Nguyễn Quốc Chánh | Những loại bẫy tình yêu (1)

1.

Những điều tôi sắp viết, những ai yêu Trịnh Công Sơn, có thể sẽ khó chịu, vì tình yêu không có thương lượng, nó đòi vẹn toàn, hoặc có hoặc không. Vì vậy, tình yêu luôn là cái bẫy. Bất cứ đối tượng của nó là gì, khi yêu, ai cũng đều ở trong tình trạng sẵn sàng sa bẫy. Tôi thán phục tài nghệ âm nhạc mê hoặc của ông, chứ không là người sính Trịnh Công Sơn, có chăng, chỉ yêu cái hoạ hoằn “ta đã thấy gì trong đêm” của Trịnh Công Sơn.

Xuân Diệu yêu một người đồng giới, đã than, “Yêu, là chết ở trong lòng một ít,” Phạm Đình Chương, yêu một người khác giới, đã kêu, “Nửa hồn thương đau.” Nhưng, nếu bập vào tính truyện của ý niệm, như dân tộc, chủ nghĩa, hòa bình, thánh, thiên chúa… thì hỡi ôi, cái giá của nó sẽ rất khác, thường là sấp mặt banh thây, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không phải vài mống mà hàng đống xương khô.

Cứ lên Google đếm xác những cuộc thánh chiến, chủ nghĩa chiến, dân tộc chiến…Ở Việt Nam, từ thời Đô đốc Charles Rigault de Genouilly cầm đầu liên quân Pháp & Tây Ban Nha nã pháo Đà Nẵng, trả thù Tự Đức giết hai tu sĩ Công Giáo người Tây Ban Nha, đến khi con đầm thằng tây dắt chó đi phượt Vườn Bách Thảo Hà Nội hay Thảo Cầm Viên Sài Gòn, xác nghĩa quân Trung Trực, Ba Đình, Bãi Sậy, Yên Thế…và đỉnh cao là Điện Biên, đếm làm sao xuể, chưa chắc tới bây giờ đã hốt hết cốt. Bởi vậy mới gây, món cúng tế khoái khẩu cho giáo quyền, thần quyền hay thế quyền dân tộc đặng chúng trường tồn và linh hiển không phải nhang đèn mâm quả, mà xác người. 

Có điều đáng sợ và ái ngại vẫn “len lén tâm tư” tui, là mối quan hệ hóc xương giữa hàng triệu người viết thường với một người viết hoa. 

2.

Từ anh thượng thơ Ngô Đình Diệm đến anh học trò Nguyễn Sinh Côn bị đuổi khi mới vào trung học đệ nhị niên Quốc Học Huế, cả hai anh đều là những thanh niên tuấn tú con nhà Giao Chỉ, mang nỗi nhục sơn hà, đột biến thời thế giữa những tên diều hâu, thoắt cái hai anh thành những lãnh tụ ủy nhiệm đánh bẫy quốc gia. Riêng anh Côn, vì bôn ba khốn khổ, tàng hình dưới cả trăm cái tên và suýt bị đông lạnh nếu không nhờ cục gạch Chauffeuse, lại nhiễm độc Luận Cương xuất tinh Lenine, nên rất tinh quái, mỗi tay anh thủ một cái, tùy cơ, chưa có chính quyền, anh giăng bẫy ái quốc, có chính quyền rồi, chơi ngay chuyên chính trốc nóc đồng bào. 

Lịch sử như con tàu, hướng của nó tùy, không phải kẻ ngồi sau tay lái, mà ai quy hoạch bản đồ. Tôi nghĩ, lịch sử là cái bẫy, loại mồi nào, bắt con mồi náy. Nguồn cội của quyền lực là bản năng động dục của con đực. Đám đông hoa lá vẫn là những kẻ xớ rớ, sính dầu thơm. Không có mùi thượng thặng nào, không có tinh con đực. Bạn tôi nói, con đực là giống hư hỏng, vì ham chơi đủ trò, từ gái gú đến bảo kê hòa bình và chăn dắt chiến tranh. Tất cả những trò đó, nhiều khi, trong tay chỉ một thằng.

