Phan Nhiên Hạo: Chào các chị Đỗ Hoàng Diệu, nguyễn hương, Thuận, và anh Hồ Đình Nghiêm. Cảm ơn các anh chị đã nhận lời tham gia bàn tròn văn xuôi. Tôi mong đây là nơi các anh chị có thể thảo luận một cách cởi mở những vấn đề mà các anh chị quan tâm, trong tư cách những người viết văn xuôi chuyên nghiệp. Tôi nói chuyên nghiệp vì các anh chị là những người đã tạo dựng vị trí văn học của mình qua truyện ngắn và tiểu thuyết, khác những người như tôi, những người làm thơ có viết vài truyện ngắn nhưng không chuyên chú với nghệ thuật văn xuôi. Vì lý do đó, trong bàn tròn này tôi chỉ đặt câu hỏi chứ không trình bày ý kiến riêng, nhất là những vấn đề có tính kỹ thuật trong văn xuôi.
Trước giờ nói “hải ngoại” là nói đến cộng đồng những người tị nạn phần lớn ra đi từ miền Nam. Hai trong số bốn anh chị trên đây — Đỗ Hoàng Diệu và Thuận — không thuộc trường hợp này. Các chị ra đi từ miền Bắc, và hiện tuy sống ở ngoại quốc, vẫn có nhiều liên hệ với giới văn chương trong nước, ít nhất nhiều hơn những nhà văn rời Việt nam đã lâu như chị nguyễn hương và anh Hồ Đình Nghiêm. Nếu dùng từ “hải ngoại” theo cách hiểu quen thuộc, đây không phải là bàn tròn của những “nhà văn hải ngoại.” Tuy vậy, tất cả các anh chị đều trải qua kinh nghiệm sáng tạo của những người sống bên ngoài Việt Nam, trong những tương quan phức tạp với mảnh đất mà chúng ta vẫn gọi là “quê hương.” Từ những vị thế vừa khác nhau vừa tương đồng như vậy, các anh chị đã và đang sáng tác như thế nào, suy nghĩ gì về văn chương Việt trong bối cảnh xã hội hiện nay?
Để bắt đầu bàn tròn, trước hết tôi đề nghị các anh chị nói về khía cạnh kỹ thuật của văn xuôi. Các anh chị viết truyện và tiểu thuyết theo những phong cách nào? Tại sao có sự chọn lựa đó? Những kỹ thuật này có liên hệ gì với đời sống bên ngoài Việt Nam và sự tiếp xúc của các anh chị với văn chương Âu Mỹ?
Hồ Đình Nghiêm: Thân chào các anh chị. Cám ơn nhà thơ Phan Nhiên Hạo đã làm gạch nối giữa chúng ta. Qua đối thoại này, tôi mong sẽ đón nghe những điều thú vị và mới lạ từ các chị. Trước tiên tôi thử vẽ ra một thời khoá biểu nhàm chán trong tuần: Thứ Hai đến thứ Sáu đầu bù tóc rối kiếm sống bằng ngôn ngữ lạ. Thứ Bảy, Chủ Nhật lu bu trong cái tổ chim gia đình. Bảy đêm ngủ không tròn giấc (chẳng phải bảy đêm khoái lạc), thảng hoặc vùng dậy chong đèn viết xuống một vài đoản văn giữa canh khuya. Giỏi lắm thì có chút hồn nhiên, chút lạc quan mà không cực lòng yếm thế than van. Nhớ xa nhớ gần và tựu trung viết gần là một tâm sự, để nguôi ngoai. Tôi hồ nghi hình ảnh trên nó nhuốm sắc màu của một anh công chức mẫu mực. Tôi không cho đó là sinh hoạt của một nhà văn. Tôi ăn gian khi cố tìm kẽ hở, khoảng trống thì giờ để viết lách mà chẳng tài cán gì để sống trọn vẹn, đắm mình toàn phần với cái nghề “trái khuấy” ấy. Thành thử, ngẫm lại, tôi vẫn mơ hồ về chữ kỹ thuật, phong cách; hoặc nói kiểu thời thượng: định hình một cõi viết riêng biệt. Nếu có một câu trả lời thành thật trong lúc này thì hình như tôi đã mê muội khi viết. Để tình cảm hành hạ chứ ít khi lí trí chạy tới dự phần. Nếu tôi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, giả dụ vậy, thì tôi sẽ “hồ hởi” nói mạnh miệng mà chẳng phải đưa tay ra sờ sau ót. Một số người quen ở Sài Gòn bảo tôi: Cậu muốn có sách in trong nước không, hãy chọn lọc khoảng mười truyện ngắn và tiên quyết cậu nên bỏ cái tật xách mé “phản động” luôn chứa đầy trong những sáng tác… Kết quả: một con số không “hoành tráng.” Và bài học vỡ lòng: muốn thỏa hiệp, anh phải biết nói trắng thành đen, hoặc ngược lại. Tôi nhớ ngày cũ, thời còn học mỹ thuật ở Huế, sau một tháng đi thực tế về nông thôn, khi trở lại trường làm bài thi cuối năm, những bức tranh không đạt tiêu chuẩn, bị đánh rớt là những bức phản ảnh quá trung thực cái đời sống lam lũ khốn khó của nông dân. Tại sao anh không vẽ họ khỏe mạnh, mắt sáng môi cười, ruộng đồng phì nhiêu, nhà máy đồ sộ hiện đại và cờ đỏ sao vàng reo vui lộng gió? Kinh nghiệm này chắc ai cũng từng trải, tôi nhắc lại chỉ nhằm trả lời câu hỏi:… có liên hệ gì với đời sống trong ngoài? Và thêm một nhận định đầy ngờ vực: Hơn ba mươi năm, câu chuyện sáng tác ở quê nhà vẫn chưa được xé rào sao?!
nguyễn hương: Chào các anh chị. Trả lời câu hỏi cũng là một thể loại văn đặc thù, với cấu trúc của riêng nó. Đành vậy.
Tôi đến với văn qua ngõ làm đọc giả. Tôi không nghĩ nhiều đến những câu chuyện truyền khẩu nghe hồi nhỏ. Có nhớ thì dăm ba câu chuyện tục một người đàn bà làm việc trong gia đình đã kể bằng cả điệu bộ. Tôi không nhớ lời lẽ, chỉ nhớ mắt chị nheo, hàm răng móm và ngực chị cười ngửa. Tôi tò mò nhưng không thỏa mãn với cung cách bị dẫn dắt vào thế giới đang được mở ra (trong trường hợp này là thế giới tình dục). Chắc vì nhiều lý do, nhưng lý do liên quan đến bàn tròn này là tôi có cảm tưởng không được đồng hành, mà bị rút chân, như chuột rút hay nước xóay. Với chữ trên trang giấy, tôi được thuyết phục, được dụ dỗ, được đồng tình trong sự song hành.
Khi đọc, tôi lần theo chữ, từ chữ này sang chữ khác, từ câu này sang câu khác, từ hình tượng này sang hình tượng khác, từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Rời mà như không đứt quảng. Như tôi nghe người ta hay nói khi thiền phải nương theo hơi thở. Theo chữ thành câu, theo câu thành bóng. Bóng này chồng lên bóng kia thành ra truyện. Theo hết truyện này sang truyện khác thì thành ngàn lẻ một đêm.
Khi viết có lẽ tôi cũng cố thiết lập lại tình trạng chủ động tương đối của đọc. Những mảnh rời của truyện tôi muốn để chỗ cho chính tôi và người đọc chọn lựa cách đồng hành. Những mảnh rời có thể kết thành truyện trong thời tính, có thể kết thành mặt bằng của trái đất, của khái niệm, của cảm xúc. Nhưng kéo miếng này miếng khác sẽ lên theo.
Còn lối viết đến từ bối cảnh xã hội nào và kinh nghiệm cá nhân gì thì để trả lời, tôi sẽ phải bước ra khỏi vai người viết và vào vai người phân tích. Tôi nghĩ khó lòng tôi có thể làm điều đó một cách sòng phẳng hay thuyết phục với chính văn chương của mình. Tôi có thể trả lời đại khái rằng kinh nghiệm sống bị đứt quãng vì biến cố lịch sử chiến tranh, dời đổi chỗ ở, và chỗ đứng trong tương quan với xã hội Mỹ lẫn Việt Nam đều có vấn đề nên tôi chỉ có thể nắm bắt hiện thực qua những mảnh rời. Những câu truyện nào đó dùng kết nối thành cuộc đời, thành thế giới của tôi đều bị những va chạm làm vỡ nát. Thế giới Việt Nam hồi nhỏ bị ngắt quảng bởi cái chết của miền Nam, bị va chạm vào quyền lực trong văn hóa của nước Mỹ. Thế giới của bên trong thì bị va chạm vào cách thế giới bên ngoài nhìn mình qua chủ nghĩa màu da hay trật tự của trung tâm và ngọai vi. Khi đến/về Việt Nam thì lại va và bể, lần này chí tử không kém khi sang Mỹ.
Nhưng điều tôi quan tâm trong cách đọc cũng như cách viết là sự liên quan giữa những mảnh vụn có vẻ mong manh đó, và cả sự liên đới của người viết/đọc, trong những mối tương quan mang tính xã hội, chính trị, kinh tế, hay cảm xúc.
