10 – NHỮNG TÁC GIẢ VÀ NHỮNG TÁC PHẨM
Sáng Tạo bộ mới với Bộ biên tập gồm tám người, có sự cộng tác của 15 tác giả độc lập. Trong số này có tác giả đã góp mặt trên tạp chí từ bộ cũ, thêm một số tác giả mới. Diễn đàn Sáng Tạo chỉ tồn tại tới cuối năm 1961, nhưng nhiều tác giả sau đó vẫn tiếp tục sáng tác cho tới tháng 4 năm 1975 trên nhiều diễn đàn khác nhau và cho in nhiều tác phẩm. Những tác giả này đã có một chỗ đứng nhất định trong văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975, nhưng cũng có những tác giả chỉ xuất hiện một hai lần rồi thôi.
Dưới đây chúng ta điểm qua những tác giả đã xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ tiếp tục góp mặt trong Sáng Tạo bộ mới và những tác giả chỉ xuất hiện trong Sáng Tạo bộ mới và những sáng tác của họ.
SAO TRÊN RỪNG (Nguyễn Đức Sơn)
Sao Trên Rừng xuất hiện với hai bài thơ trên giai phẩm Văn Nghệ Mới. Nhưng góp mặt trên Sáng Tạo bộ mới là ba truyện ngắn:
- Ngàn khơi (2)
- Nỗi mệt mỏi của kiếp người (6)
- Những ngày xuân hoang vu (7)
Sao Trên Rừng tên thật là Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 8/11/1937 tại Dư Khánh (Thanh Hải), tỉnh Ninh Thuận. Gốc người Thừa Thiên. Học trung học ở Nha Trang trước khi vào Sài Gòn. Có lúc ông sống ở chùa, sau khi lập gia đình ông sống ở Bình Dương trước khi lên sống ở Lâm Đồng. Một thời gian ngắn ông chủ trương báo Mặt Đất, xuất bản không định kỳ (1966). Khởi đầu là thơ rồi ông viết một số truyện ngắn, về sau ông chỉ còn làm thơ. Ông từng cộng tác với các tạp chí như Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Hiện Đại, Văn Nghệ. Về văn xuôi ông đã cho xuất bản:
- Cát bụi mệt mỏi (1968)
- Cái chuồng khỉ (1969)
- Xóm chuồng ngựa (1971)
Về thơ có:
- Những bài tình đầu gồm 4 tập: Bọt nước (1965), Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966), Vọng (1972)
- Đêm nguyệt động (1967)
- Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1971)
- Du sỹ ca (1973)
- Tịnh khẩu (1973)
Thơ, văn của Nguyễn Đức Sơn là một tiếng gầm giữa cõi nhân sinh, một bày tỏ mạnh mẽ dứt khoát, không sợ đối đầu như sự chọn cách sống của chính Nguyễn Đức Sơn.
Dưới đây là mấy trích đoạn trong truyện ngắn Nỗi mệt mỏi của kiếp người in trong tạp chí Sáng Tạo số 6 bộ mới:
NỖI MỆT MỎI CỦA KIẾP NGƯỜI
(…)
Tôi thường nghe bạn bè nói chuyện về quê hương và họ thực lòng ước ao về thăm, thực lòng quyến luyến. Với tôi càng lớn lên tôi càng thấy hai tiếng quê hương nó trống trơn và không hề gợi lên một thương mến nào. Tôi chán ngấy đến cùng độ hình ảnh những mùa lúa chín, cảnh đi cấy đi cày, nương khoai vồng sắn, tiếng hò giã gạo đêm trăng. Bây giờ mỗi lần đi qua con đường làng nào bất chợt ngửi thấy mùi đất ẩm rơm rạ – bắt được cái mùi thời gian không gian đó – tôi thấy khó chịu hết sức. Tôi cố xô đuổi mỗi ngày ra khỏi tâm khảm tôi những gì thuộc về dĩ vãng. Buổi ấu thời. Con đường làng. Diều giấy. Đá dế… Bởi vậy mỗi lần đi ngang một trường tiểu học nào vào giờ nghe tiếng trống đánh thùng thùng, tôi bỗng thấy nhức đầu. Hồi gặp ông ngoại tôi đi với cậu tôi ở Sài Gòn, giữa xứ xa lạ này, tôi đã tìm cách lẩn trốn vào một tiệm phở. Với chòm râu bạc trắng rung rinh, với cái khăn đóng trên đầu và cây dù đen xưa cổ, ông đúng là bóng ma dĩ vãng. Tôi không muốn gặp bất cứ người nào trong bà con thân thuộc nữa. Tôi khó chịu đến cả những câu ca dao mà mọi người cho là ý vị hay ho. Tôi sợ khiếp hình ảnh những túp lều tranh, bác nông phu, bà mẹ quê, những vò nước uống để sát bên nhà, những ao rau muống… những gì quen thuộc muôn xưa. Tôi nghĩ nếu tôi có phạm tội gì và pháp luật bắt lưu đày suốt đời ở nhà quê, giữa những khung cảnh đó, thì tôi sẽ xin được đày ra hoang đảo. Và nếu tôi có vợ – có thể lắm chứ – tôi sẽ chọn nơi làm quê hương cho các con tôi chốn biển rộng như Nha Trang, hay rừng thông như Đà Lạt, nơi không thấy những mồ mả lăng tẩm có không khí quá vãng nặng nề u uất. Tôi sẽ đề nghị với vợ tôi đừng bao giờ ru con bằng những điệu hò điệu hát xưa cũ vì như thế tôi sẽ chết mất (…)
Ngồi trong nhà nhìn lên ra trước sân, trông thấy bóng mẹ tôi tàn xiêu, tự dưng tôi ứa nước mắt. Nắng chiều hắt hiu. Buổi trưa khô khan đến ngạt thở. Đồi thông đứng gió. Suối nín lặng thinh. Mẹ tôi đang sách giỏ choux vào nhà thì bà dừng hẳn lại. Một đứa con gái nhỏ con ông dượng tôi đã đứng sau lưng bà lúc nào không hay, lễ phép đưa cho mẹ tôi một tấm giấy xanh. Mẹ tôi vừa liếc qua tấm giấy thì cái giỏ choux cũng đổ ào xuống đất và hai hàng nước mắt từ từ lăn trên má. Bà đi nhanh vào nhà òa khóc bên mấy thẩu bột, đường, bơ, trứng, đậu xanh của một mẻ bánh đang làm cho một đám cưới bên hàng xóm. Tôi lặng người:
– Gì thế mẹ?
Tôi đến bên mẹ tôi ân cần hỏi tuy tôi đã đoán biết ngay việc gì rồi. Sự đau khổ lớn làm chúng tôi gần nhau và phút giây quên cả mối giận hờn. Mẹ tôi trong nức nở:
– Điện tín. Ông ngoại mất rồi.
