Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 2 [phần 1])

(Tiếp theo Chương 1)

Chương 2: TẠP CHÍ SÁNG TẠO
1  –  THỜI ĐIỂM CÓ MẶT CỦA SÁNG TẠO

Sáng Tạo, tạp chí văn nghệ xuất bản hàng tháng do Mai Thảo chủ trương biên tập số 1 phát hành  tháng10 năm 1956 tại Sài gòn. Tới số 31 tháng 9 năm 1959 đình bản. Sau 8 tháng, Sáng Tạo diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay phát hành bộ mới số 1 tháng 7 năm 1960. Mai Thảo làm chủ nhiệm với bộ biên tập gồm: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp. Tới số 7 tháng 9 năm 1961 đình bản. Tổng cộng cả hai bộ có 38 số báo. Thời gian có mặt của tạp chí từ tháng 9 năm 1956 tới tháng 9 năm 1961. Trên thực tế trong bộ cũ sang năm 1959 Sáng Tạo chỉ phát hành có ba tập gồm: Giai phẩm mùa xuân Kỷ Hợi (gồm hai số 28 + 29 của tháng 1 và 2), số 30 của tháng 5, và số 31 của tháng 9.

Sau đó là 8 tháng cách quãng giữa hai bộ mới và cũ. Trong bộ mới các số tháng 3 tới tháng 8 tạp chí không phát hành. Số 7 bộ mới phát hành tháng 9 năm 1961 là số cuối cùng. Người đọc không thấy một chỉ dấu nào về lý do tại sao Sáng Tạo có những thời gian ngắt quãng và sau đó đình bản.

Thời điểm góp mặt của tạp chí Sáng Tạo vào sinh hoạt văn hóa của miền Nam là một thời điểm đặc biệt, vì thế cần thiết phải ghi lại một vài sự kiện vào lúc bấy giờ. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneve ra đời, Việt Nam bị chia làm hai miền. Miền Bắc ở trong vùng ảnh hưởng của cộng sản quốc tế. Miền Nam ở trong vùng ảnh hưởng khối Tây phương. Tại miền Nam, ngày 23 tháng 10 năm 1955 tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn, nền dân chủ được định hình. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa. Ngày 4 tháng 3 năm 1956 bầu cử Quốc hội lập hiến. Ngày 26 tháng 10 năm 1956 ban hành hiến pháp. Lúc này chính quyền miền Nam đã có mặt trên khắp lãnh thổ. Gần một triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam đã ổn định cuộc sống.

Về văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt mỗi ngày một đa dạng. Về báo chí, số lượng gia tăng, nhiều tờ báo có mặt từ trước năm 1954 vẫn tiếp tục xuất bản như: Saigon Mới của Bà Bút Trà, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Nhân Loại của Anh Đào với các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam… Bên cạnh đó thêm những tờ báo mới như: Tự do của Phạm Việt Tuyền, Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, Ngôn Luận của Hồ Anh, Điện Ảnh của Nguyễn Ngọc Linh, Quốc Phong, Tân Dân của Nguyễn Đắc Lộc, Văn Nghệ Tiền Phong của Nguyễn Thanh Hoàng, Bách Khoa của Huỳnh Văn Lang, Lành Mạnh của Lê Khắc Quyến, Văn Hóa Á Châu của Nguyễn Đăng Thục, Quan Điểm của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ… Nhiều cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh đã mở cửa. Đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của Kim Chung, Huỳnh Thái  đã trình diễn thường xuyên. Trong khi Ban Hợp Ca Thăng Long của Phạm Duy, đoàn kịch Kim Cương liên tục có những chương trình lưu diễn ở các thành phố. Sinh hoạt của sân khấu cải lương hết sức phong phú với những đoàn như: Thái Dương, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng, Minh Tơ… Nhiều rạp chiếu bóng đươc xây dựng.

Nhiều câu lạc bộ ra đời như: Câu lạc bộ Văn nghệ Anh Vũ của Võ Đức Diên, Câu lạc bộ Văn hóa của Phạm Xuân Thái.

Các hội đoàn văn hóa thì có: Hội Việt Nam nghiên-cứu  liên-lạc văn hóa Á Châu của Nguyễn Đăng Thục, Hội Văn bút ( P.E.N. Club) của Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vũ Hoàng Chương… Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa của Lý Trung Dung, Phan Ngô…
2 – ĐỌC SÁNG TẠO TỪ SỐ 1 TỚI SỐ 31

Sáng Tạo ra mắt với một hình thức đơn giản, bìa in hai màu, cỡ báo 13cm x 33cm, 56 trangruột , bốn trang bìa cứng. Tới số 18 tăng lên 80 trang. Riêng các số đặc biệt coi như một giai phẩm, số trang nhiều hơn thường lệ .

Sáng Tạo số 1 bìa 1 giới thiệu nội dung số báo, gần như một mục lục nhưng không ghi số trang, bằng mực đen trên nền vàng:

  • Mai Thảo:             Sàigòn thủ đô văn hóa Việt Nam
  • Nguyên Sa:           Kiến thức rộng và chuyên môn
  • Lê Văn Siêu:         Quán cháo lú
  • Mặc Đỗ:                Công việc dịch văn
  • Vũ Khắc Khoan:   Sân khấu và vấn đề xây dựng con người
  • Thái Tuấn:             Một vài nhận xét về nghệ thuật hội họa
  • Nguyễn Sỹ Tế:      Quan niệm nhận thức Nguyễn Du

Nội dung báo được giới thiệu cho thấy đây là một diễn đàn văn hóa nghệ thuật trải rộng từ: âm nhạc, sân khấu, hội họa, dịch thuật đến văn học và các tác giả của những bài viết đều đã có một vị trí nào đó trong lãnh vực riêng của từng người. Điều đáng chú ý ở đây là: Tạp chí Sáng Tạo ra mắt không có lời phi lộ, không thư ngỏ hay trình bày chủ trương, đường lối, tôn chỉ.
3 – MAI THẢO: NHỮNG QUAN NIỆM HƯỚNG DẪN TINH THẦN TẠP CHÍ

Sau 12 số báo của một năm có mặt, tới số 13, Mai Thảo, ở cương vị người chủ trương biên tập viết bài: Một vài ý nghĩ gửi bạn đọc. Đây là lần thứ nhất Mai Thảo trình bày về những quan niệm hướng dẫn tinh thần tạp chí:

“Tạp chí văn nghệ Sáng Tạo ra đời, lớn lên giữa sinh hoạt văn hóa, trong vòng tay bạn đọc thân quý bốn phương của nó thế là đã được vừa chẵn một năm. Đứa con tinh thần đầy tuổi tôi. Diễn đàn chung ở đó một số những quan niệm, xu hướng nghệ thuật đã lên tiếng vừa đúng mười hai tháng (…) Nghệ thuật liên tục và xuôi dòng theo tôi không bao giờ có  hiện tương chặt khúc, cắt đoạn của những giai đoạn mới, cũ dù trong một tạp chí định kỳ. Điểm này trong quá khứ và trong tương lai, Sáng Tạo vẫn trung thành với ý niệm thứ nhất: là mảnh đất gặp gỡ và phát triển của những xu hướng nghệ thuật khác biệt, với dụng ý phô diễn một thực thể tổng hợp, cấu tạo không phải bởi một mà bởi nhiều thực thể, đồng thời giới thiệu những khám phá, tài năng mới, những nguồn sinh lực trẻ mạnh có tương lai. Nếu sau này Tạp chí có đóng góp được một phần bé nhỏ nào vào việc xây dựng nền tảng văn nghệ mới thì cũng ở trong những phạm vi ấy (…)  Người ta sẽ nhận thấy nghệ thuật không có biên giới, không thu hẹp trong những đề mục của một cương lĩnh chính trị (như nghệ thuật cộng sản đã chết chìm trong bể giáo điều), nhất thiết nó phải là đen hay đỏ, nhất thiết nó phải khuôn nếp trong một hình thể, đi theo một con đường. Nói thế, không có nghĩa là hỗn loạn, là vô lập trường, là thế nào cũng được. Tôi chỉ muốn vẽ ra một hình ảnh: một trái núi chói nắng và rất cao, nghệ thuật ngự trên đỉnh, và những người leo núi để thực hiện đúng cái việc muốn tới đỉnh cao đẹp ấy phải đi trên những lối đi riêng. Bốn hướng núi tượng hình cho sự toàn diện, do đó, nghệ thuật chối bỏ sự quy định chiều hướng duy nhất. Không có một con đường. Không có độc quyền của người đi đường. Trong cái không khí dào dạt con  người sống đã là một nghệ thuật, thực hiện những tinh hoa sự sống bằng những phương tiện nghệ thuật nhất, chỉ có một cuộc khởi hành chung ở nhiều nơi, nhiều cứ điểm, nhiều vị trí, hướng vào một hướng vui chung, quy tụ trước một ước vọng cuối cùng là chân lý của cái hay cái đẹp muôn thưở. Từ ý niệm này, tờ Tạp chí của các bạn khởi thủy đã muốn và sẽ mãi mãi là một diễn đàn chung. Nó muốn là một ngã ba để được đón gặp nhiều dòng nước chảy…(…) Gió nắng mênh mông là cuộc đời. Người nằm bệnh là hiện tình nghệ thuật. Hậu quả biện chứng phát sinh một sắc diện mới: những công trình tạo tác nghèo nàn què quặt đã không đuổi kịp nhịp chảy tưng bừng của đời sống kết tinh bởi những sáng tạo, những đổi mới thường xuyên trên mọi địa hạt. Một sự thực tàn nhẫn. Đừng nói đến tiền phong đến hướng dẫn nữa. Hãy nói tới nghệ thuật làm sao đi nổi những bước song hành với đà tiến của cuộc đời. Thiếu tính chất tiền phong, mở đường, nghệ thuật, qua một quan điểm khoan dung nào, cũng không có lý do tồn tại. Chúng ta không bi quan, chúng ta chỉ can đảm nhận một sự thực: Chúng ta có thể để cho cái tình trạng đó được duy trì mãi hay không? (…) Trước hiện tình này tất nhiên người sáng tác, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và xứng đáng chịu đựng nỗi bất mãn chân chính của người đọc. Vì người đọc không chỉ muốn coi nghệ thuật như một trò giải trí mà còn để thỏa mãn nhu cầu cải thiện, phát triển tinh thần và tâm hồn mình…”

Tới số 17, cũng là số đặc biệt Mùa Xuân Mậu Tuất, Sáng Tạo phát hành một giai phẩm với 176 trang có sự góp mặt của ngót 30 tác giả, tạp chí còn in phụ bản là họa phẩm của các họa sỹ: Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng. Trong số tạp chí này, Sáng Tạo còn loan báo một vài thay đổi nhỏ của tạp chí:

“Cho nội dung tạp chí đầy đủ hơn trên cả hai phần khảo luận, sáng tác, thể theo đúng ý muốn của đa số độc giả, chúng tôi quyết định sẽ tăng số báo từ 56 lên 80 trang. Hai mươi tư trang tăng thêm sẽ được dành cho những vấn đề sau đây:

–        Mở rộng mục ‘Qua các bộ môn văn nghệ’…

–        Đăng trọn trong một kỳ, một sáng tác ngoại quốc đã phiên dịch hoăc phóng tác ra Việt ngữ…

–        Khuyến khích những tài năng mới bằng cách giới thiệu những sáng tác hứa hẹn nhiều triển vọng rút trong bài vở hàng tháng bạn đọc gửi về hợp tác với tạp chí…”

Ở trang 4 của Số Mùa Xuân Mậu Tuất, Sáng Tạo một lần nữa khẳng định những ý tưởng mà tạp chí theo đuổi:

“(…) Qua những nhân vật, cốt truyện chúng tôi còn hy vọng nội dung tuyển tập sẽ giúp bạn đọc bắt gặp những khuynh hướng căn bản về tư tưởng, nghệ thuật của mỗi tác giả. Những khuynh hướng ấy tổng hợp lại, bạn sẽ có được một ý niệm toàn diện về hiện tình chung của văn chương Việt Nam trong lãnh vực sáng tác.

Quan niệm rằng hiện tượng rực rỡ nhất của thơ văn một thời đại không nằm trong sự chế ngự bao trùm của một vài môn phái lớn mà ở nơi mỗi tác giả có mặt trong thời đại đó người nào cũng tạo được cho nghệ thuật mình một bản sắc riêng, chủ ý chúng tôi là giới thiệu với bạn đọc những sáng tác tiêu biểu, gần với tác giả nhất. Nghĩa là những sáng tác ở đó sự phô diễn ý tưởng, lối cảm nghĩ, lối xử dụng kỹ thuật của tác giả biểu hiện đầy đủ và rõ rệt nhất.

