Helen Jennifer Zhao, cộng tác viên tạp chí GALO, phỏng vấn Ưu Đàm Nguyễn, 14.08.2012
Helen: The Fuck Buttons là một triển lãm sắp đặt với những bức tường phủ kín bởi những chiếc nút cài áo đầy màu sắc, mỗi chiếc mang một thông điệp khác nhau, ví dụ như “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như một chiếc máy làm tình tốt nhất mà tình yêu có thể mua được./ Honey, tonight I will fuck you as the best love making machine that love can buy.” Có những thông điệp kỳ cục hơn, ví dụ như “Cưng ơi, đêm nay em sẽ đụ cưng như là châu Nam Cực./ Honey, tonight I will fuck you as Antarctica,” hoặc “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như là nghệ thuật hiện đại./ Honey tonight I will fuck you as modern art.” Tôi muốn hỏi anh rằng những điều này có nghĩa gì?

Ưu Đàm: Tôi nghĩ là chúng khá thú vị. Mình có thể hiểu chữ Fuck một lúc hai cách là đụ cho chết hay là đụ yêu (làm tình). Khi ta nói “Cưng ơi, đêm nay em sẽ đụ cưng như là châu Nam Cực” thì câu này bỗng trở nên khá trừu tượng. Thoạt nghe như là sức mạnh của cả châu lục cùng tham gia vào hành động đó. Nhưng cũng không hẳn, bởi vì một châu lục đâu có thể làm được điều đó. Nó cũng có thể là sức mạnh tập thể của tất cả mọi người trên châu lục đó. Cũng giống khi tôi gặp một người đàn ông Mỹ gốc Phi trong lúc đang bán những chiếc nút này tại Howl Festival ở New York. Anh ấy nhìn vào chiếc nút có dòng chữ “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như là châu Phi./ Honey tonight I will fuck you as Africa.” Và anh ấy quay tới quay lui tới ba lần, rồi nói: “Cái quái gì thế? Cái này có nghĩa gì chứ?” Tôi chỉ cười và trả lời là anh nghĩ gì thì nó là cái ấy. Tốt nhất là mua nó đi. Thế là anh ấy cứ quay đi quay lại để nhìn chiếc nút. Rồi lại bước đi. Cuối cùng anh ấy quay lại và mua nó. Tức là tôi cũng không có câu trả lời chắc chắn, nhưng tôi nghĩ việc anh ấy mua chiếc nút có nghĩa là nó có ý nghĩa gì đó khiến anh ấy mua và suy nghĩ. Tôi nghĩ đó chính là điểm hay của nghệ thuật. Nó khiến con người suy nghĩ.
Helen: Vâng, giống như khi tôi đọc dòng chữ “Cưng ơi, đêm nay em sẽ đụ cưng như là nghệ thuật hiện đại,” tôi nghĩ tới một điều gì đó rất trừu tượng và rất giàu cảm giác, bởi vì anh biết đấy, nghệ thuật hiện đại thường đầy màu sắc và kiểu cách. Tôi nghĩ tới một điều gì đó không có cấu trúc cụ thể. Nó rất giàu tính biểu lộ và tính cảm xúc.
Ưu Đàm: Vâng, khi chị nói vậy, tôi lại nghĩ tới một cái nút khác với thông điệp: “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như một người am hiểu nghệ thuật hiện đại./ Honey, tonight I will fuck you as somebody who understands modern art.” Như chị đã nói, “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như là nghệ thuật hiện đại” có thể có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Có thể là nghệ thuật hiện đại quá tệ, hoặc quá tuyệt vời đến nỗi mình bị ngợp bởi nó luôn. Đó cũng là một cách nghĩ. Tôi thích việc chiếc nút không nói những điều kiểu như “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như là John Doe, cao 6 tấc 5, nhóm máu này nọ, rồi thì bằng lái xe số này số nọ. Những chiếc nút giống như điều gì đó ta hiểu được, nhưng không thể nào thực sự chạm hẳn vào nó.
