Hồi nhỏ (trung học đệ nhị cấp) lúc khởi sự đọc vài bài xô-nê của “nhà thơ thiếu niên” (Sensation, Le mal, Le dormeur du val, Au cabaret vert, Ma bohème, Voyelles) và biết đôi điều về huyền thoại “người đàn ông với đế giầy gió”, tôi có mơ trở thành một Rimbaud mắt nâu tóc đen của văn minh miệt vườn sáu tỉnh lỵ Nam Kỳ Cục không nhỉ? Hổng nhớ. Song. Có mộng lành hay có mơ láo thì cũng chỉ uổng công dã tràng xe chữ bể bơi mà thôi. Bởi lẽ – hu hu – cái danh hiệu tuyệt cú mèo đó, dù muốn hay không, cũng đã lọt vào tay thi nhân Phạm Công Thiện rồi. Do cái ông nhà văn Mỹ “chịu chơi” tên Henri Milơ, tác giả của nhiều cuốn truyện khét mùi sex xì-căng-đan thập niên 20-30 Paris một thời vang bóng và một cuốn tiểu luận (Thời Của Bọn Ðồ Tể, 1956) – tuy không to nhưng cũng khá dầy – về cậu học trò ưu tú của cái tỉnh lẻ Charleville, tặng riêng (danh hiệu Rimbaud) cho ông Thiện, trong một đêm đen của America, America. Charleville thì ở bên Tây (nhưng cũng có thể được/bị dời qua bên Tàu), dĩ nhiên.
Một Rimbaud không Vô Thần? Một Rimbaud không gọi Ðấng Tối Cao là Cục Vàng Ròng? Một Rimbaud không buôn súng đạn, không bán nô lệ? Một Rimbaud không cưu mang Một Mùa Ðịa Ngục? Hiền quá chăng? Nổi loạn? Ắt phải có. Một hay nhiều. Từ chốn, hay tại nơi, Hố Thẳm Tư Tưởng. Tôi không rõ. Do bởi tôi không chuyên về văn thơ Phạm Công Thiện. Dù gì, một cường quốc của thơ ca ở Ðông Nam Á như nước An Nam Ta đây thì cũng cần có – chí ít – một chàng Rimbaud cho hả dạ, chớ hả? Vậy thời: Hip hip hurrah – Hip hip hurrah – Hip hip hurrah. Ba bận. Trong năm Con Rồng. Cho cái ông triết gia tuổi Con Rắn chẳng giống ai. Chàng đi. Ðông chìm. Cây khế chiều nao rụng hết lông. Ai lên xứ bông đào đừng quên kêu cho ta một chầu bia lon. Nhé.
Vâng ạ, nhưng chẳng phải vì bia đá mà tôi đã liều mạng, đã xả thân không sợ chết để tuyên bố trong một tiểu luận về thơ ca – dạ vâng, tôi có oang oang (và rất hai phải ) thí cái mạng – chưa cùi – trong cái tiểu luận rất khai đó (khai tâm và khai tối) rằng, đại khái: “nội dung (đề tài) và hình thức (ngôn ngữ) không thể tách rời và quan trọng như nhau”. Trúng phóc hay trật lất, thì phải xây cơ vời cái ông tây không ba lô Roland Barthes lên mà giao cho công an Hà Lội tra khảo thì mới rõ trắng đen vàng xanh tím đỏ hồng. Hay i meo cho cái ông anh không chiếu khán Nguyễn Hưng Quốc mà xin ý kiến. Trong lúc ngồi chơi xơi chó đá, chờ đợi Gô Ðô lấp ló ở xó chợ trời siêu thị lề trái, thì ta cứ tiếp tục đời ca hét ngày tháng cho người mua xeo, đời soong chảo làm mất bao ngày thơ heo, ếch-xết-tê-ra, ếch-xết-tê-ra…
Trở zìa mái nhà tôn “nội dung và hình thức” xin phép cho tôi – hơi bị thiếu tế nhị – được đặt một câu hỏi về các câu chuyện tình duyên bi đát nhưng nổi tiếng khắp năm châu. Như Paris và Helen. Như Tristan và Yseult. Như Romeo và Juliet. Như Paul và Virginie. Như Hamlet và Ophelia… Và phía ta, các chuyện lứa đôi bi thảm. Như Trương-Mỵ. Như Kim-Kiều. Như Loan-Dũng. Như Hiền-Vọi. Như Lan-Ðiệp. Như Chức Nữ-Ngưu Lang… Ôi, biết bao thứ, biết bao nhiêu là những cái Như không Quỳnh, kinh chưa? Thế thì xin hỏi. Nhỏ và to. Rằng, những nhân vật kia (tây), và các cô cậu nọ (ta), họ đã có thiệt, đã có trước? Hay là họ chỉ là hư cấu, chỉ được hiện hữu nhờ văn chương, sau ngôn ngữ? Ối a, loanh quanh lẩn quẩn, như cái câu chuyện quả trứng và con gà, cái nào đến trước, cái nào tới sau, có phải thế không ạ?