Vậy là cái dòng họ này đã mất đi cái đầu rồi. Bà ngoại tôi mất non nửa thế kỷ bây giờ ông ngoại tôi mới lặng lẽ theo sau. Mẹ tôi khóc tấm tức cả buổi chiều. (…)
Từ ngày quyết định bỏ nhà cha tôi lên cái miền núi rừng này sống với mẹ tôi, buổi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi có thói quen một mình ra cầu sông nhìn nước chảy và ánh đèn mờ le lói trong những thôn bản xa, đến gần khuya mới trở về đọc sách. Buổi tối đó mẹ tôi không ngờ tôi đã chui sớm vào mùng. Gian phòng của tôi ở sát phòng của bà và của em tôi. Tuy vậy nhờ tôi đã dán kín nhiều lớp giấy nơi những kẽ ván hở nên ánh đèn cầy yếu ớt không đủ tỏa chút sáng nào qua bên kia để mẹ tôi và em tôi nhận thấy sự có mặt thất thường của tôi trong gian phòng này. Tôi nằm im, sống trong trạng thái tâm hồn kỳ dị, giây phút như trống trơn không cảm biết gì cả. Mẹ, cha và anh em ơi, tôi biết các người không ai hiểu gì tôi, tôi biết rõ điều ấy khi các người còn sống chung với nhau kia. Sống chung với các người tôi vẫn thấy một sự lạnh lẽo hoang vu. Vậy thì mẹ cứ xem như không sinh đẻ ra tôi, như tôi không có mặt trên đời này. Ý nghĩ này khiến tôi tự hỏi: nếu ngày trước mẹ lấy một người chồng không phải là cha tôi bây giờ – điều ấy rất có thể lắm chứ – thì tôi có phải là tôi bây giờ không? Nhất định là tôi phải khác tôi bây giờ chứ? Mà như vậy thì tôi là ai? Vậy sự hiện diện của tôi giữa các người là do một đặt định hợp lý nào hay chỉ là một tình cờ. Vậy thì nếu tôi có sớm leo lên xe tang chạy về thiên cổ, mẹ cũng nên dửng dưng. Mẹ ạ, biết rồi chúng ta có gặp nhau ở một cõi đời hay một thế giới nào khác không? Nếu vĩnh viễn chúng ta không còn gặp nhau ở đâu nữa thì mẹ ạ, ừ, hãy quên tôi sớm là hơn vì chẳng có ý nghĩa nào hết. (…)
Và mẹ tôi về trễ. Tôi tưởng nước mắt nửa kiếp người của bà đã cạn khô rồi, ai ngờ khi về trước cảnh buồn phiền, bà ôm quan tài khóc nức nở. Thế là hết, khi chiếc quan tài đã năm yên dưới lòng đất, cái lũ người trong dòng họ này không còn cớ nhân danh một thứ ràng buộc vô lý nào để đối xử giả dối với nhau. Của hương hỏa thì còn có chi mà tranh nhau hưởng lợi. Người cậu mà tôi đã có dịp nói đến tuyên bố không dính dấp gì đến cái ngôi từ đường kia hết, kể cả đứa cháu đích tôn là đứa con trai lớn của cậu.
Và đây là ít câu chuyện đậm nét nhất, có tiền có hậu, có hô có ứng, bi ai… lý thú và rất… người xẩy ra xung quanh cuộc đưa tiễn một người đứng đầu trong gia tộc đến nơi an nghỉ đời đời:
Chuyện mở màn. Dượng tôi và mẹ tôi vật lộn đánh nhau túi bụi khi đám ma sắp khởi hành. Nguyên do: dượng tôi ỷ có tiền về trước nói xấu mẹ tôi, cho mẹ tôi là bất hiếu, và vì mẹ tôi không phải là người đàn bà thích ôn hòa. Kết quả thứ nhất: dượng tôi – người dượng có bằng primaire và biết đàn mandoline đó – chạy trốn vì sợ một người cô của mẹ tôi đòi cột đầu. Kết quả thứ hai: mẹ tôi vì nhục nhã không dám về miền cao nguyên ngay như ý định. Kết quả thứ ba: Cậu tôi ngã lăn bất tỉnh vì chưa từng mục kích cảnh đấu võ kỳ lạ như thế. Kết quả thứ tư: người dì khùng của tôi đã thốt lên một câu bất hủ:
– Chết quách hết là xong!
(…)
TRẦN THY NHÃ CA
Trần Thy Nhã Ca, sau này chỉ còn ký là Nhã Ca, có mặt trên số báo cuối cùng của tạp chí Sáng Tạo, số 7 tháng 9 năm 1961 với ba bài thơ:
- Rồi đôi chân của núi
- Mùa đông
- Bài đơn ca
Trước đó thơ Nhã Ca đã xuất hiện trên tạp chí Hiện Đại và nhiều báo khác. Ngay từ đầu thơ Nhã Ca đã có một chỗ đứng riêng, sau đó Nhã Ca bước sang lãnh vực văn xuôi với nhiều thể loại khác nhau: truyện dài, truyện ngắn, ký,… Bao trùm lên toàn thể những tác phẩm của Nhã Ca là hơi thở của cuộc sống đương đại: những phân ly, những lửa đạn, những chết chóc… Một cuộc sống mà trong đó Nhã Ca đã sống. Những tác phẩm của Nhã Ca đã xuất bản: Nhã Ca mới (1965), Đêm nghe tiếng đại bác (1966), Đêm dậy thì (1966), Giải khăn sô cho Huế (1969),…
Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh tại Huế ngày 30/10/1939. Sau năm 1975 Nhã Ca bị bắt giam một thời gian. Tháng 7/1988 cùng chồng là Trần Dạ Từ và các con sang sống tại Thụy Điển, sau 1990 định cư tại Hoa Kỳ. Ra khỏi nước Nhã Ca vẫn tiếp tục viết và xuất bản nhiều tác phẩm. Dưới đây là một tác phẩm của Nhã Ca in trên Sáng Tạo số 7 bộ mới:
MÙA ĐÔNG
không còn một nàng tiên vỗ về ru giấc ngủ
không còn một lời ca làm dịu hồn cô đơn
không còn thư tình thơm nức mùi thuốc lá
không còn một bàn tay vuốt ve giận hờn
không còn gì, không còn gì, tất cả
mỗi buổi mai thức dậy tiếng còi tàu
đời tình ái cỏ rơm
cùng khoảng trống bên vai nơi nỗi buồn ở lại
với mặt trái bàn tay, mặt phải của linh hồn
anh đã tự do vào đời tôi đập phá
tôi cũng tự do xài phí hết đời tôi
cuối những sớm mai chiều tối của đời mình
khi ngã xuống những tháng ngày mục rã
tôi cũng không cần ai nhớ ai quên
người con gái chết đi mang tên loài cỏ dại.
VIÊN LINH
Thơ Viên Linh có mặt trên 4 số Sáng Tạo bộ mới với 14 thi phẩm, trong đó có 6 bài lục bát:
- Đời rút xuống (4) – Hồi tưởng lại (4)
- Trong giấc mộng tàn (5) – Đá và người (5) – Sau đó (5)
- Khi rời Chi Lăng – Và dương thế – Từ ngoại ô – Bài Kim Xuyên – Hồi âm xưa – Về thăm nhà ở Chí Hòa (6)
- Còn gì – Cái chết của A.Hitler – Một cuộc tình (7)
Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam sinh ngày 20/1/1938 tại Đồng Văn, Hà Nam, di cư vào Nam năm 1954. Viên Linh đã viết văn từ lúc còn ở Hà Nội, tháng 4/1975 di tản ra khỏi nước và định cư tại Hoa Kỳ. Viên Linh từng làm nhiều nhật báo, tuần báo và nguyệt san như Tiền Tuyến, Nghệ Thuật, Khởi Hành và chủ trương tạp chí Thời Tập cho tới tháng 4/1975. Viên Linh còn cộng tác với nhiều tập san văn học nghệ thuật khác như Văn Nghệ, Văn,… Viên Linh đã in nhiều tác phẩm như: Hóa thân – thơ (1964), Cảnh tượng đêm nay (1966), Mã lộ (1969), Chiều hôm gió cuốn (1969). Số tác phẩm của Viên Linh in trước năm 1975 ghi lại ở đây là không đầy đủ, chưa nói đến những tác phẩm được xuất bản sau này ở hải ngoại. Cuối thập niên 1960 Viên Linh nhập ngũ cho tới tháng 4 năm 1975. Ông là một người hiếm hoi trong số những người viết văn làm thơ sống được bằng cây bút của mình, ngay cả khi đã ra khỏi nước Viên Linh vẫn tiếp tục sáng tác. Nói đến Viên Linh người ta nói tới một Viên Linh nhà thơ, và một lục bát-Viên Linh. Dưới đây là một bài lục bát của Viên Linh in trong Sáng Tạo số số 6 bộ mới:
VỀ THĂM NHÀ Ở CHÍ HÒA
về đây coi hạnh phúc buồn
thấy thân hơi nặng thấy buồn rụng rơi
thấy tôi xa cách thêm người
bãi hoang liêu thổi tiếng đời đi mau
tôi ngồi xế bóng thương đau
nghe linh hồn đợi u sầu chở qua
ôi em dạ bỗng ơ thờ
hai tay rút nhỏ cọng khô từng hồi
mối sầu mai phục thân tôi
đi chưa nửa cuộc bỗng rời tứ chi
nghe trong máu chảy rầm rì
xương vi vu rỗng lọt thì truy hoan
về đây thu xếp mộng tàn
lời ca dưới phố tuổi vàng anh em.
