Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Phan Nhiên Hạo, Chân Phương, Nguyễn Viện, Trần Vũ – Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (1)

Thảo luận bàn tròn (1, 2)

Phan Nhiên Hạo: Chúng ta vẫn thường bàn luận đủ đề tài liên quan đến văn chương, xã hội, chính trị mỗi khi có dịp ngồi với nhau hoặc qua thư từ, điện thoại. Những cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ, hàng buổi, diễn ra trong nhiều năm. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không viết những trao đổi như vậy xuống, chia xẻ với người đọc và những người viết khác. Mỗi người viết là một cá nhân độc lập, và tôi biết chúng ta không muốn và cũng không thể đại diện cho ai; nhưng mặt khác, tác phẩm và thái độ văn chương của chúng ta chịu sự tác động của xã hội và những xu hướng văn chương. Nhà văn, tôi nghĩ, độc lập nhưng không cô lập, không đại diện ai nhưng vẫn là một phần của cộng đồng. Tâm cảm và quan niệm của anh ta, vì vậy, không phải hoàn toàn vô ích trong việc giúp những người đi sau tìm hiểu về thời đại mà anh ta đang sống. Nhưng đó là nói chuyện lâu dài.

Còn hiện tại, tôi nghĩ việc phát biểu những ý kiến về văn chương và bày tỏ thái độ xã hội là chuyện nhà văn nên làm. Nhà văn hiện diện bằng tác phẩm, dĩ nhiên điều này quan trọng nhất, nhưng đôi khi nhà văn cũng nên trình bày mình một cách trực tiếp hơn, nhất là trong những xã hội nhiều xung động, nhiều vấn nạn như Việt Nam hôm nay. Những phát biểu của các nhà văn cũng sẽ giúp người đọc tiếp cận sâu hơn tác phẩm của người viết. Ví dụ, từ những ý kiến của các anh Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, và Nguyễn Viện, người đọc hải ngoại sẽ hiểu hơn tại sao các anh chấp nhận làm loại văn chương “ngoài lề”. Những người viết ở hải ngoại như các anh Chân Phương, Trần Vũ, và tôi, ngược lại, cũng có thể chia xẻ với người đọc trong nước lý do vì sao chúng tôi vẫn viết nhiều về quá khứ, chiến tranh.

Tôi cảm ơn các anh Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Chân Phương, Nguyễn Viện và Trần Vũ đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi này. Có nhiều người viết khác tôi cũng muốn mời. Nhưng kinh nghiệm đọc của tôi cho thấy, theo dõi một cuộc trao đổi gồm quá nhiều người sẽ rất khó, sau một lúc chẳng còn biết ai nói gì. Vì vậy, tôi nghĩ sáu người là vừa, ba trong nước, ba hải ngoại. Nếu còn hứng thú làm tiếp, lần tới tôi sẽ mời những người viết khác tham gia một cuộc trao đổi khác.

Đề tài mà tôi đề nghị cho cuộc trao đổi này rất rộng, đến nổi nó có vẻ như không phải là một đề tài cụ thể. Nhưng tôi hy vọng chính vì vậy cuộc trao đổi sẽ thoải mái và phong phú. Tôi muốn chúng ta có thể trò chuyện một cách không gò bó, như cái cách chúng ta vẫn ngồi với nhau quanh bàn café bao năm nay.

Đề tài trao đổi, tạm gọi như vậy, mà tôi đề nghị là, “Nhà văn chúng ta nghĩ gì, viết gì hôm nay?”. Với một đề tài như vậy, dĩ nhiên chúng ta có thể nói về rất nhiều điều: văn chương và chính trị, tự do sáng tạo, văn chương chính thống và “ngoài lề”, văn chương Bắc và Nam, văn chương trong nước và hải ngoại, các xu hướng nghệ thuật, các lý thuyết và trào lưu, các tên tuổi đáng chú ý…

Để bắt đầu cuộc trò chuyện, có lẽ chúng ta nên nói về quan hệ giữa văn chương và chính trị hiện nay. Sau đó tùy theo mạch câu chuyện, chúng ta sẽ chuyển qua những đề tài khác, bất cứ lúc nào chúng ta muốn.

Trần Vũ: “Quan hệ giữa văn chương và chính trị”? Nhìn thấy rõ nhất ở lưỡi chém visa đã lướt qua đầu các nhà văn di dân. Gạt được lưỡi hái này là lấy lại được tự do nhưng số đông không gạt được, vì còn gia đình, đành chấp nhận im lặng. Tự do mà các nhà văn thuyền nhân đã liều chết đi tìm, hôm nay đánh mất vì muốn trở về.

“Nghĩ gì, viết gì”? Qua tiểu luận Thơ Việt Đi Về Đâu, Chân Phương tin văn học Việt Nam “cần những con người thật để làm Người Chứng”. Tôi đồng cảm với Chân Phương cách nhìn này. Chức năng của sáng tác, ngoài sáng tạo, phải biểu cảm thời đại mình sinh sống.

Tuy vậy khó khăn tràn lan. Vì kiểm duyệt, phải đánh tráo suy nghĩ và cũng vì lưỡi chém visa. Tức là không có Người Thật nên không thể viết ra suy nghĩ thật. Mặt khác, tính chất ảo, tính chất biến hóa với thời gian vùn vụt trong sự nhập nhằng vĩ đại khiến các nhà văn khó khăn khắc họa đất nước. Đa số khảo sát quá khứ, vì quá khứ ít phản bội. Còn thực tại? Thực tại biến thiên chóng mặt. Còn tương lai? Không ai dám nghĩ đến tương lai Hán thuộc ngày mai. Thực tế này đưa đến hiện tượng: so với Tây phương, văn học Việt Nam rất ít loại truyện phi lý và dự phóng, dù xã hội Việt Nam đầy phi lý và làm như không ai dám dự báo điều gì. Thời Của Những Tiên Tri Giả, như một tựa truyện của Nguyễn Viện. Tôi thấy vậy.

Phan Nhiên Hạo: Đúng là nhiều người viết ngoài này sợ không được cấp visa về nước, hoặc tệ hơn được cấp visa nhưng về đến phi trường bị đuổi ra, hoặc được cho vào nhưng bị công an mời lên làm việc, hoặc sợ người thân còn ở Việt Nam bị làm phiền. Nói chung là ra đến ngoài này rồi vẫn sợ. Còn những người đang sống trong nước thì dĩ nhiên có rất nhiều lý do chính đáng để sợ, vì sự nguy hiểm là có thật. Sợ hãi là điều bi thảm nhất của văn chương Việt Nam mấy mươi năm qua, sản phẩm của chế độ toàn trị. Nó đánh gục nhà văn, hoặc trong vài trường hợp những nhà văn can đảm, nó cũng buộc họ phải tiêu hao phần lớn nhất sinh lực sáng tạo vào việc đối phó với nỗi sợ. Những nhà văn ở các xứ tự do Âu Mỹ không sống với nỗi sợ chính trị như vậy, và họ không thể nào hiểu được cảm giác của chúng ta.

Điều bi hài và hơi khó hiểu đối với tôi là nhiều nhà văn trong nước, những người tạm gọi là thuộc giới “chính thống”, lại nói năng như thể nỗi sợ này không tồn tại nữa, rằng nhà văn bây giờ có tự do, hoặc ít ra cũng phải tự mình tìm một thứ tự do nội tại để viết, không nên trách móc, đổ thừa cho ngoại cảnh. Tôi tự hỏi những người này thật sự đã đạt đạo đến độ an nhiên tự tại hay thật ra họ đã quen thuộc với cái chuồng của một thứ tự do hạn hẹp được ban phát?

Nguyễn Quốc Chánh: Trong bối cảnh Việt Nam, tôi thấy có ba chủ thể chính trị: điên, điếc và cực quyền. Đảng là cái trụ chủ thể cực quyền, tạo ra hạnh phúc cho chủ thể điếc và biến chủ thể điên thành tình trạng dở sống dở chết. Văn nghệ Việt Nam 99% rất hạnh phúc, điếc mà chung sống với cực quyền thì không có gì tuyệt vời hơn. Điếc là đặc cứng hoặc lỏng bỏng. Đặc thì ì ra, còn lỏng bỏng thì rót bừa hoặc rót vào đâu cũng được. Đặc là cố giữ cơ sở cho quá khứ của cực quyền hiện tại, nghĩa là sợ cái thây ma văn nghệ miền Nam sống lại hoặc sợ bị lai căn. Còn đám lỏng bỏng khi vớ được miếng lạ dạ dày bồn chồn và tiêu chảy ngay. Nhớ thời bao cấp ăn rau, bữa nào có tí mỡ, khuya là chột dạ liền.

Chân Phương: Chung qui là sợ. Chính sách trước sau như một của toàn trị văn hóa là khủng bố dưới nhiều dạng mà chính sách visa là một. Theo tôi, giới nhà văn và trí thức Việt Nam phải tập trung suy nghĩ về bản chất của sự khủng bố trí thức (intellectual terrorism) và các hậu quả của nó đối với đời sống tinh thần của mọi người Việt.

Dĩ nhiên ít ai đủ dũng khí để trực diện với mật vụ văn hóa cộng thêm trừng phạt kinh tế; và Phan Nhiên Hạo nên thông cảm (dù chúng ta vẫn phê phán) cho thói quen ngụy tín của đại bộ phận người viết trong nước. Điều buồn cười là các ngòi bút Việt Nam ở Mỹ, Pháp, Úc, v.v. lại thỏa hiệp với chế độ Hà Nội, và mặc nhiên tiếp tay cho chính sách khủng bố nói trên.

Tóm lại tự do ngôn luận và khủng bố trí thức là hai mặt không thể tách rời của một vấn nạn mà ngòi bút nào còn muốn làm Người Chứng cho Việt Nam bắt buộc phải đối đầu, nếu không muốn giả điếc hay trở nên điên điên dại dại.

Nguyễn Viện: Cái ám ảnh và cũng là nhu cầu của bất cứ văn nghệ sĩ nào là mong muốn tác phẩm của mình đến được với công chúng. Trong bối cảnh chia cắt nội – ngoại và tình trạng người đọc tiếng Việt ở hải ngoại càng ngày càng ít đi như hiện nay, thì đối với các tác giả bên ngoài nước, cái ám ảnh và nhu cầu tác phẩm được xuất hiện trong nước càng lớn. Bởi thế, họ rơi vào tình thế phải tự thỏa hiệp, ngoài lưỡi dao visa. Đó cũng là tình cảnh bi hài của một số nhà văn hải ngoại tìm cách “ôm vai bá cổ” các “bác” ở Hà Nội.

Chọn lựa ấy cũng không chừa các văn nghệ sĩ trong nước, bởi sự “khủng bố trí thức” có thật như anh Chân Phương nói.

Tôi cho rằng, nếu anh là một nhà văn đích thực, thì ngày nay đâu thiếu chỗ để anh công bố tác phẩm. Nhà nước độc tài không thể ngăn cấm tự do sáng tạo của anh, cũng như không thể ngăn chặn tác phẩm của anh đến với công chúng, nếu anh muốn.

Trịnh Cung: Tôi nghĩ, kể từ sau ngày 30-4-75, nếu muốn lượng giá về tình thế văn nghệ Việt Nam ngày nay, chúng ta cần phải đứng trên một thực tế chính trị hiện hữu là người trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam đã bị hay tự phân chia thành bốn nhóm chính rõ rệt:

1. trí thức và văn nghệ sĩ trong hệ thống nhà nước Cộng sản

2. những người sáng tác độc lập đang sống trong nước (văn nghệ ngoài luồng)

3. văn nghệ sĩ hải ngoại chống Cộng (theo nghĩa rộng)

4. văn nghệ sĩ hải ngoại thiên tả (theo nghĩa rộng)

Ở đây, các yếu tố hèn, can đảm, phản động, chỉ tồn tại khi mỗi chủ thể khác quan điểm chính trị dùng để tấn công nhau qua cánh cửa tác phẩm hoặc dưới nhiều hình thức phát ngôn khác, và họ cũng dùng chính những quan điểm ấy (niềm tin) của riêng mình để hóa giải những mũi tên của đối phương bay tới tấp về phía họ. Nếu không phải thế thì hà cớ gì có người đã vượt qua các rào cản danh dự, thậm chí chấp nhận tổn hại đạo đức để có tác phẩm được in ở trong nước mà giá trị văn chương của nó, theo họ tin sẽ là cứu cánh, và mọi con đường chỉ là phương tiện. Tuy nhiên, cho đến giờ, chưa thấy tác phẩm nào của những nhà văn này làm được điều họ mong đợi, kể cả Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác. Ngược lại, những văn nghệ sĩ ngoài luồng đang sống trong nước như Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ… nếu không có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tự do dân chủ của đất nước thì làm sao họ chịu nổi sự hà sách tinh thần của các công cụ an ninh văn hóa nhà nước Cộng sản.

Phan Nhiên Hạo: Internet có thể giúp đem tác phẩm của nhà văn đến bạn đọc một cách nhanh chóng và rộng khắp. Thời gian một hai năm gần đây thêm hiện tượng blog, là một kỹ thuật rất dễ dùng, dễ hơn việc tạo một trang web theo lối cũ. Đó là một lợi thế rất lớn cho văn chương Việt trong tình trạng ngăn sông cấm chợ hiện nay. Tuy nhiên, như tôi có nói trong một bài viết cách đây hai năm, “Nghịch Lý Văn Chương Mạng Việt Nam“, văn chương internet cũng có những vấn đề của nó. Nhược điểm lớn nhất của nó là một nền văn chương hoàn toàn miễn phí, không gắn với công nghiệp xuất bản. Vì vậy, một tác phẩm khi viết xong và phát hành trên mạng thường sẽ không đi kèm những bài điểm sách, giới thiệu, những buổi ra mắt sách tổ chức bởi nhà xuất bản cho tác giả. Ở trong nước, nhất là ngoài Bắc, họ có những người làm công việc điểm sách theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản như vậy. Cho nên họ rất dễ lăng-xê nhau. Xuất bản của văn chương Mỹ cũng có những người làm công việc điểm sách chuyên nghiệp. Một việc làm cần thiết cho việc phát hành sách. Điều đáng nói là nếu chấp nhận đi vào công nghiệp xuất bản của Việt Namsẽ có nghĩa là chấp nhận nằm trong quỹ đạo của một nền văn chương chịu sự kiểm soát. Nhà văn ai cũng muốn in ấn tác phẩm một cách trang trọng và có nhiều bạn đọc. Bản thân tôi cũng từng in một vài bài thơ trên báo trong nước. Lúc đó tôi tưởng rằng như vậy họ đã bắt đầu mở ra chút đỉnh cho sự thông thương trong ngoài. Nhưng từ đó đến nay tình hình không có gì thay đổi.

