Gióng quê làng Xơ, gia phả ba đời đều làm quan to, cơ ngơi tuy không đồ sộ nhưng tiếng tăm vang dội một vùng. Gióng lớn lên gặp lúc vận nước rối ren, binh đao loan lạc trổi cùng khắp, lòng nguội lạnh chán ngán chuyện công danh, lơ là và xa lánh việc đèn sách. Gia đình thấy thế không cho đó là chuyện buồn. Cha Gióng lập ngôn: Dòng sông có đoạn trong đoạn đục, giòng họ này vinh hiển đến ngang ta đã là mừng, còn đòi chi hơn! Để giải tỏa nỗi thắc mắc trong lòng mẹ Gióng, đêm khuya ông thì thầm bên chăn gối: Bạn ta có người am tường thuật tướng số, chiếu theo sách vở mà nói thằng Gióng tướng ngũ đoản, mai hậu có quới nhân phù hộ. Thời bây giờ đã đổi, sách thánh hiền dạy e chẳng đáp ứng được tình hình, chớ nên ép uổng hắn làm con mọt sách mà chi. Ta chủ trương dĩ hoà vi quý, không nên tạo ra sự gay cấn. Đời vô thường, còn vui ngày nào mừng cho ngày đó.
Mẹ Gióng nghe đến chữ quới nhân phù hộ thì thở phào, mừng cho Gióng tới sáu bảy và riêng mình cũng an tâm được ba bốn phần:
-Ông nói vậy xem ra là kẻ thức thời, sau này chớ có vu oan đặt điều: Con hư tại Mạ!
Khác với tính di truyền trong giòng họ, máu của Gióng lại đậm đặc chất nghệ sĩ. Bẩm sinh có hoa tay lại ưa nhìn sự vật qua một lăng kính khác, dần dà Gióng chú tâm vào con đường nghệ thuật tạo hình. Mê mẫn và đắm say. Thao thức năm canh, sáng ra người thẩn thờ như đã ký thác linh hồn vào một thế giới khác. Tranh Gióng vẽ bày ra một cõi miền kỳ lạ, như ma thuật. Đứng ngắm tranh, kẻ chân tu liền hụt hẫng, trào máu sân si ưa đi làm cách mạng. Ngược lại, đứa lập chiến công bạc màu áo trận lại đưa tay sờ vào ót mình tự gẫm: Ta thật bất hiếu, chẳng hề phụng dưỡng song thân lấy một ngày, bỏ nhà đi lên Trường sơn cong lưng vác ngà voi. Chẳng lẽ ta đã vắt kiệt tuổi xanh để đổi lấy hư danh. Huyễn mộng, phù phiếm!
Theo cùng với sự nổi tiếng, Gióng đâm giao du nhiều. Tuy vậy chỉ kết bạn với ba thứ sĩ thôi: Thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ. Những sĩ khác Gióng đều khinh thường: Chăm chỉ cần cù thì ắt có ngày thành đạt. Đặc tính ấy là của loài kiến loài ong. Bọn ta đây ví như ve sầu, góp cho đời một khúc hoan ca và bằng lòng với sự yểu mệnh mình tự chọn. Mà thật, những kẻ nổi tiếng chớ nên sống lâu!
Lời Gióng nói đụng chạm tới nhiều đứa. Sự thật thường mất lòng. Gióng vui vì vuông chiếu chỉ còn lại một nhúm bạn, những kẻ ngồi hàn huyên với Gióng giờ này hẳn chúng nó đã xem lời Gióng là thuận nhĩ. Những cuộc rượu thay nhau đãi đằng suốt đêm. Thi sĩ thì rung đùi phun xuống chiếu bài thơ không niêm luật mới sáng tác. Nhạc sĩ thì gầm mặt vào đàn guitar cất giọng chếnh choáng mà khan giọng một khúc tình ca đa phần là hoang tưởng. Văn sĩ ngồi xếp bằng đạo mạo kể chuyện tục… và khi tất cả chẳng có gì để làm, mọi con mắt đều chú mục vào mấy tấm tranh của Gióng bày biện chật vách. Ngắm nghiá, thưởng ngoạn, quan sát và cuối cùng đòi giải thích. Gióng vẫn cái giọng ngạo mạn muôn thuở mà rằng: Ai cũng muốn tìm hiểu hội họa, vậy thì cớ gì họ lại không thử tìm hiểu tiếng chim hót. Tại sao người ta lại đi yêu một bông hoa, mê mệt một buổi tối tròn trăng… những cái làm người ta bỡ ngỡ mà họ chẳng cần thắc mắc tìm hiểu gì ráo.
Cả bọn ngồi ngậm câm sau lời Gióng. Chúng không hề biết xuất xứ câu nói đó là của sư tổ bồ đề Picasso bên trời Tây phương cực lạc. Trong đám ngồi vây quanh Gióng có một người nữ, thi sĩ, bút hiệu Đỏ Mỏ. Thân thể gầy mỏng, diện mạo u tối, nhan sắc tàn phai. Nói tóm cô ta không phải là thứ để cho Gióng dợn lòng ngắm nghía. Cuộc rượu nào cũng có Đỏ Mỏ và thị luôn xông xáo đảm nhận chức chị nuôi. Công bằng mà nói, cái ả xuất thân là một em bé giao liên ấy khá mát tay khi làm đồ nhắm. Mặn miệng, dễ bắt rượu cay. Đỏ Mỏ đưa ra câu hỏi:
– Trong đời sống, điều gì khiến anh sợ hãi nhất.