VĨNH LỘC
Vĩnh Lộc cộng tác với tạp chí Sáng Tạo từ rất sớm, ông đã cho in trên Sáng Tạo trước sau 9 truyện ngắn:
- Mái nhà (8)
- Mùa thu lá vàng (10)
- Ánh trăng trên sông (17)
- Giấc ngủ buổi chiều (18)
- Mưa lúc hoàng hôn (25)
- Những chiều mưa (27)
- Khoảng lộ trình cũ (5 bộ mới)
- Trang 4 (6 bộ mới)
- Chặp tối (7 bộ mới)
Vĩnh Lộc tên thật là Lê Vĩnh Lộc, sinh năm 1928 tại Hà Nội, đã sống và lớn lên ở Hải Phòng. Đã viết cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Tác phẩm đầu tay Hửng nắng do nhà Tân Dân (Hà Nội) xuất bản năm 1949. Vào Sài gòn năm 1950, viết cho các báo Nhân Loại, Thẩm Mỹ, Đời Mới, Sáng Tạo, Văn Nghệ,… Sau năm 1975 Vĩnh Lộc định cư tại Hoa Kỳ. Truyện dài Niềm tin in trên tuần báo Đời Mới năm 1954 được nhà xuất bản Văn Nghệ in thành sách năm 1963. Sau đó, năm 1965, nhà Sáng Tạo in tập truyện ngắn Đôi cánh gẫy của thiên thần. Dưới đây là một trích đoạn trong truyện ngắn Chặp tối của Vĩnh Lộc in trong Sáng Tạo số 7 bộ mới:
CHẶP TỐI
(…)
Một buổi sớm kia dân hẻm thức giấc dưới một bầu trời xám và thấp. Những hạt mưa nhỏ như bụi rắc cái lạnh gây gây lên mấy túp lều trống trải. Người ta không thấy ông Tư đâu cả. Ông ngã bệnh và nằm co quắp trong cái mùng rách màu cháo lòng, đầu ông gối lên gói quần áo là cơ nghiệp độc nhất của ông. Chị Năm thoạt đầu không để ý đến sự vắng mặt của ông lão. Nhưng một lát sau thì chị Tám vác cái bụng lặc lè ra ngồi ăn cơm và nói:
– Bữa nay mình hổng có nhựt trình rồi…
Chị Năm vừa bới cơm vừa bảo:
– Trở trời như vậy dễ bệnh lắm.
Giọng chị thoáng vẻ ái ngại. Chú thợ máy mọi ngày rất tương đắc với ông Tư và khoái nghe những mẩu chuyện dí dỏm của lão, bữa nay bỗng thấy trống vắng trong lòng:
– Già rồi mà có một thân, không vợ con săn sóc nghĩ cũng tội…
Chẳng biết có phải câu nói đó đã làm chị Tám mủi lòng không nhưng buổi trưa hôm đó người ta thấy chị ngồi lui hui cạo gió cho ông. Những vệt tím bầm kéo ngang kéo dọc quanh chiếc cổ khẳng khiu. Ông phải ngồi vịn tay vào tường và mỗi lần chị Tám kéo bàn tay từ vai xuống tới sống lưng thì chị lại nghe ông thở dốc và rên rẩm. Hơi thở ông yếu ớt như tiếng rên của một con vật già hấp hối. Một lúc sau ông Tư nằm xuống. Ông mở mắt lờ đờ ngó cái bụng lặc lè của chị Tám mà hỏi, giọng thật ôn tồn và dịu dàng:
– Hai vợ chồng lóng này “lành nhau” rồi chớ?
Ông nói giọng Nam một cách vụng về nhưng cũng làm chị Tám xúc động. Chị bẽn lẽn bỏ đi.
Xế trưa thì cô Chín nhỏ mon men đến. Ông Tư thức giấc sau một cơn sốt và ngửi thoáng mùi thơm của một tô cháo nóng. Đứa con gái đặt bát cháo còn bốc khói xuống đầu cây kèo gỗ và nói nhanh như lúc cô bị người ta giễu oan khi đã nghe lỏm một mẩu chuyện tiếu lâm:
– Má tôi biểu đem cho ông ăn… kẻo đói.
Tự nhiên ông Tư muốn kêu cô gái lại mà bảo: Đáng lẽ ta không nên “nói xấu” mẹ con cháu… Nhưng cô Chín đã bỏ đi, để lại bát cháo nóng và ông Tư với một chút hối hận vừa chớm lên dầy vò.
Buổi chiều tạnh mưa nhưng về tối trời càng lạnh hơn. Chị Năm đến thăm ông Tư vào lúc ông đang rên rẩm và nằm co quắp như một xác chết. Chị gọi con lấy tấm mền cũ đem lại. Nghe ấm áp, ông Tư mở mắt. Lần thứ nhất, ông bỗng trở nên bối rối. Ông mở miệng vừa định lắp bắp nói thì chị Năm đã bảo:
– Ông chịu khó ăn cháo đi. Hổng có lại về xứ Bắc kỳ thì khổ…
Chị nói và cười khành khạch, không phải tiếng cười chanh chua mọi ngày. Tiếng cười mang một vẻ bỡn cợt, dịu hiền. Ông Tư chống tay gượng ngồi dậy, bưng bát cháo nóng, hơi khói bốc lên khuôn mặt xương xẩu khiến chị Năm không biết được là ông lão vừa khóc. Ông Tư nằm bệnh hết ba ngày, rồi một hôm trời nắng rất trong, người láng giềng gần nhất là anh Tám bỗng nghe tiếng ông húng hắng ho:
– Mấy bữa rày trời lạnh, tụi tôi cứ lo ông bệnh nặng…
Ông Tư cười, hai má hóp lại và chậm chạp bảo:
– Ấy cũng nhờ bữa trước chị Tám cạo gió và chị Năm nấu bát cháo cho ăn… Không có thì cũng “đi về cái xứ Bắc” với ông bà rồi… (…)
NGỌC DŨNG
Ngọc Dũng họ Nguyễn, sinh ngày 16/10/1932 tại Hưng Yên (Bắc Việt). Trước năm 1954 Ngọc Dũng sống ở Hà Nội, theo học hội họa với Lương Xuân Nhị rồi Nguyễn Tiến Chung. Năm 1954 triển lãm lần thứ nhất chung với Duy Thanh và L.K.H. tại nhà triển lãm phố Hàng Trống. Năm 1956 triển lãm với Duy Thanh tại Sài Gòn. Tháng 5 năm 1961 Ngọc Dũng triển lãm một mình với 50 họa phẩm tại Phòng thông tin Đô Thành, số 165 đường Tự Do, Sài Gòn. Sau đó Ngọc Dũng triển lãm tại Huế. Theo đuổi con đường nghệ thuật cùng với Duy Thanh đã đưa Ngọc Dũng gặp Thanh Tâm Tuyền và những người bạn khác trong tạp chí Sáng Tạo. Ngọc Dũng đã cho in một số bài thơ trên tạp chí Sáng Tạo gồm:
- Đêm (20)
- Ngoại ô (25)
- Bài thơ hoang (26)
- Số 2 (27)
- Biên giới của người điên (gồm 3 bài) – Tiếng hát – Điệp khúc 1 – Hồi chuông (3 bộ mới)
Ngọc Dũng từng trình bày báo Thế Kỷ 20, trình bày sách cho nhà xuất bản Sáng Tạo. Tháng 2 năm 1961 Ngọc Dũng làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong trong một thời gian ngắn trước khi sang cộng tác với nhật báo Chính Luận, chuyên vẽ biếm họa. Tháng 4 năm 1975 ông di tản và định cư tại Hoa Kỳ. Ngọc Dũng mất ngày 7/7/2000 tại Virginia Hoa Kỳ. Dưới đây là bài Ngoại ô của Ngọc Dũng in trên Sáng Tạo số 25:
NGOẠI Ô
Người bước đi cúi đầu
Thành phố từ giã nhau
Mênh mông mênh mông lạ
Và đêm và đêm thâu
Khép cửa ngồi chờ đợi
Bóng tối đi bên ngoài
Âm thanh buồn chới với
Trời mưa trời mưa mau
Mỗi người chia tay nhau
Mang theo một thành phố
Khuôn cửa ôm lòng tay
Buồn ơi chiều đại lộ
Núi rừng đi gặp gỡ
Gió buồn bay lang thang
Trời mưa trời mưa đổ
Ý nghĩ nhiều quê hương.
