Trà Đóa | Những câu chuyện tình

Minh họa, Trịnh Cung

Lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi là một khoảng thời gian dị kỳ trong đời người, đó là một đoạn tô đậm trên biểu đồ định mệnh hay một khúc quanh chuyển hướng trên cái parabol cuộc đời. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Charles Bukowski luôn thấy mình 45 tuổi dù khi ông ấy đã bảy mươi hoặc lúc chỉ mới mười sáu.

Và chúng tôi đang là những kẻ như vậy.

Chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần hay một dịp nghỉ nào đó, ngồi xuống quanh một cái bàn đầy bia và lắng nghe từng dòng máu đang lượn lờ qua khúc cua gian truân nhưng đầy thú vị trong người. Một cách hoa mỹ, tôi cho rằng tâm hồn chúng tôi là một sự pha trộn giữa sự háo hức sắp đạt đỉnh ở đầu này, với những chán chường tuyệt vọng có tính phổ quát ở đầu kia. Chúng tôi phải vùng vẫy giữa sự giao tranh của hai dòng đục-trong ấy như một con cá đang mắc lưới. Trong những cuộc chuyện trò, nếu chú tâm quan sát, sẽ thấy rõ sự pha trộn diệu kỳ giữa những hoài niệm quá khứ với sự hừng hực của hiện tại, cùng một thứ gì đó mơ hồ như đám mây vẩn đục ở tương lai. Những ký ức sẽ mau chóng biến thành dự phóng hoặc chỉ là hư cấu diễm lệ của một hiện tại bất toại nguyện, còn những dự phóng thì chẳng là gì ngoài cái tham vọng đang sôi sục trong người.

Dẫu thế nào, ở lứa tuổi này, tôi cam đoan là mình, dù không quá trung thực, nhưng cũng không đến nỗi lừa dối, chỉ là mọi thứ cứ nằm chênh vênh trên đường biên giữa sự thật và hư cấu. Chẳng hạn khi kể về “mối tình đầu” của mình (một đề tài ưa thích của những kẻ sắp liệt dương), tôi không chắc mọi thứ đều hoàn toàn là sự thật, nhưng không có nghĩa là vắng bóng hẳn những thứ mơ màng, có khi thậm ngu ngốc, ở lứa tuổi mới lớn. Làm sao bạn có thể quên được những lần cầm tay hay những lúc vô tình chạm người vào một cô gái cùng lớp nào đó? Nó quá xứng đáng để trở thành một câu chuyện tình tuyệt đẹp khi mà bạn chẳng còn hy vọng có được điều tương tự trong cuộc đời.

Câu chuyện tình đầu tôi hay kể là một phối thể phức tạp của nhiều thứ: một chút sự thật, một chút bi kịch hơi cải lương, một đoạn mơ màng trong các tiểu thuyết lãng mạn, và có lẽ (điều không thể thiếu) một chút ngậm ngùi cho kẻ đang kể về nó. Tôi hầu như không biết nấu ăn, nhưng với chuyện tình, tôi tin chúng cũng cần một chút “bột ngọt” thì mới nên vị nên mùi.

Những chuyện tình đầu thì luôn đặc biệt, bởi nó có khả năng “thiện hoá” bất cứ kẻ nào. Một thằng khỉ đột, bình thường là một kẻ thô tục đến chán ngắt, nhưng hắn đã đột nhiên lột xác biến thành một Romeo ở một miền quê xa lạ thanh bình nào đó – kẻ hay đứng dầm mưa bên dưới cái cửa sổ sáng đèn chờ đợi để được thấy thoáng qua bóng hình người yêu.

Một thứ chảy nước, sến rện, tôi suýt bật cười thành tiếng nhưng hắn đã kịp ngăn cái thói kiêu ngạo đó của tôi lại bằng một giọng kể buồn buồn nghiêm cẩn đến khó tin. Một câu chuyện tình có trước nhưng không có sau, tan vỡ một cách hiển nhiên (vì ai cũng đoán ra) và thiêng liêng một cách giả vờ.

Thế đấy, ai cũng có câu chuyện tình của riêng mình và khi vặn vẹo trên khúc quanh định mệnh, tôi lại thấy nó phảng phất cái kinh nghiệm kịch nghệ đã thâu lượm được nhiều hơn là những thứ gì đó thực sự của cuộc hiện sinh.

Vĩnh biệt một nửa cuộc đời.

Bốn mươi hay năm mươi, bạn đang cố khởi động lại tinh thần, đang cố làm mới mọi thứ,… nhưng thật sự, bạn chỉ đang cố hãm đà lao dốc của chính mình. Và trong cú gia tốc đáng thất vọng ấy, những câu chuyện tình chỉ là những lá cờ tai nheo bay phần phật theo gió, trong khi thế giới xung quanh đang vùn vụt lùi xa…