Đêm pháo Stockton
Đây là một câu chuyện mà tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Bạn có thể tưởng tượng tôi đang kiếm sống bằng nghề viết tin, và người ta đang trả tiền để cho tôi có thể viết văn mỗi ngày. Viết xong thì có người đọc trên làn sóng phát thanh. Tôi viết nhiều hơn là tôi nói. (Điều này chắc chắn đúng. Ở sở làm, mỗi ngày tôi nói nhiều lắm là khoảng mười chữ “Ừ”, “À” và thỉnh thoảng “Ờ” lấy lệ. Tôi thường gật đầu, lắc đầu hoặc chỉ mỉm cười mà thôi). Vậy mà ngay lúc này tôi thật sự chưa biết phải bắt đầu viết câu chuyện sau đây như thế nào. Viết không được mà nói cũng không ra.
Viết cũng khó như khi tôi nhìn vợ và muốn nói “anh yêu em”. “Anh yêu em” bây giờ khó nói hơn lúc trước. Sau những năm chung sống thì “anh yêu em” giờ đây có khác với “anh yêu em” của mười năm trước. Ban đầu “anh yêu em” có thể có nghĩa là “anh mê môi em, anh muốn cắn má em, anh muốn đến một nơi hoang vắng cho hai đứa mình… tha hồ cắn nhau”. Yêu lúc đó rất tha thiết và có nhiều phần nhục dục. (Hy vọng vợ tôi sẽ không đọc được những lời thú tội trong một vụ “ăn gian” tình yêu này.)
Đến bây giờ thì cái phần nhục dục đáng mến ấy có hạ hỏa bớt đi rồi, và “anh yêu em” lúc này có thể có nghĩa là “anh quí em, anh nhớ những kỷ niệm với em, anh cám ơn em đã chịu đựng với anh qua những lúc khó khăn, và anh vẫn thương em sau những lần bị em bắt nạt, hoặc bị em ra lệnh phải cắt cỏ và trồng cây, thay vì cho anh ngồi xem truyền hình với mấy thằng bạn được vợ chúng nó cưng như con út.” Từ nhục dục, “anh yêu em” bước qua giai đoạn “tâm hồn”, và chắc mười năm nữa “anh yêu em” của tôi sẽ thăng hoa và đượm phần “tâm linh” hơn. Lúc đó chắc tôi sẽ xem vợ như một Phật Bà Quán Thế Âm, và tôi sẽ không dám có ý nghĩ bậy bạ trong lúc đứng trước mặt vợ, chỉ dám nhe răng cười hiền và rủ nàng thắp nhang cho thơm căn nhà trống vắng đám trẻ con.
Tôi viết lôi thôi và lòng thòng như vậy chỉ để nói rằng “anh yêu em” lúc này không đủ để nói hết những gì mà tôi muốn nói vợ. Ba chữ ấy không thể gói ghém hết mọi ý nghĩ và cảm giác (lẽ đương nhiên là thương yêu) mà tôi muốn dành cho vợ. Mà tâm tình “anh yêu em” không đúng lúc, nhất là nói với bộ mặt tủm tỉm cười “dê”, thì vợ lại tưởng rằng tôi đang muốn “lộn xộn” trong lúc các con vẫn còn thức.
Đối với thành phố Stockton cũng thế, tôi cũng đang có nhiều điều muốn viết về một nơi mà gia đình chúng tôi từng sống trong hơn hai năm trời. Chúng tôi rời Stockton sáu năm trước đây, và đến nay tôi vẫn chưa viết được một chữ nào về thành phố ấy. Có người cho rằng phải đau khổ thì mới làm được thơ hay. Riêng tôi, đơn giản hơn, tôi không thể xem mình là một “nhà dăng” nếu tôi không viết được một lời nào về Stockton, một thành phố nghèo và mến yêu của chúng tôi. Có nhiều điều “anh yêu em” mà tôi muốn nói với Stockton, và tôi vẫn còn lúng túng chưa biết phải viết điều gì trước, điều gì sau, viết về “nhục dục” hay về “tâm hồn” đây, và bắt đầu như thế nào về Stockton.
Có lẽ tôi nên bắt đầu về những gì mà tôi còn nhớ về Stockton, một thành phố nằm sâu trong thung lũng San Joaquin ở miền trung tiểu bang California. Vào những buổi trưa hè, Stockton có thể nóng cháy da trên 100 độ, và đến buổi chiều cùng ngày thì gió lớn từ vùng vịnh có thể thổi mạnh qua Stockton, đưa một ngày nóng xuống còn 50 độ mát đến lạnh người. Sang mùa đông, một con suối cạn ở gần nhà có thể đóng băng đá trên mặt sau nửa đêm buốt giá. Giữa những trưa nóng và đêm lạnh của Stockton, gia đình tôi đã có thêm một em bé, tiệm sách của chúng tôi có thêm khách quen từ phương xa, tôi soạn xong tập sách đầu tiên, và ký ức tôi có thêm những ngày xuân tươi đẹp nhất trong thời gian tôi sống ở California. Ấn tượng mạnh mà Stockton đã để lại trong tôi chính là những ngày đầu xuân ấy.
Trước khi trở lại với mấy ngày xuân, tôi cần nói cho bạn biết tại sao chúng tôi đến Stockton. Tiểu bang California này có nhiều nơi dễ sống hơn, dễ kiếm việc làm hơn và chắc chắn là đẹp hơn Stockton rất nhiều. Vậy thì tại sao chúng tôi lại chọn một Stockton khô cằn và nóng cháy? Stockton có gì “nhục dục” mà tôi lại mê đến như vậy?
Tôi rời khu phố Bolsa vào mùa thu và đến Bắc California để tìm một việc làm mới, lìa bỏ một nơi mà lúc bấy giờ tôi đã chán ngán. Không lẽ cuối tuần nào cũng chỉ ngồi uống cà phê với mấy thằng bạn và nhìn mấy cô chiêu đãi viên ưỡn ẹo đi tới đi lui, xuống phố xem mấy nhà hàng mới mở, hoặc đảo xe lòng vòng qua mấy khu chợ Việt. Bên ngoài Bolsa còn có cả một thế giới đang chờ đợi tôi khám phá. Quyết định rời Bolsa của tôi đến rất dễ dàng, vì vợ tôi cũng muốn đi xa với tôi đến những chân trời mới. Chúng tôi đã sống nghèo ở Bolsa, và nếu phải sống nghèo ở những nơi khác thì cũng không có gì đáng lo ngại.
Thế là tôi một mình lái xe tuốt luốt lên miền bắc, đến tận một thị trấn có tên là Marysville. Thị trấn nằm ngay trên đường ranh giới giữa Quận Yuba và Quận Sutter. Đúng lúc lái xe qua thị trấn này, tôi đã mơ màng trong khi một bản nhạc hòa tấu đang được mở lớn ở trong xe. Có lẽ cảm giác yêu đời từ bản nhạc đã phù hợp với cảnh hiền hòa ở bên ngoài, tôi liền quyết định “dừng bước giang hồ” tại Marysville. Trong những ngày sau đó, tôi đến dăm ba văn phòng của chính phủ ở trong vùng và tìm việc làm. Sau vài màn thi trắc nghiệm bằng bút chì tô các vòng tròn trên mẫu giấy điện toán, tôi được phỏng vấn và được nhận vào Sở Trợ Cấp Xã Hội của Quận Sutter.
Tuy tiền lương công chức không là bao nhiêu, chỉ vừa đủ trả tiền thuê chung cư hai phòng ngủ và tiền ăn ngày hai bữa nhẹ tại nhà, tôi cũng vui mừng và báo tin về cho nàng: Tụi mình rời Quận Cam được rồi cưng ơi! Thế là vào đầu tháng 11 sau đó, trên xa lộ số 5 lớn nhất của tiểu bang California, người ta thấy loáng thoáng một chiếc xe vận tải U-Haul màu cam đang chạy ào ào từ phương nam thẳng tắp đến phương bắc. Trên hàng ghế duy nhất của chiếc xe, tôi ngồi ca hát và cầm tay lái, thỉnh thoảng giơ tay vẫy chào những chiếc xe khác đang qua mặt, tưởng tượng mình là một tài xế vận tải chuyên nghiệp đang lái xe xuyên tiểu bang. Vợ tôi cũng vui cười với đôi mắt kiếng đen và ngồi ở đầu ghế bên kia, trong khi hai nhóc tì tám tuổi và sáu tuổi ngồi ở giữa, thường xuyên chỉ trỏ những cảnh vật ở hai bên đường. Thỉnh thoảng chiếc xe bị giồng trên mặt đường, khiến cho nồi niêu xoong chảo và bàn ghế kêu rớt lùng thùng ở đằng sau xe. Không sao, đó chỉ là tiếng nhạc hành quân đến vùng đất mới của chúng tôi. Vợ tôi cũng huyên náo như tôi.