TRẦN LÊ NGUYỄN
Trần Lê Nguyễn cộng tác với Sáng Tạo rất sớm, ông viết phê bình kịch, điện ảnh. Trần Lê Nguyễn còn cho in nhật ký và thơ. Ông là một kịch tác gia nhưng không thấy có kịch in trên Sáng Tạo. Những sáng tác của Trần Lê Nguyễn in trên Sáng Tạo gồm:
- Các em đi vào mai sau (5)
- Ngày tháng rời của cuộc đời (17)
- Giao duyên (17)
- Phương 2 (23)
- Anh (24)
- Nguyện ước (25)
- Đôi mắt (31)
- Nhật ký (31)
- Màu đen (6 bộ mới)
Trần Lê Nguyễn tên thật là Nguyễn Huy Tạo, sinh ngày 4/8/1924 tại Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Trước năm 1954 ông đi kháng chiến. Năm 1955 ông cộng tác với Nguyễn Văn Xuân làm tờ Văn Nghệ Mới xuất bản tại Huế, và cho in kịch dài Bão thời đại trên tạp chí này, mãi tới năm 1968 vở kịch này mới được nhà xuất bản Sáng Tạo in thành sách. Trong mấy chục năm lúc nào Trần Lê Nguyễn cũng có những dự án sân khấu, nhưng tất cả chỉ là dự án. Ngoài Bão thời đại ông còn viết nhiều kịch bản khác từng được in trên các tạp chí, nhưng tất cả chưa bao giờ được dựng trên sân khấu. Ông mất tại Sài Gòn ngày 7/7/1999. Dưới đây là một bài thơ của Trần Lê Nguyễn in trên tạp chí Sáng Tạo số 24.
ANH
Tôi gọi là Anh
Vì Anh đã chết
Như mới hôm qua
Anh chết yên lành tại nhà thương thí
nơi hằng mong ước của nhiều cuộc đời
Chúng ta đều chết ở nhiều nơi mang chung ý nghĩa
Một nhà thương thí
Tôi không muốn nghĩ tới bệnh lao
Vải liệm bát cơm quả trứng
Phút cuối không người ruột thịt
Chẳng dối dăng
kẻ vuốt mắt là ai xa lạ
Sẽ không xứng đáng với Anh
Anh đón chờ những thứ ấy như người tín đồ Công giáo cầu nguyện Chúa
như nhà sư niệm Phật
Anh mãn nguyện qua đời
Như kẻ độc hành vượt xong sa mạc
Trước đây Anh đã chết dần mòn
nôn mửa vào tháng ngày trong ba mươi năm
thở đủ thứ vi trùng
trần truồng đến có ăn cắp cũng không còn tội
Chúng nó ăn cướp của Anh
cơm áo
tự do
đến cả khí trời cũng không vừa ngực
Anh chết như Vũ Trọng Phụng người anh đi trước
viết tác phẩm cuối cùng trả nợ cho đời
với ước mong nhỏ mọn
sống được ăn cơm
Anh chết như một người bạn trẻ nào đang hấp hối
(dĩ nhiên cũng trong nhà thương thí
và một căn bệnh như Anh)
khi mới rồi tập bản thảo đầu tay
yêu năm bảy người con gái mà chưa có ai là tình nhân
tự nguyện làm con thiêu thân
khi chưa đầy hai mươi tuổi
Anh chết tác phẩm không hề in
Mong được đăng từng bài thơ
Trên trang báo của người quen biết
Anh chết túi không 1$
khi lũ bạn có tiền
trong số có tôi
và như vậy rất humain
Tôi chỉ nghĩ đến Anh khi bắt đầu ho đêm nay
tôi không mắc bệnh lao
nhưng Saigon đã mùa mưa
gian nhà trống áo không đủ ấm
Tôi nghĩ đến Anh
khi người ta chết vì nhiều thứ ở trên đời
Anh đã được là Anh
nên Anh không hiểu chúng tôi những người đang sống .
TRƯỜNG DUY
Trường Duy xuất hiện trên Sáng Tạo số 25 với truyện ngắn Tuổi trẻ, sau đó là truyện ngắn Những ngày ở biển và Nón không quai trên Sáng Tạo số 7 bộ mới. Sau đây là lược trích truyện Nón không quai:
NÓN KHÔNG QUAI
Sáng nay trời Sài Gòn bỗng chớm lạnh. Vài chiếc lá vàng lìa cành. Gió lên, gió lên rất đầy, hây hây như tình mùa thu đất Bắc. Một mái tóc đẹp thoáng hiện giữa khung cửa, nhưng rồi hai bàn tay trắng ngần vội khép cánh liếp xanh. Người con gái sợ gió vào làm náo động mơ ước ban mai. Long nhớ Trinh. Con đường có nhiều dương liễu dẫn đến nhà nàng. Những hòn sỏi trắng quen thuộc reo vui chân chàng. Nhà yên vắng. Một dây hoa leo lòa xòa bên thềm hay những sợi tóc buông lơi trên vầng trán Trinh trong giấc ngủ lắng xuống chiều sâu? Hoa đẹp cho mắt, sợi tóc là lơ thơ tơ liễu ở đất trời của những kẻ yêu nhau. Dương cầm nằm trần truồng không quần áo nơi phòng khách. Da thịt phím đàn trắng rợn. Long đặt tay lên đó với tất cả đam mê. Tiếng người con gái vô hình òa vỡ hoan lạc.
Trinh đón Long bằng cái cười nửa miệng. Long nghĩ rất nhanh: nửa miệng kia còn chờ trăng mười sáu lên. Trinh mặc áo len màu lam nhạt. “Để anh thấy mùa thu Hà Nội và nước hồ Trúc Bạch về nơi em”. Câu nói không ra lời ấy ngời sáng nơi mắt Trinh. Long điêu khắc đậm nét lại hình ảnh mùa thu có gió sông Hồng, có hoàng lan rụng đầy vườn Bách Thảo. Gặp Trinh lần đầu ấy, lòng Long cũng gợn sóng xao xuyến như nước hồ Trúc Bạch. Người đẹp đã đi lẫn vào trong cái chuyển dịch náo nức của Hà Nội ngày chủ nhật. Những nhớ tiếc vẩn vơ dìu sương về thấm lạnh cảm nghĩ Long. Làm sao tìm lại được đôi mắt nhốt linh hồn chàng giữa phố phường rộng lớn mà mỗi con đường dài hun hút là một dẫy giăng mắc những đợi chờ? Trinh bây giờ mới lên tiếng. Những âm thanh rót nhẹ nghiêng nghiêng:
– Đến thăm Trinh mà anh lại như phiêu lãng ở chân trời nào ấy.
Long vẫn nhìn xa xôi, chưa tỉnh hẳn:
– Anh đang tìm về mùa thu Hà Nội đầu tiên Trinh đến với anh.
– Vâng, đời chỉ đẹp bằng những hoài niệm và hy vọng. Cái hạnh phúc nắm được trong tay không còn chiêu dụ, quyến rũ như khi nó còn là bóng hình kiều diễm ở hôm qua hay sẽ là mơ ước thăng hoa trong ngày tới, anh nhỉ?