Đỗ Hoàng Diệu: Thưa các anh chị. Rất nhiều lần, người ta đã hỏi là khi viết văn, hình thức hay nội dung được tôi chú trọng hơn. Tôi cho rằng những câu hỏi kiểu đó hết sức vớ vẩn. Hai cái đó tuy hai mà một, quyện chặt vào nhau. Nếu chúng ta cứ cố gắng tách chúng ra, chúng sẽ chết. Giống như thể xác và linh hồn của con người. Giả dụ khi anh viết, anh chỉ chú trọng vào chuyện viết theo cách nào, cổ điển hay hiện đại, liền tù tì không xuống dòng với những ý nghĩ đan cài lộn xộn hay chương hồi rành mạch, nhân vật tuyến tính rõ ràng… mà coi thường câu chuyện anh muốn kể, tác phẩm đó khó có thể lay động lòng người. Cùng lắm, nó chỉ là màn khoe chữ khô cứng đánh đố người đọc. Vì nghĩ thế, tôi ít khi chọn trước hình thức, mua sẵn các phương tiện kỹ thuật để “làm” tác phẩm của mình. Đối với tôi, ý tưởng là quan trọng nhất, ý tưởng hình thành nên câu chuyện và câu chuyện sẽ dẫn dắt cách viết. Nói cách khác, nội dung quyết định hình thức. Chúng ta còn nhớ, trong Âm Thanh Và Cuồng Nộ của William Faulkner, những đoạn tự sự của anh chàng khùng, kết cấu bị đảo lộn, câu cú lộn xộn liền tù tì không xuống dòng, khác hẳn những phần khác của cuốn sách. Bởi đó là dòng ý thức của nhân vật điên, và dòng ý thức đó đã dẫn dắt ngòi bút của Faulkner.
Bây giờ, người ta cứ so sánh cổ điển với hiện đại rồi hậu hiện đại. Có người cho rằng thời bây giờ mà còn viết theo kiểu cũ thì “vứt”. Tôi hoàn toàn không đồng tình. Thử điểm lại, chúng ta sẽ thấy đã sang thế kỷ 21, nhưng các tác phẩm được yêu thích nhất, được giới phê bình đánh giá cao nhất đa phần vẫn là văn học cổ điển. Truyện ngắn Maupassant là những câu chuyện kể đơn giản như truyện cổ tích. Tiểu thuyết Tolstoy phân chương hồi trường đoạn theo thời gian sự kiện và cuộc đời nhân vật từ trẻ tới già. Đến bây giờ, Maupassant, Tolstoy có bị cho là lạc hậu, là “vứt” không? Không! Chúng ta đừng chạy quá theo hình thức mà để rơi mất nội dung. Nói vậy, cũng chẳng phải tôi “coi thường” sự tìm tòi cách tân của một số tác giả hiện thời. Họ là những người tiên phong, đáng trân trọng. Song, tôi bảo thủ, văn học là một trong những giá trị tinh thần đẹp nhất của nhân loại, dù anh có “cải tiến” đến đâu, vẫn phải giữ hồn cốt sơ khai, nó mới đẹp.
Cuối cùng, trong phần bàn về khía cạnh kỹ thuật mà anh Phan Nhiên Hạo đề cập, tôi cho rằng dù nhà văn viết theo phong cách nào, không khí câu chuyện sẽ quyết định giá trị tác phẩm. Từ truyện ngắn cho tới truyện dài, kể cả tùy bút hay truyện cực ngắn. Chi tiết, hình tượng, ngôn từ, cách tạo câu, tạo nhịp… dệt thành không khí. Nghĩa là không khí tùy thuộc vào cả nội dung lẫn hình thức. Nhà văn viết làm sao để có thể dệt nên một bức màn. Từ bức màn vô hình ấy, độc giả ngửi được mùi vị, nhìn thấy màu sắc, nghe thấu thinh không, rồi xúc động hay sợ hãi, ám ảnh hoặc thỏa mãn… Như thế, với tôi, khi viết, khi đọc, nếu xóa nhòa được ranh giới giữa hình thức và nội dung, là tác phẩm thành công.
Thuận: Thân chào các anh các chị. Thật thú vị khi đọc ý kiến của anh Hồ Đình Nghiêm và chị nguyễn hương. Không phải bỗng dưng mà người ta có thể viết được. Hay là nên lạc quan tếu mà huyên thuyên rằng cũng nhờ nếm mùi Xã Hội Chủ Nghĩa mà giờ đây có được cái hiện thực độc nhất vô nhị của cố hương, để còn nghĩ ngợi liên miên, và đi xa mới biết so với những nỗi khổ trên thế gian này, làm nhà văn tha hương chỉ là một bất hạnh nhỏ như con thỏ.
Cũng thú vị không kém khi đọc ý kiến của chị Đỗ Hoàng Diệu. Chị Diệu cho rằng nếu “chỉ chú ý cách viết thế nào, liền tù tì không xuống dòng với những ý nghĩ đan cài lộn xộn” thì “tác phẩm khó có thể lay động lòng người.” Chợt nhớ trong Chinatown, một nhân vật của tôi cũng từng cám cảnh mà khuyên tôi “đừng tiết kiệm mấy cái dấu chấm để độc giả còn được xuống hàng nghỉ ngơi.” Đương nhiên là tôi chẳng dám tự so sánh với Faulkner thiên tài. Tôi cũng ý thức được rằng tôi điếc nên không sợ súng – không được dòng ý thức của nhân vật khùng nào “dẫn dắt ngòi bút” mà dám liền tù tì không phải chỉ một đoạn mà toàn bộ tác phẩm. Thực ra mà nói thì tôi không rõ có phải chỉ suy nghĩ của người điên mới có quyền “câu cú lộn xộn” và “liền tù tì,” tôi cũng không rõ trong sáng tác của các anh các chị, tác giả và nhân vật ai dẫn dắt ai, bởi trong khi viết, tôi hay đóng vai… trọng tài, ví dụ thế này: làm gì cũng được, ăn nói như mê sảng cũng không sao, nhưng chực rút khăn mùi xoa thì tôi đành lôi còi ra huýt. Không phải là tôi không hiểu hoàn cảnh, tôi cũng thông cảm thói mau nước mắt của dân ta, nhưng mà nguyên tắc “không cải lương” đã đặt ra thì nên tôn trọng, với lại nếu thông cảm thì cả tiểu thuyết cứ gọi là dầm dề, giá như phong cách của tôi là “Đời vui thế, anh em đồng chí” thì không nói làm gì, đằng này hiện thực vào tay tôi hiện thực nào cũng tối như đêm ba mươi, giá như văn chương Việt khô ráo thì cũng không nói làm gì, đằng này tác giả độc giả nhà phê bình của chúng ta từ ngày được cho phép khóc, động một tị là ôm nhau rưng rức.
Người ta ví von tác phẩm văn chương với nhiều thứ lắm, rất ư là rộn ràng mỹ từ. Tôi thì chỉ dám mường tượng rằng đó không phải là một quả táo để có thể cầm dao cắt một nhát thẳng tắp – phần này cho em là nội dung, phần kia cho anh là hình thức, hay phần này nặng ấy là tư tưởng, phần kia nhẹ tức là nghệ thuật. Thế nên tôi tự qui ước tất cả đều là… hình thức: không chia chương chia đoạn – là hình thức, hài hước – là hình thức, không cải lương – là hình thức… thì tại sao chọn chi tiết này, bỏ chi tiết kia – lại không đủ là hình thức?
Anh Phan Nhiên Hạo muốn hỏi về kỹ thuật viết ? Điểm sơ sơ đã thấy không kể xiết, nhưng có lẽ nên viết làm sao để không vô ý lộ kỹ thuật? Để chữ sinh chữ, nghĩa cho nghĩa, nhịp gọi nhịp? Dù thế nào, tôi cũng tin rằng chúng ta đều đồng ý với nhau ở một điểm: văn chương không thể bất động như một thây ma.
Rất mong nhận được phản hồi của các anh các chị.
Hồ Đình Nghiêm: Đây là lần đầu tôi được “ngồi” vào bàn tròn để nói tới những điều lớn lao (đối với riêng tôi). Tôi vẫn nghĩ: viết là một chuyện, mà nói tới cái sự viết kia lại là chuyện khác. Giống như một kẻ khi phát ngôn nghe tựa nước cuốn hoa trôi nhưng không chắc cái đứa ấy có khiếu viết văn. Chúng ta thử nhớ lại có bao nhiêu nhà phê bình sâu sắc đã viết nên một cái truyện ngắn thành công? E hiếm! Khi đọc xong một cuốn truyện hay, đầu óc tôi bần thần mụ mị và dĩ nhiên tôi sẽ không băn khoăn: nó hay là do đâu? kỹ thuật viết hay đã có thứ gì quyết định? Không rảnh! Ngắm một người đẹp (xin lỗi các chị) tôi chẳng thể mọc lên ý tưởng cắc cớ: giá mà dung nhan ấy trang điểm nhạt màu phấn son một tí!
Cám ơn những phát biểu chân thành của ba chị, tôi đang đứng trước ba lối đi nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng xem ra tên đường Đỗ Hoàng Diệu có vẻ gần với bước chân tôi nhất. Cố đi, cố chạy để khác với một thây ma bất động như lời Thuận. Trong lúc này, điều tôi hối hận nhất là chưa được cầm trên tay các tác phẩm của mấy chị. Có được nó, tôi sẽ không gõ nhầm cửa kẻ lạ. Gõ, sẽ mở. Nhưng mở với một nụ cười thì thích hơn.