Vì hổng biết “thơ là cái củ chi chi” hay, tóm gọn hơn, “thơ là cái con mẹ gì”, cho nên “người ta” (chữ phản nghĩa với từ “người tây”) cho nên “người ta” (vài ba ông bà số dzách hình như đang đóng đô ở hải ngoại thì phải) chỉ có thể la toáng lên, về những cái mà họ nhứt định phủ nhận chăm phần chăm, không cho đút lén vào cái ngăn kéo Thơ. Chữ “hoa”, đương nhiên. Và có thể đồng nghĩa với chữ “tàu”. Nếu bạn là “phan” của Li-Po, Ðỗ Phủ. Tớ thì không. Ví dụ: Ðời sống không phải là Thơ. Chánh trị hổng phải là Thơ. Ngôn ngữ đ. phải là Thơ. Riêng – xin lưu ý – “Thơ đ. phải là ngôn từ” thì chỉ… mới đây thôi. Và hẳn là không để vuốt đuôi cái ông Tomas Tranströmer, nhà thơ Nô-ben của cái xứ Thụy Ðiển giá băng tuyết đóng nửa năm sáu tháng đâu nha.
A ha, em xinh nhứt đêm nay, nếu đời sống không là thơ thì để vào đâu những Hồ Xuân Hương, những Trần Tế Xương, những Tam Nguyên Yên Ðổ? A ha, em xanh nhứt đêm qua, nếu chánh trị không là thơ thì nhét vào đâu những Thanh Tâm Tuyền, những Tô Thùy Yên, những Trần Vàng Sao? A ha, em xếch nhứt đêm mai, nếu ngôn ngữ không là thơ thì vất vào chỗ (kín) nào những “thanh điệu”, những “thị giác”, những “mỹ thỏ”? Ðó là chưa kể (lể) những cái “dị” nhưng rất “thi”, của các ông Mỹ, Tây, Nhựt, Ý, Nga, Hung, Bỉ, hầm bà lằng ba lăng nhăng, vân vân và vân vân…
Rimbaud truy lùng “thuật luyện ngôn từ” rồi trong một cơn điên chàng đã “lên án phương pháp thấu thị của mình… nhanh chóng từ bỏ những mưu toan thần bí và loại thơ có vần điệu… (Huỳnh Phan Anh). Nhưng chẳng hề gì. Ðừng có lo. Ðừng có hoảng. Thi nhơn ơi. Bởi lẽ, Rimbaud không ngớt có những cơn điên loạn, những trận say mèm. Nếu như ngôn ngữ không là thơ thì, xin hỏi tiếp, Phan Nhiên Hạo phải “chế tạo thơ ca” như thế nào đây? Bằng cách bổ đôi hạt nguyên tử như Einstein, để viết “mùa thu như người nhập cư già mặc quần áo cũ”, hầu tạo hình ảnh và ẩn dụ, với “thu-cũ”? Và cũng thế nữa nhé, cũng “thu-cũ” xêm xêm, cũng chỉ vì “ngù ngờ ngôn ngữ ngổn ngang” nên Tô Thùy Yên đã phải sắp đặt lại nghệ thuật vần vè sớ Táo Quân về chầu trời để xây dụ ẩn và vãn hồi trật tự lưu thông chữ nghĩa: “với linh hồn xao xuyến của rừng thu, anh trút sạch lá vàng đau khổ cũ” (Lễ tấn phong tình yêu, 1961).
Nguyễn Nhược Pháp cũng vần điệu, để khôi hài tí chơi: “Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Chùa Hương (1935) là một “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Một chiều năm xưa trăng nước chưa thành thơ chỉ vì con khỉ mới thành nhân chưa có ngôn từ, chưa có chữ viết. Tản Ðà thì mãi miết rượu chè chơi chữ với những “mộng con-mộng lớn”, với những “nước non-non nước nặng một-hai lời thề”, tới nay vẫn chưa tỉnh giấc nam kha khéo bất kỳ. Các nhân vật truyện và kịch, của Samuel Beckett, không chân dung, không hình dáng rõ rệt, chỉ là một tiếng nói (ngôn ngữ độc thoại) dai dẳng, văng vẳng, triền miên, sáng tối đêm ngày năm tháng không ngừng nghỉ những lời văng tục, phỉ báng, châm biếm, thở than, khóc cười, chế giễu cái cuộc nhân sinh (đời sống, tuổi già) khốn nạn, chó đẻ, tuyệt vời.