Helen: Vâng, như thế có nghĩa là chúng ta không thể đọc nó theo nghĩa đen.
Ưu Đàm: Tôi nghĩ đọc cách nào cũng được. Tùy từng người. Nó khiến người ta cười. Và umh…, cùng lúc đó, nó khiến người ta suy nghĩ.
Helen: Vâng. Tôi nhớ khi đọc câu “Cưng ơi, tối nay anh sẽ đụ cưng như là một cô gái có mấy hòn “dái”./ Honey, tonight I will fuck you as a girl with balls,” tôi nghĩ “ughhh, thế này thì có gì hấp dẫn?” Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ tới một cô gái dũng cảm. Cũng khá gợi cảm, đúng không?
Ưu Đàm: Chính xác. Tôi rất mừng vì chị đưa ra vấn đề này. Tôi vẫn nhớ khi tôi viết câu này, và một câu khác: “Cưng ơi, tối nay anh sẽ đụ cưng như là một cô gái với mấy hòn “bi” to hơn những người cùng thời của cô ta./ Honey, tonight I will fuck you as a girl with bigger balls than her contemporaries.” Chị có thể đọc câu này và nghĩ tới một cô gái nào đó với những hòn “dái” thật. Thế thì rất kinh. Nhưng đọc theo cách khác cũng được.
Helen: Tác phẩm sắp đặt của anh nằm trong một triển lãm lớn hơn. Chủ đề chung là tình dục trong thế kỷ 21. Hầu hết các tác phẩm đều rất sốc về mặt đồ họa và rất bắt mắt. Tuy nhiên, tác phẩm sắp đặt Fuck Buttons thì nhẹ nhõm và sáng sủa với những chiếc nút nhựa nhiều màu sắc, có thể sản xuất hàng loạt và có thể cài lên trên áo cho cả thế giới thấy. Chúng chuyển tải những thông điệp trong đó đặt ngang hàng trải nghiệm tình dục với các lục địa, con trâu, người nông dân, người thủ thư – những thứ thường nhật không có chút gì liên quan tới tình dục cả. Chúng gần như là tách rời sự nghiêm trọng, hoặc tách chính tình dục ra khỏi tình dục.
Ưu Đàm: Tôi mừng vì chị nêu ra vấn đề này bởi lẽ một số người chỉ nghĩ quá đơn giản về tác phẩm của tôi và cho rằng nó chỉ toàn là tình dục. Nhưng điều đó khá xa sự thật. Đúng là tình dục là một chủ đề thú vị, nhưng là một nghệ sĩ, tôi nghĩ mình cần thao tác với nó làm sao để chuyển hóa được nó. Nó không chỉ là về tình dục. Ngay cả khi tôi làm những chiếc nút như: “Cưng ơi, đêm nay anh sẽ đụ cưng như là một người có “cái” dài 12 inch./ Honey, tonight I will fuck you as a 12 inch one,” hoặc đại loại như thế. Nhưng ý nghĩa của nó không chỉ có thế. Bằng cách nào đó, nó lại khiến ta nghĩ tới quyền lực. Chị biết đấy, khi so sánh chuyện dương vật dài 12 inch, hay là 6 inch, hay là 8 inch. Kiểu như vậy. Tác phẩm của tôi, theo một cách nghĩ nào đó thì thực sự không hề nói về tình dục. Nhưng có lẽ nó khiến mọi người cảm thấy gợi cảm. Hoặc nó khiến mọi người cảm thấy mạnh mẽ hơn, hoặc được trao quyền (empowerment) hơn chẳng hạn. Bởi lẽ chính giây phút ta nói “Địt (mẹ/bố) mày!/ Fuck you!” ta cảm nhận được mình mạnh hơn, dù là ngay phút sau đó, ta có thể bị đánh một trận tơi bời, nhưng tại chính thời điểm nói thì ta vẫn thấy mình được trao quyền vì ta có thể nói điều gì đó để chống trả. Đó chính là ý nghĩa về quyền lực. Đúng là vậy đấy…
Helen: “Fuck” là một từ có nghĩa liên tưởng rất mạnh. Nó khiến cho người phát ngôn ra nó có vẻ rất độc đoán. Nhưng anh lại chuyển từ “fuck” thành “love” trong triển lãm Love Buttons tại Campuchia. Love/Tình yêu diễn đạt sự quan tâm sâu sắc cho người khác, như thể ta sẵn sàn đặt hạnh phúc của họ lên trên hết. Cách thay đổi từ Fuck sang Love đã đặt ngang bằng sân chơi giả định của hai bên tham gia vào tình huống và khiến họ trở nên bình đẳng hơn.