Gióng đáp:
– Nhất thời ta không thể có ngay câu trả lời ổn thỏa, nhưng phút giây này, giờ đây, điều khiến ta sợ hãi nhất là bị thương tật ở bàn tay phải. Ta sợ tật nguyền, sợ không còn được sáng tạo, mất khả năng tung hoành trước tấm bố để tự do vẽ rồng vẽ rắn.
Tiệc rượu gần tàn, Đỏ Mỏ đứng dậy thu vén dần chén bát:
– Nếu có kẻ yêu cầu anh vẽ cho người nhà họ một bức chân dung thì anh nghĩ sao?
Đang nhai một miếng lòng lợn. Gióng suýt phun ra chiếu cái độ dai trường kỳ tựa ruột xe đạp ấy.
– Chậc, xin hãy gượm đã. Em nào dám coi thường anh. Cũng tùy thuộc vào đối tượng, phải không nào?
– Thi sĩ Đỏ Mỏ muốn có một bức để in sau tập thơ chăng?
– Hổng dám đâu… Xưa rồi Diễm!
Đỏ Mỏ lấy bình thủy nước sôi chế vào ấm trà. Hương hoa nhài phảng phất. Gióng nheo mắt ngó, thị có một gương mặt làm khó họa sĩ, căn bệnh sốt rét làm thị uống rượu không hề biết đỏ mặt, nghe kể chuyện tục tiũ cũng thế, thủy chung chỉ một màu nghệ. Gióng thử lục soạn trí nhớ về một bài thơ nổi nhất của Đỏ Mỏ nhưng hoài công. Bút hiệu dễ gây ấn tượng nhưng thơ thẩn lại trốn chui vào bóng tối.
– Em muốn ta vẽ chân dung ai? Gióng cố làm vẻ tự nhiên.
– Thầy Tử. Anh biết không?
Gióng đăm chiêu. Dĩ nhiên là Gióng biết. Ổng bạn cùng thời với bố Gióng. Từ quan, ở ẩn, truyền đạt kiến thức mình có cho bọn đầu xanh, giúp kẻ nghèo khó, tiếng thơm truyền xa. Chẳng muốn giao thiệp băng đảng phe phái, mong kẻ thế lực không tìm ra cớ bức hại mình.
– Thầy Tử mới chết. Gia đình kiếm không ra một tấm ảnh để thờ phượng. Nhờ vã anh là vì thế.
Gióng giật mình. Ổng đã chết. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Hề, câu ấy thật chí lý!
– Cớ sao cô lại có được quan hệ với ổng?
– Mậu thân bọn em bị càng, cơ sở bị bứng gốc, trong bước đường cùng may nhờ gặp được Thầy Tử ra tay cứu vớt. Sự cố ấy em có đưa vào trong bài thơ năm chữ, thơ như vầy…
– Bài ấy ta đã đọc qua, xin chớ diễn ngâm làm chi cho nhọc sức.
Đêm tàn, Gióng đi xiêu đổ về nhà thưa hết mọi chuyện cùng cha. Ông không ngạc nhiên, ông đã nghe hung tin. Nhìn Gióng, ông nói chậm rãi:
– Giúp người bao giờ cũng là chuyện nên làm. Thầy Tử là người đáng để hậu thế noi gương. Ổng chẳng phải là lãnh tụ thì chuyện vẽ chân dung e không gặp khó khăn. Nếu trong lòng không mấy hứng thú thì vẽ xong chớ có ký tên vào là được.
Gióng không cho đó là cao kiến:
– Mình không phải là hạng tiểu nhân cớ sao lại sợ bút sa gà chết. Dù cho tranh vẽ không ưng ý, nhưng hoàn thành nó rồi thì buộc lòng phải ký tên vô. Chớ nên toan tính lươn lẹo ba chuyện nhỏ nhặt ấy.
Cha của Gióng quay lưng, thổi tắt ngọn đèn dầu. Ông thầm lo, khẩu khí của Gióng có thể bức hại đời hắn dễ như chơi. Chế độ này tuồng như dị ứng với những kẻ ngay thẳng. Cái chết đột ngột của Thầy Tử cũng nói lên được ít nhiều, sao Gióng không sáng mắt sáng lòng? Lưng thẳng, chẳng biết lòn cúi thì sớm muộn cũng đón đầu tai ương. Dân quanh vùng này bao giờ cũng vỗ ngực là thức thời, cơ hội chủ nghĩa, biết sợ mới trường tồn. Ngẫm lại, điên khùng gì đóng vai quân tử? Gióng thật dại dột!
Sớm mai, gà vừa cất tiếng gáy Gióng đã cụ bị hành trang ra bến sông xuôi đò về làng Ầm. Sông Lá Liễu dâng dầy khói sương. Đò lướt trôi, êm ả. Có khi xẻ rách những đoạn âm u không nhìn rõ mặt nước. Trên đò chở khẳm bọn quá giang, có đứa ngồi gần Gióng thò tay xuống sông vốc nước lên rửa mặt.
– Kỳ lạ thật. Sương mai gai lạnh nhưng nước sông lại ấm. Thiệt là sảng khoái!
Nói xong, kẻ đó lại nhoài người ra, gục mặt xuống nước xem chừng thích thú. Khi ngẫng đầu lên, tóc ướt nhẹp vung vãi những gịot lạnh bám rơi trên da thịt Gióng.