Có người nói, chủ nghĩa quốc gia là hệ quả của chủ nghĩa đế quốc. Mặc dù Mỹ không phải đế quốc kiểu Pháp, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc thời thuộc địa, chính trị hóa Mỹ thành sài lang. Mỹ không lập đồn điền, xây biệt thự, bảo hộ Bắc Kỳ hay Pháp hóa Nam Kỳ… mà nó tới đây, chỉ uống Coca, nhai chewing gum, chơi đĩ buổi trưa, khoác vai gái nhảy vào bar buổi tối, thỉnh thoảng đi Củ Chi săn VC, và khi sa lầy ở Vịnh Con Heo, giết hụt Fidel, rồi quay sang phất cha tổng thống Cộng Hòa của người ta. Mặc dù thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mỹ chưa xanh mắt và lõ mũi đường phố, nhưng mùi jungle boots đủ hắc, thổi bay mùi dân tộc chòng chành trong cái bẫy quốc gia mới xây của cụ Ngô. So với cái bẫy dân tộc tráo trở ngạt thở Điện Biên của cụ Hồ, cái bẫy của cụ Ngô bị thổi việt vị vì, những cái bóng cố vấn Huê Kỳ, xách Samsonite ra vô dinh Gia Long như ma cô chài gái tơ. 

Những người ưu thời ở miền nam, ngay cả những người chống cộng mẫn cán, thậm chí ông Ngô Đình Diệm, vẫn áy náy vì trong cái bẫy quốc gia của mình, bao bọc dần lưới B40 của Mỹ, lại không có mùi da thịt của những vị quốc vong thân, làm mồi nhử, trong khi mùi tự do, dân chủ mới thôi nôi nên chưa đủ lông, làm sao gây hưng phấn bằng mùi dân tộc rửa hận Điện Biên. Do đó, một tai nạn tập thể chực chờ những ai yêu nước ở miền Nam, đều lần lượt sa bẫy dân tộc đĩ bợm, sặc mùi tổng hợp giữa chất Quốc Tế 3 và Điện Biên Phủ của Hồ Chí Minh. 

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, trận Điện Biên rửa hận bằng máu đồng bào, đã thuộc sở hữu vĩnh viễn của đảng cộng sản, họ sử dụng chúng như miếng mồi, bẫy những ai yêu nước chưa góp xương, mặc cảm nợ nước, lỡ một dịp trả nên mới diễn biến thành lời sướt mướt, leo nheo kêu đòi hòa bình như mèo ướt. Và Trịnh Công Sơn là bậc thầy đánh bẫy và sa bẫy thống nhất, lúc nào cũng như con nghiện, thiếu heroin quê hương trong một số bài hát, đặc biệt là những bài trong tập Kinh Việt Nam.

3.

Khi sập bẫy dân tộc, đám nhân sĩ tả khuynh tạp pín lù miền Nam, ở trong tình thế phức cảm của những tên ôm mộng nhị trùng, ngớ ngẩn, ăn cơm sấy quốc gia Mỹ Ngụy, thờ con ma dân tộc hai nắm cơm vắt Điện Biên mỗi ngày. 

Tính hai mặt trong chính trị, do bị gián cách bởi yếu tố cơm sấy, vì ranh giới của độc lập, phải sạch bóng ngoại bang. Nếu không trực tiếp chống càng, nhân sĩ dễ dàng biến thành đám nhị trùng, đội lớp trung lập vỏ trấu, trốn quân dịch trong chùa, chờ thời trong hẻm cụt, gác trọ, khi thời cơ đến a lê thành đủ các loại gián điệp cò con vạc lớn. Có một loài gián điệp tàng hình trong âm nhạc, có tên là phản chiến của Trịnh Công Sơn. Một mặt, thấy những xác người trôi sông, nghe đại bác ru đêm, một mặt tảng lờ tiếng pháo kích, háo hức chờ những lá cờ từ rừng núi của anh em… rồi vội vàng khỏa lấp dấu vết lộ liễu phản chiến bằng những hình ảnh, một mai quê hương thanh bình. Trong khi ngày nào không có Việt cộng đắp mô, pháo kích, ngày đó thanh bình có ngay trên quê hương. 