Đến khi xe rời xa lộ 5 và tiến vào một con đường nhỏ hơn, vợ tôi tháo mắt kiếng đen và bắt đầu lộ vẻ lo ngại. Trên quốc lộ 70 vắng vẻ, xe của chúng tôi băng vun vút qua những cánh đồng lúa và những vùng rừng, với dăm ba ngôi nhà thỉnh thoảng xuất hiện bất chợt và biến mất hút ngay sau đó. Bóng người càng hiếm hơn. Trong khi nàng dò hỏi để tìm hiểu có phải Marysville là một vùng quê hẻo lánh, thỉnh thoảng có gấu rừng tìm đến nhà thường dân để… ăn thịt người ta, tôi chỉ cho nàng xem mấy con cò trắng đang đứng một mình trên những cánh đồng lúa. Đó em, ở đây cũng có cánh đồng lúa và cò trắng y như ở Việt Nam.
Kể từ ngày rời khỏi Nha Trang cuối năm 1974 và xa Việt Nam vài tháng sau đó, tôi chưa bao giờ thấy lại đồng lúa như tại nơi đây. Đến khi xe băng qua sông Feather và tiến vào Marysville, vợ tôi mới bớt lo âu và tươi cười trở lại. Trên con đường lớn nhất của phố, nàng thấy vài quán ăn, dăm ba ngân hàng và siêu thị thực phẩm. Ít nhất nơi đây không phải là một làng quê với vài gia đình da trắng như nàng từng lo ngại. Tuy Marysville cũng đông người, trong hơn tám tháng sống tại đây chúng tôi không hề gặp một người Việt Nam nào. Hầu hết người gốc Á Đông tại đây là người Lào Hmong hoặc người Hoa.
Những ngày tháng ở Marysville là thời gian thần tiên cho gia đình tôi. Chúng tôi đến đây đúng lúc mùa thu đang rực màu lá sang mùa. Lá thu vàng trải đầy trên mặt đường đến sở làm mỗi buổi sáng và trôi nhẹ trên mặt hồ đằng sau khu chung cư của chúng tôi. Trong khi tôi đi làm ở sở, vợ tôi đánh máy sách cho mấy nhà xuất bản giúp cho gia đình có thêm lợi tức. Những cuối tuần là dịp cho chúng tôi lái xe đến mấy vùng quê và miền núi tại bắc California. Từ miền biển Bodega, Mendocino băng qua những thung lũng nho Napa cho đến miền núi Grass Valley, Oroville và thác nước Feather Fall, chiếc xe Chevrolet Cavalier nhỏ bé đưa chúng tôi rời xa những lo âu thường ngày và đến gần với niềm vui thiên nhiên. Trong những ngày vui, nhiều lần tôi đã nói với vợ rằng tôi ao ước gom góp đủ tiền để mua một ngôi nhà nhỏ tại đây, để sống nhàn hạ cho đến hết tuổi già.
Thế nhưng lẽ đương nhiên là cuộc đời tôi không bao giờ có thể đơn giản đến như vậy. Tôi gặp lại những gì từng làm tôi chán ngán ở Bolsa, và mọi thứ đã bắt đầu từ sở làm của tôi. Các đồng nghiệp đối xử với tôi rất tử tế. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần lễ làm việc, tôi bắt đầu biết đến những cuộc tranh chấp quyền hành giữa các cá nhân. Tôi không dè một sở welfare nhỏ bé ở một thị trấn thầm lặng mà cũng có những cuộc tranh chấp quyền hành. Mấy đồng nghiệp chia bè chia đảng, bênh vực bà xếp này và chống lại ông xếp kia, vân vân, y như trong mấy cuộc tranh chấp thế lực mà tôi đã từng thấy ở những nơi khác. Các ông bà xếp trung niên của khoảng năm mươi nhân viên đã cạnh tranh và vận động để được thăng chức, được nắm mấy ghế quan trọng trong sở. Những người xếp này cũng từng bắt đầu làm việc như tôi, và sau vài chục năm ngồi “cạo giấy” họ cũng cần có tí quyền lực để cảm thấy cuộc đời của họ có chút thành công.
Tôi cũng thất vọng với việc làm của chính mình. Khi đến với sở trợ cấp xã hội, tôi tưởng đây là dịp cho tôi được làm việc trực tiếp với những người nghèo, với mấy gia đình thiếu thốn và cần được nâng đỡ để trở lại với nếp sống bình thường. Tuy nhiên, hầu hết thời gian làm việc của tôi chỉ là tính toán mấy con số, để biết bao nhiêu tiền có thể gởi hai lần mỗi tháng cho những gia đình hội đủ điều kiện. Đa số “thân chủ” trong gần hai trăm hồ sơ gia đình mà tôi phải chịu trách nhiệm đều là người da trắng, với một số ít là người Lào và người Ấn Độ.
Đến lúc làm việc tại đây tôi mới biết hầu hết người nhận welfare tại Hoa Kỳ là người da trắng. Những người chồng trong đống hồ sơ của tôi đa số là người đang hoặc sắp bị ở tù, trong khi những bà mẹ là mấy phụ nữ dùng ma túy và không biết đứa con nào thuộc về người chồng nào của họ. Chỉ tội nghiệp cho mấy đứa bé bị cha mẹ lấy mất tiền trợ cấp để mua ma túy và bia rượu. Mỗi lần tính lầm số tiền trợ cấp cho họ là tôi phải trải qua những thủ tục sửa chữa rất rườm rà, chưa kể phải nghe lời thân chủ gọi điện thoại mắng la om sòm và bị bà xếp già khiển trách, ghi tội vào sổ đen. Quận Sutter là một vùng nghèo, và chúng tôi phải làm việc bằng tay với những chồng hồ sơ dầy cộm, thay vì được làm việc với máy điện toán nhẹ nhàng hơn như tại các quận giàu có khác. Ngoài ra, hầu như mỗi tháng luật lệ đều có chút thay đổi và chúng tôi phải chỉnh lại các hồ sơ theo những điều luật mới. Tôi chạy theo không kịp với các luật mới, mệt mỏi với cái nhìn gay gắt của bà xếp và chán ngán lời rên rỉ thiếu tiền của các thân chủ vào những ngày cuối tháng.
Về mấy đồng nghiệp ngồi chung quanh bàn tôi, họ là những phụ nữ vui tính và dễ hòa nhập với người lạ. Tuy nhiên, sự phốp pháp màu mỡ của họ cũng khiến cho tôi ái ngại, nhất là những lúc họ mời tôi đi ăn và ngồi chung bàn. Tuy là một người đàn ông Việt Nam có kích thước trung bình, cao một thước bảy và nặng một trăm hai mươi cân, tôi chỉ to bằng phân nửa các nữ đồng nghiệp. Cô Sharon ở bàn bên trái tôi có thể ngồi trên một cái ghế có bàn tọa rộng gấp đôi ghế của tôi. Cô là con của một nông gia trồng trái mơ trong vùng. Bà Lisa ngồi sau lưng tôi là con gái của một ngư phủ tại Eureka. Bà Lisa có chiều ngang bằng vợ chồng và hai đứa con của chúng tôi đứng tụm lại với nhau. Bà cũng là người thường giúp đỡ và thích nựng tôi như nựng một con thú nhồi bông.
Về người ngồi ở bên phải bàn của tôi, bà Cindy là một phụ nữ rất ít nói. Tôi đoán bà phải là con gái của một nhà đô vật chuyên nghiệp, vì hai bắp tay của bà rắn chắc và lớn bằng bắp đùi của tôi. Đôi tay rắn chắc có thể giải thích tại sao bà Cindy ít khi bị các thân chủ quấy rầy, trong khi tôi ngày nào cũng có người gọi vào để khiếu nại và “mè nheo” đủ thứ. Ngay trước mặt tôi là cửa vào phòng của bà xếp. Bà Mary này luôn luôn ngồi trong bàn và nhìn thẳng ra cửa, để quan sát tôi đang làm gì với đống hồ sơ welfare. Tất cả bốn bà gần tôi nhất đều lái xe tải lớn. Đúng ra thì hầu như phụ nữ nào ở miền này cũng đều mạnh bạo và lái xe pickup y như đàn ông. Trong bãi đậu xe ở sở làm, chiếc Cavalier của tôi không khác một cừu non giữa những con bò sữa pickup của họ.