– Cẩn thận. Đừng vì sảng khoái riêng mình mà gieo bực bội tới cho kẻ khác. Chúng ta đang sống trong thời đại làm chủ tập thể, mình vì mọi người.
– Ủa, ai như họa sĩ Gióng?
Gióng nhìn đứa ngồi gần. Sương tan, bình minh bôi một nhát màu ửng hồng cuối chân trời, cắt lên gương mặt kẻ kia một viền sáng. Điều đó mảy may chẳng giúp Gióng trong việc nhận diện.
– Không nhìn ra nhau mà lại hơn. Kẻ ấy nói. Chúng ta tuy không cùng hội nhưng đang cùng thuyền. Một vài giọt nước sơ ý bám vào cớ sao lại xúi lòng người đâm bực tức?
– Ấy là bạn không biết đó thôi. Con sông này nuôi sống cả binh đoàn chị em ta, kỹ nữ vẫn ngồi dạng chân tẩy uế đại tiện tiểu tiện xuống đây. Giang mai, hoa liễu, lậu mủ, sida vi trùng rơi rớt cả ổ. Ta lấy làm ái ngại khi nhìn bạn gục đầu xuống chỗ dơ bẩn ấy.
– Than ôi! Ta cũng lấy làm tiếc cho cái sở học của họa sĩ. Bản chất của sông nước là luân lưu, là cách mạng, không ngừng hoá thân; là vươn mình tới phiá trước. Nó chuyển động không ngừng chứ nào phải như vũng nước đọng trong ao tù túng?
Gióng làm thinh, thấy nhạt mồm chẳng buồn nói năng. Ngồi cúi mặt mà vấn một điếu thuốc to, châm lửa. Tự nói thầm: Ta hút xong điếu này thì đò ắt sẽ tới làng Ầm. Và mai hậu, tuyệt không nên chuyện trò với kẻ lạ mặt. Bổn phận của dân dã là phải biết nhìn ra kẻ nổi tiếng để khúm núm thưa gửi. Hà cớ gì bắt người có vai vế lại đoái hoài ngó xuống đám dân ngu khu đen?
Nhà Thầy Tử chẳng lấy gì làm lớn, tuy nhiên vườn tược đàng sau thì mênh mông như một khu rừng. Khách viếng tử thi đứng nối hàng từ tam cấp ra tới ngoài bình phong nằm trên cái bể cạn nuôi cá vàng. Gióng không ưa nhìn cảnh tang ma ủ dột mặc dù màu xám luôn chiếm mảng lớn trong hầu hết các họa phẩm của Gióng. Một người mặc đồ tang trắng thấy Gióng đứng tần ngần liền tách đám đông bước ra nghênh đón. Nghe xong thiện ý của Gióng, người ấy mừng rỡ vô hạn, tính xô giạt đám đông dọn đường cho Gióng ưu tiên bước vào nhưng Gióng xua tay:
– Thủng thẳng, chuyện vẽ vời không nên dùng thì giờ đốc thúc một bên lưng. Làm nghệ thuật hãy xem sự thong dong là cần thiết.
– Nhưng mà đường xa tới đây, xin họa sĩ vào nhà dùng tạm chút quà sáng gọi là điểm tâm dằn bụng.
– Gióng này không ưa khách sáo, xin chớ miễn cưỡng. Nếu được phiền huynh dẫn cho đi ngoạn cảnh vườn sau, có gì trở ngại chăng?
– Dạ không. Hoàn toàn không.
Người mặc đồ đại tang thần sắc tuy chẳng được tươi tỉnh nhưng Gióng nhìn ra sự sốt sắng có ở đó. Trời sang mùa, heo may len vào trú ẩn dưới lùm cây, dâng lên hương mùi ngai ngái. Đất ẩm, rêu xanh, lá mục rữa, mùi hoa nồng, mọi thứ quyện vào nhau, đậm đặc tới độ choáng váng khi hít vào. Bên thân một cội mai già tuổi, có dựng trồng tấm bảng gỗ, hàng chữ khắc nét nông trên đó có đoạn chẳng còn liền lạc.
– Chữ gì vậy? Gióng hỏi.
– Thưa, đó là câu đối. Thư sơn hữu lộ hành thiên lý, học hải vô nhai độc vạn giả. Có
nghĩa là: Núi sách sẵn đường ngàn dặm bước, bể học không bờ vạn nhà theo.
– Nét chữ của Thầy Tử?
– Thưa phải.
– Ta không lĩnh hội hết cái thâm sâu của chữ hán, tuy nhiên hai câu này cần phải trịnh trọng viết lại trên một tấm bảng mới.
Người mặc đồ tang dừng bước, đặt để tia mắt trên mặt Gióng, án chừng muốn khám phá điều ẩn khuất. Cuối cùng cười lên, tiếng khô khan:
– Thưa, đã muộn mất rồi.
– Muộn?
– Trong xã hội, vào một thời điểm nào đó, người ta đâm trọng vọng kẻ vô học. Họ đố kỵ kẻ có ăn học, xem chúng là thành phần cứng đầu nguy hiểm. Cô lập và tìm cách loại trừ đi. Oái ăm là chúng ta đang ở trong tình huống cay nghiệt kia. Cho nên câu đối này xét ra đã lạc hậu mất rồi.
– Chuyện thật khó tin!
– Thưa phải. Sự đảo lộn làm nực cười.
