Bắt đầu từ tuần này, Litviet sẽ đăng dần toàn bộ tác phẩm biên khảo vừa hoàn tất của nhà văn Dương Nghiễm Mậu: THANH TÂM TUYỀN, NHỮNG NGƯỜI BẠN VÀ TẠP CHÍ SÁNG TẠO
—
MỤC LỤC
Chương 1
Thanh Tâm Tuyền và những người bạn với tuần báo Người Việt
Chương 2
Tạp chí Sáng Tạo từ số 1 đến số 31
Chương 3
Tạp chí Sáng Tạo bộ mới từ số 1 đến số 7
Chương 4
Thanh Tâm Tuyền: cuối cùng là thơ
Bảng mục lục toàn bộ 38 số tạp chí Sáng Tạo
—
Chương 1
THANH TÂM TUYỀN VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VỚI TUẦN BÁO NGƯỜI VIỆT
Sau năm 1975 cho tới những năm đầu thế kỷ 21, ở nước ngoài cũng như ở trong nước đã có những tác giả viết hoặc lên tiếng về văn học Miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 như Võ Phiến, Thụy Khuê, Trần Văn Nam, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Hưng Quốc… Người thì viết về toàn cảnh sinh hoạt, người viết về các tác giả, người viết về thơ Tự do, người viết về tiểu thuyết hoặc những đề tài thu hẹp khác. Những bài viết này thường nhắc đến sự có mặt của Tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương biên tập. Đã có những đánh giá ban đầu về chỗ đứng của Tạp chí Sáng Tạo. Bài viết này không hướng vào Tạp chí Sáng Tạo mà nhắm làm rõ nét một số tác giả chính của tạp chí này trước khi nó ra đời, cùng lúc tìm hiểu về những mối liên hệ của mỗi cá nhân trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử Việt Nam.
Năm 1954 di cư vào Nam, hoạt động trong Hội sinh viên, Thanh Tâm Tuyền cùng Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Quốc Sỹ chủ trương nguyệt san Lửa Việt (Sài gòn). Năm 1955 cùng các bạn làm tuần báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các và tuần báo Người Việt.
TUẦN BÁO NGƯỜI VIỆT giới thiệu dưới đây là tuần báo Người Việt bộ mới chỉ ra được bốn số vào cuối năm 1955.
Tuần báo Người Việt bộ mới phát hành ngày thứ năm hàng tuần :
– Số 1 ra ngày 27 tháng 08 năm 1955 có 36 trang
– Số 2 ra ngày 15 tháng 09 năm 1955 có 42 trang
– Số 3 ra ngày 01 tháng 10 năm 1955 có 42 trang
– Số 4 ra số đặc biệt với chủ đề SÁNG TẠO có 66 trang và có quảng cáo cho số 5 xuất bản vào thượng tuần tháng chạp dương lịch nhưng không thấy ra
Người Việt bộ mới in cỡ 20cm x 27cm, bìa hai màu, Duy Liêm vẽ bìa và minh họa. Bìa một, trong một khung vuông có in tám chữ cỡ lớn đậm nét: DIỄN ĐÀN TIỀN PHONG ĐẤU TRANH VĂN HÓA, tám chữ này cho thấy phần nào nội dung mà tờ báo hướng tới. Người Việt bộ mới hiện diện ở nửa sau của năm 1955 là một tập hợp đầu tiên giữa Thanh Tâm Tuyền với những người bạn: Mai Thảo, Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại.
Thời điểm tuần báo Người Việt có mặt là một năm sau hiệp định Geneve: chia Việt Nam làm hai ở vĩ tuyến 17, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Miền Bắc đã và sẽ có một chính quyền theo đường lối của cộng sản đệ tam. Miền Nam đang thành hình một chính quyền của những người không cộng sản, hướng tới dân chủ. Nền Cộng Hòa được khai sinh, chấm dứt hẳn chế độ phong kiến. Vì thế những chuyển đổi trong xã hội tại miền Nam khác với miền Bắc. Báo chí cũ vẫn tiếp tục xuất bản, nhưng nay có thêm nhiều báo mới của những cây bút di cư và những người bỏ hàng ngũ bên kia trở về. Ở Sài gòn, báo chí có một đời sống rất sinh động. Những báo chuyên về văn nghệ có: Tờ Văn Nghệ Tự Do với các cây viết: Nguyễn Hoạt, Như Phong, Bùi Xuân Uyên, Triều Đẩu, Tam Lang… Tờ Quan Điểm với các cây bút: Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Vương Văn Quảng… Tại Huế, thủ phủ của miền Trung, có tờ Mùa Lúa Mới của Thu Tâm (Võ Thu Tịnh), Đỗ Tấn, Võ Phiến… Nguyệt san Văn Nghệ Mới của Nguyễn Văn Xuân, Võ Thu Tịnh, Trần Lê Nguyễn (I)… Những diễn đàn này, với những thể hiện khác nhau cho thấy sự lựa chọn của họ. Tờ Người Việt đặt những vấn đề như: Phải bảo vệ nền độc lập văn hóa, Thực chất văn nghệ Cộng Sản, Chủ nghĩa Mác với văn nghệ Việt Nam. Nguyễn Văn Xuân trên tờ Văn Nghệ Mới trình bày một luận thuyết dài: Để xây dựng một nền văn học nghệ thuật dân chủ tiến bộ.