Ưu Đàm: Tôi nghĩ chúng đều ngang bằng nhau cả. Khi được mời tham gia triển lãm nhóm tại Campuchia, tôi chợt nảy ra ý tưởng này. Rồi khoảng nửa năm hoặc một năm sau, tôi nghĩ tại sao ta không thay chữ love vào để xem chuyện gì xảy ra? Tôi cảm thấy nó đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ. Với tôi, ta vẫn có thể nói từ love và làm cho kẻ khác cảm thấy sự căm ghét trong đó, chị biết đấy, khác với tình yêu thực sự.
Điều này có thể phụ thuộc vào giọng nói. Nó có thể đầy đe dọa. Ngay cả từ “cưng” cũng vậy. Nó còn phụ thuộc vào việc ai là người nói, nói ở đâu và thái độ khi người ta nói ra từ đó nữa.
Helen: Anh đã khám phá hiệu ứng bình đẳng tương tự trong tác phẩm World Condom Project lấy cảm hứng từ chủ nghĩa ái quốc anh quan sát thấy sau sự sụp đổ của Baghdad trong cuộc chiến Iraq. Đầu tiên, anh vẽ quốc kỳ của các nước khác nhau lên những cái bao cao su khác nhau, như để mọi người có thể đem niềm tự hào dân tộc của họ vào phòng ngủ. Anh đặt ra câu hỏi: Liệu điều này có đem tới cho người ta khoái lạc tột đỉnh? Về cơ bản, điều này xuất phát từ một giả định về việc bản ngã của người đàn ông có ràng buộc chặt chẽ với bộ phận sinh dục, và về mặt tinh thần, anh ta đặt nó ngang hàng với quyền lực của toàn bộ quốc gia, và rằng khoái lạc tình dục xuất phát từ quyền lực và sự thống trị. Điều này khiến cho dự án có màu sắc gia trưởng. Nhưng sau đó anh làm một dự án tương tự với bao ca su dành cho nữ giới, và đem tới cho phụ nữ một đặc quyền tương tự.
Ưu Đàm: Khi dạo quanh New York để tìm các hiệu thuốc kiểu như Duane Reade và cố gắng tìm mua các loại bao cao su khác nhau cho dự án này trước khi đem chúng về nhà và rửa sạch để vẽ, tôi bỗng thấy một cái bao cao su dành cho nữ giới. Lúc ấy tôi nghĩ: Cái quái gì thế này? Bởi tôi đâu có bao giờ nghĩ là nữ giới cũng có bao cao su. Và thật ngạc nhiên là quả thật họ có. Thế là tôi đem chúng về và bắt đầu vẽ lên chúng. Tôi nghĩ cũng khá là thú vị khi ta thấy một cái bao cao su của đàn ông bị nuốt trọn bởi một cách bao cao su lớn hơn dành cho phụ nữ. Chị biết đấy, bởi lẽ tôi nghĩ việc mỗi người thấy mình có quyền lực là điều rất quan trọng, dù là nam hay là nữ đi nữa. Tôi thường hay chơi với một nhóm bạn, và chính họ khiến tôi có nhận thức về quyền lực. Đôi khi họ phàn nàng rằng con gái thì không có quyền lực bằng con trai. Tôi nghĩ tác phẩm Sex Orgy and Beyond chính là câu trả lời của tôi.