Trong thời điểm đang có nhiều dấu hiệu đàn áp để bắt buộc trí thức đi theo “lề bên phải” như hiện nay, việc đem sách về in trong nước, một cách biểu tượng, theo tôi là sự thỏa hiệp mà nhà văn hải ngoại không nên tiếp tay.

Nguyễn Viện: Điều tôi nói là về một nhà văn đích thực, có nghĩa là anh không sợ không ai biết tới. Những hiện tượng được lăng-xê ầm ĩ trong nước do các nhà làm sách thuê viết, thật ra chỉ là một hiện tượng bèo bọt để kiếm tiền và chút danh hão.

Tất nhiên nếu in được sách trong nước vẫn là tốt nhất, với điều kiện anh không chấp nhận sự thỏa hiệp. Bởi thỏa hiệp với độc tài chính trị, hay độc tài tư tưởng như hiện nay chẳng khác nào anh tự móc mắt mình.

Nguyễn Quốc Chánh: Hôm qua uống cà phê với Nguyễn Hòang Nam ở Hồ Con Rùa, Nam hỏi muốn đọc tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn Việt Namthì mua ở đâu, tôi ú ớ không trả lời được, bèn gọi Nguyễn Hữu Hồng Minh, Minh cũng không có và nói các loại báo và tạp chí văn nghệ của Hội Nhà Văn thường là các hội viên được gửi đến tận nhà, chưa chắc gì họ giở ra hay là quăng cha vào sọt rác. Lãng phí tiền thuế của người dân đã đành, vậy mà vẫn có người tưởng bở, muốn thành nhà văn Việt Nam thì phải có bài đăng trong báo và tạp chí của Hội Nhà Văn . Đã từ lâu tôi gần như hoàn toàn không thấy, báo hay tạp chí của Hội Nhà Văn bán ở vỉa hè hay trong nhà sách. Chuyện này nghĩ ra thấy tức cười, văn nghệ công khai mà giống phát hành bí mật, và hội nhà văn thì họat động rất giống hội kín. Còn chuyện cô giáo dạy văn ở Đà Nẵng xúi học sinh đọc Tiền Vệ và Talawas thì bị đuổi việc cũng rất buồn cười, so sánh hai trường hợp, càng tức cười hơn, văn nghệ chui thì được xúi đọc còn văn nghệ chính thức, chả ai đọc, lỡ có người muốn ngó qua thì cũng không tìm ra.

Phan Nhiên Hạo: Điều đáng nói là những nhà văn “chính thống”, đặc biệt ngoài Bắc, đã xử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước theo kiểu “người nhà” của họ để quảng bá những loại hàng “dỏm”. Ví dụ, gần đây tôi có thấy trò lăng-xê trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam của một tay làm thơ ở Hà Nội tự xưng là “Hậu Hiện Đại”, nhưng thật sự chỉ viết nhăng viết cuội. Trong một xã hội vẫn còn thiếu sách vở về các trào lưu, chủ thuyết ở phương Tây, những trò ruồi này không phải là không gây bệnh “tiêu chảy” cho môi trường văn chương, theo cách anh Chánh nói. Sự áp chế của chính quyền và việc mua vui của giới nghệ sĩ trang điểm cho chế độ bằng những trò “sành điệu” thì các anh ở trong nước biết quá rõ.

Bây giờ tôi muốn xoay cuộc trao đổi về hướng chúng ta một chút. Tôi muốn hỏi là các anh giải quyết liên hệ giữa văn chương và chính trị như thế nào trong sáng tác của mình? Chúng ta không phải tạng nhà văn theo kiểu “nghệ sĩ là chiến sĩ”, nhưng hiển nhiên chúng ta cũng không phải loại nghệ sĩ “trùm chăn” thủ dâm với chữ nghĩa. Ngược lại, các anh là những người đang viết với thái độ dấn thân rất can đảm trước những vấn đề thời cuộc hiện nay. Nhưng khi làm như vậy, liệu chúng ta có phải hy sinh một phần nào, hay thậm chí rất nhiều, tính văn chương của tác phẩm?

Nguyễn Viện: Bối cảnh xã hội hay thái độ chính trị, với tôi chỉ là một chất liệu đề tài, bởi thế không ảnh hưởng gì đến tính văn chương của tác phẩm. Chính cái “bức xúc chính trị” lại là nguồn cảm hứng thôi thúc nhất để viết. Sáng nay, ngồi cà phê với Thận Nhiên và Trà Đóa, anh Đóa nói: “Nếu mình không viết, chắc chết”. Đúng vậy, “bức xúc chính trị” là một trạng thái tinh thần dễ bùng nổ nhất. Nó đẩy nhà văn vào tình thế “một mất, một còn”. Hoặc anh là anh, hay anh chỉ là cái loa phát thanh treo ở cột điện, lải nhải mọi thứ chủ trương chính sách, tự hư huyễn tính “nhân văn cao cả” và “trách nhiệm cộng đồng”, đạo đức giả và khiếp nhược.

Trần Vũ: Những điều các anh vừa trình bày có thể vẽ thành bức tranh Hiện thực Tai xanh của những nhà văn mà nếu nói thật sẽ lở mồm và nếu mạnh dạn, sẽ long móng. Câu hỏi Hạo đặt ra: “Giải quyết liên hệ giữa văn chương và chính trị như thế nào trong sáng tác của mình?”

Dường như trong nước, để giải quyết, một số tác giả chọn con đường không chính mạch. Nếu hiểu “không chính mạch” là dòng văn học chưa bị trói của đất nước, không phải hàng luộc hay hàng nhái, nhưng là tiếng nói lương tâm của nhà văn, trong tự do sáng tác, trong trách nhiệm tinh thần của chính mình trước thực tế đất nước, không thỏa hiệp với chính quyền, và nếu nghệ thuật vươn vai cùng với thái độ, thì “không chính mạch” là một giá trị. Hàng chính thống không thể sánh bằng, ngay cả khi sản suất với thương hiệu “Ái quốc” vì đã bị rút ruột công trình.

Bên ngoài, là cả một sự băn khoăn: Viết gì? Về gì? Mục đích gì? Như thế nào? Đâu là vấn đề Việt Nam? Va chạm từ góc độ nào và tìm gì? Là những câu hỏi triền miên nhấn chìm người viết. Đến mức cá nhân tôi không còn đặt câu hỏi nữa. Ý niệm, cốt truyện, ý nghĩa của truyện phải xảy đến cùng với mạch đời sống, tức thì hoặc bất chợt, và khi chúng ập vào người mình thì mình viết ra giấy, trút sạch các ý nghĩ trong đầu mình ra giấy, không nghĩ đến “giải quyết” mà giản dị viết điều mình muốn viết. Chọn lựa của tôi lúc này là vậy. Đã qua, thời kỳ phân vân.

Nguyễn Quốc Chánh: Chính trị trong nghĩa rộng nhất là những tương quan quyền lực. Ở đâu có hơn một người là ở đó có những tương quan. Do vậy viết kiểu gì cũng đều không ra khỏi sự chi phối của chính trị. Viết và xuất bản trong sự thừa nhận và tán dương của chủ thể cực quyền như ở Việt Nam là sản xuất ra loại văn chương đồng lõa với chính trị chính thống, còn viết bên ngoài sự kiểm soát của chủ thể cực quyền là làm ra loại văn chương của chính trị bàng thống. Văn chương chính thống thì không sợ phi nghệ thuật, lo gì văn chương bàng thống hỏng nghệ thuật. Tôi không có nỗi sợ tay mơ đó. Tôi chỉ sợ sự đe dọa từ chủ thể cực quyền, nỗi sợ cực quyền nó chả thèm làm hư hao nghệ thuật, nó đâm sầm vào tim óc làm tan nát cõi lòng. Văng tục, hậm hực, trơ tráo, láo lếu… là để thách thức cái nỗi sợ, không phải từ bên ngoài mà nó đã ngấm vào trong, lúc ăn cũng như ngủ, cũng như đụ, cũng như ỉa. Nghệ thuật chả lẽ chỉ có ở bông hoa, ánh sáng, mà lại vắng bóng trong những vết thương, hốc tối, dòi bọ hay cứt chó. Thanh Tâm Tuyền làm thơ về Budapest phản cách mạng, Orwell, Koestler viết về nọc độc của toàn trị hay quá trời. Chính trị không thể lấy nghệ thuật ra khỏi văn chương mà văn chương sẽ thành nghệ thuật dởm khi tự nhấc mình ra khỏi chính trị.

Nguyễn Viện: Thật ra, thứ văn chương xu nịnh hoặc “vô tội vạ” vẫn bao hàm một thái độ chính trị, nhưng ở đó nó mất đi tính tự do và sự tự trọng, bởi thế nó chỉ còn là hàng giả, hàng dỏm. Ngược lại, đặc điểm của văn chương phản kháng bao giờ cũng bao hàm một nỗ lực cách tân, bởi cách tân là yếu tính của sự phản kháng.

Trần Vũ: Đồng ý với Chánh là văn chương sẽ rởm, khi tự nhấc mình ra khỏi chính trị. Tuy vậy, không còn cách nào khác ngoài văng tục?

Nếu là một thủ pháp, sự lập lại này có gây thành nhàm chán hay không, khi Chánh nói “Nghệ thuật chả lẽ chỉ có ở bông hoa, ánh sáng”? Vì triền miên văng tục, kẻ phi chính thống sẽ trưng bày một mặt hàng duy nhất, có nghĩa rơi vào sự đối xứng đơn điệu của hàng chính thống. Và tại sao phải đóng khung ngôn ngữ vào các bộ phận sinh dục khi phi chính thống hàm nghĩa đi tìm tự do. Tự do tính dục, tự do văng tục, tự do biếm họa mà không sợ phạm thánh, mà vẫn có thể tự do ngắm hoa hay chiêm nghiệm ánh sáng dưới một góc độ khác với góc nhìn “không sai trái” của ban Tuyên giáo.

Tôi hiểu nhu cầu Chánh vừa nêu. Hiểu văng tục là một hành động phản kháng, nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn, nhưng vì sao thi pháp của một nhà thơ không thể trừu tượng hơn một bộ phận sinh dục? Lấy sức sống của sự truyền giống cộng sức khoái cảm cá nhân đối đầu với cơ chế tập thể, phải vậy không? Tôi nghĩ khác, chủ thể của văn bản phải đa dạng. Chúng ta khác nhau trong chi tiết này.

Tất nhiên, mỗi cá nhân có một chọn lựa, mà chọn lựa nào cũng thần thánh. Chúng ta trao đổi để hiểu thêm và tôi muốn hiểu thêm cách nhìn của Chánh, tuy Chánh đã giải thích “nó ngấm vào mình”.

Nguyễn Quốc Chánh: Nội dung trong mỗi cái chấm hỏi của Vũ tôi đồng ý một nửa. Dĩ nhiên, văng tục không phải là thượng sách trong văn chương rồi, có lẽ nó chỉ là cách đối đế của một kẻ thất thế cố giành lại chỗ đứng bằng cái vốn trời cho của thân thể. Nghe nói nhà vua và dân đen là hai thành phần hay nói tục nhất. Có phải nhà vua nói tục vì hắn tột đỉnh quyền uy, còn dân đen nói tục vì bọn chúng chả có gì? Tếu là hai sự chênh lệch rất tục tĩu bỗng trở nên bình đẳng trong trạng thái hưng phấn của ngôn ngữ tục tằn. Ngôn ngữ tục, do đó, cùng một lúc biểu thị hai chức năng, vừa chủ vừa bị. Hơn thế, thân thể vừa lọt lòng là rớt ngay vào cái bụng hỗn mang của ngôn ngữ đến nỗi nhiều khi khó phân biệt đâu là thịt da và đâu là thì, là, mà. Năng lượng đã lấy ra từ nắng và gió, năng lượng cũng đã lấy ra từ rác và phân, có lẽ vấn đề nên đặt ra là, lấy được bao nhiêu năng lượng từ cái bụng hỗn mang của ngôn ngữ, của tục và thanh.

Khái niệm tục không còn loay hoay trên vài vùng nhạy cảm của cơ thể. Mông, vú, cặc, lồn sẽ tiếp tục thê thảm với khái niệm nhạy cảm trong chính trị. Ở đây, người ta phân biệt tôn giáo là nhạy cảm, tự do dân chủ là nhạy cảm, hai đảng là nhạy cảm, bô-xít là nhạy cảm, biển Đông là nhạy cảm… Một xã hội có quá nhiều bộ phận nhạy cảm lộ liễu như vậy, thử hỏi làm sao không tục tĩu. Tục là bô bô cái chỗ lẽ ra phải che kín và nói khẽ. Ở đâu che giấu sự nhạy cảm thái quá và phô bày sự ham hố thái quá đều là tục. Trên đường phố Hồ Chí Minh, nhìn đâu tôi cũng thấy tục. Tục nhất là khẩu hiệu và quảng cáo phô trương hả hê. Chúng đồng lõa khích thích và quấy nhiễu đến ráo hoảnh hai con mắt khiến cái đầu luôn luôn căng. Vũ ơi, đầu trên căng thì đầu dưới xìu đó. Nếu không thỉnh thoảng gọi tên nó, cặc ơi, lồn ơi, thì chắc tịt ngòi như chơi, nói chi văn chương hay cội nguồn. Khổ nỗi là cái tục cá nhân trong văn chương vừa lo bảo tồn cái tục cơ thể, vừa phải phản ảnh cái tục cực quyền tập thể, vừa đương đầu vừa bỏ chạy cái tục dân tộc xì hơi. Sau chiến tranh và sau sự toi đời của Chủ Nghĩa Xã Hội, Việt Nam đang là thiên đường của cái tục lên ngôi.

Khi dịch chuyển cái nhìn thì ra một chủ thể đa dạng, rất tango, còn nhìn theo kiểu mút mùa Lệ Thủy sát háng Mỹ Châu thì ra cái thần sầu của cải lương Nam bộ.

