
“Thơ Viên Linh như chúng ta đã khảo sát ở bên trên, từ thời tuổi trẻ với những bước chân hăng hái tiến vào cõi văn chương, nồng nhiệt, hăm hở, muốn đi tìm một cái gì thực mới, thực khác, đập phá càng tốt, cần phải chống lại những giá trị cũ, chống lại truyền thống, nghĩa là phải hiện ra trong một cung cách nổi loạn, chống đối, khác người. Nhưng Viên Linh đã rất mau chóng tìm lại được con đường của mình, tìm được sự ổn định trong tư tưởng. Anh vượt qua nhanh chóng những cơn sóng gió, bão táp phù phiếm của chữ nghĩa, để dựng nên thi giới của mình.
Anh mỉm cười và dường như chẳng cần biết đến, chẳng lưu tâm chút gì những thứ gọi là hiện đại, hay đằng sau, sau nữa của cái hiện đại ấy. Hình như từ sau thời 25 tuổi cho mãi đến ngày nay, anh đã bước đi rất vững chắc trên con đường văn chương. Anh đến gần với các hiền giả phương Đông, anh mê Trang Tử, Lão Tử, và càng ngày càng nghiệm ra được nhiều điều kỳ lạ vô cùng ở kinh Phật. Anh đọc lại, ngẫm nghĩ kỹ lưỡng và gậm nhấm từng hình ảnh, ý nghĩa, thi tứ, tiếng vang trầm và sâu của chữ nơi các bậc tiền hiền từ bao nhiêu đời trước, những Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến… Nếu người xưa cho rằng giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương, thì mỗi ngày bước tới là mỗi ngày Viên Linh càng ham muốn tiến đến và sống với sự thật ấy.
(…)
lục bát của Viên Linh, một khía cạnh của thơ Viên Linh, đã đi tới cái đẹp giản dị mà vô cùng thanh tú và tao nhã.”
Huỳnh Hữu Ủy (trích “Thơ Viên Linh của thời lưu vong thất tán”)
**
Về Thăm Nhà ở Chí Hoà
về đây coi hạnh phúc buồn
thấy thân chĩu nặng thấy hồn rụng rơi
thấy tôi xa cách thêm người
bãi hoang vu thổi tiếng đời đi mau
tôi ngồi xế bóng thương đau
nghe linh hồn đợi u sầu chở qua
ôi em dạ bỗng bơ thờ
hai tay rút nhỏ cọng khô từng hồi
mối sầu mai phục thân tôi
đi chưa nửa cuộc bỗng rời tứ chi
nghe trong máu chảy rầm rì
xương vi vu rỗng lọt thì truy hoan
về đây thu xếp mộng tàn
lời ca dưới phố tuổi vàng anh em.
(Sáng Tạo, số 6, 12.1960)
Chiếc Xe Đò Cũ Sơn Mầu Vàng
lệ tôi dấu tích tôi mòn
lên cao tiếng biển xưa dồn ngón tay
xuống rồi quẹo ngả nào đây
quán thưa buồn tạt bụi đầy ghế con
ra rồi dốc đá chon von
trông trường giang rộng nghĩ còn quanh co
thôi qua con lộ sương mù
hồn im nghe chiếc xe đò về không.
(Thế Kỷ Hai Mươi, 10.1960)
Thiên Địa Ca
Về trong cuộc sống hôm nay
Nghe chân bước chậm nghe tay vội vàng
Đây rồi chặng cuối dương gian
Kiếp xưa muôn tội, thiên đàng một xa.
Năm năm tôi mỏi tôi già
Cây xuân chửa nụ tàn ma ít nhiều
Đỉnh trời độc nhỡn nom theo
Chàm lưng dấu mụ còn đeo mỗi giờ.
Về trong cuộc sống tiêu sơ
Vôi tô sắc diện son mờ tuổi xuân
Thôi còn nhất điểm lương tâm
Khuya nay gầy mối tình chân với đời.
Thiên cùng Địa tận về thôi
Ở đây trời đất và tôi một người.
