Trần Thiện-Đạo – Mạn đàm văn chương chữ nghĩa

Phải nói ngay rằng ít có ai tối dạ hơn kẻ kí tên dưới bài này. Là bởi từ thuở ráo máu đầu cho tới khi tóc đà bạc trắng, tuy chẳng giây phút nào ngừng ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ, không ngớt theo đuổi tiêu chí do ban biên tập tạp chí Văn và đặc san Văn – Nghiên cứu và phê bình đề ra gần nửa thế kỉ trước ở miền Nam (1), nay đã già đời rồi mà ngu vẫn hoàn ngu, dốt vẫn hoàn dốt. Chẳng học hỏi được điều gì,chưa hề nhận thấy mình mảy may tiến bộ suốt thời gian ngày tháng chất chồng, mà đòi khi (với dấu huyền, chớ không với dấu mũ: đòi = nhiều) lại còn tụt hậu dưới mắt một số bạn bè đồng cánh – xin khỏi kể tên.

Gạt qua một bên các chủ đề đoán trước mình không tài nào với tới, chánh trị, xã hội, khoa học, kinh tế, quân sự, triết học và nhiều thứ cao xa khác vượt khỏi tâm lực và trí lực của mình mà các thức giả thức thiệt trong nước ngoài nước khôn thôi bàn luận, rỉ rả trên biết bao trang sách và báo giấy báo ảo – chúng tôi muốn khoanh vùng ở đây, chỉ lấy chuyện văn chương chữ nghĩa bàn tán trong thời gian mấy năm gần đây trên văn đàn mà nghiệm xét. Chỉ có vậy thôi mà đà thấy rõ rằng mình, dầu đã ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ đúng theo tiêu chí của tạp chí và đặc san nói trên, rằng mình thật tình vừa dốt lại vừa ngu. Tóm lại là tối dạ hết cỡ.

Mù tịt

Thật vậy, cho tới giây phút này, chúng tôi vẫn cứ mù mờ, không hiểu nổi chủ nghĩa hình thức và tân hình thức, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong nền văn học đương thời thực tế là gì. Mà phải đâu là chẳng có tài liệu nào giới thiệu và giải trình cặn kẽ mấy cái ism(e)s đó [mấy cái formalism(e), neo (nouveau, new) formalism(e), modernism(e), post-modernism(e)], giải thích mấy cái chủ nghĩa (nhập ngoại) đó để tham khảo cho cam. Mà còn đầy dẫy thừa mứa là đằng khác!

Khỏi cần nhắc tới các cuốn luận thuyết và nghiên cứu sâu sắc, dày cộm của tác giả ngoại quốc cỡ những Mikhaïl Mikhailovitch Bakhtine (1895-1975), Jean-François Lyotard (1924-1998), Jacques Derrida (1930-2004), Tzvetan Todorov và nhiều nữa, cứ thử nghĩ tới biết bao tiểu luận, đa số rất dài và hết sức công phu, viết bằng tiếng mẹ đẻ đăng tải trong nước ngoài nước của các văn gia gốc Việt và Việt nam mà coi. Chẳng hạn như của những Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc… ở Úc Đại Lợi, của những Khế Iêm (và đối thủ Chân Phương), Bùi Vĩnh Phúc… ở Hoa kì, của những Phan Huy Đường, Đặng Tiến… ở Pháp, của những Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh… ở Canađa, của những Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên… ở Việt nam (2) và của những … không thể kể xiết trên trang báo hạn hẹp này. Toàn là những nhà biên khảo, thời đàm tài danh, nghiêm túc, sắc sảo, uyên bác, học nhiều biết rộng, trình thuật khúc chiết biết bao điều xác đáng, hạp lẽ. Ấy vậy mà cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn cứ mù mịt, vẫn chưa thấu hiểu các học thuyết mà họ diễn dịch thật sự là gì, dính líu với văn chương chữ nghĩa ra sao, mật thiết với nó như thế nào (3). Hóa ra là đã hoài công học đòi!