Nhìn lại hai mươi năm văn nghệ miền Nam với những thành quả nó để lại, rồi nhìn từ khởi điểm của nó, chúng ta thấy rằng: đó là thành quả của lựa chọn, lựa chọn tự do. Người từ miền Bắc vào, người từ hàng ngũ bên kia bước qua, người chọn lựa ở lại, người từ nước ngoài trở về… tất cả đều đã phải trải qua một chọn lựa khó khăn.
Có một điều cần lưu ý ở đây: Sự lựa chọn tự do không phải chỉ dành riêng cho những người từ miền Bắc di cư vào Nam, sự lựa chọn ấy còn là sự lựa chọn ở lại miền tự do của những người như: Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, Kiên Giang, Sơn Nam, Võ Hồng, Phan Du…
Còn tại miền Bắc, quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, chính quyền cộng sản kiểm soát miền Bắc. Hà Nội có những hội tụ: những người từ vùng kháng chiến trở về như Tô Hoài, Tú Mỡ, Thế Lữ, Phan Khôi, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hữu Loan… Những người không đi kháng chiến, những người đã về tề từ trước năm 1954 như Sao Mai, Ngọc Giao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Công Khanh, Lương Xuân Nhị, Hoàng Dương, Mạnh Quỳnh. Những người tập kết từ miền Nam ra như: Nguyễn Bính, Đoàn Giỏi, Vũ Anh Khanh, Trang Thế Hy, Xuân Vũ…
Vào thời điểm 1955 tại Hà Nội cũng đã có những lên tiếng về tự do sáng tác. Sang đầu năm 1956 Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, Hoàng Cầm cho in bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, giai phẩm bị tịch thu. Hội Văn Nghệ tổ chức phê bình và lên án Trần Dần, tác giả Nhất định thắng bị bắt giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
Tháng 8 – 1956 Giai Phẩm Mùa Thu I. Sau đó ra thêm hai tập.
Tháng 9 – 1956 báo Nhân Văn ra số 1, do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký tòa soạn, Minh Đức xuất bản. Ban biên tập gồm: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
Ngoài ra còn có những diễn đàn khác như Đất Mới, Trăm Hoa, và một thời gian ngắn tuần báo Văn Nghệ do Nguyên Hồng phụ trách cũng góp phần vào công cuộc đòi đổi mới văn học nghệ thuật. Ở chính thời điểm này văn học đã có được những tác phẩm giá trị về nghệ thuật cũng như tính tiền phong. Bên cạnh Phan Khôi, Hoàng Cầm… những tên tuổi mới đã xuất hiện như: Trần Dần, Phùng Cung, Lê Đạt, Bùi Quang Đoài, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh…
Ngày 09 tháng 12 năm 1956 chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về chế độ báo chí. Ngày 15 tháng 12 năm 1956 Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Báo Nhân Văn chỉ ra được 5 số. Tự do báo chí, tự do sáng tác đã bị chặn đứng. Một thời kỳ với những hy vọng đã kết thúc.
