Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 3 [phần 3])

(Tiếp theo chương 3 [phần 2])

THẠCH CHƯƠNG

Thạch Chương là bút hiệu của nhạc sĩ Cung Tiến, tên thật là Cung Thúc Tiến, khi viết lý luận âm nhạc ông ký tên Cung Thư. Cung Tiến sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938 tại Hà Nội, ông đã sáng tác ca khúc từ lúc đang học trung học trước khi di cư vào Nam năm 1954. Ông từng du học ở Anh về ngành kinh tế và một thời gian phục vụ trong quân đội. Sau năm 1975 ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã dịch: Hồi ký viết dưới hầm của F. Dostoievski, Một ngày trong đời Ivan Denissovitch của A. Soljenitsyne, và nhiều thơ văn của các tác giả nước ngoài. Về ca khúc ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Thu vàng, Hương xưa,… Ông đã phổ nhạc thơ của Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương,…

Thạch Chương cộng tác với Sáng Tạo từ rất sớm, ông viết nhiều tiểu luận, thơ và văn xuôi. Về sáng tác của Thạch Chương trong Sáng Tạo có:

  • Tôi khóc đêm nay (9)
  • Đòi sống (22)
  • Đối thoại (28-29)
  • Sonnet (30)
  • Mây biển (2 bộ mới)
  • Mắt nhọn (7 bộ mới)

Sau đây là lược trích một truyện ngắn của Thạch Chương in trong tạp chí Sáng Tạo số 4 bộ mới tháng 10 năm 1960.

TINH CẦU

 

Thoa tì bụng vào góc bàn và nằm nguyên như vậy trong hương thơm hoa lá của buổi chiều đang đi ngủ tràn lùa vào cửa sổ, trong bóng tối xanh xanh như mắt yêu tinh hắt xuống từ trên trời, trong niềm hoan lạc điên dại làm tê liệt mọi thớ thịt mọi tế bào mọi huyết quản.

 

Chiều đi mất và Thoa tỉnh dậy. Gió lạnh bên ngoài luồn qua cửa sổ sờ soạng da thịt Thoa như những bàn tay ma. Thoa ngẩng đầu nhìn lên trời. Những vì sao. Những vì sao trông như những âm thanh cao chót vót của một carillon. Trông và nghe chính là một. Những âm thanh sáng sủa ngàn triangles nhỏ. Thoa nhỏm dậy khỏi góc bàn và ngồi xuống ghế. Gió lạnh vuốt ve tóc Thoa cổ Thoa môi Thoa. Thoa vòng tay ôm lấy thân mình. Đêm xuống nhanh rất yên ổn. Mọi người đi ngủ rồi hay sao thế nhỉ. Mấy giờ rồi Thoa không biết. Không, có lẽ cả nhà đi xem chớp bóng. Mấy giờ rồi. Thoa quờ quạng tìm đồng hồ. Mới chín giờ mấy.

 

Thoa ngẩng đầu nhìn lên trời. Những tinh cầu. Thoa ước mong được trở nên một thiên cầu như thế. Để không bao giờ hỏi, không bao giờ nói. Lặng yên vô tình di chuyển. Hay di chuyển cũng là một cách nói? Nhưng Thoa ao ước được chia sẻ cách nói ấy bao nhiêu!

 

Thoa thấy mình đứng thoắt dậy. Ra tủ. Mở tủ. Lấy áo dài mặc. Mở cửa phòng. Đi ra đường.

 

Buổi tối yên tĩnh lạ thường. Đèn ngoài phố xanh lét như ánh trăng. Thoa chậm rãi đi sát vào tường dọc lên phố. Có một người, một thằng đàn ông lộp cộp tiến lại trước mặt Thoa. Thoa túm lấy cra-vát mà hỏi:

–           Ông chỉ cho tôi đường nào gần nhất.

Hắn lặng lẽ lấy tay gỡ tay Thoa ra, vuốt lại cra-vát, rồi trỏ tay ra phía sau hắn, không nói. Thoa cảm ơn rồi đi, còn nghe tiếng giầy hắn khô khan đằng sau mình. Lạnh và yên tĩnh. Đường phố vắng tanh.

(…)

 

Chạy được một hồi lâu, Thoa thấy có một chiếc xe ngựa đi chầm chậm ở đằng trước, ngược lại phía Thoa. Thoa chạy chậm lại và để ý nhìn. Đó là một chiếc xe đưa ma. Thoa bước từng bước một. Bốn con ngựa mặc áo đen cúi đầu đi từng bước, từng bước đều nhau, Thoa không nghe thấy tiếng chân ngựa, mà chỉ thấy chân chúng giơ lên giơ xuống theo nhau rất đều đặn. Xe tang đồ sộ yên lặng theo sau. Thoa đứng lại và cố xem ảnh ai trên quan tài, nhưng chỉ thấy một khung gỗ trống không, ở trong có treo bằng dây một hàng chữ in rất to. Thoa không nhìn rõ chữ gì. Nàng bước theo xe tang và tiến gần lại, kiễng chân và ngẩng cổ nhìn linh cữu thì thấy có chữ TEHC. Nghĩ mãi không hiểu là gì, nhưng thoáng một lúc, Thoa mới nhận ra rằng nàng đã nhìn ngược phía chữ CHẾT…

(…)

 

Ra đến cổng. Thoa thấy Thoa đang cúi đầu buồn bã đi chậm chạp ở bên kia đường. Thoa gọi to: Anh Thoa! Anh Thoa! Nhưng Thoa không hề nghe thấy tiếng nàng. Thoa lấy hết sức gọi to lần nữa: Thoa! Anh Thoa! Nhưng Thoa vẫn không nghe thấy tiếng nàng. Nàng cũng không nghe thấy tiếng mình. Thoa vẫn cúi đầu đi lặng lẽ và buồn bã. Thoa đứng lại tần ngần.

(…)

 

Thoa không cảm thấy lạnh nữa. Rượu đốt nóng dạ dày nàng. Người nàng nóng bừng. Thoa cố chạy kịp Thoa để xem kỹ mặt hắn ra sao, và làm lành với hắn, xin lỗi hắn chuyện Thoa mắng dạo nọ, để hai người bắt đầu yêu nhau. Nhưng nàng không tài nào đuổi kịp. Thoa càng chạy nhanh bao nhiêu thì Thoa lại càng chạy nhanh bấy nhiêu. Lúc hơi mệt, Thoa chậm lại, thì hắn cũng chậm lại.

 

Đến một quãng phố sau, Thoa cảm thấy trong người nóng ran. Thoa cởi áo dài vứt đi và chạy tiếp. Chỗ này con phố đã hết, nó dẫn tới một bờ biển. Hai người yên lặng chạy theo bờ cát dài trong tiếng sóng biển rì rào…

(…)

 

Tai nàng ù, nàng không nghe thấy gì, ngoại trừ tiếng sóng nói chuyện ào ạt với gió, và sương mù phả vào da thịt nàng từng khối. Thoa không nghĩ gì. Cả hiện sinh của nàng lênh đênh như một hòn đảo. Như một tinh cầu, phải rồi, như một tinh cầu. Chân Thoa lướt trên bờ cát nhẹ và nhanh thoắt. Thoa là mây. Không. Thoa là tinh cầu chứ. Nàng cúi xuống thân thể trắng xanh của nàng. Thoa bỗng dưng sung sướng ngột ngạt cơ thể. Nhưng đồng thời nàng cất tiếng khóc nghẹn. Nàng khóc nấc. Thoa không tài nào đuổi kịp Thoa. Không bao giờ chăng? Nàng cố chạy nhanh hơn và cất tiếng gọi: Anh Thoa! Anh Thoa của em. Nhưng vô ích, tiếng nàng rơi mất vào tiếng sóng và gió…

(…)

 

Và bây giờ mười ngón chân nàng là nguồn suối máu nhỏ, đôi mắt là hai nguồn suối máu lớn đồng thời Thoa thấy Thoa đã chạy chậm lại và gần hơn.

 

Và gần hơn nữa, còn độ mười bước, trời ơi tượng đồng Hy Lạp là anh Thoa chỉ thiếu một ngọn đuốc là đủ biến anh thành một lực sĩ hay một Prométhé có phải thế không nhỉ anh Thoa ngọn lửa của em. Năm bước bốn bước ba bước một. Và đây rồi.

 

Thoa của Thoa đứng dừng lại mệt lả. Chàng giơ hai tay lên trời như hai cánh bướm và loạng choạng ngã úp xuống mặt cát. Thoa hoàn toàn kiệt sức. Nàng chậm chạp bước lại và ngã quỵ xuống ôm choàng lấy thân thể Thoa. Hai thể xác nằm úp lên nhau lạnh lùng. Tóc Thoa xõa rũ rượi.

 

Sương mù bỗng tan đi hết. Trăng sáng vằng vặc như thủy tinh. Sóng dạt dào và đồ sộ. Hai thể xác nằm úp lên nhau lạnh lùng trong một bản hòa tấu rất hùng vĩ rất đồ sộ của đại dương.

 

QUÁCH THOẠI

Quách Thoại cho in thơ trên Sáng Tạo từ số 2 tháng 11 năm 1956, liên tục trong năm số báo gồm những bài sau đây:

  • Xanh (2)
  • Cờ dân chủ (3)
  • Giấc ngủ đêm xuân (5)
  • Tôi quét (6)
  • Đường Tự Do (7)

Tạp chí Sáng Tạo số 16, tháng 1 năm 1958 với bài viết: Thoại ơi! Thoại ơi! Không Biết Khóc, Thanh Tâm Tuyền cho biết Quách Thoại đã qua đời (Quách Thoại mất ngày 7 tháng 11 năm 1957). Cùng trong số báo 16, Duy Thanh và Thanh Tâm Tuyền đã sao lục và cho đăng tải 5 bài thơ của Quách Thoại. Sau đó Sáng Tạo cho in tiếp một số thơ của Quách Thoại trong các số 17, 19, 21, 23. Tới Sáng Tạo số 26 tháng 11 năm 1958, Mai Thảo viết về Quách Thoại trong bài: Họp mặt ngày giỗ bạn.

Tới tạp chí Sáng Tạo số 5 bộ mới tháng 11 năm 1960 đã dành những trang đặc biệt kỷ niệm Quách Thoại với những bài viết của Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Hồ Nam, Ngọc Dũng, Lý Hoàng Phong, Mai Thảo, cùng lúc cho đăng tải 5 bài thơ rút trong tập Những bài thơ tình đầu tiên của Quách Thoại.

Năm 1963, Tạp Chí Văn Nghệ xuất bản tập thơ Giữa lòng cuộc đời, đây chỉ là một phần trong số những tác phẩm mà Quách Thoại để lại. Sau đây là liệt kê những tác phẩm của Quách Thoại in trên Sáng Tạo sau khi ông qua đời:

  • Tôi khóc – Chiều tận thế – Ta úp mặt – Thược dược – Liêu vắng (16)
  • Chiều tiễn biệt – Trăng thiếu phụ (17)
  • Những tiếng giày (19)
  • Đêm (21)
  • Hương Giang dạ nguyệt (23)
  • Những bài thơ tình đầu tiên: Mặt hồ – Ta chỉ thấy – Trăng trăng – Hãy trở về – Chiều thương nhớ (5 bộ mới)

Sau khi Quách Thoại qua đời nhiều tác giả đã viết về ông, làm thơ tưởng niệm ông. Dưới đây chúng ta hãy đọc những dòng đã viết về Quách Thoại của những người bạn của ông in trong Sáng Tạo số 5 bộ mới:

THANH TÂM TUYỀN: Thoại có một giọng đọc thơ đặc biệt trước kia tôi ưa nhại, hôm nay tôi quên hẳn không thể nào lập lại được nữa. Tôi đồng ý với Thoại: Những người chết đi là chết đi, rồi một ngày nào chúng tôi, những người còn sống, dần dần quên lãng những kỷ niệm riêng tư về Thoại cũng là tự nhiên. Nhưng lúc ấy, theo ý tôi, người chết chính thực được giải thoát khỏi mọi cùm xích của bè bạn thân thuộc, một mình hoàn toàn tự do và cô đơn đến với những kẻ xa lạ chỉ bằng tác phẩm. Đó là giờ phút ước ao, ở đấy hình ảnh thi sĩ chỉ còn tìm thấy được trong tác phẩm của người.