Là vì từ khi biết đọc, biết viết, biết suy, trải qua bao nhiêu nước chảy qua cầu, đã từng ngó thấy, dõi mắt sát sao biết bao cao trào nghệ thuật khôn thôi tiếp nối, chúng tôi vẫn không làm sao bứt ra khỏi mẫu số chung làm nền cho văn học sanh sôi nảy nở. Qua câu hỏi chủ chốt: văn chương chữ nghĩa do đâu mà ra, lợi ích ở chỗ nào ? Tóm gọn mà nói, thì khi đà có hai con người đối mặt với nhau trên quả địa cầu tức thị là đà có văn chương chữ nghĩa, người này nói, người kia nghe, đối thoại giao lưu với nhau. Còn lợi ích? Nó giúp tác giả (người này) lẫn độc giả (người kia) tránh khỏi thui thủi khổ đau và buồn tẻ một mình và trở nên tốt đẹp trong cõi sanh linh; hoặc khái quát hơn, nhà văn chẳng nói chẳng rằng nghiễm nhiên hiển lộ cho người đọc nhận thấy những điều mà mắt trần không trông thấy và đồng thời những phương thức ẩn khuất giúp cho con người gánh vác cuộc đời …

Các học thuyết luận bàn nhắc tới trên đây chắc cũng chẳng trực tiếp hoặc gián tiếp thêm thắt gì hơn. Ngoại trừ những bộ mã mới mẻ, sơn phết loẹt lòe, màu mè rực rỡ đủ sức thâu hút, thôi miên, mê hoặc một số học giả học thiệt cho phép họ được dịp ta đây phỉ chí tung hoành và, cùng với họ, một số văn gia thi gia bỗng chốc nhanh chưn lẹ cẳng theo đòi ăn mặc sao cho đúng thời trang.

Rằng hay thì thật là hay…

Ngặt một nỗi là mọi thứ giải trình khúc chiết và hình thức văn chương hư cấu của họ, trên thực tế, chẳng vạch ra cho chúng ta thấy rõ loại tác phẩm nào mà độc giả hằng ngày ưa thích, ham chuộng – cũng chẳng nêu rõ những tác giả nào mà người đọc chúng ta hoàn toàn tin cẩn ở tài năng đã được chứng nghiệm.

Có một đặc trưng cố hữu trong mọi nền văn học và văn chương chữ nghĩa, kiên định từ thế kỉ này qua thế kỉ khác bất luận ở đâu và ở thời nào, khai mào từ thuở con người còn ăn lông ở lỗ. Khi trong hang động họ cảm thấy lo âu, hãi hùng trước đêm tối dày đặc lan tràn, hoặc hớn hở, phấn chấn trước bầu trời dần dần lóe sáng ửng hồng. Họ chia sẻ nỗi lòng với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện rùng rợn khủng khiếp có thể xảy tới vào khuya, và những chuyện vui mừng hồ hởi với thiên nhiên hào phóng cống hiến cho mình vô vàn động vật và thực vật để săn bắt và gặt hái – bằng những lời lẽ rúng động trái tim và mở mang trí óc. Không lắt léo, không kiểu cách, không hũ nút, không gọt chữ gọt lời. Từ bấy đến nay, bao nhiêu pho tượng đã bị sa thải, được thay thế, nhường chỗ cho bao nhiêu pho tượng khác cũng hóa thân, biến dạng theo thời gian, và văn chương chữ nghĩa cứ như vậy mà tuần hành, dò dẫm tiến bước, khỏi cần có ai vẽ bản đồ chỉ dẫn. Hệt như nhà thơ hát dạo Homère (thế kỉ VIII tcn) thời Hy Lạp cổ và, gần ba thiên niên kỉ sau, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) thời nay, cả hai đều mù lòa mà cũng đã tự mình mò mẫm tạo tác, dựng nên cơ nghiệp sử thi và văn hóa của mình. Nghệ thuật không thể dựa trên vài ba ý niệm thời thượng lượm lặt đó đây bắt chước mà thành.