Phan Nhiên Hạo: Dĩ nhiên việc tách bạch nội dung và hình thức là điều khó khăn đối với nhà văn. Đây chỉ là phương pháp của nhà phê bình, để giảo nghiệm tử thi nhằm tìm ra bí mật (hay án mạng) sáng tạo. Còn nhà văn khi viết là tạo ra một cơ thể sống. Nhưng dù sao, bỏ qua e ngại kiểu “thùng rỗng kêu to,” khi cần, nhà văn cũng có thể, và nên, nói đôi điều về công việc mình làm. Vì nếu không, sáng tạo văn chương sẽ nghe có vẻ như một hoạt động thuần túy cảm tính. Để cho rõ hơn, tôi xin hỏi các anh chị hai câu cụ thể.
Thứ nhất, các anh chị có thể nói về ảnh hưởng của các nguồn văn chương, đặc biệt là văn chương nước ngoài, lên văn của các anh chị không?
Thứ hai, các anh chị làm gì để tạo ra một phong cách văn chương riêng? Đây có phải là một quan tâm trong sáng tạo của các anh chị?
Hồ Đình Nghiêm: Tôi có ý đợi. “Lady first.” Đợi, khiến câu chuyện ngưng lại, tạo thời-gian-chết. Trong khi đợi tôi có đảo mắt qua một số trang mạng, đọc phải thơ văn không chấm phết, không viết hoa, không xuống hàng… (nhiều hơn ba không). Tôi nhớ lại những phát biểu của Đỗ Hoàng Diệu và Thuận trước đây, rồi tôi nghĩ mình nên góp lời ở khoản này. Có thể sẽ gây tranh cãi và làm “nóng” lên đôi chút. Khi đọc những trang văn như thế, tôi hình dung ra cảnh một thành phố đầy bát nháo chẳng có bảng Stop, đường một chiều, cul-de-sac. Tuyệt đối không thấy đèn báo hiệu giao thông. Thành phố vô kỷ luật kia chỉ sống có một nghề: bán áo quan, phu đào huyệt và cửa hàng chạm đục mộ bia. Tôi lại cắc cớ nghĩ: con của qúy vị văn thi sĩ ấy khi tới trường học chắc hẳn sẽ bị zero ghi mực đỏ trên bài tập làm văn. Ông bố kiểm tra và đưa ra hai điều răn: (1) mày chớ nên bắt chước bố, phải chịu khó ngắt câu bằng dấu phẩy, dấu chấm cho vừa lòng thầy cô; (2) mày bỏ mẹ môn văn đi, cứ học toán lý hóa cho giỏi vào! Nhưng thưa bố, văn thì bố có quyền bày trò chứ toán học thảy đều có định luật nguyên tắc bố ạ. Hay con bỏ tất tần tật…
Đó là một lối sáng tạo? Tôi nghĩ không. Tạo ra cái mới? Lại không nốt. Tôi vẫn quan niệm một vẻ đẹp khi hiện hữu nó phải có những yếu tố: trong sáng, dung dị, hồn nhiên, và nó độc lập, dù mong manh. Hãy lánh xa những thủ thuật trang điểm rối rắm. Tôi tạm dừng ở đây để nhường lời cho mấy chị.
Thuận: Người ta nói Hà Nội những năm hai nghìn là thảm họa kiến trúc. Tôi thì cho rằng Hà Nội những năm hai nghìn là vĩ thanh của những giấc mơ, được mơ từ những năm chiến tranh, những năm bao cấp, từ vốn văn hóa ít ỏi không ra khỏi bưu thiếp du lịch. Sau nửa thế kỷ chịu cảnh cho gì được nấy (may mắn nhất là căn hộ lắp ghép muốn vào bếp phải qua buồng tắm), người dân thủ đô lao vào cuộc ăn trả bữa, nô nức tự xây cho mình lâu đài Ba Tư, cung điện Véc-sai, Krem-linh, Tử Cấm Thành…
Từ chuyện kiến trúc mà suy ra chuyện văn chương. Người viết mới vào nghề thường cuống cuồng dưới những cái bóng của các cây đa cây đề, rồi trưởng thành dần nhờ tìm được lối đi cho riêng mình. Tôi không dám chắc lối đi của tôi cuối cùng có dẫn tới thành công, nhưng đã từ lâu tôi tự hiểu rằng chẳng bao giờ nên trông chờ các tác giả lớn đọc chính tả vào tai, hoặc cầm thước kẻ gõ vào tay nhắc từ này ước lệ, câu kia thiên hạ viết mãi rồi, rằng những gì mà họ có thể mang lại cho tôi chỉ là những cái nháy mắt, hay nói theo cách của Phạm Thị Hoài, một nhà văn đàn chị – những “hạt giống” mà tôi phải “mang về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đấy,” thì mới mong có ngày được hái quả. Nhưng nói cho cùng, trong nghề viết, kinh nghiệm nào cũng hữu ích, ở tác giả nào cũng có thể tìm được một lời khuyên, thậm chí các tác giả kém thú vị nhất cũng khuyên được ta một điều thú vị: hãy nhanh chóng rời họ mà đi.
Người nắm vững lý thuyết chưa chắc đã là người viết giỏi, nhưng có vẻ muốn đi được xa cũng nên trang bị một mớ kiến thức, để đừng loanh quanh một hồi lại quay về đúng những chỗ thiên hạ từng mòn gót chân? “Cao trào – xung đột – mâu thuẫn,” “đặt vấn đề – giải quyết vấn đề,” “khảo sát thế giới nội tâm,” “khắc họa và phát triển tính cách nhân vật,” “nêu cao tư tưởng nhân văn”… theo tôi, nên lập một bảo tàng văn chương mà gửi cả vào, cũng xin gửi kèm theo cái quan niệm cũ mèm trong đó tác giả là đấng tối cao, là kỹ sư tâm hồn, là nhà tâm lý học, sử gia, triết gia… Tôi đồng ý với quan niệm của Kundera: văn chương không khẳng định, nó chỉ tìm kiếm và đặt câu hỏi. Điều ngớ ngẩn của chúng ta đến từ chỗ chúng ta cứ cố giải thích mọi sự trên đời…
Đỗ Hoàng Diệu: Câu hỏi của anh Phan Nhiên Hạo khiến tôi mường tượng ngay đến cái làng nhỏ xứ Thanh Hóa của mình, nhớ quay quắt căn nhà gỗ ba gian một buồng nơi mẹ sinh tôi và nuôi tôi khôn lớn. Ở đó, có ngập tràn yêu thương và cũng hằn nặng bao nỗi buồn. Ở đó, ngày ấy, điều làm các thành viên trong gia đình tôi trăn trở nhất là ăn. Đói và đói. Triền miên từ ngày này qua ngày khác. Các chị tôi một buổi học, một buổi ra đồng đánh dậm. Các anh tôi mót lúa, mót khoai, thậm chí ăn trộm. Mẹ tôi còng lưng dưới đôi quang gánh và bố ho gập từng cơn đâu đó trong ngôi trường miền núi xa xôi. Tôi tin chắc miền Nam trước 1975 của anh Hồ Đình Nghiêm, của chị Nguyễn Hương không có cái đói rã rục như vậy. Hà Nội thời bao cấp của chị Thuận cũng đói, nhưng vẫn hiện diện hàng quà trên hè phố, vẫn rạp chiếu phim, vẫn tàu điện leng keng, vẫn công viên lá mùa thu… Còn làng nhỏ của tôi chỉ nhà tranh vách đất tiêu điều bên cánh đồng chiêm trũng và khu nghĩa địa khít mồ. Không đa đề cổ thụ để ngồi ước bà tiên, không đền chùa lễ hội để áo hoa nghiêng ngó. Thực ra đền chùa từng có vài ba ngôi, nhưng đã bị san bằng trước khi tôi chào đời.
Hoàn toàn “vô sản” từ vật chất tới tinh thần, những đứa trẻ chúng tôi “chết già.” May mắn làm sao, tôi còn có sách. Chiếc tủ bố tự tay đóng, đồ vật to, sạch và trang trọng nhất trong nhà. Đựng và gieo mọi ước mơ tôi. Cho đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn tự hỏi, nếu không có tủ sách ấy, bây giờ tôi là ai? Thợ cấy, lấy chồng Đài Loan hay công chức nhà nước tham nhũng hành dân, hay gái điếm trước cửa Sở Công An Hà Nội? Dù rằng, hiện tại tôi cũng chẳng là ai, nhưng còn có “tự do” và có thể nghĩ tới “ngày mai”.
Những cuốn sách là cả tuổi thơ tôi. Đói, tôi ăn Chiến Tranh Và Hòa Bình, Những Người Khốn Khổ, Ai-Van-Hô, Hội Chợ Phù Hoa… Ngủ, tôi mơ súp kem của Hugo, mơ bánh mỳ nướng mới ra lò phết bơ thơm lừng của Tolstoy… Rồi tôi no. Rồi tôi lại mơ… đến “những chân trời.” Tôi cho rằng, nếu không có những cuốn sách vô giá ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ viết văn. Sách, với triệu triệu ngôn từ, ngàn vạn hình ảnh đã dạy tôi yêu con người yêu cuộc sống và viết chứ không phải bản thân ông nhà văn A, B hay Trường Viết Văn Nguyễn Du. Từ từ, nó thấm vào máu mình. Mình không thể nhận ra, mình ảnh hưởng một cách vô thức. Hoàn toàn khác với sự bắt chước. Nên với câu hỏi thứ nhất của anh Phan Nhiên Hạo, tôi nói rằng tôi ảnh hưởng tất cả những cuốn sách tôi đã đọc, nhất là văn học kinh điển Âu Châu. Và Nguyễn Huy Thiệp sau này. Tôi chịu ơn những cuốn sách, ngày xưa và cả bây giờ.
