Phan Thị Lan Phương – Đà Lạt, xổ là rẻ!

Tôi đến Đà Lạt được một số lần. Lần đầu tiên là du khách, những lần sau đó là “chu du-khách”. Lần đầu vào dinh Bảo Đại, đi Viện Sinh Học, Thung Lũng Tình Yêu… và tất tần tật những chốn mà ai cũng đến để chụp hình. Chỉ thiếu điều là tôi không mó tay lên phím dương cầm của Bảo Đại hay cỡi ngựa trên đồi Mộng Mơ để “lên ảnh” như chị gái tôi từng làm cách đó vài năm.

Những lần sau, tôi tìm thấy ở Đà Lạt những niềm vui khác. Lần thì tôi với con bạn gái đào thoát khỏi Sài Gòn lúc nửa đêm, sáng ngồi uống trà với mấy ông bà già đang rù rì trò chuyện. Lần thì tôi chạy xe ra hồ Tuyền Lâm nghe chèo bẻo nói chuyện suốt một tiếng đồng hồ bên lùm cây hồng. Lần khác nữa, tôi chạy xe vô một ngọn đồi ở mé Lang Bian, hì hục lượm hành, khiêng khoai tây với dân địa phương để được thưởng một bữa cơm trưa ăn kèm với khoai tây xào và khoai tây nấu canh. Hay những lần nào đó khác, mỗi sáng chủ nhật, tôi ghé nhà thờ gỗ nghe người dân tộc cầu nguyện.

Và lần này, tôi chọn một góc đầu con dốc Hòa Bình ngồi ngắm chợ đồ cũ. Cái quán tôi ngồi chừng mười mét vuông là chốn kinh doanh của một anh bán vàng, một anh sửa đồng hồ, và một chị bán cà phê. Anh sửa đồng hồ quay lưng lại với chị bán cà phê, chị bán cà phê ngó ra đúng hướng cái lưng anh bán vàng, và anh bán vàng thì ngồi chống cằm nhìn ra chợ. Tôi ngồi giữa ba người đó, và giữa âm thanh náo nhiệt của chợ đồ cũ. Thật ra chỗ này là đoạn mở vào cái chợ đồ cũ, dành cho những người lười lội hoặc không biết đến sự tồn tại của cả khu chợ dưới đó.

Nơi đây, từ khoảng bốn giờ chiều trở đi, một dàn hợp xướng đặc biệt sẽ cất lên. Đầu tiên là giọng nam cao của anh bán áo gió, mặc quần jeans, áo bó sát người: “Ba lăm ngàn, ba lăm ngàn, áo gió ba lăm ngàn!” Ngay sau đó một giọng nữ cao lảnh lót vang lên: “Khăn mười lăm ngàn, xổ là rẻ, xổ là rẻ, mười lăm ngàn, mười lăm ngàn!” Rồi cả dàn bè trước sau trầm bổng: “Váy hai chục một cái, rẻ mà đẹp, rẻ mà đẹp!” “Sơ mi hai chục một cái, hàng độc không đụng, hai chục, hai chục!” “Tất dài, tất ngắn, mười ngàn ba đôi!”… Khác với Sài Gòn, nơi sau mỗi lời rao là vĩ ngữ “quẹo lựa, quẹo lựa!” hoặc “bao đẹp, bao ngon, bao tươi”, lời rao ở chợ đồ cũ Đà Lạt được cắt giảm. Giá cả mới là điểm thu hút chính ở đây. Vậy nên cứ nghe một chặp, những chữ “rẻ, đẹp, độc, áo, khăn, quần, ngàn” thưa dần, chỉ còn “một chục, mười lăm, hai chục, hai lăm…”, như thể chơi năm mười.

Nhạc trưởng của dàn hợp xướng dường như biến mất sau chừng ba mươi phút từ lúc chợ bắt đầu. Giờ là lúc âm thanh nền nổi lên thành thế lực chính. Tiếng gọi nhau của người mua, tiếng trả giá, tiếng rao “chục, chục” cùng một âm vực tạo nên thứ âm thanh nền rền và dày. Thính giác được nghỉ phép và thị giác hoạt động. Đập vào mắt tôi đầu tiên là cô nàng áo chấm bi, cổ tai chó, chừng hai mươi tuổi. Từ dạo thời trang vintage lên ngôi, những cô gái đôi mươi thường chọn mấy kiểu áo như thời mấy dì tôi vẫn mặc đi tập văn nghệ nhảy sạp, hát sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê. Cô nàng búi tóc cao, mắt kẻ như geisha, đứng bên cạnh bà mẹ cũng sành điệu không kém. Một chị khác có cái mũi to và cao, sống mũi lệch một bên vì sụn độn của thẩm mỹ viện, đang loay hoay choàng một lúc ba cái khăn trên cổ. Một quý bà môi đỏ, tròn quay đang thử chiếc áo ren xòe, đôi chân núng hết cỡ vào cái quần bó được túm lại ở đoạn cuối với đôi giày gót nhọn như dấu chấm than. Một anh “gay” nắm tay bồ mặc áo lưới dạo chợ, môi cong cong, mắt liếc liếc, đít đánh qua đánh lại đến chóng mặt, hết lựa cái áo này đến ngắm cái áo khác khiến anh bán áo len lén thở dài.

Tôi như tay quay phim lười, đặt máy quay trên chân máy mà lấy toàn cảnh không thèm focus. Nhưng rồi mắt tôi dừng lại, tôi chỉnh máy bắt cận cảnh vào bà bán bánh bèo ngay trước mặt. Không cười, không nói, vấn chiếc khăn trên đầu, đeo tạp dề trước ngực, bà như thể bước ra từ phim Black Cat, White Cat của Emir Kusturica. Bà ngồi đó, sắp bánh bèo lên dĩa, rải tôm khô, chan nước mắm, đưa cho khách, rồi lại sắp bánh bèo lên dĩa. Lão bán xôi bên cạnh nãy giờ vẫn to tiếng chửi đổng thằng cảnh sát cơ động nào đó và đòi đánh bỏ mẹ nó. Anh chàng bán súp cua ngồi nghe, gật gật, múc súp cua, gật gật, thối tiền, gật gật.

Tôi đưa máy từ bà bán bánh bèo sang anh bán xôi tím, sang anh bán súp cua rồi zoom out cảnh toàn chợ. Tiếng “chục, chục”, tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau vẫn đều đều. Giọng ai đó lại vừa nổi lên giữa dàn hợp xướng như thể nhạc trưởng đã quay trở lại.