Gióng bần thần, dậm cẳng ngước mặt dòm trời giây lâu, mặt lộ vẻ chán ngán. Có nhiều đoạn vải trắng bay trong vườn, vướng viú thân cành, tựa những cánh diều đứt dây tự cao xanh rơi xuống. Đọc ra nỗi thắc mắc thầm lặng của Gióng, người đi bên giải thích:
– Chính tay tôi buộc vào đó. Trong giòng họ nhà tôi có tục lệ là khi chủ nhà mất đi con cháu phải thắt khăn tang cho những cây già tuổi trong vườn.
– Vì sao vậy cà?
– Vì sợ cây buồn nhớ, sinh bệnh rồi héo úa đi theo chủ nhân.
Gióng choáng váng trước lời phân giải. Ai bảo cỏ cây vô tình quả là một lầm lẫn lớn, khó thứ tha. Người ấy thêm:
– Mỗi nơi có một tập tục riêng. Dân sống vùng cao thì nghe đâu khi gia trưởng qua đời, hôm động quan lúc thúc theo sau đoàn người đưa đám còn có cả chó mèo gà vịt dáo dác kêu vang rân, trông cực kỳ thảm thiết.
Gióng bùi ngùi:
– Chốn ấy là nơi nào? Ta ước ao khi về già sẽ tìm ra chỗ ấy mà mai danh ẩn tích. Đẹp đẽ thay cho cái hình ảnh mà huynh vừa vẽ ra. Đời thường chốn này đã nhiễm độc, hết thuốc chữa!
Gióng than van, biểu lộ ít nhiều thành thật, chua chát. Đi ba bước, bất chợt Gióng nhìn thấy một thân cây trơn láng lùn mập. Hình dáng kỳ lạ, đứng lẻ loi và nó đặc biệt không mang khăn tang. Ở nơi chia nhánh, cái nạng cây ấy lồ lộ gồ ghề hình thù bộ phận sinh dục của người nữ. Sinh động, sống thực còn hơn cả một tác phẩm phù điêu. Sương sớm còn đọng hạt thập thò nơi đường khe. Ướt át, gợi cảm.
Lén quan sát gương mặt người vận đồ tang chế, Gióng bắt gặp nét sầu muộn của một kẻ đang chịu cảnh bất hạnh, thủy chung không đổi sắc. Giọng vẫn trầm lắng:
– Khu vườn này phải đợi những hôm có trăng mới phát huy hết nét diễm ảo tiềm ẩn của nó. Có những sự vật mà ta chỉ trông thấy khi đêm về.
Ma qủy chăng? Gióng hỏi thầm, cảm thấy mỏi chân, liền quay bước.
Mất hai ngày lưu lại Tử gia trang, Gióng mới hoàn tất bức chân dung màu nước. Mọi người sững sờ, xuýt xoa khi Gióng buông bút. Có kẻ dụi mắt rồi đổ thân xuống mà sụp lạy không ngưng. Thần khí trên gương mặt ấy thật rạng ngời. Gióng đã xuất thần khi ngó qua tử thi rồi phóng bút mang sự sống tới, đặt trên vuông giấy trắng, đóng khung khuôn mặt một Thầy Tử nhân hậu, hồng hào, phương phi.
Người vẫn thường cùng Gióng đi bách bộ trong vườn bước lại gần khum tay:
– Tiếng đồn quả không ngoa. Xin họa sĩ đứng yên cho tôi thế mặt cha mà vái lạy ba lần để trả công ơn.
– Đừng, chớ làm vậy mà tổn thọ. Xưa nay người ta vẫn vái lạy thưa bẩm với bác sĩ kỹ sư chớ ai lại đi làm chuyện trái khuấy như huynh. Giai cấp của ta thật không xứng để nhận.
Gióng lách mình đi nhưng kẻ ấy đã bấu chặt chéo áo:
– Tôi nói điều không phải thì xin họa sĩ niệm tình bỏ qua…
– Được, cứ tự nhiên. Gióng này không phải là đứa hẹp bụng.
– Tôi muốn biết lai lịch cái triện son ấy, có được không?
– Đẹp. Phải thế chăng? Một người bạn cũ thậm xưng là hán rộng khắc cho. Chỗ thân tình ra giá chỉ hai triệu.
– Than ôi!
– Chuyện gì thế?
– Đứa ấy là phường tiểu nhân. Khi giao du, họa sĩ nên cẩn trọng. Giờ đây, lòng người thật nham hiểm, hơn cả rắn rít.
Gióng bất bình, bụng sôi lên, tính tìm lời thoá mạ nhưng người run rẩy, á khẩu trong giây lát.
– Chữ hán nó có cái nguy hại riêng. Thêm thắt vài nét hoặc viết thiếu một hai vạch thì ý nghĩa biến đổi ngay. Cái triện son này lâm vào vấn nạn thiếu sót không hay nọ.
– Trong lãnh vực hội họa bố cục là điều quan trọng. Người ta có quyền giản lược, nhổ tỉa râu ria cốt cho cái đẹp được hiển lộng.
– Phụng sự thẩm mỹ hay tôn thờ vật gì đến mù quáng là chuyện không nên. Dấu triện đóng lên tuy đẹp thật nhưng không khéo làm trò cười cho bậc thức giả. Tự cổ chí kim chẳng có ai lấy bút hiệu là Cục cứt cả…
Gióng đỏ mặt sượng sùng, rồi tái đi như gà bị cắt tiết. Tê buốt, chết điếng những giác quan.