 

TRẦN THANH HIỆP: Thoại đã chết. Nhưng đời sống vẫn còn đó, đêm vẫn còn đó. Thoại đã làm cho tôi càng cảm thấy đêm thật là cần thiết cho sự ngó nhìn sự sống. Vì cái ánh sáng đặc biệt của nó có thể cho nhìn thấy nhiều sự thật mà ánh sáng của ban ngày che phủ rất kín. Như sự sống của thể xác che đậy cái chết của linh hồn.

 

DUY THANH: Nghĩ lại đã ba năm Quách Thoại mất đi lúc thì thấy gần, lúc thì thấy xa. Có điều chắc chắn là sự hiện diện tinh thần của chàng thấy gần lắm. Thành thử đó cũng là cách để đôi khi tưởng tượng là Thoại không chết. Có một cái gì tồn tại ít ra cũng trong lòng của mình một cách rất lạ. Không biết cảm giác ấy với những người quen khác của Thoại thì có giống tôi chăng.

 

MAI THẢO: Tiếng thơ ấy, tôi muốn ví như một cái cây, kẻ làm chủ nó đã lấy xương tủy máu huyết mình làm phân bón, khi đã lớn mạnh vững thẳng thì kẻ đó cũng chết. (…) Kỷ niệm năm thứ ba ngày nằm xuống của Quách Thoại, tôi muốn gửi về cho Quách Thoại một tin vui: Thơ hôm nay của chúng ta đã lớn lắm. Những nhà thơ của chúng ta đã lớn lắm. Trong ý thức. Trong thái độ. Trước đời sống… Trên cái khuôn mặt rực rỡ đang rửa sạch những phấn son xưa cũ, tôi thấy có Quách Thoại. Có thơ Quách Thoại. Nó không phải là cái đỉnh, cái ngọn. Nhưng nó là cái gốc cái nền…

Sau đây là hai bài thơ của Quách Thoại in trên Sáng Tạo số 16 tháng 1 năm 1958:

TÔI KHÓC

 

Ôi! con người thế kỷ ở trong tôi

Đã cất xong ngôi mộ cạnh hồn đồ

Mà thiên đàng hiển hiện ngự trên ngôi

Cho nên tôi khóc, tôi khóc hoài không thôi.

 

 

THƯỢC DƯỢC

 

Đứng im ngoài hàng dậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoáng nghe em hát

Lời em ca thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu

 

DOÃN QUỐC SỸ

Doãn Quốc Sỹ đã gặp Thanh Tâm Tuyền từ ngay những ngày đầu khi vào Nam, đã cộng tác trên diễn đàn Người Việt, ông đã lên tiếng về nhiều vấn đề văn hóa, giáo dục, âm nhạc. Riêng về lãnh vực sáng tác ông là người có lượng tác phẩm xuất bản có lẽ nhiều nhất trong số 8 tác giả của Bộ biên tập tạp chí Sáng Tạo. Ngay trên tạp chí Sáng Tạo ông là người đầu tiên cho in truyện dài. Không chỉ miệt mài sáng tác, ông còn dốc sức cho việc xuất bản tác phẩm của mình và những thân hữu. Sau đây là những sáng tác của ông trên tạp chí Sáng Tạo:

Truyện ngắn:

  • Cánh đồng mùa xuân (5)
  • Chiếc chiếu hoa cạp điều (6)
  • Cái chết của một người (7)
  • Gìn vàng giữ ngọc (9)
  • Trạng Quỳnh đi sứ (10)
  • Trăng sao – kịch (12)
  • Đoàn quân xung phong (14-15)
  • Căn nhà hoang (16)
  • Hồ Thùy Dương (17)
  • Sách ước (22)
  • Khu vườn bên cửa sổ (23-24)
  • Tiền kiếp (25)
  • Bão vũ trụ (27)
  • Hương nhân loại (28-29)
  • Đại học xá (1 bộ mới)
  • Người ôm mùa xuân nguyên vẹn (6 bộ mới)

Truyện dài:

  • Dòng sông định mệnh (từ số 18 đến 21)
  • Vỡ bờ (từ số 2 bộ mới đến 5 bộ mới)
  • Đoàn người hóa khỉ (in được hai kỳ thì ngừng, số 30 và 31)

Doãn Quốc Sỹ viết truyện ngắn từ trước khi chiến tranh bùng nổ, văn của ông không mới so với những bạn đồng hành, nhưng truyện của ông bám chặt lấy cuộc sống thời đại, một thời đại lửa đạn và chết chóc. Qua ngòi bút của mình, Doãn Quốc Sỹ đã cho người đọc thấy tinh thần nhân hậu, lòng yêu thương cuộc sống, sự hồn nhiên, trong sáng, cái thiện trải khắp trên những trang chữ của ông.

Dưới đây xin lược trích truyện ngắn Chiếc chiếu hoa cạp điều của Doãn Quốc Sỹ in trong Tạp chí Sáng Tạo số 6. Truyện ngắn này như một tự truyện lấy bối cảnh là cuộc sống của gia đình tác giả và đồng bào trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng châu thổ sông Hồng, mọi người tản cư ra khỏi vùng lửa đạn:

CHIẾC CHIẾU HOA CẠP ĐIỀU

 

(…)

Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thành đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn sửa soạn Tết.

 

Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.

 

Trưa hôm đó, mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.

 

Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”

 

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới được thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy chiếc bít tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc dây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm 30 Tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người, mắt ai cũng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu: “Chuẩn bị tổng phản công”. Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.

 

Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau lên mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp Tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhổm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

–           Chiếc chiếu này của tôi!

Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng, y như sự phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến. Người nói:

–           “Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi…”

Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ. Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn dưới nách rồi thản nhiên nói:

–           Không, chiếc chiếu này của tôi. Tôi mua đôi chiếu cạp điều này từ năm mới tác chiến một chiếc còn trên kia.

 

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về, vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.

 

Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết hết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:

–           Chiếc chiếu này mẹ tôi mua của một người ở chợ Lầm (ý tôi muốn nói người đó lấy chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).

 

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:

–           Không, chiếc chiếu này của tôi!

Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng. Tối hôm đó khi thấy tôi lấy cái chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

–           Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp Tổng phản công rồi!

“Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!” – mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang, độc lập, để mọi người được trở lại quê hương yên vui.

(…)

 

DUY THANH

Thanh Tâm Tuyền khi đang làm tuần báo Người Việt gặp được Quách Thoại, Quách Thoại giới thiệu những người bạn của mình với Thanh Tâm Tuyền, trong đó có Duy Thanh. Vì gặp muộn nên không có sự góp mặt của Duy Thanh trên tờ Người Việt. Trình bày và minh họa tờ báo lúc đó do họa sĩ Duy Liêm trông nom.

Duy Thanh sinh trưởng tại miền Bắc, trước năm 1954 ông theo đuổi ngành hội họa với các họa sĩ tại Hà Nội như Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái,… Từng có cuộc triển lãm ba người trong đó có Duy Thanh và Ngọc Dũng tại nhà triển lãm phố Hàng Trống, Hà Nội. Di cư vào Nam, ông tiếp tục vẽ. Trong thời gian từ cuối thập niên 1950 và thập niên 1960 ông có nhiều cuộc triển lãm tại Sài Gòn. Ở thời điểm này, Duy Thanh là một trong những người đi đầu của trào lưu làm mới hội họa Việt Nam.

Nguyễn Trung đi coi phòng triển lãm của Duy Thanh tại Sài Gòn vào đầu năm 1958 đã viết về phòng triển lãm này như sau:

Cuộc triển lãm sơn dầu và bột màu của Duy Thanh tại trụ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội quyến rũ một số đông người xem.

 

Điều người ta cởi mở là tính cách sáng tạo của cuộc triển lãm này. Duy Thanh đang tìm một đường lối mới. Có lẽ họa sĩ đang thí nghiệm vì trong phòng tranh, những tác phẩm không theo một đường lối duy nhất. Người ta thấy hai lối rõ rệt: một của cá nhân nghệ sĩ tuy có phơn phớt cái “chất Matisse” và một nghiêng về nghệ thuật Trừu Tượng. (…) Duy Thanh chú trọng rất nhiều về đường nét và màu sắc. Màu sắc trên tay Duy Thanh khi thì huy hoàng và nhiều tương phản, khi thì mơ màng và hòa hợp. Có nhiều sắc do sự pha trộn rất đẹp, nhất là ở những bức sơn dầu. Hình thể đối với Duy Thanh chỉ là phương tiện trang hoàng sắp đặt và được giới hạn bởi những đường nét đậm. Điều này cũng như sự phân phối màu sắc rất hay ở những bức tĩnh vật bằng bột màu khiến ta nghĩ đến Matisse. Như vậy không phủ định giá trị nghệ thuật của tác phẩm Duy Thanh. Chính cái bút pháp phóng túng độc đáo của họa sĩ mới là điều đáng kể.

 

Đi xem phòng triển lãm Duy Thanh, một người bạn hỏi tôi: “Sao không thấy đề tài?”. Tôi nghĩ có lẽ họa sĩ muốn dẫn chứng quan niệm “nghệ thuật không có giải thích” của mình. (Bài: Nói về hội họa, Sáng Tạo số 8). Người bạn lại nói: “Duy Thanh lập dị quá”. Tôi không đồng ý mà nghĩ rằng có lẽ họa sĩ muốn sáng tạo một đường lối cá nhân mình. Hầu hết các tác phẩm là phản ảnh nội tâm nghệ sĩ. Duy Thanh gần như quên lãng cái xã hội quanh mình.

 

Tác dụng cuộc triển lãm này có lẽ là gây một không khí sáng tạo cho nền hội họa trong nước.” (Sáng Tạo số 19 tháng 4 năm 1958)

Trong lãnh vực hội họa, Duy Thanh có một chỗ đứng riêng. Không ngừng lại ở đó, ông còn làm thơ và viết văn, tham dự những cuộc thảo luận về nghệ thuật. Khi Mai Thảo chủ trương tạp chí Sáng Tạo, Duy Thanh góp mặt ngay từ những số báo đầu tiên và sau là một trong tám người của Bộ biên tập Sáng Tạo bộ mới. Ngoài tạp chí Sáng Tạo ông còn cộng tác với các diễn đàn khác như: Thế Kỷ 20, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Thế Hệ, Việt Chiến,… Có lẽ vì ông đã có tên tuổi trong giới hội họa nên ít người thấy những đóng góp của ông trong lãnh vực đổi mới văn chương. Duy Thanh làm thơ, viết văn. Thơ văn của ông cho thấy sự khác biệt của những cây bút hôm nay với dòng nghệ thuật cũ. Truyện ngắn của Duy Thanh đã góp phần làm chắc vững cho hàng ngũ những cây bút trẻ khao khát đổi mới. Qua những bài viết của Duy Thanh và những phát biểu của ông về nghệ thuật, chúng ta còn thấy ở đó một nối kết đương nhiên của các ngành nghệ thuật với nhau, và người sáng tác không những chỉ gắn kết với nghệ thuật mà còn không được xa rời thời đại của mình.

