâu sau đó, chúng tôi quan tâm đến tác phẩm của nhau, rồi Đinh Linh bắt đầu dịch vài bài thơ của tôi cho các tạp chí văn chương Mỹ. Sau vài năm, khi đã có khoảng hai mươi bài thơ dịch, chúng tôi thảo luận về việc làm một tập thơ song ngữ. Lúc đó, Linh dịch thêm khoảng mười bài, làm một phỏng vấn, rồi tập hợp thành bản thảo gởi nhà xuất bản Tupelo Press. Quá trình làm cuốn Paper Bells, do Phan Hải-Đăng dịch, cũng diễn ra tương tự. Hải-Đăng gặp tôi khoảng mười năm trước đây khi anh đang làm luận án tiến sĩ văn chương. Cũng như Linh, anh dịch các bài thơ của tôi qua nhiều năm cho các tạp chí văn chương khác nhau, bao gồm tạp chí Asymptote. Hai năm vừa qua, khi Hải-Đăng và tôi quyết định làm một cuốn sách, việc dịch thơ diễn ra nhanh hơn, và cuối cùng chúng tôi hoàn thành một tuyển tập khoảng bốn mươi bài thơ, lần này chỉ in bằng tiếng Anh. Vì các bài thơ được dịch qua một thời gian dài và mục đích ban đầu của việc dịch này không phải là để làm thành sách, chúng tôi đã không theo một tiêu chí nhất định trong việc chọn các bài thơ. Như Phan-Hải Đăng đã viết trong Paper Bells: “Rất ít hoạch định, chỉ nhiều mong ước.” Tuy vậy, tôi đã không chọn đưa vào tập thơ các bài thơ mà tôi nghĩ đòi hỏi quá nhiều quy chiếu về lịch sử và chính trị Việt Nam. Ví dụ bài thơ dài nhất mà tôi từng viết, và là bài có ý nghĩa quan trọng đối với tôi, “Lịch Sử Thời Đại Tường Thuật Bởi Một Người Lưu Vong,” đã không được đưa vào tập này. Bài thơ nói về đời sống tồi tệ ở miền Nam Việt Nam sau 1975, khi người Cộng Sản thống trị cả nước, và về cuộc sống của người Việt tị nạn những năm đầu đến Mỹ. Bạn thật sự cần hiểu về sự phức tạp của chiến tranh Việt Nam và giai đoạn hậu chiến, đặc biệt là từ những quan điểm khác nhau của người Việt, để đọc bài thơ dài này. Những bài thơ chơi đùa với ngôn ngữ hay có cấu trúc phân mảnh cũng không được đưa vào. Đơn giản là không thể dịch những bài thơ như vậy.

STH: Anh quan niệm thế nào về mối liên hệ giữa viết và dịch thuật?

PNH: Tôi có dịch vài tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt, và đối với tôi, nó là một công việc mang tính kỹ thuật. Bạn cần trung thành tối đa đối với nguyên bản thay vì “sáng tạo” trong khi dịch, dù điều này có thể làm cho bản dịch đôi khi nghe có vẻ ngoại quốc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đó: văn chương dịch thú vị bởi vì nó có tính ngoại quốc. Tôi nghĩ dịch giả không nên cố gắng làm cho bản dịch có vẻ tự nhiên. Tôi biết nhiều dịch giả sẽ không đồng ý với quan niệm này của tôi, và tôi đã chứng kiến những tranh luận nảy lửa về đề tài này giữa những dịch giả người Việt, một số người trong bọn họ tự xem mình là đồng tác giả của các tác phẩm mà họ dịch. Tôi không tự cho tôi một vai trò như vậy khi dịch.

STH: Qua các bài viết và phỏng vấn của những người đã dịch tác phẩm của anh, cho thấy anh đã làm việc gần gũi với Phan Hải-Đăng và Đinh Linh trong nhiều năm để dịch sang tiếng Anh các bài thơ của anh. Anh có thể cho biết lý do anh chọn cộng tác với các dịch giả thay vì tự dịch thơ mình?