Thế mới biết tại sao các học giả tài hoa kể trên và các nhà văn nhà thơ theo đòi chẳng hề đả động gì tới chỗ, khác hẳn các điểm sách gia và phê bình gia, độc giả chúng ta thường hay khoái chí, nói thí dụ, đọc Nguyễn Ngọc Tư (Cánh Đồng Bất Tận và các tác phẩm khác) hơn là Nguyễn Bình Phương (với Thoạt Kỷ Thủy hay Ngồi chẳng hạn) (4). Hay tới chỗ, khác hẳn giới trí thức và đại học, độc giả chúng ta hằng thích thú, nói thí dụ, thưởng thức những câu thật tình đơn giản của một cựu chiến binh bộ đội vượt Trường Sơn 35 năm sau ngày được may mắn trở về sum vầy với cha mẹ vợ con, với làng xã:

Đồng đội tôi sau chiến tranh
Phần lớn về quê làm ruộng
Mai nắng hai sương, thức khuya dậy sớm
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
Đói no tùy lúc, tùy nơi… (5)

hơn là mấy câu xuống dòng quá ư lạ lẫm, kì dị kiểu (tân) hình thức dưới đây:

Trước trung tâm trưng bày của hãng
Daewoo ở ngã tư Đinh Tiên
Hoàng là những cây rất to tỏa
nhiều bóng mát và những cây
nhỏ dưới bóng mát đó. Rồi từ
đâu đến… (6
)

Làm tuồng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hiện tình văn học trên thế giới, nhà văn quá cố Henri Troyat (1911-2007), trước khi qua đời, đã có những ý kiến được xem như lời trăng trối của một cây đa cây đề gởi cho hậu thế:

“Tôi chẳng khi nào theo đuôi ai hết (…) Tôi cũng hằng ngày để tâm theo dõi, thấy người ta thường hay cãi cọ với nhau một cách sôi nổi làm cho bầu khí văn nghệ quả thật rùm beng, nhưng thiệt tình là tôi có cảm tưởng như họ phần đông tỏ ra xuất sắc về hình thức hơn là tìm cách thâu hút độc giả qua nội dung. Thể như họ đóng tuồng hòng làm chóa mắt thiên hạ” (7) và (8).

Xin mượn nhận xét dẫn trên để kết thúc bài này.

Trần Thiện-Đạo
(Paris, 11.08.2009
)

 

————————–

(1) Xem: Chứng từ – Tạp chí Văn trong lòng độc giả (mục Mạn đàm văn học trên Hợp lưu, số 105, tháng 5 & 6 năm 2009). Bán nguyệt san Văn và đặc san Văn – Nghiên cứu và phê bình (sau đổi tên thành Tân văn) ra mắt bạn đọc từ tháng giêng 1964 tới tháng tư 1975 ở miền Nam Việt nam, kẻ kí tên dưới bài này vốn là thành viên ban biên tập ngay từ đầu.

(2) Phạm Xuân Nguyên là dịch giả cuốn La condition postmoderne – Rapport sur le savoir (Điều kiện hậu hiện đại – Nói về sự hiểu biết) xuất bản năm 1979 của Jean-François Lyotard. Rất tiếc chúng tôi chưa được đọc bản dịch này.

(3) Phần đông không trực tiếp qua nguyên bản, mà qua trung gian các học giả Hoa kỳ.

(4) Đây chỉ đứng về phía độc giả mà bàn.

(5) Tác giả: Lê Cường. Dẫn theo hồi kí của Võ Minh, Có một thời như thế (nxb Thanh niên – 2009), tr. 18.

(6) Tác giả : Bùi Chát. Ghi chép, dẫn từ tập Thơ không vần – Tuyển tập tân hình thức (Nxb Tân hình thức Publishing Club – 2005), tr. 1.

(7) Xem: Cây đa trong nền văn học Pháp hiện đại, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ – Những nụ cười giòn (Nxb Hội Nhà văn – 2004), tr. 283-287, và Một vì sao rụng – Henri Troyat (1911-2007), trên Thể thao & Văn hóa (số 30, ngày 10-3-2007) và Hợp lưu (số 94, tháng 4 & 5 / 2007).