Điều khiến cho chúng ta có quyền tin tưởng ở tương lai văn nghệ Việt Nam không phải vì chúng ta có trên tay những tác phẩm lớn, mà chính vì các tác giả từ một ý niệm dựng xây chung, người nào cũng đang cố gắng đạt tới những phương thức diễn tả độc đáo. Cuộc khởi hành của người văn nghệ Việt Nam trên con đường khám phá những chân trời, những thế giới mới đã bắt đầu . Họ không muốn dừng lại trong biên giới cũ . Khuynh hướng độc lập càng ngày càng thành hình. Nó trở nên yếu tố quyết định đưa tới sự trưởng thành chung…”

Sang tới Sáng Tạo số 18, Mai Thảo có bài: Về một hiện tượng trưởng thành của nghệ thuật. Mai Thảo viết:

“Qua những lần họp mặt, trao đổi ý kiến với một số bạn hữu đứng trong các ngành nghệ thuật khác biệt, từ văn thơ đến họa nhạc, đến sân khấu, có một hiện tượng tôi cho là tốt đẹp nhất từ đó tôi đã nhìn thấy những tác phẩm lớn đánh dấu một sự trưởng thành rực rỡ sắp tới. Đó là: một ý thức mới về nghệ thuật ngày càng sáng tỏ, trong nội giới của từng người văn nghệ…”

Về ý thức mới càng đẹp hơn, theo Mai Thảo bởi ba điều: “Một là những tác giả tự thấy phải vượt qua những gì đã viết. Người sáng tác đã có được sự minh bạch trí thức. Không muốn tự đánh lừa mình, dẫu có thể đánh lừa người. không muốn ngoảnh mặt trước sự thực không tốt đẹp dù chỉ có riêng mình nhận ra. Hai là: Ý thức ấy hết sức độc lập và cũng hết sức cá nhân. Một lúc nào đó người sáng tác bỗng khám phá thấy rằng những công trình tạo tác của mình đau yếu nghèo nàn, không có lý do tồn tại. Phải thay đổi, phải làm mới, phải hủy bỏ. Phải hy sinh hết nếu cần, kiến thiết lại sự nghiệp trên những đổ vỡ cũ. Ba là: Ý thức ấy biểu dương một hành động can đảm. Nó chứng minh một lần nữa sự trương thành của chúng ta… Thái độ tiến bộ ấy là một thái độ tiền phong cách mạng. Nó là yếu tố cấu thành một nền văn nghệ tiền phong cách mạng (…) Nói nhiều về cái “tôi” dù cái “tôi” theo một nhân sinh quan mới, cũng là một nhược điểm (…) Thiếu vốn sống là một sự non yếu chúng ta không phủ nhận. Đó là kẻ hở lớn nhất trong vị trí hiện nay của người sáng tác…”

Nhận thức về những khó khăn mà người văn nghệ cần phải chiến đấu để khắc phục, Mai Thảo nói tới  ba điều:

“Sự tồn tại của một số mặc cảm. Nói cách khác, ảnh hưởng tai hại của một số thành kiến đã dựng đứng giữa con người và cuộc sống như những biên giới. Lòng tiếc thương một quá khứ lộng lẫy, cảm tưởng kinh hoàng ngờ sợ trước sự chi phối tàn nhẫn của một thời kỳ lửa đạn, một quan niệm chống đối cực đoan… Con người mặc cảm sống không hồn nhiên, không tự do. Năng lực sáng tạo bị hủy hoại kìm giữ…

Một chấm đen thật đẫm nét nữa cần phải nêu ra là cái chấm đen của lý trí. Bức tường, cái ngục tối lý trí. Những tác phẩm trước đây của chúng ta là những công trình thông thái nhưng thiếu hẳn xúc động. Tình cảm xuống thứ yếu (…) Tình cảm bị vây chưa phá vỡ được cửa ngục lý trí. Hiện tượng này tôi cho là một thảm kịch điển hình nhất của người sáng tác. Cái ý thức mới về nghệ thuật càng làm cho chúng ta cảm thấy cần thiết bao nhiêu sự khôi phục lại cái vốn tình cảm đã hao hụt… Con người suy tưởng đang nhường chỗ cho con người rung động.

Hiện tượng trưởng thành còn nằm trong một trạng thái bất bình thường đã trở lại hòa đối, bình thường. Chênh vênh siêu đổ trở lại rộng thẳng vững chãi. Những tác phẩm không hò hét nữa. Trầm lắng hơn cho nên cũng sâu cũng thực cũng chứa đựng hơn. Một tâm trạng sáng suốt thư thái đưa tới những cảm súc đúng độ không giả tạo. Sự trưởng thành đi dần vào lãnh vực của cái thực.(…) Trong trưởng thành, chúng ta phải bay bằng đôi cánh riêng của chúng ta. Có cứng mới đứng lại được ở đầu gió.”

Tới số 25, số kỷ niệm đệ nhị chu niên của tạp chí, Sáng Tạo tự nhận định: “Sáng Tạo đến nay đã có một đất đứng vững vàng, một sắc thái độc đáo… Đối với một tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, quan niệm rằng: điều kiện quyết định sự phát triển cho một nền văn học nghệ thuật là bao giờ nó cũng phải nặng tính chất khám phá mở đường, luôn luôn chuyển mình hướng tới những chân trời xa, những thế giới mới, nhận định rằng: sở dĩ nền văn nghệ Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ vì bắt nguồn từ những truyền thống dân tộc tốt đẹp, cũng đang đi vào những chân trời xa, những thế giới mới ấy…”

Trên đây là tóm lược mấy trang viết của Mai Thảo, và mấy ghi nhận của tạp chí nói về những ý tưởng chính mà Sáng Tạo theo đuổi.

Trong 31 số, Sáng Tạo đã quy tụ 84 tác giả. Có 27 tác giả chỉ xuất hiện một lần duy nhất. Có ba tác giả đã có tên tuổi từ thời tiền chiến là: Lê Văn Siêu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Tác giả những bài viết trong phần biên khảo về lịch sử, tư tưởng, văn học, âm nhạc… đa số là những nhà giáo, những nhà nghiên cứu.  Về phần sáng tác, người đọc thấy nhiều tác giả đã xuất hiện từ trước năm 1954 như: Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tô Kiều Ngân, Thanh Nam, Vĩnh Lộc… Chúng ta còn thấy thơ văn của các họa sỹ: Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thạch Chương (tức nhạc sĩ Cung Tiến). Với tạp chí Sáng Tạo, một số tác giả đã định hình và cùng lúc xuất hiện những tên tuổi mới, chính những thành phần này làm thành diện mạo riêng của Sáng Tạo.

Nội dung mỗi số tạp chí thường được chia làm hai phần chính; một là phần biên khảo, hai là phần sáng tác. Bên cạnh đó còn có phần dịch thuật và phần sinh hoạt qua các bộ môn văn nghệ.
4 – NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA VÀ TƯ TƯỞNG TRÊN SÁNG TẠO

Nội dung những bài viết cho phần biên khảo rất đa dạng, có những bài mang tính cách tổng quát, có những bài thu hẹp nhưng chuyên sâu, lại có những bài đưa ra những ý kiến cụ thể kêu gọi phải thực hiện. Có một phần tư tưởng và nghệ thuật Tây Phương được giới thiệu bên cạnh những bài viết về văn học Việt Nam, văn nghệ miền Nam trước đây. Phần biên khảo còn có nhũng bài nghiên cứu lịch sử, về lịch sử văn học. Trước hết chúng ta đọc bài Thử định nghĩa văn hóa của Lê Văn Siêu:

“Văn hóa tự nó, nó không hề nói nó nghĩa là gì hết. Người ta đã ý niệm ra nó và bắt nó phải chịu cái nghĩa này hay nghĩa khác tùy theo cứu cánh mà người ta muốn đạt tới trong cuộc đời. Quả đúng như một anh thầy phù thủy ngồi kỳ khu đẽo một khúc gỗ thành pho tượng, đặt lên bàn thờ, rồi sì sụp lễ trước cho những kẻ dễ tin đến lễ sau để phần mình được hưởng oản chuối. Pho tượng ấy đã làm khổ anh thầy phù thủy phải suýt xoa tỏ vẻ tôn kính , sợ sệt nó. Nhưng không phải là anh thầy phù thủy đã không làm khổ pho tượng khi anh nó phải ngồi nghiêm chỉnh theo chiều này hay chiều khác mà nhận oản chuối, rồi để cho anh ta ăn. Bởi vậy đối với những định nghĩa của văn hóa cho đến ngày hôm nay, ta nên tiên khởi đặt mối nghi ngờ cũng như ta hãy nghi ngờ bắt đầu từ ta trước…

Văn hóa phải chăng là ý-thức-hệ của một trạng thái xã hội nhất định hay ở phương diện động, phải chăng là ý-thức-hệ của quá trình tranh đấu đẳng cấp trong một xã hội nhất định? Cú kể ra thì lý luận như vậy lại có vẻ đúng kia đấy. Đúng có lẽ là bởi tình trạng tinh thần và vật chất của xã hội như thế nào thì lại nẩy sinh ra một số người chỉ có thể có đầu óc để hiểu được văn hóa đến như thế mà thôi.

Nếu hiểu rằng sự tranh đấu đẳng cấp chỉ là một trong nhiều cách giải quyết mâu thuẫn quyền lợi xã hội thì nguyên một mình cái quá trình tranh đấu đẳng cấp ấy đã không đủ để tạo thành ý thức hệ của xã hội nhất định ấy. (…)

Xưa rầy người ta chỉ toàn làm những chuyện khôi hài về văn hóa, giơ mãi cây đèn kéo quân lên, chỉ cho mọi người xem các trò diễn mà quên phứt cái việc đốt cái đèn ấy lên trước đã. Nếu người ta nhớ việc phải đốt đèn kéo quân lên trước, thì trước khi nói gì đến văn hóa hãy phải nói đến nhận thức, trước khi nói gì đến nhận thức hãy phải nói đến việc xem xét cái chân ngã của mình coi có còn anh phù thủy trong lòng không? (…) Đó là những người không vì danh vì lợi mà làm văn hóa, không vì thù vay oán chạ nào mà làm văn hóa, cũng không vì phụng sự cho việc tranh bá đồ vương nào mà làm văn hóa. Những người ấy chỉ vì thông cảm với cuộc sống cay đắng của quần chúng coi như nỗi cay đắng của mình để xử dụng phương tiện văn hóa thôi (…) Do theo đường lối làm việc và quan niệm như vậy về văn hóa của nhũng siêu đẳng nhân, chúng ta hiểu rằng cái ý thức đối với tất cả khía cạnh cuộc sống của con người, kết tinh bởi ý nguyện thâm thiết và thiêng liêng của toàn xã hội loài người trong cả một duyên trường lịch sử khi vươn lên chí thiện. Cái ý thức ấy đã vừa là động cơ vừa là kim chỉ nam cho những hành động văn hóa, lại cũng vừa là văn hóa nữa vậy …”

Lê Văn Siêu đưa ra những định nghĩa văn hóa của nhiều khuynh hướng khác nhau và ông đã lựa chọn của riêng mình, một định nghĩa nghiêng hẳn về tinh thần. Nhưng khi bước sang một chủ đề khác: Phong độ văn hóa, Lê Văn Siêu viết: “Cho nên nói chuyện về định nghĩa văn hóa, về chủ trương văn hóa, hay về đừơng lối văn hóa thường lại không có ích bằng nói chuyện về phong độ văn hóa.”

Lê Văn Siêu viết: “Không cứ phải lao tác để làm ra một đồ vật đo lường được thì mới là ảnh hưởng tới cuộc tiến hóa chung. Sự thật hai năm rõ mười đã cho ta thấy nhiều khi cuộc tiến hóa chung ấy chịu ảnh hưởng rất đậm của một vài phong độ tiêu biểu, phong độ ấy đã đành là không làm. Nó còn có khi là không nói, không viết nữa.”

Sau khi dẫn lời Ngô Sĩ Liên ca ngợi Chu Văn An, Lê Văn Siêu viết tiếp: “Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn phu tử cũng là những người có thứ nhân diện cỡ  đó. Và gần đây nhất, cụ Phan Bội Châu, khi bị giam lỏng trên sông Hương không còn có thể làm nổi một việc gì nữa rồi, mà toàn cả xã hội thì vẫn hướng mắt về con thuyền trên sông Hương ấy như để rập theo khuôn mẫu của cụ mà sống thích ứng với hoàn cảnh.

Xã hội người ở đâu và bao giờ cũng có những mẫu người để toàn dân hướng theo mà bắt chước từ cử chỉ ngôn ngữ tới hành vi và tới cả phi hành vi nữa. Có phước thì mẫu người này là mẫu những hiền nhân quân tử, yêu thân như yêu đời và đặt tình nghĩa trên quyền lợi. Vô phước thì mẫu người này là mẫu những kẻ tiểu nhân vị kỷ, day tay mắm miệng để có thể coi như sinh mạng của tất cả xã hội như món tiền đặt cược trong nước bài tranh Bá đồ Vương.”