(Bách Khoa, Xuân 1965)
Lầu Chuông
Tặng Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu
Nhận tin em một năm rồi
Thành xưa đã đổi con người đã thay
Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.
Mưa lầy con phố bôi tên
Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời
Nhớ em biển sách làm khơi
Thả thân trôi giạt với lời muôn phương.
Nhớ em đêm tựa lầu chuông
Rung con tim nhỏ nghìn đường âm thanh
Em yêu lá ở trên cành
Yêu chim trong gió yêu thành vắng quân.
Em yêu miếu mộ linh thần
Yêu đầu không mũ yêu chân lột giày
Yêu người không thiết đi giây
Yêu nhà văn hóa đi Tây lại về.
Em yêu lòng trúc Ỷ tre
Yêu kinh vô tự như bè yêu sông
Em yêu Camus lạnh lùng
Đạt Ma qua biển Ngộ Không giữa trời.
Yêu anh phóng đãng lầm nơi
Văn chương sai lúc thân dơi lộn chiều
Em yêu cuộc sống em yêu
Lầu chuông gác sách mộng điều tuổi xanh.
Hôm nay túi vải bên mình
Em tôi bán dạo trong thành phố quen
Ầm vang trong trí cơn điên
Ném thân anh giạt tới miền hư sinh.
Hơn ba mươi mộng tan tành
Tay xương quét lệ quanh trong mắt mờ
Thấy em lầm lũi hơn xưa
Loanh quanh ngõ dưới dật dờ lối trên.
Em tôi không sách không đèn
Một đầu tư tưởng bôi lem nghĩa đời
Đêm nay tầm tã mưa rơi
Tỉnh ra tôi thấy mặt trời trắng tinh.
Thấy trăng mọc lúc bình minh
Thấy người lưu xứ lênh đênh Quê Nhà
Thấy tôi đập kính soi hoa
Trên cây nhân thế la đà trái đen.
Thấy tôi nguyền rủa Thánh Hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng Tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.
Mưa đưa tôi lại Sài Gòn
Trán căng nhiệt đới hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại lầu chuông
Dang tay nện xuống hư không một chày.
Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh.
(Thời Tập, Virginia, 1978)
Cảm ơn, tôi đi tìm bài này lâu rồi, thích nhất là hai câu đầu. Hơi lấy làm lạ là bài thơ hay như vậy mà bị khuất lấp giữa những bài thơ khác của cùng tác giả.
Litviet nhận được thư của nhà thơ Viên Linh với những thông tin trả lời câu hỏi của bạn đọc Phùng Tường Vân như sau:
Hai câu thơ trên đúng là của Viên Linh, trích trong bài “Phượng Liên” đăng lần đầu trên tạp chí Hiện Đại số 2 năm 1960 (do Nguyên Sa chủ trương), sau in lại trong tập thơ “Hóa Thân” (1964). Phượng Liên là tên một bạn đọc nữ ở Huế quen với tác giả qua thư từ. Toàn bộ bài thơ như sau:
PHƯỢNG LIÊN
Anh đi hồn tiếc thương nhiều
Ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân
Nẻo sầu đôi dạ phân vân
Nửa thân yên ngựa nửa thân tay mình
Có hoài tuổi dại không em
Trời thôi ráng đỏ thu phiền không gian
Mắt em đầy mộng điêu tàn
Yên nghe ván ấy xuôi tràng giang xa
Thôi cồn với tháp bao la
Ngựa đi buớc nhỏ mây là cửa ô
Mai quen với dạ bơ thờ
Hơi nghe lãng đãng sương mù nhớ nhau
Thôi còn giấc ngủ đêm thâu
Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên.
Sài Gòn, 1959.
Tôi nhớ có đọc ở đâu một bài lục bát mà 2 câu đầu là:
Anh đi hồn tiếc thương nhiều
Ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân
nhớ là thơ VL mà không biết có đúng không,bạn nào biết xin sao lục lại cho toàn bài,cảm ơn