Sau những trận mưa lớn ròng rã trên thượng nguồn, nước lũ vàng đục phù sa từ bên kia biên giới Miên như thiên binh vạn mã cuồn cuộn dâng lên tràn về vùng sông nước, đồng ruộng miền tây. Một biển nước mênh mông từ sông Tiền thông vô sông Hậu dồn dập đổ ra biển Đông và vịnh Thái lan qua các cửa biển lẫn kênh rạch lớn nhỏ. Vài tháng sau khi mùa khô trở lại, trên con sông hoang vu vùng Đồng tháp gần đất Miên xuất hiện một cù lao nhỏ nổi lên giữa dòng nước do bồi lắng phù sa. Ngay lập tức khi được sưởi dưới ánh nắng ấm áp mặt trời vùng nhiệt đới, những hạt giống li ti theo nước lũ phiêu lưu đến cù lao mới bắt đầu nảy mầm và cắm những chiếc rễ tơ xuống lớp đất mầu mỡ. Tất cả mọi thứ ở đây vội vàng vươn lên thành cây xanh tươi bên cạnh hằng hà lau lác nghiêng ngã trong gió. Thêm vài tuần sau, khi lớp phù sa màu nâu đã khô ráo, chiếc ghe tam bản nhỏ có mui của đạo sĩ Năm Khiên từ hạ lưu cặp vào cù lao bên đám cây mù u, bình bát non. Cây sào tre được cắm xuống đất sát mép sông, và chiếc xuồng nằm im ở đó cả buổi sáng. Đến buổi chiều, ông đạo sĩ trạc bốn mươi ra khỏi khoang bước lên bờ nhìn cái cù lao hình thoi phủ đầy cây cỏ dại và cảnh sông nước vắng vẻ vùng biên giới. Đi dạo đến phần đất cuối ở phía tây, ông ta đứng gần mép nước nhìn dòng sông chảy đến từ rừng cây xa xa bên đất Miên khá lâu rồi sau đó quay lại chiếc ghe. Một lát sau vài làn khói trắng từ dưới mui bốc lên bầu trời xanh yên tĩnh. Bóng chiều gần tàn, ông đạo sĩ nấu xong bữa cơm chiều và ngồi ăn ở phía sau đuôi ghe, đôi mắt thỉnh thoảng ngước lên nhìn bầu trời và dòng sông. Bộ râu cằm ngắn và mái tóc dài đen nhánh quấn thành cái búi nhỏ sau gáy cộng với khuôn mặt thuôn thuôn của ông trông thật hiền lành giữa cảnh tĩnh mịch của vùng đồng bằng. Trời vừa sụp tối, ông Năm Khiên cầm cọc tre lên bờ đóng chặt xuống gần mép sông và cột mũi ghe vào đó. Bóng tối dần nuốt chửng cù lao và dòng sông vào bóng đêm. Một đám lửa bùng lên giữa cù lao, ông đạo sĩ cầm vài thứ từ dưới ghe lên bờ. Bầu trời trong trẻo của mùa hè vừa xuất hiện những ngôi sao lấp lánh trên những ngọn cây rừng mọc ven sông. Đắm mình trong bóng đêm, dòng nước thỉnh thoảng chảy dồn thành các cơn sóng lăn tăn rồi chìm xuống mất tích dưới ngã ba sông.
Sáng hôm sau, Năm Khiên dậy sớm chèo ghe vào nhánh sông nhỏ đi sâu vào vùng sình lầy ngập nước trong Đồng tháp mười. Giữa cánh đồng mông quạnh, ông đạo sĩ thấy vài căn nhà sàn lợp lá cất trên giồng đất cao, gần đó có những chiếc ghe cột dưới tàn cây mù u, tràm. Tiếp tục bơi ngang bưng biền dày đặc rau dại bông sen, súng… chiếc ghe dừng bên cánh rừng tràm. Ngồi nghỉ ngơi ở sau đuôi, đôi mắt Năm Khiên tìm cây tràm để làm nhà. Bơi đến đó, ông đạo sĩ cầm rựa nhảy xuống bìa rừng đốn hạ các cây ưng ý bỏ lên xuồng rồi chèo xa hơn vào con rạch nhỏ. Chiếc xuồng dừng lại bên hàng dừa nước xanh tốt, ông chặt một mớ lá chất đầy bên trên đống tràm. Chiếc xuồng đầy khẳm nặng nề quay về hướng cù lao.