Với cảnh vật êm đềm và còn hoang dã chung quanh vùng Marysville, tôi có thể chịu đựng các thân chủ và đồng nghiệp, để tiếp tục làm việc thêm ở sở welfare, nếu không có một biến cố khiến cho tôi lo sợ đến mất ngủ. Biến cố này là một buổi phát phần thưởng dành cho một nhân viên kỳ cựu. Nhân viên tên là John và làm việc cùng khu vực với tôi. Tôi nằm trong ban cấp tiền mặt AFDC, trong khi ông John thuộc ban trợ cấp y tế. Ông đã gần sáu mươi tuổi. Trong ngày vinh quang của ông, một thị trưởng trong vùng đã xuất hiện và ngợi khen ba mươi năm làm việc của cán sự John. Ông cũng to mập như các nữ đồng nghiệp của tôi. Bụng của ông từng dí tôi sát vào tường, đúng lúc hai người đi ngược nhau trong hành lang xuống phòng vệ sinh. Những lúc gặp gỡ ấy ông thường cười đùa với tôi và hỏi rằng ở Việt Nam có ai đấu đô vật sumo hay không. Thật sự thì tôi không ngán cái bụng to so với hai cái “dú” chảy trên ngực của ông. Hai trái ấy sao mà to quá, to hơn của phụ nữ được “bơm” và có thể thấy mấp mô đằng sau lớp áo vải mỏng.
Trong lúc nhận bảng ban khen và được mọi người vỗ tay tán thưởng, ông John trong cặp kiếng cận dày cộm và mớ tóc muối tiêu lớp nhớp như nhiều ngày chưa tắm đã nhìn về hướng tôi. Ông nhoẻn miệng cười rồi nói rằng ba mươi năm trước đây ông đã bắt đầu làm việc tại sở này cũng giống như tôi bây giờ, và ông hãnh diện là một nhân viên đắc lực của sở. Lúc nghe ông nói tôi chợt thấy lạnh người. Tôi bỗng tưởng tượng đến ba mươi năm sau, khi tôi cũng được vinh danh với một ban khen như thế kia, và kinh hoàng hơn nữa là tôi cũng có thể có cái bụng to và đôi “dú” chảy dài như của ông John.
Mùa xuân đến Marysville với những ngày lái xe đi ngắm cảnh rừng núi của chúng tôi. Không có Bolsa ở đây, không có người Việt nào mà chúng tôi có thể làm quen, và nếu không có vài tấm thiệp từ dăm, ba người bạn còn giữ liên lạc, có lẽ chúng tôi cũng không biết Tết đã về trên thế gian. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu nghĩ đến một chuyến đi mới, đến một nơi nào cũng có người Việt và cũng có việc làm cho chúng tôi sống. Thế là mỗi cuối tuần sau đó chúng tôi bắt đầu lái xe xuôi về hướng nam, đến những nơi mà chúng tôi chỉ từng thấy trên bản đồ. Sacramento, Stockton, Modesto, Merced và Fresno. Chiếc xe Cavalier hai cửa của chúng tôi lại tiếp tục chạy đến những vùng nóng cháy.
Dọc theo xa lộ 99, tôi nghĩ đến kế hoạch mở một tiệm sách tiếng Việt. Modesto và Merced không có đủ người Việt cho chúng tôi mở một tiệm sách. Fresno quá nóng, trong khi Sacramento đã có một tiệm sách mới mở. Chỉ còn Stockton. Tuy chỉ từng đứng bán hàng cho mẹ và canh tiệm cho ông ngoại ngủ trưa khi còn bé, tôi cũng bắt đầu tính toán “kế hoạch” mở tiệm như một doanh gia. Có lẽ là một doanh gia hạng tép riêu. Nghe nói Stockton có đến hai mươi ngàn dân Việt mà chưa có một tiệm sách nào. Tôi có thể mở tiệm sách và bán băng nhạc. Nếu cuối tuần có thêm khách từ Fresno, Merced và Modesto, tiệm của chúng tôi có thể sống được. Chúng tôi quen với các nhà xuất bản sách tại Nam California. Họ có thể giúp đỡ chúng tôi mở tiệm để tiêu thụ sách cho họ. Nghe cũng hợp lý. Chỉ có điều là tiền để dành của chúng tôi không chắc đủ để thuê tiệm.
Tính tới tính lui trong mấy tháng, cuối cùng chúng tôi cũng vay mượn được một số tiền để bắt đầu dọn nhà đến Stockton và mở tiệm sách. (Tôi đã mất bớt một số bạn sau khi hỏi vay tiền, và cho đến nay mấy người bạn này cũng chưa liên lạc lại với tôi). Sau nhiều lần lượn xe qua những khu thương xá có tiệm của người Việt, chúng tôi chọn một căn nằm trên đường Inglewood. Thương xá này có tên là Hồng Kông Plaza dành cho người Việt và gồm có một tiệm tạp hóa, tiệm cho thuê băng video, tiệm cắt tóc và làm móng tay, tiệm bán quần áo fashion, tiệm thuốc bắc, tiệm bán bánh mì thịt nguội và văn phòng bán bảo hiểm. Thương xá còn trên một chục căn trống và giá thuê đang thấp (không tới sáu mươi xu một square feet). Chúng tôi chọn một căn góc trong ba dãy tiệm của thương xá và rồi thuê một căn nhà đôi để ở trong vùng.
Đến đầu mùa hè năm đó, chúng tôi lại leo lên xe vận tải dọn nhà. Lần này tôi thuê một chiếc Ryder màu vàng chuối và đưa hết vợ con cùng với bàn ghế, nồi niêu, sách vở và một niềm hy vọng lớn, lớn hơn cái đầu bù xù của tôi, đến Stockton. Vừa lái xe tôi vừa vui mừng như một người mới vượt ngục, thoát được mấy bà xếp welfare khó tính của tôi. Tôi để lại một lá thư xin nghỉ việc trên bàn của bà xếp Mary. Kể từ ngày đến Hoa Kỳ, tôi đã nhiều lần lái xe lên xa lộ và di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Lần nào cũng vậy, bất kể tôi đang buồn hay vui, xa lộ vẫn luôn rộng mở vòng tay và mời tôi đến một chân trời mới khá hơn.
Đến nhà mới, chúng tôi lại cong lưng khiêng bàn ghế cũ vào ngôi nhà hai phòng ngủ. Hai đứa trẻ chạy vui trong ngôi nhà trống lớn nhất mà chúng chưa từng có trước đây. Ngôi nhà đôi nằm sát vách với một căn đôi khác, với một sân cỏ cháy vàng bao quanh. Hai đứa trẻ xem tên đường Pawnee Way và tra tự điển. Đứa lớn khoe với tôi Pawnee là tên của một bộ lạc da đỏ rất thích gây chiến. Ồ, ghê quá. Sau đó chúng tôi khám phá những tên đường khác trong khu nhà hạ lưu này cũng là tên của các bộ lạc tại Hoa Kỳ. Navajo, Shawnee, Cheyenne, Pueblo. Không biết mấy bộ lạc này dữ hay hiền.
Trong lúc thấy chúng tôi dọn đồ đạc vào nhà mới, một đám thanh niên Á Đông đen đủi đã lai vãng đến gần nhà và nhe răng cười. Tôi đưa tay chào “Hi” họ một cái và được họ đưa tay chào lại, y như hai nhóm da đỏ gặp nhau trong phim cao bồi viễn tây. Họ nói với nhau trong một ngôn ngữ nghe rất lạ tai. Chúng tôi hoàn toàn không đoán được họ nói tiếng gì. Không phải xì xĩn hạ như tiếng Hoa hay nặng giọng như tiếng Nhật. Vì đám thanh niên này đen và gầy, chúng tôi đoán họ là người Miên. Nếu người Lào trăng trắng có thể đến Marysville thì người Miên đen đen cũng có thể đến Stockton, tôi thầm nghĩ.