Đọc Lê Văn Siêu chúng ta thấy sự nhiệt tình của một người cầm bút, lòng đau đáu với một nền văn hóa nhân bản. Ý tưởng này còn được ông gửi gấm trong một sáng tác có tính ẩn dụ in ngay trong Sáng Tạo số 1, đó là truyện Quán cháo lú. Lú là dân Giao Chỉ có được bí truyền  từ mười đời cha ông để lại: nấu cháo bằng ngọc của gạo, không cần ăn cháo mà chỉ cân ngửi hơi cháo người ta cũng đã đủ no. No đây là cái no vui sướng, quên hết ưu phiền, cái no thảnh thơi trong người, thoải mái trong tinh thần, không thù oán căm hờn, không ganh tỵ hằn học vì danh hay vì lợi. Vua nước Tề bắt Lú truyền nghề cho thái tử, Lú không truyền và chịu để bị chém đầu. Vì không còn cái đầu trần tục cũ, với lòng chân thành của mình, Lú nấu cháo càng siêu đẳng hơn, hơi cháo tỏa bay rộng khắp, hơi cháo không những làm người ta quên căm hờn buồn não mà còn làm cho người ta vui vẻ thương yêu nhau. Khi vua Tề mang quân đi đánh Sở ngang qua chỗ Lú nấu cháo, quân lính bỗng nhiên vứt bỏ gươm đao, ôm nhau nhảy múa không chịu đi đánh nhau … Lú lạc đường xuống âm phủ. Một ngày kia người ta bắt về trình với Diêm Vương một lũ người khai là nấu cháo lú ở trên trần, nấu bằng giấy mực, mục đích để con người quên cha, quên mẹ, quên vợ, quên chồng, quên thầy, quên bạn để chỉ còn vọng tâm về quyền lợi, địa vị trong sự tranh Bá đồ Vương. Diêm Vương nhớ tới Lú, và bắt Lú phải trở lại trần gian. Lê Văn Siêu kết truyện: “Vậy hồn thằng Lú đầu thai làm một nhà văn hóa.

Vẫn trong những vấn đề có tính tổng quát, tác giả Nguyên Sa đã viết nhiều bài về triết học như: Triết học là gì?, Vấn đề triết học căn bản, Con đường triết học, Triết học của Kant, Triết học và ngôn ngữ, Nhận định đại cương về triết học hiện hữu. Trong bài viết Con người trong triết học hiện đại, Nguyên Sa viết:

“Nhiều triết gia đã để ý một cách đặc biệt đến vấn đề con người. Platon, Aristote, Descartes, Kierkegaard… đã nói về con người. Sự chú ý kể trên là một điều dễ hiểu. Là một sinh vật biết ngạc nhiên, dò hỏi về sự hiện hữu của muôn vật trong vũ trụ tất nhiên người sẽ phải ngạc nhiên , dò hỏi về sự có mặt của mình. Vấn đề con người vì vậy đã chiếm giữ một địa vị quan. trọng trong triết học cổ điển cũng như trong triết học hiện đại.”

Theo tác giả, những triết gia cổ điển đã lấy một khía cạnh của con người làm toàn thể con người… Họ chỉ nhìn thấy một chiều hướng của con người trong khi con người thật sự trên thực tế vốn là một toàn thể phức tạp… Sau khi trình bày vấn đề con người trong triết học duy lý, triết lý duy vật, và triết học hiện đại, tác gia kết luận: “Bàn về con người mà bỏ qua những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống, tính chất cụ thể của đời người tức là trừu tượng hóa con người, tức là dựng nên một mẫu người bằng ý tưởng. Trở về với con người cụ thể, đó là đặc điểm của triết học hiện đại.”

Trong Sáng Tạo số 28-29, chủ nghĩa Hiện sinh được giới thiệu bởi tác giả Quang Ninh với đầu đề: Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh, đây là một giòng tư tưởng được coi như mới mẻ trong triết học hiện đại. Tác giả viết:

“Chủ nghĩa hiện sinh chủ trương vấn đề chính yếu của triết học là chính đời sống cụ thể của con người. Chúng ta những con người qua bao thời đại đi tìm những định nghĩa cho chính mình. Con người hiện hữu sống một cuộc sống. Nhưng cuộc sống là gì, chúng ta sống vì lý do và mục đích nào? Sống có ý nghĩa gì với con người? Không một triết học nào có thể tuyệt đối không đề cập đến vấn đề đó và không biết đến quan trọng của nó. Nhưng chủ nghĩa hiện sinh đặc biệt lấy “cuộc sống thiết thực làm đề tài triết học, không phải để cắt nghĩa như một khách thể ở ngoài nhưng để hiểu và sống”. Triết học là cuộc đời. Trái hẳn với  các thuyết khác như Duy lý, Giáo điều, triết học khách thể, thuyết hiện sinh vùng lên khỏi những bó buộc của hệ thống chủ nghĩa và tràn lan như “một phản ứng triết lý về con người chống đối sự quá trớn của Triết học ý niệm và Triết học vạn vật”. ( E. Mounier) (…)

Chúng ta đã đi từ Kierkegaard, một Pascal của Đan Mạch, Heidegger, một chứng nhân của trường đời đau khổ, đến J.P. Sartre người gieo “buồn nôn” và trạng sư của hư vô, và Camus con người vô lý và công phẫn. Chúng ta cũng đã tìm hiểu một Jaspers băn khoăn chọn lựa, một G.Macel cởi mở và hy vọng. Chúng ta đã có một ý niệm vê chủ nghĩa hiện sinh, một lý thuyết đang gây thắc mắc trong tâm hồn nhân loại. Bắt nguồn từ con người, từ cuộc đời phong phú của con người, thuyết hiện sinh bằng hình thức này hay hình thức khác, hữu hay vô thần, đã trở về giữa lòng cuộc sống.”

Cũng trong những vấn đề tổng quát về văn hóa và tư tưởng, tác giả Hoàng Thái Linh đặt vấn đề: Giáo dục: áp bức hay giải phóng? Tác giả viết:

“Trong viễn tượng kiểm điểm lại những giá trị cũ, ta thử nghiên cứu xem nền văn hóa của ta, thoát thai từ Nho giáo đã quan niệm về giáo dục thế nào? Nói cách khác, giáo dục theo Nho giáo là một giải phóng hay một áp bức?” Tác giả Hoàng Thái Linh đã trả lời: “Do đó luân lý Nho giáo thực tiễn là một áp bức, không phải một giải phóng vì đã phủ nhận quyền sống, nhân vị kẻ yếu, người thấp hèn. Công nhận rằng chỉ một số người thấu suốt được đạo, giữ được đạo và sinh ra như là để sai khiến, được tòng phục là một quan niệm phản ảnh ý thức hệ quân chủ, phản nhân vị vì đã phủ nhận khả năng của đa số, của dân cũng là người như ai. Khinh dân, không tin tưởng ở dân là một đặc điểm của chế độ quan liêu phong kiến.

Luân lý Nho giáo là một luyện tập ( dressage) không phải là giáo dục. Luân lý Nho giáo coi con người như cái máy hay con vật chỉ cần bắt vào khuôn, giữ một mớ lễ nghi tỷ mỷ mà không cần có ý thức, hiểu biết. (…)  Vậy nguồn gốc áp bức của luân lý Nho giáo thực hành là ở chỗ sai nhầm này: bắt người đã lớn làm trẻ con mãi.

Những nhận xét trên cho ta hiểu tại sao nền luân lý cũ bị công kích và đổ dần từ khi văn hóa Âu Tây tràn sang Việt Nam. Ngày nay những tương quan xã hội đã biến đổi. Đã hết rồi, thời quan liêu, đế vương thống trị. Người ta tiến dần đền chỗ thực hiện những tương quan mới xây trên những ý niệm mới: Bình đẳng, Tự do, Dân chủ (…)

Vậy đến đây, vấn đề đặt ra sẽ là: Tinh thần Nho giáo còn khả năng dung nạp những ý niệm mới về nhân phẩm, nhân vị, quyền sống, tự do, bình đẳng để thiết lập một quan niệm và một phương pháp giáo dục thực sự giải phóng con người không?”

Vấn đề văn hóa, tư tưởng có một mặt bằng rộng lớn cho mọi cuộc thảo luận. Người đứng ở vị trí này, người đứng ở vị trí khác, những lên tiếng luôn luôn là những thiện chí đóng góp cho sinh họat tinh thần của người đọc, ở đây không có vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận. Vẫn trong lãnh vực văn hóa, tư tưởng, tác giả Trần Thanh Hiệp đã lên tiếng với đề tài: Vấn đề định nghĩa triết học. Tác giả viết:

“Đối với một dân tộc đã lập quốc bằng một nền tảng triết lý nhị nguyên: Rồng Tiên, đã tiếp xúc từ buổi rạng đông của lịch sử với ba nguồn tư tưởng lớn của nhân loại: Phật, Khổng, Lão thì triết học không còn là một thứ gì xa lạ. Từ một góc mái nhà cho đến câu hát đồng dao hay một đoạn cổ tích, người dân luôn luôn bắt gặp những bài học triết lý trình bày dưới hình thức giản dị và cô đọng nhất. (…)

Chúng ta có thể kêt luận rằng, đối với Đông Phương vấn đề định nghĩa triết học đã được thanh toán từ lâu nhờ Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Vương Dương Minh… Nhưng đối với Tây Phương thấm nhuần tinh thần khoa học vấn đề hình như còn đặt trên thảm xanh.

Karl Jaspers cho rằng triết học là thứ gì đưa tới trung tâm mà ở đó con người tự thực hiện bằng cách đã đứng hẳn vào thực cảnh.

Chọn dân tộc làm đất đứng, đón nhận những truyền thống của dân tộc làm phương thức, phương pháp suy luận, hướng theo sự  giác ngộ nhân bản bằng uyên nguyên trong mỗi người và còn do tất cả những thế hệ Đông Tây Kim Cổ đã di lưu, đó là một cách định nghĩa triết học, nếu còn nhiều cách khác nữa.

Chúng ta những con người của bán thế kỷ thứ hai mươi, thừa hưởng một di sản triết học phong phú truyền tiếp qua hàng mấy ngàn năm, cần nắm chắc được, không phải chân lý chia cắt, mà chân lý tích lũy. Có làm được việc đó chúng ta mới nắm được quy luật của tiến hóa.”
5 – MẤY SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRÊN SÁNG TẠO

Sáng Tạo là một tạp chí văn nghệ nên phần trang dành cho nghiên cứu hay bàn về lịch sử không nhiều, tuy nhiên qua mấy bài, chúng ta lại thấy: những bài viết ấy có thể đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những bài viết nghiên cứu lịch sử, có khi là tự thân của vấn đề nhưng cũng có khi vấn đề được đặt ra ở một hoàn cảnh đương đại nào đó. Chôn sống các tôn thất nhà lý, đó là đề tài của Lê Văn Siêu. Tác giả cho biết: “Nhân phải khảo sát kỹ tinh thần người Việt thời Trần để viết sách lịch sử văn học thời ấy, chúng tôi đọc lại sử…” Lê Văn Siêu đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược ghi: “Lý Huệ Tông tuy đã xuất gia đi ở chùa rồi, nhưng Thủ Độ vẫn định bụng giết đi, cho khỏi sự lo về sau. Một hôm, Huệ Tông ngồi nhổ cỏ ở sân chùa Chân Giáo, Thủ Độ đi trông thấy, mới nói rằng: nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ cái nó đi (…) Huệ Tông biết ý vào nhà sau thắt cổ tự tận (…) Còn thái hậu là Trần thị, giáng xuống làm Thiên cực công chúa để gả cho Trần Thủ Độ. Bao nhiêu những cung nhân nhà Lý thì đưa gả cho những tù trưởng các Mường (…) Thủ Độ đã hại Huệ  Tông rồi, lại muốn trừ nốt các tôn thất nhà Lý. Đến năm Nhâm Thìn (1232) nhân làm lễ tế Thiên Hậu nhà Lý ở  thôn Thái Đường, làng Hoa Lâm ( huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh) Thủ Độ sai đào hầm, làm nhà lá ở trên, để đến khi các tôn thất nhà Lý vào đó tế lễ thì sụp cả xuông hố, rồi đổ đất chôn sống cả”. Sau khi trích dẫn sự việc, Lê Văn Siêu viết:

“Cụ Trần đã dùng phương pháp sử học Tây Phương. Cụ đã căn cứ vào tài liệu có trên giấy trắng mực đen rõ ràng thì mới viết. Có lẽ cụ đã căn cứ vào sử và dã sử đời Lê nên mới có luận điệu kết án Thủ Độ một cách quá ngờ nghệch như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng ngòi bút sử gia chỉ quý ở chỗ không thiên vị. Dù cho tài liệu trước đã có chép rành rành đi nữa, cũng cần phải xem xét lại trước khi dùng, kẻo ngòi bút không thiên vị bị lừa bởi tài liệu mà thành ra thiên vị. Thủ Độ đã là một nhà chính trị tàn nhẫn, nhiều mưu lừa dối và nhiều thủ đoạn thật, nhưng nếu công bình ra mà xét cái án lịch sử này thì ta phải thấy sự việc không chắc đã đúng với lời sử đã chép.” Lê văn Siêu cho rằng: “Thủ Độ cho đào hầm ở ngay quê hương họ Lý mà sao không ai biết? Lại nữa, chắc là phải có sự chống đối của tôn thất nhà Lý sau khi bị mất quyền bính.” Từ những suy nghĩ đó Lê Văn Siêu đã chấp bút viết lại tấn thảm kịch lịch sử này như một truyện dã sử với những tình tiết tóm tắt như sau: chính các tôn thất nhà Lý đã cho đào hầm để giết vua  quan nhà Trần, Thủ Độ biết được và lập kế khiến cho chính các tôn thất nhà Lý bị sụp hầm và bị chôn sống.

Từ bài viết của Lê Văn Siêu có hai khía cạnh được gợi ra: Thứ nhất là: sử liệu với những người viết sử. Thứ hai là: trong tình huống những cuộc đổi thay triều đại, kẻ mới lên tìm cách củng cố vị thế, còn kẻ mất quyền thì bất mãn tiêu cực hoặc chống đối và vì thế những thảm kịch luôn luôn xẩy ra.