Không thấy quê hương thanh bình, vì đã nghĩ chung quanh toàn một lũ “bội tình,” “lai căng.” Những cô gái cặp kè lính Mỹ, những thằng con trai còn trinh, biệt kích, nhảy dù hận đời với mấy câu đồng dao nghêu ngao trong xóm nghèo, hẻm cụt: Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con…

Không thấy quê hương thanh bình, vì giấc mơ Nam Bắc chưa về chung một nhà.

Vì tình thế chia cắt, vừa trong thực tại và trong ý thức hệ, mỗi nhân sĩ miền Nam đều có con sông Bến Hải chướng ngại trong lòng. Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa chỉ muốn ngăn sông, không vượt tuyến. Do đó, những ai sống ở miền Nam mà muốn vượt tuyến, buộc phải ngầm chống Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Không dám nhảy bưng, phải hành động dấm dúi như gián điệp, để hợp nhất tính hai mặt dằn vặt nội tâm, bởi con sông, đã tách suy nghĩ và hành vi, tách khao khát chủ thể tự quyết và dân tộc thống thất. 

Phạm Xuân Ẩn, điển hình cấp chiến lược cho tình thế trên. Võ Nguyên Giáp, gọi Phạm Xuân Ẩn là bộ não của Hà Nội ở Lầu Năm Góc. Ngoài cung cấp tin chiến thuật trận Ấp Bắc, Nam Lào, còn rỉ tai Quân Ủy Trung Ương về chiến lược theo mùa của Mỹ ở Việt Nam. Trong vỏ bọc nhà báo Mỹ, bạnh mắt dắt chó ra Givral như một nhân sĩ quốc tế, lượm tin và nhận định tình hình chiến sự hỏa tốc cho Hà Nội. Nhân sĩ tả phái Mỹ trốn quân dịch, Thomas Bass còn phải sập bẫy, gọi Phạm Xuân Ẩn, “Gián Điệp Yêu Chúng Ta.” 

Vậy mà, khi về dưới “bóng cờ chung,” Ẩn xong vai nhị trùng, trả “thẻ” nhà báo Mỹ, đóng lon đại tá Quân Đội Nhân Dân, ngày ngày úp mặt vô tường thủ thỉ với chó, chim, cá, đặng mà, triết lý bơ vơ về lòng trung thành và tự do cùng Thánh Gióng. 

Âu cũng tại tình yêu, cái giá của con mồi trước những cái bẫy. Không biết, trong khi nghe vợ đọc thư tiếng Mỹ của một người bạn Mỹ trước lúc sắp chầu ông bà, ông thấy gì trước lúc đi xa? So với Trịnh Công Sơn, ông không có cái bẫy để lại giăng thiên hạ sau khi chết, chỉ là con mồi ngon cộng vào miếng mồi chung, thơm mùi dân tộc Điện Biên trong cái bẫy Hồ Chí Minh. Với âm nhạc, Trịnh Công Sơn chơi một kiểu nhị trùng khác.

Loay hoay giữa chủ thể độc lập sấp mặt của một tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và tình thế buộc phải chơi trò nhị trùng, tương kế với Mỹ đang sử dụng miền Nam làm bàn đạp càn quét Việt Cộng. Cái chết của ông Diệm là sự thất bại của anh quân tử Tàu trong vai nhị trùng bất đắc dĩ, vì không đáp ứng nổi sự xung khắc giữa lợi ích thực dụng của Mỹ và danh dự quốc gia trong tình thế chia cắt. Một trong những lý do, Mỹ bật đèn cho đám tướng lĩnh xớn xác trong toan tính chính trị vùng miền, vì ngờ ông đi đêm với cành đào Việt Cộng trong Dinh Độc Lập. Ông Diệm biết mình ở trong cái gọng kìm dã man không lối thoát giữa Liên Xô và Huê Kỳ, thấy rõ số phận bức tranh màu nước của Việt Nam nhòe nhẹt đang là bãi tha ma náo loạn của chiến tranh lạnh, không cách gì khác, phải giết nhau chí mạng vì hầu bao hớn hở của ngoại bang. 