Trong tháng đầu tiên tôi dành hầu hết thời giờ để làm việc trong tiệm sách mới của Stockton. Tiệm nằm ở góc, có kiếng trong trước mặt và bên phải, với tường lưng sát với tiệm bánh mì Hồng Kông Sandwich và tường bên trái giáp với một căn còn trống. Tuy tiệm chỉ rộng có bốn thước ngang và bảy thước dọc, chủ nhân thương xá cũng dựng cho tôi một căn phòng nhỏ ở trong góc, để tôi có thể đặt bàn làm việc. Trong một lần đến thăm tiệm và xem một người đang sơn lại tường ở bên trong, tôi làm quen với người thợ sơn và được biết ông ta cũng cùng quê Nha Trang với tôi. Khi biết tôi có ý định mở tiệm sách, ông đã nhíu mày như không tin và rồi nói rằng bán sách cho người Stockton không phải là chuyện dễ. Ông cũng nói khu thương xá nằm khuất trong một góc phố, không gần đường lớn, khó buôn bán làm ăn.
Tôi không mấy chùn chân trước lời dọa của ông thợ sơn. Hầu hết các tiệm của người Việt tại đây cũng nằm khuất nhiều nơi, rải rác và không tụ tập lại một nơi như trong khu thương xá này. Vả lại, người Stockton thế nào cũng có tiền và chắc cũng biết đọc. Không lẽ một năm họ không mua được một cuốn sách. Vợ tôi đề nghị tên “Thư Quán” cho tiệm. Vì không có tiền để thuê nhân viên, tôi đã tự ra lệnh cho mình làm hết mọi thứ trong Thư Quán. Tôi mua máy cưa, máy khoan, đinh, búa, gỗ, sơn và hàng chục thứ vật liệu khác.
Trong lúc chờ đợi sách và băng nhạc gởi đến từ Quận Cam, tôi đã cưa ván đóng kệ sách, mua mẫu tự gỗ sơn lại thành chữ “Thư Quán”, và bắc thang đóng các chữ vàng đậm trên mặt tiệm. Nhiều người hiếu kỳ thỉnh thoảng dí mặt sát vào kiếng, để xem tôi đang làm việc với đầu tóc dính đầy mạt cưa và quần áo quằn quện vết sơn. Có nhiều ngày tôi thức đến nửa đêm để cưa đóng các kệ sách. Khu thương xá không đông xe vào ban ngày, và đến ban đêm thì khu tiệm hoàn toàn vắng bóng người. Tuy biết vậy, tôi vẫn không ngần ngại và tiếp tục với tiệm sách. Tôi thuê xe và tha lôi một tủ tiếng cũ từ San Jose về Stockton. Stockton có một tờ báo duy nhất, và tôi cho đăng quảng cáo tiệm cho mọi người được biết.
Thay vì khai trương rầm rộ như một siêu thị hay một nhà hàng có giăng cờ xí và bong bóng nhiều màu, Thư Quán có “trình độ” hơn và được mở cửa trong âm thầm, như một cô giáo mới ra trường và e lệ đến lớp học lần đầu tiên. Tuy không có đủ sách và nhất là chưa có đủ các “mặt hàng” băng nhạc, chúng tôi cũng bắt đầu buôn bán khi những kệ sách vừa được đóng xong. Bao nhiêu sách mà chúng tôi xếp lên đều không đủ để chất đầy kệ. Hàng chục thùng sách tưởng nhiều thật sự lại không là bao nhiêu. Chúng biến mất và để lại nhiều khoảng trống trắng trên kệ. Tôi cũng không ngại, mình càng buôn bán thì lại có thêm tiền để mua thêm sách cho đầy tiệm.
Trong những ngày đầu mới mở, nhiều người đã ghé vô tiệm và sờ mó mấy cuốn sách. Họ chỉ xem bìa, rồi lật lật vài trang trước khi xếp sách lại trên kệ. Một hôm tôi thấy có đám thanh niên người Miên ở gần nhà đang bước vào tiệm. Khi thấy hai vợ chồng tôi, bốn thanh niên có vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi cũng ngạc nhiên, vì không hiểu người Miên muốn vô tiệm của người Việt để làm gì. Không lẽ đám thanh niên này là một băng đảng Miên. Một vài thanh niên đang thọc tay trong túi quần, và tôi đã nhìn kỹ quần của họ để biết chắc những “tên” này không có mang súng vào tiệm. Quần của chúng không có gì nổi cộm một cách đáng nghi ngờ.
Một thanh niên to con nhất (chỉ cao bằng tôi và còn ốm hơn rất nhiều) bỗng tiến đến gần và nhe răng cười nhìn tôi. Thanh niên hỏi gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi tưởng là anh ta hỏi có tiền không. Đến khi anh ta nói đến lần thứ ba thì tôi chợt hiểu ta. “Ở ni có bán sách tự điển không?”
“Ồ, tự điển. Có chứ.” Tôi mau mắn chỉ tay xuống một kệ dành riêng cho tất cả các loại tự điển nằm ở cuối tường. Thấy bốn thanh niên còn chần chừ, tôi liền bước ra khỏi quày tính tiền và dẫn họ tới kệ tự điển. Mỗi thanh niên đã cầm một cuốn tự điển lên và ngắm nghía.
“Cái ni bán mần răng?” một thanh niên khác hỏi.
Tôi nói giá tiền có ghi ở bên trong trang đầu. Tôi bắt đầu hiểu được giọng phát âm của họ. Tuy có giọng nói giống như người Huế, thật sự tiếng của họ rất nặng và khó nghe, mặc dù họ đã nói chậm với tôi. Té ra những người này không phải là người Miên như tôi tưởng.
“Mấy cuốn ni khác nhau răng?”
“Răng hai cuốn ni cũng Anh-Việt, mà cuốn ni lớn, còn cuốn ni lại nhỏ rứa?”
“Răng cuốn ni đắt rứa?”
Bốn thanh niên bắt đầu hỏi lung tung với “rứa” với “răng”. Tôi cũng trả lời tới tấp. “Cuốn này lớn có nhiều nghĩa hơn, chữ in to hơn cho người lớn tuổi dễ đọc, đỡ bị mù mắt. Cuốn này nhỏ, rẻ hơn, nhưng chữ nhỏ li ti, các em phải đeo kiếng cận như anh thì mới đọc được. Tự điển bán ở đây là rẻ nhất rồi. Ở Nam Cali hay ở San Jose người ta cũng bán vậy thôi. Các em mua ở đây vừa giúp anh mà lại vừa đỡ tốn tiền lái xe đến San Jose.” Họ hỏi tới đâu tôi trả lời tới đó.
Đến lúc có một thanh niên mua một cuốn tự điển và mang đến tính tiền, tôi liền hỏi họ sống ở đâu tại Việt Nam. Bốn thanh niên đều nói rằng họ là người Thuận An. Tôi không biết Thuận An ở chỗ nào và cũng đoán là ở đâu đó gần Huế hoặc ngoài Quảng Trị. Họ nói chuyện với nhau bằng một cách phát âm riêng, và khi nói với chúng tôi thì họ nói khác, dễ nghe hơn. Trước khi rời tiệm, một thanh niên nhe răng cười và nói, “Bữa nớ thấy anh chị dọn nhà, tưởng anh chị là người Nhật. Người Việt mình mô có trắng chi mà trắng dự.” Tôi biết thanh niên này chắc đã chèo thuyền từ Thuận An đến thẳng Stockton và chưa bao giờ thấy ai khác tại Việt Nam. Vợ tôi thì chắc chắn là có trắng như người Nhật, chứ còn tôi thì không trắng bằng, mà sau hai năm ở Stockton thì tôi cũng đen không thua gì mấy người bạn “Miên” mới của tôi.
Mỗi ngày đứng bán ở tiệm tôi càng quen biết thêm nhiều người tại Stockton. Một số người thường đứng rụt rè ở ngoài tiệm và nhìn đọc từng tựa sách ở trên kệ. Đợi đến khi có dăm ba người đứng trong tiệm, mấy người rụt rè này mới dám bước vào bên trong và lỉnh vào một góc để âm thầm đọc mấy cuốn sách. Hầu hết người Việt sống tại Stockton là người từ miền Trung. Sau những lần trò chuyện, chúng tôi được biết đa số họ là người từ hai làng chài lưới Thuận An và Hải Nhuận. Họ vượt biển đến Hồng Kông và rồi rủ nhau định cư tại Stockton. Trong thương xá của tôi, tiệm cho thuê video và tiệm sách của tôi là của người Nam Kỳ. Tôi là Nam Kỳ lai và vợ tôi là Nam Kỳ ròng, nguyên chất Biên Hòa. Tiệm video là của một gia đình từ Sài Gòn. Hầu hết những tiệm còn lại là của người Thuận An và Hải Nhuận. Stockton có sáu, bảy tiệm tạp hóa lớn, và tất cả những tiệm này cũng là cơ sở của người từ hai làng chài lưới ấy. Người từ Đà Nẵng, Bình Định và Nha Trang cũng nhiều, và chỉ có Nam Kỳ và Bắc Kỳ là dân “thiểu số” tại Stockton. Những đợt di dân H.O. sau này đã giúp cho đám Nam Kỳ và Bắc Kỳ có gia tăng chút đỉnh.