– Nếu họa sĩ cho phép tôi sẽ dùng bút đỏ sửa lại cho đúng danh xưng, được thế con cháu nhà này mới dám mang tranh treo vào chỗ thờ phụng. Bằng không thì…
– Bằng không thì chối từ vất bỏ công trình của ta? Thôi, việc ta làm xem như đã xong, mọi chuyện tiểu tiết khác người trong nhà tùy nghi hành sử.
Gióng vác túi đồ nghề bỏ đi, lòng buồn bực không bút mực nào tả xiết. Ra tới bờ sông hậm hực ném mạnh tay cái triện xuống nước. Ông lái đò lấy làm hiếu kỳ:
– Vật ấy chắc nặng, sóng đồng tâm mãi loang rộng ra?
– Cái viên đá xanh nhỏ bé ấy giá hai triệu đồng. Nhẹ mà nặng. Ngươi rành chữ Tàu không, mấy nét này có phải nghĩa của nó là cục cứt không?
Gióng thọc tay xuống nước cho ướt ngón trỏ rồi viết loăng quăng lên sàn gỗ. Những con giun chóng bay hơi.
– Một cục cứt đáng giá hai triệu đồng tiền Việt nam dân chủ cọng hòa.
Ông lái đò giả đui mù câm điếc, và thực thi nghiêm chỉnh chính sách ba không: Không thấy, không nghe, không biết. Thằng dở hơi này từ phương nào tới mà ăn nói bạt mạng chẳng nể nang cái lỗ tai mọc ra trên vách?
Về đến nhà, Gióng chưa biết tìm cớ giải khuây thì Đỏ Mỏ xuất hiện. Trong xắc cốt đeo chéo người thị có chai rượu nếp óc ách nằm đè trên tập vở viết nham nhở những câu thơ đầu Ngô mình Sở.
– Thật là đẹp ý ta. Em tượng trưng cho niềm vui mà ta đang ngóng đợi. Trong muôn một, có khi nhìn em ta phát hiện cái cốt cách cộng sản đáng yêu của em.
– Đừng cho em đi máy bay lên thẳng, tội nghiệp.
– Ta đang buồn cảnh thế thái nhân tình, hãy rót rượu ra rồi ta sẽ vẽ tặng em một bức chân dung. Trước: Ta khuây khỏa. Sau: Em có được một kỷ vật qúy giá.
– Thật hả đồng chí Gióng? Hôm nay là ngày gì mà xẩy ra biến cố trọng đại này, mà thắng lợi đột xuất làm đứng tim.
Gióng nhìn cúc áo trên không cài của Đỏ Mỏ, lòng xao xuyến nhớ lại cái nhánh cây dị thường trong vườn Thầy Tử. Tợp một hớp rượu. Ngọt lịm, nóng bừng. Tay Gióng bắt đầu run. Đầu óc vần vũ với duy một hình ảnh: Chiếm đoạt, phủ đè.
– Trong lúc ta sửa soạn đồ nghề, em hãy tranh thủ trút bỏ xiêm y.
– Việc gì vậy cà?
– Ở rừng rú quá lâu nên em đâm lú lấp chăng? Đã từng nghe qua tranh khỏa thân chưa?
– Thôi, kỳ cục… Chưa bao giờ em cởi đồ trước mặt người khác, kể cả chồng em. Có đồi trụy không anh?
Chịu không nổi, Gióng ném cốc rượu xuống đất:
– Vậy thì Gióng này đành phải khẩn trương ra tay cởi hộ cho vậy.
Đỏ Mỏ chưa có phản ứng, thân thể đã bị trói cứng trong đôi vòng tay Gióng. Một luồng nhiệt chạy dọc sống lưng, từ ót xuôi xuống bàn tọa. Và Đỏ Mỏ chỉ biết nhắm mắt, xuội lơ tứ chi nằm ngửa ra giữa chiếu. Gióng to, khỏe, hăm hở; tương phản với hình bóng người chồng mặt xanh nanh vàng của Đỏ Mỏ. Đăng ký kết hôn đã gần ba năm, hai người vẫn chưa có được một mụn con. Đỏ Mỏ chờ đợi nhưng anh ta chẳng hề là người gieo rắc tin vui tới. Đỏ Mỏ luôn hạn hán trong khi người chồng chỉ là cơn mưa bụi phất phơ, thứ mưa không ướt đất. Thật hổ thẹn!
– Hãy nhẹ tay, em chẳng muốn về nhà với sự tả tơi như vừa đánh ghen. Tem phiếu tháng này chưa có, vải vóc thì cơ quan còn ngâm chưa chịu phân phối. Nghèo tất! Em chỉ giàu có một thứ mà mấy ai hay!
– Ta hay, ta biết. Nhìn ánh mắt dợn sóng của em thì giác ngộ đi tìm bến mê ngay. Để ta dốc lòng san sẻ cùng em sự thiếu thốn bấy lâu.
Đỏ Mỏ rên lên. Người không ngớt co giật. Cơ thể đột nhiên ẩm ướt không ngờ.
– Đừng nghe anh.
– Chuyện gì?
– Đừng vội bỏ cuộc ngang xương.
– Gióng này chẳng phải là kẻ để người khác coi thường. Trong mọi lãnh vực. Xin em nhớ cho.
– Ôi chao, em gần thấy thiên đường rồi. Độc lập tự do hạnh phúc làm sao so bì với một chữ sướng? Bởi sướng cụ thể.
Người Gióng xuất hạn đầm đìa. Lưng Gióng vằn vện từng đường máu bầm như mới cạo gió xong. Những ngón tay Đỏ Mỏ chẳng ngớt cào, bấu, bám, viú, xoa, bóp, bẹo, ngắt, chà, xát, vuốt lên vuốt xuống.