Nguyễn Thiệu Lâu, một nhà sử học nổi tiếng đã viết ba bài trên tạp chí Sáng Tạo. Bài thứ nhất nói về một vùng đất và những con người: Tìm hiểu non nước nhà vào những năm 1826. Tác giả viết:

“Ở đồng bằng sông Nhĩ hà, ven theo bờ biển, có một miền, hoặc gọi là Kim Sơn – Tiền hải, hoặc gọi  là Bùi chu – Phát diệm cũng được. Miền này là một miền địa lý, nhưng cũng là một miền lịch sử (…) Trước hết ta hãy nói về sử: Nguyên là vào năm Bính Tuất (1826) tức là năm thứ bảy triều vua Minh Mạng… ở trấn Nam Định, Bắc Việt, có một đảng giặc to, ấy là giặc Phan Bá Vành.

Nhà khảo cứu lịch sử tìm các lý do của sự nội loạn này. Có nhiều lý do: Trước hết là lý do kinh tế. Dân bị mất mùa luôn. Lại còn nhiều thiên tai như nước biển dâng lên, ngấm vào ruộng. Giông tố, bão táp thuyền chìm đắm nhiều. Dân có làm mà không có ăn… Sau nữa là lý do chính trị: Hồi đó như sử ghi rõ ràng, quan lại tham ô, sách nhiễu dân cùng (…) Nhà sử học có thể coi giặc này như một cuộc cách mạng nông dân mà người thủ lãnh là Phan Bá Vành (…) Trong công cuộc dẹp này, Nguyễn Công Trứ đã trổ tài tham tán, dồn Phan Bá Vành vào làng Trà lũ rồi bao vây. Làng Trà lũ là một làng thuộc tỉnh Thái Bình, lũy tre cao, hào sâu, dân đông, quân đội Phan Bá Vành chui vào đấy, bị vây. Ra thời chết, ở thời đói, rồi cũng chết mà thôi… Dẹp loạn là một việc. Yên dân là một việc khác. (…) Ngoài việc phủ dụ dân chúng, nơi nào bị giặc phá, đốt, thời cấp tiền, lúa. Nơi nào bị hại thì cho tiền tuất, lại xét việc kiện cáo và việc gian tham. Sử ghi rằng: Chánh án Phạm Thạnh, Thư ký Bùi khắc Kham tham nhũng lắm, kiến giải đến chợ, chém ngang lưng, tịch thu gia sản phát cho dân chúng (…) Phải đem cơm ăn áo mặc cho dân chúng. Mà dân chúng miền này thì điêu linh vì thiên tai, vì chính quyền địa phương thối nát. Công việc kiến thiết này sẽ lại dành cho Nguyễn Công Trứ.”

Sau  đó, bài viết cho thấy công trạng của Nguyễn Công Trứ sau khi thành lập hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Phần kết tác giả viết:

Bây giờ, miền Kim sơn, Tiền hải ra sao? Tôi không biết. Nhưng tôi biết một chuyện. Ấy là sau hội nghị Giơ-neo , đồng bào Phát Diệm bỏ đi nhiều. Và hiện thời ở tỉnh Kiến Hòa, sát bờ biển, cũng trên đất bùn, đồng bào Phát Diệm ở chung sống với nhau: Trồng cói, dệt chiếu. Vẫn giữ tên Phát Diệm, là tên mà Tham tán Nguyễn Công Trứ đã đặt ra. Một miền Kim Sơn Tiên hải mới.

Ở trên, nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu đã cho chúng ta thấy lịch sử hình thành của vùng đất Kim sơn Tiền hải từ thời điểm 1826. Rời khỏi miền Bắc, chúng ta hãy theo chân Nguyễn Thiệu Lâu tới vùng đất cực nam của tổ quốc, đó là vùng Kiến giang. Với tựa đề: Một công tác kiến thiết miền Hậu giang, Nguyễn Thiệu Lâu viết:

Chúng ta đọc sử, thấy ghi sơ sài, vào năm Đinh vi ( 1817), tức là năm thứ 16, triều vua Gia Long, tháng 11 ta đào sông Tam khê (…) Người phụ trách đào là Trấn thủ Nguyễn Văn Thụy. Sông đào xong, vua Gia Long đặt tên là Thụy hà, gần đấy có một trái núi, tên nôm là núi Áp (nói là Lạp cũng được ). Ngài đổi ra tên chữ là Thụy sơn (…) Bây giờ chúng ta đi thăm miền Kiến Giang… Ta thấy gì? Ta thấy biết bao nhiêu con sông đào, ngang dọc như đường bàn cờ. Tổ tiên ta đã đào các sông này, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời vua Gia Long đến bây giờ, chỉ dùng cái thuổng cái cuốc mà thôi (…) Muốn ngắm phương hướng thời có địa bàn. Muốn đo đường thẳng, ngang, dọc, thời ta đóng cọc, căng giây. Muốn vét lòng sông sâu đến đâu thời ta cắm cây tre ở giữa lòng. Muốn cho hai bên bờ sông đều nhau thời ta căng giây…

Hai bài viết trên, Nguyễn Thiệu Lâu nói về xây dựng, mở mang đất nươc. Bài thứ ba ông viết về: Một thành tích của một quân nhân Việt Nam: Tạ Quang Cự, một người đã góp công bảo vệ đất nước. Tác giả viết:

Tạ Quang Cự là một quân nhân Việt Nam đệ nhất, tên được ghi trên bia đá, bia này là bia võ công, dựng ở trước sân Võ miếu ở Kinh, vào năm Mậu Tuất, tức là năm thứ 19 triều vua Minh Mạng (1838). Bia võ công ghi tên 20 vị. Tên Tạ Quang Cự ghi ở số 11. Tạ Quang Cự là ai? Tạ Quang Cự người Nghệ, sinh năm 1771, mất 1862 sau khi về hưu. Người thọ 91 tuổi (…) Ta nhắc lại một quân công mà sử đã ghi rõ ràng. Ấy là quân công vào năm Đinh hợi (1827). Quân công này là sự giữ vững miền Nghệ Tĩnh, chống lại quân Xiêm xâm lăng. Năm đó Tạ Quang Cự tuổi 56 (…) Lên tới Trấn Ninh không phải là để nghỉ mà là để đánh nhau. Tạ Quang Cự lăn lóc với mặt trận Trấn Ninh suốt bốn năm trời, nào là chống quân Xiêm, nào là bảo vệ dân Lào, nào là phủ dụ dân Việt ta. Ở Trấn Ninh, chức của Tạ Quang Cự là Phòng Ngự Sử. Đất Trấn Ninh, Pháp cho vào đất Lào, nhưng sự thực là đất của ta, từ thế kỷ thứ mười lăm. Nhưng vì hẻo lánh nên ít dân lên đấy ở. (…) Sử ta rất dè dặt nhưng cũng đã ghi như sau này: Cự ở Trấn Ninh, nghiêm ước thúc, cấm cướp phá… trong cõi yên lặng”…

Trở về với những sự kiện trọng đại có tác động tới cả một thời gian dài trong lịch sử, tác giả Nguyễn Sĩ Tế viết về 1802. Nguyễn Sỹ Tế là một nhà nghiên cứu văn học, vì thế ông không thể không biết tới lịch sử, nhưng ông viết về lịch sử không  như một nhà nghiên cứu, từ những sự kiện ông làm sáng tỏ những đổi thay. Với chủ đề 1802, Nguyễn Sỹ Tế làm rõ một sự kiện: Thăng Long sau tám thế kỷ đã không còn là thủ đô nữa. Thực tế thì Phú Xuân đã là thủ đô từ thời Quang Trung. Nhưng đến 1802, Phú Xuân mới thực sự là thủ đô của một nước Việt Nam thống nhất. Nguyễn Sỹ Tế viết:

Tháng 5 năm Nhâm Tuất, dương lịch 1802, thừa thắng Tây Sơn, Nguyễn Vương, húy Ánh, kéo quân tiến ra Trung, lấy thành Phú Xuân, xưng đế đặt niên hiệu Gia Long (…) 1802 là một mốc mới lịch sử và văn học trọng đại. Về phương diện lịch sử nó đánh dấu một sự thay đổi triều đại… Về phương diện văn học nó báo hiệu một sự chuyển hướng tới những bến bờ rộng rãi, tươi đẹp hơn. Nhưng 1802 còn ghi nhận một sự kiện hầu như bị bỏ quên, việc thay đổi kinh đô, một sự kiện đã góp phần rất nhiều vào cuộc chuyển hướng văn học nói trên bằng cách đại chúng hóa Bắc Hà, tôn nghiêm hóa giải Trường Sơn, dồn chảy văn học vào đất Đồng Nai chứa chan hy vọng…

Sĩ phu Việt Nam trước cuộc xâm lăng của người Pháp, đó là bài viết thứ hai của Nguyễn Sỹ Tế. Tác giả viết:

Hồi hậu bán thế kỷ XIX, lịch sử Việt Nam đã trải qua những năm đen tối vô cùng mà kết quả là cuộc thống trị của ngoại kéo dài cho tới những ngày gần đây (…) Như vậy, lịch sử Việt Nam thời hiện đại là lịch sử cuộc thống trị của người Pháp. Người ta lại có thể phân chia khoảng thời gian này làm hai: 1) Giai đoạn chiếm đất và bình định (1858-1913)  2) Giai đoạn khai thác (1913-1945). Kể ra những phản ứng của sĩ phu Việt Nam thời bấy giờ cũng có nhiều hình thức rất phức biệt, song có thể quy vào hai loại lớn: những phản ứng tích cực và những phản ứng tiêu cực…

Theo tác giả những phản ứng tích cực trước nhất là những cuộc cầm khí giới chống trả địch. Những cuộc chống trả này một phần do triều đình chủ trương, phần lớn do nhân dân tự động. Tác giả nhắc đến những cái chết của: Nguyễn Tri Phương, Võ Duy Ninh, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Diệu… Sau đó là hành động của các vua: Thành Thái, Duy Tân, và Hàm Nghi chạy ra khỏi kinh thành cùng Tôn Thất Thuyết phất cờ Cần Vương… Khắp nước, nơi nào cũng có những phong trào kháng chiến: Trong Nam có Trương Công Định, miền Trung có Phan Đình Phùng, miền Bắc có Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám… Ngoài những người cầm võ khí chống đối còn có một bộ phận theo con đường ôn hòa hơn như Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh.

Về những phản ứng tiêu cực, theo Nguyễn Sỹ Tế đó là những người lui về sống ẩn dật, có người đi vào con đường hưởng lạc và tác giả viết:

Sau rốt, trong loại phản ứng tiêu cực này, chúng ta cũng nên kể tới cảnh sống của một lớp kẻ sĩ, đông đảo hơn cả, hầu như không có phản ứng nữa. Giai tầng sĩ phu tan rã, phần lớn yên hàn sống cuộc đời của họ, kéo lê cảnh sống vận nghèo nàn của họ ở khắp nơi, từ thành thị tới thôn quê, lẫn trong dân chúng với những kế sinh nhai coi như dư huệ của giai tầng: xem bói, để đất, bốc thuốc, dạy học, may thuê viết mướn.
6 – NHỮNG ĐỀ TÀI VỀ VĂN HỌC VIỆT NAM TRÊN SÁNG TẠO

Đề tài về văn học Việt Nam đã chiếm một số trang lớn trên tạp chí Sáng Tạo với sự góp mặt của nhiều tác giả với những đề tài khác nhau.

Đi từ cội nguồn, Doãn Quốc Sỹ bàn về một hình thức văn nghệ có sớm nhất của dân tộc với đề tài: Đi tìm dân tộc tính trong những chuyện cổ tích Việt-Nam. Theo tác giả, chuyện cổ tích của ta cũng có những chuyện gần giống với chuyện cổ tích của những dân tộc khác, tuy có đại đồng nhưng cũng có những cái tiểu dị. Doãn Quốc Sỹ kể ra những chuyện cổ tích, mà theo ông có tính dân tộc rất cao như: Truyện Mỵ Châu Trọng Thủy, Truyện trầu cau, Truyện Chử Đồng Tử, Truyện Lưu Bình – Dương Lễ, Truyện ba anh em họ Điền… Dẫn ra một số truyện tiêu biểu rồi tác giả đi đến những nhận định: trong chuyện cổ tích, ta đã thấy mấy đặc tính sau đây của người Việt: 1) một tâm hồn vô cùng quảng đại bao dung biết vươn tới mức hòa đồng  2) một dân tộc có một trí tưởng tượng vô cùng phong phú  3) một quan niệm siêu việt về tình yêu. Và cuối cùng Doãn Quốc Sỹ kết luận: “Hãy trở về với nguồn dân tộc.

Trước và sau Doãn Quốc Sỹ đề tài dân tộc tính đã được nói đến, và sẽ còn được nói đến từ những góc nhìn khác nhau.