Theo như ghi chú trong hai trích đoạn văn xuôi in trên tạp chí Hiện Đại và Thế Kỷ 20, Duy Thanh còn viết truyện dài Những kẻ độc hành. Tập truyện ngắn Lớp gió là tác phẩm duy nhất đã được nhà An Tiêm xuất bản. Sau tháng 4 năm 1975, Duy Thanh cùng gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ và gần như ông không còn hoạt động nghệ thuật.

Sau đây là những sáng tác của Duy Thanh trên tạp chí Sáng Tạo:

Truyện ngắn:

  • Khép cửa (3)
  • Đống rác (5)
  • Giấc ngủ (17)
  • Thằng Khởi (21)
  • Cầu thang (22)
  • Sợi dây (26)
  • Chiếc lá (1 bộ mới)
  • Lớp gió (2 bộ mới)

Thơ:

  • Hoang (7)
  • Em đã nghe gì trong bài thơ hôm nay (9)
  • Bức thư tình số 13 (11)
  • Khung cửa – Dòng sông (12)
  • Bài thơ Nga (15)
  • Thơ của một người – Những bài thơ chữ một (17)
  • Điệu buồn (23)
  • Câu hỏi – Thu (24)
  • Bài thơ trong phố vắng – Tím – Khoảng cách – Hành trình – Sương (25)
  • Thời gian – Đêm (26)
  • Xuân – Một mình – Giản đơn (28-29)
  • Bài thơ sầu tám khúc (3 bộ mới)
  • Chân dung – Hy vọng – Giã từ (4 bộ mới)

Dưới đây là hai bài thơ của Duy Thanh in trên Sáng Tạo:

 

HOANG

 

Trinh nữ ơi mùa ngọc dãi men tơ

Nhớ nhung chi ai đương bận hững hờ

Vườn xanh quá nhạc chiều vương mắt lệ

Long lanh nhìn hiu hiu màu nắng xế

Xa xôi nhiều hồn ai đang bơ vơ

Có ai đi xin vì ai đợi chờ

Quạnh quẽ dâng hồn lạc bước chậm rồi

Ngành mai mềm sương ngủ lạnh tình thôi.

(Sáng Tạo số 7 – 4/1957)

 

CHÂN DUNG

 

hai cánh tay trần trụi giơ lên

cặp mắt mở tròn không chớp

có nghe những tiếng kêu rừng rú trên làn da

như thú dữ chạy dài ngàn khuya lửa cháy

hãy nhìn lên nhìn lên sẽ thấy

chiếc đầu kia gối trên những ngôi sao lạ bồng bềnh

hai cánh tay duỗi dài thẳng mãi

và mồm kia cứ mãi nín câm.

(Sáng Tạo số 4 bộ mới – 10/1960)

 

THÁI TUẤN

Thái Tuấn cộng tác với tạp chí Sáng Tạo ngay từ những số đầu, qua những bài viết, ông giới thiệu những trường phái, lịch sử và những biến đổi không ngừng của hội họa Tây Phương. Cùng lúc ông góp bàn về thưởng ngoạn nghệ thuật. Với tư cách là một họa sĩ, ông phê bình và giới thiệu những cuộc triển lãm nghệ thuật ở Sài Gòn. Thái Tuấn là một thành viên của Ban biên tập tạp chí Sáng Tạo bộ mới.

Thái Tuấn sinh năm 1918 tại miền Bắc Việt Nam, sau năm 1954 ông sống tại miền Nam và tham gia vào sinh hoạt nghệ thuật, ông tự học và theo ngành mỹ thuật. Triển lãm đầu tiên của ông tại Sài gòn năm 1958 ở trụ sở Alliance Francaise. Tranh ông còn được triển lãm tại nhiều nước khác như Ba Tây, Hoa Kỳ, Canada, Pháp,… Một thời gian sau tháng 4 năm 1975 ông rời Việt Nam sang sống tại Pháp, sau đó ông trở về Việt Nam và mất ngày 26 tháng 9 năm 2007.

Dưới đây chúng ta cùng đọc một bài thơ của Thái Tuấn in trong tạp chí Sáng Tạo số 28-29 tháng 1 và 2 năm 1959:

SÁNG TẠO

 

Tôi vẽ một bức tranh

Cũng không khác, khi anh

vòng tay ôm người đẹp

Ý mung lung chưa thành

 

Ý niệm của yêu đương

Hình thành là chiếc gương

Anh soi mình. Trong đó

đời muôn vạn mảnh đường

Tôi tự đi tìm tôi

Trong tiềm thức xa xôi

Tạo muôn từng vũ trụ

Mong hiểu thêm con người.

 

Và nếu trong bức tranh

Anh không tìm được anh

Tìm tôi chi cho mệt

Bằng lòng: một màu xanh.

 

TRẦN THANH HIỆP

Trần Thanh Hiệp là một trong mấy người bạn đồng hành với Thanh Tâm Tuyền ngay từ những bước đi đầu tiên. Trên tờ Sáng Tạo ông đã viết nhiều tiểu luận bàn về tư tưởng, văn hóa và những vấn đề đặt ra cho văn nghệ mới. Trần Thanh Hiệp từng cộng tác với nhiều báo, từng lên diễn đàn với những vấn đề xã hội và văn hóa Ông là một người trong Bộ biên tập tạp chí Sáng Tạo bộ mới.

Trần Thanh Hiệp sinh năm 1928 tại miền Bắc, năm 1954 di cư vào Nam hoạt động trong Hội sinh viên. Ông theo học ngành luật, sau khi tốt nghiệp ông hành nghề luật sư tại Sài Gòn. Sau tháng 4 năm 1975 ông sống tại Pháp. Ông đã cho xuất bản Tiếp nối (Tiểu luận, 1965), Vào đời (Thơ, 1966), Ngày cũ (Tập truyện, 1966). Về những sáng tác in trên Sáng Tạo gồm có:

Truyện:

  • Những người đi trong tình cờ (14)
  • Tuổi trẻ ( 17)
  • Ý nghĩa (25)
  • Ngày cũ (28-29)
  • Để chúng ta được thấy mặt nhau (1 bộ mới)

Thơ:

  • Say những chuyến mùa đi – Chắp nối – Bài thơ yêu (2)
  • Đêm phố Delhi (4)
  • Himalaya (5)
  • Cảm xúc (11)
  • Bài chiến ca ánh sáng (17)
  • Tôi còn đi nữa (22)
  • Sân khấu (23)
  • Bài ca của những người trở về – Tiếng nói (25)
  • Độc thoại – Thuộc về em (3 bộ mới)
  • Giữa hai người (4 bộ mới)

Sau đây là bài thơ Tiếng nói của Trần Thanh Hiệp in trong Sáng Tạo số 25 tháng 10 năm 1958.

 

TIẾNG NÓI

 

Em đã đi những chuyến thật xa

Có thể xa mãi tới đường chân trời

Quên anh hay không kịp từ biệt

Kinh hãi bọn giặc cướp giữa ngày

Hung dữ hơn bầy sói

Xâm chiếm phố làng

Những tràng đạn tấn công

Em chạy trốn một mình

Kinh thành thật nhiều ánh sáng

Nhưng đêm vẫn tối đen và nhiều bóng hình hoảng sợ

Em thiếp ngủ bờ đại lộ xanh bóng cây

Mỗi khi nắng thật vàng chỉ đẹp với người làm thơ

Hay run rẩy góc mái hiên

Mưa tuyết lạnh lần áo mỏng

Có giòng sông nước chảy rất buồn

Cho em bờ đá chiều ngồi khóc quê hương

Những con tàu xuôi chậm nước trắng

Hôm nay em trở về

Bàn chân rớm máu

Nhưng năm cửa ô giới nghiêm

Căn nhà cuối cùng đã bị chiếm đóng

Người lính canh hàng rào thép lưỡi lê

Bóng đen sẫm ngã dài thành phố

Thôi em hãy tới anh băng bó

Chúng ta còn có đôi bàn tay

Để chúng ta úp mặt

Và khóc nức nở.

 

NGUYỄN SỸ TẾ

Nguyễn Sỹ Tế là tên thực được dùng để ký dưới những bài tiểu luận văn học, nhưng dưới những sáng tác thơ văn và dịch những áng văn chương nước ngoài sang Việt ngữ thì Nguyễn Sỹ Tế (N.S.T) là Người Sông Thương (N.S.T.).

Nguyễn Sỹ Tế viết cho tạp chí Sáng Tạo ngay từ số báo đầu, khi Sáng Tạo ra bộ mới ông là một thành viên của Bộ biên tập và luôn có mặt trong những cuộc thảo luận nghệ thật.

Nguyễn Sỹ Tế không chỉ viết cho Sáng Tạo, ông còn viết cho nhiều tạp chí khác như Thế Kỷ Hai Mươi, Nghệ Thuật, Văn Nghệ,… Trên tạp chí Văn Nghệ số 1 tháng 2 năm 1961, Nguyễn Sỹ Tế có cho đăng tiểu thuyết phiêu lưu trào lộng Hai chàng làm việc nước, nhưng chỉ mới in được hai hồi thì ngừng. Dưới đây là những sáng tác của Nguyễn Sỹ Tế:

Người Sông Thương trên Sáng Tạo:

  • Sự bí mật của đời nàng (5)
  • Trời xanh con chim nhỏ (6)
  • Người bỏ quên (8)
  • Chuyến xe lô (11)
  • Người lữ hành trong thành phố chúng ta (12)
  • Kinh thành – Nhớ biển (17)
  • Chuyến xe chiều – Nghẹn ngào – Khúc hát một bức tranh (thơ) (20)
  • Quyển sách (23)
  • Con đường (24)
  • Chị tôi (thơ) – Mái đầu những Hà Nội (25)
  • Tạp luận (26)
  • Nghĩ thầm (28-29)
  • Chờ sáng (30)
  • Giữa hai giấc ngủ (1 bộ mới)
  • Lên đèn (3 bộ mới)
  • Chết trong tâm hồn (5 bộ mới)

Dưới đây là lược trích truyện ngắn Người lữ khách trong thành phố chúng ta in trong Sáng Tạo số 12 tháng 9 năm 1957 ký tên Người Sông Thương:

NGƯỜI LỮ KHÁCH TRONG THÀNH PHỐ CHÚNG TA

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn phân vân không biết gọi nhân vật của tôi như thế nào: gọi là cô không thôi hay phải thêm chữ “bé” nữa. Nói về vóc người tất nhiên cô không bé mà còn vượt tầm người lớn nữa: mình dài, cẳng dài trên một chiếc xe đạp đàn bà cũ lùn tịt. Ác một cái mặt cô non choẹt chỉ vào hàng nữ sinh đệ lục hay đệ ngũ là cùng, nghĩa là bất quá mười lăm mười sáu tuổi đầu.