– Trời đất ơi! Anh Gióng ơi! Phù đổng thiên vương của em ơi!
– Trong cuộc mây mưa, kêu than như vậy mới phải.
Gióng nói, hào hển; rồi vật mình xuống chiếu, thở dốc. Đỏ Mỏ nằm bên, tóc tai rối bời, hiện nguyên hình một mụ đàn bà gầy dơ xương, vú chảy nhão, da tóp teo, vàng như sáp ong. Hình ảnh thiếu nữ xuân thì khỏa thân e ấp đứng vịn nhánh cây trong vườn lạ thoáng vụt mất. Đầu Gióng nặng nề, hiện thực và mộng ảo nằm đè lên nhau, vật lộn, nhập nhòa khó phân biệt.
– Hãy đọc lên một bài thơ tình do chính tay em làm.
– Thơ phú gì giờ này. Chốn ấy hang hùm đã mó tay mất rồi. Còn chi để nói?
– Em lo ngại điều gì chăng?
– Không. Còn anh?
– Việc chúng ta làm, ngày hôm nay, thế nào cũng bị vỡ lỡ…
– Có sao đâu? Khi ấy thì chia tay, đường ai nấy đi, xem nhau như người dưng. Tình nghĩa gì, phải không? Anh thiếu đàn bà còn em thì cần chút cường dương cho cân bằng trạng thái tâm sinh lý. Chúng ta như nhật nguyệt bổ sung nhau để sự sống tuần hoàn. Giản dị có thế thôi. Và thực tế.
– Em nói chí phải.
– Một tuần mình lập lại trò chơi hai lần. Thứ Tư và thứ Bảy. Anh nghĩ sao?
– Chân lý đó không hề thay đổi.
– Bậy nà. Có kinh nguyệt thì tự dưng sẽ đổi thay. Và mình phải biết linh động co giãn cái thời khóa biểu ấy… Này, em có mang thì anh tính làm răng đây?
– Em mang thì tự em đẻ tự em nuôi, sao lại cắc cớ đè Gióng này mà hỏi.
– Cũng đúng, tại em tự nguyện. Đứa nhỏ ấy mà sinh ra vuông tròn, ngày sau thế nào cũng làm sếp sòng bọn văn nghệ sĩ hai miền.
– Sao em lại ôm ấp cao vọng?
– Mẹ có chất thơ. Máu bố có cái ngông của một họa sĩ nổi tiếng. Tinh lọc hai thứ ấy đủ để em có cơ sở mà lộng ngôn.
– Muốn làm sếp sòng phải biết tráo trở, thủ đoạn, nói trắng làm đen. Gióng này tuyệt không có thứ máu ấy ở trong người.
Gióng co rút thân mình, nằm nghiêng không ngó Đỏ Mỏ vận lại áo quần.
– Nói cho sướng mồm thế thôi, đéo có hiện thực. Thôi, em về nhé, muộn mẹ nó cả rồi.
Gióng làm thinh, vờ ngủ, miệng chóp chép như đang nuốt nước giải. Lát sau, vùng ngồi dậy khi tiếng xe đạp Phượng hoàng cọc cạch mang Đỏ Mỏ đi xa.
Đợi chiều xuống, Gióng đạp xe qua phiá tả ngạn. Vào nội thành, ghé quán Bạch tuyết kêu ly rượu thuốc, ngó mông về lầu Ngọ môn đang khuất dạng hình thù trong hoàng hôn đen đúa. Lau lách mọc rậm bên hông quán rả rích tiếng dế kêu. Quán mà thắp sáng tất cả những bóng đèn thì thế nào cũng bắt gặp vài trự bạn tấp vô. Quả nhiên, muỗi đốt ngứa hai nốt đỏ ở bắp chân thì Đấu cũng vừa thắng xe, cột khoá ngay bên bàn. Đấu là nhà văn, ca tụng tất cả những ông tai to mặt lớn nên tiếng tăm lừng lẫy. Dáng đi tất bật chân không chạm đất tựa kẻ biết môn khinh công. Đấu ôm mộng một ngày nào đó hắn sẽ biết đằng vân giá vũ, chí ít cũng bay sang Liên xô, tham quan sự tình đất nước đàn anh vĩ đại; thèm được mó tay mân mê nhúm tóc vàng sợi nhỏ biết bao! Hắn thêm thắt.
– Chuyện lạ! Cớ gì bữa nay sinh độc ẩm, mà lại sớm sủa chưa từng thấy? Nhà văn sửa giọng. Gióng hoa tay:
– Ngồi xuống đi. Mua một tin tức thì giá cả ra sao?
– Tùy loại tin. Như thể đem xẻ thịt một con cầy thì có bộ phận đắt tiền, có nơi gần như cho không, miễn phí.
-Nhất thời chưa có tiền trả thì mang tranh ra ứng trước, có đặng không?
– Không. Tiền là tiền. Tranh là tranh. Hai thứ ấy khác nhau tự cơ bản.
– Chẳng có chút vị tình? Không luôn một lý do tình cảm?
– Ấy. Đã nói tới chuyện mua bán, đã đâm đầu vào tiêu đề tiền bạc sao còn mang tình cảm dây dưa vào? Xem nào, thằng bán rượu này tuy trong dạ có thù ghét tôi đi chăng nữa thì hai cốc rượu của chúng ta đây cũng đều đồng dạng đồng phẩm đồng lượng đồng giá. Làm ăn, nguyên tắc đầu tiên cũng như cuối cùng là phải biết chí công vô tư.