Nguyễn Sỹ Tế đặt ra vấn đề: Thần trí và hồn tính của dân tộc Việt Nam, tác giả viết: “Có một thực thể không ai phủ nhận: mỗi dân tộc có một thần trí và hồn tính riêng. Thần trí và hồn tính đó được hun đúc trong những điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế… riêng, ngày một thêm phong phú vững bền, và biểu lộ ra dưới muôn hình thức phức biệt của cuộc sinh hoạt vật chất luân lý và tinh thần hằng ngày… Đâu là thần trí và hồn tính Việt Nam? Trước hết hãy xin xét nguyên nhân cấu tạo.

Những nguyên nhân cấu tạo, tác giả lần lượt đưa ra: “1) Vị trí địa lý Việt Nam, là một nước nhỏ, tựa lưng vào lục địa, mở rộng ra đại dương, khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt  bờ biển kéo dài ven Thái Bình Dương, giữa hai nước lớn là Trung Hoa và Ấn Độ 2) Nền nông nghiệp thô sơ, dân nghèo 3) Từng bị ngoại bang cai trị hàng ngàn năm 4) Chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Hai nền văn hóa đó biến sắc đi và ghép vào cái nền tảng văn minh cố hữu của dân tộc Việt. Kịp khi văn minh Tây phương đặt chân lên xứ này, Việt Nam lại là nơi giao động của hai nền văn hóa Đông Tây (…)

Vì hoàn cảnh đặc biệt, sinh hoạt và trưởng thành trong những điều kiện phức tạp, khắt khe và tương phản, dân tộc Việt Nam có một thần trí và hồn tính điều hòa vững vàng đưa đến một thái độ sống hiền triết, trầm lặng, cân bằng, thận trọng…

Từ ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích tới những áng thơ văn, những nhà nghiên cúu từ đó tìm ra chân dung người Việt, những chặng đường nó vượt qua trong suốt lịch sử, và những tư tưởng đã hình thành. Khuynh hướng siêu thoát trong văn chương Việt Nam (số 25) là một đề tài được Nguyễn Sỹ Tế nghiên cứu.

Khuynh hường siêu thoát là một khuynh hướng cố hữu và bao quát trong văn chương Việt Nam – bác học cũng như bình dân – và rộng ra nhiều cả văn chương Đông phương nữa. Thường được phối hợp với các khuynh hướng huynh đệ như thiên nhiên, trữ tình, hưởng nhàn… khuynh hướng siêu thoát đã tạo nên một sắc thái độc đáo rất đáng yêu cho văn chương Việt Nam…” Trước hết tác giả đi tìm nguyên nhân tác thành: 1) đời sống kinh tế thấp kém 2) thần trí và hồn tính vững vàng của dân tộc 3) ảnh hưởng của các học thuyết Phật Lão Trang. Tác giả viết: “Sự biểu lộ của khuynh hướng siêu thoát có thể phân tích thành hai mệnh đề: các tác giả chối bỏ cõi trần thế bị coi là xấu, hẹp, sau đó họ vươn tới thế giới thượng đẳng.(…)

Dầu sao, xét lịch sử lâu dài, tính chất đặc thù trường sở rộng lớn của nó, khuynh hướng siêu thoát là một thực tại văn chương tức không phải là một khuấy động nhất thời. Là một thực tại, nó có quyền sống của nó…

Sang một đề tài rộng khác, Nguyên Sa trình bày: Vấn đề thượng đế trong văn chương Việt Nam (số 16). Tác giả viết: “…nếu ta nghĩ rằng chỉ được gọi là “vấn đề”, những sự kiện, những ý tưởng đã được sắp đặt thành những câu hỏi, đã được giải quyết hoặc thử giải quyết một cách mạch lạc, thứ tự tất nhiên ta phải nhận rằng không có một vấn đề Thượng Đế trong văn chương Việt-Nam (…) Thượng Đế đã xuất hiện trong văn chương Việt-Nam nhưng không hề có một vấn đề Thượng Đế. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ không dò xét: Thượng Đế hiện hữu hay không, bản chất của Trời ra sao? Căn cứ vào những chứng tích nào ta được quyền tin ở sự có mặt của Thượng Đế…? Thượng Đế không bao giờ bị đặt thành một vấn đề, một nghi vấn. Thượng Đế xuất hiện một cách bình dị trọn vẹn (…) Họ đã nhìn để khám phá ra một ý nghĩa chứ không phải để lý luận đùa chơi. Và trong lối nhìn đó các tác giả Việt-Nam tuy không phải là triết gia đã rất gần gủi Triết học vì phải chăng mục tiêu của Triết lý là thông cảm, là tìm ra ý nghĩa cuộc đời.

Với những đề tài về văn học, trên tạp chí Sáng Tạo có một tác giả chuyên viết văn nghệ miền Nam, đó là Thái Bạch. Ở đây chúng ta thấy văn nghệ gắn liền với những vùng đất mới, những con người mới. Những bài viết này nặng về phần sưu tầm, giúp cho người đọc hiểu hơn về miền Nam với lịch sử non trẻ của nó. Dưới đây là những bài viết của Thái Bạch trên tạp chí Sáng Tạo: Ca dao miền Nam (số 4), Thơ trào phúng miền Nam (số 15), Đỗ Minh Tâm một nhà thơ trào phúng (16), Một nữ sĩ miền Nam (số 19), Bạch Mai thi xã (số 20), Khái luận về đặc tính văn nghệ của miền Nam (số 21), Nữ sĩ Trần Kim Phụng (số 23),Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (số 26), Bộ mặt Đồng Tháp (số 27), Lân Saigon (số 28-29).

Dưới đây là những bài viết về văn học Việt-Nam:

NGUYỄN SỸ TẾ:

  • Quan niệm nhận thức Nguyễn Du (số 1)
  • Ý thức siêu nhân trong thơ văn Nguyễn Công Trứ (số 3)
  • Hệ thống trào phúng của Trần Kế Xương (số 7)
  • Vấn đề phân chia thời đại và khuynh hướng văn học Việt-Nam (số 8)
  • Tinh thần văn học đời Lê Thánh Tôn hậu bán thế kỷ thứ XV (số 10)
  • Văn chương cổ điển Việt-Nam (số 14)
  • Bàn về văn học sử Việt-Nam (số 21)
  • Xác định một thời hiện đại trong văn học Việt-Nam (số 22)
  • Triết lý đoạn trường (số 27)

NGUYỄN VĂN MÙI:

  • Nguyễn Khuyến , thi sĩ của đồng quê Việt Nam (số 9)

PHAN VĂN DẬT:

  • Bài thơ khóc Thị Bằng không phải của vua Nguyễn Dực Tông (số 23)

NGUYỄN DUY DIỄN:

  • Cao Bá Quát , một  chiến sỹ Cách mạng (số 22)

TRẦN THANH HIỆP:

  • Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn Trường Tân Thanh (số 6)
  • Thế giới Quách Thoại (số 26)

NGUYÊN SA:

  • Hồ Xuân Hương, người lạ mặt (số 3)
  • Cái chết của người thi sỹ (số 4)
  • Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do (số 15)

QUAN SƠN:

  • Thêm một ý kiến về cuốn Văn Học Việt-Nam thời Lý

VIỆT TỬ:

  • Cao Bá Quát (số 24)
  • Nguyễn Công Trứ (số 30)

VŨ  KHẮC KHOAN:

  • Một khía cạnh tâm sự của Ôn Như Hầu (số 11)

LỮ HỒ:

  • Thơ, tục Hồ Xuân Hương (số 16)
  • Bài ca của một cuồng sỹ (số 18)
  • Định mệnh văn học (số 23)
  • Có chăng một bà Hồ Xuân Hương (số 24)
  • Truyện Kiều hấp hối (số 26)
  • Nghĩ về Nguyễn Công Trứ (số 27)

HỒ NAM:

  • Khái niệm về thi ca Việt-Nam (số 27)

Qua những liệt kê ở trên chúng ta thấy: có hai tác giả bàn về Hồ Xuân Hương, ba tác giả bàn về Nguyễn Công Trứ, bốn tác giả bàn về Cao Bá Quát, với Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh cũng có bốn tác giả bàn đến.

Tác giả Lữ Hồ viết hai bài về Hồ Xuân Hương. Bài thứ nhất: Thơ, tục: hồ xuân hương. Tác giả viết: “Ở đây ta không bàn đến nguồn gốc và công dụng mà chỉ công nhận rằng thơ Hồ Xuân Hương là những bài thơ rất thực, rất sống có năng lực hấp dẫn mãnh liệt, khiến cho ai ai đã đọc đều phải thích, phải chặc lưỡi, buột mồm một tiếng hay trống rỗng…” Lữ Hồ cho rằng thơ họ Hồ: “đề tài nhất trí, ý tại ngôn ngoại, thi trung hữu họa, vô trung sinh hữu, hoạt cảnh sinh động, nhân hóa hay nhất trí hóa.” Kết bài ông viết: “Tắt một lời, thơ Hồ Xuân Hương thô tục là hiển nhiên…”

Sang bài Có chăng một bà Hồ Xuân Hương? trước hết tác giả lục lọi sách vở tìm kiếm tiểu sử Hồ Xuân Hương, từ Dương Quảng Hàm  tới Nguyễn Văn Ngọc… tất cả đều rất mơ hồ khi ghi rằng: “…không có sách nào chép rõ…, xét thơ văn mà biết đại khái…” Chính từ một tiểu sử mơ hồ và ít ỏi, tìm hiểu về thơ Hồ Xuân Hương, Lữ Hồ đã hoài nghi có một Hồ Xuân Hương thật. Không có Hồ Xuân Hương thật, vậy những bài thơ được cho là của Hồ Xuân Hương kia ai là tác giả? Theo Lữ Hồ: “Rất có thể đó là Nho sĩ. Nghĩa là đàn ông đã làm ra chứ không phải của một bà tên gọi Hồ Xuân Hương (…). Chứng cớ: về phương diện tâm lý, ta tìm gặp lòng tự tôn và tính xỏ xiên của Nho sĩ đối với phụ nữ. Chứng cớ thứ hai nữa là các Nho sĩ thường trọng Hán văn mà khinh miệt văn nôm một cách quá đáng. Cái chứng cớ thứ ba để trả lại loại thơ Hồ Xuân Hương cho Nho sĩ là sức đàn áp của luân lý Nho giáo.

Khác với Lữ Hồ, Nguyên Sa nhắc đến những tìm kiếm vô ích về một chân dung Hồ Xuân Hương, và những thất bại về tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương. Tại sao thất bại, Nguyên Sa trả lời: “Lý do thất bại của chúng ta hiện ra ở chỗ Hồ Xuân Hương đã đạt tới chỗ vĩ đại của thiên tài. Đó là điều tất nhiên. Nhưng ta phải nói thêm rằng thiên tài của người chính ở chỗ đã đạt tới biên giới của tiếng nói (…) Sự thất bại ta đã bắt gặp trong khi tìm hiểu Hồ Xuân Hương. Tìm hiểu nhưng không bao giờ đạt tới. Hồ Xuân Hương, người thi sĩ quen thuộc của người Việt-Nam sẽ vĩnh viễn là một người lạ mặt trước những kẻ đi tìm kiếm người…

Về nhân vật Nguyễn Công Trứ, tác giả Việt Tử tìm hiểu về đời hoạt động, về thi ca rồi đi đến kết luận: “Công đức của tướng công vẹn toàn, một dạ sắt son nêu gương vằng vặc vì dân vì nước”. Trong khi đó Nguyễn Sỹ Tế bài bác ý kiến cho rằng Nguyễn Công Trứ có ý thức siêu nhân. Lữ Hồ viết về Nguyễn Công Trứ như sau: “Trong làng thơ Lê Nguyễn, Nguyễn Công Trứ đã hiển hiện với những nét thơ vị ngã vô song… Và ai cũng nhận giữa thi văn và thân thế của ông có một liên quan mật thiết… Tính cách hào hùng của ông đôi khi quá giả tạo và ồn ào. Văn thơ Nguyễn Công Trứ giàu ý tưởng , nhiều tư tưởng mà lại vô lý tưởng… Tuy nhiên, chính nhờ tính cách phi nhân đó mà ta phải công nhận văn chương của Nguyễn Công Trứ đã biểu hiện nổi một con người rất người với tất cả thú tính, dục vọng.

Nguyễn Du và Đoạn trường tân thanh là đề tài mà gần như nhà nghiên cứu nào cũng ít nhất có một lần cầm bút đàm luận. Trên tạp chí Sáng Tạo số 1, Nguyễn Sỹ Tế trình bày: Một quan niệm nhận thức Nguyễn Du. Trước hết ông tóm lược quá trình phê phán Đoạn trường tân thanh. Từ đó ông thấy để tìm hiểu và phê phán Nguyễn Du chúng ta phải đặt mình vào thời đại và xã hội Nguyễn Du – một thái độ thận trọng, dè dặt, khách quan toàn diện.

