Nguyễn Hồng Nhung – Chân dung một họa sĩ

Người ta bảo anh sinh ra trong một gia đình nghèo, không rõ bắt đầu nghèo từ bao giờ.

Chỉ biết rằng, anh có dáng dấp của một kẻ đau khổ. Đầu lúc nào cũng hơi cúi xuống, mắt rầu rầu, nói bằng một giọng nhẹ nhàng, như sợ làm người khác đau.

Những câu chuyện của anh mới thực sự buồn bã. Nó hay được chia ở thì quá khứ, và nếu đôi khi, nhầm lẫn được chia ở thì hiện tại, lúc đó, luôn kèm theo một tiếng thở dài.

Ai cũng thông cảm cho anh. Càng quen càng thông cảm.

Chứ sao nữa, chỗ đứng của một họa sĩ là phải được bình yên trong tâm hồn, được trải mình ra với thiên nhiên, với con người, để rồi thu vào một bức tranh, tất cả cái đẹp, cái đau, cái trong sáng của cuộc sống con người và thiên nhiên.

Thế mới sinh ra những tác phẩm bất hủ chứ?

Đằng này anh phải đi kiếm tiền, trong một cái chợ đông ngùn nghụt. Với một nghề đòi hỏi phản xạ nhanh như cắt của loài chim bói cá, sự cần mẫn không mệt mỏi của một bác nông dân, và tình yêu nồng nàn, với tiếng leng keng lên xuống của đồng tiền. Anh và một thằng bạn hùn tiền, mở quán ăn trong chợ. Đúng hơn, anh chỉ góp cổ phần, nghĩa là cho thằng bạn vay số tiền anh dành dụm được, và làm những việc nó sai. Thằng bạn anh mới đúng là kẻ sinh ra để làm ăn trên lĩnh vực ăn uống.

Ngày ngày anh phải túc trực trong cái quán đầy mùi xào nấu thơm lừng, ngắm các màu xanh, đỏ, tím, vàng, không phải của thuốc màu, mà là của các loại rau củ, nhìn thấy các loại nét mặt, không dính líu gì đến sự thay đổi của thiên nhiên, hay tình cảm con người, mà chỉ thay đổi theo mức bán của chợ. Ngày bán được, nét mặt ai nấy vui, uyển chuyển, tưng bừng. Ngày ế khách, là những nét mặt cau có, ngán ngẩm, bực bội, lo lắng.

Nhưng anh được một đức tính trời phú, là không mấy khi quan tâm đến những tiếng động bên ngoài. Tiếng rủng rỉnh của đồng tiền, không làm anh để ý bằng tiếng đập nhẹ nhàng, thoi thóp của con tim, trong lồng ngực mảnh khảnh của mình. Thậm chí, đôi khi tiếng rơi đồng thời phũ phàng của nhiều đồng tiền quá, làm tim anh đau nhói – nó vốn nhậy cảm như một mũi kim đâm.

Những lúc đau như vậy, anh đặt tay lên lồng ngực trái, mắt nhìn vào khói nghi ngút, bốc lên từ một nồi nào đấy trên bếp, mơ màng nghĩ đến một viễn cảnh xa xăm… Rồi sẽ có lúc anh đủ tiền để sống, để vẽ chứ. Anh sẽ có một căn nhà nhỏ, anh sẽ vẽ ngày đêm, không biết mệt mỏi, không cần biết để làm gì, chỉ để khỏi phải đau tim như bây giờ, và để khỏi phải mơ ước…

Nhưng bao giờ ngày ấy đến thì anh không biết. Có trời mà biết! Nên anh lại lặng lẽ thở dài.

Lâu rồi thành thói quen.Thói quen ấy khiến anh trở thành một người đàn ông kỳ lạ, có đôi mắt buồn rầu, ít nói, có một sức hút khác thường đối với phái đẹp.

Rồi anh được chị để mắt tới. Chị là một người dễ tính, hay nói, hay cười, vừa nói xong là quên ngay, không biết mình nói gì, vì chả cần nghĩ lâu, chị cũng có chuyện để nói.