Ở ngôi nhà ngói của mẹ tôi hiện nay, tôi đặt một tủ gỗ lim nâu bóng, tôi xếp rất nhiều cuốn sách giấy nhẹ bìa cứng, của các tác giả từ kinh điển lừng danh cho tới đương thời nổi tiếng. Mỗi lần tôi về, thấy sách vẫn nguyên, không bàn tay người chạm… Cháu tôi không màng, người trong làng còn bận kiếm tiền. Bây giờ, mở cửa, họ đâu còn đói…Tôi buồn, thật buồn. Tôi nhớ những cuốn sách giấy đen chữ nhòe ngày xưa của bố, hoặc mối mọt ăn ruỗng hoặc trôi theo dòng nước lũ sau trận bão năm nào. Tôi nhớ, khi cha tôi mắc bệnh hiểm nghèo biết không qua khỏi, đã ngỏ ý muốn tặng quê hương một tủ sách, đặt tại nhà văn hóa xã. Vị lãnh đạo xã cười cười nói với cha tôi: “Nhưng phải sách chính thống, không phải phản động ngoài luồng, bác nhé.” Hôm đó, trở về, cha tôi nằm bẹp luôn.
Phong cách riêng ư? Nếu có được, thật may mắn. Tôi nói may mắn, vì sao? Vì có phong cách riêng hay không, phần nhiều tùy thuộc vào cái tài. Nếu anh “mượn” của ông này đã rất độc đáo bà kia đang thật đặc biệt một ít, rồi cố gắng tẩy xóa, bắt chước, phù phép để thành của mình, cho thiên hạ biết ta khác biệt, ta không lẫn với đám đông… thì sớm muộn cũng bị lật tẩy. Tôi cho rằng, sáng tạo chủ yếu dựa vào tài năng, nếu cứ cố thì cũng ra tác phẩm, nhưng … Thôi thì, hãy để mọi việc tự nhiên.
Chiều nay, chồng con tôi đi thăm họ hàng. Trước khi đi, chồng tôi “lệnh” phải nằm yên trong chăn ấm nghỉ ngơi, không được vào mạng hay viết lách gì. Thế nhưng tôi đã mò dậy, đã viết những dòng này, đã khóc. Thêm một lần, tôi lại “hư,” lại không đi theo đường lối, chính sách, chủ trương mà ai đó vạch sẵn.
nguyễn hương: Tôi nghĩ hai chị Thuận và Đỗ Hoàng Diệu đã trả lời dùm câu hỏi cho mọi nhà văn: (1) người có gì để viết thì không màn cây đa cây đề; (2) các trào lưu hay thử nghiệm cần thiết để ý tưởng vươn tới nhưng rồi chúng cần được quăng vào bảo tàng khi nhà văn đã lấy được cái gì cần lấy; (3) nhà văn thật sự thì tự viết không để bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nhà văn khác, mặc dù gián tiếp thì thấm nhuần kho tàng văn học thế giới; và (4) mỗi nhà văn đều có một tự sự về quá trình hình thành của mình, thường là trong nghịch cảnh.
Để tiếp theo, tôi thử cố nói thêm điều gì đó ngoài những điểm chung kể trên. Chị Đỗ Hoàng Diệu nói đúng. Tôi không có kinh nghiệm lớn lên trong cái đói của Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng tôi hiện ở vài tháng mỗi năm tại Việt Nam trong cái thời Xã Hội Chủ Nghĩa kỳ nhông thèm hội nhập vào kinh tế hàng hóa toàn cầu. Và tôi có kinh nghiệm lớn lên trong chủ nghĩa kỳ thị màu da và tư bản ở Mỹ trong những hoàn cảnh có lẽ cũng không dễ cho những người nghèo. Mỗi kinh nghiệm đều để lại hai ý muốn trái ngược: dấn thân và bỏ chạy.
Ý muốn dấn thân và bỏ chạy xảy ra trong nhiều cách, nhưng có lẻ cách chính đối với tôi là trong chọn lựa ngôn ngữ đọc và ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ duy nhất của tôi là tiếng Việt cho đến năm 12 tuổi. Khi sang Mỹ, đời sống trong ngôn ngữ tiếng Việt bị gián đọan trong nhiều mặt của đời sống. Thay vào đó là tiếng Mỹ, một thứ tiếng tôi phải học trong tương quan bị định vị là người ngọai quốc, thua kém người bản xứ trong kết hợp chặt chẽ giữa tiếng Mỹ và một văn hóa chuyên chở trật tự hàng dọc giữa da trắng và da màu. Tôi đã phải cố học thật nhanh để chạy thoát thân thế, và dấu đi cái tiếng Việt như một ký hiệu chỉ cái nghèo, cái kém văn minh, cái không trắng. Từ từ, tôi phản ứng lại áp lực đồng hóa trong định vị của tiếng Mỹ bằng cách tìm đọc một số sách tiếng Việt lúc đó đã được một cộng đồng tiếng Việt đang hình thành tại Mỹ in ấn. Tiếng Việt biến thành cái bóng bám theo tiếng Mỹ trong cương vị vừa là ngôn ngữ nội tâm vừa là ngôn ngữ công cộng.
Lúc tôi bắt đầu viết nhiều công trình làm việc bằng tiếng Anh là lúc tôi thèm viết truyện. Có lẽ vì tôi lờ mờ cảm nhận được rằng còn những sự thật khác bên dưới sự thật mình đang sản xuất trong lý tính và ngôn ngữ thống trị.
Khi tôi bắt đầu viết truyện, cái thứ tiếng bị dấu vào bóng tối lại là thứ tiếng bung ra đòi nhìn nhận, trong hình hài bị gián đọan, mảnh còn mảnh mất phải được lấp đầy bằng một tưởng tượng về ngôn ngữ mẹ đẻ. Viết bằng tiếng Việt vừa cho phép tôi bỏ chạy ra khỏi chỗ bị định vị trong tiếng Mỹ, vừa là cách tôi chống lại địa vị độc tôn của tiếng Mỹ trong xã hội đang sống và địa vị độc tôn của tiếng Anh trong thế giới toàn cầu. Tôi tưởng tượng rằng đây là phản ứng nhỏ nhoi trước trật tự to lớn vận hành trên số mệnh cá nhân.
Nhưng cái tiếng Việt tôi xử dụng chắc chắn cũng không còn là tài sản quốc gia Việt Nam, cho dù cái Việt Nam đó là Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu trốn được cái bá quyền của tiếng Mỹ/Anh chỉ để rơi vào dân tộc thì thật là một định mệnh khốn nạn không kém lưu vong (dù có “nhỏ như con thỏ”). May thay, tiếng Việt tôi được thừa hưởng rơi rớt ra ngoài cái khung của biên giới quốc gia. Ở thập niên 90 lúc tôi viết truyện, tôi đọc các nhà văn nhà thơ viết tiếng Việt cùng thế hệ (được gọi nôm na một cách rất có vấn đề là thế hệ 1.5 – những người định cư ở nước sở tại khi chưa trưởng thành): Phạm Thị Ngọc, Trần Vũ, Lê Thị Thấm Vân… Cái tiếng Việt của họ là thứ ngôn ngữ bị đập vỡ trong cuộc di cư bi thảm, bị khỏa lấp bởi áp lực đồng hóa, bị dằn xé giữa con người được hình thành trong tiếng mẹ và lớn lên trong tiếng sinh hoạt hàng ngày ở nước sở tại.
Như chị Đỗ Hoàng Diệu nhắc nhở, biên giới quốc gia thật ghê rợn. Cái tủ sách cũng phải chính quy. Nếu không phải được canh giữ bằng não trạng toàn trị của Xã Hội Chủ Nghĩa kiểu đó, thì biên giới quốc gia (trong trường hợp này là quốc gia hậu thuộc địa) cũng kỳ khu hình thành hai tủ sách: tủ sách văn học quốc gia và tủ sách văn học thế giới. Tủ sách văn học quốc gia yêu nước chống thực dân và làm văn gãy gọn đúng văn phạm chính tả không lai căng. Chui vô tủ sách này coi chừng được người ta vỗ đầu khen đi lâu mà còn giỏi tiếng Việt, không quên cội nguồn. Tủ sách văn học thế giới thì vỗ tay di sản văn hóa nhân lọai do thực dân tuyển chọn và dịch thuật sang tiếng Anh Pháp của thời thuộc địa và tiếng Mỹ Anh của thời toàn cầu từ các thứ tiếng thuộc địa, bán thuộc địa, tân và cựu thuộc địa. Chui vô tủ sách này coi chừng được vỗ đầu khen văn minh và phổ quát theo tiêu chuẩn thực dân tân và cựu.
Chui đầu vô đâu cũng là rọ. Chỉ còn cách là vừa dấn thân khều khều chút chút vừa bỏ chạy. Vì đọc thì thường xuyên vẫn phải đọc và viết thì có khi vẫn phải viết.
Xin phép anh Hạo cho tôi trở lại chuyện đọc các nhà văn ngoài tiếng Việt trong lần sau. Còn bút pháp của mỗi người thì tôi ngờ rằng anh có thể phải đặt câu hỏi cho mỗi người về một lối viết riêng nào đó của họ thì mới dễ có câu trả lời cụ thể.