Trần Thanh Hiệp cũng bàn về Nguyễn Du nhưng ở một góc nhìn khác: Để giải quyết mâu thuẩn trong Đoạn trường tân thanh. Tác giả viết: “Bàn tới triết lý Đoạn Trường Tân Thanh, người ta thường phải nhắc đến tư tưởng Tam giáo. Riêng về Lão giáo, hình như không được Nguyễn Du trình bày trực tiếp như Nho và Phật giáo. Điều này cũng dễ hiểu vì sức tác động của Lão giáo đối với người Việt-Nam xưa kia thường chỉ thể hiện ở hai trường hợp: công phá Nho, Phật giáo và đồng hóa với phong tục bình dân. Vậy chỉ còn phải xét lại hai nguồn tư tưởng Phật học và Nho học của Nguyễn Du mà thôi (…)

Nỗi khó khăn của những người muốn giải thích bài toán Đoạn Trường Tân Thanh chính là cái việc phải chứng minh được tính chất thuần nhất của Đoạn Trường Tân Thanh cả về nội dung lẫn hình thức trước dễ dãi của bình dân cũng như trước khe khắt của trí thức. Đối với bình dân thì công việc được nhiều phần nhẹ nhàng vì bình dân tiếp nhận Đoạn Trương Tân Thanh không cần phân tích. Nhưng đối với trí thức thì cũng là một vấn đề khá phiền phức, nhất là khi phân tích Đoạn Trường Tân Thanh, họ có cả một hệ thống triết lý để xử dụng.”

Khác với Trần Thanh Hiệp, Nguyên Sa trong bài Nguyễn Du, trên những nẻo đường tự do, đã viết:

“Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Bách Khoa… những con người đến từ những chân trời tư tưởng hết sức xa xăm, cách biệt đều thỏa hiệp với nhau trên một điểm: thuyết định mệnh là nền tảng của truyện Kiều.”

Không bàn về nội dung, hình thức của Đoạn trường tân thanh, không bàn về những tư tưởng triết học trong truyện Kiều, ở thời điểm 1958 Lữ Hồ nhìn lại thân phận truyện Kiều từ khoảng đầu thế kỷ thứ hai mươi hết đóng vai trò này lại đóng vai trò khác. Nhưng thời đại đã thay đổi và tác giả cho rằng Truyện Kiều hấp hối.

Cao Bá Quát là chủ đề cho bốn tác giả nghiên cứu tìm hiểu. Trước hết tác giả Việt Tử cho chúng ta biết về thời đại của Cao Bá Quát, quê hương và giòng họ, bản chất của Cao Chu Thần, sau cùng tác giả cho ta thấy sự nghiệp thiên tài của Cao Bá Quát và cuối cùng là cái chết.

Tác giả Nguyễn Duy Diễn  không đồng ý với Dương Quảng Hàm khi cho Cao Bá Quát là kẻ bất mãn, và Trúc Khê thì cho ông là một người kiêu căng quá trớn. Với Nguyễn Duy Diễn thì Cao Bá Quát là một chiến sĩ cách mạng. Dù vậy ông vẫn đưa ra một kết luận mở: “Đời sống và văn chương Cao Bá Quát đã tạo nên một bài toán có nhiều điểm khúc mắc. Vì khúc mắc nên mỗi người có quyền nêu ra những phương trình theo ý muốn.

Cũng bàn về thân thế và sự nghiệp Cao Bá Quát , nhưng Lữ Hồ mở rộng cái nhìn của mình vào lịch sử, ông đi tìm nguồn gốc thiên tài của Cao Bá Quát và tìm hiểu nguyên nhân tạo ra những yếu tố tác động vào cuộc đời Cao Chu Thần. Lữ Hồ viết:

Cao Bá Quát đã sinh nhầm thời đại. Ông ra đời trong lúc giai cấp thống trị nho-sĩ đang chuyển mình đến một giai đoạn tan rã thảm hại (…) Cũng nhớ rằng: từ đời Gia Long cho đến Tự Đức miền Bắc không có lúc nào được yên tĩnh, giặc giã liên miên, cho nên dân chúng cũng không khoái nhà Nguyễn mấy… và sau này khi người Pháp sang thì Bắc hà thất thủ trước thành Phú Xuân. Nếu không quá đáng thì ta có thể xem như nhà Nguyễn đã mất Bắc Hà từ năm 1802 rồi vậy.

Như thế thì tính kiêu mạn của Cao Bá Quát chỉ là hậu quả của một chính sách ngu muội. Nó đã phát sinh trong giai đoạn quá độ của triều đại, trong tình trạng thối nát của một xã hội xuống dốc và tất nhiên, nó không thể nào tồn tại khi nó đã dám biểu hiện tất cả những xấu xa nhơ nhớp của chính thể đương thời.”

Cái chết của người thi sĩ, đó là tựa đề bài viết của Nguyên Sa về Cao Bá Quát. Sau khi lướt qua hành trạng vào đời của người thi sĩ thiên tài cùng với cái chết ngang tàng, tác giả viết:

Con người bước nặng nề vì “chân vướng cùm lim, tay xích sắt” đã nghênh ngang chửi đổng giữa một pháp trường rộn rã “ba hồi trống dục” mặc dầu sắp sửa chịu cảnh “một nhát gươm đưa”. Và lưỡi gươm đã đưa xuống nhưng hành động cuối cùng từ những câu thơ uất ức đến dáng điệu ngang tàng đã đem lại cho đời sống và cả thi phẩm của họ Cao một đời sống vĩnh cửu (…) Đã biết chết một cách ngang tàng không những Chu Thần thi sĩ đã đem lại cho tác phẩm mình một giá trị thành thật. Người còn làm ta yêu người hơn một thi sĩ, bởi vì người là thơ.
7 – NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRÊN SÁNG TẠO

Trên tạp chí Sáng Tạo không chỉ bàn về văn học Việt Nam, các tác giả của những bộ môn khác nhau còn bàn về hội họa, âm nhạc và đặc biệt là tìm hiểu, giới thiệu những trào lưu mới, những tác giả nổi bật của văn học nghệ thuật thế giới:

VỀ BỘ MÔN ÂM NHẠC có những bài viết sau đây:

NGUYỄN PHỤNG:

  • Giáo dục âm nhạc (số 7)
  • Dân ca, một yếu tố nhân loại của việc giáo dục (số 9)
  • Ca khúc bình dân và dân ca (số 13)
  • Hệ thống âm nhạc Nhật Bản (số 19)

LÊ CAO PHAN:

  • Sự tiến triển của ngành âm nhạc thiếu nhi (số 10)
  • Sáng tác nhạc thiếu nhi (số 21)

LÊ THƯƠNG:

  • Nguyên lý âm nhạc trong căn bản ngôn ngữ (số 1)
  • Tìm đường sống cho âm nhạc (số 3)

CUNG THƯ:

  • Nhân những vấn đề về chủ âm tính trong âm nhạc Tây Phương (số 31)

VỀ BỘ MÔN HỘI HỌA trên tạp chí Sáng Tạo có sự cộng tác của các họa sĩ Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Đào Sỹ Chu. Tuy nhiên không  thấy hai họa sỹ Ngọc Dũng và Tạ Tỵ bàn về hội họa. Trong khi ấy chúng ta lại thấy Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên bàn về hội họa. Sau đây là những bài viết về hội họa :

THÁI TUẤN:

  • Một vài nhận xét về nghệ thuật hội họa (số 1)
  • Siêu thực và ấn tượng (số 4)
  • Hội họa sẽ đi về đâu? (số 7)
  • Hội họa cổ điển (số 9)
  • Nhận xét về hội họa trừu tượng (số 11)
  • Thái độ cần thiết khi xem tranh (số 12)
  • Tìm hiểu hội họa mới: trường biểu hiện (số 14)
  • Loại tranh mộc bản Việt-Nam (số 15)
  • Đường nét và mầu sắc (số 18)
  • Hình thể trong hội họa (số 22)

ĐÀO SỸ CHU:

  • Hội họa Trung Hoa (số 3)

DUY THANH:

  • Trường hợp Picasso (số 2)
  • Nói về hội họa (số 8)
  • Nói về hội họa (số16)

THANH TÂM TUYỀN:

  • Nhân nghĩ về hội họa (số 26)

TÔ THÙY YÊN:

  • Để phục hồi hội họa trừu tượng (số 27)

Chỉ đọc qua những đề tài của những bài viết chúng ta đã thấy: hội họa đã đổi thay, hội họa Tây phương đã ngự trị, và quan trọng hơn nữa, hội họa cũng đang chia xẻ những ý tưởng sáng tạo của thời đại cùng với văn chương, sân khấu, điện ảnh.

Trong bài Trường hợp Picasso, Duy Thanh viết: “Thế kỷ 20, tên tuổi Picasso đáng được ghi vào hàng đầu tiên của nền hội họa cận đại. Người ta nói nhiều, nhắc nhiều  tới tên nhà danh họa này, khen có, chê có, nhưng thử hỏi mấy ai đã hiểu thấu con người nội tâm của Picasso với bao nhiêu trạng thái quay cuồng biến đổi. Con người mà các nhà phê bình hội họa Âu châu đã mệnh danh là “con quỷ của nghệ thuật”(…) chỉ có Picasso luôn luôn bất mãn, luôn luôn tìm kiếm luôn luôn phá phách, luôn luôn mâu thuẫn và điều kỳ lạ nhất, Picasso vẫn thành công rực rỡ trước mọi thử thách (…) Hiện nay Picasso bên trời Âu vẫn còn hăng hái sáng tác. Nhưng ai hiểu ông sẽ đi tới đâu? Roger Mars, nhà phê bình Pháp có lần bâng khuâng tự hỏi: có lẽ rồi đây họa phẩm mới nhất của Picasso sẽ là một bức tranh không mầu?

Picasso là tiêu biểu cho những thay đổi không ngừng của hội họa. Nhiều trường phái xuất hiện, và hẳn nhiên nhiều quan điểm khác nhau được trình bày. Trong bài Nhân nghĩ về hội họa, Thanh Tâm Tuyền khi bàn về hội họa trừu tượng đã viết: “Nổi loạn là không chấp nhận đời sống hiện tại khi thấy trong cái đời sống ấy mình bị đẩy ra ngoài, thay đổi nó để trong đời sống sắp tới đây mình được quyền sống. Nổi loạn là một hành động đòi gia nhập đời sống: kẻ nô lệ, nổi loạn đòi quyền sống như nhũng người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo. Nếu nổi loạn chỉ là sự phá hoại thuần túy thì người ta không thể không nhận rằng sự phá hoại thuần túy nhất là hủy diệt ngay đời sống bản thân của mình, nghĩa là tự tử. Hội họa trừu tượng là một hủy hoại thuần túy (…)

Đời sống không bao giờ xua đuổi nghệ thuật, chỉ có những kẻ muốn mang nghệ thuật ra khỏi đời sống, để dễ bề thao túng đời sống. Nên mỗi tác phẩm là một hành động đòi gia nhập – một chặng trên đường trở về đời nhân loại – không phải là một hình thức bỏ trốn.”

Cũng bàn về hội họa, trong bài Để phục hồi hội họa trừu tượng, tác giả Tô Thùy Yên viết:

Hội họa trừu tượng vô hình dung đã có nửa thế kỷ quá khứ, khoảng thời gian đầy đủ cho một mối giao hảo. Tuy nhiên, trong đám quần chúng thưởng ngoạn, vẫn còn phe kịch liệt chối nhận nó, cho nó là một hành vi điên rồ hoặc lừa đảo: sự kiện này không đáng quan tâm, một giá trị nghệ thuật không thể chỉ được đặt định một cách đơn giản bằng phản ứng của quần chúng. Đáng quan tâm là những lý lẽ dùng để chối nhận nó (…) người ta còn chỉ trích hội họa trừu tượng dẫn quần chúng ra khỏi cuộc đời bởi nó không diễn tả những tấn kịch của thời đại (…) Do đó, cần phân biệt rành mạch hình ảnh thời đại trong nghệ phẩm và bản chất thời đại của nghệ phẩm, đừng bắt ép nghệ thuật – hội họa, điêu khắc, âm nhạc, khiêu vũ – nhất thiết phải đèo bồng thêm trong nó tiếng nói nào khác khi tự nó, nó đã là một tiếng nói đầy đủ, đã là sắc thái của hoàn cảnh lịch sử khai sinh và dung dưỡng nó…
8 – NHỮNG NHẬN  ĐỊNH VÀ GIỚI THIỆU VĂN CHƯƠNG TÂY PHƯƠNG

Trong suốt 31 số tạp chí Sáng Tạo, số trang được dành cho phần nhận định cũng như phần dịch thuật của văn chương Tây phương cho mỗi số tạp chí không đều đặn. Sau đây là chủ đề những bài viết về văn chương Tây phương:

HOÀNG THÁI LINH:

  • Văn chương và siêu hình học (số 10)

NGUYỄN SỸ TẾ:

  • Chủ thuyết siêu thực (số 19)
  • HOÀNG THÁI LINH:
  • Trường hợp Francoise Sagan (số 22)

NGUYÊN SA:

  • Kinh nghiệm Hemingway (số 2)

MẶC ĐỖ:

  • Đọc La Chute của A. Camus (số 2)

NGUYỄN ĐÌNH HÒA:

  • Thân thế thi sĩ H.W. Longfellow (số 20)

LÊ HUY OANH:

  • Khảo về Beaudelaire (số 23-24)
  • Verlaine , nhà thơ tượng trưng (số 31)