Rồi đến lượt tâm hồn Trinh lại trôi nổi trong bàng bạc dĩ vãng.
(…)
CUNG TRẦM TƯỞNG
Cung Trầm Tưởng cộng tác với Sáng Tạo từ số 8. Những tác phẩm in trên Sáng Tạo gồm có:
- Đà Giang (8)
- Khoác kín (9)
- Tôi còn yêu, tôi còn yêu, tôi còn yêu (11)
- Nghĩa địa – Ngủ (31)
- Thoát xác – Cô đơn (4 bộ mới)
- Tật nguyền – Đam mê (5 bộ mới)
Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần sinh ngày 28/11/1932 tại Hà Nội. Chính quán làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Ông từng du học tại Pháp và là sỹ quan ngành không quân. Sau tháng 4/1975 ông đi tù cải tạo, khi ra tù ông định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1993. Thơ ông lần đầu xuất hiện trong một hợp tuyển thơ, nhạc, họa: Tình Ca cùng với Phạm Duy và Ngy Cao Uyên (1959). Ông đã cộng tác với nhiều tạp chí văn chương. Ra sống ở nước ngoài sau nhiều trải nghiệm trong những biến động của lịch sử, ông đã sáng tác nhiều hơn trước. Dưới đây bài thơ Ngủ của Cung Trầm Tưởng in trên tạp chí Sáng Tạo số 31:
NGỦ
Nằm ôm giấc mộng thâu canh
rêu um lối nhện, mốc xanh ẩm hồn
Trăng xiêm ngải, gió buồn nôn
đã nghe kỳ tử trống dồn bên tai
Sơn bôi mục đỏ quan tài
ngàn sương rũ hẹn tiếng dài chim âu
Buông đôi tay, rỗng sọ đầu
mi suôi mắt ngủ giấc sầu cô miên.
LÊ HUY OANH
Lê Huy Oanh cộng tác với Sáng Tạo ở bước đầu là những bài viết về thơ của Beaudelaire, Verlaine,… Ở đó nhắm giới thiệu những trường phái mới của nghệ thuật Tây Phương. Cùng lúc ông dịch thơ của nhiều tác giả Tây Phương sang Việt Ngữ. Lê Huy Oanh từng cộng tác với nhiều tạp chí như Văn Nghệ, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn,… Dưới đây là liệt kê những sáng tác của Lê Huy Oanh trên tạp chí Sáng Tạo:
- Giòng sông (1 bộ mới)
- Mưa trên thành phố (4 bộ mới)
- Hồi chuông báo tử (6 bộ mới)
Lê Huy Oanh sinh tại Hà Nội, vào Nam năm 1954, ông dạy học và dịch thuật. Cùng lúc ông viết phê bình, sáng tác văn xuôi. Từ năm 1980 ông sống tại Hoa Kỳ sau khi vượt biên rời khỏi Việt Nam. Sau đây là lược trích truyện ngắn Hồi chuông báo tử in trên tạp chí Sáng Tạo số 6 bộ mới:
HỒI CHUÔNG BÁO TỬ
Nhà thờ xứ chỉ cách xa nhà thờ họ chừng ngót một cây số ngàn. Khác nhau có một chữ thế thôi mà địa vị hai cơ sở chênh lệch hẳn nhau. Xứ gồm nhiều họ. Mỗi họ lớn đều có một ngôi thánh đường. Nhưng nhà thờ xứ sầm uất phồn thịnh hơn nhà thờ họ cả trăm lần. Lý do vì các lễ nghi diễn ra thường nhật tại nhà thờ xứ, còn nhà thờ họ thường khi cửa đóng then cài. Cả năm chỉ có đôi ba tuần lễ, linh mục hàng xứ sang họ làm phúc, quang cảnh nhà thờ họ mới náo nhiệt vui vẻ mà thôi.
Nhà thờ họ này vốn to nhất địa phận, đứng sừng sững giữa một khoảng đất rộng chừng vài mẫu ta. Ngọn tháp chuông cao vút chọc thẳng lên trời, đội trên đầu một cây thánh giá sắt. Tháp chuông này tượng trưng cho một hình ảnh cao cả: đó là ngón tay Thượng Đế chỉ cho loài người nước thiên đường đầy sự hoan lạc bình yên. Phúc thay cho những ai đến với Chúa, phúc thay cho những ai đi theo con đường Chúa đã chỉ dẫn, vì họ sẽ tới được nơi cao sang tột bậc và bền vững. Có phải thế chăng?
Sáng, trưa, chiều và nửa đêm, quả chuông đồng trên ngọn tháp lắc lư theo đà dây kéo, truyền ra khắp các hướng trời những âm thanh trầm bổng. Ngôn ngữ của khối kim khí thanh tao ấy cũng có nhiều sắc thái khác nhau: sầu thảm, vui mừng, thờ ơ, rộn rã, than van, thúc giục, cầu khẩn, trêu cợt, tiếng chuông đổi thay tùy theo thời tiết và thời gian của mỗi năm. Tiếng chuông nồng nàn trong tuần đại phúc khác với tiếng chuông bình thản hàng ngày, tiếng chuông vào buổi nắng ráo sáng sủa, khác với lúc đất trời nặng nề u ám.
Vấn đề còn tùy thuộc một phần lớn vào gã kéo chuông, khi buồn khi vui, lúc no lúc đói, trạng thái tâm hồn và thể chất gã có ảnh hưởng nhiều đến tiếng chuông nhà thờ họ này. Việc kéo chuông vốn là trách nhiệm của bác sãi trong làng. Địa vị bác vốn thấp kém nhưng bác sung sướng nhàn hạ hơn tất cả mọi người. Chỉ có việc trông coi nhà thờ, và canh cho đúng giờ để kéo chuông, thế thôi. Nhà bác sãi ở sát nách nhà thờ, thấp thoáng trong một hàng rào cây găng bốn mùa xanh ngắt. Sống giữa cảnh cô tịch nhàn hạ, bác thường uống rượu cho vui. Mới đầu uống ít, sau uống nhiều. Dần dần bác nghiện rượu. Một lần ông trùm họ bắt chợt bác say rượu nằm ngủ dưới cuối nhà thờ ngáy rền rền. Ông trùm vừa tức tối vì hành động bất kính của bác vừa lo sợ thay cho bác là Chúa sẽ trừng phạt bác vì tội ngủ trong nhà thờ…
(…)
Vào sáng ngày cuối tuần đại phúc tại nhà thờ họ có lễ cưới. Phải trổ hết tài năng kéo một hồi chuông báo sự vui mừng…
(…)
Rất đông dân làng đứng chung quanh sân nhà thờ để xem mặt cô dâu chú rể. Trong đám những người đứng quan sát đó dĩ nhiên có cả thằng Phả. Khi đám người rước dâu tới gần, thằng Phả bỗng nhiên khẽ kêu lên một tiếng đau đớn. Nó nhận ra cô dâu chính là người con gái mà nó thầm mơ ước suốt mấy tháng nay. Chân tay run rẩy, Phả phải đứng tựa vào một thân cây cho vững. Rồi không sao cầm lòng được, Phả vụt chạy khỏi nhà thờ, lần ra ngoài ruộng vắng.
(…)
Trong nhà thờ, lễ cưới bắt đầu cử hành. Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời cô nữ sinh có đôi mắt huyền ảo và có tấm thân thể kiều diễm kia. Khi tân lang âu yếm trịnh trọng luồn nhẫn cưới vào ngón tay thon dài của cô, cô đã đắm say liếc nhìn người bạn trăm năm. Đó mới là cái nhìn thực sự đắm say, khác hẳn cái nhìn vô tình cô đã ban cho thằng Phả trước kia.