Từ sáng đến chiều, ông đạo sĩ đã dựng xong căn chòi sơ sài nằm trên những cọc tràm cắm giữa cù lao. Đã có mái nhà che mưa trú nắng, ông mang tất cả tài sản ít ỏi còn dưới ghe bỏ vào căn lều rồi xuống sông tắm rửa. Buổi tối đống lửa lớn được đốt lên làm cù lao bùng sáng như ngọn đèn pha chiếu ngay ngã ba sông.
*
Từ khi làm xong căn nhà, Năm Khiên bắt đầu cuốc đất trồng khoai lang trên cù lao, chỉ chừa một góc phía hạ lưu cạnh bờ sông làm nơi trồng bí, bầu cạnh giàn tre lấn ra mặt nước. Lúc rảnh, ông đạo sĩ chèo xuồng câu cá, hái rau trong các con rạch nhỏ hoang vắng.
Một buổi chiều xế bóng, Năm Khiên ra bờ sông xách nước tưới vườn khoai. Hai người đàn ông trên chiếc xuồng từ hạ lưu đi ngang thấy có người trên cù lao liền chèo tới. Người lớn tuổi hơn ngồi trước mũi hỏi:
-Nhà tui ở con rạch trong kia chổ rừng tràm. Anh mới tới vùng này phải không?
-Dà đúng.
-Tui tên Sáu Tung, ngồi sau là em tui,nó tên Bảy Tụng.
Năm Khiên gật đầu chào hai người đàn ông lạ. Thấy họ hiền lành thân thiện, ông nói:
-Tui là Năm Khiên, thấy cù lao đất tốt không ai ở nên tới trồng ít khoai. Mời hai anh lên chòi uống nước.
Anh em Sáu Tung cắm sào rồi bước xuống theo Năm Khiên tới căn nhà lá giữa ruộng khoai. Ông đạo sĩ rót nước từ ấm nhôm khói bám đen ra hai cái chén sành cũ rồi đặt xuống sàn nhà làm bằng những cây tràm. Uống hết nửa chén nước, Sáu Tung nhìn ông hỏi:
-Quê anh ở đâu trước khi tới đây?
Ông đạo sĩ đáp một cách mơ hồ về nơi ở cũ:
-Lúc trước tui sống trên cù lao bên sông Hậu.
-Tụi tui ở trong đồng ba năm rồi.
-Dà… tui biết chỗ đó.
Bảy Tụng thắc mắc hỏi:
-Anh Năm ở đây có một mình hả ?
Ông đạo sĩ hiền lành đáp:
-Tui chưa vợ.
Nhìn những luống khoai lên xanh ông ta khen:
-Đất ở đây tốt quá, ruộng khoai này về sau chắc trúng. Tụi tui về nghe anh Năm. Lúc rảnh vô trong đó chơi cho biết bà con hàng xóm. Thôi mình về anh Sáu, chiều rồi.
Năm Khiên nhỏ nhẹ nói:
-Dà cám ơn.
Năm Khiên đi trước hai người đàn ông đến bờ sông. Sáu Tụng bước lên xuồng nhổ cây sào và chào với vẻ thân mật:
-Tui về nghe anh Năm.
Chiếc xuồng bơi ngược dòng về thượng nguồn rồi rẽ vào nhánh rạch nhỏ khuất sau đám cây cối mọc ven bờ. Năm Khiên tiếp tục xách nước tưới hết những vồng khoai lang còn lại rồi nghỉ tay. Lúc ra sông tắm, ông vô đám lác bắt những con ốc bám trên khúc gỗ mục làm mồi câu cho buổi tối và sáng mai.
Cuộc gặp gỡ với hai người đàn ông sống ở khóm nhà bốn căn gần rừng tràm không làm Năm Khiên lo lắng hay thấy vui. Gần chục năm nay, đã quen với lối sống cách xa xóm làng đông người và tự xoay sở một mình, ông và chiếc ghe di chuyển rày đây mai đó, và thấy thoải mái bên những dòng sông lặng lờ chảy dọc ngang khắp vùng đồng bằng.