Trong đề tài Văn chương và siêu hình học tác giả Hoàng Thái Linh viết: “Để giới thiệu văn chương Âu châu hiện đại nói chung và văn chương Pháp nói riêng, chúng tôi chọn đầu đề “Văn chương và siêu hình học” vì nét đặc biệt của văn chương đó là tính cách triết lý của nó. Dĩ nhiên, những A. Camus, J.P. Sartre, André Malraux… mỗi người có sắc thái riêng, không ai gống ai, nhưng tất cả đều gặp nhau trên một vài nét chính. Lời nói, giọng nói của họ khác nhau, nhưng hình như họ đều bắt đầu từ khởi điểm, cùng bàn đến một vấn đề… Tháng chạp năm 1946, trong buổi diễn thuyết do Ủy Ban Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức ở giảng đường đại học Sorbonne, Malraux đã nói: “Cuối thế kỷ XIX, Nietzsche lớn tiếng tuyên bố Thượng đế đã chết với một giọng bi đát. Và ai cũng hiểu câu đó muốn nói gì; câu đó có nghĩa là từ đây người sẽ làm chủ cuộc đời mình vì Thượng đế đã chết. Nhưng ngày nay, vấn đề đặt ra cho chúng ta là ở trên mảnh đất Âu châu cũ kỹ này, con người đã chết hay chưa?”. Câu hỏi trên của A. Malraux đưa chúng ta vào bầu không khí chung của văn chương Âu châu. Đó là một bầu không khí thắc mắc, hoài nghi, băn khoăn, muốn đặt vấn đề lại những giải pháp đã biến thành tin tưởng của những thế hệ trước…(…) Đời sống có ý nghĩa gì không, đời đáng sống hay không đáng sống “trước những cái vô lý cuộc đời? Cái gì làm cơ sở cho hành động. Một nhân bản xây trên những nhận xét đó phải như thế nào? Đọc chuyện, chúng ta chỉ thấy hiện lên trong trí những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, cái chết, mối tương quan giữa người với người, với vũ trụ. Tiểu thuyết vì thế không còn tính chất lãng mạn, xa thực tế, thoát ly. Văn chương hiện đại Pháp nhập thế ( engagee) không phải để xoa dịu, giải trí nhưng là gây thắc mắc, suy nghĩ để nhận định một thái độ sống…(…) Thái độ đó bao hàm một nhân bản mới. Văn chương không còn là mô tả, tri thức, nhưng là một giải phóng, muốn bênh vực con người trước mọi hình thức chà đạp, giản lược con người vào phương tiện, đồ dùng. Chính trong hoàn cảnh bi đát đó, con người mới khám phá thấy người đồng loại cùng chung một thân phận, một kiếp người. Văn chương không còn phải là tiếng nói của cảm xúc cá nhân, nhưng là tình yêu bao chùm cả loài người, lo lắng số phận cả nhân loại và bảo vệ mhững giá trị phổ biến trong con người…”

Trong bài Chủ thuyết siêu thực, tác giả Nguyễn Sỹ Tế viết: “Khoảng mươi năm nay, danh từ Siêu thực đã vượt trạng thái một “danh từ dã man” mà du nhập ngôn ngữ nước nhà. Cũng có người nhìn nhận ở chủ thuyết đó một lối thoát cho tư tưởng và nghệ thuật hiện lâm ngõ bí và đưa ra để chống đối lại chủ trương “hiện thực xã hội” sai lầm và lỗi thời của cộng sản. Cũng có người la ó ở nó một lý thuyết điên rồ, quái đản, một “bệnh dịch đen” chỉ đưa tới đổ vỡ, hỗn loạn… Dầu sao Siêu thực cũng đã là một thực tại văn học, một sự kiện đã hai lần phát động vào hai thời hậu chiến trước và sau trong thế kỷ chúng ta, trước ở Pháp sau lan rộng ra Âu châu và vượt sang cả Mỹ châu (…) Quan niệm về cách mạng của chủ thuyết siêu thực có thể rút về những điểm sau đây: – Chỉ có cách mạng mới phong phú – Mọi nguyên cớ nổi loạn đều tốt – Sự phiến nghịch tự biện minh cho nó – Chỉ có sự nổi loạn mới tạo nên ánh sáng – Nổi loạn trước hết! Nổi loạn luôn luôn! Nổi loạn tuyệt đối! – Bất phục tùng hoàn toàn và phá hoại triệt để.”

Ở cuối bài viết, tác giả Nguyễn Sỹ Tế đặt  câu hỏi: “Phong trào đó đã lan tới ta chưa? và nếu chưa, có thể lan tới được không? Chúng ta sống trong một thời hậu chiến (chiến tranh thực sự). Thời đó đã có thể gọi là qua chưa?”

Hai bài viết của Hoàng Thái Linh và Nguyễn Sỹ Tế là những trình bày tổng quát về chủ nghĩa Siêu thực, về tư tưởng này trong văn học Âu châu. Vậy cụ thể những tác giả hàng đầu của Âu châu đã viết gì? Mặc Đỗ đọc cuốn La Chute của A. Camus viết: “Đến La Chute mới xuất bản tác giả Pháp có nhiều ảnh hưởng trong giới thanh niên trí thức thế giới – A. Camus – đã viết tới cuốn chuyện (récit) thứ ba. Đến cuốn này, người đọc lại tìm thấy, nhưng sâu sắc hơn, thấm thía hơn, chua cay hơn, cái triết lý u ám của sự phi lý (l’absurde) của cuốn truyện đầu. Trong Kẻ Đứng Ngoài Lề ( L’Etranger ) ta đã gặp một con người trơ trọi, khác biệt, xa lạ với xã hội chung quanh và với chính mình, giữa một thế giới phi lý. Sang đến La Peste, Camus đỡ bi quan hơn, cuộc đời còn có thể có nghĩa đối với một viên y sĩ, không vướng bận những thắc mắc siêu hình, sả thân vì đồng loại trong cơn cơ cực bệnh tật. Với La Chute, Camus lại bước ra khỏi sự thừa nhận cuộc đời và trở về với nhận thức cay đắng của số phận con người.”

Đọc sang một nhà văn khác của Âu Châu, Hoàng Thái Linh nói về: Trường hợp F. Sagan. Tác giả viết: “Người ta có thể khôngđọc qua cuốn truyện nào của Francoise Sagan, mà vẫn biết Sagan là ai. Tiểu thuyết của cô đứng hàng đầu trước các hiệu sách… Cô đã trở thành một “hiện tượng”(…) Mới 18 tuổi, lần đầu tiên viết truyện, Sagan đã trưởng thành trong nghề viết văn. Cái lối văn đơn sơ đến trong suốt, giản dị nhưng hàm súc, gợi cảm, ít lời mà thực nói rất nhiều (…) Nhiều người đã kết án nghiêm khắc Sagan về phương diện luân lý, mặc dầu giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đó là một điều làm cho người ta thắc mắc: có thể căn cứ vào luân lý để xác định giá trị của một tác phẩm văn chương không? Thế nào là một tiểu thuyết luân lý hay vô luân lý? (…)Không phải chỉ có tiểu thuyết của Sagan có tính cách vô luân lý, người ta còn nhận thấy một ý định tương tự trong các tiểu thuyết của Sartre hay Simone de Beauvoir chẳng hạn, tính cách vô luân lý đó hình như được đặt trên một cơ sở lý thuyết, một siêu hình học…”

Sau đó tác giả Hoàng Thái Linh giới thiệu hai tác phẩm của Sagan là Bonjour TristesseDans Un Mois, Dans Un An.

Rời khỏi Âu châu, Nguyên Sa  giới thiệu với người đọc: Kinh nghiệm Hemingway. Tác giả viết: “Hemingway nhà văn Mỹ , đoạt giải thưởng Nobel cách đây hai năm, đã nổi tiếng trên thế giới từ lâu với trên dưới một chục cuốn sách mà những người yêu văn nghệ quốc tế không thể bỏ qua được…”

Viết về Hemingway, Nguyên Sa chỉ chọn để nói về tác phẩm chính: Lão ngư ông và biển cả. Tác giả viết: “Cuốn sách nhỏ trên 100 trang kể chuyện một ông già đánh cá ra khơi là một cuốn sách vĩ đại. Vĩ đại như người đàn ông đứng tuổi, vai chính của cuốn truyện sau khi đi 84 ngày đêm trên biển không câu được một con cá nhỏ, ngày thứ 85 đã câu được một con cá to vô cùng (…) Nhưng trên đường về bầy cá mập đã ăn hết con cá của lão ngư ông… và khi cập bến mệt lả vì chiến đấu, lão chỉ còn lại cái đầu cá, bộ xương buộc mạn thuyền (…) Mỗi ngày lại phải thử thách lương tâm. Mỗi ngày lại phải thử thách ngòi bút. Người đánh cá già nua đã sống trong 84 ngày thử thách ray rứt đó. Con cá không về tới bến toàn vẹn nhưng lão ngư ông đã chắc chắn ở sự sinh tồn của mình ngày thứ 85. Trong thất bại lão đã thành công.”

Phần giới thiệu văn nghệ Tây phương, trên tạp chí Sáng Tạo còn có những bài viết về những nhà thơ như: Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882) một trong những nhà thơ đầu đời của lịch sử văn học Mỹ. Đồng thời cũng giới thiệu hai nhà thơ của Pháp nổi lên từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, một người mở ra những bước đầu của thơ Tượng trưng là Baudelaire, và người thứ hai là Verlaine, nhà thơ hàng đầu của thi phái Tượng trưng. Theo Lê Huy Oanh, người viết về hai nhà thơ Pháp này thì: “để hiểu rõ thi ca Việt-Nam thời tiền chiến, kể từ sau Tản Đà, chúng ta không thể không tìm hiểu rõ ràng một số nhà thơ Pháp, trong đó có bộ ba Verlaine – Rimbaud – Mallarme.”

Sang phần dịch thuật chúng ta thấy có:

  • Langston  Hughes: Nostalgic Blues  – Thanh Tâm Tuyền dịch (số 6)
  • Jacques  Prévert: Barbara – Thanh Tâm Tuyền dịch (số 30)
  • William  Faulkner: Một bông hồng cho Emily – Thạch Chương dịch (số 30)

Với ba tác giả trên, bài thơ và truyện ngắn đã được dịch trọn vẹn nhưng không có một dòng nào giới thiệu về tác giả.

Trên tạp chí Sáng Tạo bàn về văn học nghệ thuật Đông phương rất ít. Trong suốt 31 số tạp chí người đọc chỉ thấy có ba bài:

ĐÀO SỸ CHU:

  • Hội họa Trung Hoa (số 3)

TRẦN THANH HIỆP:

  • Những nguồn rung cảm trong văn nghệ Ấn độ (số 11)

HỒ NAM:

  • Thơ Nhật bản ( số 26)

9 – THƠ TỰ DO TRÊN SÁNG TẠO

Tạp chí Sáng Tạo ra số 2 và tiếp theo đó, khi giới thiệu nội dung trên bìa, người đọc thấy phân chia các mục: Biên khảo, Sáng tác, Phê bình văn nghệ. Thơ không nằm trong mục sáng tác mà tách hẳn ra mục: Thơ tự do. Sự phân định này làm rõ một điều: thơ trên Sáng Tạo là thơ tự do, với các tác giả như: Trần Thanh Hiệp, Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Người Sông Thương, Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Mai Trung Tĩnh, Vương Tân…

Sáng Tạo số 5, số mùa xuân, có in thơ của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, không có mục Thơ tự do, nhưng vẫn có thơ của Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… Sau đó, khi in thơ có số vẫn đề “Thơ tự do”, nhưng có số chỉ đề “Thơ”. Từ số Sáng Tạo 25 cho tới sô 31 của bộ cũ và khi sang bộ mới, người đọc không còn thấy ba chữ “Thơ tự do” đi kèm với những bài thơ. Thơ của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng có mặt trong những số giai phẩm đặc biệt của Sáng Tạo với chủ đề: Mùa Xuân, Nhớ Hà Nội:

VŨ HOÀNG CHƯƠNG:

  • Bao giờ có nguyệt (số 5)
  • Tuổi xanh (số 17)

ĐINH HÙNG:

  • Khi em mới nhớn (số 5)
  • Thảo dã, Xuân tình (số 17)
  • Gửi Thạch Lam (số 17)

Như vậy là trên Sáng Tạo chỉ có sự góp mặt rất khiêm tốn của hai nhà thơ từ thời tiền chiến, trong khi tại miền Nam còn có những nhà thơ tiền chiến khác như: Bàng Bá Lân, Đông Hồ, Quách Tấn, Nguyễn Vỹ, Á Nam Trần Tuấn Khải…

Trên Tạp chí Sáng Tạo chỉ có thơ tự do, số tác giả làm thơ rất nhiều,  có tác giả chủ yếu viết văn xuôi cũng có làm thơ như Mai Thảo, Võ Phiến… đặc biệt người đọc còn thấy có thơ của các họa sỹ: Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Nghi Cao Uyên, Ngọc Dũng, Duy Thanh, của kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, của nhạc sỹ Cung Tiến với bút hiệu Thạch Chương.

