(Gửi Trần Minh Quân)
Vừa đọc mấy dòng đầu tiên, nó đã biết đây là đàn bà viết.
Không lầm được – linh hồn đàn bà. Hiếm lắm, bởi rất lâu rồi mới bắt gặp lại.
Như khi ngồi trên xe buýt, chợt nhìn qua khung kính của một chiếc xe buýt khác, thấy một khuôn mặt tư lự, một đôi mắt đăm đăm, một bất động trang nghiêm buồn bã… Tưởng của chính mình cách đây mấy mươi năm, khoảnh khắc giải mã khoảnh khắc. Trước khi chân thoăn thoắt thả bụi cùng khoảnh khắc vĩnh viễn bay đi.
Không lầm được- linh hồn đàn bà. Dù rất hiếm hoi, rất xa rồi, rất lâu rồi mới thấy.
Tâm tư tê dại, nó đọc đi đọc lại vài lần bài viết ngắn. Đứng rất lâu bên cửa sổ, nó bỗng thèm rít một hơi thuốc. Lấy đâu ra? Phải chia đôi đúng một nửa số năm đã trôi qua trong đời, lật đật quay gót để trở thành tác giả – để rít thuốc, uống, và quăng chai đi cùng những đêm buồn như thuở nào. Phải quay lại tuổi ba mươi, quãng đời đẹp nhất, bởi cái chết của Trinh nữ chỉ có thể xảy ra ở tuổi ba mươi, nếu xảy ra…
Khi còn là một bé gái, nó không bao giờ chơi búp bê. Hình như những bé gái thích chơi búp bê báo hiệu một cuộc đời đàn bà yên ổn và an bài hạnh phúc sau này? Bởi niềm vui được chăm sóc nâng niu một ai đấy, một cái gì đấy “như là của mình” ngay từ khi còn bé tự đó đã là một nỗi thỏa mãn khôn cùng.
Nó không thích chơi búp bê, chỉ mê nghe kể chuyện, và đòi người lớn đọc truyện cho nó nghe. Để tưởng tượng sau đó. Tưởng tượng chỉ có thể một mình. Cùng lắm với thiên nhiên. Ngắm kỹ những thói quen chơi đùa, những yêu thích ngay từ tuổi thơ của một bé gái, có thể đoán ra linh hồn đàn bà của nó sau này ra sao.
Nhưng đặc biệt, ở tuổi ba mươi hoàn toàn có thể biết, người đàn bà đó có cần đến linh hồn riêng của nó hay không? Bởi ở tuổi ba mươi có thể Trinh nữ sẽ chết. Rất dễ chết.
Chất Trinh nữ trong linh hồn đàn bà lạ lắm.
Đấy là bức tranh hoàng hôn, khi những tia sáng cuối cùng của mặt trời đỏ ối sắp chìm hẳn xuống sau dãy núi xa chợt hắt lên lần cuối, bầu trời thành trăm ngàn sắc màu sắc đan quyện vào nhau đẹp sững sờ, câm lặng, trong một tích tắc, mặt trời tụt hẳn xuống, chỉ còn lại một vương vất tim tím hồng hồng, nhàn nhạt xanh, trước khi tất cả biến mất.
Đấy là hình ảnh tiểu thư Lâm Đại Ngọc chiều chiều ngồi nhặt những cánh hoa hồng rơi, vun đầy túi thêu, mắt phượng đẫm lệ đem chôn cất những cánh hoa bạc mệnh.
Đấy là phút chia tay của cái Đẹp.
Thường vào năm ba mươi tuổi, linh hồn đàn bà rơi vào khủng hoảng. Trinh nữ xót xa, mặc dù chưa hề nhận ra hình hài của chính nó. Đàn bà bắt đầu thử, tất cả những gì trước đó nó cho rằng không dành cho phái yếu. Trinh nữ búng tàn thuốc lá giữa những ngón tay mảnh dẻ, hay đàn bà tê dại sau ngụm rượu sặc sụa đầu tiên? Những đêm thâu vũ trường hay những cuộc tình dấu diếm thấm ướt nước mắt đàn bà nhiều nhất? Hay chỉ lúc ngồi một mình bên hồ, hoặc trong một quán cafe nhỏ, thả trái tim tan nát bay tứ phương theo nốt nhạc?
Không, đứa bé gái nặng trĩu hai bím tóc đuôi sam, ngước đôi mắt trong veo từ sâu thẳm rõi sâu vào linh hồn đàn bà rỗng tuếch giữa cái gạt tàn thuốc và cốc rượu uống dở, rồi khe khẽ lắc đầu. Bé gái không ôm búp bê chạy đi tìm mẹ mà ôm sách ra bờ ao ngồi chống cằm vào tay suy nghĩ. Nó lại tưởng tượng, không còn thiên nhiên và chuyện cổ tích nữa. Chỉ còn một con đường trải rộng mênh mang, vắng ngắt, thăm thẳm trước mặt…
Rất nhiều linh hồn đàn bà chỉ sống đến ba mươi tuổi. Sau khi Trinh nữ mất.
Nhiều đàn bà lồng họ vào linh hồn những người khác, những người ở gần, ở sát, ở cùng với họ. Bình yên, bình yên giấc mơ nương tựa.
Trinh nữ sống sót trong linh hồn đàn bà trở về hình hài bé gái thuở thơ ngây.
Trước kia, nó nhiều lần lầm lẫn các trạng thái cô đơn, cô độc và một mình. Giờ đây nó hiểu rất rõ ràng: đàn ông biết cô đơn, đàn bà biết một mình.
Một mình như một bé gái nho nhỏ, xinh xinh, chỉ có tóc tết bím, sách và những phút, giây, tháng ngày sống bằng tưởng tượng, một mình, cùng lắm với thiên nhiên…
Một mình có cần dũng cảm không? Bởi cô đơn cần dũng cảm.
Không, một mình chỉ cần sự nhân hậu. Nhân hậu làm nên linh hồn Trinh nữ- đàn bà.
(Budapest, 16.03.2012)