Helen: Tác phẩm điêu khắc Sex Orgy and Beyond là gì vậy?
Tự nhiên tôi nghĩ tới việc làm một vài tác phẩm điêu khắc. Thế là tôi làm mô phỏng hai người đang làm tình với một cái dương vật hai đầu. Quay lại với câu hỏi của chị, đúng vậy, khi tôi sử dụng cái dương vật có hai đầu, tôi nghĩ “tuyệt, thế này thì loại bỏ được chuyện ai là người có dương vật và ai không có rồi”. Cả hai người có quyền lực như nhau. Thực ra thì nó vẫn là một huyễn tưởng (fantasy). Mà tôi nghĩ tác phẩm của tôi liên quan rất nhiều tới fantasy và các giấc mơ. Nó không hẳn là thật. Chị biết đấy, nhưng nó chiến đấu để đạt được một chất lượng phi thực. Bởi vì sẽ luôn có một số người nào đó có quyền lực hơn người khác, dù ít, dù nhiều. Nhưng trong nghệ thuật, hoặc điện ảnh, hoặc âm nhạc, ta có thể bằng cách nào đó thay thế điều này bằng một hy vọng, hoặc một điều mà ta mong sẽ xảy ra.
Helen: Lúc lật xem các bức ảnh chụp lại những chiếc bao cao su anh đã vẽ lên, tôi mới để ý là anh không chỉ vẽ cờ. Anh còn vẽ mặt của một số nhân vật quan trọng, chẳng hạn như lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh của Việt Nam, và Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Mỗi chiếc bao cao su như vậy được gắn nhãn F Power. Dưới hình Hồ Chí Minh, anh viết: F Power: Diminishing/Giảm bớt. Dưới hình của Mao, anh viết: F Power: Increasing/Tăng lên. Điều này có nghĩa gì?
UuDam: Chị biết đấy, lúc đầu tôi nghĩ F Power giống như trong vật lý, F là ký hiệu của lực. Rồi tôi sử dụng GDP của mỗi nước để đo lực bởi vì tôi coi GDP là tiềm lực của nền kinh tế và sức mạnh của một đất nước. Khi nói đến hình ảnh trên bao cao su của lãnh tụ Mao, khó có thể chuyển hình ảnh đó thành một con số GDP cụ thể. Nhưng khi tôi đang thực hiện hình của Mao, Trung Quốc có vẻ đang thực hiện rất tốt khi đất nước ngày càng mạnh lên và công việc làm ăn được xúc tiến. Và tất cả vẫn do một đảng kiểm soát. Tôi nghĩ họ làm khá tốt khi mở rộng và củng cố kinh tế, rồi tiếp đó là Olympic, đúng không? Cùng lúc đó, tôi nghĩ ở Việt Nam, lý tưởng cộng sản đang thu nhỏ rất nhanh. Bây giờ mọi người chỉ muốn kiếm tiền. Họ vẫn duy trì chính phủ cộng sản, chị biết đấy. Nhưng về cơ bản thì chẳng ai quan tâm tới lý tưởng nữa. Họ vẫn giữ lý tưởng bởi vì họ chẳng thể để mất nó. Chẳng ai chịu nói là “những lý tưởng của tôi không còn giá trị nữa cả. Hãy đến lấy tiền của tôi đi. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.”

Helen: Có cả một cái bao cao su vẽ mặt của anh, và dưới đó anh viết: F Power: Không dự đoán được/Unpredictable.