Thanh Tâm Tuyền đã phất ngọn cờ đầu cho phong trào đổi mới thơ. Ngay từ năm 1955 trên báo Người Việt, Thanh Tâm Tuyền đã viết một bài nói về thơ tự do, cùng lúc giới thiệu những sáng tác mới của ông. Ngay sau đó, tập thơ Tôi không còn cô độc được nhà xuất bản Người Việt phát hành. Tập thơ đã khuấy động sinh hoạt văn học nghệ thuật về tính tiền phong của nó, nhưng đồng thời cũng gây những dị ứng với những thành phần khác, họ gán cho thơ của Thanh Tâm Tuyền là lập dị, không phải là thơ, có khi trích dẫn một vài câu để riễu cợt… gây ra những ngộ nhận. Khi đó nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng cho xuất bản cuốn truyện Bếp lửa, có lẽ để tránh sự ngộ nhận, đã phải cho bọc ra ngoài cuốn truyện một băng giấy có in hàng chữ đậm: “Văn xuôi Thanh Tâm Tuyền”. Trên mục “Qua các bộ môn văn nghệ” của tạp chí Sáng Tạo số 3 tháng 12 năm 1956, tác giả Hàm Thạch viết về tập thơ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền như sau: “Thanh Tâm Tuyền làm cách mạng bằng thơ, đúng thế. Bắt đầu ở nơi anh, để giải thoát tâm hồn khỏi nhà ngục tâm hồn. Cái đau của Thanh Tâm Tuyền trước hết ở chỗ: con người văn nghệ yếu đuối tin tưởng ở vạn năng thiên thần của cách mạng là anh, mang một khối óc quá nặng và một con tim quá rộng. Là con đẻ của đám đông, anh sẽ chết buồn trong cô độc. Anh phải hô to vào tai anh:“tôi không còn cô độc” để được thấy mình ở môi trường đã lựa chọn.

Thơ tự do tiếp tục có mặt  trên tạp chí Sáng Tạo cũng như trên những diễn đàn khác với thêm nhiều tác giả, nó đã là một thực thể cho dù vẫn còn những tranh luận. Ngay trên tạp chí Sáng Tạo số 8 tháng 5 năm 1957, Trần Thanh Hiệp đã viết bài: Vài điểm gợi ý về thơ tự do. Sau khi lướt qua những ồn ào của dư luận, tác giả viết: “Tôi không phủ nhận rằng thơ tự do đã xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như một người khách lạ hoặc thiếu tình đồng cảm, hoặc không cởi mở – điều đã làm cho thơ thự do mang tiếng “tăm tối”, “bí hiểm” – khiến buổi sơ ngộ không đượm vẻ thắm thiết, vì những lý do chủ quan của nó, mà tôi sẽ trình bày sau. Thơ tự do tất nhiên phải chịu đựng những thái độ tiếp nhận bỡ ngỡ như vậy. Song những lý do khách quan còn làm cho thơ tự do thêm tăm tối. Nhiều người khi phê bình thơ tự do, đã trực tiếp hay gián tiếp thú nhận sự bất lực của họ trong việc khám phá lối thơ này. Sự kiện ấy không khó hiểu và không đáng trách lắm. Nhưng việc họ nhanh trí gán cho người làm thơ cái tội lập dị để tự biện hộ, là một ác ý…

Trong bài viết, Trần Thanh Hiệp cho rằng trong quá khứ thơ Việt có những thi phẩm đã chiếm được những vị trí vững chắc, dù sáng tác trong khuôn khổ đường thi, lục bát hay song thất lục bát… Nghi ngờ giá trị của những thi phẩm ấy chỉ là ngông cuồng mà thôi. Từ đó tác giả nói đến khởi điểm của thơ tự do, con đường hình thành, kỹ thuật của thơ tự do. Tiếp theo Trần Thanh Hiệp trích dẫn một số đoạn của các tác giả: Tô Thùy Yên, Người Sông Thương, Quách Thoại, Nguyên Sa, Vương Tân. Ông cho rằng: “Thơ tự do Việt Nam đã thành hình rõ rệt, đang lớn mạnh một cách hiển nhiên.

Tiếp tục bàn về thơ tự do, riêng điều ấy cũng đủ nói lên một điều: người ta không thể phủ nhận sự hiện diện của nó. Trong bài Kinh nghiệm thi ca, trên tạp chí Sáng Tạo số 21 tháng 6 năm 1958 , tác giả Nguyên Sa đã viết: “ Trong những năm tháng gần đây số lượng những người trẻ tuổi đi vào thơ tự do ngày một đông đảo bội phần. Người đời xung quanh hoặc vì óc bảo thủ cố hữu, hoặc vì đố kỵ, hoặc vì tư lợi vẫn tiếp tục đả kích, chế riễu loại thơ mới mẻ này. Sự hò hét, i uông của một số người bất đắc chí nhỏ bé không làm tan biến được lòng yêu thơ tự do chân thành, mối thiện tâm với những công cuộc khai phá của đa số, đông đảo. Những nhà văn thơ cố cựu, những người đã có một chỗ ngồi vững vàng trên những chiếu hoa văn nghệ cũng lên tiếng xác nhận triển vọng của thơ tự do. Đinh Hùng, nhà thơ đại biểu của hội Tao Đàn, qua những luồng sóng điện đã bầy tỏ lòng cởi mở, sự hoan hỷ tiếp đón những bài thơ tự do thành công trong nhũng ngày gần đây. Số người đả kích thơ tự do vì thế cũng ngày một ít đi. Trước đây vài năm người ta còn bảo: Bây giờ người ta không đả kích thơ tự do nói chung nữa mà xoay ra đả kích một số người tiêu biểu cho thi trào tự do hiện đại. (…)

Thơ tự do, mọi người đều biết, là một lối thơ phá thể. Nó không bị đóng trong một khuôn khổ nào cả. Nó không thể bị một luật tắc nào chi phối cả (…) Tại sao lại  phá thể? Phá để làm gì? Những thể thơ có khuôn thước vì sao mà lại phá bỏ? Vì sao đáng mở tung ra?…

Sau khi trở lại và xuôi dòng với lịch sử của thi ca, tiếp cận với những con đường của thi ca, tác giả Nguyên Sa nhận định: “Nhưng dù đi ở trên con đường nào vẫn cần thiết phải sáng tạo không ngừng, sáng tạo thật sự bởi vì chỉ có sáng tạo mới làm nên được tác phẩm.

Tạp chí Sáng Tạo số 27 tháng 12 năm 1958, một lần nữa vị thế của thơ tự do được khẳng định trong bài viết Khái luận về thi ca Việt Nam của tác giả Hồ Nam: “Thơ tự do ra đời, ra đời bằng một thực tại nghệ thuật sừng sững không giải thích không lý luận. Đến nay thơ tự do đã trưởng thành tốt đẹp và mau chóng, dành được sự yêu thích càng ngày càng sâu rộng của lớp quần chúng yêu thơ, nói được những tiếng nói lớn về tâm trạng con người thời đại, mở đường cho thi ca Việt Nam đến những chân trời, những thế giới mới.

Trên tạp chí Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền tiếp tục cho in những sáng tác mới ở nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện và lên tiếng về một số vấn đề của nghệ thuật. Riêng về thơ, Thanh Tâm Tuyền đã viết hai bài, trước hết là bài: Trèo lên cây bưởi hái hoa in trong tạp chí Sáng Tạo số 7 tháng 4 năm 1957. Tác giả viết:

Tôi nhận được thư của một người bạn yêu thơ – vừa thương vừa giận tôi lắm – trách móc và đòi tôi ít nhất hãy tự giảng lấy một bài thơ của mình để độc giả có thể theo dõi nổi mình. Hằng ngày tôi bắt gặp những câu hỏi tương tự như: “Thơ viết cái gì? Đọc không làm sao hiểu nổi”, ở những người bạn mới gặp lần đầu, những học sinh của tôi.

Tất nhiên là tôi không thể nào chối một phần cái sự “tối tăm” của thơ tự do. Vì tôi đã có dịp trình bày: bản vị của một bài thơ tự do không nằm trên mỗi câu như ở thơ cũ (chữ cũ gồm cả cho thơ mới) mà đặt trên mỗi từ khúc. Đừng tìm ý nghĩa và tiết điệu của bài thơ theo mỗi câu mà hãy nắm trọn từng từ khúc một. Mỗi từ khúc là một toàn thể về ý nghĩa cũng như tiết điệu ở đấy người làm thơ liên kết những lớp hình ảnh xô đến – để diễn một ý lớn và một điệu trọn vẹn. Chính ở chỗ này – người làm thơ mở cửa tâm hồn tiếp đón rất nhiều hình ảnh cho một từ khúc – khiến thoáng ngó người đọc cảm thấy ý tưởng bị ngắt quãng vì những hình ảnh đứng bên nhau với cái lướt mắt sơ sài tưởng không liên lạc gì với nhau. Cho nên người đọc phải tìm được sự thống nhất khắng khít của những hình ảnh ấy.

Nguyên tắc chính của thơ tự do là tránh giảng giải phân trần, bài thơ tự nói bằng hình ảnh…

Sau đó Thanh Tâm Tuyền nói về bài ca dao quen thuộc Trèo lên cây bưởi hái hoa, mà theo nhiều người tìm cách giảng giải bài ca dao đã không tìm thấy sự liên lạc giữa các phần tử của bài. Phần thừa ấy gọi là hứng. Tác giả không chịu ngừng lại ở đó mà tìm cách giải nghĩa cái hứng đó là sự liên kết hình ảnh – cũng như mỗi bài thơ tự do có ý nghĩa của nó không phải chấp nối bậy bạ tùy hứng mà thành. Cuối bài tác giả viết:

Tôi muốn xin các bạn một thái độ thưởng ngoạn nghệ thuật cần thiết: tâm hồn mở rộng, hoàn toàn tự do, tránh bỏ mọi thiên kiến. Tôi muốn mời các bạn quay trở về với những gì quen thuộc nhất để tìm thấy những điều chứa dấu mới lạ và tìm vào những nơi lạ lùng để bắt găp những điều gần gũi thân mật:

Trên trời có đám mây xanh /  Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng .

Phải chăng người con trai đã nhìn vào đôi mắt trong suốt của người đẹp phân biệt màu mây trời, để ao ước… có phải đôi mắt ấy đẹp quá – đẹp muốn chết người – không các bạn?

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.

Mọi thế giới nghệ thuật đều mở của với các bạn những người đi vào bằng tất cả tâm hồn tự do trong sáng.

Trên tạp chí Sáng Tạo số 31 tháng 9 năm 1959 một lần nữa Thanh Tâm Tuyền lên tiếng về vấn đề thơ: Nỗi buồn trong thơ hôm nay. Tác giả viết:

Tôi nghĩ rằng điều làm cho người đọc xa lạ với thơ hôm nay không hoàn toàn vì hình thức tự do của nó. Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là thơ – nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ mầu nhiệm, không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc cũng tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn …

Người đọc xa lạ với thơ hôm nay không phải là sự cách biệt tầm thường ngoài hình thức mà là chia cách từ căn bản của nghệ thuật, của thơ. Thanh Tâm Tuyền viết về điều đó như sau:

Tôi thường nghe người ta nói “thơ mới” là một cuộc cách mạng trong thơ Việt-Nam. Sự thực “thơ mới” chỉ là biến dạng của“thơ cũ” mà thôi, trong “thơ mới” cái tâm hồn thi nhân của quá khứ vẫn còn được lưu truyền. Tới thơ hôm nay, điều làm cho người đọc bực tức, là những người viết muốn đoạn tuyệt với cái tâm hồn thi nhân đại đồng hằng cửu ấy. Để làm gì? Có lẽ để vào sâu trong cái tâm hồn riêng tư có một của từng người, một người không phải một thi nhân. Nếu các nhà thơ trước đây trong mơ mộng biết mình là thi nhân, như một loài kiêu hãnh hèn mọn, tìm đến cái nơi chung để gặp được ngàn đời vinh hiển, những nhà thơ hôm nay không muốn làm thi nhân, muốn làm một người hèn mọn kiêu hãnh, cố gắng tách lìa mọi người để gặp được hiện tại tầm thường. Theo tôi những người làm thơ hôm nay không muốn được gọi là thi nhân vì thơ đối với họ không còn là cứu cánh của đời sống, thơ chỉ còn là phương tiện để họ vào sâu trong ý thức gặp mình, gặp được đời sống và may ra gặp được hồn người. (…)

Người ta bất mãn là đúng, với thơ hôm nay, thơ đã rời khỏi ngôi báu thiêng từ ngàn xưa để họ dùng cho cuộc đời tầm thường quá sức.

Trong Tôi không còn cô độc tôi đã mơ hồ nhận thức điều ấy khi viết: xin đừng ai gọi tôi là thi sĩ.

Nhìn lại  tạp chí Sáng Tạo, riêng về thơ tự do đã có trên dưới 50 tác giả có thơ in trên tạp chí, trong đó có những tác giả chỉ xuất hiện một lần. Các tác giả: Nguyên Sa, Hồ Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền đã lên tiếng bảo vệ, hoặc cố gắng làm cho người đọc dễ dàng hơn trong khi tiếp cận với thơ tự do. Ngay từ Sáng Tạo số 1 rồi số 2, số 3 trong phần giới thiệu những bài sẽ in trong những số tới có giới thiệu bài Lối thơ Thanh Tâm Tuyền của Mai Thảo, nhưng cho tới khi tạp chí đình bản người đọc vẫn không thấy bài viết trên. Thơ tự do đã ra đời, nó là một thực thể không thể phủ nhận, mỗi thời đại văn học nghệ thuật có những đặc thù riêng của nó, còn đánh giá  những tác phẩm, cũng như những tác giả là của người thưởng ngoạn và thời gian.

(Tiếp theo)