Tìm một lối thoát như cái ngách chuột cho độc lập dân tộc trong gọng kìm chiến tranh lạnh, là một điều không tưởng, qua việc ông đành/định/đi đêm hòa bình hớ hênh với Hà Nội, và cái bẫy quốc gia ông giăng bằng chiến tranh, chưa hết hai nhiệm kỳ của nền cộng hòa, nó đã bật ngược và lấy mạng ông. 

Do bế tắc mà ông đã ngộ nhận hòa bình bánh vẽ trước người anh em đang đói khát bạo lực, chỉ muốn cưỡng chiếm miền Nam bằng mọi cách qua  cái bẫy thống nhất. Nhắc tình trạng và kết quả bi thảm vì tính chất hai mặt của cụ Ngô, để thấy quy mô nạn nhân hai mặt khác nhau giữa, một đằng là tổng thống, một đằng là nhạc sĩ. 

Tổng thống hai mặt với Mỹ, nhạc sĩ hai mặt với tổng thống. 

4.

Lạng lách một vòng bối cảnh chính trị tiều tụy miền Nam, để thấy cái cách mà Trịnh Công Sơn xàng xê và giăng bẫy. 

Qua 12 bài trong tập Kinh Việt Nam, chàng háo hức như sắp mất trinh trên sông Hương, để vẽ bức tranh màu nước óng ánh mỡ gà, xây lại quê hương Huế- Sài Gòn- Hà Nội. Và qua bức tranh viễn mộng đó, chàng hớn hở như vừa tuột quần, phơi chính kiến hòa bình nhấp nhỏm và thống nhất rưng rưng, nhằm lâm ly bi đát tâm lý thanh niên miền Nam, biết hổ thẹn với tình trạng “bội tình,” và hãy kéo quần lên về với huyền thoại mẹ Việt Nam; đồng thời, đánh tiếng ton hót với người anh em, đang thắt lưng chống Mỹ bên kia vĩ tuyến, bị thôi miên sắp điên bởi chuyên chính, về một ngày mai cùng lóng ngóng dưới “bóng cờ chung.” 

Dù hôm nay tôi chưa về Hà Nội
Dù hôm nay em chưa đến Sài Gòn
Nhưng trong lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung

(“Chưa Mất Niềm Tin”)

Nghe rất giống giọng đĩ Nguyễn Đình Thi, “anh yêu em như anh yêu đất nước.” Và “bóng cờ chung,” là cờ nào? Chắc chắn không phải cờ vàng ba sọc đỏ, lất phất gió sông Sài Gòn trên đỉnh Thủ Ngữ, hay cờ xanh đỏ trắng lâm thời sốt rét rừng Lộc Ninh, mà là cờ đỏ “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” trong thơ Bác, sưu tầm ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, hay trên nóc hầm De Castries, trên những chiếc T54 tuột xích Trường Sơn. 

Và tại sao là “chưa về Hà Nội”? Tại sao “về,” chứ không phải đến? Vì “về,” là về với nguồn cội, nơi, người Việt Nam da vàng, đang phát động chiến tranh “Mỹ cút, Ngụy nhào,” giải phóng miền Nam “lai căng,” thống nhất đất nước, cho thỏa “lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung.” 

Còn dưới bóng không chung cờ, bẽ bàng và ô nhục quá, bởi “mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc,” mà bị bọn, lũ “lai căng” đang làm nhục.

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình.
(Gia Tài Của Mẹ)

M16, rõ ràng “lai căng,” nhưng AK47, T54, chắc chui ra từ trống đồng? 

5.

Trở lại Kinh Việt Nam, theo ông Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn viết những bài hát trong tập này, theo đơn hàng chính trị lá cải của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống, đồng hương Huế với Trịnh Công Sơn, thành phần dân sự duy nhất trong Hội đồng quân nhân cách mạng đảo chánh Ngô Đình Diệm 1963. Đống nói với Sơn: “Toi đã làm được Ca Khúc Da Vàng, tại sao toi không làm một tập Giáo Lệnh Việt Nam – Kinh Việt Nam, để cho người Việt Nam nhớ đừng bao giờ còn ngu cầm súng ngoại bang bắn vào đầu anh em, đồng bào mình nữa?”