Chị để mắt tới anh, chính vì anh làm chị phải suy nghĩ. Sao lại có người nói được bằng mắt nhỉ? lại buồn được cả ngày mới tài chứ! Chị quyết tâm tìm hiểu xem anh buồn vì lẽ gì, để chị giúp, chị vốn có tính thương người. Trong chợ này, chả ai giúp ai, ai có việc người nấy, vội vã, hối hả, từ sáng sớm đến sẩm tối. Nhưng chị thừa sức giúp người, chị có những hai quầy bán giữa chợ, chỉ sợ không có hàng bán, chứ đừng sợ vắng khách.

Nhưng anh vẫn ngần ngại, khi nghe chị giãi bày. Anh vốn ít bạn, nhất là bạn lắng nghe anh nói, hoặc anh lắng nghe họ nói, loại bạn ấy càng ít. Chỉ có con tim thì thầm với anh nhiều nhất, bằng một âm thanh câm lặng “chỉ cảm thấy”, như người ta thường nói.

Nhưng lúc chị hùng hồn chứng minh: “Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thì anh nhượng bộ.

Rút cục, con người cũng chỉ là một sinh vật xã hội mà thôi, sống tách ra khỏi đồng loại thế nào được. Hơn nữa, chị là người ý tứ, là người phụ nữ, khi đã yêu thì cho hết, cả cuộc đời và tài sản…

Thế là anh thành có đôi như ai. Đôi mắt buồn của anh ấm lại khi tối tối, dưới ánh đèn ấm cúng trong căn nhà của chị, anh lần lượt mở tập tranh vẽ, từ những năm xa xưa cho chị xem. Chị tấm tắc ngợi khen, còn anh thì bâng khuâng, nhớ từng kỷ niệm của mỗi bức tranh đã vẽ. Chị bảo: “Chỉ cần sáng anh ra trông hàng cho em, để em giao cho khách, trưa anh về nhà mà vẽ, hay muốn làm gì thì làm…”

Nhưng anh là người tự trọng, không thích bị phụ thuộc, không muốn bị thương hại. Bởi vậy, anh cũng đứng lỳ ngoài chợ cả ngày với chị. Tối về, mệt đến nỗi con tim – người bạn thân nhất của anh – cũng bảo anh ngủ quách đi cho rồi, mệt thế này ai mà chịu nổi?

Nhưng rồi, vẫn con tim ấy, một hôm thổn thức, nó muốn nhìn thấy anh cầm cọ, pha màu và trải giấy ra.

Thế là anh ở lỳ ở nhà mấy ngày liền, quên hết thế giới bên ngoài, mải miết vẽ.

Vào bữa tối, anh mới gặp chị. Đang thao thao bất tuyệt kể chuyện chợ, bỗng chị dừng phắt lại, chỉ vào bức tranh anh vừa vẽ, dựng lên ở góc nhà.

“Tại sao con ngựa lại xanh lè thế kia? Em chưa bao giờ thấy ngựa màu xanh. Còn con bê kia, sao không màu vàng?”

Chị tới tấp hỏi, còn anh hấp háy đôi mắt nhìn chị. Bỗng anh để tay lên ngực, thì thào bằng cái giọng sợ làm người khác đau: “Thôi, anh ra ngoài tý, có việc…”

Thế là anh lại lang thang trong phố vắng. Một mình. Y như mọi lần khác, khi cơn đau “không thể yêu nổi đồng loại” nổi lên. Anh cứ lang thang như thế, đến khuya mới về. Thường những lần khác, anh về thì chị đã ngủ. Và anh cũng vào giường ngủ nốt. Nhưng lần này, chị vẫn thức. Chị bảo: “Anh có thư đấy, em quên…”

Thư của mẹ anh.

Bức thư làm anh sững sờ: “Mẹ vừa bán cái nhà ông nội để dành cho con ở dưới quê. Khi ra đi, con bảo mẹ, bao giờ con đủ tiền tự làm một cuộc triển lãm, thì con sẽ về với mẹ. Tất cả tiền bán nhà mẹ gửi cho con đây. Có đủ làm triển lãm không hở con?”

Bức thư rơi xuống đất, còn anh nhìn trân trân vào con ngựa xanh lè của mình, đặt trong góc nhà.

Một bức tranh! Cho một cuộc triển lãm?

 

(trích tập truyện Gái Ba Mươi. Nhà xuất bản Thanh niên)

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.