Nguyễn Đăng Thường – Đọc

Cuốn sách đầu tiên anh đọc?

Vần quốc ngữ.

Tác phẩm vô danh anh muốn ca ngợi.

Bất cứ cuốn truyện nào “chưa nổi tiếng” hay “đã lừng danh” của cụ Hồ Biểu Chánh.

Tác phẩm hữu danh đã tuột khỏi tay anh khi đọc.

Trăm năm cô đơn.

Nhà văn anh thích tiếp đãi trong một buổi tối?

Không ai hết. Các vị tôi muốn mời tất nhiên sẽ không muốn tới.

Nhà văn anh thích đọc nhưng không muốn gặp?

Tất cả. Bởi lẽ, văn không hẳn phải là người. Thơ Rimbaud có thể lý tưởng nhưng con người Rimbaud không chắc/không cần phải dễ thương, biết xã giao lễ phép với tha nhân, chí ít là khi “chàng” còn là “nhà thơ học trò.”

Một cuốn sách mới anh muốn đọc?

Kinh Thánh.

Cuốn sách đã khiến anh đi quá trạm xe?

Tôi không đọc lúc “đi” bus, métro, cuốc bộ. Hay khi “ngồi” xế khủng, xe lam, xe ôm.

Cuốn sách anh muốn làm nhân vật chính?

Thằng bé tí hon.

Cuốn sách đã giúp anh làm lành với cuộc đời?

Tôi không xâm mình, không hận tình, không hận đời.

Cuốn sách anh muốn mua tặng mọi ngưòi?

Cái gì mình thích chớ “mần” cho người (1). Tuy nhiên, có thể là một cuốn truyện của nữ văn sĩ Mỹ mang hai dòng máu Mỹ Ðức-Thổ Dân: The Masters Butchers Singing Club hay The Plague of Doves hiện nay.

Cuốn sách khiến anh cười?

Asterix le Gaulois và Zazie dans le métro.

Cuốn sách dở dang khiến anh muốn viết tiếp.

Truyện đời người anh lớn của tôi, nếu tôi là Thượng Đế (2).

Nhà văn anh muốn đọc trong nguyên tác?

Có thể Kafka hay Singer. Nhưng không cần thiết. Các bản dịch tiếng Pháp (Kafka), tiếng Việt trước 75 (Singer) rất tuyệt vời.

Cuốn sách anh muốn đọc trước khi lìa đời?

Ngày tàn của các chế độ độc tài.

Chỗ anh ưa chuộng để đọc.

Tệ xá. Hay một chỗ nào hoang vắng nhưng an toàn, sạch sẽ, có cỏ cây hoa lá cành.

 

(Trả lời theo mẫu câu hỏi của Keskili khi tra tấn nhà văn Luc Boltanski trên Le Monde des Livres ngày 17.02.2012)

 

——

 

Ghi chú: (NDT)

 (1) Tuy nhiên mấy năm trước tôi có gởi cho Hoàng Ngọc-Tuấn một bộ truyện ba cuốn (trilogy) của nhà văn nữ Agota Kristof. Hoàng Ngọc-Tuấn thích “wá” nên đã chuyển ngữ tức tốc quyển một Le Grand Cahier (Cuốn Sổ Lớn). Một bản dịch “loạn” (hi hi) nhưng ngon lành hết xẩy, đã đăng trên Tiền Vệ.

(2) Anh Nguyễn Đăng Khoa, học sinh Pétrus Ký đã đổ bằng thành chung (diplôme, trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ) đang chuẩn bị thi tú tài ở Sài Gòn. Tuy thế, anh bỏ học ra chiến khu. Một hay hai năm sau anh bị lính Tây bố ráp, chạy không kịp, vì phải trở lại căn chòi lá lấy cái cặp đựng giấy tờ quan trọng và khẩu súng lục. Anh bị đánh đập, phơi nắng trưa, chết trong một trại tù ở Bến Lức năm lên 19, 20. Vào tháng cuối cùng mới có người giao liên tìm tới nhà cho gia đình tôi hay, lúc ấy đã dọn lên Sài Gòn. Má tôi xuống Tân An xin tá túc trong một ngôi chùa gần đồn lính, mỗi buổi sáng bà chờ lúc dẫn tù ra sân cho rửa mặt, tiểu tiện, lén đưa cho anh tôi gói xôi, gói bắp, khúc bánh mì thịt. Mấy ngày cuối cùng trước khi tắt nghỉ anh mê sảng vì bị sưng màn óc. Không đái ỉa được nên bụng trương phình. Ngưòi sếp Tây thương tình anh tôi là một học sinh giỏi tiếng Pháp – anh đã (anh hùng rơm) dại dột tự viết lời tự thú nhận hết tội lỗi (?) bằng tiếng Pháp – nên ông ta cho phép má tôi vào ngủ trong xà lim. Nhà chùa cho miếng đất nhỏ ven sông để chôn cất. Nấm mồ “chiến sĩ vô danh” cạnh bờ sông Bến Lức ấy nay chắc không còn.