Hồ Đình Nghiêm: Đúng như Đỗ Hoàng Diệu nói, trước 1975 tôi chẳng những đã không đói mà còn hưởng được một gian đoạn sống trong an lành, hồn nhiên của tuổi học trò. Khác với Đỗ Hoàng Diệu thêm điều nữa, trong nhà tôi chẳng có tủ sách. Muốn xem phải mượn căn cước (chứng minh nhân dân) của người lớn để đi mướn (thay cho tiền đặt cọc). Sách truyện thì thiên hình vạn trạng, đáp ứng cho mọi tầng lớp, lứa tuổi. Tôi vẫn nhớ căn nhà cho thuê truyện ấy nằm trên đường Hoàng Diệu (thiếu chữ Đỗ). Một tủ sách gia đình ắt hẳn phải có sự chọn lọc. Một nơi cho thuê truyện thì khác. Do vậy cái việc đọc của tôi rất tùy tiện, hỗ lốn, thượng vàng hạ cám. Giả dụ cái đứa ấy mơ làm văn sĩ, nó sẽ viết xuống giấy những gì? Đây là dấu hỏi tiếp theo cái câu hỏi của Phan Nhiên Hạo: ảnh hưởng các nguồn văn chương nước ngoài lên văn mình? Nếu đọc đủ mọi thể loại mà chẳng kịp tiêu hóa, cái đứa nọ e dễ tẩu hỏa nhập ma (nói theo ngữ điệu kiếm hiệp).
Có một điều nên tự vấn: môi trường sống, những chuyển biến thời cuộc, xã hội người ta đang phải đắm mình vào… những thứ ấy có tác động trực tiếp vào sáng tác không? Tôi ngờ là có. Người ta không thể bức rời nó toàn phần để viễn mơ tái dựng một cảnh sống khác. Ở những nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa, người ta lập ra trại sáng tác bởi họ nghĩ thơ văn chẳng thể rời xa thực tế. Chừng mực nào đó, quan niệm ấy chẳng trái khuấy. Vấn đề còn lại, tự anh, cá nhân anh phải biết tự dò tìm lấy lối đi riêng. Paul Gévaldy có nói: “Cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác biệt nhau để yêu nhau.” Với tôi, cái mà tôi cho là tiên quyết, phần nổi trội trong một tác phẩm chính là ý tưởng của người viết nên tác phẩm đó. Như Guillaume Barante (khổ thật, cứ phải lôi kéo người Tây phương ra làm lá chắn!): “Người ta làm tươi trẻ một ngôn ngữ không phải bằng câu văn mà chính bởi ở những ý tưởng.” Tôi hy vọng các anh chị sẽ đồng thuận với cảm nhận của tôi, trước khi chúng ta bước qua một đề tài khác. Và nếu đúng thế thì chúng ta chủ trương hòa bình, không tranh luận tạo chiến tranh bàn tròn? Tôi tâm đắc câu trả lời của Thuận.
Đỗ Hoàng Diệu: Tôi có phần băn khoăn với suy nghĩ của anh Hồ Đình Nghiêm. Anh cho rằng nếu một đứa trẻ đọc “thượng vàng hạ cám” đủ mọi loại sách mà mơ làm văn sĩ, nó sẽ viết xuống giấy cái gì.
Tôi băn khoăn. Vì tôi biết có không ít người đọc sách nhiều hơn tôi ngàn vạn lần, nhưng họ đã không viết văn. Tôi cho rằng, muốn viết văn hay thì trước hết phải đọc sách, nhưng đọc sách nhiều chưa chắc đã muốn (và biết) viết văn. Vấn đề còn tùy mỗi cá thể, mỗi tâm hồn, mỗi trí não. Có cái gì đó như là số phận. Không chỉ con người có số, một quyển sách một truyện ngắn cũng có số phận riêng.
Tôi băn khoăn. Vì ngày đó, tôi không chỉ đọc văn học cổ điển châu Âu. Tôi đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy, Tuổi Trẻ Lê- Nin, Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch, Lê- Nin Toàn Tập… Và thuộc lòng hầu hết thơ Tố Hữu, Hồ Chí Minh, Sóng Hồng (Trường Chinh) có trong sách giáo khoa. Tôi còn đọc cả sách bàn về phương pháp nuôi lợn, nuôi gà. Bất cứ cái gì có chữ là tôi “xơi”. Đói quá mà. Rồi tôi viết truyện ngắn đầu tiên năm lên chín, in ở báo Nhi Đồng. Tứ đó đến khi 14, tôi viết đều đặn. Nhưng không truyện nào của tôi có ơn Đảng ơn Bác cho dù ngày nào đi học tôi cũng hát “ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng…” Vậy thì tôi tự hỏi, phải chăng sách ta đọc hay môi trường ta sống không thể tác động đến cái ý tưởng – cái cốt lõi của một người viết? Mà chính anh, bản thân anh mới là người quyết định.
Tôi băn khoăn. Vì có viết văn, nhưng chưa bao giờ tôi nuôi mộng làm nhà văn. Chỉ là tự nhiên mà viết ra, chỉ là tự nhiên không thể không viết. Ngày nhỏ, tôi mơ đi Liên Xô du học. Thầy giáo bảo dễ lắm, khối C, có người thi chỉ đậu 16 điểm đã được đi. Rồi Liên Xô sụp đổ, tôi muốn làm nhà báo. Cuối cùng thì tôi cũng bỏ qua báo chí, đặt chân vô trường luật với mong muốn được giữ lại trường làm giảng viên hoặc quan tòa. Học xong, có cơ hội thực hiên ước mơ đó, tôi nhìn xung quanh, lại thấy chán, nên bỏ đi làm báo. Rồi, lúc cặm cụi viết “Vu Quy,” “Bóng Đè,” “Dòng Sông Hủi”… là lúc tôi đương miệt mài theo khóa học để lấy chứng chỉ hành nghề luật sư. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không có cái mộng tưởng nhà văn. Dù vẫn viết. Viết ra không được cấp giấy phép xuất bản, thì để đó “làm của”. Chỉ là tự nhiên viết thế mà thôi.
Phan Nhiên Hạo: Chị Đỗ Hoàng Diệu cho rằng môi trường sống “không thể tác động đến cái ý tưởng – cốt lõi của một người viết? Mà chính bản thân anh mới là người quyết định.” Tôi hiểu ý chị trong vấn đề này, vì tôi cũng có kinh nghiệm đi học trong nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa ở Việt Nam, thậm chí đã từng là học sinh giỏi văn, nhưng rốt cuộc bây giờ vẫn “không thể” làm thơ viết văn theo kiểu hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dủ văn chương chẳng có mấy tác dụng thực tế, tôi nghĩ vẫn có sự trông chờ từ phía đọc giả về sự lên tiếng của nhà văn trước các vấn đề thời sự sôi động ở Việt Nam hiện nay. Các anh chị nghĩ gì về cái mà người ta thường gọi là “vai trò xã hội của nhà văn?”
Hồ Đình Nghiêm: Các anh chị đã xem bàn tròn thơ trên trang litviet? Tôi đã đã đọc, và tôi đã bần thần. Cám ơn Phan Nhiên Hạo đã gầy dựng được một bàn tròn lôi cuốn như vậy. Những nhà thơ đã cất tiếng, cần thiết, quý giá; không những cho đọc giả bình thường mà còn ảnh hưởng sâu đậm tới chúng ta, những kẻ được xem là nhà văn đang ngồi lại với nhau ở bàn số hai. Bàn số một, ưu tiên cho “nàng” thơ. Tại sao người Việt mãi quen mồm xướng danh thơ là Nàng? (Tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có lần đã đồng tình với nhau: Chả có gì “sến” bằng Chàng, Nàng nằm ngổn ngang trong văn chương). “Nay ở trong thơ nên có thép.” Như thế, chả lẽ Nàng đang biến dạng thành robot? Nói như vậy cũng để trở lại cái “băn khoăn” của Đỗ Hoàng Diệu, bởi tôi vẫn “sắt thép”: môi trường sống tác động nhiều trên nếp suy nghĩ của kẻ làm nghệ thuật. Hãy thử mường tượng nếu Nguyễn Huy Thiệp sinh ở Sài Gòn, chắc chắn sẽ không có những tác phẩm tạo ra một tên tuổi nổi tiếng về truyện ngắn một thời. Hãy hoán đổi chánh quán của Đỗ Hoàng Diệu và Hồ Đình Nghiêm, làm sao người đọc biết được một “Bóng Đè” gây tiếng vang? Vấn đề địa lý? Cũng có thể, cây quýt này đem qua trồng ở chốn giá băng Canada thì hỏng!
Vì vậy, tôi quan niệm văn chương và hiện thực là cuộc hôn nhân khó tìm lí do để li dị. Những nhà phê bình soi rọi một cuốn sách đôi khi nương nhờ vô cái thời điểm mà tác giả ấy sống qua, xã hội ấy chịu thảm họa nào? Sao Phùng Quán, Trần Dần làm thơ đắng lòng thế kia? Xứ sở Thụy Điển của nhà thơ Tomas Transtromer thanh bình yên ả đến độ khiến những hình ảnh lắp ghép hiển hiện trong thơ ông tuyệt không có chút bạo động. Một suy tưởng đằm thắm, thong dong. Và ông đã mang lại được gì cho cái xã hội cưu mang ông: giải Nobel về thi ca.
