Chu Ngạn Thư – Dấu ba chấm, bây giờ mới kể

HoaiKhanh-chuthich

Có lẽ nhan đề tập thơ Thân Phận và tựa đề bài giới thiệu do Phạm Công Thiện viết năm 1962, “Nỗi cô đơn của Hoài Khanh”, đã vận vào số phận cô đơn của nhà thơ Hoài Khanh suốt mấy chục năm nay?>>” />

Mới đây nhờ anh em cho địa chỉ, tôi mới tìm đến được “ khu vuờn cô liêu” của nhà thơ Hoài Khanh ở thành phố Biên Hoà. Nói là ở thành phố, nhà có tên đường hẳn hòi, nhưng nếu tôi không nhờ đến bác xe ôm thứ ba thì không thể nào tìm ra được ngõ vào. Điện vào số điện thoại nhà của nhà thơ, hôm đó không hiểu sao không có vọng âm. Thì ra ngõ đang thi công mở rộng ngổn ngang đất đá, dây điện thoại đã nằm xuống đất, ông viễn thông chưa đến nối lại, số nhà thì to bằng… ngón tay, ghi phấn, đứng cách ba mét đọc không ra.

Lý do đến thăm nhà thơ, một là vì ngưỡng mộ đã lâu, từ trước 75, nhưng chưa được diện kiến, hai là để xin phép nhà thơ cho chọn một số bài thơ giới thiệu trên litviet.

Mang theo cả ba tập thơ của ông mà tôi còn giữ được ngoài ba mươi năm qua, hy vọng chính nhà thơ chọn bài thì mình khoẻ hơn khi chuyển cho litviet .

Nhà thơ rất mừng khi có anh em văn nghệ đến thăm. Nhà nhỏ, sách đầy trên bàn, trên ghế. Nhà thơ than thở sách bị mối xông hư nhiều quá, đang phải bảo vệ sách bằng nhiều cách. Tôi muốn đùa một câu, “ bảo vệ sao cho PA 25 không đến tịch thu là hữu hiệu nhất, chứ ba con mối, con hai đuôi ăn vào thì nhằm nhò gì”, nhưng không dám nói ra.

Tôi đưa ông xem lại tập thơ Thân Phận, là tập thơ thứ nhì của Hoài Khanh với bài giới thiệu của Phạm Công Thiện, đồng thời báo tin với nhà thơ là litviet đã được ông Phạm Công Thiện cho phép in lại bài giới thiệu nầy. Nhà thơ vui vẻ lật ngay trang hai của bài giới thiệu, chỉ vào câu “Cuộc đời quá nhiều ngộ nhận. Đêm ba mươi Tết không mưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn khác, nhắc đến…”, và kể cho tôi nghe giai thoại vì sao có dấu ba chấm chỗ đó.

Có lẽ bạn đọc cũng như tôi, khi đọc bài “Nỗi cô đơn của Hoài Khanh” đến đoạn này, chỉ nghĩ ông Phạm Công Thiện không muốn nêu rõ danh tánh bạn bè. Nhưng theo lời kể của nhà thơ Hoài Khanh, thực ra trong bản thảo của bài giới thiệu có ghi rõ danh tánh hai người bạn là Bùi Giáng và Hoàng Trúc Ly. Nhưng khi nhà thơ Hoài Khanh đưa bài giới thiệu cho “tiên sinh” Bùi Giáng đọc, ông Bùi Giáng nổi giận hét lên: “Tau chẳng phải là bạn của nó (chỉ Phạm Công Thiện ), tau là đàn anh nó. Còn mi (chỉ nhà thơ Hoài Khanh), mi lớn hơn nó tại sao lại nhờ nó viết lời giới thiệu cho tập thơ nầy. Gạch ra, gạch ra!” Nhà thơ Hoài Khanh dàn hoà mãi không được, nên khi đưa in đành bỏ tên Bùi Giáng và Hoàng Trúc Ly ra, thay vào đó bằng dấu ba chấm. Nhà thơ không nói rõ khi ấy ông Phạm Công Thiện có giận không?

Tập thơ Thân Phận được tái bản đến năm lần trước 1975, lần tái bản thứ năm do nhà Cảo Thơm in .

Kể xong, nhà thơ Hoài Khanh lấy viết đánh dấu hoa thị vào chỗ dấu ba chấm rồi ghi xuống cuối trang tên Bùi Giáng và Hoàng Trúc Ly.

 Nhà thơ Bùi Giáng đã ra người thiên cổ từ lâu, ông Phạm Công Thiện mù mịt nơi xứ người, chỉ còn nhà thơ Hoài Khanh một mình trong ngôi nhà cô quạnh với những chồng sách tri âm.

Ông Phạm Công Thiện khi đọc những dòng nầy, nếu đã từng giận nhà thơ Hoài Khanh đi chăng nữa, nay chắc ông cũng xí xóa và vui vẻ cho những năm tháng còn lại trên trần thế oái oăm này.

Chu Ngạn Thư
19.8.2009

HoaiKhanh-bia ThanPhan

HoaiKhanh-tangCNThu

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.