Ngày hôm sau, lúc buổi trưa nắng gắt một cặp vợ chồng nhìn lớn tuổi hơn Sáu Tung cặp ghe vô cù lao lúc ông đạo sĩ đang nấu cơm. Họ tới trước căn chòi chào ông.
-Chào anh Năm, vợ chồng tui ở cùng xóm với anh em Sáu Tung. Nghe nó kể hôm qua mới ghé vô cù lao, sáng nay chèo ngang đây vô chơi cho biết.
Năm Khiên cười, tay cầm ấm và ly nước đến gần cửa nói:
-Dà mời anh chị ngồi.
Người đàn ông có dáng dấp khỏe mạnh và khuôn mặt tròn cởi mở nói:
-Cám ơn, tui là Ba Mới, vợ tui có bà con với anh em thằng Sáu. Nghe tụi nó nói anh ở trên này có một mình. Có cần giúp gì thì cho tụi tui biết…
Ông đạo sĩ cúi đầu trước tấm lòng hào sảng của ông ta.
-Cám ơn anh chị. Tui mới tới đây đựơc chừng một tháng.
Người phụ nữ nhìn quanh cù lao nhận xét:
-Gia đình tui ở đây được ba năm, chèo xuồng ngang đây mùa khô thấy bãi cát có chút xíu, còn mùa nước lên thì mênh mông. Năm nay phù sa bên sông lớn đổ về nhiều, cồn trồi lên nhanh ghê. Đất phù sa mới trồng cây gì cũng xanh tốt.
Ông Ba Mới cầm bọc thuốc rê hỏi:
-Anh Năm hút thuốc không ?
Năm Khiên lắc đầu.
-Dạ cám ơn, tui không hút.
Ông ta cuốn điếu thuốc châm lửa hút phà ra đám khói nhỏ nói:
-Vợ chồng tui về nghe. Có chèo xuồng ngang xóm thì tới nhà tui và Sáu Tung chơi. Trong đó bây giờ ai cũng biết tên anh rồi.
Ông đạo sĩ tiễn hai vợ chồng người đàn ông ra chỗ ghe đậu. Dưới ánh nắng chói chang, hai vợ chồng ông Ba mới chèo khỏi cù lao đi xa dần. Buổi trưa gió thổi từ những cánh rừng làm mặt sông gợn sóng lăn tăn như trong một hồ nước. Bầu trời trong xanh trùm lên dòng sông và cánh đồng cỏ lác dài tít tắp về những bưng biền xa xa.
*
Được ba tháng, Năm Khiên thu hoạch mùa khoai đầu tiên bỏ chật một góc nhà. Ông đạo sĩ đem cho xóm Sáu Tung mỗi người một ít. Nhờ đất cù lao phì nhiêu mầu mỡ, ai cũng khen những củ khoai lang ngọt bùi. Những ngày sau, Năm Khiên cuốc xới đất trồng lại đợt khoai khác cho kịp mùa lũ sắp tới. Khí hậu hiền hòa miền đồng bằng làm cuộc sống trên cù lao trôi qua bình thản. Anh em Sáu Tung, vợ chồng ông Ba Mới thường cặp xuồng vô nói chuyện hoặc cho ông con cá, một ít gạo với mớ rau hái ngoài bưng hoặc bó củi khô để nấu nướng.
Mùa khô kéo dài qua hết tháng năm thì mây trắng xuất hiện khắp vùng đồng bằng báo hiệu thời tiết đang chuyển mùa. Từng cụm mây lớn theo gió tây nam bay lang thang khắp sông ngòi, đồng ruộng bưng biền. Trên cù lao những vồng khoai sắp đến lúc đào lấy củ. Sau những cơn mưa, sông rạch nhỏ chảy ra từ Đồng tháp mười qua mấy tháng trong xanh nay trở nên đục vì phù sa trôi xuống. Lớp đất trên cù lao biến thành bùn dẻo bám dính như hồ đặc. Thu hoạch xong đợt này, số khoai mới làm căn nhà nhỏ thêm chật chội.