Chân Phương: Quan sát từ nước ngoài trong một thập niên qua chúng ta có thể nhận thấy các ngòi bút phản kháng hay ngoài lề ở Việt Nam phần đông khai thác đề tài dục và dâm như một ám ảnh, nhiều lúc nặng tính bệnh lý. Từ các nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời, đến Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Đình Chính… Nhục thể với những xung lực cũng như hoang tưởng của nó đã độc tấu hay đồng ca náo nhiệt!

Như Chánh tâm sự, đây là cách bày tỏ mọi bức xúc, bất bình bằng thân xác bị dồn vào chân tường bản năng. Khi tinh thần và tư tưởng bị cầm tù, bịt mắt, bóp hầu thì sự động kinh sinh dục qua các hình thái quằn quại thú tính của nó chính là tiếng gào thét, rên la của những con người chưa chịu chết và không đầu hàng. Có điều là sex đã và đang được các thị trường và kỹ nghệ quảng cáo của thời đại toàn cầu hoá biến thành thứ thương phẩm phổ biến tràn ngập, sex đang là “chiến dịch biển người” đánh vào ý thức và vô thức thiên hạ, kể cả đám vị thành niên. Các ngòi bút Việt Nam đang viết về sex với ảo tưởng có tự do sáng tác cần cảnh giác về sự tha hoá thân xác vô cùng phức tạp đang diễn ra khắp địa cầu này. Nói tóm bằng ngôn ngữ lý luận rạch ròi: Nếu trước đây lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng là hai gọng kềm của chủ nghĩa dân tộc bị tập đoàn cực quyền cải trang thành ý thức hệ để bảo vệ chế độ, ngày nay dục tính là sợi thừng êm ái được Tư bản toàn cầu sử dụng để cột trói những khách hàng tự nguyện hoặc vô ý thức của nó. Tôi đang viết một tiểu luận “Gí Cặc Vào Đâu? ” để phác họa và phân tích tấn bi hài kịch của các ngòi bút Việt Nam đang lưỡng đầu thọ địch; một bên là chế độ toàn trị Á Đông, một đằng là sự thống trị tinh vi của qui luật thị trường hàng hoá.

Bất cứ nơi nào thời nào nhà thơ nhà văn có lương tâm cũng là người chiến sĩ văn hoá khó lòng làm ngơ trước số phận đồng loại, nhưng trang sáng tác của chúng ta sẽ không khá hơn một bài phóng sự hay xã luận nếu thiếu chất nghệ sĩ của ngôn từ và óc tưởng tượng. Đây là vấn đề văn chương, là mối quan tâm của Phan Nhiên Hạo và Trần Vũ. Thiếu tưởng tượng phong phú, trang viết chỉ là bản sao chép đời thường. Thiếu nghệ thuật ngôn từ và kinh nghiệm thẩm mỹ, sáng tác nói chung sẽ đứng lại ở mức thơ văn học trò. Métier, style, craft là các khái niệm bếp núc căn bản trong nghề viết, không tách rời với độ dày kiến thức, văn hoá. Không chỉ là nhà văn, Orwell hay Koestler còn là nhà tư tưởng chính trị và học giả uyên thâm. Các ngòi bút hàng đầu từng chịu áp bức của toàn trị cộng sản như Mandelstam, Solzhenitsyn, Milosz, Brodsky, Kundera, Kís… đồng thời là những nhà nghiên cứu lớn về thơ văn phương Tây và đều có công trình biên khảo hoặc phê bình. Tóm lại, nội lực văn hoá của một ngòi bút là kết quả của tu luyện dài hơi và sự trưởng thành nghệ thuật được hàm dưỡng từ nhiều năm học hỏi, so sánh bút pháp hay thi pháp bản thân với các tác phẩm của nhân loại.

Cần nói thêm một điều: các ngòi bút sáng tác ở Âu-Mỹ không ngần ngại đưa bản thảo cho bằng hữu đọc và góp ý để sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm. Ta còn nhớ T.S. Eliot đã nhờ người bạn tri âm Ezra Pound biên tập, hiệu đính bài trường thi Wasteland lừng danh như thế nào; cũng như Jack Kerouac sau này đã góp bàn tay chuyên nghiệp giúp Ginsberg hoàn tất thi phẩm Howl…

Trịnh Cung: Với tư cách là một người đọc và cũng là người tập sử dụng những từ bị cho là tục như cứt đái, cặc lồn… trong những năm gần đây cho các bài viết và trong nói chuyện thường ngày, tôi thấy viết được, nói được thứ tiếng Việt thuần Việt này tuy rất khó khăn nhưng thật sướng. Chỉ có chủ nghĩa tòan trị của nhà cầm quyền Việt Nam mới làm bật ra được những tức khí ở tận cùng hệ thần kinh của mình như một phản ứng đề kháng cuối cùng. Đây thực sự là một chọn lựa khốc liệt, một kiểu “suicide bomber”, vì thế các suy nghĩ của Trần Vũ và Chân Phương về sự “tràng giang đại hải văng tục” trong các trang viết của Nguyễn Quốc Chánh và Nguyễn Viện là một lo ngại vừa có lý vừa lại thiếu thực tế. Cái có lý thì hai bạn đã nói rồi, tôi chỉ nêu cái thiếu thực tế, thực tế ở trong nước. Nếu hai bạn thử hoán vị mình vào hòan cảnh của Chánh và Viện như hiện nay thì giải pháp nào để hai bạn chọn cách viết trong một đất nước mà văn học và nghệ thuật chỉ được phép đi trên một lề phải. Tôi thiết nghĩ hai bạn mà còn kẹt lại ở đây nếu không chịu qui hàng thì chỉ có ba cách, một là “đi tu”, hai là tự tử, ba là văn(g) tục như điên để giải stress. Đây là giải pháp của kẻ cùng đường, mạt vận, vấn đề quan trọng nhất là cách nhà văn sử dụng thứ vũ khí tự có này như thế nào? Có sự khác biệt lớn giữa trường phái văn tục của Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện trong Nam với Nguyễn Đình Chính, Đặng Thân phía Bắc không? Có nên đặt văn tục của Chánh, Viện, Ngựa Trời… vào cùng phạm trù văn sex như Chân Phương lo ngại không? Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm là có sự rất khác nhau giữa thơ tục bên thơ nữ trong nước của nhóm Ngựa Trời và thơ sex của những Vi Thùy Linh, đó là lý do tại sao một bên bị cấm xuất bản, bị báo chí nhà nước đánh cho tơi tả và một bên được công khai phổ biến ở trong nước.

Mặt khác, trong lịch sử văn học Việt Nam, nhà thơ lừng danh Cao Bá Quát, người cao ngạo sự giàu có, thâm sâu về chữ nghĩa của mình không ai bằng,cuối cùng cũng phải thốt lên văng tục trước khi bị triều đình nhà Nguyễn xử chém vì tội phản kháng chế độ: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp/Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời”, vậy, theo tôi, rõ ràng văn tục là ngôn ngữ thích hợp nhất cho một nhà văn ở thế mạt lộ, tiếng thét trước khi xuôi tay của nhà thơ vì tự do cho con người. Và cũng vì vậy mà từ Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, đến Nguyễn Đức Sơn và hôm nay là những Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện… đã hình thành một dòng văn (tục) phản kháng rất đặc thù Việt Nam, nên cần sớm có một cái nhìn nghiêm chỉnh hơn về mặt lý thuyết văn học.

Phan Nhiên Hạo: Nhìn vào sáng tác của Nguyễn Viện và Nguyễn Quốc Chánh, tôi nghĩ các anh đã nói được điều muốn nói một cách mạnh mẽ và có sức thuyết phục về mặt nghệ thuật. Tôi nghĩ văn chương của vài người trong nước “có lửa” hơn văn chương của những người viết hải ngoại, vì sự dồn nén chính trị ở trong nước nó căng thẳng hơn, và nó ít lối thoát hơn.

Tính chính trị trong sáng tác, bản thân tôi thấy là một vấn đề khó, nhất là trong thơ. Tôi thấy thơ có vẻ như chỉ có một dung lượng hạn chế cho vấn đề này, và mình chỉ có thể đẩy nó tới một mức nào đó mà thôi. Bài thơ “Lịch Sử Thời Đại Tường Thuật Bởi Một Người Lưu Vong” là bài thơ có nhiều tính “chính trị” nhất của tôi tới nay. Còn những vấn đề thời sự như Hoàng Sa-Trường Sa, đôi khi tôi cũng muốn viết một bài thơ, nhưng tôi vẫn ngần ngại, không có hứng. Tôi viết thêm tiểu luận cũng vì lý do đó. Làm thế nào để mở rộng “dung lượng chính trị” của thơ là chuyện tôi thường tự hỏi.

Vấn đề tính dục trong văn chương như anh Chân Phương đề cập, tôi nghĩ mình phải nhìn trong văn cảnh của từng tác phẩm cụ thể, “case by case”, có những tác giả viết về tính dục, dùng từ tục, nhưng đọc thấy sảng khoái, ngược lại có những tác giả viết về đề tài này thấy sống sượng, như những anh chị nhà quê cố tỏ ra “chịu chơi”. Cái mà tôi không chịu được là thái độ vồ vập, ca tụng tào lao của những người phê bình đối với bất cứ tác phẩm nào có đính kèm các bộ phận sinh dục mà không cần biết chúng hay hay không, không cần biết thiên hạ đã đi đến đâu trong vấn đề này.

Nguyễn Quốc Chánh: Tôi đồng ý với Hạo, “phải nhìn trong văn cảnh của từng tác phẩm cụ thể”. Tôi không nghĩ mình viết từ ám ảnh biến thành bệnh lý của dục và dâm theo phân tâm học như anh Phương đề cập. Cái tục trong thơ tôi là những biến chứng của ám ảnh chính trị trên thân xác. Tôi sử dụng nó với ý thức phê phán cái tục của chính trị chứ không phải lòe loẹt giả vờ dồn nén của sex chơi trò khêu dâm lũm bũm. Viết về sex và hiếp dâm để thể hiện tự do sáng tác là con đường đang ăn khách của văn nghệ chính thống. Tôi không phải gà mờ trong dàn đồng ca náo nhiệt đó, xin đừng nhầm. Đối với tôi tục như trong “Đụ Vỡ Sọ” và một ít bài sau đó là cái tục đã xong, nhưng cái tục của chính trị thì vẫn còn đó, do vậy trừu tượng hóa hay dung tục hóa hay cải lương hóa hay bô-lê-rô hóa là một lựa chọn liên tục chứ không ba chớp ba nháng trong hôn mê của thị trường hay bệnh lý. Ngoài cái tục của chính trị cực quyền, đồng ý với anh Phương, kỹ nghệ quảng cáo không chỉ sử dụng sex mà quơ bất cứ thứ gì có thể để khêu gợi con mắt. Trong bối cảnh tục tĩu toàn cầu như vậy, tôi nghĩ tục hay thanh đều nhanh chóng thành nhí nhố, chính trị và nghệ thuật sẽ luôn là một thách đố đối với người viết.

Hạo, Vũ và anh Phương có nghĩ, chính trị và nghệ thuật có phải là một vấn đề trong tương quan giữa các anh với xã hội mà các anh đang sống?

Nguyễn Viện: Tôi không đồng ý với ý kiến vơ đũa cả nắm của anh Chân Phương: “Quan sát từ nước ngoài trong một thập niên qua chúng ta có thể nhận thấy các ngòi bút phản kháng hay ngoài lề ở Việt Nam phần đông khai thác đề tài dục và dâm như một ám ảnh, nhiều lúc nặng tính bệnh lý. Từ các nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời, đến Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Đình Chính… Nhục thể với những xung lực cũng như hoang tưởng của nó đã độc tấu hay đồng ca náo nhiệt!”

Chẳng có ám ảnh hay bệnh lý gì ở đây, ít nhất là đối với tôi. Tính dục chỉ một cách biểu lộ thái độ chính trị, trong hoàn cảnh toàn trị và bối cảnh xã hội hiện nay. Cần phải nhìn sâu hơn cái bề mặt của văn bản. Tôi thích câu nói này của Sigmund Freud: “Cha đẻ của nền văn minh chính là người đầu tiên không dùng vũ khí mà dùng một lời lăng nhục để ném vào kẻ thù.”

Trần Vũ: “…tôn giáo là nhạy cảm, tự do dân chủ là nhạy cảm, hai đảng là nhạy cảm, bô- xít là nhạy cảm, biển Đông là nhạy cảm… Một xã hội có quá nhiều bộ phận nhạy cảm lộ liễu như vậy, thử hỏi làm sao không tục tĩu”, thi sĩ bảo vệ luận án xuất sắc.

Bên văn xuôi có thể mô tả: Lề phải, cụ già giương cờ sao tiến lên và lề trái, thi sĩ cầm dương vật lầm lũi tiến… Đi về đâu? Cụ già đi về phía lấp lánh tiền của một thị trường vừa giải ngân và lấp lánh xiêm y quanh cỗ bàn có món vịt quay Bắc Kinh. Còn thi sĩ? Đi về đâu, thi sĩ không thắc mắc, chỉ cần biết phải xiển dương sức mạnh cá nhân của chữ, tẩy chay cách hành văn tập thể và không đi chung đường với cụ già. Không đến nơi cụ già đến, mà đến nơi mình muốn thoát.

Câu hỏi của Chánh: “Chính trị và nghệ thuật có phải là một vấn đề trong tương quan giữa các anh với xã hội mà các anh đang sống”?