Trong lời nói đầu Kinh Việt Nam (1968), Trịnh Công Sơn viết: “Là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh.” 

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Xuân: “Nguyễn Hữu Đống đã có kinh nghiệm làm đảo chính từ hồi 1963, nên sau Mậu Thân, nhất là sau khi có chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, anh cùng nhiều chính khách cũng như tướng tá Việt Nam Cộng Hòa cùng chí hướng bí mật tổ chức một cuộc đảo chính để “cứu nước.” Trong thời gian đó, tướng Trần Văn Đôn được Mỹ ủng hộ hình thành Mặt Trận Nhân Dân Cứu Nguy Dân Tộc. Qua trung gian “nhà báo” Đỗ Ngọc Yến, người Mỹ muốn tổ chức của Đống đặt dưới trướng tướng Đôn. Nhưng Đống không đồng ý, anh tự lập kế hoạch đảo chính Nguyễn Văn Thiệu, sẽ mời tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo (người miền Nam) sinh năm 1936 phụ trách kinh tế-xã hội, mời Bùi Thế Dung (sinh năm 1936, chồng của ca sĩ H.Th), đại tá Thiết Giáp, người miền Bắc, phụ trách quân sự, ngoại giao. Và Nguyễn Hữu Đống (người Huế, sinh năm 1937), phụ trách an ninh, báo chí-phát thanh. Sẽ đặt Trịnh Công Sơn làm bộ trưởng văn hóa.” 

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Xuân: “Tất cả những cuộc họp bàn đảo chính kéo dài trong nhiều năm đều diễn ra bí mật nhưng luôn luôn được thông báo từng chi tiết với Trịnh Công Sơn. Đến sau khi Sơn xây được nhà riêng xong (1971?) thì các cuộc bàn ấy diễn ra ngay tại nhà anh… Kế hoạch đảo chính chờ đợi thực hiện tháng này qua tháng khác, làm cho Trịnh Công Sơn rất sốt ruột.” Đọc đến đây, tôi nhớ vụ Nhất Linh hồi 1961, tham gia đảo chính tổng thống Diệm. Con người là sinh vật chính trị (Aristotle), do đó nhà văn hay nhạc sĩ, âm mưu làm đảo chánh, không có gì ngạc nhiên. Chỉ coi chiều hướng của đảo chánh, để thấy ý nghĩa của nó thiện lành hay bất lương. 

Âm mưu bất thành, Nhất Linh, tự xử trên ghế xích đu, để lại một lời thách: “Đời tôi để lịch sử xử.” 

Một hành động chính trị nhảy phốc vào quyền lực, chia và giành phần cai trị, nó có vẻ nhấn chìm những tác phẩm văn chương, tiếp nối hay phản bội đường lối văn nghệ cách mạng xã hội bằng văn hóa như đã, hay chuyển đổi từ văn hóa sang bạo lực như sẽ. Cái dấu gạch nối giữa đã và sẽ, như cây xiên, lụi dọc cuộc đời tác giả. 

May hay rủi không biết, âm mưu đảo chính của Trịnh Công Sơn, không xảy ra, may cho những người yêu ông, có thêm những bài “ru đời đi nhé” nhuốm mùi vô thường cá nhân và đậm mùi mộng tưởng dân tộc. 

Mộng tưởng trong điều kiện cái ác không hề vô thường, điều kiện chiến tranh xác quyết một mất một còn, mộng tưởng không biết có ngơ ngác cộng hưởng thành bất lương? Hay mộng tưởng là một thủ pháp, vẫy hòa bình cửa trước, rước chiến tranh cửa sau? 

6. 

Người viết tiểu sử Trịnh Công Sơn, hay sắp làm phim về ông, hay nghe đâu một trường đại học sắp mở khoa Trịnh Công Sơn Học, mà không học hay xi nê khía cạnh suýt thành hay hụt chức bộ trưởng văn hóa, thật đáng tiếc. 