Vào buổi tối, khi tuần đại phúc chấm dứt, vị linh mục đã trở về nhà chung và cửa nhà thờ đã khép lại, từ thánh đường vụt nổi lên một hồi chuông báo tử. Chưa bao giờ người ta nghe thấy tiếng chuông thê thảm, rùng rợn đến như vậy. Những người đàn bà yếu bóng vía rùng mình run rẩy giơ tay làm dấu thánh giá. Có dăm cụ già úp mặt xuống đất đọc kinh sám hối. Tiếng chuông ảo não kia nhắc nhở các cụ giờ chết đã gần tới.
Trong đêm tối, một bóng người lật đật chạy về phía nhà thờ. Đó là ông trùm họ. Xưa nay phàm gia đình Công giáo nào trong họ có người qua đời đều phải báo cho ông biết, rồi từ ông sẽ ra lệnh cho sãi nhà thờ nổi chuông báo tử. Chưa có lệnh của ông không có người sãi nào dám nổi hồi chuông đó. Hôm nay trong họ có ai chết đâu. Tại sao lại có chuông báo tử?
Đến cửa nhà thờ, ông trùm họ lớn tiếng gọi tên thằng Phả. Tiếng chuông vẫn rền rỉ xoáy vào đêm tối và thằng Phả không trả lời. Vừa tức bực, vừa ngạc nhiên, ông trùm họ rút chiếc đèn pin trong túi, bật lên rồi đẩy cửa bước vào nhà thờ. Trong ánh đèn rọi sáng, thằng Phả đứng lặng lẽ, một tay vẫn thong thả giật dây chuông. Ông trùm họ trợn mắt, vừa tiến đến gần thằng sãi bướng bỉnh vừa hỏi giật giọng:
– Ai chết mà mày kéo chuông báo tử? Ai bảo mày kéo chuông báo tử?
Nhưng ông trùm đột nhiên rùng mình đứng sững. Trong ánh đèn ông nhận thấy mặt thằng Phả phờ phạc và xanh mét. Nó giương đôi mắt đỏ ngầu trân trối nhìn thẳng vào mặt ông và tay nó vẫn giật tiếng chuông báo tử.
TRẦN DẠ TỪ
Trần Dạ Từ xuất hiện trên Sáng Tạo từ số 26 của bộ cũ. Sau đây là những sáng tác của ông in trên tạp chí Sáng Tạo:
- Có ai – Mộng đầu – Bước đi (26)
- Một bài thơ – Và chủ nhật – Mỏi (27)
- Bài kỷ niệm – Ngự trị – Thuở làm thơ yêu em – Thơ chiều phố – Và tên một người riêng (28-29)
- Buổi trưa về Thị Nghè – Dạ khúc ba – Tháng chín sáu mươi (6 bộ mới)
- Khúc dĩ vãng – Bài học lớp nhất – Trong chuyến xe đò ban đêm – Nocturne (7 bộ mới)
Trần Dạ Từ tên thật là Lê Hà Vĩnh, sinh năm 1940 tại Hải Dương. Vào Nam năm 1954. Những năm đầu cầm bút ông làm thơ, viết văn, sau ông chuyển sang làm báo. Trần Dạ Từ từng cộng tác với các báo Dân Việt, Tin Sáng, Sống, Sóng Thần, Báo Đen và viết trên nhiều tuần báo, tạp chí văn nghệ như Tiếng Nói, Hiện Đại, Gió Mới, Ngàn Khơi,Văn Nghệ,… Sau tháng 4/1975 ông bị bắt giam 12 năm. Năm 1989 ông cùng vợ là Nhã Ca và gia đình sang sống ở Thụy Điển trước khi định cư ở Hoa Kỳ. Ở nước ngoài, Trần Dạ Từ tiếp tục làm báo và sáng tác thơ văn. Trước năm 1975 Trần Dạ Từ đã cho in tập thơ Thuở làm thơ yêu em. Dưới đây là bài thơ Bài kỷ niệm in trên tạp chí Sáng Tạo số 28-29 tháng 1-2 năm 1959.
BÀI KỶ NIỆM
Tôi nhớ người thôi hết mùa xuân
đường đi nghe mắt đã âm thầm
chân buồn lên đống đôi chiều nắng
mang lá xanh vòng gây tiếc thương
Thủa ấy tôi về ngang đất cũ
ngày thơ ngây cũng đẹp như hồn
người đi trên những con đường đó
lòng cũng lên mùi cỏ mới thơm
Em áo còn bay nhiều ước hẹn
giấc mơ đời ngọt vị bâng khuâng
nắm tay dài mãi niềm lưu luyến
chân chậm dường như muốn ngại ngần
Tôi gửi đời tôi trong tóc ấy
ôm người chưa chắc nổi vòng lưng
chiếc hôn đầu chết trên vầng trán
môi đã nghìn năm biết tủi hờn
Tôi nhớ người thôi hết đời tôi
đường đi không kết nổi câu cười
buồn hoang đến nửa thời thơ dại
trong những chiều ai mang áo phơi.
THẢO TRƯỜNG
Thảo Trường xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo rất sớm, từ số 14 tháng 11/1957 tới số 4 bộ mới tháng 10/1960 với những sáng tác sau đây:
- Hương gió lướt đi (14)
- Hai thế kỷ (16)
- Đàn ông (23)
- Đò dọc (26)
- Xác chết (28-29)
- Riêng tư (30)
- Làm quen (31)
- Màu và sắc (4 bộ mới)
Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 (giấy tờ ghi 1938) tại làng Quang Sán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1954 di cư vào Nam. Ông bắt đầu viết văn sau khi rời trường Sỹ quan Thủ Đức. Ông từng cộng tác với nhiều tạp chí như Sáng Tạo, Hành Trình, Đất Nước, Trình Bầy,… Tác phẩm đầu tiên là cuốn Thử lửa do nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1962. Sau tháng 4 năm 1975, Thảo Trường đi tù cải tạo 17 năm. Năm 1993 đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ. Thảo Trường mất ngày 26/8/2010 tại tiểu bang California Hoa Kỳ.
Sau đây là một số tác phẩm của Thảo Trường đã được xuất bản: Thử lửa, tập truyện (Tự Do, 1962), Chạy trốn (Nam Sơn, 1964), Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp – tập truyện (Trình Bầy, 1966), Vuốt Mắt – truyện dài (Thể Hiện, 1969), Chung Cuộc – tập truyện (Trình Bầy, 1968), Bên trong – truyện dài (Trình Bầy, 1969), Cánh đồng đã mất – truyện dài (Văn, 1971), Người khách lạ trên quê hương – truyện dài (Đại Ngã, 1972), Cát – truyện dài (Như Ý, 1974),…
Năm 1993 Thảo Trường định cư tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục sáng tác. Tiếng thì thầm trong bụi tre gai (Tin, Paris 1995) là tập truyện đầu tiên ông cho xuất bản tại hải ngoại và sau đó thêm 9 tác phẩm khác. Cuốn cuối cùng in năm 2009 là tập truyện ngắn Rừng tràm (Quan San, USA 2009).
Trong những tác phẩm viết trước năm 1975, ở đó là cuộc chiến tranh bi thảm, là những tan nát chia ly, là cuộc nội chiến không được nhìn nhận, là những đối kháng mù tối và con người bị đày đọa không có đường thoát thân. Sau 1975, trong tác phẩm của Thảo Trường là nhà tù, là cuộc sống u tối, những tan nát di tản, định cư và cuộc sống lưu vong… Thảo Trường đã để lại những trang viết làm chứng cho một thời kỳ trong lịch sử đất nước.
Dưới đây là lược trích truyện ngắn Đò dọc của Thảo Trường in trên tạp chí Sáng Tạo số 26 tháng 10 năm 1958.