(8) Trong các bài phúng điếu Lê Đạt (1929-2008), Hoàng Cầm kết luận: “Lê Đạt nói mình là ‘’phu chữ’’ cũng đúng, vì khi viết ra một chữ gì mới, ông ấy chọn lọc và suy nghĩ ghê lắm. Tôi đọc thơ ông ấy thấy được chỗ nào ông ấy làm công phu, cân nhắc rồi dằn vật chữ này chữ kia đến mệt.” (xem: Vĩnh biệt Lê Đạt: Bóng chữ đặng trần ai, trên Vietnamnet, ngày 22/04/2008), còn Hoàng Hưng thì nhận định: « Hàng chục câu thơ tài tình, gợi cảm, trẻ trung bất ngờ, dăm bài thơ nhỏ, có cái đẹp toàn bích cổ điển (…) » (xem: Bóng chữ động chân cầu, trên Hội luận, ngày 26/04/2008). Sau khi được phục hồi danh dự bị phỉ báng trong vụ Nhân văn – Giai phẩm đồng lượt với Trần Dần (1926-1997), Phùng Quán (1932-1995) và Hoàng Cầm, Lê Đạt có nhiều nổ lực cách tân ngôn ngữ thơ: tập Bóng chữ của ông xuất bản năm 1994, đã gây nhiều dư luận trong giới làm thơ và phê bình, là tác phẩm điển hình cho những cố gắng đó, biểu hiện rõ nét trong bài cùng tên dẫn dưới đây:

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em vẫn đâu
Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu.

Xin nhường lời thẩm định cho độc giả.

1 bình luận về “Trần Thiện-Đạo – Mạn đàm văn chương chữ nghĩa

  1. Lam truong Phong 1 Tháng Chín 2009 / 6:15 chiều

    Xin trích đăng một bài thơ cũa nhà nghiên cứu văn học Bùi Vĩnh Phúc về chủ nghĩa hình thức và tân hình thức, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại (như tác giả Trần Thiện Đạo có đề cập trong bài viết ở trên) So sánh bài thơ thật “tròn trịa” thuộc trường phái lứa tuổi thích ô mai của ông BVP và những dòng văn đầy “lửa” của chính ông khi viết về nghiên cứu văn học, có lẻ nhà văn quá cố Henri Troyat (1911-2007) không sai chút nào khi viết;”Tôi cũng hằng ngày để tâm theo dõi, thấy người ta thường hay cãi cọ với nhau một cách sôi nổi làm cho bầu khí văn nghệ quả thật rùm beng, nhưng thiệt tình là tôi có cảm tưởng như họ phần đông tỏ ra xuất sắc về hình thức hơn là tìm cách thâu hút độc giả qua nội dung” ?

    Dưới Cầu Mưa Trắng

    Bùi Vĩnh Phúc

    ta áo bạc ngồi dưới cầu mưa trắng
    gió trùng trùng thổi rất lộng trong hồn
    ta dưới cầu nhìn mưa chiều mới chớm
    đã mơ về nhà một chút khói hoàng hôn

    ta muốn về nhà về thăm quê ta
    phố gió chiều mưa, mưa bay trăm tà
    phố gió bàn tay em mềm rất ấm
    chưa tiễn nhau mà sao đã xót xa

    gió bồng chân cầu, gió thốc ngày xưa
    áo em tà mỏng thương sao cho vừa
    thấy mắt ta cười, tay em luống cuống
    đứng nép vào ta dưới những hiên mưa

    gió chia mưa nhỏ như sợi chỉ mềm
    những nhánh mưa hồng cho em xinh thêm
    mưa trên tóc nhỏ em là con gái
    mắt rất ân cần làm sao ta quên

    ta muốn về nhà ôm lại mẹ hiền
    mẹ ơi đời mẹ ngàn nỗi truân chiên
    một mai gió thổi mây bay về núi
    con sẽ khóc thầm những giấc nửa đêm

    ta muốn về thăm mấy tên bạn thân
    tóc râu một thuở mấy nẻo phong trần
    những ngày hào sảng ta không thấy lại
    bởi lẽ đời chia mấy cõi phù vân

    ta muốn về thăm những mắt học trò
    những nụ cười mềm, những tóc ngây thơ
    những vòng vây nhỏ thơm mùi áo trắng
    lá sân trường xưa còn reo trong mơ

    ta vẫn còn ngồi dưới cầu mưa trắng
    áo em, tay mẹ quá đỗi hiền hoà
    rồi một ngày mai ta về chốn cũ
    có kịp đền bù hết những thiết tha.

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.