Trong mấy tháng đầu tiên, tiệm của chúng tôi mỗi ngày một khá hơn, khá về mặt có thêm sách và nhiều băng nhạc mới nhất từ Nam California. Bao nhiêu tiền bán được chúng tôi đều dồn vào tiền mua thêm tự điển, sách học Anh văn, báo tháng và nhất là băng nhạc mới. Băng nhạc là hàng bán chạy nhất, giúp cho tiệm cầm cự được hai năm. Trong một ngày bình thường, người từ phương xa lái xe băng qua Stockton, chạy ngang những đại lộ lớn như Pacific Avenue, March Lane và Hammer Lane có thể không thấy một khuôn mặt Á Đông nào tại đây, và họ không thể tưởng tượng rằng nơi đây có đến trên một chục ngàn người Việt. Trong những ngày bán quán, chúng tôi quen biết được nhiều người địa phương, kể cả những “quái nhân tỉnh lẻ” mà cho đến nay chúng tôi vẫn không quên được.
Một trong những quái nhân này là một người đàn ông Thuận An khoảng bốn mươi tuổi. Cứ độ một tháng một lần ông ta bước vào tiệm, mang theo một đầu tóc dài và mùi người mười năm không tắm. Bất kể mùa đông hay mùa hè, ông ta luôn luôn mặc một áo choàng dài che kín từ cổ xuống đến ống quyển. Ông ít nói và mua nhiều sách, có khi mua đến bảy, tám cuốn sách trong một lần ghé tiệm. Ông mua sách mau lẹ, thấy cuốn nào mới là cầm lấy, xem bìa vài giây rồi mang sách đến quày trước khi trở lại tìm thêm sách. Mỗi lần thấy ông bước vào tiệm là chúng tôi mừng hí hởn trong bụng, vì biết bữa hôm ấy thế nào cũng bán được chút tiền gỡ lại mấy ngày không có khách. Tôi có tật tò mò rất lãng mạn, và ban đầu tôi nói với vợ rằng ông ta có thể là một triết gia cô độc và mỗi tháng xuống núi một lần để tầm sách luyện đạo. Ông thường mua sách mới, bất kể sách là tiểu thuyết rẻ tiền, truyện khiêu dâm, hồi ký chính trị, truyện kiếm hiệp hay là sách từ trong nước. Đến một hôm tôi mới biết ông không cô độc. Hôm ấy ông bước vào tiệm với một cô vợ mập mạp và một đám con nít. Thế ra triết gia này là người chuyên nằm trên giường để đọc sách và sản xuất trẻ em.
Một người khác mà chúng tôi cũng không quên là một phụ nữ đứng tuổi mê ca sĩ Chế Linh. Mỗi lần bước vào tiệm là bà chỉ hỏi băng nhạc của Chế Linh. Bà có thể đứng nói hàng giờ về người ca sĩ cũng đen đen này, và có khi tôi có cảm tưởng rằng nếu không có tôi đứng đó, bà có thể hôn hình người ca sĩ trên bìa băng. Chúng tôi biết nhiều về sách nhưng lại biết rất ít về các ca sĩ, và nếu không có những thân chủ mua nhạc thì chúng tôi hoàn toàn không biết Ngọc Lan và Tuấn Vũ là hai ca sĩ đang được mến mộ ở khắp nơi, và ở tỉnh lẻ này.
Tại Thư Quán, chúng tôi cũng có dịp làm quen với hai vị lãnh đạo tôn giáo và các tù nhân địa phương. Sau khi mở tiệm, hai vợ chồng chúng tôi bàn tính một kiểu mẫu danh thiếp cho tiệm. Vợ tôi vẽ hình nốt nhạc và hình sách quyện vào nhau một cách lả lướt tài tử, bên cạnh tên và địa chỉ tiệm. Còn tôi, vì một lý do nào đó mà tôi không nhớ, tôi đã ghép tên vợ với tên của mình thành tên “Minh Đạt” để ghi trên danh thiếp. Tôi không hiểu là bằng cách nào mà chỉ trong vòng một tuần lễ sau khi danh thiếp được in ra, một tăng sĩ đã biết được và đến viếng thăm chúng tôi. Thày và một người đàn ông đã đến tiệm và hỏi có phải tên của tôi là “Minh Đạt”. Tôi gật đầu và không ngờ danh thiếp lại có hiệu quả đến như vậy, có thể đưa một tăng sĩ từ một tu viện u tịch nào đó đến tận Hồng Kông Plaza phồn hoa đô thị này. Thày hỏi chúng tôi từ đâu đến và buôn bán có khá không, rồi Thày mua một cuốn tự điển nhỏ. Đến lúc cầm tiền tôi hỏi lại Thày là ai và từ chùa nào đến. Thày chỉ trả lời nhỏ nhẹ rằng Thày từ chùa Quang Nghiêm và tên Thày là Thích Minh Đạt. Lúc đó tôi chợt thấy đau nhói ở mông, vì bị vợ cấu mạnh bằng tay. Không ngờ tên “Minh Đạt” của tôi đã trùng hợp với tên của Thày. Kể từ đó tôi cũng tránh dùng tên này trên danh thiếp, vì một rừng không thể có đến hai “Minh Đạt”.
Chúng tôi cũng có dịp được gặp một linh mục lớn tuổi trong vùng. Khoảng một tháng một lần thì Cha đến để mua sách, và lần nào Cha cũng hỏi mua băng nhạc của ca sĩ Như Mai. Bất cứ băng nhạc nào có Như Mai đều được Cha mua. Mà tôi không hiểu tại sao có khi Cha mua lại những băng mà Cha từng mua trước đây. Nữ ca sĩ Như Mai hát rất điêu luyện. Tuy nhiên, ca sĩ này thường chụp hình quá khêu gợi, khiến cho tôi cũng phải ngượng mỗi lần trao băng nhạc cho Cha. Có lần cô chụp hình đứng khom người xuống, để lộ hai trái bí dài thòng thấy mà muốn đỏ cả mặt. Một lần thấy Cha không lộ vẻ lúng túng như bình thường, tôi liền vui vẻ hỏi tại sao Cha thích mua nhạc của Như Mai vậy. Cha nói là mua tặng cho mấy gia đình H.O. mới đến Stockton. Tôi ngẫm nghĩ không lẽ mấy người mới đến Mỹ đã luyến tiếc hình ảnh của mấy trái bí quê hương.
Trong mấy ngày cuối tuần, tiệm chúng tôi có thêm khách từ những vùng xa trong thung lũng San Joaquin. Một cô nha sĩ từ Quận Cam mới mở phòng mạch tại Modesto, sáu anh chị em từ Merced, vài gia đình từ Manteca và một chủ nhà hàng khá giả từ Lodi, họ là những người thường xuyên ghé đến tiệm và giúp cho Thư Quán tiếp tục sống qua ngày. Để đáp lại lòng tốt của họ, chúng tôi mang về những mẩu chuyện vặt và tin đồn từ Bolsa mà họ thích nghe. Có phải anh ca sĩ T ròm hít sì ke? Đúng rồi, hít lia lịa mà còn bị bắt tại phi trường. Hình như bị ở tù bốn, năm tháng gì đó. Nghe nói cô ca sĩ N hát nhỏ nhẹ đã có chồng? Có rồi, có ba con nữa là khác, mà cổ dấu chồng con kỹ lắm. Nghe nói chồng là du đãng gì đó. Hình như ca sĩ H vừa có chồng lần thứ ba? Không có đâu, mới hát cặp với nam ca sĩ C cho mới lạ chút thôi. Ca sĩ mà, nay cặp với người này mai nắm tay người khác, cho vui thôi. Có phải nhạc sĩ D “gay”? Cái đó không biết. Thấy ổng ăn nói ẻo lả như con gái mà lại mới lấy vợ. Không biết ổng “gay” ở chỗ nào?