ĐÒ DỌC
Tôi đi nhận việc ở Huế như đi vào mùa xuân. Từ lâu tôi vẫn hằng ao ước được sống ở miền sông Hương núi Ngự. Huế với những danh từ quyến rũ, với những bài ca thơ mộng, những điệu hò tha thiết, ảo não… đòi đoạn. Thần kinh với bao lời tán tụng, thi vị hóa đã làm tôi thèm muốn được đặt chân tới Huế, hít vào đầy lồng ngực bầu không khí Huế mà tôi cảm thấy nó vô cùng tươi mát khi bắt đầu xuống đèo Hải Vân. Cái sự hấp tấp si tình của tôi với Huế như thái độ một gã con trai đi tìm người yêu. Hắn hằng ao ước, hằng chờ đợi cái ngày được gần người đẹp, nếu không thì chưa phải là yêu nhau. Cũng như tôi, tôi vẫn cho rằng nếu chưa biết Huế thì tôi chưa phải là người Việt Nam thuần túy.
(…)
Ngày cuối cùng của một năm buồn hơn bao giờ hết. Tôi bỏ sách vở, bỏ những công việc thường ngày để đi lang thang. Trời lành lạnh lại càng giục tôi nhớ Hà Nội. Hồi chiều tôi mua một chiếc khăn san đỏ khác choàng cổ để nhớ Kim, vì chiếc khăn Kim đưa hồi còn ở Hà Nội tôi đã cho một người con gái trên Đà Lạt. Điều này nếu Kim biết chắc nàng cũng không giận tôi – vì tôi là đàn ông.
Tôi đi dọc theo bờ sông Hương. Không bao giờ hút thuốc lá nhưng hôm nay tôi hút thuốc lá, mà hút rất nhiều. Cũng chẳng hiểu như thế để làm gì. Tôi đồ chừng là tại buồn. Đến đầu cầu Gia Hội thì có một người đàn bà đi gần lại hỏi khẽ tôi có đi đò không? Tôi nhìn người ấy. Mụ cười, nháy mắt:
– Đò dọc. Đẹp lắm. Thầy buồn nhiều phải không?
Tôi gật đầu ưng thuận, nói một tiếng không phải là tiếng Việt Nam: oui.
Mụ dẫn tôi vòng xuống mé sông, chỗ có một cây to. Lúc đó trời đã chạng vạng tối. Những con đò nằm chết lặng trên sông đã hé mắt. Tôi bước xuống khoang đò theo mụ. Mụ chui vào trong kêu khẽ “Ngọc” và mời tôi vô trong, rồi mụ về đằng lái đẩy đò ra dòng chèo theo chiều nước chảy. Tôi chui vào trong khoang với Ngọc.
Người ta có những phút vừa mừng vừa tủi thì cái phút mừng tủi nhất của đời tôi và Kim là cái lúc tôi chui vào khoang đò với Ngọc. Tôi tưởng Ngọc là đứa gái điếm lén lút xa lạ nào chứ tôi có ngờ đâu Ngọc lại là Kim của tôi. Gặp nhau bất ngờ mắt chúng tôi sáng lên bỡ ngỡ. Tôi ôm lấy Kim vào lòng. Còn Kim thì lặng im không nói. Nàng cúi xuống nhìn chiếc chiếu như nhìn vào quãng đời vừa qua của nàng.
Chúng tôi ngồi ôm nhau lâu lắm. Kim vẫn im lặng. Nàng gục vào vai tôi chảy nước mắt. Tôi định hỏi vì sao nàng ra nông nỗi này nhưng tôi không dám. Tôi có nhiều câu để hỏi Kim nhưng tôi nghĩ rằng không nên nói ra. Gặp nhau trong trường hợp này không nên hỏi han, không nên biết những điều đã qua của nhau. Tôi biết rằng Kim đang đau đớn. Răng Kim cắn chặt lấy môi dưới. Ngày xưa mỗi lần Kim buồn khổ điều gì Kim cũng làm như thế. Tôi vuốt tóc nàng:
– Em còn tin anh chứ?
Kim đang cúi đầu, nàng còn gật xuống thấp nữa.
– Vậy thì anh bảo: anh yêu em.
Kim ngước mắt lên nhìn tôi hoảng hốt rồi lại cúi xuống. Tôi nói:
– Hà Nội sao hở Kim?
– Hư hỏng…
Một lát nàng tiếp:
– Như em…
Tôi hôn vội lên môi nàng. Hôn xong tôi bảo Kim:
– Nhưng còn Sài Gòn.
Rồi cũng ngừng một lát, tôi tiếp:
– Và còn anh của em nữa.
Lúc đó Kim hôn tôi như tôi đã hôn nàng. Hai chúng tôi ngả người ra chiếc gối. Ánh đèn dầu mờ mờ, Kim sờ chiếc khăn đỏ ở cổ tôi:
– Khăn ngày xưa?
– Không phải. Khăn ngày xưa anh đã cho một người con gái trên Đà Lạt. Khăn này anh mua hồi chiều. Nhưng bao giờ anh cũng yêu em. Kim dụi đầu vào ngực tôi:
– Anh vẫn chân thật như hồi nào. Em thì… chả còn gì, lại già và xấu nữa.
Tự nhiên tay tôi đỡ lấy người Kim, nằm nghiêng, và tôi nói:
– Em có những cái đẹp mà em không biết. Em đẹp ở cái trầm lặng, em đẹp ở cái chân thật. Anh yêu những thứ đó. Em là vợ anh. Đêm nay là đêm tân hôn. Em là vợ anh. Đêm nay là đêm tân hôn của chúng mình.
Lúc đó tôi là một người đàn ông nhiệt tình. Nằm cạnh Kim, có lúc tôi nghe rõ cả tiếng ò ọ sôi bụng của nàng.
Nửa đêm thì đò chúng tôi bị kiểm tục vây bắt. Khi mụ chèo đò báo động, Kim hoảng hốt bảo tôi:
– Anh mặc quần áo vào. Nhanh lên.
Rồi nàng vơ vội lấy cái quần định xỏ hai chân vào. Tôi choài người ôm lấy Kim:
– Chẳng cần phải thế em. Chúng mình sẽ là vợ chồng. Anh muốn chúng mình cứ vẫn đàng hoàng. Việc này để xác nhận với mọi người chúng mình yêu nhau, chúng mình là vợ chồng, dù chúng mình có phải đi xa khỏi nơi này.
Kim ngoan ngoãn không phản đối. Nàng năm im với tôi.
Chúng tôi bị dẫn về Ty Kiểm Tục và người ta còn nói rằng người ta bắt được quả tang. Kim thì từ lúc lên bờ luôn luôn đi sát tôi có lúc gần như dựa vào tôi mà đi. Tôi choàng cho nàng chiếc khăn đỏ để bớt lạnh, tay tôi ôm ngang lưng nàng.
Thế rồi tôi mất việc làm. Nhà trường có lý là không thể mướn một giáo sư bị kiểm tục bắt quả tang. Nhưng tôi với Kim thì đã chính thức thành vợ chồng theo tập quán xã hội. Tôi với Kim dự định rời Huế về một trại định cư ở Cái Sắn. Tôi sẽ đi cắm tra lấy cá và viết sách ca tụng những người yêu nhau.
Kim thì vẫn yêu tôi như hồi còn Hà Nội.
LAN ĐÌNH
Lan Đình cho in truyện ngắn Thương nhau thì về trên Sáng Tạo số 28-29 tháng 1 và 2 năm 1959. Ông quê tại Bắc Việt, vào Nam năm 1954. Lan Đình đã cho xuất bản: Đường xa chi mấy (1960), Ngục tối trong lòng mình (1969), Từ đêm khởi chiến (1969). Những sáng tác của Lan Đình in trên tạp chí Sáng Tạo gồm có:
- Thương nhau thì về (28-29)
- Hàng xóm ( 30)
- Hai mùa xuân hai cuộc đời (7 bộ mới)
Dưới đây là một sáng tác của Lan Đình in trên Sáng Tạo số 30 tháng 5 năm 1959:
HÀNG XÓM
Bao người yêu cũ đi vừa hết
lòng bỗng hoang vu tựa quán nghèo
muôn thuở tay ngà xa cửi dệt
cái gì quên mất chả đem theo?