PNH: Cả hai Đinh Linh và Phan Hải-Đăng đều là nhà thơ, những nhà thơ hay. Điều may mắn là họ thích thơ tôi và muốn giới thiệu nó đến đọc giả Mỹ. Thật ra chỉ có vài người có thể dịch thơ tiếng Việt ra tiếng Anh. Phần lớn các nhà văn Mỹ gốc Việt viết tiếng Anh không quan tâm đến văn chương tiếng Việt, một phần vì họ không thạo tiếng Việt. Rồi có những nhà văn như tôi, viết tiếng Việt và sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Để dịch hay, bạn nên dịch từ ngôn ngữ thứ hai sang ngôn ngữ thứ nhất, thay vì ngược lại. Tôi cũng có thể tự dịch thơ của mình, nhưng tốt hơn là để những dịch giả nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất dịch. Một lý do thực tế khác khiến tôi không tha thiết lắm với việc tự dịch tác phẩm của mình là vì tôi không có quan hệ trong giới xuất bản Mỹ, đặc biệt với các biên tập viên và nhà xuất bản sẵn lòng in thơ dịch. Đinh Linh và Phan-Hải Đăng không chỉ dịch thơ tôi mà còn giới thiệu tôi đến những người này. Và tôi cảm kích về điều đó.

STH: Ký ức và sự tẩy xóa là những chủ đề trung tâm của Paper Bells. Trong bài viết, “Năm Nay Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi,” anh cũng viết nhiều về sự cần thiết của việc cá nhân hóa lịch sử và khước từ cái ý tưởng về một lịch sử tập thể có tính áp chế. Vì sao việc khám phá và mở rộng những ý tưởng này trong sáng tác là điều quan trọng đối với anh?

PNH: Việt Nam là một quốc gia phi dân chủ thống trị bởi một đảng Cộng Sản, nơi tự do ngôn luận không tồn tại. Ở Việt Nam, lịch sử – mà cụ thể là lịch sử về chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến đã giết cả triệu người và làm tan nát hàng triệu gia đình – chỉ có thể được đề cập đến từ quan điểm của những người Cộng Sản chiến thắng. Nhưng trong chiến tranh đã có những phe khác nhau. Đã có trại cải tạo và các hành động trả thù sau chiến tranh. Đã có những “thuyền nhân” cố gắng trốn chạy khỏi xứ sở địa ngục để rồi bị cướp biển hãm hiếp và giết hại. Đã có nạn đói và kỳ thị. Đã có sự dốt nát của những người lãnh đạo Cộng Sản khiến không chỉ nền kinh tế mà toàn bộ cấu trúc xã hội và văn hóa của đất nước bị tàn phá. Nhà nước không cho phép các nhà văn ở Việt Nam viết về những điều này. Là một nhà văn Việt sống ở Mỹ, tôi cảm thấy có bổn phận phải nói về những “bí mật công khai” này, như cách gọi của Phan Hải-Đăng. Những điều này không chỉ là sự thật cần được ghi nhận trong sách lịch sử; chúng cũng là những ký ức đau đớn mà hàng triệu người Việt Nam không thể dễ dàng vùi lấp. Tôi là một trong số họ. Đối với tôi, kể lại những kinh nghiệm cá nhân là cách tốt nhất để tiếp cận những sự thật này.    

STH: Tác phẩm của anh chủ yếu được xuất bản ở Mỹ, và như nhiều nhà văn lưu vong khác, bị kiểm duyệt ở Việt Nam. Sự kiểm duyệt này tác động đến anh với tư cách một nhà thơ và ảnh hưởng lên tác phẩm của anh thế nào?