Hai tháng sau, khắp thượng lưu vùng biên giới nước sông bắt đầu dâng cao. Sáu Tung và ông Ba Mới ghé vô cù lao chỉ Năm Khiên làm lại căn nhà cho chắc chắn hơn đề phòng lúc lũ lụt. Tuy vậy họ vẫn ái ngại cho ông đạo sĩ và căn nhà đơn độc khi nhìn khúc ngã ba đón dòng chảy cuồn cuộn của nhánh sông từ cánh rừng bên kia biên giới tuôn về. Mọi người muốn ông vô xóm ở một hai tháng lúc cù lao bị lũ bao vây cho đến khi nước rút đi. Năm Khiên nói lúc đó tùy tình hình, khi cần sẽ dọn vô nhà anh em Sáu Tung.
Gần cuối năm sau những trận mưa đen trời, nước lụt tràn lên cù lao và từ từ ngập sát sàn nhà. Ông đạo sĩ chất khoai và đồ dùng lên sàn gác dưới mái và vẫn nấu nướng ngày hai bữa trên cái bếp như mọi khi. Thỉnh thoảng trong cơn mưa lớn kèm gió thổi thốc ngang ngã ba sông, căn nhà vặn mình rung chuyển bần bật như sắp bị quét văng xuống nước.
Mùa này trong cái xóm nhỏ, bốn căn nhà trên cái gò đất lớn gần bằng nửa sân banh như nổi lên giữa vùng biển mênh mông. Hàng ngày mọi người chèo ghe vô đồng câu cá, hái rau. Khi thời tiết trở xấu, ông đạo sĩ và dân trong xóm thường rảnh rang. Mọi người thường tụ tập ở nhà anh em Sáu Tung, ông Ba Mới hút thuốc nói chuyện, ăn uống hay lai rai bên chai rượu đế và món cá đồng nướng.
Cuộc sống giữa vùng bưng biền xa xôi trên biên giới thay đổi hẳn. Những buổi chiều mưa dầm lất phất, có Năm Khiên vào xóm ngồi với vài người đàn ông trước hiên nhà hút thuốc, nói chuyện sông nước. Xa xa gần những chòm cây trôi nổi lập lờ, một hai chiếc ghe phóng băng băng qua cánh đồng rồi biến mất bên kia biên giới. Sáu Tung chỉ những chiếc ghe nói:
-Đám buôn lậu qua Miên mua hàng về đây bán. Tụi nó đi buôn lậu mỗi khi biên giới bị lụt cho đến gần tết.
Hình như những tay buôn lậu vùng này cũng hay qua lại cái xóm trên gò đất nên lúc nào ghe chạy đến gần, người đàn ông đứng cầm lái sau ghe giơ tay chào Sáu Tung, Bảy Tụng. Thấy có người lạ, những đôi mắt nhìn săm soi ông đạo sĩ rồi chiếc ghe lướt đi thật nhanh giữa trời nước xám xịt.
Một hôm sau khi chèo ghe vô bưng hái rau, lúc trở ra ngang xóm, Bảy Tụng ngoắc tay gọi ông đạo sĩ.
-Anh Năm, tới đây.
Chiếc ghe trờ tới sát căn nhà sàn.
-Có chuyện gì anh Bảy?
-Lúc nãy có hai người lính kiểm lâm vô đây gặp tui hỏi, căn nhà gần ngã ba sông của ai mà không thấy người bên trong, tui nói của anh, chắc đi giăng câu rồi.
-Họ còn nói gì không anh Bảy?
-Không, họ sợ dân bên kia biên giới qua cất nhà làm lộn xộn trị an. Biết dân ở đây nên họ đi rồi.
Năm Khiên vui vẻ nói:
-Cám ơn anh nhiều lắm. Tui vô trong đồng hái mớ rau về ăn. Tui về nghe.
Hai tháng cuối năm khi nước lụt rút đi, cái cù lao lại trồi lên ở ngã ba sông. Những ngày nằm im ngủ dưới nước, được bồi đắp thêm một lớp phù sa dầy nên hôm nay nó rộng lớn và nhô lên cao hơn. Khi mặt đất vừa khô ráo, săn chắc lại thì ông đạo sĩ bắt đầu cuốc xới và lên luống trồng khoai lang như năm rồi.