Câu trả lời, rõ ràng là “Không”. Tôi có quá nhiều tự do trên vùng đất mình sinh sống, đặc biệt một tự do được pháp lý và hiến pháp của nền Cộng Hòa nơi đây bảo vệ. Sự “đầy đủ” này đưa đến vài trường phái cách tân cầu kỳ thuần thẫm mỹ mà không còn gắn liền với đời sống nữa, và chúng chết ngay tức khắc. Các tác giả di dân không duy nhất. Các nhà văn Pháp cũng không nhiều gương mặt tranh đấu, hoặc không giải mã chính trị ở khía cạnh rộng: tức khía cạnh tác động u tối vào đời sống của nhân vật hoặc lên nghệ thuật phản chiếu gương thần của mình. Thi sĩ biến mất và nền tiểu thuyết Pháp chìm vào giấc ngủ của những ngoại ô yên tĩnh. Đây cũng là lý do vì sao sáng tác ở hải ngoại thường nhạt. Nhạt vì lớp thượng thọ đã kiệt sức. Lớp trung thọ đánh mất chức năng đối kháng và dự báo của văn chương. Lớp hưởng dương, tức thế hệ trưởng thành bên ngoài này không quan tâm đến nỗi đau của dân tộc bị kềm hãm, mà hướng về màu da, tính dục, đồng tính, phái tính mà không diễn đạt đến cùng hay thật khác các tác giả Tây phương. Cá nhân tôi, cũng thất lạc trong thế giới quá tự do này mà các cánh cửa đều mở, chỉ cần đi vào rồi chúng sẽ dẫn đi hun hút sang những thế giới khác. Sẽ vô cùng vui thú nếu không muốn trở về. Nhưng tôi muốn trở về. Đi ngược lại để về nhà. Về xứ mình. Và đến đây, chữ “Không” lúc nãy trả lời Chánh, thành “Có”. Tương quan giữa chính trị và nghệ thuật vẫn là một vấn đề gay gắt trong xã hội tôi sống. Xã hội Việt Nam, vì quốc gia không một phút biến mất. Vì tôi vẫn sống với quốc gia Việt Nam này. Chính vì vậy, tôi chia sẻ nhu cầu phải nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn, thứ ngôn ngữ của giả trá, nhu cầu mà Chánh và Nguyễn Viện đã biểu cảm trong tác phẩm. Tuy vậy, tôi nghĩ không nên lạm dụng sự văng tục, vì độc giả sẽ chai.

Nguyễn Viện: Tôi đồng ý với Vũ, không chỉ sự văng tục, mà bất cứ cái gì bị lạm dụng cũng không tốt. Tôi có người bạn, thường đọc tôi, bạn nói: “Đọc Nguyễn Viện, đến một đoạn nào đó, biết thế nào ông cũng văng tục. Nhưng văng tục của ông thấy sướng”. Bạn tôi cũng nói: “Đọc Nguyễn Viện vừa buồn cười vừa muốn khóc”. Tất nhiên cũng rất nhiều người khó chịu khi tôi văng tục, hoặc họ cảm thấy tiếc. Tôi vừa có bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hưng Quốc trên Blog của anh ở VOA cũng về vấn đề này. Xin được trích lại:

“Nếu nhìn một cách hời hợt, độc giả có thể cho rằng tôi bị ám ảnh tình dục. Thật ra, như anh đã biết, tôi chưa bao giờ mô tả chi tiết một bộ phận sinh dục nào, nam hay nữ. Tôi chỉ gọi tên nó, như chính nó là thế, theo tất cả các loại tự điển và dân gian thường gọi. Tôi không phân biệt hay tránh né tên một bộ phận cơ thể bất kỳ nào. Tôi cho rằng đó cũng là sự công bằng đối với các bộ phận và chức năng của nó. Tôi cũng tuyệt đối không bao giờ viết khiêu dâm hay gợi dục. Tôi chỉ nói về sự việc, như tình dục là một sinh hoạt bình thường của con người.

Còn tại sao tôi hay nói về tính dục?

Tôi vẫn biết đó là một khu vực cần hạn chế trong nhận thức chung của cộng đồng. Đôi khi, nó là sự cấm kỵ.

Trong bối cảnh của một xã hội toàn trị và đạo đức giả như Việt Nam hiện nay, việc phá vỡ các rào cản là một ý thức về tự do. Chúng ta đều biết, hơn ở đâu hết, chính quyền Việt Nam luôn đề cao cái gọi là truyền thống, hay bản sắc dân tộc. Tôi không phủ nhận việc mỗi dân tộc cần có một bản sắc, nhưng tôi dị ứng với việc dùng bản sắc dân tộc như một chiêu bài để thống trị.

Viết về dục tính, tôi tuyên dương sự tự do của mỗi cá nhân. Tôi cũng coi khả thể của dục tính là một khả thể của sáng tạo.

…Cá nhân tôi phủ nhận việc đề cao tính dục như một kiểu cách tân hay biểu lộ nữ (nam) quyền. Cách tân không nằm ở đề tài.

…Chắc chắn, tôi không cần câu khách trong việc sử dụng ngôn từ liên quan đến các bộ phận sinh dục và hoạt động của nó. Đơn giản, tôi chỉ muốn trả lại sự trong sáng cho ngôn ngữ với những ngữ nghĩa chân thực của nó. Thái độ kỵ húy và tránh né các vấn đề sát sườn của cuộc sống, như cách sử dụng ngôn từ hoa mỹ cho vật và việc như xưa nay chúng ta vẫn hành xử, theo tôi đó là một thái độ phong kiến, đạo đức giả và khước từ đối mặt với thực tế. Nó cũng là một thái độ mặc cảm, nhu nhược.

…Tôi nghĩ khi anh sử dụng một từ chính xác, không phải lắt léo, thì đó cũng là cách anh biểu thị vị thế và thái độ của mình”.

Thật ra, bên dưới cái cảm giác hung hãn, đó là sự buồn bã của tuyệt vọng.

Bởi thế, tôi nghĩ nghệ thuật đương đại, trong bối cảnh của đời sống hiện tại, cần có một hệ thẩm mỹ khác. Nó phô diễn được cái bi thương cũng như sự phẫn nộ, một vẻ đẹp “tàn phá”, vượt ra ngoài các khuôn khổ. Cũng như nó cần đập vỡ các biểu tượng giáo điều để dành chỗ cho sự thật được hiển lộ. Nó cũng cần được biểu thị không phải là “ảo tưởng của tự do”, mà là một thái độ đương đầu trước cái “truyền thống” lúc nào cũng muốn nuốt chửng mình. Nó là sự phản kháng tự giác và ý thức.

Phan Nhiên Hạo: Anh Chánh hỏi “chính trị và nghệ thuật có phải là một vấn đề trong tương quan” giữa các nhà văn ngoài này với xã hội đang sống. Cá nhân tôi, câu trả lời sẽ hơi dài dòng.

Trước tiên, tôi nghĩ khái niệm chính trị bản thân nó không có gì xấu. Vấn đề là ở Việt Nam, trong nhiều năm, người Cộng sản đã áp đặt chính trị lên nhà văn, bắt nhà văn phải trở thành nô bộc cho chế độ. Chính trị trong ý nghĩa đó đồng nghĩa với sự tha hoá con người. Chính trị trong tương quan với nhà văn ở những xã hội phương Tây không phải như vậy. Đối với nhà văn ở đây, chính trị là tự nguyện. Cho nên nó mang ý nghĩa tích cực, dấn thân, là tiếng nói của lương tri. Ở Mỹ, mình có thể thấy tính chính trị tích cực như vậy đặc biệt rõ trong văn chương của những nhà văn da đen, nhà văn gốc Hispanic, gốc Á. Tôi là người Việt nhập cư viết tiếng Việt, cho nên cái chính trị của tôi nó hướng về Việt Nam. Nhưng cảm hứng chính trị trong văn chương là cảm hứng mà tôi học được từ văn chương Mỹ, đặc biệt văn chương người Mỹ da đen. Tôi học được lòng tự tin về chính mình, dù mình là ai; tôi học được rằng người ta không thể quay lưng lại với quá khứ, và phải nói về quá khứ, nếu muốn giải quyết các vấn đề hiện tại.

Văn chương Việt Nam bây giờ có một hiện tượng mà tôi rất khó chịu là cái thái độ bỉ thử của tầng lớp văn nghệ sĩ đặc tuyển đối với tính chính trị trong văn chương. Điều này tôi nghĩ trong sâu xa nhằm duy trì địa vị ăn trên ngồi trốc của họ. Tuy vậy, bề ngoài họ nhân danh văn nghệ thuần túy, phức tạp, dẫn giải các tác giả Âu Mỹ — mà do có điều kiện sống ở nước ngoài hay du học, họ có vẻ sành sỏi hơn đa số người trong nước — để phủ nhận tính chính trị tích cực của những nhà văn khao khát tự do và quan tâm đến tình hình đất nước. Họ cố tình đánh đồng tính chính trị tích cực của những nhà văn can đảm hôm nay với tính chính trị nô bộc của những nhà văn phục vụ chế độ ở miền Bắc trước kia. Làm như vậy, thậm chí họ có thể xuất hiện như những kẻ cấp tiến không để ý đến quá khứ, nhưng thật ra, mục đích là để triệt tiêu loại văn chương đang gây khó chịu cho chế độ hiện nay, loại văn chương mà sự tồn tại của nó cũng khiến cho văn chương “sành điệu” của họ mất giá.

Trịnh Cung: Tôi lại nghĩ khác Hạo một chút. Ở Việt Nam hiện nay, có một đội ngũ khổng lồ văn nghệ sĩ trí thức hãnh tiến trong phục vụ chế độ, nhất là tại phía Bắc, có phải tất cả họ đều bị nhà cầm quyền bắt làm nô lệ hay cái chính sách nô lệ hóa văn nghệ sĩ của Đảng là cơ hội để họ vừa có bổng lộc vừa có địa vị trên văn đàn. Ngoài ra, nếu được làm những trí thức văn nghệ sĩ chóp bu, họ còn có quyền kết nạp, xét lại, phục hồi danh dự cho những nhà văn, nhà thơ từng một thời bị Đảng kết tội phản động, giúp đỡ, tiến cử việc cấp phép cho các nhà văn Việt kiều yêu nước được in sách trong nước, v.v. Sự đời nó thế đó, không hẳn chỉ vì nhà cầm quyền Việt Nam bắt các văn nghệ sĩ làm nô lệ mà họ đông đến vậy. Phải chăng đây là mô hình tiêu biểu cho sự thành công của học thuyết “hai bên cùng có lợi” !

Nhiều lần ra Hà Nội hoặc đi thăm các thành phố khác, tôi thấy được một điều rất rõ: hàng hàng, lớp lớp văn nghệ sĩ , trí thức, cái ăn và cái ở của gia đình họ đều do Đảng cung cấp. Gần như tuyệt đại đa số họ đều vẫn chưa chịu rời khỏi cái nhau của nhà nước và bọn trẻ cũng đang sắp hàng chờ được kết nối với cái rốn Đảng. Tôi thấy thật sự họ trung thành với Đảng của họ và tôi cũng thấy thật sự Việt Nam là đất nước của riêng họ. Ngay cả những trí thức, văn nghệ sĩ từng theo Đảng nay nhận ra sự độc tài quá mức của nhà cầm quyền, tuy họ phải ra mặt tỏ thái độ chống đối có giới hạn như vụ tập thơ Trần Dần bị thu hồi, vụ bô-xít, vụ biển Đông, nhưng việc phải xóa niềm vinh quang của một thời lịch sử theo ông Hồ Chí Minh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước thì họ không thể. Và vì thế, cái khó cho một sự thay đổi lớn ở Việt Nam vẫn sừng sững lâu dài một ngọn Thái Sơn.

Cho nên, ở Hà Nội không thể có dòng văn học ngoài luồng như ở Sài Gòn, điều này cho thấy nếu anh hay chị không có sự thanh tóan sòng phẳng với lịch sử và giữ độc lập cho cái bụng thì khó có thể độc lập cho tư duy. Và với lợi thế số đông quá mạnh này, họ lấy cái giả cấp tiến để vô hiệu hóa cái văn chương cấp tiến thật của những nhà văn ngoài luồng mà Hạo nêu trên là tất yếu, và “cái chết cơ chế” của văn chương ngoài luồng Sài Gòn sẽ chỉ là thời gian.

Nguyễn Quốc Chánh: Tôi thấy Vũ, Viện và Hạo bắt đầu nóng máy, và hồi chiều anh Cung từ Đà Lạt gọi về cổ võ.

Vũ nói: “Thi sĩ biến mất sạch, và nền tiểu thuyết Pháp chìm vào giấc ngủ của những ngoại ô yên tĩnh”. Nghĩa là thơ vẫn in và tiểu thuyết vẫn xuất bản và người ta vẫn đọc nhưng không rùm beng hay là con người không còn chấn thương hay là chấn thương mà thơ bất lực không thể hiện được hay con người không còn tin vào logic của hư cấu hay lý trí hoài nghi sự dàn dựng của câu chuyện? Thử tưởng tượng loài người ngưng sản xuất mọi loại hình nghệ thuật, chỉ đọc, nghe, coi những gì đã có, và liệu đám nghệ sĩ có ngã bệnh hàng loạt, vô nhà thương điên lai rai hay thỉnh thoảng treo cổ? Vũ có nghĩ sẽ không ngã bệnh, không vô nhà thương điên, không treo cổ nếu không viết mà vẫn thấy đời ngon cơm? Và nữa: “Sẽ vô cùng vui thú nếu không muốn trở về”. Phạm Duy đã về để hát trong nôi giữa lòng thủ đô dưới sự cho phép của ban tuyên huấn, về như thế, tôi thấy còn tệ hơn mọi kiểu thất lạc. Vũ có tưởng tượng cách trở về nào khả dĩ hơn không?

“Làm như vậy, thậm chí họ có thể xuất hiện như những kẻ cấp tiến không để ý đến quá khứ, nhưng thật ra, mục đích là để triệt tiêu loại văn chương đang gây khó chịu cho chế độ hiện nay, loại văn chương mà sự tồn tại của nó cũng khiến cho văn chương ‘sành điệu’ của họ mất giá”. Tôi đồng ý nhận định trên của Hạo và muốn nói thêm về vấn đề này. Chủ thể chính trị cực quyền luôn luôn muốn giành cái quyền xác nhận. Những gì được nó xác nhận mới có giá trị và mới được phép lưu hành. Có những thứ tưởng ngược với lịch sử của nó nhưng không mâu thuẫn với quyền lợi và quyền lực hiện tại đều được nó dung nạp nhằm tạo ra bộ mặt giả cày vừa dân tộc vừa quốc tế hầu nới rộng và biến đổi những hình thức cai trị khác nhau để cá cơm, cá voi, nghêu sò, ốc hến đều ở trong cái rọ của nó. Ám ảnh của chủ thể cực quyền là sợ mất quyền kiểm soát. Những ai trong tầm kiểm soát của nó thì được phép sành điệu, nghĩa là được phép minh triết, được phép siêu hình, được phép tâm linh, được phép Hậu Hiện Đại… Sự phê phán sành điệu nhất hiện nay là từ chối quyền xác nhận của chủ thể cực quyền trong văn chương và tư tưởng.