Tuần báo Người Việt bộ mới có những cây bút chính là: Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Quốc Sỹ, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại, Mai Thảo… Những sáng tác của họ chiếm phần lớn số trang của tờ báo. Nhưng là một diễn đàn tiền phong đấu tranh văn hóa nên tờ báo không thể không lên tiếng về những vấn đề thiết thân của xã hội đương thời. Sau đây là bản liệt kê những bài viết về các lãnh vực giáo dục, xã hội, văn hóa chính trị (con số ghi ở sau đầu đề bài viết là số báo Người Việt)
– Hòa bình và Hội nghị Geneve (1)
– Phải bảo vệ nền độc lập văn hóa (1)
– Những sự kiện lịch sử (1)
– Góp ý kiến về công cuộc tổ chức Trường Đại học Văn Khoa Việt Nam (1)
– Đặt vấn đề mục đích của giáo dục (2)
– Vấn đề giai cấp xã hội (2)
– Hiện trạng xã hội và kinh tế Việt Nam (2)
– Hiến pháp luật giản yếu (2)
– Vấn đề giai cấp (3)
– Nhân sinh quan của người Việt (4)
– Kinh tế nhu yếu (4)
Phần nhỏ trang báo trong bốn số Người Việt còn có những mục linh tinh:
– Điểm sách báo, Điểm phim, Đãi lọc, Tâm tình, Lượm lặt bốn phương, Phê bình…
– Nam hải dị nhân liệt truyện của Thiết Bản Đạo Nhân (Trần Việt Hoài)
– Những tâm trạng bi thương, phóng sự của Trọng Lang
– Dịch thuật : Trong bốn số báo Người Việt đã giới thiệu truyện ngắn và thơ có chọn lọc phù hợp với nội dung tờ báo. Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế) giới thiệu truyện ngắn Niềm im lặng của biển cả của Vercors. Chiến Hữu giới thiệu Quê hương của Majorie Honès .Về thơ đã giới thiệu thi phẩm của: Walt Whitman, Paul Eluard, Garcia Lorca, Pablo Néruda, Tristan Tzara.
Trong lãnh vực văn học nghệ thuật có những bài chính sau đây :
– Thực chất văn nghệ cộng sản (1)
– Đặt đúng vấn đề thơ Tự do (2)
– Những sự kiện mới của văn hóa (3)
– Góp phần xây dựng văn nghệ (3)
– Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi (4)
– Văn nghệ và cách mạng (4)
– Chủ nghĩa Mác với văn nghệ Việt Nam (4)
Chỉ đọc qua những đầu đề chúng ta cũng thấy ý hướng của các tác giả. Bài: Thực chất của văn nghệ cộng sản, Đỗ Thạch Liên viết: “Đi vào cái sống nhờ cậy, dựa trên kinh tế, để vào sâu trong cái chết hủy diệt, văn nghệ cộng sản chối từ vai trò sáng tạo của nó. Văn nghệ có những liên hệ khắng khít với bên ngoài nhưng cũng có cuộc sống biệt lập của nó với một bản thể phong phú và nhiệm vụ riêng biệt. Bản thể đó là sự rung cảm đòi sáng tạo, hay cách mạng cũng vậy. Nhiệm vụ đó là góp một phần trong sự tạo thành con người, một phần chính yếu chứ không phụ thuộc như lý luận mác xít. Văn nghệ nào tách rời với bản thể và quên nhiệm vụ là đi vào đường tàn lụi. Văn nghệ tàn lụi lôi theo sự đổ vỡ của con người.”
Trong bài: Những sự kiện mới của văn hóa, Đỗ Thạch Liên viết: “Nhà văn Bernanos trong một buổi nói chuyện với đám sinh viên Ba Tây đã can đảm thú nhận những lỗi lầm hư hỏng của thế hệ đã qua khiến cho những thế hệ sau gặp bao nhiêu khó khăn gai góc, rồi ông nhân danh một người thuộc thế hệ cũ xin lỗi những thế hệ sau (….) Cũng trong buổi nói chuyện kể trên, Bernanos nói rằng: trọng trách của những thế hệ sắp tới là dành lại Tự Do.”
Trong bài viết: Góp phần xây dựng văn nghệ, Âu Âu Thành Đô đã nhìn lại những sự kiện trên thế giới từ khi chủ nghĩa Mác-xít xuất hiện,tác giả nhận định : “…chủ nghĩa Mác đã rèn luyện môn đồ thành con người chỉ biết suy nghĩ (luận) theo có một chiều (duy vật biện chứng ),chỉ biết có hành động (luật) theo có một hướng (độc tài vô sản) nên con người đó phải thui chột hết tình cảm…Mà con người đã không rung động thì làm gì còn có tính chất con người nữa?(…) Mà một chủ nghĩa đã không dựng trên nền tảng tình cảm thì không tài nào đi sâu vào lòng người được ?”
Trong bài viết: Văn nghệ và cách mạng, Đỗ Thạch Liên viết: “…Để văn nghệ có thể hoạt động đắc lực với nhiệm vụ lớn của nó tất nhiên phải có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Điều kiện căn bản cần thiết nhất vẫn là Tự Do Cởi Mở (…) A. Einstein nói rất đúng: Tất cả mọi sự sáng tạo vĩ đại đều là công trình của cá nhân trong tự do.”
