
Hoài Khanh tên thật Võ Văn Quế . Sinh năm1934 tại phường Đức Nghĩa, Phan Thiết, Bình Thuận. Hiện trú tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai. Trước 1975 làm báo, có thời gian phụ trách tòa soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ và trông coi nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn .
Sau 1975 lui về cuốc đất trồng khoai ở Biên Hòa cho tới nay.
Đã in :
– Dâng Rừng (thơ, 1957)
– Thân Phận (thơ, 1962)
– Lục Bát (thơ, 1968)
– Gió Bấc, Trẻ Nhỏ Đoá Hồng và Dế (thơ, 1970)
– Trí Nhớ Hoang Vu và Khói (tập truyện, 1970)
– Hương Sắc Mong Manh (thơ, nxb Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2006)
– Buông Xả Thanh Thản, Đối Thoại Triết học (dịch Martin Heidegger, nxb Văn hoá, 2007)
Sẽ in :
– Phương Trời Lưu Viễn (thơ)
– Lang Thang Vào Thế Giới Nghệ Thuật (tập 1 )
– Lang Thang Vào Thế Giới Âm Nhạc Cổ Điển (tập1)
Ngồi lại bên cầu
Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
Em – thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Mầu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(trích từ tập thơ Thân Phận )
Trí nhớ hoang vu và khói
Rồi bãi đất không màu gợi sự trống trơn tôi đi qua trí nhớ ôi những đêm Đà lạt, Sài gòn, Hàm tân, Bình thuận, Cần thơ, Bạc liêu thắp cho ngươi ngọn đèn dĩ vãng sẽ lu vì gió giông thắp cho tôi ngọn đèn hư vô vì nước chảy qua cầu sông xuôi về biển nghe tiếng gì trong ghềnh đá than van ngươi còn ngó trong cõi nhìn truy diệt thôi giông tố đã lên nghĩa gì tiếng còi tàu đi bến
Nếu khói lên cao từ một vùng giới hạn
Nếu khói lên cao từ một giọt sương vẫn nghìn đời dù hai người đủ nghe nhìn từ muôn cõi lạnh suốt đại hồng thủy
Dù hai người đủ nghe nhìn sự thiêu đốt muôn nghìn trái núi lửa tại sao khói lại lên cao tại sao tại sao ?
Rồi tro bụi là tôi sẽ bay về đâu khi mưa ngàn đổ xuống
Và đất kia sẽ trầm thấm tro than và rừng sẽ mang mùa gió cũ
Loài người lại đốt rừng và khói lại lên cao
Ôi những giọt lệ không thể là đại dương em hiểu chưa ta vốn nòi sinh diệt không cùng làm sao trí nhớ vọng hoài một lần nổi giận
Sóng vẫn tan trên biển nước nào sông vẫn tan trên cánh buồm nào những đêm tự ngó mình thổn thức
Thôi bãi đất không màu đã gợi sự đớn đau của khói
Em đi đi tôi sẽ đưa Em với trí nhớ hoang vu của núi rừng sông biển
Và để cho mình khỏi bị diệt vong
Em nhớ hãy mang theo một ngọn lửa trong hồn
Để sáng rực trên kiếp mình đi đến
Em thân yêu ôi
Lửa !
Chớ chẳng bao giờ là khói nghe em .
(trích từ tập thơ Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đoá Hồng và Dế)
Sầu thế kỷ
Giữ mùa sông trắng mây lên
Người đi còn nhớ hay quên hỡi người!
Ta nằm trong xứ chia phôi
Ngược xuôi khóc mãi cuộc đời khổ đau
Lòng theo đã vạn bến tàu
Mà sao thành phố vẫn sầu trong mi
Làm sao còn nếp xuân thì
Cô đơn lạnh buốt chân đi một mình
Tình yêu trong bóng lênh đênh
Về đâu đây hỡi gập ghềnh đường xa
Hồn quê dõi bóng trăng tà
Mây ơi gió hỡi lòng ta hỏi gì
Một lần đi, những lần đi
Thời gian lịm kín xuân thì đêm đêm
Gió bay trên lá đã mềm
Sương phong chừng cũng động niềm tư lương
Nằm một phương nhớ mười phương
Sao ta chẳng được gió sương bốn mùa
Tấm lòng hạt bụi đong đưa
Sợ mưa sợ nắng buồn chưa hỡi người
Vào đời một trái tim côi
Bao phen rách nát giọng cười hỗn mang
Ai đâu một tấm lòng vàng ?
Hai mươi thế kỷ điêu tàn rồi chăng
Người ta đang thoát căn phần
Văn minh cơ khí giết dần thương yêu
Tương lai vào một buổi chiều
Đời người rồi cũng xế chiều, chao ôi !
Nhập định
Về đây trầm túy mặn nồng
Phiên du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào
Về đây ngắm cõi gầy hao
Vuốt ve ôi tóc cũng sâu suối ngàn
Về đây tự hỏi dung nhan
Cõi kia cành lạnh đi tàn hoang vu
Ôi nghìn năm trắng sương mù
Một người úp mặt trả thù thiên cơ
Bạc liêu 13-3-63
(trích từ tập thơ Lục Bát)
Tâm Hồn Là
Một hôm ai hỏi thiệt buồn
Này chàng thi sĩ tâm hồn là chi
Trời ơi thôi biết nói gì !
Tâm hồn vốn ở hạn kỳ vô danh
Như tơ liễu chợt lay cành
Như hương sắc vốn mong manh em là
Trong thời buổi quỷ thành ma
Cuộc trăm năm cõi người ta lạc loài
Tâm hồn đành cũng vậy thôi
Làm sao chỉ tỏ hỡi người trăm năm
Tâm hồn – ấy cõi đau ngầm
Cười trong lệ tủi lạc lầm nhân gian
Tham sân , trí trá , hung tàn
Tâm hồn từ ấy tan hoang còn gì !