UuDam: Khi tôi vẽ những chiếc bao cao su với gương mặt người, Hồ Chí Minh, rồi Mao, một số người nói như thế là bất kính. Nhưng với tôi, nó gần như một sự khen ngợi. Thế nên tôi nghĩ sẽ rất hay nếu tôi vẽ mặt mình lên dó. Bởi tôi nghĩ mỗi người có câu chuyện riêng. Và một dạng lòng tự hào, một dạng lực, một F nào đó.
Helen: Tôi nghĩ ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy chữ F Power đó là tôi nghĩ F đại diện cho Fuck chứ không phải lực/force.
Ưu Đàm: Vâng, tôi nghĩ rất nhiều người cũng nghĩ vậy. Thực ra là vì tôi nghĩ tới GDP và việc mỗi người có một cái hộ chiếu khác nhau, mỗi cái hộ chiếu lại có sức mạnh khác nhau. Tôi thấy khi đi lại, nếu cảnh sát bước vào một chiếc ô tô hay một chuyến tàu, có một số người sẽ lấy hộ chiếu ra. Vì lý do nào đó, hộ chiếu Mỹ ở đâu cũng ổn. Nhưng một số người người Việt Nam ra nước ngoài với cái hộ chiếu Việt Nam thì khá là khó khăn. Cái gì cũng phải xin phép thì mới được làm.
Helen: Năm 23 tuổi, anh rời khỏi Việt Nam, nơi anh đã khá quen với lối làm nghệ thuật kiểu xã hội chủ nghĩa, để phục vụ chính trị. Nghệ sĩ không được phép biểu lộ và sáng tác nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật. Những người đòi hỏi tự do trong nghệ thuật bị coi là mối đe dọa, và sẽ bị bỏ tù. Tôi nghĩ rất có thể tác phẩm nghệ thuật của anh sẽ bị coi là điều cấm kị ở đó bởi nó khuyến khích con người suy nghĩ tự do?
Ưu Đàm: Vâng, tôi đến từ nơi nó. Và nó đang thay đổi rất nhiều. Tôi rời khỏi Việt Nam năm 1994 và quay lại năm 2008. Và đang có một sự thay đổi rất lớn. Tôi không nhận ra nổi ngay cả con đường nơi tôi từng sống. Mọi thứ đang đổi thay. Khí hậu, cách biểu lộ của nghệ sĩ cũng thay đổi luôn. Tất nhiên, mỗi triển lãm ở đó đều cần được chính quyền cấp phép. Nghệ sĩ cần phải gửi file ảnh JPEG tới chính quyền và ai đó sẽ quyết định xem cái nào thì được phép, cái nào thì không. Chị có thể được cấp phép, hoặc không được cấp phép. Đôi khi người ta điều chỉnh file JPEG tí chút rồi gửi lại để được cấp phép. Nói chung là khá buồn cười. Như triển lãm Fuck Buttons thì chắc là không ổn ở đó đâu. Khi tôi nghĩ ra ý tưởng Love Buttons, tôi rất vui. Kiểu như: Wow, liệu họ có thể nói gì được đây? Họ không thể nói không với tình yêu. Tôi nghĩ tôi sẽ làm kiểu đó ở Việt Nam trong lần tới.

Helen: Mmmm, tôi hiểu. Cảm ơn anh rất nhiều. Tôi rất vui vì cuộc trò chuyện với anh.
Ưu Đàm: Vâng, cảm ơn chị.
Nguyễn Thu Giang dịch từ tiếng Anh cuộc phỏng vấn thu âm “Artist’s ‘Fuck Buttons’ Explore the Various Forms of Sex in the 21st Century” thực hiện bởi Helen Jennifer Zhao. GALO, Global Art Laid Out, 14.08.2012
—
Xem thêm phê bình của Daniel Rolnik trên LA WEEKLY Blog:
http://blogs.laweekly.com/afterdark/2012/07/21st_century_sex_at_bleicher_g.php
installation in Phnom Penh, Cambodia
York