Ở Việt Nam, nhà văn là thứ chức phận tủi hổ. Một bọn bán trời không văn tự. Xã hội có vẻ cay nghiệt với bọn ấy, trong khi trước đây khinh rẻ tụi ca sĩ bằng cụm từ “xướng ca vô loài” thì giờ này đã “cởi trói”. Lạ, cỡ như Đàm Vĩnh Hưng mà cũng có khối đứa mơ tưởng! Trần Mạnh Hảo hả? Coi chừng, tay này viết lách lạng quạng lắm. Phường phản động đấy! Tôi còn nhớ, có lần nhà văn Mai Thảo tâm sự: “Chỗ ngồi của anh nên là một góc khuất lấp, ở sâu trong bóng tối. Sân khấu đèn màu là nơi đứng của bọn Hùng Cường Mai Lệ Huyền.” Vai trò xã hội của một nhà văn? Khi anh bị nghi kỵ, anh bị kẻ khác đề phòng, làm thế nào anh có thể chuyển tải tới họ một thông điệp? Thực chất thì anh chẳng có một vai trò gì cả. Nếu đam mê nghiệp viết, anh nên làm việc trong đơn côi và đừng để cho một tham vọng nào manh nha, lân la tới quấy rầy. Trong bàn trò về thơ, tôi đọc và thích cái ý tưởng của anh Tô Thùy Yên: “Một tác giả giỏi là một tác giả tập viết thật nhiều. Hãy viết thật nhiều nhưng hãy giữ thật ít.”
Vấn nạn của tôi là đã viết không nhiều, lại phơi ruột phơi gan ra có ngần ấy thứ. Nhà văn, ngoài giấy bút (hoặc computer) còn phải sắm thêm một cái gương. Săm soi, tự tra vấn chứ không phải trang điểm trước khi bước ra sân khấu đèn màu. Phải biết nghi kỵ những tiếng vỗ tay, nếu có thể.
nguyễn hương: Tôi nghĩ không có một vai trò chung cho nhà văn. Mỗi nhà văn nhìn thấy chỗ đứng của mình trong tương quan với xã hội thông qua những giá trị chính trị, và chọn cho mình một cách viết thích hợp. Nói chung chung như vậy cũng bằng thừa, nên tôi xin nói về suy nghĩ của riêng tôi.
Tôi mong ước cái viết của mình mang nhiều khả năng quấy rầy. Tôi mong có thể làm phiền những câu chuyện đã nằm sẵn trong ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản, tư bản, đế quốc hay dân tộc. Những câu chuyện như thế rất dễ cho người ta chộp lấy xử dụng cho mục tiêu chính trị của họ. Dĩ nhiên họ ở đây là những phe nhóm, những tổ chức, những định chế nhà nước có đủ quyền lực để ăn và rút tủy những thứ văn hóa phẩm làm mập mạp cho những câu chuyện về dân tộc, nhân dân, về tự do, bình đẳng, hòa bình, phồn vinh, tùy quyền lợi của họ.
Có nghĩa là tôi mong trong cái viết của mình hiện hình những điều nửa nhớ nửa quên để làm phiền hà lịch sử chính quy tin chắc vào sự thật của nó. Tôi ước viết những điều không biết hay không thể biết để phá cái mọi người biết chắc. Những hạt sạn, những miểng chai. Tôi muốn viết những phế vật sau khi chiến trường đã dọn, viết những vết bợn còn lại sau khi phòng tra tấn đã lau khô, viết bằng cái mơ hồ trước cái sẽ tới. Tôi ước có khả năng làm phiền lý tính và thời tính chảy xuôi. Chưa chắc viết được. Ước.
Dĩ nhiên, đó có nghĩa tôi mong lật ngược thời sự thường được đặt vào khung lý tính và thời tính dễ xài cho những chủ nghĩa lớn và những người mạnh. Anh Phan Nhiên Hạo hỏi một cách cụ thể là nhà văn nói gì trước biến cố. Tôi không nghĩ có biến cố được biết đến mà không thông qua thời sự (chuyện của thời). Đã là sự, là chuyện thì phải nằm trong ý thức hệ, chủ nghĩa. Chẳng hạn như thời sự Biển Đông. Các sự kiện biến thành biến cố khi được kể bằng giọng chủ quyền dân tộc (Trung Quốc hay Việt Nam). Và những tuyên bố của hai nhà nước hay phản ứng của nhiều người dân đều nằm trong chủ nghĩa dân tộc vẹn toàn lãnh thổ.
Đối với tôi, chủ nghĩa dân tộc với đòi hỏi tự quyết trên khái niệm vẹn toàn lãnh thổ nằm trong logic của chính trị chết. Có nghĩa là để cho tổ quốc sống thì phải có người chết. Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. “Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước.” “Đường vinh quang xây xác quân thù.” Khổ nổi cái sống trừu tượng của tổ quốc thì lại cụ thể nằm trong tay một số nào đó, ba triệu đảng viên hay 170 ủy viên trung ương, một hai triệu thành phần giai cấp cai trị trong chính trị và kinh tế hay 19 ủy viên bộ chính trị, hoặc giả cụ thể hơn nữa, trong mười mấy đại tập đoàn kinh tế. Còn con số chết trong trận chiến dân tộc chống Mỹ thì ước lượng khoảng năm triệu người. Cái sống của người dân cụ thể bị ảnh hưởng bao nhiêu trong cuộc tranh chấp lãnh hải hiện thời? Quyền lợi khai thác dầu hỏa sẽ vào tay ai? BP, Exxon-Mobil, Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam? Ngư dân mất diện tích biển để đánh cá như một phương tiện sinh sống thì phải giải quyết như thế nào mới thật sự phản ảnh nhu cầu cụ thể của họ? Bỏ ra nhiều tỉ Mỹ kim để Việt Nam trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất ở Đông Nam Á trong vòng sáu bảy năm qua để thỏa mãn cảm xúc dân tộc? Những câu hỏi tầm thường như vậy có vẻ không gây hào hứng cho cả nhà nước lẫn nhà yêu nước.
Mùa hè năm ngoái, anh Phan Nhiên Hạo có hỏi tôi nghĩ gì về thời sự biểu tình yêu nước. Lúc đó, tôi ngần ngại trả lời vì còn hy vọng những hình thức biểu tình có nhiều khả năng nới rộng không gian dân chủ và thực hành thói quen dân chủ. Tôi có tham gia quan sát những đợt biểu tình này từ tháng 12 năm 2007. Cả năm ngoái tôi vẫn có mặt mỗi Chủ Nhật ở điểm thường tập họp để quan sát. Năm nay tôi thấy khả năng dân chủ giảm xuống – khi phe nhóm nào đó trong nhà nước vì đang dành lấy sự ủng hộ chống lại các phe khác, đẩy được quốc hội thông qua Luật Biển thì tôi thấy người ta đi biểu tình ủng hộ Luật Biển của nhà nước Việt Nam. Khi Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố bảo vệ chủ quyền thì những người yêu nước viết thỉnh nguyện thư lập tức tán đồng. Thọc vô cái áo mưa yêu nước thì né được nguy cơ bệnh phản động lây lan. Thỉnh nguyện thư yêu nước như của nhóm Bauxit thì giới hạn không lấy chữ ký của những thành phần mà Đảng và nhà nước cho là phản động. Dân chủ ở đây học tập ngoài lề đường, nhưng tránh lề phản động. Té ra dân tộc tự quyết không nhất thiết gồm ý nghĩa dân chủ. Dân tộc trước, dân chủ sau. Nhìn vào văn chương yêu nước Văn Lang, Lạc Hồng, thì cũng không biết ai sẽ phải mất mạng để minh họa cho lời lẽ lãng mạn không khác nội dung thơ Tố Hữu trong ba cuộc chiến Đông Dương của thế kỷ hai mươi. An ủi chăng là thi ca yêu nước hậu sinh không khả úy. May ra con số chết do đó cũng sẽ ít hơn ba cuộc đánh Tây đánh Mỹ đánh Tàu-Campuchia.
Còn nhìn từ chỗ đứng của cá nhân tôi thì còn phải e dè hơn nữa. Người ta đòi giết và chết cho tổ quốc. Tôi không có và không dám (và cũng không ai cho trọn vẹn) có tổ quốc. Tôi chỉ thấy mình hụt hơi chạy mà không thoát bạo lực của đế quốc và hậm hực của dân tộc nhỏ.
Từ một lộ trình như thế thì tôi chọn viết về những vệt khói ám đế quốc và dân tộc, trong mỗi bối cảnh thời sự.
Thuận: Lý do khiến văn chương Việt Nam èo uột, có khi tổ chức đến mấy chục bàn tròn cũng không thể kể hết. Tuy thế, theo tôi, lý do chủ yếu vẫn là làng văn của chúng ta đông thì đông thật, có cảm tưởng chỗ nào có người Việt là có nhà văn và nhà thơ, nhưng đa phần là người viết không chuyên. Chín mươi phần trăm nhà văn Việt Nam coi viết là chỗ dốc bầu tâm sự và nếu có tiếp tục viết, vài ba tác phẩm đầu tay cũng vẫn sẽ không đủ chỗ cho hết giãi bày. Càng lớn tuổi người Việt càng lắm hoài niệm tiếc nuối, càng nhiều thời gian rảnh rỗi, càng muốn để lại cái gì đấy cho đời sau. Xây chùa, xây phủ, và nhất định phải có vài ba “tác phẩm văn chương.”
Theo quan niệm của tôi, người viết chỉ trở nên chuyên nghiệp khi đi xa khỏi bản thân, khỏi câu chuyện của chính mình. Viết, nói một cách giản dị hơn, là bày tỏ, bênh vực và chứng minh thái độ của nhà văn với hiện thực, trong nghĩa lớn nhất là câu hỏi: sao chép hiện thực hay sử dụng hiện thực, trung thực hay bóp méo, đồng ý hay phê phán? Tôi tôn trọng hiện thực cùng sự thật. Nhưng dứt khoát người làm nghệ thuật không thể là nô lệ của hiện thực. Trong tâm tưởng của tôi, văn chương là cái không thực nhưng lại thật hơn cả sự thực.