Một buổi trưa, ăn cơm xong Năm Khiên ngồi dựa vách nhà nhìn qua đồng cỏ lác bên kia sông. Nắng hè trải rộng xa tít tắp giúp cây cỏ vừa tái sinh mọc sung sức tưng bừng khắp vùng bưng biền. Giữa khung cảnh tĩnh lặng ưa thích, Năm Khiên nghe như có tiếng người từ ngã ba sông vọng trong gió.
-Cứu, có ai cứu mẹ con tui với… cứu… cứu.
Năm Khiên nhổm dậy nhảy xuống chạy vòng ra sau căn nhà. Hai người phụ nữ đang bám chiếc xuồng lật úp trôi đến từ nhánh sông bên kia biên giới. Thấy ông xuất hiện, người phụ nữ trẻ vẫy tay dồn dập kêu lớn:
-Cứu giùm mẹ con tui anh ơi.
Hơi lính quýnh một lúc rồi nhớ chiếc ghe cột ở bên kia cù lao, Năm Khiên chạy tới đó mở dây và lấy chèo bơi thật nhanh về phía hai mẹ con người phụ nữ trôi từ từ qua khỏi ngã ba sông. Chiếc ghe đuổi theo một lúc thì bắt kịp, ông nói:
-Cho má cô lên trước.
Ông đạo sĩ nắm cánh tay kéo người phụ nữ có mái tóc bạc ướt đẫm và đang sợ sệt lên ghe. Bà ta không thấy đường nên lò mò bò vô ngồi dưới mui. Cô gái chỉ chiếc xuồng lật úp nổi lập lờ nói:
-Anh vớt giùm giỏ quần áo cột trong đó giùm.
-Cô lên đây cầm chèo để tui xuống lấy lên.
Năm Khiên nắm tay cô ta kéo lên rồi nhảy xuống nước bơi đến chiếc ghe nói:
-Thảy cho tui sợi dây cột nó lại.
Nắm sợi dây cô ta vừa quăng xuống, ông đạo sĩ cột vô chiếc xuồng rồi hụp xuống lôi giỏ đồ đạc bỏ lên. Sau khi lật chiếc ghe nhỏ lại và tát hết nước, ông trèo lên ghe nói:
-Cô ra bơi ở phía mũi cho nhanh.
Năm Khiên chèo cật lực và người phụ nữ ra sức phụ chèo, chiếc ghe từ từ cặp vô cù lao. Cột ghe xong xuôi, ông đạo sĩ bây giờ nhìn kỹ thấy cô gái mới chừng hai mươi lăm, ba mươi đang dìu người mẹ tóc bạc bước chậm chậm ra trước mũi ghe. Đoán đôi mắt bà ta bị lòa nên Năm Khiên tới cầm hai tay bà ta dẫn xuống cù lao rồi im lặng đi trước về căn chòi. Quần áo của hai mẹ con người phụ nữ đã bị ướt, Năm Khiên cho họ mượn bộ quần áo bà ba nâu và kaki của mình rồi ra ngoài khép cửa lại. Chờ thật lâu cho họ thay quần áo xong, ông đạo sĩ đẩy nhẹ cánh cửa bước vô lấy khoai luộc còn trong nồi ra mời.
-Xin mời, nước uống trong ấm – chỉ cây sào nằm ngang trên bếp ông nói – quần áo ướt cô phơi trên đó cho mau khô.
Trời còn nắng, Năm Khiên ra khỏi nhà lấy ghe chèo đi vô đồng giăng câu. Chiều ăn uống xong, ra ngồi trước nhà một lúc lâu, thấy trời vừa sụp tối ông đạo sĩ quay vô đốt đèn cầy cho sáng căn nhà rồi lại đi ra. Ngồi trong bóng tối bên ngoài, ông đạo sĩ nghĩ ngày mai khỏe mạnh trở lại, hai mẹ con người phụ nữ sẽ đi về nhà họ nên không cần hỏi han. Tối nay căn nhà nhỏ vẫn đủ rộng cho ba người. Có tiếng bước chân đi ra cửa, người phụ nữ trẻ xuất hiện gần khung cửa nói nhỏ:
-Thưa anh …
-Dạ, có chuyện chi.