Một số thân chủ của tiệm tôi là tù nhân. Nhiều thanh niên thường lui tới để mua băng nhạc mới, và họ thích nhạc trẻ Asia, nhạc “liên khúc”, nhạc “giựt giựt”, nhạc “hở rốn” của Linda Trang Đài, vân vân. Bẵng một thời gian không thấy mấy người trẻ này, tôi tưởng họ đã dọn nhà đi nơi khác. Đến khi có thân nhân hoặc bạn gái của họ đến tiệm, tôi mới biết các thanh niên đã bị ở tù, không biết vì tội gì và chắc chắn không phải là tội cướp tiệm sách. Vì nhà tù cấm thân nhân mang sách vào cho các tù nhân, tiệm phải gởi sách trực tiếp đến nhà tù và viết rõ nội dung của sách, có lẽ để tránh trường hợp tù nhân đọc được sách chỉ dẫn cách thức vượt ngục. Nhờ có các tù nhân này mà tiệm tôi đã bán được những bộ chưởng kiếm hiệp nhiều tập. Mấy bộ này rất khó bán. Các thân chủ tù nhân của tôi cũng thích đọc sách trinh thám, truyện của Duyên Anh và của Nguyễn Ngọc Ngạn. Khi mới mở tiệm, tôi không thể ngờ có lúc Thư Quán có thể “chuyển lửa” văn hóa vào những phòng giam, giúp cho các thanh niên có được những giây phút vượt thoát bên ngoài bức tường chật hẹp trong nhiều tháng năm tù đày.
Tôi cũng không ngờ ở một tiền đồn hải ngoại như tại Stockton, người Việt vẫn có thể duy trì được dòng văn hóa riêng trong cơn sóng hội nhập vào văn hóa của người Mỹ. Duy trì một cách đầy hãnh diện và không có chút mặc cảm. Vào bất cứ một buổi chiều nào đó trên đường lái xe về nhà, tôi có thể nghe được một bản nhạc tiếng Việt từ một chiếc xe trên đại lộ El Dorado, Hammer Lane, Pacific hoặc đường Thorton vào khu xóm “da đỏ” của tôi. Giữa những chiếc xe ầm ầm tiếng nhạc “rap” hùng hổ của người da đen, tiếng nhạc “rock” gào thét của người da trắng, tôi vẫn có thể nghe được tiếng hát miền quê chất phác của Tuấn Vũ, của Hương Lan hoặc tiếng thỏ thẻ ân tình của Ngọc Lan, của Khánh Hà từ một chiếc xe ở ngã tư đèn. Một thanh niên da sạm đen nào đó cũng quay hết kiếng xe xuống, để cho tiếng nhạc mở hết cỡ bass có thể chen đua với tiếng nhạc “rap” và “rock” ở chung quanh. Tôi cảm thấy sung sướng lạ mỗi khi nghe được tiếng nhạc quen thuộc ở giữa đường đông xe, mà nhất là nếu tôi biết thanh niên đã mua băng nhạc từ tiệm Thư Quán của tôi.
Sung sướng nhất cho tôi là mùa xuân đầu tiên tại Stockton. Trong những ngày gần Tết, tiệm tôi bán hết sạch những băng nhạc xuân, mới cũng như cũ. Bao nhiêu băng nhạc xuân mà tôi mua được từ Bolsa đều được “dớt” liền trên quày. Báo xuân cũng thế. Phụ Nữ Diễn Đàn, Văn Nghệ Tiền Phong, Làng Văn, và Hồn Việt đều được giành mua trước Tết. Ngay cả những tờ khó nuốt như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 và Hợp Lưu số xuân cũng có người mua và mang về nhai.
Vào buổi chiều đêm Ba Mươi, vợ chồng tôi đã vui mừng với số tiền bán được và ao ước tuần lễ nào cũng là tuần lễ sắp Tết. Trước khi đóng cửa đêm Ba Mươi, chúng tôi viết giấy, thông báo đóng cửa tiệm trong ba ngày Tết. Kể từ ngày mở cửa tiệm vào mùa hè cho đến đêm hôm đó, chúng tôi chưa bao giờ dám đóng cửa một ngày nào, kể cả những ngày lễ Giáng Sinh và ngày cuối tuần. Tiệm chúng tôi chưa bán được đủ tiền cho chúng tôi sống, và một ngày đóng cửa là thêm một ngày lo âu.
Đêm Ba Mươi Tết năm ấy, chúng tôi cũng rán quên hết những lo âu và mở một tiệc nhỏ cho gia đình. Một bánh nướng pizza loại lớn, với nhiều cheese và thịt lát tròn, cùng với sáu lon Coke cho hai nhóc tì, bánh tráng với thịt kho nước dừa và dưa giá nấu tại nhà cho nàng, và một chai rượu nho đỏ với vài miếng tai heo chua ngâm trong lọ cho tôi. Tôi thèm vài miếng heo quay và vịt quay. Thế nhưng hai món này không có bán tại đây. Muốn ăn thì phải lái xe một tiếng đồng hồ đến Sacramento, xa hơn và chắc ăn hơn thì hai tiếng đồng hồ đến San Jose. Stockton không phải là nơi có thể tìm được những món ăn vừa miệng, như mấy món phở, bún bò Huế, bánh cuốn và ngay cả bánh mì thịt nguội. Dăm ba nhà hàng và các tiệm thực phẩm tại đây cũng có bán mấy món này, thế nhưng những chủ tiệm từ Thuận An, Hải Nhuận và Tiên Sa không phải là người nấu ăn hợp khẩu vị ba miền. Sau bữa ăn no nê, cả gia đình cùng xem một phim vui, và đợi đến khi hai bé trai lên giường ngủ, vợ chồng tôi mới có dịp nhìn lại một năm qua và bàn tính những chuyện cho năm tới.
Vợ tôi lo âu về tình trạng buôn bán khó có thể phát đạt tại Stockton. Tôi cũng bắt đầu nhận thấy điều đó. Tôi hứa với nàng rằng tôi sẽ tìm một việc làm để phụ vào lợi tức của tiệm. Đến khi hai vợ chồng uống hết chai rượu, vợ tôi mới nói rằng nàng cũng muốn có thêm một đứa con trong năm sau. Tôi tưởng tôi đang say rượu và nghe lầm. Vợ tôi chỉ tủm tỉm cười, nói rằng phải chi gia đình chúng tôi có thêm một bé gái, cho nàng có một đứa con thỏ thẻ và gần gũi với mẹ. Hai đứa trai lớn lên thế nào cũng sẽ theo vợ và không sống gần với mẹ, như tôi chẳng hạn. Gì chớ chuyện có con vào đêm Ba Mươi thì tôi ủng hộ hết… mình mẩy. Chỉ có điều chuyện sanh con gái thì chưa biết tính sao.
Đúng lúc chúng tôi đang thì thầm bàn chuyện có con, một tiếng pháo nổ tung trong đêm tĩnh mịch. Nhìn đồng hồ dạ quang trên bàn ngủ, tôi reo vui với vợ, “Đúng giao thừa rồi em.” Tôi vừa nói xong, nhiều tiếng nổ lớn vang lên liên tục. “Họ đốt pháo, cưng ơi! Chịu chơi thiệt. Dân mình ở đây ngon lành, không sợ bị cảnh sát bắt.” Như một đứa trẻ, vừa nói tôi vừa tung mền và mặc áo quần chạy ra ngoài sân, quên luôn cả chuyện có con gái với vợ. Trong nhiều năm rời Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi nghe lại tiếng pháo nổ trong đêm giao thừa.
Như có hẹn với nhau từ trước, toàn khu xóm nghèo bỗng vang lên nhiều tiếng pháo rộn rã. Với cả trăm tiếng đì đẹt, tiếng đùng đùng pha lẫn với tiếng xì xẹt bắn lên cao của pháo thăng thiên, khu xóm bỗng thức tỉnh trong một cơn chiêm bao. Vợ tôi cũng bước ra ngoài sân và đứng yên bên tôi. Tiết đông vẫn còn lạnh buốt da ở ngoài trời, vậy mà nghe những tiếng pháo rộn ràng tôi bỗng nghe vui khôn tả, thấy ấm áp bên trong lớp áo thun mỏng. Tôi có cảm tưởng tất cả những ngôi nhà người Việt trong vùng đều đang đốt pháo mừng xuân đến, còn nếu không thì chắc họ cũng vui mừng và đang nghe “ké” tiếng pháo như vợ chồng chúng tôi. Vợ tôi nói nhỏ trong lúc ép sát mặt vào má tôi, “Họ đốt pháo vui quá anh, làm em nhớ nhà ở Biên Hòa. Mấy anh chị chắc cũng đã đốt pháo cho mấy nhóc tì bên ấy đêm nay. Chắc anh còn nhớ tiếng pháo ở Việt Nam?”