Phan Nhiên Hạo: Trong bối cảnh “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” hiện nay, việc “từ chối quyền xác nhận của chủ thể cực quyền” như anh Chánh nói ngày càng khó đối với nhà văn, không hẳn vì “chủ thể cực quyền” mạnh lên mà vì quyền lợi được ban phát của nhà văn ngày càng khá, và vì vậy mà khó từ chối hơn. Chúng ta có thể lấy một ví dụ tương tự, dĩ nhiên khác xa về tầm cỡ, là trường hợp Trương Nghệ Mưu của Trung Quốc. Từ một nghệ sĩ độc lập, phim bị cấm chiếu trong nước, khi được cho nhiều quyền lợi, Trương Nghệ Mưu đã chấp nhận trở thành nghệ sĩ con cưng của chế độ.

Nghệ sĩ hải ngoại nếu ngoan ngoãn “quay về” và có ích cho chế độ cũng sẽ được chia xôi, mặc dù phải chịu đấm vì giành phần với người trong nước.

Trần Vũ: “Trở về” có nhiều cách. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ không biết giữ danh dự, không phải cho ông, mà cho các thuộc cấp đã nhận lệnh của ông ra chiến trường rồi chết hay tù đày. Nhạc sĩ Phạm Duy không giữ lòng tự trọng với chính ca từ của mình. Julio Cortázar, thời gian lưu vong tại Pháp, chọn trở về Á Căn Đình cách khác.

Trong truyện ngắn Đêm Đối Diện Vũ Trụ, Cortázar kể: Một người đàn ông sống bên Âu châu vô tình gặp tai nạn phải phẫu thuật. Ngay khi bắt đầu gây mê hắn mơ thấy mình làm một thổ dân Nam Mỹ thời trước Kha Luân Bố, đang bị sắc dân Aztèque, một sắc dân hung dữ khác với bộ tộc của hắn rượt đuổi và vây bắt. Dần dần, giấc mơ càng lúc càng thêm chính xác cho đến khi mọi thứ chợt đảo ngược: thực tế, đang diễn ra cảnh tế thần lấy huyết người và người đàn ông ─ chính là gã thổ dân ─ trước khi bị giết đã nhập đồng vào một giấc mơ kỳ lạ xảy ra trong tương lai và hắn mơ thấy mình đang nằm dài trên mặt bàn phẫu thuật trong lúc bác sĩ giải phẫu giơ ra con dao mổ sáng loáng bên trên thi thể của hắn, y con dao thầy tế lễ Aztèque dùng móc tim… Hắn là gã thổ dân xa xưa hay người đàn ông sinh sống ở Âu châu hậu bán thế kỷ 20? Thực tế nào là thật? Cortázar không giải thích nhưng người đọc cảm, cả hai thực tế đều thật.

Ý niệm sáng tác “trở về qua vũ trụ song hành, với thời gian đa chiều phi tuyến tính, với nhập trùng số phận con người” của Cortázar là cách “trở về” hợp với cá nhân tôi. Kinh nghiệm này của trường phái Nam Mỹ giúp tôi trở về Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định, như tôi vừa trở về thành Đại La với thầy Chu Văn An.

Mỗi tác giả chọn cho mình một cách trở về, Chánh chọn cách thức Hậu Hiện Đại, trở về với chính nỗi băn khoăn của Chánh, trên đất nước mình. Nơi tôi sinh sống, quê hương của Derrida, nhưng Derrida lại không thành công, ngày Derrida chết, báo Tây chạy tít “Cái chết của một sản phẩm campus Hoa Kỳ”… Mình thường chịu ảnh hưởng văn hóa của vùng đất mình sinh sống, nên tôi không chú ý lắm đến Hậu Hiện Đại, vì không thấy các tập san văn chương Pháp nhắc đến, cũng vì bước chân vào các hiệu sách, tôi vẫn thấy các tiểu thuyết gia tiếp tục viết theo các tiêu chí đã định hình: bút pháp, khí hậu truyện, cấu trúc-kỹ thuật và nhân sinh quan. Bốn tiêu chí này bất di bất dịch. Cách tân chính, là cách tân trong suy nghĩ, trong nội dung truyện, mà không trong hình thức trình bày truyện. Có thể tiêu chí thứ ba: cấu trúc-kỹ thuật, cho phép đưa vào thuyết “hủy cấu trúc” của Derrida, hay kỹ thuật khác của Hậu Hiện Đại, nhưng cũng chỉ là một trong bốn tiêu chí. Giọng văn mới thật sự quan trọng, vì giọng văn nào, khí hậu đó, có giọng văn rồi mới có thể chuyển tải bất kỳ thứ gì mình muốn, không giọng văn hay không bút pháp, tức là không xe máy, đi bộ sẽ không khuân vác được nhiều. Mà không khí hậu truyện sẽ không có khí quyển riêng của mình. Kỹ thuật và cấu trúc là phần phải có, nhưng không là tất cả. Sau hết, tác phẩm nặng hay nhẹ, nằm ở nhân sinh quan truyện. Nhiều tác giả, mà tôi không biết có phải vì muốn hủy cấu trúc hay không, đã phá vỡ tổng thể, khiến không còn sự nhất quán xuyên suốt tối cần thiết của thể loại truyện ngắn kỵ sự gẫy bể mạch văn. Đọc bị đứt khúc, rời rạc…

Trở lại với câu hỏi của Chánh: “Nghĩa là thơ vẫn in và tiểu thuyết vẫn xuất bản và người ta vẫn đọc nhưng không rùm beng hay là con người không còn chấn thương”?

Không, biến mất thật. Không thấy thơ, không thấy thi sĩ. Tại Pháp, tôi không trông thấy thơ trên báo, trên tập san, nguyệt san, tuần san, hay trong sách, thậm chí trên các tập san văn chương Revue Europe, Lire, Le Magazine littéraire, La Quinzaine littéraire, La Nouvelle Revue française, hay trên các tập san đã đình bản như Critique cũng hiếm thấy. Thi sĩ và thi ca biến mất khỏi đời sống của dân Tây, hay chỉ hiện diện duy nhất trong “vòng tròn thi sĩ” hạn hẹp mà công chúng không biết đến. Do vậy, khi Chánh kể trường hợp Nguyễn Hoàng Nam muốn tìm tạp chí Thơ của Hội Nhà văn mà không thấy, thì tại Pháp cũng không thấy. Truyện ngắn cũng ít dần. Chỉ còn lại một thể loại sáng tác ngự trị là tiểu thuyết. Mai Thảo có thể đã sai khi nghĩ “thơ là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương”. Tiểu thuyết dường như là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương, vì nhân loại say mê tiểu thuyết.

Câu hỏi khác của Chánh: “Vũ có nghĩ sẽ không ngã bệnh, không vô nhà thương điên, không treo cổ nếu không viết mà vẫn thấy đời ngon cơm”?

Thời trẻ tôi không nghĩ viết văn mà nghĩ cố gắng đậu tú tài rồi thi vào võ bị quốc gia Đà Lạt, rớt thì vào trường Hạ sĩ quan Đồng Đế. Bây giờ tôi đọc truyện và viết truyện để lấp đầy đời sống mình. Trước, tôi cũng nghĩ không thể sống thiếu tiểu thuyết, giờ tôi khám phá khối lượng sách chiến tranh khổng lồ có thể thay thế tiểu thuyết. Thế giới của con người xây cất trên chiến tranh, các quốc gia thành hình và biến mất từ chiến tranh. Con người thay đổi trong và sau chiến tranh. Tìm hiểu chiến tranh là tìm hiểu con người. Sách viết về chiến tranh phơi bày bi kịch của con người mà các tác giả Hiện Sinh làm công việc giảo nghiệm tử thi. Chiến tranh để lại gì? Để lại quá khứ tội ác. Đến đây, tôi gặp Hạo, khi Hạo khẳng định: “tôi học được rằng người ta không thể quay lưng lại với quá khứ, và phải nói về quá khứ.” Gặp Hạo, vì chung suy nghĩ: phải minh bạch quá khứ, nếu không muốn tương lai bị biên tập, như thực tại đang bị biên tập.

Nguyễn Viện: Đến đây, tôi thấy chúng ta đã bắt đầu có những khác biệt.

Một, tôi cho rằng trường hợp ở Pháp của Vũ hay văn chương Pháp hiện đại không phải là tất cả thế giới. Riêng vấn đề Hậu Hiện Đại, có thể nó chẳng là gì ở Pháp. Cũng như Công giáo không phải là số một ở Do Thái, hay Phật giáo không phải là tôn giáo lớn nhất Ấn Độ, Népal. Cuộc cách mạng vô sản không diễn ra ở Đức hay Anh. Các nhà tiên tri không mấy ai được kính trọng ở quê hương mình. Mặc dù không phải là người chủ trương viết Hậu Hiện Đại (vì xét cho cùng, theo đuôi bất cứ trường phái hay chủ nghĩa nào cũng chỉ là theo đuôi), nhưng tôi lại thấy rằng, bối cảnh xã hội, tâm thức nhà văn và biểu cảm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với mô thức Hậu Hiện Đại, mà nó không nhất thiết phải đi qua Hiện Đại như một phán quyết của ông Hoàng Ngọc Hiến trước đây. Còn vấn đề thi ca, chẳng phải giải Nobel văn chương vẫn tiếp tục xưng tụng nó sao?

Hai, cả với Vũ và Hạo, vì các anh đang sống ở ngoài nước, lại viết tiếng Việt, tất nhiên các anh chỉ còn quá khứ. Hoàn toàn đúng. Nhưng với tôi, Chánh và những người viết khác ở trong nước, cái hiện tại mới định hình nhân dáng, nhân cách nhà văn của một người viết.

Phan Nhiên Hạo: Tôi muốn trao đổi hai ý mà anh Nguyễn Viện vừa đề cập: quá khứ/hiện tại, và chủ nghĩa Hậu Hiện Đại.

Bên trên, tôi nói “tôi học được rằng người ta không thể quay lưng lại với quá khứ, và phải nói về quá khứ, nếu muốn giải quyết các vấn đề hiện tại”. Câu nói này hoàn toàn không có nghĩa là những người viết hải ngoại như Trần Vũ và tôi « chỉ còn quá khứ » như anh Viện nói. Quan tâm về quá khứ không đồng nghĩa với không có hiện tại. Những nhà văn Mỹ da đen viết về quá khứ không phải vì họ đang sống lưu vong và viết bằng tiếng Phi Châu. Họ đang sống ngay trên đất nước của họ và viết bằng tiếng Anh, nhưng họ vẫn viết về quá khứ, vì đó là một cách giải quyết các vấn đề hiện tại (cùng với những cách khác). Các anh tưởng tượng, bây giờ ở trong nước có người viết một tiểu thuyết chi tiết về vụ thảm sát Mậu Thân 1968 và nhà nước cho in, thì điều đó cho thấy một sự chuyển biến rất lớn về tình hình chính trị, chứ nó đâu phải chỉ là chuyện quá khứ! Truyện mới nhất của Trần Vũ đăng trên talawas Chủ Nhật tuần này viết về Chu Văn An, nhưng tôi nghĩ nó rất thời sự. Tôi thấy trong những xã hội phát triển, người ta quan tâm đến lịch sử nhiều hơn trong những xã hội như Trung Quốc, nơi người ta muốn thanh niên quên đi Thiên An Môn để chỉ sống với hiện tại.

Bây giờ nói về chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Như các anh biết, bản thân nó là một lý thuyết phức tạp, đa dạng, “lắm thầy nhiều ma”. Ở trong nước hiện nay, Hậu Hiện Đại chỉ mới đi vào với một lượng thông tin rất hạn chế, và qua con đường gián tiếp, tức là qua sự giới thiệu và diễn dịch của một vài người, chứ không phải bằng tiếp xúc trực tiếp với sách vở phong phú của phương Tây (dù là sách dịch). Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại ở Việt Nam, như vậy, mất đi tính phức hợp và tinh thần phản biện nội tại có tính bản chất của nó. Nó có nguy cơ trở thành giáo điều của « cái mới », và từ đó trở thành ngọn cờ của quyền lực chính trị và quyền lực văn chương. Tôi mong Hậu Hiện Đại được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, cùng với nhiều lý thuyết khác từ phương Tây, để người ta hiểu và áp dụng nó một cách bình tĩnh hơn, nếu người ta thích nó. Còn nếu không thích, tôi tin rằng một nhà văn có tài vẫn có thể viết hay về xã hội Việt Nam hiện nay mà không cần viện đến Hậu Hiện Đại.

Trần Vũ nói về tình trạng thờ ơ với Hậu Hiện Đại trong văn chương Pháp hiện nay. Tôi cũng muốn nói, ở Mỹ, hiện rất khó tìm ra nhà văn nào tự xưng mình là nhà văn Hậu Hiện Đại. Hậu Hiện Đại là một phần của trạng thái tinh thần xã hội bên này, và điều đó thể hiện qua cái nhìn của nhà văn trước hiện thực, nhưng viết với những thủ pháp đặc trưng Hậu Hiện Đại như một số nhà văn cách đây vài mươi năm thì hiện nay rất hiếm. Ở phương Tây giờ đây thậm chí có người tuyên bố thẳng thừng rằng Hậu Hiện Đại đã chết, và đề nghị một chủ nghĩa mới trong nghệ thuật với tên gọi Altermodernism. Trong khi đó ở Việt Nam, như thường lệ, chúng ta luôn đi sau khoảng nửa thế kỷ.

Nguyễn Quốc Chánh: “ Mặc dù không phải là người chủ trương viết Hậu Hiện Đại (vì xét cho cùng, theo đuôi bất cứ trường phái hay chủ nghĩa nào…cũng chỉ là theo đuôi), nhưng tôi lại thấy rằng, bối cảnh xã hội, tâm thức nhà văn và biểu cảm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với mô thức Hậu Hiện Đại…”

Tôi đồng ý với nhận xét của Viện, và muốn nói thêm. Những người phất cờ Hậu Hiện Đại trong Hội Nhà Văn ở Việt Nam, cụ thể là Hoàng Ngọc Hiến và Inrasara, muốn biến cái công cụ phê phán là lý luận Hậu Hiên Đại thành một loại lý thuyết của cái gọi là hệ mỹ học mới. Lý ra họ nên sử dụng mỹ học giễu nhại của Hậu Hiện Đại chế giễu chính cái chỗ đứng quyền lực của họ trong Hội Nhà Văn hay trong đảng độc tài thì họ lại cổ súy cho mấy cái trò tình dục nửa vời và mấy cái vụ thẩm mỹ nửa mùa để tăng quyền lực cả đời theo đuổi trong những hội đoàn đảng điếc. Sử dụng một công cụ phê phán quyền lực độc tôn để tìm chỗ đứng lui cui trong thể chế độc tài thì nên gọi họ là hậu gì đây? À, Hậu Tiên Huấn hoặc Hậu Hiện Đại định hướng Xã hội Chủ Nghĩa?!