Nếu đóa hướng dương, chiếc ghế, cái giường trong tranh Van Gogh không để ngửi, để ngồi, để ngủ, mà chỉ để xem (chơi nhưng đừng chơi) – nếu chúng chỉ là màu sắc, hình thể, đường nét của chất sơn dầu trên gỗ trên bố, như ai kia từng nói – thì mây mưa gió hoa lá cành trong thơ ca lãng mạng của ta cũng chẳng là của thiên nhiên mà chỉ là của các mẫu tự la tinh a, b, c, d, đ… Nhìn một “tấm ảnh những năm 60” do Phan Nhiên Hạo phát họa trong tập Chế Tạo Thơ Ca (2004), tôi thấy bức chân dung đầu trọc (hay húi ngắn) của một gã thanh niên có đôi mắt đen to ráo hoảnh mỉm cười lạc quan với cái tuổi trẻ phiêu bạt, cái số phận lưu đày. Dù sao, chúng ta vẫn còn tô phở (gà, bò, heo, chó, dê) để “ăn được quê hương” (Phở, Sự Thiết Yếu) trước khi bước lên đoạn đầu đài của chiếc ghế điện USA có thể nay mai sẽ “made in China”. Cái danh hiệu Rimbaud sáng giá, Phạm Công Thiện tất nhiên đã vứt bỏ nó đâu đó trong chiếc gác xép trên Thiên Ðường Giấy Trắng, không dễ gì thu hồi lại, nên ta xin thay thế, tặng thế bằng cái bảng hiệu “Charles Simic Việt Nam” cho thi nhân Phan Nhiên Hạo. Nếu chàng không “em chả”. Và nếu chàng tình nguyện dâng cho ta (không đút lót) một cái xế ba bánh khủng, để ta mau vung tay đóng mộc vào tờ chứng chỉ đặng chàng mang về nhà mà lộng kiếng.
Nếu cường điệu một tí (để nói), thì tôi viết “văn” để chế giễu tất cả, mà trước tiên là để nhạo báng chính mình. Và tôi mần “thơ” để chửi chọc hết mọi thằng, mà trước nhứt là để mắng yêu cái thằng chó nướng rất dễ thương này. Với tôi, trên cái cõi đời nhiễu nhương này, thảy đều là thơ ca – ngoại trừ thơ ca, tất nhiên. Vung vít, để gây ấn tượng, tranh cãi? Chả dám. Nhưng thơ ca, với tôi, thiệt mà, chỉ là những cái xác chết hay là cái những xác ướp. Xác người ướp muối phơi khô trong lăng tẩm, hay xác thơ ngâm giấm làm dưa trong văn miếu, dù có mỉm cười hay có giòn rụm, thì cũng chỉ là những cái thây ma xác chết mà thôi. Do vậy mà cho tới nay, ngoại trừ một tuyển tập thơ dịch, mỏng dính, in chung với một bài thơ sáng tác, do bạn hiền Hoàng Ngọc Biên chọn tựa, vẽ bìa, layout và nhà Trình Bầy (Thế Nguyên, Diễm Châu) in tặng như một phụ bản của tạp san vào đầu thập niên 70, tôi không có tập thơ nào khác. Dù có thể, nếu muốn, tự in lấy với kỷ thuật tinh xảo của máy vi tính hiện nay. Dù bạn bè (nhóm Mở Miệng) có nhã ý muốn in cho một cuốn thơ để làm kỷ niệm. Với tôi, làm một “virtual poet” không có “tác phẩm để đời”, để khỏi bị mai hậu chê cười, là lý tưởng. Tôi yêu sự im lặng của Rimbaud. Sự im lặng đó là thi phẩm tuyệt diệu nhứt của chàng. Nhưng có “ầm ỉ” (tài hoa) thì khi “im lặng” (đoạn tuyệt) thiên hạ mới để ý chớ, có bạn sẽ nhắc nhở (khéo). Xin ghi nhớ và xin cảm ơn.
Tới đây, vow, phew, sương khói chiều chập chờn, liễu mai ngã ngớn cười trong gió, người gõ đã tê ngón, người đọc đã ngẩm ngán, vậy thời, đường ai nấy bước, nhanh chân lên nhé kẻo lỡ chuyến đò! Và trước khi chia tay, trước lúc bái bai hát vui khi giã từ vũ khí thì đừng quên, xin đừng quên, rằng Truyện Kiều, trước tiên và sau cùng, cũng chỉ là lời quê (ngôn ngữ) góp nhặt dông dài (Truyện Kiều còn, tiếng ta còn)! Và Ông Ðồ, ông đồ là gì, nếu không là một đời sống đã tắt nghỉ, một vì sao đã tạ thế, hồn ở đâu bây giờ?
Biển biếc xanh biển biếc xanh
Vỗ những nụ cười trắng tinh lên bãi cát
(Ðỗ Quý Toàn)
Phố Mù, cuối tháng ba, 2012