Tôi bỗng thấy thương người Việt mình ở trong xóm, thương những thanh niên “Miên” nhe răng cười mỗi khi bước vào tiệm tìm nhạc Ngọc Lan, thương những bà mê Chế Linh, thương Cha, thương Thày, thương cả người mở nhạc Tuấn Vũ ầm ĩ giữa phố xá quê người. Nhờ có họ, chúng tôi có lại một đêm giao thừa tưởng đã mất từ lâu. Tiếng pháo kéo dài liên tục trong gần mười phút đồng hồ, đưa tôi về lại quê hương sau gần hai chục năm xa cách. Đến khi có nhiều xe cảnh sát chạy lui tới trong vùng, tiếng pháo giảm gần và rồi ngưng hẳn, trả lại bầu trời đêm lạnh lẽo cho vùng bắc Stockton.
Buổi sáng hôm sau, hai bé trai vẫn đi học như thường lệ. Nhà trường Mỹ không cho học sinh Việt được nghỉ Tết. Vợ chồng tôi tưởng có một ngày rảnh rang, tính lái xe đến tiệm xem xét chút đỉnh và rồi đi ăn sáng trong một nhà hàng Mỹ. Nhưng khi lái xe gần đến tiệm, chúng tôi bàng hoàng khi thấy có quá đông người Việt đang lao xao đi lại trong khu Hồng Kông Plaza. Kể từ ngày mở tiệm cho đến nay, tôi chưa bao giờ thấy khu thương xá của mình lại có quá đông người đến như vậy. Họ đứng ngồi khắp nơi, lan tràn từ vỉa hè trước tiệm xuống đến bãi đậu xe ở chung quanh. Tôi có cảm tưởng tất cả người Việt tại Stockton đang tụ tập trong khu thương xá nhỏ bé này. Cũng như tiếng pháo đến bất ngờ đêm giao thừa, tiếng cười nói huyên náo của họ đã khiến cho chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Họ làm gì mà lại tụ tập quá đông trong khu thương xá vào ngày Mồng Một Tết? Có phải đây là hội chợ Tết mà tôi không biết? Hay là tiệm tạp hóa Đông Thành trước tiệm tôi đang bán sale chín mươi chín phần trăm?
Tìm được chỗ đậu xe ở xa và đi bộ đến tiệm, chúng tôi mới biết mọi người đang nhộn nhịp xung quanh hàng chục sòng bài bầu cua cá cọp, xóc dĩa, và những trò chơi mà tôi không biết là gì. Thế ra khu thương xá của chúng tôi đang trở thành một trung tâm cờ bạc của cộng đồng người Việt tại Stockton. Nhiều thân chủ quen thuộc của Thư Quán giờ đây đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè, nhanh nhẹn cầm tay lắc dĩa và thả xuống mấy xí ngầu bầu cua cá cọp. Thấy chúng tôi, có người vẫy tay mời gọi và nói lớn, “Ông chủ vào chơi, đầu năm mà, chơi cái cho vui.” Tôi nghe lời xúi dại, chen chân vào đám đông và thả một tờ tiền xuống mặt bầu. Tuy không trúng bầu mà tôi cũng thấy vui vui trong lòng.
Thấy tiệm bánh mì đang mở cửa và chật cứng khách, tôi liền nói với vợ hãy mở cửa tiệm bán lấy hên đầu năm. Đó là quyết định xuất sắc duy nhất mà tôi có được kể từ ngày làm chủ tiệm sách. Ngay sau khi chúng tôi mở cửa, người ta kéo vào mua băng nhạc và sách nhiều chưa từng thấy. Trong lúc vui và có rủng rỉnh tiền trong túi, nhiều người đã mua hàng lung tung và không trả giá kỳ kèo như trước. Chúng tôi bán được nhiều băng nhạc, kể cả những băng nhạc rất khó bán tại Stockton vào lúc bấy giờ, như nhạc của Tuấn Ngọc, Ý Lan và Vũ Khanh, tức là loại nhạc “Diễm Xưa” vừa cao giá mà bán không chạy. Bà con cầm băng lên, hỏi nhạc có hay không, và thấy tôi gật đầu là họ thảy tiền lên quày. Dễ dàng như chơi bầu cua cá cọp. Nhiều người thắng được một mớ tiền, liền chạy vào tiệm và mua ngay một cuốn tự điển, để khỏi mất tiền khi họ trở lại sòng bài. Mồng Một năm ấy là ngày bán được nhiều tiền nhất trong lịch sử của Thư Quán.
Thế rồi cũng kể từ ngày đó đời sống của chúng tôi càng khó khăn hơn. Sang đến ngày Mồng Hai Tết, có lẽ vì những người Mỹ chung quanh “mét” với cảnh sát, đám đông bầu cua cá cọp bị cảnh sát giải tán sau một tiếng đồng hồ khua lắc om sòm vào buổi sáng. Đến khi vắng tanh khách vào buổi trưa, chúng tôi đóng cửa tiệm và về nhà nghỉ sớm. Từ ngày đầu xuân đó cho tới mùa xuân năm sau, tiệm chúng tôi không bao giờ có lại những ngày buôn bán sầm uất. Tình hình kinh tế đầu thập niên 90 vẫn tiếp tục xuống dốc, trong khi đa số người dân Việt tại Stockton sống nhờ tiền trợ cấp xã hội. Họ chỉ có thể có dư chút ít tiền để mua sách và nhạc vào những ngày đầu tháng và giữa tháng.
Như đã hứa với vợ, sau ngày đầu năm tôi tìm được một việc làm bán thời gian trong học khu Lodi. Mỗi ngày tôi làm phụ giáo trong một lớp mẫu giáo, đến trưa, sau khi ăn một kẹp bánh mì lát trét bơ đậu phụng ở ngoài bãi đậu xe, tôi tiếp tục đến một trường học khác và phụ giảng trong một lớp Anh ngữ dành cho người Lào. Trong lúc tôi làm việc ở trường học, vợ tôi coi tiệm, và đến khi tôi xong việc ở trường học thì tôi thay nàng đứng bán từ buổi trưa cho đến chín giờ tối. Nhờ có việc làm phụ tiền, Thư Quán cũng sống còn được thêm nhiều tháng.
Vào những buổi trưa nhìn ra bãi đậu trống vắng, tôi dành thời giờ để soạn lại mấy bài viết cũ và trình bày thành một tuyển tập truyện ngắn. Cũng nhờ soạn tập sách này mà tôi bắt đầu học được cách trình bày sách bằng máy điện toán và có thêm một nghề để sống tạm. Trong những ngày buôn bán ế ẩm, tôi nhận thêm nhiều dịch vụ để mang lại lợi tức cho tiệm. Một người bạn từ Nam California giới thiệu những loại máy lọc nước mà chúng tôi có thể bán cho người Stockton. Có lẽ vì sáng kiến bán máy lọc nước này đến Stockton quá sớm, sớm trước năm năm, chúng tôi chỉ bán được có ba máy lọc, hai cho bạn bè ở Nam California và một cho chính gia đình chúng tôi. Cũng nhờ bán máy lọc nước mà tôi biết chắc chắn hơn rằng mình hoàn toàn không có khiếu ăn nói và thuyết phục người khác mua hàng. Tôi cũng tập được khiếu kiên nhẫn nhìn người khác lắc đầu và thản nhiên làm ngơ lời mời của mình.
Cũng may còn một dịch vụ khác giúp cho chúng tôi có được lợi tức khá hơn rất nhiều. Đó là dịch vụ gởi thư fax về Việt Nam. Chúng tôi có sắm một máy fax loại rẻ nhất. Vào lúc bấy giờ Cộng Sản Việt Nam chỉ mới dè dặt cho mở cửa đổi mới, và dịch vụ gởi fax của chúng tôi phải đi qua hai, ba trung gian khác tại hải ngoại, trước khi đến nơi nhận tại Việt Nam. Vì thư fax được chuyển nhanh gấp nhiều lần so với thư bưu điện, người Stockton đã ào ào gởi fax về miền Trung, giúp cho Thư Quán được sống thêm nhiều tháng trước khi chúng tôi phải dẹp tiệm.