 

Tôi đã để ý tới cô bé ấy từ hôm tôi dọn nhà tới đây. Tôi đang trông coi cho người nhà khuân vác đồ đạc thì cô bé dắt xe đạp đi ngang qua, lụp xụp trong một chiếc nón lá quai đen. Phải nói rằng ở cái phố cụt, không buôn bán và ít người qua lại này việc một người dọn nhà đến hay đi là một “biến cố” khá lưu ý con mắt của nhiều người tò mò hay không. Cô bé lách xe một cách rất lẹ làng thành thạo qua những chồng bàn ghế thúng mủng ngổn ngang trước hè. Cô không nhìn một ai hết kể cả đứa con gái lên ba của tôi, rất ngộ nghĩnh, nó đang ôm một con vịt cao su to gần bằng nó và đang nhong ếp trên một con ngựa gỗ giữa lối đi. Nhìn cái áo tơi mưa mỏng gấp gọn gàng chặn trên hai quyển vở nhầu để sau xe. Tôi nghĩ: “Chắc cô ả này đang lo một bài học chưa thuộc hoặc một bài làm chưa xong đây”. Và tôi bỗng thấy vừa thương lại vừa giận cho cái lối học cố sống cố chết, nhiều khi trong những điều kiện tối tăm nhục nhã của bao người chung quanh tôi.

Chỉ một tuần lễ sau tôi đã thấy lời phỏng đoán của tôi là vô căn cứ: “Chẳng lẽ con bé lại ở trong một tình trạng thường xuyên lo bài vở hay sao?”. Với cái điệu ngơ ngác của cô bé không những chỉ có đối với việc tôi dọn nhà đến, mà còn thấy đối với hết thảy, với nắng mưa của trời đất, với khóc cười của nhân thế. Lạnh lùng ra đi, lạnh lùng trở về, cái nón lá luôn trên đầu, cái áo mưa lúc nào cũng gấp, cô bé hầu như gửi hồn ở tận đâu đâu. Thậm chí những lúc đi về chạm trán với các cô chị ríu rít như chim sẻ, cô bé cũng không buồn nhìn, cười, nói hay làm một cử chỉ nhỏ nhặt gì gọi là chứng tỏ mối dây liên lạc.

Muốn đi ra đại lộ cô bé phải ngang qua nhà tôi. Tôi nghiệm thấy cô khởi hành vào tất cả mọi giờ trong ngày: sáng sớm lúc công chức đi làm, nửa buổi khi các bà đi chợ, giữa trưa khi mọi người sửa soạn đi ngủ, buổi chiều lúc các người văn nghệ đi chơi, buổi tối khi thành phố bắt đầu cuộc sống ban đêm của nó. Tôi tự hỏi: “Không biết cô bé đi những đâu mà đi lắm thế”. Và tìm những câu trả lời: “Hay là cô vừa đi học vừa đi làm? Không có lẽ! Tuổi cô thì ai mượn? Hơn nữa nhà cô khá giả, cả phố ai cũng biết điều đó… Vậy thì cô bé chỉ có thể là học sinh. Và những buổi đi về siêng năng của cô tất phải là: sáng trường công, chiều trường tư, tối lớp riêng. Còn những lúc khởi hành nửa buổi thì thiết tưởng trường công hay trường tư thiếu gì những chỗ bất thường trong thời khóa biểu?”

Nhưng chỉ ít lâu sau tôi lại thấy lời suy đoán này của tôi cũng bấp bênh nốt. Cô bé vẫn ra đi như thường lệ vào cả những ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày cúng giỗ linh đình ở nhà cô. Nghĩa là không những cô bé ra đi không kể giờ mà còn khởi hành không kể ngày nữa. Kìa, trông cô bé: vẫn cái điệu “khứ hồi” không vội vàng, không chậm chạp, cái mình dài trong chiếc áo thụng xú xứa, cái chân dài trong chiếc quần trắng cháo lòng, bộ mặt non choẹt thấp thoáng trong vòm bóng tối nâu của chiếc nón lá quai đen, cái áo mưa gấp gọn gàng chặn trên hai quyển vở để ở đằng sau chiếc xe đạp đàn bà cũ lùn tịt.

 

Có một thời cô bé trở nên đề tài cho một câu chuyện kéo dài trong gia đình tôi…

(…)

 

Về lâu, câu chuyện đó cũng qua đi lần lần. Ai chẳng có công việc riêng để theo đuổi? Gia đình tôi, cũng như bà con hàng phố còn lại, hầu như quên hẳn sự hiện diện của cô bé trong cuộc sống hằng nhật của họ. Nhưng chính lúc câu chuyện rơi vào lãng quên ở chung quanh là lúc nó bắt đầu chiếm một khoảng ý nghĩ của tôi. Tôi thắc mắc rất nhiều về cái mà tôi gọi là “trường hợp cô bé”, và đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi về cô.

Một hôm có việc đi thăm một người bạn ở Gia Định, qua một đường phố rợp bóng cây, tôi bỗng chú ý tới một dáng người đi xe đạp sát lề đường. Chẳng đợi phải tới gần, tôi nhận biết ngay đó là nhân vật của tôi với cái nón lá lụp xụp, cái lưng dài, cái điệu đạp xe chân chữ bát chấm đất, không chậm chạp, không vội vàng. Tôi bảo người lái xe đi chậm lại khi ngang tầm cô bé. Tôi chăm chú nhìn xuyên qua vòm bóng tối dưới chiếc nón lá để tìm gặp đôi mắt của đối tượng. Và tôi đã thất vọng như hằng thất vọng: nhân vật của tôi nhìn thẳng trước mặt như không hay biết chuyện chung quanh.

 

Thế là trí tò mò bị kích thích mạnh, tôi nhất định khám phá cho ra niềm bí mật của cô bé láng giềng. Dịp may đâu bỗng dẫn tới. Người ta thuyên chuyển tôi từ một cơ quan đứng yên sang một cơ quan lưu động. Tôi được cấp một chiếc xe “jeep”. Tôi xin cho được tự cầm lái lấy, nghĩ rằng như thế có giúp ích gì chăng cho việc tìm hiểu cô bé. (…)

 

Chỉ một hôm sau ngày nhận công tác mới đó, sự thắc mắc của tôi biến thành sự kinh ngạc: trên khắp các nẻo đường đô thành, bất kỳ đi tới một địa điểm nào, vào bất luận một giờ nào, tôi đều chạm trán với nhân vật của tôi. (…)

 

Mọi việc đã được xếp đặt từ tối hôm trước: lấy thêm điện vào bình điện, xem xét lại máy, đổ thêm xăng, nước vào bình chứa cho cái xe của tôi. Sáng tôi dậy sớm hơn mọi khi, bận quần áo gọn gàng, ăn điểm tâm xong, chờ bên cửa.

 

Tôi không phải đợi lâu. Tiếng xe đạp lách cách dắt ngang qua nhà. Tôi mở cửa bước ra hè. Cô bé đã ra đến gần đại lộ. Sau khi nhận rõ cô bé lên xe quẹo tay trái, tôi nhẩy lên chiếc “jeep” của tôi mở máy.

 

Bây giờ tôi đang ở con đường lớn chính vắt ngang đô thành… (…) Chúng tôi tiến vào khu trung tâm thành phố… (…) 

Cô bé của tôi vẫn dài đôi chân ra đạp xe đều đều trên khoảng hè lẫn vào bến sông rộng, bên những cột đèn cao. (…)

 

Chúng tôi tới một khách sạn lớn đầu một con phố ra sông. Cô bé vẫn cho xe đi thẳng. (…) Chúng tôi rời bến sông, ngược một con đường rợp bóng cây và vắng tanh bóng người. (…) Chúng tôi tới một phố đông đúc người và xe. Thành phố đã thức tỉnh trọn vẹn (…)

 

Những phố trống tiếp sau những phố trồng cây, những phố đông tiếp sau những phố thưa người, những cầu, những chợ vượt qua, chúng tôi bước sang địa phận Gia Định. Tôi chờ đợi một biến cố không xẩy ra. Những bà nội trợ lục tục về chợ. Những chiếc xe ba bánh chở đồ nặng nề lăn. Một vài chiếc xe chở đầy hành khách bon bon vượt xe tôi. Nắng vẫn lên đều, nghe như có bước chân ngày chuyển dịch trong gió.

 

Chúng tôi đã vòng xe lại trên một con đường khác trở về đô thành. (…)

 

Sau cùng có tiếng xe đạp dắt lách cách, tiếng trẻ con reo “A, a bố về”, tôi tỉnh mộng: thì ra chúng tôi đã trở lại khởi điểm, nghĩa là đã về đến nhà. (…)

 

Buổi chiều, chúng tôi khởi hành vào hồi 1g30. Ra khỏi đường hẻm, chúng tôi quẹo tay mặt, đi về phía tây…

 

Chúng tôi rẽ tìm một con đường cây có bờ cỏ liền mặt đường (…)

 

Phố lại tiếp phố, đường nối đường. Đô thành trở về nhịp sống cũ từ lâu. (…) Cô bé tiếp tục cuộc hành trình một cách thanh thản trước sự cảm phục của tôi. Một lần nữa tôi đụng đầu với cái khoa học địa chí của cô bé láng giềng: “Cho hay, không có gì bằng kinh nghiệm”.

 

Chúng tôi trở về những phố quen thuộc trong châu thành. (…) Những chiếc đèn điện đầu tiên bật lên. Nét ưu tư xuống đậm trên trán mắt những người đi còn sót lại. Đêm hoàn toàn. Bây giờ đô thành chập chờn trong ánh sáng giả tạo. Cuộc sống ban đêm khởi sự nghẹn ngào hay hối hả. Nghe chừng hẻm phố nhà có âm u đón sự trở về của những người lãng tử. Tôi chậm chạp lái chiếc xe bụi bậm vào căn nhà chứa xe, không cả nhìn từ biệt bạn đồng hành.

 

Thế là trọn một ngày theo cô bé láng giềng qua bẩy quận đô thành, uống nắng, hút bụi, tắm nước mưa, tôi không hái lượm được một điều nào mới mẻ về nhân vật kỳ dị của tôi, ngoại trừ kết luận: Người lữ khách trong thành phố chúng ta.

 

MAI THẢO

Sáng Tạo, tạp chí văn nghệ xuất bản hàng tháng, số 1 phát hành tháng 10 năm 1956 do Mai Thảo chủ trương biên tập, sau 31 số báo thì ngưng phát hành. Sáng Tạo bộ mới, diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay, số 1 phát hành tháng 7 năm 1960 do Mai Thảo làm chủ nhiệm. Nói tới tạp chí Sáng Tạo tức là nói tới công sức của Mai Thảo đã đóng góp để hình thành và duy trì sự có mặt của Sáng Tạo từ tháng 10 năm 1956 tới tháng 7 năm 1961. Với tạp chí Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền và những người bạn đã làm cho tạp chí thành một diễn đàn tiền phong triệt để khước từ cái cũ lạc hậu và đưa ra những nhận thức mới, những ý tưởng mới. Không chỉ là lý luận, mà còn cụ thể là giới thiệu những sáng tác mới, những sáng tác khác hẳn với văn chương tiền chiến. Những ý tưởng và những sáng tác trên diễn đàn này gây tác động tới đời sống văn học nghệ thuật vào thời kỳ những năm 1960 và 1970.