PNH: Mặc dù đã được mở ra với một nền kinh tế thị trường vào những năm 90, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia phi dân chủ cai trị chỉ bởi một đảng, đảng Cộng Sản Việt Nam. Kiểm duyệt ở Việt Nam được thực hiện sâu rộng và áp dụng cho tất cả các loại hình truyền thông, bao gồm báo chí, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, truyền hình, và internet. Kiểm duyệt ở Việt Nam đã diễn ra quá lâu và quá hiệu quả đến nỗi nó biến các nhà văn thành những bậc thầy của việc tự kiểm duyệt. Đối với tôi, đây là sự tàn phá ghê ghớm nhất của kiểm duyệt đối với văn chương Việt Nam. Tôi đã có thể xuất bản ở Việt Nam nếu tôi đồng ý loại bỏ những bài thơ không phù hợp với cái đại tự sự về lịch sử của những người Cộng Sản. Bao gồm những bài thơ đề cập đến cái kinh nghiệm của một đứa trẻ mà gia đình thuộc phe chống Cộng trong chiến tranh và việc chúng tôi đã bị trừng phạt ra sao bởi những kẻ thắng cuộc thời hậu chiến, cùng những bài thơ nói về đời sống của tôi như một người tị nạn ở Mỹ. Nhà nước Việt Nam thật ra khuyến khích các nhà văn Việt Kiều đem tác phẩm về in trong nước, để họ có thể trình diễn một bộ mặt hòa giải với cộng đồng người Việt hải ngoại, những người có nguồn lực kinh tế mà nhà nước muốn khai thác. Để xuất bản ở Việt Nam, tuy vậy, người ta phải chấp nhận kiểm duyệt, và đây là cái giá mà tôi từ chối để trả. Kiểm duyệt chỉ càng khiến tôi quyết tâm viết không thỏa hiệp.

STH: Trong phần kết luận của bài điểm sách về tác phẩm Cảm Tình Viên [The Sympathizer] của Việt Thanh Nguyễn, in trên Tạp Chí Việt Học xuất bản bởi đại học UC Berkeley, anh có nói anh hy vọng sẽ có nhiều đọc giả người Việt “ở hải ngoại cũng như trong nước có trong tay một bản dịch trung thực” của tác phẩm này. Tôi cũng có đọc những thông tin nói rằng đọc giả ở Việt Nam có thể tìm thấy các tác phẩm bị kiểm duyệt và “có vấn đề” ở hải ngoại dễ dàng hơn là tìm các tác phẩm của các nhà văn bất đồng chính kiến được in ở Việt Nam. Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào?

PNH: Như tôi nói, kiểm duyệt ở Việt Nam rất nặng nề, và điều này cũng áp dụng cho các tác phẩm dịch. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Thomas A. Bass, giáo sư văn chương và báo chí tại University of Albany, đã viết về nhân vật gián điệp Cộng Sản nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn trong cuốn sách Điệp Viên Yêu Mến Chúng Ta: Chiến Tranh Việt Nam Và Trò Chơi Nguy Hiểm Của Phạm Xuân Ẩn (2009) [The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game]. Cuốn sách của ông Bass, khi được dịch và in ở Việt Nam năm 2014, mang đầy sẹo kiểm duyệt, với khoảng bốn trăm chỗ bị thay đổi hoặc cắt xén so với nguyên bản. Cái kinh nghiệm thương thảo mệt mỏi với những nhà kiểm duyệt ở Việt Nam suốt năm năm trong quá trình dịch tác phẩm đã khiến ông Bass viết một cuốn sách mới về kiểm duyệt ở Việt Nam: Kiểm Duyệt Ở Việt Nam, Thực Tại Mới (2017) [Censorship in Vietnam, Brave New World]. Cuốn sách Cảm Tình Viên của Việt Thanh Nguyễn vẫn chưa được xuất bản ở Việt Nam mặc dù tôi tin rằng việc chuyển ngữ đã hoàn thành từ vài năm trước. Tôi nghĩ rằng cuốn sách này sẽ không bao giờ được xuất bản mà không bị cắt xén. Để tránh kiểm duyệt, một số nhà văn ở Việt Nam chọn in sách với các nhà xuất bản hải ngoại, nhưng điều này có giá của nó. Sách in ở hải ngoại bị chính quyền Việt Nam coi là hàng cấm và không được phép phát hành trong nước. Những cuốn sách này luôn biến mất một cách bí ẩn tại bưu điện khi về đến Việt Nam. Tuy vậy, trong phần lớn trường hợp, các Việt Kiều có thể đem lậu vài ấn bản của những cuốn sách này về nước khi du lịch thăm quê hương. Dĩ nhiên bây giờ cũng có internet và mạng xã hội, nơi các nhà văn có thể phổ biến tác phẩm của họ đến đông đảo đọc giả nếu muốn. Phần lớn các bài thơ của tôi đã được xuất bản trên mạng trước khi in thành sách.