Thu về khu phố làng-gia-đỗ
nhà núi lênh đênh tắp lối gầy
gió tụ đầu đường, tan cuối ngõ
đêm dừng, chăn mỏng khép hồn vơi
Cửa sổ đầu giường đong nắng gió
hoàng hôn bay lá tự cây nào?
chân trời hửng mặt-giai-nhân-khóc
gác bụi đèn thầm vọng lối sao…
Về đây chôn cất một tình yêu
thu xếp tâm tư đã rất nhiều
hồn chả ai đong mà vợi quá…
buồn rồi không biết cất vào đâu!
Nhà ai hiên gác vắng quanh năm?
đếm giọt ti-gôn rung trước rèm…
đâu bảo một nàng thơ mộng lắm?
vì rằng trong mái có lồng chim
Nhiều sớm heo may, bừng mắt dậy,
nắng qua cửa sổ, nắng lên màn
then song vờn nét tranh hình khối
con sáo trong lồng lại hót sang.
Người bên gác bụi ngó qua song
chim ở hiên xanh nhẩy đánh vòng
Người huýt sáo sang, chim hót lại…
khi người đi vắng, chim buồn không?
Một sáng vô tình người dậy sớm
nắng còn e thẹn rẽ đường sương
chim đang dấu mặt trong lông ấm
ai víu cành lê rủ góc tường?
Em đẹp nhìn xa ngoài vũ trụ
tóc chiều hơi-thở-đóa-hôn-đầu
da đào trôi lịm như niềm ngủ
hiền bướm-hoa-quì-nâng-gót-chân!
Làm sao quên hết người yêu cũ?
như vẫn lòng son đến tận giờ
ở gác lan-đình, hàng xóm có
chim huyền, hoa trắng với em thơ…
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
Truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu in lần đầu trên tạp chí Sáng Tạo số 28-29 tháng 1-2 năm 1959, đó là truyện Rượu, chưa đủ (sau truyện được in trong tập truyện ngắn Cũng đành đổi là Bồn cát tuổi thơ). Có tất cả 5 truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu in trên Sáng Tạo gồm:
- Rượu, chưa đủ (28-29)
- Tiếng nói (31)
- Tiếng động trên da thú (2 bộ mới)
- Làm thân con gái (6 bộ mới)
- Buồn vàng (7 bộ mới)
Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19/11/1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là làng Minh Khai, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Năm 1954 di cư vào Nam với gia đình. Năm 1962 làm tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, viết cho nhiều báo và tạp chí như Sáng Tạo, Tân Phong, Thế Kỷ Hai Mươi, Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm, Chính Văn, Sóng Thần,… Tập truyện ngắn đầu tiên Cũng đành do Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài đầu tiên Gia tài người mẹ do Văn Nghệ xuất bản năm 1964. Cho đến năm 1975 có 20 đầu sách đã được xuất bản.
Năm 1966 ông nhập ngũ, từ 1967 làm phóng viên quân đội cho tới tháng 4 năm 1975. Sau 30/4/1975 bị bắt giam. Năm 1977 được tạm tha. Sau năm 1977 học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn. Dưới đây là một đoạn trích trong truyện ngắn Tiếng động trên da thú in trên Sáng Tạo số 2 bộ mới tháng 8 năm 1960.
TIẾNG ĐỘNG TRÊN DA THÚ
Tôi thức dậy sau một giấc mơ ngắn. Tôi nhớ xem người đàn ông đến hỏi tên tôi là ai – tôi cố gắng tìm tòi một người cao dong dỏng, chân thấp chân cao và đôi tay dài xuống quá đầu gối nhỏ như một thân sậy khô. Thân dáng có vẻ ngây ngô ấy mặc một chiếc áo dài màu xám. Tôi cố nhớ khuôn mặt, nhưng tôi không nhớ một nét nào – đó chỉ là một khuôn mặt tối đen không rõ mắt mũi – ngoài một vài sợi tóc hơi lay động. Tôi thấy người đó cầm lấy tay tôi rất lâu, một cảm giác ấm áp mơ hồ – người đó nói với tôi rất nhiều, giọng nói nhỏ nhẹ chỉ gây lên một chuỗi âm thanh trầm trầm – nhưng sau rốt tôi nghe rõ ràng người ấy hỏi tôi tên là gì. Tôi ấp úng tìm kiếm để trả lời nhưng không được. Người đó chừng như cáu giận nên quát lớn làm tôi thức dậy. Giấc mê có vẻ lạ lùng. Từ nhiều đêm nay tôi cứ nằm xuống chợp thiếp đi là mê sảng, những giấc mê đó mang đến tôi những kỷ niệm về quá khứ, nhưng giấc mê tối nay hoàn toàn tôi không tìm thấy dấu vết. Có lẽ đêm đã khuya lắm. Tôi không thể biết giờ giấc, khung cảnh đường phố vẫn như nhiều đêm. Tôi nhìn về những cột đèn đứng im, hàng giây thép chăng từng vệt ánh sáng, những đỉnh cây chụm vào nhau thì thầm, một chút một, khoảng trời với mấy ngôi sao hiện ra, mấy chiếc xe vận tải còn đỗ ở mé bên kia đường. Không còn một bóng người nào thoáng hiện.
Tôi cựa người trên khoảng hiên gạch úp mặt vào cửa sắt muốn giấc ngủ tìm đến. Tôi duỗi chân cho đỡ lạnh cóng và rời rã, bỗng tôi đạp phải một vật gì êm và ấm. Tôi ngẩng cổ nhìn lên: một đứa con gái ngồi đó nhìn tôi.
(…)
VƯƠNG TÂN
Vương Tân tên thật là Lê Nguyên Ngư, ông còn có những bút danh khác như Hồ Nam, Lê Tây Sơn. Ông có mặt trên tạp chí Sáng Tạo từ số 13 tháng 10 năm 1957. Những sáng tác của Vương Tân trên Sáng Tạo có:
Về thơ:
- Chúng mình (13)
- Đổi thay (14)
- Làm thi sỹ không tên tuổi (17)
- Bản hành ca số một (21)
- Chiều (22) Cô liêu (23)
- Mênh mông – Vời vợi (24)
- Tâm sự (25)
- Ở lại (26)
- Hiu quạnh (26)
- Tĩnh vật – Ngoài phố (27)
- 30 tháng chạp – Ngày đầu xuân đi trốn (28-29)
Truyện:
- Về cái chết của một người bạn ở phi trường Bạch Mai (25)
- Mùa xuân căn gác đầy người (28-29)
- Hai mươi (7 bộ mới)
Vương Tân sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, di cư vào Nam năm 1954. Ông từng cộng tác với nhiều tuần báo và tạp chí như Đời Mới, Sống, Sáng Tạo, Văn Nghệ,… Trước năm 1975 ông sống ở Sài Gòn. Sau năm 1975 ông bị bắt giam, sau đó ông về sống ở Mỹ Tho với gia đình. Sau đây là bài thơ Ở lại in trên tạp chí Sáng Tạo số 26 tháng 11 năm 1958.
Ở LẠI
Ghi ngày giỗ đầu Quách Thoại
Nghe tin anh vừa chết
Buổi chiều đầy hoang liêu
Ngày mai tôi phát vãng
Thương nhớ nhau còn nhiều
Anh đi ôi cô độc
Trần gian vắng quá rồi
Buồn đau nên tôi khóc
Mưa rơi và lệ rơi
Cùng tham gia lịch sử
Chiều nay thiếu một người
Cùng mơ làm thi sĩ
Mỗi kẻ một phương trời
Không nghĩ mình gạch ngói
Tôi thấy buồn xa xôi
Cúi đầu đi đau đớn
Anh ơi thiếu nhiều rồi
Người lữ hành cô độc
Là anh hay là tôi
Trùng dương mênh mông sóng
Ôi cô liêu cuộc đời
Đớn đau nhiều quá lắm
Đêm tối sắp đến nơi
Tôi khóc và im lặng
Nhớ nhau có thế thôi
Gác xưa còn ai nữa
Hai đứa hai phương trời
Chia nhau thay lịch sử
Vắng anh nhiều mây trôi