Mai Thảo trên Sáng Tạo đã viết nhiều bài lý luận, phê bình cổ vũ cho cái mới cùng lúc với việc sáng tác. Ngoài bút hiệu Mai Thảo, ông còn ký nhiều bút danh khác như: Nhị, Nguyễn Đăng,… Sau đây là những sáng tác của Mai Thảo in trên Sáng Tạo:

  • Những ngón tay bắt được của trời (3)
  • Chuyến đi cuối năm (5)
  • Cửa hiệu tạp hóa (7)
  • Những vì sao thứ nhất (9)
  • Chưa – Thơ – Nhị (15)
  • Căn nhà vùng nước mặn (17)
  • Chiếc xe đạp cũ (19)
  • Quê hương trong trí nhớ (25)
  • Những ngày mới (28-29)
  • Về chuyến viễn du bí mật cuối cùng (2 bộ mới)
  • Những cái đích hướng về trước mặt (3 bộ mới)
  • Người lính Lê dương (4 bộ mới)
  • Đời sống trong biệt thự (7 bộ mới)

Sau đây là một bài thơ và một trích đoạn văn suôi trong một truyện ngắn tiểu luận của Mai Thảo:

CHƯA 

 

Đầu cành chết tuổi lá non

Vui chưa thế giới buồn còn quê hương

Đất chưa nổi dậy hồn đường

Xóm âm u nhớ phố phường nghìn sao

 

Ngó thương nhau, vẫn nghẹn ngào

Còn nghe biển đập phương nào mênh mông

Đêm đen chưa trở ngày hồng

Đời chưa vô hạn cho lòng tự do

Rừng nghiêng bóng, núi ngu ngơ

Suối chưa lại nhạc vào thơ cùng người

Tin yêu chưa nở nụ cười

Câm đau miệng ngọc giữa đời hoang vu

 

Người nằm trong ngục suy tư

Hướng chưa định hướng sương mù còn dâng

Bên trong tiềm thức bâng khuâng

Mưa xưa còn đổ mai xuân chưa thành

 

Bao giờ đất trở mình xanh

Cho khô mục lại tươi thành lá non

Bao giờ giai đoạn héo hon

Lên vui ý tưởng cho ngon trái người

(Sáng Tạo số 15 tháng 12/1957)

NHỮNG CÁI ĐÍCH PHÓNG VỀ TRƯỚC MẶT 

(Một trích đoạn )

 

(…)

Ở những ngày của tiền cách mạng ảo tưởng, của Hà Nội 45, hậu phương 47, 48, của rừng thẳm, suối độc, đồn bốt ung thư, chiến tranh xâm lược, chế độ bội phản, của nội thành 50, 51, ý thức bị điều động bởi cái thái độ ưng chịu khiếp nhược cộng thêm vào cái tâm sự mệt mỏi rã rời của kẻ về thành, chui dưới cống rãnh thành phố cháy đêm thiên đô hay di chuyển trên những ngả đường đất nước lửa khói, tiếng là đằm mình vào trọng tâm biến cố lịch sử, chia sẻ số phận định mệnh dân tộc, kỳ thực hành động của Phượng chỉ đơn thuần là những phản ứng tượng trưng, với độc một mục đích chẳng dám công khai xác nhận là cố làm sao cứu vớt cái khối thịt xương thấp mọn của mình. Thiếu một ý thức dũng cảm chủ động để soi sáng, cân nhắc, lựa chọn, phán xét, đời sống chỉ còn là những mẩu, những đoạn lổng chổng, què cụt và tâm hồn Phượng, kích thước cứ thu nhỏ cứ co rút lại mãi. Nhìn ngắm mãi chỉ thấy hoa mắt chóng mặt. Đời sống biến thành một bài toán khó, vượt ngoài khả năng giải đáp. Nó biến thành một trận mê hồn. Quá khứ, tương lai hiện tại trộn lẫn. Dòng tiến hóa là một mớ chỉ rối, càng gỡ càng rối thêm. Và chân không chấm đất, đầu chẳng đụng trời, Phượng đã tìm được giải pháp này và nắm chặt lấy như kẻ chết đuối vớ được cọc: nội tâm.

 

Thằng Phượng mê muội khiếp nhược, chính nó đấy, không dám vận dụng ý thức khám phá đời sống đã quay chạy vào sau tấm bình phong nội tâm. Suy diễn rằng nội tâm mình cũng là phản ảnh trung thực cái thế giới ngoài đời, Phượng đã lý luận: hãy cứ thể hiện lên cái tâm trạng thực của mày, mày thể hiện được tâm trạng đời sống toàn thể. Phượng đã quên hẳn, cố tình quên, cái yếu tố căn bản: một kẻ đã ly dị, đã chạy trốn cuộc sống thì giữa cá nhân nó và toàn thể có gì phản ảnh được gì đời sống, có một tương quan nào giữa nó và đời sống? Đời sống gửi gì vào trong nó, nó nhận được gì? (…)

(Sáng Tạo số 3 bộ mới tháng 9/1960)

TÔ THÙY YÊN

Tô Thùy Yên làm thơ từ trước khi cho in thơ trên tạp chí Sáng Tạo số 4 tháng 1 năm 1957. Khi Sáng Tạo ra bộ mới tháng 7 năm 1960, Tô Thùy Yên là người trẻ nhất (sinh năm 1938) trong tám người của bộ biên tập. Không chỉ có thơ, ông còn viết truyện ngắn, tiểu luận và tham dự những cuộc thảo luận về nghệ thuật. Cho tới năm 1975, dù chưa in một thi phẩm nào nhưng thơ ông đã được đón đọc một cách rộng rãi trong lớp người đọc trẻ đông đảo. Dưới đây là những sáng tác của Tô Thùy Yên đã in trrong tạp chí Sáng Tạo:

Thơ:

  • Tình anh em (4)
  • Tuyên ngôn (6)
  • Cánh đồng con ngựa chuyến tàu (7)
  • Tôi lên tiếng (8)
  • Tại sao không – Tôi (11)
  • Hú tim – Bọt nước (15)
  • Ký thác (17)
  • Dù sao (19)
  • Tội nghiệp – Cảm giác (21)
  • Bi hành khúc – Bài học về vạn vật (22)
  • Nhân nói về một danh từ riêng (24)
  • Vẻ buồn của tình yêu và hội họa (25)
  • Thân phận thi sĩ – Đêm qua Bắc Vàm Cống (26)
  • Trời mưa đêm xa nhà (31)
  • Ba dấu chân trên một quãng sầu (2 bộ mới)

Văn:

  • Đám cưới (12)
  • Sài gòn ngày… (17)
  • Trong vườn nơi địa đàng (20)
  • Thủ đô (25)
  • Niềm bí ẩn trong cái chết của một thanh niên (1 bộ mới)
  • Người đánh bạc (2 bộ mới)

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, nơi cha mẹ và mấy đời ông bà nội ngoại đều ở đất này. Theo học tiểu học ở trường tỉnh Gia Định, trung học ở trường Petrus Ký, đại học Văn Khoa. Năm 1963 bị động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường ông về Vùng Bốn của đồng bằng sông Cửu Long, sau đó về ngành Chiến Tranh Chính Trị cho tới tháng 4 năm 1975. Cấp bậc cuối cùng là Thiếu Tá. Sau 30/4/1975 bị tù cải tạo hơn 10 năm. Sau đó ông còn bị bắt giam thêm hai lần, tổng cộng gần 13 năm. Tới năm 1993, ông và gia đình được đưa ra khỏi nước và định cư tại Hoa Kỳ.

Vào mùa hè 1954, qua một cơn bệnh nặng ông đã sáng tác những bài thơ đầu tiên. Một trong những bài thơ ấy ông đã gửi tuần báo Đời Mới của Trần Văn Ân, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh làm chủ bút đã cho in bài thơ ấy với lời nhắn muốn được gặp tác giả.

Không chỉ viết cho tạp chí Sáng Tạo, Tô Thùy Yên còn cộng tác với nhiều tạp chí khác như Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Nghệ Thuật, Thời Tập, Văn,… Vào thập niên 1970, ông chủ trương nhà xuất bản Kẻ Sỹ. Ngay trong thời gian bị tù cải tạo ông vẫn làm thơ. Từ những người tù được tha trước, thơ ông được đưa ra ngoài và mau chóng được phổ biến như các bài: Ta về, Tàu đêm,… cũng như những bài khác chỉ in trên báo nhưng nhiều người đã thuộc như: Chiều qua phá Tam Giang, Trường Sa hành,…

Sau khi ra nước ngoài, Tô Thùy Yên đã cho in Tuyển tập thơ Tô Thùy Yên gồm những bài đã in rải rác trên các tạp chí xuất bản trước năm 1975 và sau đó là thi phẩm Thắp tạ. Sau đây là hai sáng tác của Tô Thùy Yên in trên tạp chí Sáng Tạo:

CÁNH ĐỒNG CON NGỰA CHUYẾN TÀU 

 

Trên cánh đồng hoang thuần một màu

Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu

Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt

Gò nổng cao rồi thung lũng sâu

Ngựa thở hào hển thở hào hển

Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau

Mặt trời mọc xong mặt trời lặn

Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu

Cánh đồng a! cánh đồng sắp hết

Tầu chạy mau càng mau càng mau

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ

Như giữa nền nhung một vết nâu

(Sáng Tạo số 7 tháng 4/1957)

TRỜI MƯA ĐÊM XA NHÀ

 

Ga dầm mưa chịu co ro

Cưu mang tàu thấm rét chờ sáng đi

Khoác rừng đầy núi ngồi lì

Vân vi đường sắt phân ly mấy cành

Vài thân súc gỗ tênh hênh

Cỏ ôm ấp hẳn lãng quên tay người

Đèn le lói vết thương tươi

Trời da thi thể mưa ngùi chấm than

Hiên ga nhỏ giọt cường toan

Xuống tim quằn quại hàng hàng ưu tư

Trong cơ thể máu chần chừ

Ngoài trời khói thuốc vật vờ ngại bay

Làm gì đây để giải khuây

Ngắm tay mới biết mình gầy hơn xưa

Ngồi chờ tàu góc ga thưa

Nghe hồn ẩm mốc một mùa lạnh căm.

(Sáng Tạo số 31 tháng 9 năm 1959)

 

THANH TÂM TUYỀN

Tạp chí Sáng Tạo ra đời, ngay số báo thứ 2 ở bìa có giới thiệu những mục lớn như: Biên Khảo, Sáng Tác, Phê Bình Văn Nghệ, thơ không nằm trong mục Sáng Tác mà tách hẳn ra một mục: Thơ Tự Do. Trong mục Thơ Tự Do của số báo này giới thiệu thơ của Trần Thanh Hiệp, Nguyên Sa, Quách Thoại, không có thơ Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền góp mặt với một tạp văn: Sự tầm thường cần thiết ngày khai trường. Sang Sáng Tạo số 3, người đọc mới thấy Thơ Tự Do của Thanh Tâm Tuyền với bài: Hơi thở ngực tôi.