“Từ một nghệ sĩ độc lập, phim bị cấm chiếu trong nước, khi được cho nhiều quyền lợi, Trương Nghệ Mưu đã chấp nhận trở thành nghệ sĩ con cưng của chế độ”. Tôi không nghĩ như Hạo, Trương Nghệ Mưu hay những trường hợp tương tự (ở mức thấp hơn) biến thành con ngoan của chế độ không chỉ vì quyền lợi vật chất, mà vì một thứ quyền lợi trừu tượng ẩn sâu trong tâm khảm họ khiến họ dễ đồng lõa với chế độ hơn, đó là lòng tự tôn hay tự ái dân tộc trước sức mạnh ngạo nghễ của Tây phương. Chắc Hạo biết rõ trường hợp Nguyễn Bá Chung, không biết y có được hột xôi nào từ chế độ không mà luôn mồm bênh vực nhà nước Việt Nam. Rất kẹt cho những ai còn cái gọi là tấm lòng với quốc gia dân tộc, đừng quên dân tộc này đang là con tin của chế độ. Nếu những con tin tưởng bở mình là công dân rồi hào hứng hát “này công dân ơi … ” sẽ biết tay ngay.

Mừng Vũ trở về mà không phải qua phi trường Tân Sơn Nhất. Cách trở về của Vũ khiến tôi nhớ chuyện Người Đàn Bà Ngoại Tình của Camus. Gã nhân tình không phải một tay chơi mà là bầu trời đêm sa mạc Châu Phi. Ngoại tình mà không có hậu sự, ma nào đọc. Có lẽ tính trừu tượng đã đẩy dần người đọc ra khỏi văn chương, và khi văn chương không còn người đọc, nó phải bước tới chung cuộc. Và thơ là văn chương, mà nó không còn người đọc, rõ ràng thơ là chung cuộc của văn chương rồi. Chắc Mai Thảo đúng đó Vũ. Còn tiểu thuyết chẳng qua là cái bóng ma của văn chương, mà thị trường tiêu thụ luôn là một con ma đói. Con ma tiêu thụ tiêu thụ con ma văn chương là tiểu thuyết nên nhà văn ngon cơm hơn nhà thơ thì đúng rồi. Nếu là tướng quân Vũ sẽ dự phần vào lịch sử để biến con người thành tử thi, còn nhà văn mà không giảo nghiệm tử thi thì làm gì đây. Ngay cả sách viết về chiến tranh cũng là một loại ăn xác chết. Chắc chỉ còn một chút để nói, là sau khi ăn xác chết rồi sẽ tái tạo lại gì? Tái tạo lại quá khứ để thấy văn chương và lịch sử đều là những bóng ma của những tướng quân trong mê hồn trận của chính trị. Chính trị chứ không phải chiến tranh mới là thứ giành cái quyền định phận con người. Và khi con người vắng bóng trong hiện tại, văn chương buộc phải đương đầu với cối xay gió.

Trần Vũ: Chúng ta trao đổi, để tìm hiểu sự khác biệt giữa chúng ta mà chính sự khác biệt này mới đáng quý vì nếu chúng ta không khác biệt, chúng ta sẽ mặc đồng phục và chỉ cần một người trong năm người viết thay cho bốn người kia. Chính sự khác biệt này làm nên sự sinh động của văn chương. Trao đổi thẳng thắn, không khách sáo với sự khác biệt không tàn phá.

Đồng ý với Nguyễn Viện là văn học Pháp không là tất cả thế giới. Một trong những lý do khiến Lyotard và Derrida không thành công tại Pháp là vì nền văn học này đã trải qua nhiều cuộc cách mạng văn chương, quá nhiều những trào lưu, phong trào, thử nghiệm và cách tân, nên ít chuộng cái mới hình thức và gạn lọc kỹ càng. Tuy vậy, Nguyễn Hương, một người bạn khác của chúng ta, dạy phân tích các chủ nghĩa ở đại học UCLA, Hương từng nói với tôi là Hậu Hiện Đại đang đi qua ở Hoa Kỳ. Mà Nguyễn Hương nói điều này đã vài năm. Chân Phương cũng nói Hậu Hiện Đại đã “has been”, bắt đầu thành “dĩ vãng” ở Hoa Kỳ, rồi Phan Nhiện Hạo cũng nói là Hoa Kỳ không nhắc đến Hậu Hiện Đại nhiều nữa… Tôi không biết điều gì xảy ra trên lục địa Hoa Kỳ, nhưng ở vị trí sáng tác, chúng ta có cần nhận thức tính chất phù du hay trường tồn của các trào lưu, phong trào, và các chủ nghĩa hay không? Chúng ta dùng như một phương tiện cho đến khi chán, đến khi tìm ra cái khác thay thế, hay chúng ta xem là một “tinh thần”? Tôi muốn hiểu thêm cách nhìn của Chánh và Viện về vấn đề này. Chánh và Viện vừa nói: “Bối cảnh xã hội, tâm thức nhà văn và biểu cảm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với mô thức Hậu Hiện Đại”. Các anh có thể đào sâu thêm không? Phù hợp như thế nào? Đem đến thêm tự do nào trong sáng tác? Chúng ta cần hiểu nhau, vì chúng ta sống quá xa nhau, cách mười ngàn cây số, không gặp mặt.

“Và thơ là văn chương, và nó không còn người đọc, rõ ràng thơ là chung cuộc của văn chương rồi. Chắc Mai Thảo đúng đó Vũ. Còn tiểu thuyết chẳng qua là cái bóng ma của văn chương, mà thị trường tiêu thụ luôn là một con ma đói”.

Hồi mã thương hay lắm, Chánh. “Đường đao đẹp như ánh lửa”.

Ngược lại, không đồng ý với Chánh: “Ngay cả sách viết về chiến tranh cũng là một loại ăn xác chết”. Không ăn xác chết mà vực xác chết sống dậy, để người sống hiểu sự kinh khủng trong đầu chúng trước khi chết. Giá trị của ký ức ngang bằng với dự phóng tương lai vì không ký ức, tương lai sẽ lầm lạc.

“Khi con người vắng bóng trong hiện tại, văn chương buộc phải đương đầu với cối xay gió”, Chánh đang trở về với Cervantès, chợ đầu mối của huyễn ảo Nam Mỹ.

Chân Phương: Các chợ sách, quán rượu và bạn hữu ở Paris đã cuốn hút tôi khỏi cuộc hội thảo mấy hôm qua; bây giờ gạt sang bên mấy chai rosés với bordeaux tôi có vài ý kiến và nhận xét tiếp theo các bạn.

Trong khuôn khổ bàn tròn tôi không thể đi sâu phân tích sáng tác cụ thể của Viện, Chánh hay Vũ, đều là những ngòi bút có nhiều trang viết độc đáo về dục tính. Để bảo đảm công bằng nhà phê bình phải trình bày, so sánh sự phát triển, đối thoại của mỗi tác phẩm, và giữa chúng với nhau; vì dục tính trong văn Nguyễn Viện chẳng hạn, không đơn điệu mà thay đổi sắc thái tùy theo văn cảnh và dụng ý của tác giả. Câu văn mà Viện trích dẫn để bảo rằng Chân Phương vơ đũa cả nắm thật ra chỉ nhằm phác họa không khí và bối cảnh của sinh hoạt chữ nghĩa trong nước. Đoạn văn tiếp theo mới là ý chính trong tiểu luận đang hình thành “Gí Cặc Vào Đâu?”, phân tích cái thế lưỡng đầu thọ địch của các cây viết nam giới chúng ta hôm nay. (Các bạn chịu khó chờ ngày tôi công bố tiểu luận này).

Vũ trình bày một bức tranh ấn tượng , không được lạc quan lắm về văn học Pháp hôm nay, nhất là thi ca. Cũng may tôi đang loanh quanh Paris và nước Pháp cả tháng nay để bổ túc và đính chính đôi điều, dù cũng là cỡi ngựa xem hoa. Ta nên dè dặt khi nhận định chung chung về một nền văn học, tư tưởng có kích thước sâu rộng và lâu đời như Pháp, Đức, Anh-Mỹ hay Trung Hoa… Văn xuôi Pháp chưa hấp hối đâu: Le Clézio vừa đoạt Nobel, tiếng vang của Jonathan Littell, tác giả Les Bienveillantes (giải Goncourt 2006) vừa được dịch ở Mỹ, đang có tác động tích cực trong giới tiểu thuyết gia Pháp.

Vũ có lý một phần về thơ Pháp, và điều này cũng có thể áp dụng rộng cho cả phương Tây hôm nay. Trong khi văn xuôi được điện ảnh, tivi tiếp tay đắc lực trong sinh hoạt giải trí đại chúng — những truyện hay thường được biến thành kịch bản và dựng phim — thơ ca đang có nguy cơ mất máu trong cái thị trường văn hóa nghe nhìn dễ dãi. Nhưng nó không chịu chết vì tiếng nói là sinh lực bí mật muôn thuở của loài người. Theo quan sát của tôi , thơ ca Pháp và thơ ca Âu Mỹ đang hoá thân thành một dạng giáo phái mật truyền, dù vẫn biết sử dụng lợi thế internet để chinh phục cyberspace ngôn ngữ. Xin giới thiệu vài website tiêu biểu cho các bạn muốn tìm hiểu thêm về sinh hoạt thi ca Pháp ngữ: Le Printemps des Poètes với khoảng bảy trăm thi sĩ có tiếng làm hội viên, hoặc poete.org với cả ngàn nhà thơ tài tử. Các tạp chí quan trọng như Europe, Le Débat, Magazine Littéraire… vẫn thỉnh thoảng ra số chủ đề về thi ca hay thi sĩ. Các tạp chí chuyên về thơ Action Poétique, Poésie… cũng có website riêng như http://www.pourpoesie.net. Nhà xuất bản Seghers vẫn đều đặn giới thiệu thi tuyển thơ Pháp hàng năm, bên cạnh các thi tuyển theo chủ đề. Trong các buổi đọc thơ hay hội thảo các nhà thơ đầu đàn như Yves Bonnefoy, Michel Deguy, Jacques Roubaud, Bernard Noël, Henri Meschonnic… vẫn xuất hiện. Một điều tôi chú ý là thơ dịch quốc tế ở Pháp rất phong phú, hầu như các thi sĩ phương Tây quan trọng đều được người Pháp dịch, điều này cũng đúng cho văn xuôi thế giới. Rảo qua các mặt sách mới nơi chợ sách tôi gặp khá nhiều tác giả Anh Mỹ, Canada, Nga… như Pynchon, DeLillo, MacEwan, Peter Ackroyd, Mordecai Richler, Salman Rushdie, Chalamov… Phần văn xuôi Á đông cũng được dịch và giới thiệu nhiều,tăng thêm sinh khí cho sự hiện diện của văn học thế giới trên nước Pháp.

Tôi hơi dài dòng về thơ, một phần vì méo mó nghề nghiệp một phần nhằm động viên tinh thần các bạn như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo… Hi vọng có ngày nào chúng ta gặp nhau ở Boston hay Paris để có thể đàm luận tận tường hơn về thế giới thơ phương Tây ngày nay. Bây giờ tôi xin lạm bàn một tí về đề tài Hậu Hiện Đại. Dân ta cũng như người Nhật hay người Trung Hoa đều có mặc cảm học thuật đối với phương Tây, và vì thế thường tiếp thu gấp và muộn các tư tưởng, lý thuyết của người ta mà không có thời giờ tìm hiểu nhiều về nguyên ủy, động cơ quyền lực (knowledge & power), bối cảnh xã hội và các xu hướng văn hoá giáo dục đã sản sinh các hình thái ngôn thuyết (discursive formation) ấy.

Tại sao thuyết Hậu Hiện Đại ra đời ở Hoa Kỳ trong khi nó vay mượn tư tưởng và lý luận Pháp, mà không được cảm tình cho lắm từ giới học giả và hàn lâm Pháp? Tại sao sau khi Sokal chơi khăm tờ Social Text (Affair Sokal, 1996) và Bin Laden tấn công New York, Hậu Hiện Đại ra đi gần như không kèn trống ở các đại học Mỹ? Tại sao tư tưởng Hoa Kỳ hơn một thập niên qua đã quay lưng với trào lưu sùng bái ngôn ngữ học (linguistic turn), từ biệt Saussure, Jakobson, Barthes, Derrida, de Man… để trở về với đạo lý (ethical turn), đọc lại Plato, Aristotle, Kant, Habermas, Bourdieu và John Rawls? Còn nhiều câu hỏi và ẩn số mà những ai thiếu điều kiện sinh sống lâu năm ở Mỹ và thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ khó có thể hy vọng lý giải thấu suốt, cho nên tôi hơi ái ngại khi thấy một số ngòi bút Việt Nam chỉ sống trong nước mà lại bám theo cái đuôi made in America kia một cách hăng hái vô tư!

Trong khi chờ đợi một dịp khác để trở lại với hậu sự Hậu Hiện Đại (post-Postmodernism), tôi xin nêu ra một phản biện văn học cho các bạn góp ý: Giữa Tướng Về Hưu và Cánh Đồng Bất Tận với bao nhiêu là trang viết “Hậu Hiện Đại” ở Việt Nam từ nhiều năm qua, bạn đọc sẽ chọn bên nào để tìm một bức hoạ cô đọng và thuyết phục nhất về đất nước con người trong những tháng năm tối tăm khổ nhục dưới chính sách cai trị của đám Mafia đỏ Việt Nam?

Nguyễn Viện: Trả lời nhanh với anh Phương. Không kể việc các tác giả và tác phẩm trong luồng chính thống được cả cái hệ thống thông tin lề phải PR, chỉ xét về chính bản thân tác giả hay tác phẩm, không thể mang số lượng người đọc ra đo giá trị. Best-seller không đồng nghĩa với giá trị. Không thể so sánh giữa ca sĩ Tuấn Ngọc và Tuấn Vũ, ai được nghe nhiều hơn. Nhất là “Hậu Hiện Đại” ở Việt Nam mang tính đối kháng một cách đặc trưng với thói quen của người đọc và với hệ thống một chiều của xã hội. Thẩm định nghệ thuật không thuộc về đám đông. Mặc dù, tôi không có ý định phủ nhận tài năng của Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư.