Gióng kêu một diã đồ nhắm, cho cả hai. Thò đũa lựa xong miếng thịt vừa ý, Đấu hỏi:
– Tầm cỡ quan trọng của nguồn tin ra sao?
– Tầm thường. Ta chỉ muốn biết thằng điêu khắc gia chuyên làm khuôn dấu giả với lại khắc triện đấy, bây giờ nó trôi giạt phương nao?
– Bữa nhậu này ông cân một mình có được không? Được thì ta sẽ loan tin.
– Trong túi ta còn đúng nửa triệu, nếu thiếu ta sẽ cầm thế chiếc xe này lại. Dư sức qua cầu, văn sĩ cứ ăn nhậu thoải mái.
– Sảng khoái. Sảng khoái! Cuộc đời vẫn đẹp thay… Em ra đi nơi này vẫn thế…
Không cần kê khai lý lịch, tự thân Đấu đã rêu rao thầm: Ta, cốt cáng bần cố nông cha truyền con nối chính chuyên suốt đời. Khi ngồi trên ghế, Đấu có cái tư thế lạ thường, chẳng giống ai. Cái thế ngồi coi thường và chối bỏ con số Bốn ngàn năm văn hiến. Ngồi như vậy và vỗ tay kêu thêm rượu. Bởi, rượu có vào lời mới ra:
– Thằng ấy bây giờ ngất ngưỡng ở huyện Chín Gối. Móc ngoặc với dân có máu mặt trong tập đoàn buôn trầm và gỗ qúy. Thế lực nghiêng trời lệch đất, khó bề lay chuyển.
– Huyện Chín Gối?
– Phải. Dùng quốc lộ, đi ngược bắc, hướng tây, bắt gặp cánh rừng trọc, chốn ấy trên bản đồ gọi là Chín Gối. Biết câu rừng vàng biển bạc không? Tám cây số đường chim bay là rừng rậm gỗ tốt, giờ này khai quang trọc lóc thì trong túi thằng đó có bao nhiêu lạng vàng nhỉ? Mình là nhà văn, thậm dốt chuyện tính toán!
– Sao biết nó làm chuyện phá nước hại dân mà ai nấy đều ngồi khoanh tay?
– Bởi vì đấy chẳng phải là chuyện lạ. Chuyện lẻ tẻ.
– Thế nào mới gọi là chuyện lớn?
– Ô hay cái anh này! Chuyện nhớn là chuyện có thằng buồn đời bèn nổi hứng đi rãi truyền đơn. Chuyện trong văn chương tôi viết ra, lãnh đạo họ soi thấy có điều mờ ám. Chuyện ông vẽ chân dung đồng chí Phi đen cát trô tận bên trời Cu ba mà trên họ phán là nom giống hệt cửa mình của chị em phụ nữ.
– Thôi, không nói chuyện với ông nữa. Ngày hôm nay tu như vậy là mấy chai rồi?
Đấu cười rộng miệng: Ta cũng đi thôi, chán những thằng nhát như mày rồi.
Không còn ai, Gióng ngoắc chủ quán lại gần:
– Kể từ bây giờ, những bức tranh ký tên Gióng treo trong quán này thuộc về tay ông quản lý.
Rốn, chủ quán, ngạc nhiên vô hạn. Bàn tay ngón to quen việc đao thớt không ngớt xoa mãi miết hàm râu quai nón đậm đen, chừng như tính toan, cảnh tỉnh. Vốn ưa thù tiếp, chén chú chén anh với đám văn nghệ sĩ, lại có máu ưa sưu tập tranh, Rốn luôn mở rộng lòng chân thật mà săn đón Gióng. Tuy vậy, lời Gióng vừa nói chẳng phải là phần thưởng khích lệ nhằm trao gửi cho một tấm lòng thành. Rốn ngó Gióng, ném thử viên cuội dò đường:
– Sứa rồi chăng? Nếu thật sự xỉn, tiểu đệ đóng quán lấy xe dream đưa đại ca về lại hàn xá.
– Bậy. Chớ vội chê bai, đợi ta nói tiếp những câu sau rồi hãy luận bàn chuyện say tỉnh.
– Rốn xin nghiêng mình lắng nghe.
– Tranh ta treo đây dư luận có lên tiếng ong ve nào không?
– Đa phần tấm tắc, ngưỡng mộ. Cách đây non tháng có đám lưu dân Việt kiều hồi hộp dừng chân, một cô con gái ngoại hình điệu bộ cực kỳ tư bản đưa ra lời bình: Treo đây thật phí, tranh này mang về bày ở Cưụ kim sơn mới trả công xứng đáng cho kẻ lao động ra thành quả nghệ thuật này. Một đứa hỏi: You nghĩ là bao nhiêu? Không dưới ngàn đô. Cô gái dứt khoát.
Rốn dứt lời, đứng yên hứng đỡ cánh tay Gióng vừa khoát lên vai.
– Vậy mà giờ đây chủ quán Bạch tuyết sẽ tiếp thu toàn bộ thứ văn hoá phẩm ấy.
– Đệ lùng bùng cả hai lỗ tai. Rốn này làm sao có được hồng phúc căn tu đến dường ấy? Nguồn cơn nào? Nguyên cớ chi?
– Ta nghe nói trước đây đệ từng hùng cứ một bến xe đò. Nay tuy rửa tay gát kiếm nhưng thế nào dân đi lại trong giang hồ cũng còn đôi phần nể phục.