Mỗi nhà văn có những cách riêng để đưa hiện thực vào văn học. Với riêng tôi, hài hước được coi như một chất liệu cần thiết. Nếu không, trước những câu chuyện và những nhân vật mà tôi tạo ra, có lẽ độc giả sẽ phải vài phút rút khăn mùi xoa một lần, khóc thương cho đã mà không cần tự hỏi tại sao phải khóc, hoặc có nên khóc hay không. Tôi cho rằng dùng hài hước để nói những điều nghiêm trọng, như một nghịch lý, có thể gây nên nhiều băn khoăn cho người đọc. Họ phải ngừng lại nhiều hơn vì nghịch lý chứ không phải chỉ thuần tuý vì câu chuyện được kể. Những băn khoăn này có thể đã là những tiếp xúc đầu tiên của họ với văn chương.
Anh Hồ Đình Nghiêm vừa nhắc tới “tiếng vỗ tay,” tôi mới nhớ ra rằng trong làng văn chương Việt Nam, chỉ có vài ba lần người ta nhớn nhác hỏi nhau “tại sao chúng ta chưa có giải Nobel?” còn hầu như lúc nào cũng rộn ràng lời khen và tiếng vỗ tay. Có phải bởi chúng ta bản chất lạc quan? Cũng có thể, vì theo thống kê quốc tế, Việt Nam đứng đầu bảng về yêu đời. Nhưng theo ý tôi, lý do chính yếu là dẫu đã vào thế kỷ 21, khi mà làng mạc truyền thống của Việt Nam thì lần lượt biến mất, các nhà văn Việt Nam hầu như vẫn tiếp tục sống như ông bà cụ kị chúng ta, nghĩa là sống trong cộng đồng chật hẹp của mình, gọi nôm na là “làng văn,” có chiếu trên chiếu dưới, tôn ti trật tự, già thì lên lão làng, lão làng thì được quyền tiên chỉ… và cái khủng khiếp nhất là già trẻ đều thích vỗ tay, hội họp, ăn cỗ, một bữa cỗ nấu một lần ăn chục năm, thậm chí mấy chục năm, một tác phẩm bé bằng lòng bàn tay mà thay nhau khen đi khen lại vài thế hệ. Trong một cái làng như thế thì may mắn lắm cũng chỉ sản sinh được vài nghệ nhân khéo tay hay dăm thợ kể khéo miệng chứ nhà văn đúng nghĩa e là khó. Đương nhiên là cũng có một vài cá thể vượt lên cái “số phận chung của dân tộc” nhưng phải trơ lắm mới dám lấy họ làm đại diện.
Đọc văn chương tiếng Việt ngày nay không khỏi có cảm giác người viết bó tay trước hiện thực. Đến bây giờ mà vẫn luẩn quẩn hiện đại hay truyền thống, mà không biết rằng truyền thống là con số không tròn trĩnh, thời thuộc địa là bản sao dở của văn chương Pháp, thời Xã Hội Chủ Nghĩa là bản sao dở của văn chương Xô-viết, được cởi trói một chút thì trở thành bản sao dở của các loại bản sao dở trên đời. Trong đầu tôi, văn chương Việt Nam là cái làng lạc hậu, còn nước Việt Nam là một cái chợ khổng lồ, với 80 triệu kẻ mua người bán và 90% hàng hóa dán mác made in China. Người giàu Việt Nam ngày nay có thói quen tậu xe hơi tiền tỉ, còn người trung lưu Việt Nam ngày nay thì mất thói quen làm việc nhà. Mươi năm sau ngày Đổi Mới, nông dân Việt Nam thoát khỏi các hợp tác xã nông nghiệp nhưng lại bắt buộc phải nhường đất quê cho nhà máy, sân gôn và khu nghỉ mát để đổ bộ lên thành phố, đàn ông thì làm thợ xây, xe ôm, cửu vạn, còn đàn bà thì làm ô-sin – nấu cơm, đi chợ, rửa bát, trông em – bằng những cái giá rẻ mạt. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng vẫn còn có thể tưởng tượng được. Vấn đề là đến năm 2011, thế giới bên ngoài lâm vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, còn cái chợ của chúng ta thì lại rơi vào khủng hoảng ô-sin toàn quốc. Sài Gòn, Hà Nội, trong các công ty dịch vụ tìm người giúp việc, chuông điện thoại réo nhiều hơn cả thị trường chứng khoán Hồng Kông: các ô-sin đồng loạt phá hợp đồng, đòi được tăng lương, đòi được mua xe máy đi chợ, đòi được sắm máy giặt để đỡ hỏng móng tay, đòi được về quê ăn Tết vô thời hạn. Các ông chủ bà chủ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chiều hơn cả chiều vong. Mà vẫn khó giữ chân ô-sin. Ngoài kia, khách sạn, bia ôm, mát-xa và sàn nhảy đang sẵn sàng trả giá gấp mấy lần để có chút hương đồng gió nội. Ngày nay, thay vì cải tạo thành phố cho đúng với cái tên thành phố, người thành phố Việt Nam có khả năng tài chính rủ nhau trốn về nông thôn Việt Nam, như thể để văn minh hóa bản thân, như thể để chứng tỏ mình văn minh hơn cộng đồng, và như thể mọi con đường chân lý đều hướng cả về nông thôn vậy.
Đỗ Hoàng Diệu: Lần trước, tôi có viết: “môi trường sống không thể tác động đến ý tưởng – cốt lõi của người viết.” Vì tôi cho rằng, nếu một người viết thực sự có bản lĩnh, anh sẽ không thay đổi chính kiến của mình bởi những thứ xung quanh. Trong một xã hội “đồng phục,” đa phần nhà văn làm công cụ tuyên truyền cho Đảng và chính quyền, nếu muốn, anh vẫn có thể “ly khai.” Ly khai, anh bị chính quyền khó dễ, cuộc sống anh bị phiền hà, thực tế đó sẽ làm anh sợ mà viết khác đi hay vẫn kiên định con đường mình đã chọn? Hiện thực nhà nhà mặc đồng phục, nói trong khuôn khổ, nghĩ theo chủ trương, anh vẫn một mình một áo, tự cho mình quyền nói và viết điều anh muốn viết. Như thế, nếu anh muốn, môi trường sống xung quanh không thể xoay được ngòi bút của anh. Nguyễn Huy Thiệp cùng thời với nhiều nhà văn, cùng dạy học, cùng lăn lộn kiếm sống, nhưng ông ta không bị đồng hóa, ông ta khác biệt. Có thể ông và những người không mặc đồng phục khác không làm đúng vai trò xã hội của nhà văn mà chính quyền đặt ra, nhưng ông làm tròn trách nhiệm với ngòi bút của người viết chân chính.
Về cái gọi là vai trò xã hội của nhà văn, ở những nước tiên tiến, nó phần nào giống với trách nhiệm công dân. Việt Nam thì lại khác. Bởi những quyền hay nghĩa vụ mà Đảng “cho phép” công dân, nó khác xa, nó đối lập với cái một con người có lương tâm muốn làm cho xã hội hiện thời. Vụ Cù Huy Hà Vũ, thử hỏi ai trong số gần một ngàn hội viên Hội Nhà Văn lên tiếng công khai bênh vực? Vụ anh nông dân Đoàn Văn Vươn, nhà văn to tiếng ngoài nhà hàng quán nước chờ động thái từ chính quyền mới dám mon men vài lời, trừ một số nhà văn chủ các trang blog có “máu mặt” bấy lâu. Ngay cả tôi, bạn bè hô hào viết đi viết đi, vì ít nhiều tôi có hiểu luật. Tôi thấy việc người ta truy tố Đoàn Văn Vươn tội giết người là vô lý. Nhưng tôi im lặng. Có thể vì tôi lười. Mà cũng có thể vì tôi sợ. Nỗi sợ mơ hồ nhưng đâu đó nơi quê nhà sẽ thành bão sét khi mình trở về. Tôi còn mẹ già, còn anh chị, còn những món ăn và con đường thân thương chờ đợi. Mấy ai dám làm Phạm Thị Hoài? Chín năm lưu vong vẫn “kiên trung,” vẫn “giữ vững lập trường, quan điểm,” đều đặn cho ra đời những bài viết cày sâu vào khối ung nhọt nơi quê nhà. Mấy ai dám như Thụy Khuê, đưa ra ánh sáng những mảng tối của cuộc đời Hồ Chí Minh, của Nhân Văn Giai Phẩm, điều mà Đảng không mong muốn. Để rồi nhận án cấm nhập cảnh, chẳng biết tới bao giờ. Tôi không đồng ý với anh Phan Nhiên Hạo rằng “văn chương chẳng có mấy tác dụng thực tế.” Nếu không, tại sao người ta phải đóng cửa nhà xuất bản Đà Nẵng chỉ vì vài cuốn sách đụng tới vấn đề “ nhạy cảm”? Nếu không, tại sao phải cấm cuốn này, tiêu hủy cuốn kia? Nếu không, tại sao làm khó dễ Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Chát… Tôi đồ rằng, người ta vẫn “coi trọng” nhà văn, vẫn sợ “cây bút là cây súng.” Và điều đó có sơ sở. Có khi chỉ một cuốn sách cũng làm thay đổi nhận thức số đông, cũng làm ngòi nổ cho một cuộc cách mạng.