Về thắc mắc của Vũ, tại sao cả tôi và Chánh đều cho rằng “Hậu Hiện Đại” phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay? Đó là nhu cầu thoát ra khỏi cái hệ thống một chiều kia và phủ nhận tính đặc quyền văn học của lề phải. Mặt khác, “Hậu Hiện Đại” đáp ứng được cái trạng huống hỗn loạn các giá trị xã hội và sự đổ vỡ trong tâm hồn con người.

Sự đáp ứng được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật như cắt dán (sử dụng những thông tin thời sự, tôi thích những bài thơ kiểu này của Phan Bá Thọ), giễu nhại và cả sự xáo trộn văn bản hay cấu trúc. Nó cho phép tác giả thể hiện thái độ tinh thần và nghệ thuật của mình vừa trên hình thức (sự nổi loạn của văn bản) vừa trong nội dung (tự giác và phản kháng). Nói một cách khác, đó là sự đối lập toàn diện với văn chương truyền thống và hệ thống toàn trị.

Phan Nhiên Hạo: Tôi nghĩ anh Chân Phương không đặt ra vấn đề best-seller ở đây đâu, mà là vấn đề giá trị thật của tác phẩm. Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã qua cái thời của ông ấy, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu trong tương lai Nguyễn Huy Thiệp có thể viết được những tác phẩm hay như thời Tướng Về Hưu. Còn Nguyễn Ngọc Tư hiện nay là nhà văn đang được đề cao bởi văn chương nhà nước, trong đó bao gồm nhiều màn PR của các nhà xuất bản, báo chí. Tôi không thích cái tư thế nhà văn rất “tròn trịa” của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư vẫn là hai tài năng thật sự của văn chương Việt Nam mấy mươi năm gần đây.

Nhân nói đến Nguyễn Ngọc Tư, tôi thấy có điểm thú vị ở chỗ, theo những gì tôi đọc được, tác giả này không phải là người có kiến văn rộng, nhưng vẫn viết rất thành công. Tôi là người đề cao mẫu nhà văn trí thức, nhưng tôi cũng tự hỏi, trong sáng tác, lý thuyết có thể giúp mình đến đâu? Tôi đặt ra câu hỏi này vì tôi thấy ở Việt Nam, nhiều người có thái độ cực đoan đối với lý thuyết từ cả hai phía: hoặc gạt bỏ nó hoàn toàn, hoặc tỏ ra quá bận tâm đến nó. Sự thật là từ trước đến nay lý thuyết văn chương của mình, bao gồm cả văn chương Sài Gòn trước 1975, đều nhập từ bên ngoài vào. Và điều này luôn gây ra những tranh cãi, băn khoăn trong giới nhà văn. Người hồ hởi đón nhận, người chủ trương quay về với chính mình. Trong thời buổi “toàn cầu hóa” hiện nay, cái vị thế trí thức của nhà văn Việt Nam ở một đất nước theo “kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” nó như thế nào, theo các anh? Mình nên học cái gì từ bên ngoài, và theo cách nào?

(xem tiếp phần 2)

Nguyễn Quốc Chánh

 

Trịnh Cung
Trịnh Cung
Trần Vũ
Chân Phương
Chân Phương
Nguyễn Viện
Nguyễn Viện
Phan Nhiên Hạo

18 bình luận về “Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Phan Nhiên Hạo, Chân Phương, Nguyễn Viện, Trần Vũ – Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (1)

  1. Chân Phương 10 Tháng Chín 2009 / 7:56 chiều

    Nguoi xu Hue đã trả lời đúng một phần câu hỏi. Vào tháng 11 năm 1997, University of Chicago đã tổ chức cuộc hội nghị triết học quốc tế với gần một trăm học giả thế giới tham dự. Cuộc hội nghị có tên After Postmodernism đã được Đại Học Chicago công bố mục đích học thuật , báo cáo tóm lược, kèm với hầu hết các bài tham luận trên internet. (Ai thực sự quan tâm đến vấn đề Hậu Hiện đại đều có thể tra cứu trên google).

    Nhưng Lê Chính Thuyết không trả lời được, và chai vintage grand cru sẽ về tay Nguoi xu Hue nếu nhân vật này giải đáp được phần sau của câu hỏi, cũng là phần sẽ giải thích được lý do tại sao tôi đã dùng mấy chữ ” Cuộc hội nghị quan trọng để TỪ BIỆT postmodernism…” Tôi chưa bao giờ viết rằng đó là “hội nghị cuối cùng”, và cũng không hề dùng cụm từ khẳng định “tuyên bố cáo chung” trong tất cả các phần góp ý của tôi trong thảo luận này. Nếu Nguoi xu Hue hay Người Nước Việt nào đó còn muốn tiếp tục trao đổi một cách văn hóa , tôi có một yêu cầu đơn giản như sau: Xin quý vị chịu khó đọc đi đọc lại cẩn thận từng chữ từng câu của tôi và tránh suy diễn theo chủ quan.

  2. Nguoi xu Hue 10 Tháng Chín 2009 / 12:39 sáng

    Câu đố của ông Chân Phương kể cũng lạ. Làm gì mà có một thứ hội nghị cuối cùng về bất cứ một đề tài nào trên thế giới nhỉ? Bây giờ người ta vẫn tổ chức các hội nghị về bất cứ chủ nghĩa, trường phái nào trong quá khứ, cả về văn hóa Roma thời Trung cổ, về đời sống người tiền sử cơ mà.

    Có lẽ ông Chân Phương muốn đố ông Lê Chính Thuyết về cái hội nghị After Postmodernism tổ chức ở đại học Chicago hồi November 14-16, 1997? Cái hội nghị đó thì có lẽ nhiều người đã biết rồi. Nhưng nó đâu có tuyên bố cáo chung postmodernism. Nó chỉ thử đặt giả thuyết “what comes after postmodernism?” Tức là đến một lúc nào đó khi postmodernism đã qua thì liệu cái gì sẽ đến tiếp sau đó? Postmodernism ở đây không chỉ là một thứ lý thuyết in trên giấy, mà là cả một điều kiện sinh tồn của một thời đại trên cả mặt tinh thần lẫn vật chất. Một cái hội nghị của một nhóm học giả ở một trường đại học chỉ có khả năng thử đặt ra những giả thuyết để tìm hiểu, tranh luận, chứ làm sao nó lại có cái quyền lực tối thượng để chấm dứt một điều kiện sinh tồn của một thời đại?

  3. Chân Phương 9 Tháng Chín 2009 / 8:28 chiều

    Không riêng gì Phan Nhiên Hạo, những độc giả theo dõi cuộc hội thảo này một cách khách quan đã có thể quan sát và so sánh lối ăn nói của Lê Chính Thuyết và phong cách đối đáp của Chân Phương. Khi tôi nêu những ý kiến không được lạc quan lắm về trào lưu Postmodernism ở Mỹ ( và để không làm mất thời giờ bạn đọc tôi chỉ trưng ra một vài chứng cứ cho những ai quan tâm có thể tham khảo), LCT đã hăng hái bênh vực Hậu Hiện Đại kèm theo những lời phát biểu hùng hồn như một người đã am tường và nắm đưọc sự thật về vấn đề này. Trước một thái độ đầy thẩm quyền như thế, thiết nghĩ câu hỏi của tôi chỉ tạo thêm cho LCT một cơ hội tốt để chứng minh trước bà con sự uyên bác thông thái của mình. Vậy tôi mạn phép đặt lại câu hỏi lần nữa với vài chi tiết bổ xung cho thêm phần rõ nghĩa: ” Cuộc hội nghị quan trọng có tầm quốc tế để từ biệt Post- modernism đã diễn ra lúc nào, ở đâu trên nước Mỹ? Và lý do chủ yếu nào đã khiến giới học thuật, hàn lâm khởi xướng cuộc hội nghị này?” Nếu LCT không trả lời được, tôi sẽ công bố câu giải đáp. Biết thì nói là biết, không biết cứ nói rằng không biết; ấy là biết đó!

  4. Phan Nhiên Hạo 8 Tháng Chín 2009 / 10:09 chiều

    Ông Lê Chính Thuyết nói ” trao đổi ý kiến giữa người với người thì cần phải có sự tương kính” nhưng theo tôi ý kiến đầu tiên của ông về ông Chân Phương lại không được tương kính lắm (xem ý kiến ngày 1 tháng 9 phía dưới). Ông đã nói ông Chân Phương “bạt mạng”, “bịa chuyện”, “hù doạ”. Cho nên phản ứng của ông Chân Phương nếu có giọng giễu cợt cũng là điều dễ hiểu. Nếu ông cho rằng những ý kiến của ông Chân Phương về Hậu hiện đại không chính xác thì ông chỉ cần đưa ra những sự kiện và lý lẽ để phản bác là đủ. Thay vì dùng những từ này.

    Dù sao tôi vẫn tò mò muốn được nghe câu giải đáp cho câu hỏi vể Hậu hiện đại mà ông Chân Phương đưa ra để mở rộng kiến thức. Ông hay Chân Phương trả lời cũng đều tốt.

  5. Lê Chính Thuyết 8 Tháng Chín 2009 / 7:56 chiều

    Chân Phương cho là “để tìm hiểu về sự thăng trầm hay thịnh suy của một trào lưu, trường phái, học thuyết… nhà sử gia (sic) của lịch sử tư tưởng sẽ dùng những chỉ báo học thuật nặng ký hơn”. Những “chỉ báo học thuật nặng ký” đó, theo CP, là “các tạp chí, chuyên san về lý luận phê bình hoặc các cuộc hội nghị học chuyên ngành”! Nếu mà những cái đó ít còn đem Hậu Hiện Đại ra bàn, thì kể như Hậu Hiện Đại đã “ra đi không kèn không trống”, đã chết ngắc!

    Thưa ông, từ thập niên 70 tới nay đã gần 40 năm rồi. Hàng chục ngàn cuốn sách, tiểu luận, luận án và hàng trăm hội nghị đã bàn bạc, phân tích mọi phương diện của Hậu Hiện Đại. Bây giờ Hậu Hiện Đại không còn là một khái niệm gây bỡ ngỡ nữa, vì nó đã quen thuộc với đời sống hậu hiện đại ở Mỹ và ai cũng có thể ít nhất hiểu khái quát về nó. Ai muốn tìm hiểu thêm thì đã có sẵn vô số tài liệu để tham khảo. Vì vậy nên số lượng bài viết và hội nghị giảm xuống là điều rất bình thường, chứ không phải chứng tỏ là Hậu Hiện Đại đã chết ngắc như ông nói. Tiền của, công sức ở đâu mà cứ tiếp tục đổ vào một đề tài đã trở thành kiến thức phổ quát! Người ta phải để dành thì giờ và tài lực cho những vấn đề khác nữa chứ!

    Ngược lại, bây giờ người ta vẫn tiếp tục viết và tổ chức hội nghị về nghệ thuật Baroque, như vậy thì thời Baroque vẫn còn sống hay sao!

    Còn vụ Sokal thì không ăn nhập gì tới văn học Hậu Hiện Đại cả. Sokal là dân vật lỳ và chưa bao giờ đụng chạm tới văn học Hậu Hiện Đại. Vụ đó chỉ là một vụ chơi hoax để quậy phá trong giới khoa học ở Mỹ. Nó ồn ào một lúc ngắn rồi chìm vào quên lãng. Sokal còn bị nhiều người kết án là vô đạo đức.

    Trong cuộc thảo luận này, Chân Phương có lối trao đổi rất là trịch thượng. Ông cảm ơn tôi “đã biến bàn tròn văn nghệ Litviet thành màn show (sic) Đố Vui Để Học”, thế nhưng sự thật là tôi không ở trong bàn tròn và chưa từng đưa ra câu đố nào. Chỉ toàn là Chân Phương đưa ra câu đố. Trước hết, CP đố các nhà văn phản kháng ở Việt Nam có mặt trong bàn tròn với một loạt câu hỏi thiếu cơ sở. Bây giờ CP lại ra ngoài bàn tròn để đố tôi. Ông lại còn bảo tôi “you have to do your homework first”! Tôi đâu phải là học trò của ông mà ông ra bài tập cho tôi đem về nhà làm?

    Trao đổi ý kiến giữa người với người thì cần phải có sự tương kính. Đó là chỉ báo tối thiểu của trí thức.

  6. Chân Phương 5 Tháng Chín 2009 / 3:35 chiều

    Những độc giả như Lê Chính Thuyết là niềm vui bất ngờ cho tôi vì bạn chứng tỏ là đã đọc với óc phê phán các ý kiến của CP (tôi vốn không ưa lối quan hệ sáo hót vẹt gật gù). Chắc khỏi cần nhắc lại: đây là một bàn tròn văn nghệ, không phải hội nghị học thuật, nên bạn không cần thổi còi hụ hàn lâm một cách nghiêm trọng quá, ha ha.

    Vấn đề trào lưu hậu hiện đại ở Mỹ là một sự kiện phức tạp khó thể giải đáp thắc mắc nhanh gọn được; có lẽ chúng ta cần một diễn đàn học thuật khác để tranh luận. Dù sao bạn cũng đã có nhiệt tình tham gia quán café internet LITVIET nên tôi sẽ tranh thủ đáp lễ trong lúc cuối tuần trống trải này.