STH: Anh ngưỡng mộ những tác giả Việt Nam nào?

PNH: Hai nhà thơ quan trọng được ngưỡng mộ bởi nhiều người viết ở Việt Nam, đặc biệt những người viết ở miền Nam, là Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Tôi cũng là người yêu thích hai tác giả này. Một tác giả khác, phần lớn viết về triết học, nhưng đã cho ra đời một tập thơ mỏng nhưng tuyệt diệu là Phạm Công Thiện. Mười bài thơ trong tập thơ này thuộc vào những bài thơ mê hoặc nhất của văn chương đương đại Việt Nam. Thanh Tâm Tuyền mất năm 2006 ở Minnesota. Pham Công Thiện mất năm 2011 ở Texas, và Tô Thùy Yên mất hồi năm ngoái ở Texas. Tất cả họ đều là những nhà thơ miền Nam sống và chết trong lưu vong.

STH: Khi còn là sinh viên ở Việt Nam, văn chương dịch có một sức hấp dẫn đối với anh. Đặc biệt, anh tìm thấy sự cộng hưởng với tác phẩm của các nhà Hiện Sinh Pháp. Điều này hiện còn đúng với anh không?

PNH: Trước năm 1975, văn chương phương Tây được dịch rộng rãi ở miền Nam Việt Nam, và chủ nghĩa Hiện Sinh Pháp đặc biệt có sức lan tỏa trong giới trí thức. Khả năng của triết thuyết này trong việc chỉ ra sự phi lý của đời sống đã tìm được sự đồng cảm từ nhiều người Việt Nam đang nhìn cuộc chiến như một thực tại phi lý. Đối mặt với sự bất định của đời người trong chiến tranh vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, người ta cũng tìm thấy từ chủ nghĩa Hiện Sinh lời kêu gọi thuyết phục về việc hãy sống cho hiện tại. Cuộc sống ở Việt Nam sau 1975, khi người Cộng Sản thống trị cả nước, không may còn phi lý và bất định hơn cả cuộc sống thời chiến. Người ta không chết vì súng đạn nhưng có thể chết vì đói hoặc bị sát hại trên biển trên đường tìm tự do, và không một ai biết ngày mai sẽ ra sao. Trong ý nghĩa đó, chủ nghĩa Hiện Sinh xoa dịu đời sống khốn khó của tôi. Bây giờ tôi vẫn còn thích đọc Camus, nhưng chủ nghĩa Hiện Sinh không còn hấp dẫn tôi với tư cách một người viết. Giờ đây tôi muốn nói không chỉ về hiện tại mà còn về quá khứ, tôi muốn tiến gần hơn đến những điều mà tôi cho là sự thật lịch sử; nhưng những nỗ lực này, trong quan niệm của chủ nghĩa Hiện Sinh, dường như không cần thiết và vô vọng.

Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh, Sarah Timmer Harvey, “Open Secrets: An Interview with Phan Nhiên Hạo.” Asymptote (on the page “Blog”), April 15, 2020. https://www.asymptotejournal.com/blog/interviews/

Sarah Timmer Harvey, tác giả và dịch giả, hiện sống tại New York, có bằng Cao Học Nghệ Thuật (MFA) từ Columbia University. Những tác phẩm gần đây nhất của cô xuất hiện trên Asymptote, Modern Poetry in Translation, Gulf Coast Journal, và Cagibi.