Trên tạp chí Sáng Tạo, ngoài những sáng tác thơ, kịch và văn xuôi, Thanh Tâm Tuyền còn ra sức trình bày những ý tưởng, những trăn trở của ông về nghệ thuật, những cố gắng làm sáng tỏ về nghệ thuật mới nhắm vào người thưởng ngoạn, một thành phần không thể thiếu trên con đường sáng tạo của người cầm bút. Về những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền trên Sáng Tạo gồm có:

Thơ:

  • Hơi thở ngực tôi – Đừng bắt tôi từ biệt (3)
  • Hãy cho anh khóc bằng mắt em, những cuộc tình duyên Budapest (4)
  • Bài ngợi ca tình yêu (5)
  • Thức giấc (6)
  • Bao giờ (7)
  • Bài ngợi ca tình yêu: Đen – Những người gặp một lần (8)
  • Khai từ của một bản anh hùng ca (10)
  • Một chỗ trên ôtô buýt (11)
  • Những bài thơ của tháng chạp đau buồn (18)
  • Dạ khúc (22)
  • Những người đã chết đều có thật (24)
  • Thành phố – Tên người yêu dấu (25)
  • Đêm (28-29)
  • Mặt trời tìm thấy (1 bộ mới)
  • Ly nước trong – Bài thơ vui – Một mình em – Đoản khúc viết cho Minh Châu (2 bộ mới)
  • Nguyên (4 bộ mới)

Văn:

  • Sự tầm thường cần thiết ngày khai trường (2)
  • Sớm mai (11)
  • Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc (16)
  • Ba chị em (kịch) (17)
  • (23)
  • Cuối đường (25)
  • Buổi sáng ngoài bãi biển (2 bộ mới)
  • Thềm sương mù (truyện dài in từ số 4 bộ mới tới số 7 bộ mới)

Vào thời điểm 1956, nhà xuất bản Người Việt đã cho in tập thơ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền. Sang năm 1957, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng cho phát hành truyện dài Bếp lửa của tác giả Tôi không còn cô độc, có nghĩa là trước cuộc hành trình của Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền với hai tác phẩm đầu đời đã tự khắc họa một chân dung.

Dưới đây là lược trích truyện của Thanh Tâm Tuyền in trong Sáng Tạo số 23 tháng 8/1958:

 

Thiệt cất tiếng ca: “Đêm đông gió bấc lạnh lùng, người viễn khách dừng chân nơi quán trọ nhìn cây trút lá trên hè vắng và lòng buồn mơ quay về dĩ vãng. Ôi những ngày thơ mộng đã qua không bao giờ tìm thấy nữa” (…)

 

Thiệt ca nức nở như những tiếng nấc nghẹn ngào. Đầu Thiệt nghiêng nghiêng bên tay đàn, những ngón tay buông bắt hấp tấp trên hàng phím trũng. Hết một câu, Thiệp gõ nhịp xuống mặt cây đàn “ghi ta” đã tróc sơn. Gian nhà trần, nền đất đập ẩm mốc. Ngọn đèn dầu lung lay treo ở cột trên đầu Thiệt. Trên cái ghế bố, ngoài Thiệt còn ba người khác: con Lai, chị Sáu và Tư. Lai nằm co gối đầu lên đùi Thiệt, chị Sáu hút thuốc lá, Tư ngồi thu ở đầu ghế. Xóm khuya dần và trận mưa tới. Bài ca dứt thì Tư cũng khóc. Con Lai cười:

–           Anh làm tiếp bản nữa nghe chơi.

Chị Sáu nói:

–           Rầu thấy mẹ lại mưa nữa rồi.

 

Tiếng hát của Thiệt lẫn trong tiếng mưa hiu hắt, khuôn mặt Thiệt xa lắc. Tư ghét con Lai, nó lớn tuổi hơn Tư, ngộ hơn Tư, lão luyện hơn Tư. Con mắt nó xanh, tóc nó hoe vàng, nó có phần máu Tây trong người. Chị Sáu đã già úa không còn ngực, mặt ghiền nặng. Tư muốn không còn hai người ấy để được một mình ngồi gần nghe Thiệt ca. Những bài vọng cổ ấy thấm tận vào lòng Tư. Câu ca não nùng đưa Tư vào nơi đầy những kỷ niệm mà Tư không bao giờ có được. Tư cũng muốn bắt chước “viễn khách” quay về tìm dĩ vãng nhưng dĩ vãng của Tư ở đâu? Ai biết? Năm nay Tư mới mười bảy tuổi. Tư mồ côi cha mẹ năm được bảy tám tuổi gì đó. Ở với cha mẹ nuôi rồi trốn đi năm mười lăm tuổi để làm điếm. (…)

 

Người đàn ông bảo:

–           Thôi cho xong đi.

Tư nhìn trân trân người đàn ông cởi quần áo, nằm im không nhúc nhích. Chàng âu yếm cúi xuống cởi nút áo cho Tư. Tư vui sướng thấy mình không còn là gái điếm vì Tư không phải tự mình làm lõa thể mình. Nhưng khi người đàn ông ôm lấy Tư thì Tư cố gắng nói:

–           Em có bệnh anh à.

Chàng mỉm cười tha thứ nhìn vào mắt Tư. Trong mắt chàng có tất cả sự âu yếm đủ cho một đời người.

 

Chàng trở dậy chưa kịp nói thêm lời nào với Tư thì chị Sáu đã mở khóa lảng vảng ở gian ngoài. Chàng mặc quần áo đi ra, hình như chàng có nhìn Tư lần cuối nhưng Tư không rõ mắt chàng. Tư theo ra đứng nép bên cửa. Chàng đứng ngoài sân giữa chị Sáu và Thiệt, móc ví trả tiền cho chị Sáu. Tư bước vội ra ngoài vòng sau lưng chàng đi ra ngõ, Tư nghe chị Sáu nói

–           Lần sau thầy đến chơi, đây là nhà của tôi.

Tư ẩn vào ngách tối giữa hai căn nhà thấp. Tư nghe tiếng giày của chàng bước tới gần mình. Khi chàng đi ngang chỗ núp, chàng dừng lại châm thuốc lá, Tư khẽ gọi:

–           Anh.

Que diêm chập chờn. Tư thấy chàng mỉm cười. Tư vẫn không rời chỗ núp sợ chị Sáu bắt gặp. Tiếng chị Sáu kêu ở nhà:

–           Tư ơi! Con quỷ đi đâu mất rồi.

Thiệt cũng kêu:

–           Tư ơi!

Chàng tiến lại gần ôm lấy Tư mà hôn. Tư tựa cả người vào vách nhà, muốn ngã quỵ vì yếu đuối. Chàng đặt vào tay Tư cái ví da đen:

–           Anh để nốt cho em cái gia tài của cha anh, trong ấy không có gì hết, chỉ có thẻ kiểm tra của anh. Em giữ để cất tấm vé số cho chắc. Nhớ nghe không, em phải trúng số nghe.

 

Cái ví da đã mủn lép kẹp. Chàng bỏ đi không nhìn lại, dáng người cao cúi xuống. Khi tiếng chân của chàng đã khuất, Tư linh cảm chàng chết thật. Chàng không nói giỡn. Tư cố gắng nhớ lại khuôn mặt chàng nhưng không được, hình ảnh mờ mờ tan thành khói. Tư cố gắng nhớ lại giọng nói của chàng nhưng chỉ còn văng vẳng hơi gió trên sông. Tư nhét cái ví da vào bụng rùng mình lo lắng. Đến mai Tư sẽ không thể nhớ ra chàng được nữa. Tư khóc, không dám khóc thành tiếng.

 

Nhưng một điều chắc chắn là từ bây giờ Tư đã có kỷ niệm, Tư đã có dĩ vãng để mỗi lần muốn nhớ Tư có thể gợi ra được.

 

Chúc em may mắn, Tư ơi! Anh từ biệt.

*

GHI CHÚ CUỐI BÀI

Với 38 số báo, khoảng trên dưới bốn ngàn trang, chúng ta đã cùng nhau đọc lại tạp chí Sáng Tạo đã xuất bản từ nửa thế kỷ trước (1956) với sự góp mặt của gần một trăm tác giả. Những trang viết này được thực hiện ở chỗ đứng của một người đọc ghi lại những gì mà tạp chí đã lên tiếng, đã trình bày, giới thiệu những tác phẩm và những tác giả có góp mặt trên tạp chí cùng một ít ghi chú. Vì hoàn cảnh riêng của người viết, chúng tôi đã không thể liên lạc với các tác giả, hoặc gia đình những tác giả đã quá cố để xin được phép trích dẫn những tác phẩm đã in trên tạp chí Sáng Tạo, và sau nữa vì thế tiểu sử các tác giả cũng không được đầy đủ, xin quý vị lượng thứ.

Những bài viết này có một mục đích rất nhỏ bé: giúp những ai muốn tìm hiểu tạp chí Sáng Tạo mà không có điều kiện để tiếp cận trực tiếp tạp chí. Đưa đến cho những ai nghiên cứu sau này một vài tài liệu nhỏ trong khi tìm hiểu văn học nghệ thuật miền Nam từ 1954 tới 1975. Một công việc dù đã cố gắng nhưng hắn nhiên không thể tránh những thiếu xót, xin người đọc bổ khuyết cho.

*

NHỮNG Ý KIẾN VÀ NHỮNG NHÌN LẠI

Dưới đây là những ý kiến của nhiều tác giả nói hoặc viết về tạp chí Sáng Tạo như một ghi chú dành cho người đọc.

MAI THẢO

#  Trước sau, đối tượng của trận đánh lớn vẫn là một: phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới. Nói một cách khác, đó là kết thành của hoài bão và khát vọng chân thành nơi một lớp người muốn tạo dựng một nền văn học nghệ thuật của chính mình, và thời đại mình. Gọi lên đường ấy là trở lại đời sống, thoát ly quá khứ, thức tỉnh ý thức, thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có. Có với sự có mặt của một lớp người viết mới. Tạp chí Sáng Tạo là một trong những diễn đàn đã được dự phần vào lên đường này. (…)

Mười lăm năm đã đi qua, từ những dòng chữ cũ. Tờ Sáng Tạo chết. Văn học nghệ thuật ta trưởng thành đang phát huy rực rỡ trên những diễn đàn mới. Đời sống không dừng lại. Nghệ thuật thì không ngừng đổi thay theo đời sống đi tới, và nhà văn luôn luôn đứng trước những vấn đề đặt ra, từng phút từng giờ. Nhưng với riêng tôi, nếu bây giờ lại được viết bài mở đầu cho một diễn đàn mới dựng, những ý nghĩ và nhận thức tôi chắc chắn cũng chẳng ra ngoài cái muốn nói của những dòng chữ cũ. Là nghệ thuật ta đã và vẫn còn phải là một lên đường. Bằng những thí nghiệm không ngừng. Bằng những khám phá không mỏi. Tiến trình tốt đẹp và biện chứng của văn học nghệ thuật ta cuối cùng chính là tiến trình của những ngọn đuốc chuyền tay, những đoạn đường còn lại. Tạp chí Sáng Tạo, nếu được nhắc lại ở đây, cũng chỉ là một chặng đường nhỏ của đường dài và hành trình lớn. Tờ báo cũ ấy chỉ muốn như vậy. Tự nhận nó như vậy.