Nếu tự hào, ca hát mãi về thái độ phản chiến, chắc không nên giấu giếm, hay kiểm duyệt phương cách phản chiến của nó là tổ chức đảo chính. Đảo chánh cướp “chính quyền bù nhìn” sẽ giải thích và biện minh hết sẩy tiến trình chính quyền về tay nhân dân như thế nào. 

Những vụ đảo chánh trên phim, ngoài giá trị giải trí chính trị, nó còn cho thấy, quyền lực đoạt bằng cướp, sẽ trở thành nhà nước, không thể không ăn cướp.

Nhà văn Mishima, tác giả Kim Các Tự, Nhật, tiểu sử của ông trên Google thật hách, do kêu gọi đảo chánh bảo vệ Nhật Hoàng bất thành, ông tự sát trong danh dự bằng nghi lễ thiêng Harakiri (tự mổ bụng). 

Đảo chính vì vua là bảo thủ, người ta còn ghi trong tiểu sử, đảo chính vì cách mạng sao không tự hào? Hay cách mạng đang thoái trào? Ờ, đừng lo bò trắng răng, việc này là trong tầm lý luận (kiểm soát) của Ban Tuyên Giáo.

Hay vì đảo chính không xảy ra nên không ghi, đừng quên, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, và nhật ký của những âm mưu, chắc nhiều chất giải trí hơn bộ dạng ngố của một anh bộ trưởng.

Câu thách, “Đời tôi để lịch sử xử” của Nhất Linh, như một đường chuyền, không có người nhận bóng, xì hơi chuồi vào hư không, cùng với cái chết của chính ông, sau đó của tổng thống mà ông muốn lật đổ. 

Vì lật ông Diệm, các ông sẽ làm gì khác hơn ông Diệm trong bối cảnh đó? Phía trước, làn sóng đỏ tràn xuống từ miền Bắc, từ “rừng núi giang tay,” một tiền đồn hừng chí của khối cộng sản; phía sau là khối tư bản, be bờ cầm cự. Giữa hai khối, một bên trụ, một bên dồn, chỉ có mỗi thế chính trị của miền Nam, cầm cự và thất thủ. Mỹ mất miền Nam, sẽ được Tàu Cộng (1973) và miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa (20…). Miền Nam mất thì được thống nhất như bây giờ. 

Triết học thời mới cắt quy đầu, phán, chính trị là bao cao su, cặc nào và đụ ai, không quan trọng, miễn là bán được nhiều bao nhất.

Trịnh Công Sơn và những người anh em của ông, chọn một hướng chính trị khác vào thời điểm đó, rình cướp bao cao su chính trị miền Nam, chồng vô con cặc Việt Nam thống nhất. Đảng độc quyền bao cao su, không biết sẽ đụ thế nào hay sắp bị những tay chơi toàn cầu đụ vô lỗ đít. 

Nhờ toàn quyền bao cao su, đảng và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sảng khoái nên đã công bằng, “xử” Trịnh Công Sơn “thắng cuộc” bằng cách, đặt tên ông cho hai con đường chừng vài trăm thước, ở Huế và Hà Nội. 

Con đường mang tên ông, tuy ngăn ngắn và nho nhỏ, nhưng âm hưởng “đại bác ru đêm” của nó, vang rền rất rõ.

Trong khi Nhất Linh mất mạng, không ai ngó ngàng. Lịch sử xem ra, không còn thẩm quyền trong các chuyên luận lom khom của sử gia, nó thuộc về mỗi cá nhân, dù mỗi người đang mắc chứng tâm thần không hay biết, nhưng buôn chuyện chớp nhoáng, truyền nhiễm còn nhanh hơn siêu vi Vũ Hán. 

Tôi dám chắc, Nhất Linh không tưởng tượng nỗi tình thế oái oăm đoài đoạn này. Ông thất bại trong đảo chính đã đành, và cũng thất bại luôn trong tưởng tượng, vì không ngờ nổi, chính lịch sử cũng bị đảo chánh. 

Vô cái thời, khi lịch sử bị đảo chánh, công lý may ra mới thực sự thuộc về “Tòa Án Nhân Dân.”