Một thời, văn học miền Bắc đã giống như cái máy chụp hình ghi lại những bức tranh mà Đảng vẽ sẵn khung. Ngày nay, đại bộ phận tác giả trong cái hội gọi là Hội Nhà Văn vẫn “làm văn” theo cách ấy, cây bút “đóng nắp” trước những vấn đề gai góc. Một vài tác giả “mở nắp” bút thì phải nhờ tới phép ẩn dụ, bóng gió xa xôi. Thì vẫn biết văn chương là hư hư thực thực, là tưởng tượng. Nhưng sao nhiều khi thấy thật hèn, khi phải cắm bút lặng im, hoặc e dè lách bút để yên thân. Cái sự khó mà nhiều khi người bên ngoài không hiểu hoặc khó hiểu, cho là bịa. Tôi từng vinh dự kinh qua sự “chăm nom, thăm hỏi” từ chính quyền, giờ vẫn còn thấy ớn. May mà đâu đó, vẫn còn những người viết thực sự, những người xả thân theo “lề trái,” những nhà văn tránh xa cái thứ định hướng của Hội Nhà Văn mà ông Hữu Thỉnh thường giương mặt lên lớp. Họ làm mình xấu hổ. Họ gián tiếp thôi thúc mình viết trở lại. Thôi thì cũng đành liều mà viết. Viết như mình thấy, mình muốn. Và chờ đợi.
Chúc các anh chị nhiều sức khỏe và niềm vui. Hẹn gặp đâu đó trên quê hương, đâu đó trong những trang văn.
Phan Nhiên Hạo: Tôi xin đóng lại cuộc trò chuyện ở đây. Tuy không dài bằng những bàn tròn tôi đã làm trước kia, tôi thấy đây là một cuộc trò chuyện thú vị. Có ba vấn đề chính các anh chị đã đề cập: kỹ thuật sáng tác, kinh nghiệm đời sống như chất liệu văn chương, và vai trò xã hội của nhà văn. Về kỹ thuật sáng tác, tất cả đều đồng ý rằng nhà văn cần phong cách riêng. Các ảnh hưởng văn học tuy quan trọng nhưng không nên phủ bóng lên sáng tạo cá nhân. Cả bốn anh chị đều có vẻ không quan tâm đến những chủ nghĩa, trường phái, mà nhiều người viết hiện nay đang cố tự dán nhãn để tỏ ra “tiền phong,” “cách tân”. Tôi nghĩ điều này đúng với vị thế văn chương của các anh chị: những nhà văn giỏi, có tính cách mạnh, chứ không phải những kẻ theo đuôi hời hợt. Trong bốn anh chị thì chị Thuận và chị nguyễn hương có vẻ theo khuynh hướng “cấp tiến”, trong khi chị Đỗ Hoàng Diệu và anh Hồ Đình Nghiêm đề cao sự cân bằng, những giá trị mỹ học cổ điển. Hơi tiếc là các anh chị không tranh luận với nhau về sự khác biệt này, mặc dù anh Hồ Đình Nghiêm đã có ý ‘khiêu khích”. Có lẽ vì các anh chị không quen biết nhau từ trước nên ngại va chạm? Dù sao mỗi anh chị cũng đã thẳng thắn trình bày quan niệm của mình.
Phần tôi đặc biệt thích thú là chi tiết về kinh nghiệm đời sống của mỗi anh chị. Nó giúp người đọc hiểu hơn quá trình hình thành con người văn chương của mỗi tác giả. Kinh nghiệm đa văn hoá và song ngữ của chị nguyễn hương là một nét mới mà chỉ thời nay mới có trong văn chương Việt, cùng với sự tồn tại của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước 1975 có những nhà văn du học hay du ngoạn ngoại quốc, nhưng không có những nhà văn gốc Việt trưởng thành trong một nền văn hoá Tây phương như nguyễn hương, Đinh Linh, Trần Minh Quân… Những nhà văn song ngữ như chị Hương thường có cách quan sát thú vị về hiện thực Việt Nam, những cách nghĩ và diễn đạt khác với các nhà văn chỉ viết bằng một ngôn ngữ. Kinh nghiệm đời sống của anh Hồ Đình Nghiêm có thể coi là tiêu biểu cho thế hệ những nhà văn “hải ngoại” hiện nay, đại đa phần trong lứa tuổi trung niên hoặc “lão niên”: những người phải bận rộn mưu sinh với công việc không hoặc ít liên quan đến chữ nghĩa, cô đơn giữa xã hội định cư, trong khi con đường trở lại “quê nhà” dường như ngày càng dài ra, cả trong ý nghĩa tinh thần lẫn đời sống. Sự cô đơn có thể làm nản lòng những nhà văn lưu vong, nhưng cũng có thể làm họ mạnh lên, vì họ không bị ràng buộc bởi thế lực nào, văn chương hay chính trị; họ viết mà không phải “lách”, không nệ lụy ai; họ có khả năng trở nên hài hước, như anh Hồ Đình Nghiêm. Kỷ niệm tuổi thơ của chị Đỗ Hoàng Diệu giúp người đọc, nhất là người đọc hải ngoại, hiểu rõ hơn về con đường đến với văn chương của những nhà văn lớn lên ở Việt Nam sau chiến tranh. Tuy xuất thân gia đình khác với chị Đỗ Hoàng Diệu, tôi cũng đã sống qua những năm tháng tối tăm của “thời bao cấp”. Sống trong xã hội đó, người ta không chỉ phải chống chọi với cái đói mà còn phải chống chọi với nguy cơ bị biến thành những kẻ bại não. Chính trong tinh thần này mà chị Đỗ Hoàng Diệu cho rằng môi trường sống không tác động nhiều lắm đến văn chương. Mặc dù nếu nhìn bao quát hơn, chị sẽ thấy ngay cả những cố gắng đề kháng lại sự nhồi sọ, sau cùng cũng đã có tác động đến văn chương của những người như chị, như tôi. Nó đã sinh ra một thế hệ những nhà văn mang cái nhìn bi quan và có thái độ nghi ngờ hầu như đối với mọi sự. Về phương diện này, văn chưong của chị Thuận cho thấy rất rõ. Chị Thuận không nói về kinh nghiệm đời sống cá nhân. Nhưng những quan sát và nhận xét của chị về xã hội Việt Nam hôm nay đều quy chiếu về quá khứ, về “thời bao cấp” mà chị cũng đã trải qua như một thị dân Hà Nội. Thái độ giễu cợt của chị Thuận là phương cách trị liệu cái quá khứ đa cảm một cách khốn khổ – hay vì quá khốn khổ mà trở nên đa cảm – của Việt Nam.
Về vai trò xã hội của nhà văn, tôi nghĩ đây là chuyện dễ mà cũng khó nói. Phần lớn các nhà văn hiện nay, nếu không thuộc loại u mê hoặc ỏng ẹo quá mức, đều ít nhiều quan tâm đến thời sự và thấy được thực chất của chính trị Việt Nam. Nhưng thể hiện những quan tâm chính trị, nhất là những vấn đề thời sự, như thế nào trong văn chương là chuyện khó khăn. Trước đây ở miền Bắc người ta bắt các nhà văn trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá.” Phần lớn các “chiến sĩ” này đã được chôn cất một cách nhanh chóng và không bia mộ bởi lịch sử văn chương, ngày nay ít ai còn nhớ đến tác phẩm của họ. Dù sao chính trị đối với nhà văn giờ đây vẫn có một khác biệt căn bản so với thời trước ở miền Bắc. Quan tâm chính trị giờ đây là tự nguyện, là vấn đề lương tri của nhà văn, chứ không phải vì được/bị “định hướng” bởi bạo quyền. Tôi hy vọng các anh chị sẽ tìm được cách thể hiện quan tâm này trong tác phẩm của mình theo những phương cách giàu tính nghệ thuật.
Một lần nữa cảm ơn các chị Đỗ Hoàng Diệu, nguyễn hương, Thuận, và anh Hồ Đình Nghiêm đã tham gia cuộc trò chuyện này. Chúc các anh chị viết được nhiều hơn.
(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 11/2011 – 7/2012)
—

Đỗ Hoàng Diệu sinh 1976 tại Thanh Hoá. Hiện sống tại Hà Nội và Berkeley (Mỹ). Khi ở Hà Nội phần lớn thời gian dùng để ăn chơi. Còn ở Berkeley là suy nghĩ, đọc và viết.
nguyễn hương tên thật là Nguyễn-võ Thu-hương. Ngoài sách, các truyện, ký, dịch, phê bình lý luận đã đăng trên Hợp Lưu, Diễn Đàn, Talawas, Thế Kỷ 21, Tiền Vệ, Viễn Đông, litviet, ProContra, New American Writing, Amerasia Journal, Journal of Vietnamese Studies, Gender Place Culture, PMLA, và các tuyển tập. Sinh ở Gia định và hiện ở Việt Nam ba tháng một năm, chín tháng còn lại sống và làm việc ở Los Angeles.
Hồ Đình Nghiêm. Học xong Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Vượt biển sang Hồng Kông, viết truyện ngắn đầu tiên ở trại tị nạn. Đã in bốn tập truyện. Hiện định cư ở Montréal, Canada.
Thuận. Sống tại Paris, Pháp. Tác phẩm chính:
“Made in Vietnam” (tiểu thuyết, 2002), “Chinatown” (tiểu thuyết, 2005) / bản tiếng Pháp : “Chinatown” (roman traduit par Doan Cam Thi, éditions du Seuil,2009 ),”Paris 11 tháng Tám” (tiểu thuyết, 2006), “T mất tích” (tiểu thuyết, 2007) / bản tiếng Pháp: “T. a disparu” (roman traduit par Doan Cam Thi, Riveneuve éditions, 2012), “VânVy” (tiểu thuyết, 2008), “Thang máy Sài Gòn” (tiểu thuyết, 2009), “Tháng Tư vô lý” (tiểu thuyết, 2011)