(Trích bài viết: Đứng về phía những cái mới của Mai Thảo in trong cuốn Tuyển truyện Sáng Tạo với các tác giả: Duy Thanh – Dương Nghiễm Mậu – Mai Trung Tĩnh – Phạm Nguyên Vũ – Song Linh – Thảo Trường – Thạch Chương, do Tân Văn xuất bản tháng 9 năm 1970 – Saigon)

 

#  Chúng tôi cùng vào Nam. Và với Vũ là tờ Tự Do, diễn đàn đầu tiên của Bắc Hà mới tới. Như Phong, Mặc Thu, bây giờ còn bị cầm tù ở quê nhà. Đinh Hùng đã mất. Là nhóm Quan Điểm thành hình trên Đất Đứng của trí thức giai tầng ở giữa, bích chương đính đầy các thân cây quận Nhất, tờ báo dám nói sự thật, số ra mắt quá khích đòi mỗi tuần chặt một đầu người. Chúng tôi chia làm hai nhóm. Sáng Tạo giễu Quan Điểm – đám con quan đòi làm cách mạng đổi thay thế giới. Quan Điểm cợt Sáng Tạo – lũ trẻ ngông cuồng, mỗi thằng một đôi giày đen…

(Trích bài viết: Thế giới Vũ Khắc Khoan – bài viết của Mai Thảo năm 1982, in trong tập Đọc Kinh, đoản văn của Vũ Khắc Khoan, An Tiêm xuất bản năm 1990 tại Paris)

TÔ THÙY YÊN

#  …Một số những tác giả hợp tác với tạp chí Sáng Tạo mấy năm sau quây quần thành ban biên tập chính thức, trong đó có tôi của tạp chí Sáng Tạo bộ mới …những tác giả đó đều lớn tuổi, kể cả Thanh Tâm Tuyền cũng lớn hơn tôi hai tuổi. Đương nhiên tôi là đứa em út trong đám… Đó là thời kỳ hoang tưởng nhưng cũng là thời kỳ định hình của riêng tôi. Còn về phần cả nhóm thì có lẽ không cần phải nhìn kỹ cho lắm, người ta cũng có thể nhận ra ngay rằng chúng tôi hoàn toàn khác biệt nhau, mỗi người một vi bộ riêng tư và chúng tôi chỉ thuần nhất với nhau ở mỗi một sắc thái: muốn làm mới văn học nghệ thuật, cải đổi nhận thức thẩm mỹ. Trong những năm tháng đầu tiên, những năm tháng thuyết phục, nhóm Sáng Tạo, đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền tứ bề thọ địch mặc dù tạp chí Sáng Tạo được độc giả, chủ yếu là độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt, càng lúc càng nồng nhiệt, người viết khí thế bừng bừng đã đành mà cả người đọc cũng vậy. Tiện đây tôi xin mở ngoặc: không thể trông mong có được một nền văn học nghệ thuật đổi mới nếu như không có một lớp quần chúng sôi nổi khởi đầu. Tất nhiên chẳng phải lúc nào lịch sử cũng sẵn sàng một cơ hội hào hứng. Và cái cơ hội hào hứng mà chúng tôi may mắn có được đã chẳng kéo dài bao lâu. Chiến tranh gia tăng cường độ, nới rộng địa bàn, chính tình càng lúc càng rối ren, mờ mịt. Thanh Tâm Tuyền vào lính, ít lâu sau, đến lượt tôi vào lính. Quần chúng lông lốc đảo điên trong cơn bão lốc mỗi ngày một hung hãn, khốc liệt. Riêng tạp chí Sáng Tạo tồn tại cho đến năm 1962 thì đình bản, vĩnh viễn đình bản. Nhưng tình bạn thắm thiết giữa chúng tôi, những người hợp thành nhóm Sáng Tạo, đã chẳng chấm dứt tại đó, giấc mơ chung nối kết chúng tôi đã chẳng tan biến tại đó. Chắc chắn mãi mãi chúng tôi còn muốn mình là những kẻ tiên phong đi cùng những lớp người tiên phong trẻ mới. Liệu rồi trong quãng đời còn lại của chúng tôi, lịch sử có còn kịp một cơ hội hào hứng nào nữa hay không?

(Trích lời Tô Thùy Yên trong cuộc phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh in trên Tập san Hợp Lưu số 24 tháng 8-9 năm 1995, phát hành tại Hoa Kỳ)

THẢO TRƯỜNG

#  Vào những năm 1958-1961 tôi sống ở Huế. Từ thành phố tới chỗ tôi ở phải “qua một chiếc cầu lên một cái dốc”, căn nhà khoảng giữa chùa Từ Đàm và đàn Nam Giao. Nơi đó đêm đêm tôi viết những truyện ngắn gửi cho ông Mai Thảo đăng trên tạp chí Sáng Tạo. Cũng vì có liên hệ như thế nên mỗi khi vào Sài gòn tôi thường lui tới tòa soạn Sáng Tạo số 29 đường Ký Con, quận I. Ở đó, tôi có dịp gặp các vị trong bộ biên tập do ông Mai Thảo giới thiệu như: Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại, Tô Thùy Yên và …Thanh Tâm Tuyền. Trong bản tuyên ngôn Văn nghệ là vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo của nhóm Sáng Tạo đưa ra chủ trương “Phủ nhận văn nghệ tiền chiến” thì tôi nghĩ là không thể phủ nhận được, vì “văn nghệ tiền chiến” có vai trò và sứ mệnh đã hoàn thành của thời kỳ đó. Giá trị của “văn nghệ tiền chiến” đã ghi lại trong văn học sử Việt Nam. Chính thể cộng sản ở miền Bắc cũng đã từng có chủ trương xóa bỏ những giá trị “văn nghệ tiền chiến” nhưng họ đã không làm nổi, thì há gì nhóm Sáng Tạo là những người đã từ bỏ cái chính thể lầm lẫn đó di cư vào miền Nam lại chủ trương “phủ nhận”. Nhưng đối với tôi, những vị ấy đều đã để lại trong tôi những dấu ấn đặc biệt, bằng họa phẩm, thơ, truyện ngắn, tùy bút hay biên khảo… Thí dụ như: Quán cháo lú của Vũ Khắc Khoan*, Những hạt ba dăng của Niêm của Mai Trung Tĩnh, Niềm đau nhức của khoảng trống của Dương Nghiễm Mậu, Cánh đồng con ngựa chuyến tàu của Tô Thùy Yên, Dòng sông định mệnh của Doãn Quốc Sỹ, Trắng chiều của Nguyễn Sỹ Tế, kịch bản Bão thời đại** của Trần Lê Nguyễn… Nhiều lắm. Những thơ văn của các vị ấy đã kích thích tôi trong công việc sáng tác. Đọc những tác phẩm của họ tôi bèn muốn viết một cái gì đó của tôi…

(Trích bài viết: Thanh Tâm Tuyền của Thảo Trường in trên Tạp chí Thế Kỷ 21, số 204 tháng 4 năm 2006 – số đặc biệt tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền – phát hành tại Hoa Kỳ)

VÕ PHIẾN

#  Tháng 10 năm 1956 tạp chí Sáng Tạo ra đời. Tờ báo đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay (…) Tờ Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhắm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới.

Thoạt ra mắt, Sáng Tạo đã phát động ngay “một nền nghệ thuật mới”, “nghệ thuật hôm nay”. Phát động thật ồn ào, (…) nhưng đến khi cần biết về “ngọn triều lớn” thì không thể biết gì rõ ràng. “Văn nghệ hôm nay” chủ trương ra sao? Đưa ra lý thuyết gì? Vạch ra những đường lối gì? Bác bỏ văn nghệ hôm qua ở chỗ nào? Nhóm Sáng Tạo không có giải đáp. (…) Sau này, có lần Mai Thảo thú nhận: “Tôi không nhìn Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế thì có.”

 

“Nhìn như một tinh thần”, thì đó là một tinh thần đổi mới đầy tự tin, đầy hứng khởi. Tinh thần ấy có sức lôi cuốn, động viên, một tinh thần đáng tán thưởng. Nhưng nhìn như một cách thế, thì cách thế Sáng Tạo có những chỗ khó bảo là “tuyệt đẹp”. Chẳng hạn như lối “khai tử” nền văn nghệ tiền chiến có một cách thế kiêu căng, chẳng hạn trong lối diễn đạt của những vị trong nhóm chủ trương có một cách thế kiêu kỳ: hoặc hoa hòe hoa sói kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm.

Tuy nhiên Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó về sau, sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình… (…)

(Trích: Văn học Miền Nam: Tổng quan của VÕ PHIẾN – Văn Nghệ xuất bản tại Hoa Kỳ – bản in lần thứ ba, năm 2000)

THỤY KHUÊ

#  Nhóm Sáng Tạo: Nhóm văn học Việt Nam, xây dựng xung quanh tạp chí Sáng Tạo xuất hiện từ tháng Mười 1956 đến tháng Năm 1959 ở miền Nam (Sài Gòn). Thoạt tiên là một nhóm trí thức sinh hoạt văn nghệ từ Hà Nội, có Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và Thanh Tâm Tuyền, chủ trương nguyệt san Lửa Việt 1954. Bốn người vào Nam, tiếp tục hoạt động văn nghệ với tờ Dân Chủ, rồi tờ Người Việt thêm Mai Thảo. Tháng mười 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời do Mai Thảo thành lập, với sự cộng tác của cả nhóm, mở rộng thêm Lữ Hồ, Quách Thoại và các họa sĩ Ngọc Dũng, Duy Thanh. Trên Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên, còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn,… Mai Thảo chủ nhiệm kiêm chủ bút và cũng là đầu tàu. Trần Thanh Hiệp lý thuyết gia. Sáng Tạo dứt khoát chủ trương tạo dựng cái mới, đoạn tuyệt với Tự Lực Văn Đoàn, chôn vùi văn học tiền chiến. (…)  Bên cạnh những người “chính thức” trong nhóm, những cộng tác viên thường xuyên với Sáng Tạo, cùng một hướng đổi mới văn học nghệ thuật, phải kể đến: Bùi Giáng***, Cung Trầm Tưởng, đưa hiện sinh vào thơ lục bát, Nguyên Sa đổi mới hình tượng nàng thơ, Tô Thùy Yên khai mở một lối thơ khác với thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, về hình thức vẫn giữ nguyên vần điệu nhưng nội dung chứa đựng những băn khoăn siêu hình, đớn đau và bi đát, khác hẳn thơ tiền chiến. Dương Nghiễm Mậu đưa ra nhiều lối viết truyện ngắn mới, với những kỹ thuật dựng truyện khác nhau, xây dựng trên nền tảng triết học hiện sinh vô thần. Nguyễn Đình Toàn*** hướng về một quan niệm tiểu thuyết mới, pha trộn cái tôi hiện sinh trong cái tôi lãng mạn.

Tóm lại Nhóm Sáng Tạo và những văn nghệ sĩ chung quanh nhóm đã có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học nghệ thuật miền Nam giai đoạn 1954-75. Rất nhiều người chịu ảnh hưởng của Sáng Tạo mà không biết: những nhân vật tiểu thuyết sống bất cần đời, những nhà thơ chán sống, những nhạc sĩ phản chiến,…

(Trích: Nhóm Sáng Tạo của Thụy Khuê trong Từ điển Văn học – bộ mới – Nhà Xuất bản Thế Giới 2004)

LÊ THIỆP

#  Cơ duyên nào đẩy Ngọc Dũng của Sáng Tạo thành Tuýt của biếm họa? Ờ tại sao trong bao nhiêu lần ngồi với nhau tôi không hỏi anh? Và còn biết bao nhiêu câu hỏi vẫn chưa hỏi vì nghĩ lúc nào hỏi chẳng được? Sáng Tạo của các anh được hình thành như thế nào? Tổ chức ra sao? Vai trò của Mai Thảo có giới hạn nào không? Vâng, có những câu đã được hỏi và lần nào cũng được trả lời kiểu Ngọc Dũng: “Các cậu cứ làm to chuyện. Chúng tôi chơi với nhau như bằng hữu. Làm gì có tổ chức, bầu bán. Ờ cái tên Mỹ gì ở tòa đại sứ nó gặp Duy Thanh đề nghị giúp làm tờ báo. Duy Thanh đẩy cho Mai Thảo. Rồi xúm nhau lại làm. Mai Thảo làm gì là việc của ông ấy, tôi để ý làm gì”; Chẳng hạn như Mai Thảo bảo tôi: “Tay này mới hay lắm”. Và tôi đồng ý ngay, sau lần đầu tiên gặp Thanh Tâm Tuyền, đầu húi cua, mặc sơ mi trắng cụt tay”. Cái nhìn nghệ sĩ chỉ nhớ đầu húi cua, sơ mi trắng cụt tay.