-Từ lúc chiều đến bây giờ không thấy anh nói gì hết.
-Dạ cứu người bị nạn là chuyện bình thường mà, cô đừng lo phải mang ơn.
Cô ta nói với giọng lịch sự nhỏ nhẹ:
-Dạ em tên Nhiêu, mẹ con em dù sao cũng biết ơn anh. Còn anh…
-Tui tên Năm Khiên.
-Em nói chuyện này cho anh Năm hiểu. Gia đình em là Việt kiều sống ở bên Miên đã lâu rồi. Mẹ con em sống ở một ngôi làng bên đó với người chồng Miên lai được bốn năm. Lúc say rượu anh ta thường hành hạ đánh đập em dữ lắm. Mẹ em thấy khổ quá nên biểu trốn về Việt Nam dù không có bà con dòng họ ở đây… Chờ lúc ổng ngủ say sau khi uống rượu, em lấy chiếc xuồng lén chở mẹ em chèo về tới ngã ba sông thì bị chìm.
Nghe kể, Năm Khiên biết mình sắp lâm vô chuyện khó khăn. Người phụ nữ trẻ im lặng một lúc lâu rồi ngồi khóc. Lúc này hai mẹ con cô gái không còn nơi nào để tìm tới nhờ cậy giúp đỡ. Nhưng hoàn cảnh của ông cũng quá nghèo khó, phải lang thang sống đời thương hồ trên ghe. Người phụ nữ khóc buồn tấm tức trong bóng tối và nói tiếp:
-Bây giờ mẹ con em không biết về đâu.
Năm Khiên nói:
-Cô Nhiêu nín khóc đi, muốn ở lại đây cũng được. Chừng nào tìm được bà con thì dọn về ở.
-Dạ mẹ con em cám ơn nhiều lắm.
Nhiêu trở vô nói chuyện với bà mẹ già. Năm Khiên chưa biết xoay sở ra sao khi có thêm hai người lạ đến cù lao.
Trưa hôm sau, vừa ôm mớ củi dưới ghe lên nhà, Năm Khiên dừng lại nhìn người đàn ông cao to da ngăm đen trên chiếc ghe vừa cặp vô bờ sông, tay chỉ chiếc xuồng của cô Nhiêu kế bên nói lớn:
-Trả vợ lại cho tao, đ… xuồng này nó ăn cắp của tao.
Hắn ta cầm cây rựa đi xăm xăm tới căn nhà. Nhiêu vừa ló đầu ra thấy chồng cũ liền thụt lại trốn. Năm Khiên bước ngang chặn hắn lại nói:
-Anh về đi, cô Nhiêu bị hành hạ đã anh bỏ rồi.
-Nó là vợ tao, tao là chồng nó, mày là ai ?
Năm Khiên ôn tồn nói như đang giảng giải:
-Cô Nhiêu do cha mẹ cổ sanh ra nên thân xác đó đâu phải của anh, còn bây giờ trái tim cổ cũng đâu thương anh nữa, nên hết là vợ anh rồi. Đàn ông có sức vóc mà đánh phụ nữ là hèn.
Tay đàn ông sôi máu la lớn:
-Đ…, mày tránh ra không, tao chém thấy mẹ bây giờ.
Chẳng nói thêm câu nào, hắn ta liền chém cây rựa xuống, ông đạo sĩ vẫn không tránh xa, hai tay cầm hai khúc cây tràm chống đỡ. Tiếng la hét man rợ của tay đàn ông Miên lai đến từ bên kia biên giới nghe rõ trên đoạn sông vắng. Hắn ta hung dữ và quá khỏe nên Năm Khiên phải lùi dần dần. Đột nhiên cánh cửa bật ra, Nhiêu từ trên sàn nhảy xuống cầm khúc củi tràm giáng thật mạnh liên tiếp vô hông, vô đầu tay chồng cũ với nét mặt căm thù và gào lớn:
-Sơn Hon, tao sẽ giết mày.
Năm Khiên dừng tay ngạc nhiên nhìn Nhiêu giận dữ như một con cọp xông vô đánh rất quyết liệt. Thấy ông đạo sĩ đứng chôn chân tại chổ, cô nói lớn:
-Anh Năm phụ em.
