Phan Nhiên Hạo | Làm lại litviet, tháng 4, 2020

Thế giới đang trải qua những ngày siêu thực, chìm trong một trận dịch bệnh lan rộng và chết chóc chưa từng thấy, như đang qua một cuộc chiến toàn cầu kỳ quặc. Cuộc chiến này không tiếng súng, không lãnh thổ để chiếm đóng, không quốc gia để tự vệ, không chủ thuyết để nhân danh, không anh hùng để ngợi ca, không phản bội để khinh bỉ, không chỉ huy để ra lệnh, không lính thí để xây thành, không mặt trận để xung phong, không kẻ thù để tiêu diệt. Một cuộc chiến không giao tranh. Một cuộc chiến mà tất cả các loại vũ khí tối tân bỗng trở nên vô dụng hơn dao cùn. Người ta không thể làm gì ngoài chờ đợi, chờ đợi chết hay chờ đợi được sống sót. Người ta không thể dự phóng tương lai. Tương lai chỉ được tính từng ngày, xa nhất là tuần tới. Quá khứ vẫn còn dài, và là điều duy nhất chưa bị tổn thương. Cơn dịch bệnh này đem đến những câu hỏi về cuộc tồn tại, hay đúng ra chỉ nhắc lại những câu hỏi mà số đông chúng ta luôn tìm cách tránh né trả lời. Câu hỏi về ý nghĩa đời sống. Chưa bao giờ con người sống cô lập như những ngày này, phải giam mình trong nhà, nhưng cũng chưa bao giờ con người là một phần tử gắn kết với xã hội như hôm nay. Sức khỏe của anh là sự sống của tôi. Cái chết của tôi mang anh đến gần hơn huyệt mộ. Những bản tin không còn là chuyện xa vời, chuyện của kẻ khác. Ngày mai chính chúng ta có thể sẽ là những bản tin, như bài thơ cách đây nhiều năm tôi đã viết:

Tôi thích xem tivi và nhìn thế giới
di động trong khuôn hình chữ nhật –
một chiếc bồn cá không bọt khí –
mọi thứ ở xa, khô ráo và không bốc mùi.
Cho đến ngày chính tôi trở thành nhân vật
trong bản tin buổi chiều,
và đó là lúc chúng ta nhận ra
không có gì hoàn toàn miễn nhiễm
trước chiếc remote control.

(“Ở Nhà Mùa Hè Với Chiếc Remote Control”)

Dịch bệnh là chiếc remote control, được điều khiển bởi bàn tay của Thượng Đế, một kẻ luôn muốn được yêu kính nhưng không bao giờ muốn được hiểu, hay được điều khiển bởi bàn tay của số phận, là cái bóng luôn phản bội của mỗi chúng ta. Chúng ta không làm được gì nhiều, nhưng chúng ta có thể làm được vài điều có ý nghĩa, theo tính cách và khả năng của mỗi người. Thật ra chúng ta không nên cố gắng làm quá nhiều điều có ý nghĩa. Những đại họa của lịch sử đã được tạo ra bởi những kẻ tham vọng muốn làm quá nhiều điều có ý nghĩa. Những ngày kỳ lạ này nhắc nhở chúng ta rằng đời sống vốn ngẫu nhiên hơn những hoạch định, và ngắn ngủi hơn đường đến chân trời, là nơi chúng ta chỉ luôn gặp ảo giác. Làm điều gì đó có ý nghĩa thường chỉ đơn giản là đừng để mỗi ngày trôi qua không ý thức, đừng để mình lăn xuống suối như một hòn đá nhỏ mỗi khi bầy thú rừng đến uống nước, đừng tự đẩy mình vào giữa những tiếng động, quá huyên náo để không ai thật sự có thể nói gì dù tất cả đều lên tiếng, vì không ai thật sự lắng nghe, đừng sợ hãi bị cho là kiêu ngạo hay cải lương để sống theo cách của mình. Làm điều gì đó có ý nghĩa, và thật ra ý nghĩa nhất, là sống trọn vẹn từng ngày cái đời sống của mỗi người, dưới sự lãnh đạm mênh mông của bầu trời, như Camus nói trong Dịch Hạch, một cuốn sách mà người ta đang đọc lại sau nhiều năm quên lãng, and “thus, each of us had to be content to live only for the day, alone under the vast indifference of the sky.” Với cá nhân tôi, văn chương là thứ duy nhất tránh cho tôi đời sống của một hòn đá lăn xuống suối, nhắc nhở tôi ngước lên bầu trời, cho dù một bầu trời lãnh đạm, thay vì chỉ luôn cuối gằm mặt xuống đất. Và tôi làm lại litviet.

11 tháng Tư, 2020

Áp phích Tháng Thơ Quốc Gia Hoa Kỳ, 4, 2020 của Academy of American Poets