Tôi có hỏi Duy Thanh về Sáng Tạo thì cũng được những câu trả lời tương tự. Thế cái gì khiến chúng ta có Sáng Tạo? Với Ngọc Dũng, câu trả lời rất giản dị. Bằng hữu và lòng tương kính lẫn nhau. Với cái nhìn như vậy của mỗi người nghệ sĩ, anh đôi khi bị những người thân nhất coi là gàn. Với anh một cộng với một chưa chắc đã là hai, bởi trái nhãn điếc ngon hơn trái nhãn tiến. (…)

(Trích trong bài: Ngọc Dũng, Giọt nước hân hoan của Lê Thiệp in trên Hoa Thịnh Đốn Việt Báo 777, thứ sáu 14/7/2000, trang 2D)

GHI CHÚ: Trong cuốn Niên lịch Công Đàn 1960-1961 do Nguyễn Ngọc Linh chủ trương biên tập – nhà xuất bản Công Đàn-Sài Gòn phát hành. Trong mục: Danh sách các báo xuất bản tại Việt Nam, ở phần nguyệt san, người ta thấy có mấy tờ báo mà ở phần chủ nhiệm ghi là Phòng Thông Tin Mỹ. Đó là các nguyệt san: Hương Xa – chủ bút Nguyễn Công Phú, tòa soạn 150 Bùi Thị Xuân, Sài Gòn; Sáng Tạo – chủ bút Mai Thảo, tòa soạn 133B Ký Con, Sài Gòn; Thế Giới Tự Do – chủ bút Từ Ngọc Bích, tòa soạn 145 Nguyễn Huệ, Sài Gòn; Trẻ – chủ bút Nguyễn Thúc Dư, tòa soạn 145 Nguyễn Huệ , Sài Gòn.

Trên tạp chí Sáng Tạo từ số 1 tới số 31 không thấy ghi giấy phép xuất bản, hoặc số Kiểm Duyệt. Tạp chí Sáng Tạo bộ mới do Mai Thảo làm Chủ Nhiệm, mỗi số báo đều có in Giấy phép kiểm duyệt. Như ở số 1 bộ mới ghi: K.D.số 289/U.B.K.D. ngày 29-6-1960; Ở số 7 bộ mới có ghi: K.D.số 445/U.B.K.D. ngày 7-9-61.

DUY LAM

Trong giai phẩm xuân Văn Hóa Ngày Nay tập 8 xuất bản tại Sài Gòn (1959) có đăng một bài văn vui với nhan đề: Đầu năm xông đất của Duy Lam. Tác giả phóng bút kể lại chuyện đầu năm đi xông đất, trước hết là xông đất Nguyễn Thành Vinh, sau đó là Bùi Khánh Đản, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam, nghĩa là những người trong Văn Hóa Ngày Nay rồi mới đến các đồng nghiệp như báo Quyền Sống, báo Trăm Khoa, báo Văn Nghệ… Tiền. Sau cùng là tới báo Sáng Tác. Tên báo viết trại đi, các nhân vật xuất hiện chỉ viết tắt nhưng đủ cho người đọc thấy Duy Lam  muốn viết tới báo Sáng Tạo và những tác giả của báo này. Sau đây là một đoạn trích trong bài của Duy Lam:

NGÕ HẸP VÀ… SÁNG TÁC

Tôi định đến thăm báo “Sáng Tác” không biết rõ tòa báo ở đâu tôi định đi tìm thì may quá gặp ngay một anh bạn giữa đường. Hỏi, anh trả lời:

–           Tôi cũng không biết tòa báo S.T. ở đâu. Nhưng đọc những truyện họ viết thấy truyện nào cũng tả một nhân vật chính dáng người xiêu đổ như không có xương sống, và hễ cứ thấy ngõ hẹp nào sâu hun hút là đi vào liền, can cũng không được, nên tôi đoán báo S.T. ở trong ngõ hẹp. Nghe lời anh tôi hễ thấy ngõ là rẽ vào nhưng toàn là lầm đường vì các ngõ đó chưa ngõ nào “sâu hun hút” và có những bức tường xiêu đổ và quằn quại những bóng hình quái đản như báo S.T. thường “thể hiện”.

 

Mãi sau thấy nhà thi sĩ kiêm kịch và văn sĩ Th.T.T. đang lủi thủi đi vào một ngõ, vừa đi anh vừa nhìn các nhà, đếm:

“một cửa sổ

hai cửa sổ

ba cửa sổ

một cửa sổ đóng, một mở

một nửa đóng, nửa mở”.

Tôi đi theo liền thời đến đúng cuối ngõ thì đến tòa báo Sáng Tác.

Thấy một người đang cầm một cái que cời cời một đống rác trước cửa tòa báo tôi tưởng đó là một người phu sở lục lộ, đến gần mới biết đó là một họa sĩ của nhóm Sáng Tác. Họa sĩ vừa cời đống rác vừa lẩm bẩm: “Hình thể hòa hợp, khối, màu sắc, ý niệm trừu tượng, v. v…”. Cời xong họa sĩ đến cạnh giá vẽ dựng cạnh đấy cầm bút trát mầu lia lịa lên vải. Họa sĩ vẽ tài thật, tác phẩm của họa sĩ thật thể hiện được hết tinh thần và tinh túy nội ngoại của đống rác. Để bức tranh cạnh đống rác thấy ngay là hai cái giống hệt nhau.

 

Thấy tôi đến đứng bên cạnh, họa sĩ xua tay đuổi:

–           Kẻ phàm tục hãy lui ra! Ngươi có thể làm xáo động những rung cảm của ta. Trời ơi! Những khối màu sắc thật huyền hoặc mê hồn.

 

Không cần đuổi tôi cũng tự động lui xa ngay vì không hiểu “đống rác” tại sao lại làm rung động tâm hồn họa sĩ, chứ “qua khứu giác” của tôi, tôi chỉ “nghe thấy” một mùi nằng nặng.

 

Bước chân vào tòa báo Sáng Tác tôi lấy làm lạ vì thấy mỗi người đứng một góc phòng trước một bàn thờ nhỏ treo một bức ảnh bán thân. Họ làm đèn khấn vái rất thành kính và lễ luôn tay.

 

Không ai để ý đến tôi.

 

Tôi đến sau lưng văn sĩ M.T. người chủ trương nhóm S.T. anh cũng không hay biết. Lắng tai tôi nghe thấy anh khấn: “Trời ơi! Người là một người siêu phàm! Người là tất cả! Người ngự trên thế giới này! Ta kính phục người, trọng người vô vàn!…”

 

Tò mò tôi nhìn lên bàn thờ thì chợt giật mình kinh hoảng vì lạ thay anh M.T. đang lễ ảnh anh M.T.! Qua thăm những bàn thờ khác thì đại loại đều thế cả: anh D.T. đang thờ phụng anh D.T., anh D.Q.S. thờ phụng anh D.Q.S….

Không quen thờ phụng “mình” như họ nên tôi cảm thấy ở đây lâu không hợp. Tôi bèn tháo lui một cách im lặng.

 

NGUYỄN SỸ TẾ

Năm 1965 nhà xuất bản Sáng Tạo cho in cuốn Thảo luận, gồm bốn cuộc thảo luận trên tạp chí Sáng Tạo từ số 1 tới số 4 của bộ mới. Ngay ở một trang riêng đầu sách có ghi: “Tưởng niệm Quách Thoại người đáng lẽ phải có mặt trong cuộc thảo luận”. Sau đó in lời tựa cuốn sách của Nguyễn Sỹ Tế. Dưới đây chúng tôi trích đoạn cuối của bài tựa trên:

Ý thức bên trong, hoàn cảnh bên ngoài đã đưa chúng tôi lại ngồi chung một bàn, đi chung một quãng đường. Từ Người Việt tới Sáng Tạo chúng tôi đã làm chung một công cuộc trong tự do và kết đoàn. Công cuộc thật lớn vì muốn được toàn diện.

 

Ý thức rằng muốn khởi sự một công cuộc cần phải thực hiện một công cuộc khác song song nếu không là tiên khởi là khám xét triệt để mình, kẻ khác, con đường đã qua “4 cuộc nói chuyện” in thành sách hôm nay là sơ kết một nhận định trong con đường đã đi qua những tờ Sáng Tạo cách đây mấy năm về trước. Trên những mốc cắm đó, tôi và bằng hữu sẽ còn tiến tới. Một ngày nào đó, mốc cắm sẽ biến khỏi tầm nhìn của chúng tôi, nhưng chúng vẫn còn.

 

Nhắc lại những điều tầm thường trên theo ý thức của riêng tôi, tôi viết lời đề tựa chung này. Của tôi và bằng hữu tôi, những chủ quan và thiếu sót, chúng tôi ý thức.”

(Sài Gòn tháng 3 năm 1965 – Nguyễn Sỹ Tế)

TRẦN THANH HIỆP

# Cùng một lứa bên trời lận đận, chúng tôi dăm ba người gốc miền Bắc miền Trung, tuổi khác nhau trên dưới ba mươi nhưng không quá cách biệt, vì tình cờ do chiến tranh, đã gặp nhau vào một thời điểm – năm 1954 – và ở một nơi không định trước của miền Nam – Sài Gòn. Trong một bài đăng trên tạp chí Thơ, tưởng nhớ Mai Thảo đã khuất, Thanh Tâm Tuyền viết về cuộc gặp gỡ tình cờ này, tôi trích lại một đoạn ngắn:

Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng 10 năm trước. Sài Gòn vẫn còn xô bồ những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.

 

Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng nhạc sĩ, Gìn vàng giữ ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – đồng ý cần có một tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công việc chung.

 

Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo vì rảnh thì giờ nhất và được nết chịu khó đọc.

Nhờ trang báo này mà tôi gặp thêm bạn (…)

Mai Thảo gửi đến chúng tôi Đêm giã từ Hà Nội. Tôi nhận được một bao thư dày cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.

 

Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: “Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hà Nội ở dưới ấy…”

 

Thanh Tâm Tuyền gặp Mai Thảo, anh em chúng tôi cho tạp chí Sáng Tạo ra đời…”

 

(Trích: Nhớ nghĩ về Thanh Tâm Tuyền, những điều chợt đến… in trên Tạp Chí Thế Kỷ 21 số 204, tháng 4 năm 2006, xuất bản tại Hoa Kỳ.)

             

——————————————————————————–

Chú thích của phần: NHỮNG Ý KIẾN VÀ NHỮNG NHÌN LẠI

* Quán Cháo Lú là truyện ngắn của Lê Văn Siêu, in trên Sáng Tạo số 1 tháng 10/1956.

** Bão thời đại của Trần Lê Nguyễn không in trên Sáng Tạo.

*** Hai tác giả Bùi Giáng và Nguyễn Đình Toàn không viết trên Sáng Tạo.

(Đọc tiếp)

1 bình luận về “Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 3 [phần 3])

Đã đóng bình luận.