Năm Khiên bừng tỉnh, phang cây tràm vô hai cẳng chân, đầu gối tay đàn ông Miên vài cái làm hắn khuỵu xuống. Được giúp sức, Nhiêu đánh trúng cánh tay phải làm Sơn Hon rớt cây rựa xuống đất. Năm Khiên dừng lại nhìn địch thủ ngồi bệt dưới đất nói:
-Thôi anh về đi, cô Nhiêu đâu còn thương anh.
Nhiêu vẫn giữ nguyên nét mặt giận dữ, tay cầm khúc củi tràm thủ thế. Sơn Hon nhặt cây rựa ra bờ sông lên xuồng chèo đi. Cô nhìn hai cánh tay Năm Khiên đang chảy máu kêu lớn:
-Tay anh Năm bị nó chém trúng rồi, vô nhà cho em băng bó lại.
Tưởng mọi chuyện đã yên, nhưng sáng hôm sau tay Miên lai trở lại với hai người đàn ông khác trên một chiếc xuống. Ông đạo sĩ đang cuốc đất thấy tình hình nguy hiểm chưa biết đối đầu ra sao với ba người đàn ông mang khuôn mắt dữ tợn thì Nhiêu từ trong nhà la lớn:
-Nó kêu người tới đánh mình nữa anh Năm ơi.
Không hề sợ sệt, cô cầm cây rựa bước xuống cạnh Năm Khiên hét lên:
-Mày tới đây, tao không sợ mày đâu.
Xuồng vừa cặp bờ sông, Sơn Hon và hai đồng bọn cầm rựa, gậy từ từ đi tới. Đúng lúc đó ghe chở vợ chồng ông Ba Mới từ trong rạch chèo ra nhìn thấy có nhiều người lạ trên cù lao liền hỏi:
-Có chuyện gì đó anh Năm ?
Trên cù lao Năm Khiên vung cuốc đở gạt cây rựa vừa chém tới nên không kịp trả lời. Kế bên cô Nhiêu chống không nổi hai tay đồng bọn nên lãnh một cây gậy phang trúng vai. Ông Ba Mới cầm cây sào từ trên ghe nhảy xuống chạy như bay tới quát một tiếng sấm sét rồi giáng một cú thật mạnh vô mặt tên hung hăng nhất làm hắn té chúi xuống. Thuận tay ông xỉa mũi sào vô cuống họng tay còn lại khiến hắn bị thương sợ hãi bỏ chạy ra bờ sông. Bà Ba Mới cầm rựa xông vô giúp ông đạo sĩ đối phó với Sơn Hon. Sau khi hạ gục hai tay đồng bọn kia, ông chồng quay ra nói lớn:
-Bà qua phụ coi cổ có sao không.
Ông Ba Mới dùng cây sào thiện nghệ như một khúc côn đánh Sơn Hon tơi tả làm hắn kinh sợ buông vũ khí, bỏ chạy theo hai tay đàn em. Cả ba nhảy lên xuồng chèo thật nhanh về con sông bên kia biên giới.
Nghe tin dữ từ vợ chồng Ba Mới vừa về xóm cho hay, ngay giữa trưa anh em Sáu Tung từ trong xóm ra hỏi thăm Năm Khiên. Bảy Tụng nói:
-Anh Năm nếu thấy không yên ổn thì đưa mọi người vô trong đó ở nghe.
-Cám ơn anh Bảy. Tụi nó bây giờ biết có người ở gần đây có lẽ không dám tới nữa đâu.
Sáu Tung cột miếng bom bằng gang lên đòn dông dưới mái nhà nói:
-Tui treo cái kẻng này để anh gõ báo động cho xóm hay nếu đám đó quay lại.
-Cám ơn anh Sáu.