    ” Từ vụ Sokal” đến “sự kiện Bin Laden” là lời phát biểu dùng kỹ thuật ráp nối collage trong bàn văn nghệ; cũng như “ra đi gần như không kèn trống” là cách nói bóng gió bông đùa (humour), muốn minh giải bằng tự sự nghiêm túc dĩ nhiên cần viết một chuyên khảo. Tôi xin phép bóng gió văn nghệ tiếp: Cũng như một người lâm trọng bệnh vẫn có thể kéo dài cuộc sống thêm nhiều năm, một trào lưu tư tưởng (như trường phái Tân Phê Bình hoặc Cấu Trúc Luận) dù suy thoái vẫn có thể được tiếp tục khảo cứu và giảng dạy ở các đại học. Ngoài chức năng bảo tồn bảo tàng mọi kiến thức, đại học nhân văn ngày nay (đặc biệt ở Mỹ) còn là nền đại công nghiệp sản xuất vừa là thị trường mua bán chữ nghĩa, bằng cấp. Có nghĩa là Postmodernism đang trở thành hàng hóa, cũng như các phong trào, lý thuyết văn hóa-văn nghệ trước nó! Để tìm hiểu về sự thăng trầm hay thịnh suy của một trào lưu, trường phái, học thuyết… nhà sử gia của lịch sử tư tưởng sẽ dùng những chỉ báo học thuật nặng ký hơn. Chẳng hạn các tạp chí, chuyên san về lý luận phê bình hoặc các cuộc hội nghị học thuật chuyên ngành. Chính các chủ đề được bàn thảo ở các diễn đàn trên đây mới thể hiện những mối quan tâm hàng đầu của giới hàn lâm, học giả quốc tế. Theo tiêu chuẩn này, Post- modernism không còn là thời sự của lý luận và tư tưởng, ít ra là tại Hoa Kỳ và, xin nhắc lại, cũng là nơi sản sinh trào lưu này Nói có sách mách có chứng — căn cứ vào các tạp chí hàng đầu của học thuật nhân văn ở Mỹ như PMLA, New Literary History, Critical Inquiry, Boundary 2, trong vòng mười năm nay, các bài viết khảo cứu chuyên về Postmodernism chỉ còn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn, trên dưới một phần trăm.Trong các hội thảo đại học và hội nghị học thuật, tình hình cũng tương tự. (Nếu cần kiểm chứng, ai cũng có thể vào Google gõ mấy chữ PMLA – Publications of the Modern Language Association, tổ chức toàn quốc qui tụ các giáo chức học giả về văn học và lý luận phê bình ở Mỹ- để đọc các mục lục và chủ đề của PMLA và Profession là 2 chuyên san của tổ chức này). Đặc biệt chỉ còn tạp chí Philosophy and Literature là còn đăng khá nhiều biên khảo, nhận định về Postmodernism nhưng với mục đích phản bác, phê phán vì tờ báo học thuật này là diễn đàn của các tiếng nói duy nghiệm, thực dụng, thực chứng vốn là truyền thống xưa nay của triết học Anh-Mỹ không ham chuộng lắm các triết thuyết Đức -Pháp. (Các bạn VN có cảm tình với Hậu Hiện Đại nên tìm đọc tạp chí này để tìm hiểu về các ý kiến phản biện thông thái và thông minh chống lại đám pomo made in USA).

    Bạn Chính Thuyết cho rằng tôi ” hù dọa” và như thế là bạn đã đề cao tôi. Tôi đâu có quyền năng như đấng Tối Cao hay quyền lực như một bộ Chính Trị Politburo để can thiệp vào sự tồn vong của tư tưởng hay lý thuyết. Bạn hãy an tâm, khi xã hội văn minh và cộng đồng trí thức không còn mặn mà với chúng, các phong trào, chủ nghĩa… sẽ tự khai trừ khỏi cuộc sống tinh thần thường ngày trên trái đất để đi vào các viện bảo tàng., và việc này không dính dáng cũng như nằm ngoài ý muốn của chúng ta.

    Cuối cùng để cảm ơn bạn đã biến bàn tròn văn nghệ LitViet thành màn show Đố Vui Để Học, tôi mạn phép gửi đến bạn một câu hỏi như món quà giải trí có văn hóa cho cái weekend Labor Day này; ” Cuộc hội nghị quan trọng để từ biệt Postmodernism ở Hoa Kỳ đã diễn ra nơi đâu và vào lúc nào?” Nếu trả lời đúng tôi sẽ biếu bạn một chai vintage grand cru, bằng không tôi sẽ cung cấp bạn thông tin sau. Trong khi chờ kết quả, nói như dân Mỹ, you have to do your homework first!

  7. litviet 3 Tháng Chín 2009 / 9:06 sáng

    THÔNG BÁO: Trong khi xóa ý hai ý kiến của một người đã dùng ba bút hiệu khác nhau từ cùng một số IP là Lương Quốc Thái, Thiệp Nguyễn, và Lưu Thế Vân, tôi đã “trông gà hoá cuốc” vô ý xóa luôn ý kiến của đọc giả Lê Chính Thuyết, là người không liên quan gì đến số IP trên. Litviet được làm bởi chỉ một người, vừa lo bài vở vừa lo kỹ thuật, nên không tránh khỏi sơ sót. Mong ông Lê Chính Thuyết thông cảm. Tôi đã cho hiển thị lại ý kiến cũ lẫn mới của ông. Cảm ơn ông.
    PNH

  8. Lê Chính Thuyết 3 Tháng Chín 2009 / 1:35 sáng

    Thưa quý ông

    Tôi không hiểu vì lý do gì quý ông đã xoá ý kiến của tôi. Tôi không hề vi phạm điều gì cả.

    Tên của tôi cũng không ở trong số những người mà quý ông nêu tên.

    Tôi cũng không dính dự gì đến cái IP address mà quý ông đặt vấn đề.

    Nếu quý ông chủ trương kiểm duyệt, xóa bỏ bất kỳ ý kiến nào quý ông không ưng ý thì Litviet.com không phải là trang web của văn học tự do như tôi đã lầm tưởng.

  9. litviet 2 Tháng Chín 2009 / 11:48 sáng

    THÔNG BÁO: Trong hai ngày qua litviet có nhận được ý kiến phản hồi của ba bút hiệu sau:Lương Quốc Thái, Thiệp Nguyễn, và Lưu Thế Vân. Ba bút hiệu này được gởi đi từ cùng một máy điện toán, có cùng một số IP đặt bên ngoài Việt Nam (114.76.233.182). Có khả năng rất cao ba bút hiệu này chỉ là của một người. Điều này không phù hợp với nguyên tắc góp ý trên litviet. Những ý kiến xuất phát từ cùng số IP trên vì vậy sẽ không được hiển thị nữa. Đồng thời litviet cũng đã xoá hai ý kiến ký tên Thiệp Nguyễn và Lưu Thế Vân.

  10. Lê Chính Thuyết 1 Tháng Chín 2009 / 9:48 chiều

    Ông Chân Phương nêu lên câu hỏi thật quái dị: “Tại sao sau khi Sokal chơi khăm tờ Social Text (Affair Sokal, 1996) và Bin Laden tấn công New York, Hậu Hiện Đại ra đi gần như không kèn trống ở các đại học Mỹ?”

    Chính câu hỏi của ông đã chứng tỏ là ông nói bạt mạng, bất cần hợp lý.

    Nếu năm 1996 sau khi Sokal chơi khăm mà Hậu Hiện Đại đã ra đi “không kèn không trống ở các đại học Mỹ”, thì 5 năm sau, cho đến ngày 9 tháng 11 năm 2001, dù Bin Laden có tấn công New York hay không, thì Hậu Hiện Đại đâu có còn nữa để nó lại ra đi “không kèn không trống ở các đại học Mỹ ” thêm một lần nữa nhỉ?

    Hay là sau khi nó ra đi không kèn không trống sau năm 1996, nó lại vác kèn vác trống mon men quay trở lại đại học, để rồi 5 năm sau nó sợ Bin Laden quá nên nó lại ra đi không kèn không trống thêm một lần nữa?

    Hậu Hiện Đại đã ra đi không kèn không trống ở các đại học Mỹ bằng cách nào? Nó lẻn ra khỏi cổng sau? Nó trèo qua cửa sổ? Hay nó biến mất trong chương trình giảng dạy?

    Không, nó vẫn còn nguyên trong các chương trình giảng dạy, không chỉ ở đại học, mà còn ở trung học, trong nhiều ngành nhân văn và nghệ thuật. Từ năm 1996 đến nay số lượng sách và luận văn nghiên cứu về HHĐ phải kể là ở hàng ngàn.

    Ông Chân Phương bịa chuyện vô lý này ra để hù dọa ai thế nhỉ?

  11. Lam truong Phong 1 Tháng Chín 2009 / 7:34 chiều

    Hoàn toàn dồng ý với nhà văn Trần Vũ khi ông phát biểu :“Quan hệ giữa văn chương và chính trị”? Nhìn thấy rõ nhất ở lưỡi chém visa đã lướt qua đầu các nhà văn di dân. Gạt được lưỡi hái này là lấy lại được tự do nhưng số đông không gạt được, vì còn gia đình, đành chấp nhận im lặng. Tự do mà các nhà văn thuyền nhân đã liều chết đi tìm, hôm nay đánh mất vì muốn trở về”. Và thật đau lòng khi ông cho rằng số đông (chứ không phải là số ít) nhà văn thuyền nhân đã vì cái visa mà chấp nhận im lặng Ngoài lý do gia đình như ông nêu ra, danh và lợi thu được nhờ tác phẩm cũa họ được nhà cầm quyền VN cho phép in và phát hành sách tại VN cũng là một lý do nữa làm cho họ im lặng ?

  12. Vinh Thang 1 Tháng Chín 2009 / 12:20 chiều

    Xin hỏi ông Quốc Thái lấy cái gì để phân biệt hậu hiện đại thật với hậu hiện đại giả đấy? Ai đóng dấu kiểm tra chất lượng cho món hàng nhập khẩu này? Theo tôi nhà văn có tài thật sự thì không cần theo đuôi một lý thuyết nào, những người thảo luận ở đây là các ông Nguyễn Quốc Chánh và Nguyễn Viện cũng đã công nhận thế.

  13. Thương Nguyên 1 Tháng Chín 2009 / 8:44 sáng

    Tình dục trong thơ Nguyễn Viện. Cặc đương thời trong thơ Nguyễn Quốc Chánh. Vĩ cầm trong thơ Chân Phương. Chế tạo trong thơ Phan Nhiên Hạo. Cái thực trong các bức chân dung của Trịnh Cung. Tiếng kèn đồng của lịch sử trong văn Trần Vũ.

    Tóm lại:

    Mừng ông nay đã có bàn chông
    Thật giống bàn nhà chả giống ai
    Mong trong lần tới văn nghệ sĩ
    Văng tục đập bàn ném cốc chai

    Cám ơn “chủ sòng” Phan Nhiên Hạo.

  14. Lương Quốc Thái 31 Tháng Tám 2009 / 3:08 sáng

    Tạp chí Việt (ở Úc) đầu tiên đã cổ xúy văn học Hậu Hiện Đại cách đây cả thập niên rồi. Hồi đó mấy ông trong Hội Nhà Văn ở Việt Nam gân cổ lên mà chống, ra sức bôi bác. Chống không nổi, thì bây giờ lại đứng ra làm những kẻ có công phất cờ.

    Hậu Hiện Đại của Hội Nhà Văn VN là thứ giả mạo. Hậu Hiện Đại mà vẫn khúm núm trung thành với Bác với Đảng, là thứ chiêu bài của những thằng bịp, chỉ đánh lừa được đám ngu.

    Hậu Hiện Đại giả rất sợ Hậu Hiện Đại thật, vì Hậu Hiện Đại thật thì xem cái lăng HCM là cái sọt rác thối.

  15. nhatdiep 31 Tháng Tám 2009 / 2:19 sáng

    Chẳng lẽ Người xứ Huế, đọc không kỹ những gì, các ông Nhà Văn, Nhà Thơ, chuyện phiếm, bàn luận… qua đời sống, cách viết lách, sự suy nghĩ, xen lẫn tính chính trị khi muốn viết một đề tài v.v…và v…v; trong “Văn chương nhìn từ ngoài lề”, à???

    Tôi đã không nói rằng: (… cái vụ chính tri gì đó trên tờ Văn Học, năm xưa); mà chính từ Người Xứ Huế áp đạt bảo tôi nói! Có lẽ, Người Xứ Huế quá nhạy cảm chăng?

    Hình như Người Xứ Huế … viết lộn xộn, mơ hồ! Chứ tôi đã viết rành rành ra đấy!!!

    Sự áp đặt này: đã đầy rẫy và đã quá… đát từ lâu, Diễm ơì!!!

    Vũ Đình Kh.

  16. Nguoi xu Hue 30 Tháng Tám 2009 / 8:59 chiều

    Vũ Đình Kh. góp ý dài dòng nhưng người đọc chả hiểu nổi ông muốn nói cái gì. Một phần vì ông viết câu cú lộn xộn, một phần vì ý tưởng của ông thì mơ hồ úp mở. Cái vụ chính trị gì trên tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác? Xin ông Vũ Đình Kh. làm ơn nói rõ ra cho người đọc hiểu.

  17. ONG CHÚA 30 Tháng Tám 2009 / 7:57 chiều

    Thật hạnh phúc khi sau cơn bệnh đọc được bài nầy. Là một liều thuốc cho những cơn điên ám ảnh bấy lâu.
    Cảm ơn một cái bàn cà phê rộng mở cuộc chuyện trò quá tuyệt cho những cơn đói thuốc an thần : văn chương và chính trị.

  18. nhatdiep 30 Tháng Tám 2009 / 6:05 sáng

    Gần 10 năm không viết, bắt đầu trở lại với văn chương, tôi thấy nhiều tên tuổi lạ, và nỗi cợm!

    “Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề”, của Nhà Thơ Phan Nhiên Hạo, là “Phát pháo”, tôi thấy: đề tài này, mới mẽ nhất của suy nghĩ những cây bút, còn hướng về “một cái gì đó”, mà những người cầm bút (như các anh), còn có sự trăn trở… đáng mến!

    Trước nhất, cám ơn anh Phan Nhiên Hạo; và sau đó, cám ơn các anh: T. Vũ, C.Phương, N.Viện, NQ.Chánh và T.Cung.

    Hy vọng anh PN.Hạo, giữ phát súng này dài dài!!!

    Những góp ý, bàn thảo, phản bác… rất thú vị, mang giá trị văn chương cao!

    Tuy nhiên, tính chính trị là một đề tài Mở, mà tôi {hay có thể, (nhiều người) đang chú ý}.

    Tôi mong rằng: nhà thơ PN.Hạo, hãy giữ điều thú vị này mãi mãi, chứ đừng để nó đã từng xãy ra trên báo Văn Học của Nhà văn NG.Giác, với hai ông Ông: HN.Tuấn và NH.Quốc.

    Như vậy thì buồn chết!!!

    Thân kính. Vũ Đình Kh.

    p/s. Nhờ anh Viện, cho tôi gửi lời thăm Thận Nhiên. Cám ơn.

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.