Mộng đời miên viễn
Tặng Phạm Công Thiện để nhớ những
tháng ngày Đà Lạt xa xưa thời Thân Phận
Đà Lạt hỡi những lần ta trở lại
Thông vẫn xanh in bóng núi sương mù
Mây vẫn trắng dưới mặt hồ thao thiết
Lửa trong hồn có sáng cõi thâm u?
Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
Vì những đoá hoa nào thời trẻ dại
Hơn một lần phai lạt sắc và hương!
Ta trở lại với mắt buồn ngơ ngác
Chân lênh thênh trên những dấu qua rồi
Chợt muốn khóc những lần trông khói bếp
Ôi tiếng gà trưa vắng thời chông chênh!
Ta mất mẹ khi biết làm thơ lạ
Ta mất cha khi em cũng lên đường
Những ly rượu không dễ gì quên hết
Khi tim mình trót đập nhịp yêu đương !
Nghe chim lạ hót trong vườn
Một hôm chim lạ ghé vườn
Hót lên cung bậc vô thường mong manh
Vườn con hoang vắng đã đành
Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu
Những cơn biến động tiêu điều
Những tình bạn cũ dập dìu chia xa
Những tình yêu tưởng phôi pha
Chừng như sống lại đậm đà nhờ chim
Bao phen ký ức mong tìm
Giờ đây sống lại trong niềm ngất ngây
Cảm ơn chim , cảm ơn ngày
Giúp ta sống lại phút giây nhiệm mầu . . .
Ôi chon von!
Một buổi trưa bỗng nghe gọi điện và ngâm thơ qua điện thoại
( bốn câu kết bài “Ngồi lại bên cầu” ) từ Qui Nhơn vào Biên Hoà,
nghe cả tiếng sáo và giọng ngâm thơ tuyệt vời khiến tôi xúc động
quá nên đã viết được bài thơ này và bài “Ôi chon von!” sau đó ,
để tạ tình các bạn yêu thơ Qui Nhơn nói riêng và Phương Nam nói chung .
Ta đã quyết chẳng bao giờ tìm tới ( 1 )
Chiếc cầu xưa ngồi lại một thuở nào
Một thuở của mộng đời xanh bích ngọc
Một thuở buồn thiên địa cũng hư hao !
Ai có lẽ cũng qua cầu một thuở ?
Nhớ vầng trăng trôi quạnh cuối phương trời
Lòng trót trải những ngọn ngành xuôi ngược
Tuổi của đời là tuổi của xa khơi
Lại có kẻ đi về miền ẩn dật
Vẫn còn nghe tiếng động phố phường qua
Bước chân cũ một thời vang dội mãi
Ôi một thời em có nhớ hà phương ?
Quên hay nhớ chỉ là điều nhỏ mọn
Nếu lòng ai tơ tóc vẫn vuông tròn
Cầu miên viễn để cho người qua lại
Sá chi điều đau khổ hỡi chon von !
Ôi chon von – Ấy là hồn riêng biệt
Trót lao đao nỗi nước lạc xa nguồn
Thì cầu xưa xin tìm về ngồi lại
Để nghe hồn lạnh suốt thấu vầng dương !
5-03
Gái Sài Gòn
Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông
Quê hương của gió biển đông ngọt ngào
Nắng xanh biếc tận trời cao
Mưa như rắc ngọc trên màu mắt ai
Ta về đây dẫu lạc loài
Dù quê Bình Thuận vẫn hoài nhớ thương
Dù bao nhiêu nỗi đoạn trường
Sài Gòn ôi gái thiên đường thắm tươi
Về đây gặp lại nụ cười
Em hồn nhiên tựa mây trời thênh thang
Giọng ơi như thoảng cung đàn
Mắt ôi như mộng lan tràn trong thơ .
Ta làm một kẻ lơ ngơ
Bến thành , Tân định , Bàn cờ ngược xuôi
Gặp ai cũng nhoẻn miện cười
Gặp ai cũng thốt những lời bao dong
Trời ơi sao má em hồng
Cho bơ vơ quá cõi lòng xôn xao
Cho ta lãng tử kiếp nào
Về đây gặp lại hương màu thời gian
Dù cho cõi thế hoang tàn
Còn em là gái Sài Gòn còn lưa
Ngàn sau cho tới ngàn xưa
Mộng đời vẫn tuyệt bên bờ tử sinh
Bàn Cờ (chép lại theo trí nhớ khoảng năm 1956)
(trích từ tập thơ Hương Sắc Mong Manh)
(Chọn và đánh máy bởi Chu Ngạn Thư, đăng lại với sự cho phép của tác giả Hoài Khanh)
“Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
………………………………………………
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”
và
“……….Tham sân , trí trá , hung tàn
Tâm hồn từ ấy tan hoang còn gì !”
Cái “thân phận” và cái “Tâm hồn” ấy, giọng thơ ấy, khí khái ấy, con người ấy hơn một lần tôi đã đọc, đã được nghe, đã thấy ông trong những lần về Hội An. Tôi âm thầm chiêm ngưỡng, lĩnh hội, với tư thế một người yêu thơ.
Vẫn với phong thái văn nhân phiêu lãng, nhưng cái chất “thân phận” dường như là chất liệu chính của ông, của thơ ông. Bao giờ cũng như một lời tự sự, ngay cả ở ngoài đời. Mong rằng nhà thơ vẫn còn cống hiến cho văn đàn những vần thơ đẹp.
Phạm Phù Sa ( Hội An – Quảng Nam )