Khi nói đến trái cà pháo, người ta thường nghĩ ngay đến hũ cà pháo muối ăn với mắm tôm, như thể nó là đặc sản của người Bắc. Nhưng với tôi, cà pháo luôn là món thuần Quảng Nam với cách chế biến khác hẳn người Bắc.
Cà pháo xét ra là loại cây dễ trồng. Hễ ăn cà muối, vắt hột rồi đổ hắt ra đất là ít lâu sau mọc lên đám cà con. Cứ vậy, chẳng ai chăm sóc. Như đám con nít nhà quê, nó cứ lớn lên tự nhiên cho tới ngày ra bông, ra trái. Bông cà pháo tím nhạt, màu mà người ta gọi là tím Huế. Bông hình sao, chúc xuống, nấp dưới tán lá. Rồi từng trái cà non trắng nõn, lớn dần bằng đầu ngón tay cái, có trái to bằng đầu ngón chân cái. Nhằm bận mùa gặt lúa, cà pháo bị bỏ quên đến chín vàng cả cây. Nếu cà pháo miền Bắc ngâm muối, ăn với mắm tôm, cắn một phát là hột tràn trong miệng thì cà pháo miền Trung lại chế biến khác. Trái cà sau khi cắt cuống được chẻ làm đôi hoặc làm tư, để dính phần đít rồi ngâm muối. Chừng hai ngày sau, trái cà ngả màu nâu thì lấy ra, vắt sạch hột, chỉ giữ phần vỏ mỏng. Lý tưởng nhất của món này là ngâm với mắm cái ớt tỏi. Cắn một miếng cà pháo giòn rụm, thấm mùi mắm, ăn với cơm trắng thì ngon không chi bằng! Nhưng có lẽ, không có cách ăn cà pháo nào giống cách ăn cà pháo của dượng Sáu Củi.
>>>