*
Năm Khiên đốn thêm tràm, lá dừa nước rồi nhờ anh em Sáu Tung phụ sửa sang mở rộng căn nhà. Vụ khoai lang đầu tiên đã thu hoạch xong, chuẩn bị làm đất cho vụ thứ hai. Nhiêu vừa chăm sóc bà mẹ già mù lòa, vừa giúp Năm Khiên làm rẫy và chăm bón vườn rau. Những dây khoai lang vừa phủ kín đất trên cù lao thì một buổi chiều hai tay kiểm lâm chạy ghe máy tới tìm ông đạo sĩ. Tay trung niên cao ốm, da nâu đen hỏi:
-Anh là Năm Khiên phải không ?
-Dạ phải, tôi tên Năm Khiên.
-Anh ở đây là bất hợp pháp. Đất vùng này của lâm trường, anh phải dọn đi ngay.
Năm Khiên đáp:
-Tui làm nhà ở đây từ năm rồi…
Ông ta đáp dứt khoát:
-Không được, lịnh của lâm trường thì phải dọn đi chỗ khác. Chỗ này sẽ đặt trạm gác ngã ba sông.
Biết năn nỉ cũng không được nên ông đạo sĩ im lặng nhìn Nhiêu đứng ở khung cửa với khuôn mặt lo lắng. Sau khi hai tay kiểm lâm rời đi, Nhiêu đến gần hỏi:
-Hai người đó nói gì vậy anh Năm?
-Họ lấy cù lao làm trạm gác, biểu mình dọn đi.
-Bây giờ đi đâu…
Ông đạo sĩ bình thản trả lời:
-Không sao, Nhiêu đừng lo… dù sao dọn về xóm trong rạch ở cũng được.
*
Mọi người trong xóm giúp Năm Khiên làm căn nhà mới trên gò đất. Vụ khoai thứ hai coi như bỏ lại trên cù lao vì bên kiểm lâm không cho canh tác tạm thời chờ đến lúc thu hoạch. Trong xóm không dám xin cho Năm Khiên vì họ là dân nghèo lưu lạc không nhà cửa ruộng vườn đến sinh sống giữa bưng biền, dù ai cũng thấy Năm Khiên bị ức hiếp.
Ngay hôm sau, đội kiểm lâm huyện cử người tới ở trong căn nhà trên cù lao, nơi được dùng làm trạm canh. Chiều tối ba tay kiểm lâm đang ngồi nhậu trong trạm thì một loạt súng bắn từ ngã ba sông bên kia đường biên xuyên qua vách lá làm hai người bị thương nặng. Tiếng kẻng gõ vang vọng khắp hướng xuyên qua màn đêm. Trong xóm gò những người đàn ông im lặng uống rượu lắng nghe tiếng xuồng máy chạy nhanh về thị xã dưới hạ lưu. Sáng hôm sau, khi đội kiểm lâm vô điều tra, dân trong xóm nói vụ này do Sơn Hon hoặc đám buôn lậu ra tay trả thù. Ở xã nói tàn quân Pôn pốt còn lẫn trốn đâu đó bắn qua dù chiến tranh biên giới đã tàn vài năm.
Mùa mưa trở lại khiến vùng bưng biền, sông ngòi uống ngập nước. Năm Khiên và dân trong xóm chài lưới kiếm sống trên các bưng biền và thường qua lại ngang trạm gác trên cù lao. Nhiêu thành người nấu cơm nước, coi sóc nhà cửa và bà mẹ già. Cô và những người phụ nữ hàng xóm dùng ghe chèo quanh các cánh đồng hái rau, giăng lưới, đặt lờ bắt cá . Đến tháng mười nước lũ tràn về làm ngập gò đất tràn qua xóm. Biên giới trở thành vùng hồ mênh mông, khắp nơi trắng xóa một màu nước phù sa cuồn cuộn trôi ra sông lớn. Lũ lụt quá lớn dồn về làm ngã ba sông xuất hiện những xoáy nước chảy xiết cuốn trôi trạm gác trong một buổi chiều giông gió. Hai người kiểm lâm đang trực gác may mắn thoát thân kịp thời trên chiếc ghe gắn máy.
Lúc mùa nắng bừng bừng quay lại thì con sông cạn dần, dân trong xóm gò không còn thấy cù lao nằm chắn vùng ngã ba. Lũ lụt đã cuốn nó ra sông lớn và không để lại dấu tích nào. Vùng sông nước biên giới trở lại tĩnh lặng dưới bầu trời trong xanh mùa hè.