Quyết định đóng cửa đã đến vào đêm giao thừa thứ nhì của chúng tôi tại Stockton. Đến lúc đó thì gia đình tôi đã có thêm một thành viên thứ năm. Thành viên này là bé gái út chào đời vài tháng trước khi Tết đến. Đứa bé đã đòi ra sớm hai tuần lễ, đúng lúc cha mẹ đang ngồi ăn cơm trưa trong tiệm. Trong lúc vợ nhăn nhó chuyển bụng, tôi vội vàng đóng cửa tiệm và đưa vợ đến nhà thương. Vào nhà thương được một tiếng đồng hồ, vợ tôi sanh đứa bé sau một cuộc giải phẫu. Lúc tôi bế con cho vợ xem, nàng vừa mừng con khỏe mạnh và vừa chê nó xí gái. Mà lúc đó nó xí gái thật, có lẽ vì nó đen và có khuôn mặt giống y hệt như mặt tôi.
Đến đêm giao thừa thứ nhì tại Stockton, bé gái út và hai anh trai đã yên ngủ trong lúc tiếng pháo nổ vang rền khắp xóm. Người Việt mình đang mừng xuân về đó em. Tôi nói với vợ trong lúc hai đứa ngồi ở phòng ngủ và lắng nghe tiếng pháo xa gần khắp nơi. Vài ngày trước khi Tết đến, nhà chức trách địa phương có cho phổ biến lệnh cấm đốt pháo. Thây kệ họ! Xuân về mà không đốt pháo thì đâu có vui, còn gì là Tết nữa. Tôi nghe được lời này từ những người khách ghé đến tiệm. Giữa những tiếng đùng đùng vang dội và xì xẹt bắn lên trời, tôi nắm tay vợ thầm mong một ngày mai khá hơn. Tiếng pháo đang xua đuổi những tà ma xui xẻo trong năm qua và mang đến bình an trong năm mới. Chỉ trong mười phút nổ vang trời đất, tiếng pháo cho tôi một niềm tin và hy vọng mà tôi có thể mang theo suốt đời.
Sang đến ngày Mồng Một sau đó, chúng tôi cũng đến tiệm và không còn thấy đám đông tụ tập chơi bầu cua cá cọp như năm trước. Vài chiếc xe cảnh sát lượn vòng qua lại đã giải thích được sự vắng bóng của sòng bài Tết. Một người quen cho chúng tôi biết sòng bài đã di chuyển đến một nơi khác. Vài tháng sau đó tôi cũng thức khuya nhiều đêm, để chuẩn bị cho một cuộc di chuyển của gia đình. Tôi tháo gỡ các kệ sách và gỡ chữ hiệu “Thư Quán” quen thuộc của tiệm. Hầu hết các băng nhạc được đại hạ giá và bán hết sạch, trong khi sách được đóng thùng và bán lại với giá rẻ cho các nhà xuất bản. Tôi giữ lại một mớ sách cho gia đình, mang theo những miếng ván đóng kệ với hy vọng mở lại một tiệm sách vào một ngày nào đó. Sau khi đưa vợ con xuống trước tại San Diego, tôi trở lại Stockton và chở hết đồ đạc trên một chiếc U-Haul lớn. Đám thanh niên “Miên” hàng xóm có ghé đến và phụ giúp tôi khiêng đồ lên xe. Hình ảnh họ đứng vẫy tay chào mà tôi thấy trong kiếng chiếu hậu là hình ảnh đẹp cuối cùng tôi mang theo từ Stockton.
Đến nay, tiệm sách của tôi không được mở lại, và gia đình tôi đã đến khu phố Bolsa sau khi lưu lạc đến nhiều nơi ở Nam California, từ San Diego, Tustin cho đến Westminster. Trong những ngày khó khăn đó chúng tôi vẫn không quên Stockton. Có lẽ là nhờ chung quanh tôi lúc nào cũng còn những kỷ vật nhắc nhở đến Stockton. Chúng tôi vẫn còn giữ máy fax cũ kỹ mà Thư Quán từng dùng để gởi hàng trăm lá thư về miền Trung. Những miếng ván được tôi cưa đẽo lại và đóng thành mấy kệ sách ở trong nhà. Tuyển tập đầu tiên của tôi cũng còn dăm ba chục cuốn cất trong gác xếp và không thấy bày bán ở ngoài tiệm. Hai đứa trai đã lớn, đang trong tuổi “khủng bố” cha mẹ và có thể “nổ” vào bất cứ lúc nào. Bé út không còn xí gái như trước, nhờ bé bớt giống tôi và mỗi ngày càng giống mẹ nhiều hơn. Tôi thì vẫn xí trai và càng cận thị nặng hơn trước. Có khác là tôi có lên cân chút đỉnh, quần áo không còn rộng thụng như những ngày ở Stockton. Vợ tôi giờ đây đã có một thửa vườn để chăm sóc và để sai bảo tôi trồng cây nhiều hơn.
Vào mùa hè vừa qua, chúng tôi dành mấy ngày nghỉ lễ để lái xe lên tận miền bắc, thăm lại những nơi vẫn còn vài dấu vết năm xưa. Chiếc Cavalier của chúng tôi đã bị tông nát tại San Diego, suýt mang theo mạng sống của tôi, và trong một chiếc Honda rộng rãi hơn, chúng tôi trở về Stockton vào một ngày hè nắng cháy. Trên những con đường quen thuộc, từ Pacific Avenue băng qua Hammer Lane đến Thorton, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà xưa trên đường Pawnee Way. Tôi còn nhớ dàn hoa bìm tím ngát xen lẫn màu trắng, rợp mát một góc sân dưới ánh nắng cháy của Stockton, và tôi nhớ cả những ngôi nhà ở chung quanh mà hai đứa con trai từng đến xin kẹo trong đêm Halloween. Chúng tôi ghé qua trường học của hai con, đến con suối đông đá và những khu phố có dăm ba tiệm của người Việt. Tất cả vẫn còn đó, trong khi chúng tôi đã trở thành những người từ phương xa.
Đường về Stockton của chúng tôi đã không tránh được con đường Benjamin Holt rẽ vào khu Hồng Kông Plaza năm xưa. Toàn thể ba dãy tiệm thương xá đã được bán cho một trường luật ở bên cạnh. Tất cả các hàng quán đã biến mất, để lại mấy lớp học không người giữa một bãi đậu xe vắng vẻ. Những vỉa hè từng có nhiều sòng bầu cua đông đảo người vui Tết giờ đây hoàn toàn im vắng dưới ánh nắng trưa tháng Tám. Tiệm bánh mì, tiệm cắt tóc, tiệm tạp hóa và tiệm sách chỉ còn những bàn ghế và bảng đen im lìm. Tôi đứng sát cửa kiếng tiệm sách năm xưa và nhìn vào bên trong. Phòng nhỏ đã được tháo gỡ và trên tường không có vết tích của những kệ sách. Bên ngoài cửa tiệm, trong lúc ba đứa trẻ chạy chơi giữa những bóng cây, tôi còn thoáng thấy dấu vết chữ “Thư Quán” bên dưới lớp sơn mới đè lên trên. Tôi đã từng nện đinh và đóng chặt chữ vào nền gỗ, với những nhát búa đậm đà say mê. Dấu vết của chữ ấy rất khó xóa khỏi mặt gỗ và trong ký ức tôi.
Cũng như những ngày thường khác tại Stockton, hôm trở về ngắn ngủi ấy chúng tôi không gặp được một bóng người Việt nào ở ngoài đường. Tôi biết người mình ở đây rất đông. Tôi từng thấy họ vui chơi trong ngày Tết, tôi đã nghe họ reo vui đốt pháo trong đêm giao thừa. Tôi chỉ mong gặp lại một ai đó, để hỏi rằng người mình ở đây có còn đốt pháo trong đêm giao thừa nữa không. Ở đây cũng như ở Việt Nam, người ta đã cấm không cho đốt pháo mừng năm mới. Vì một lý do nào đó, tôi tin rằng người mình tại Stockton vẫn tiếp tục đốt pháo trong giờ phút thiêng liêng ấy. Nếu có đến Stockton vào dịp Tết Nguyên Đán và được nghe tiếng đốt pháo vào nửa đêm, bạn là người rất may mắn. Chúng tôi đã được may mắn nghe tiếng pháo đêm giao thừa tại Stockton. May mắn đến hai lần.
Mùa xuân 1999
(trích Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Văn Nghệ phát hành năm 2000, Thư Hương tái bản lần thứ nhất năm 2004, California, Hoa Kỳ)