– Không dám. Sóng sau xô sóng trước, quy luật ấy là lẽ tự nhiên. Hiểu được điều ấy nên Rốn này lặng lẽ rút lui. Cái hỗn danh Hôi nước mắm mà dân anh chị đặt cho Rốn không chắc giờ này có kẻ còn nhớ tới. Rõ là đại ca có điều nan giải?
– Phải, ta muốn xin tí huyết thằng trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Chín Gối.
– Giản dị có thế?
– Chỉ ngần ấy thôi.
– Cấp độ tàn phế?
– Xem nào. Hắn mang nợ nhiều người, để khỏi trốn chạy, ta nên cho hắn ngồi xe lăn chăng?
– Tuỳ huynh trưởng. Rốn này chỉ xin năm ngày để hành sự.
– Rốn mà tròn lời giúp ta chuyến này thật đúng là ta có biệt nhãn nhìn người. Sau này, đợi ngày tốt trời chúng ta tắm táp sạch sẽ, bày hương đèn hoa trái làm lễ kết giao huynh đệ, tình thâm như thủ túc.
– Lời Gióng đại ca nói, đệ xin một lòng nghe theo. Láo làm chó.
Gióng hân hoan đạp xe ra về, dạ thảnh thơi không mảy may tiếc nuối về số phận những bức tranh. Ngang công viên tối đen, Gióng xuống xe lựa chỗ khuất lấp mà đứng tiểu tiện. Rùng mình làm một trộ rõ lâu, xè xè trong thanh vắng. Rảy chưa khô vòi nước, nhác trông lên có đứa lù lù chợt hiện ra. Hai thằng, rồi ba thằng. Êm ả, bất ngờ như ma quỷ làm trò trêu ngươi.
– Họa sĩ Gióng, có phải không?
Gióng không trả lời, kéo quần lên, thắt dây lưng, hít một hơi sâu cho tỉnh táo. Có tiếng mở nắp bật quẹt Zippo kêu dòn dã. Cóc. Ngọn lửa nổi tiếng phực cháy trong mọi tình huống ấy soi lung linh gương mặt Gióng. Một gương mặt hoảng hốt, tỉnh rượu, căng thẳng.
– Muốn gì? Tiền, hay chiếc xe đạp hiệu Pờ-rô này?
Cả ba đứa đều câm lặng. Chúng còn rất trẻ, đáng tuổi con cháu Gióng. Ngọn lửa vụt tắt, bóng tối lại ngự trị. Hai đứa bốn tay kẹp người Gióng vào giữa, trói cứng. Chúng chẳng lộ vẻ vội vã, như trần gian này hoang vắng, đã chẳng còn ai. Gióng nghĩ tới phương thức cầu cứu thông dụng: La hét thật lớn. Trễ mất rồi, thằng đứng trước mặt Gióng vừa cạy miệng Gióng ra, nhét giẻ vào mồm. Hắn hát thủng thẳng bài nhạc rẻ tiền, giọng ngô nghê: Nếu là họa sĩ anh sẽ vẽ em… Tay em mười ngón thiên thần… Hát chưa xong, ra hiệu cho đồng bọn vật Gióng xuống cỏ.
– Chơi gì đây? Cắt chim hay sao?
– Không. Có một bận khứa lão tuyên bố, giữa cuộc đời này cái nó hãi nhất là bị tàn phế đôi bàn tay. Cho nên hôm nay… Đứa ấy ngừng nói, lôi từ xắc cốt ra một chai lít đựng nước óc ách. Gióng nhớ Đỏ Mỏ, nhớ hình dạng cái túi đeo chéo người, nhớ thể tích chai rượu nếp và nhớ cuộc truy hoang ban chiều.
– Chuẩn bị tinh thần nhé, ông thánh. Thứ dung dịch quái đản này người ta đặt tên mỹ miều cho nó là A-xít đấy.
Thần trí Gióng hoang mang. Tim phèo phổi Gióng trồi lên trụt xuống, đảo ngược. Thở không ra hơi. Và Gióng ngất đi khi giọt cường toan đầu tiên từ chai lít nghiêng đổ xuống đôi tay bị trói chặt.
– Địt mẹ mày, cẩn thận kẻo cháy xém vào người tao.
Gióng nghe mơ hồ tiếng cười. Đôi mắt cay, võng mô Gióng thu hình một vuông màu trắng xóa, tựa ngồi chiêm nghiệm trước tấm bố trinh nguyên.
– Tiếc gì cái khăn mù xoa dơ bẩn ấy mà mày lôi ra khỏi mồm nó?
– Tại tớ không muốn để lại dấu vết tại hiện trường. Chỉ thế thôi. Đó là nguyên tắc sơ đẳng.
Những bước chân bỏ đi xa, lát sau có tiếng rú ga của động cơ xe gắn máy nhiều phân khối. Gióng nhìn trời cao, thăm thẳm trên đó những vì tinh tú vẫn chớp nháy đùa cợt. Ở tấm màn nhung huyền ảo kia chợt có một ngôi sao vừa vụt tắt. Gióng lẩm bẩm: Lý nào đó chính là bổn mạng của Gióng này? Hãy nhớ lấy số phận bữa rày mà mai sau đốt hương tưởng niệm đôi bàn tay chết. Hôm nay là ngày nhị thập tháng ba năm Tân tỵ, nhằm đúng tiết lập Xuân.
(trích tập truyện Mùi Hương Trên Đồi. Văn Mới, California, 2005)