Nguyễn Sỹ Tế nhìn lại lịch sử với bài viết Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi. Tác giả viết: “Tôi có ý nói nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi mà không nói 80 nô lệ như người ta thường nói là vì riêng về địa hạt văn nghệ, chúng ta có thể bỏ lại phần nửa thế kỷ trước. Trong nửa thế kỷ đó, cuộc thống trị của thực dân đang ở vào giai đoạn bình định chưa bước sang giai đoạn khai thác với đầy đủ hệ thống giây xích của nó.” Sau đó tác giả lướt qua những chính sách của thực dân Pháp: Chính sách chia để trị: Nam thuộc địa, Bắc Trung bảo hộ. Đàn áp nhân dân. Chính sách ngu dân, hạn chế phổ biến văn hóa phẩm trong cả nước.
Trên đây, qua mấy trích dẫn trong một số bài viết, chúng ta đã thấy quan điểm tổng quát của tuần báo Người Việt được trình bày trên diễn đàn.
Vào thời điểm 1955, Thanh Tâm Tuyền và những người bạn còn rất trẻ mới bắt đầu khởi hành trên con đường sáng tác của mình, nhưng trên diễn đàn của họ lại có hai tên tuổi đã thành danh từ thời tiền chiến: Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh.
Ngoài ra, còn có những tác giả khác như: Minh Đạo, Lam Sơn, Tuệ Mai, Hoàng Hoa, Tố Lữ, Phan Đông Hồ, Hoàng Linh, Nguyễn Văn Cẩn, Việt Hải, Duy Sinh, Lục An Châu, Việt San Xã Việt, Đoàn Thoại Sơn, Âu Âu Thành Đô, Tâm Thu, Chiến Hữu, Duy Năng, Hương Việt Hương, Trần Việt Hoài, Đỗ Thạch Liên, Ninh Sơn… Tên những tác giả này có thể là tên của tác giả khác vì sau này nhiều bút danh không còn thấy xuất hiện. Dưới đây là phần tìm hiểu những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trên bốn số báo Người Việt.
1 – THANH TÂM TUYỀN
Trước khi đăng những sáng tác trên báo Người Việt, Thanh Tâm Tuyền đã viết trên báo Thanh Niên, báo Lửa Việt, báo Dân Chủ và báo Người Việt bộ cũ. Về những sáng tác đầu đời này, chúng ta chưa thể tiếp cận. Trong 4 số báo Người Việt, Thanh Tâm Tuyền đã cho in thơ, truyện ngắn, ký, kịch. Sau đây chúng ta cùng nhau đọc những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền:
THANH TÂM TUYỀN VÀ THƠ TỰ DO
Về thơ, có lẽ để khẳng định đây là thơ tự do nên những trang thơ đều ghi ở trên: Thơ Tự Do, có tất cả 4 bài:
– Phiên khúc 20 (1)
– Mắt biếc (3)
– Bài thơ chữ số (4)
– Thành phố (4)
Bốn bài thơ này đều được in lại trong tập thơ Tôi không còn cô độc do Người Việt xuất bản năm 1956 tại Sài gòn. Riêng bài Phiên khúc 20 khi in trên Người Việt có bị kiểm duyệt 6 hàng từ câu thứ 6 cùng với câu thứ 16, nhưng khi in vào tập thơ những câu thơ bị kiểm duyệt không thấy được phục hồi và còn một chi tiết nhỏ: khi in trên báo, mỗi đầu câu thơ khi xuống hàng đều viết chữ hoa. Sau đây xin trích dẫn phần mở đầu của bài Phiên khúc 20 và bài Bài thơ chữ số.
PHIÊN KHÚC 20
(Tặng những người đã ngã xuống cho phiên khúc 20)
Ta vừa hai mươi tuổi
Nhân loại cũng hai mươi
Ôi nhân loại hai mươi
Thóc gặt dư ăn
Bột xay thừa nặn bánh
(kiểm duyệt bỏ 6 giòng )
Ta kêu lên hờn căm
Khi quá thể chúng cắt tình ruột thịt
Hỡi mẹ hiền nhìn mẹ rưng rưng
Yêu chẳng được yêu khóc không giám khóc
(kiểm duyệt)
Hôm nay ta xông ra ngoài phố
(…)
BÀI THƠ CHỮ SỐ
(Tặng M.T.)
Bát ty : 14-7
89
Mùa thu tháng 8
19-45
Phẫn nộ bưng bưng, nắm tay khăng khít
19-12-46
Con số những người đã chết hiện thành
Nhục nhã 20-7-54
Và 17
Như kia 38
Khắc sâu tâm khảm
Những dãy số vô nghĩa đến đớn đau
80
13
27-6-30
2.000.000
Còn những lượng không sao nói được
Vỡ Bát ty
Trang tự do tuyên ngôn quyền người hớn hở
Tung xích cùm
Tổ quốc thân yêu cười vui lạ
Trả bằng hơi thở trái tim
Nhận mình làm số không
Người mến thương thành vô lượng
Đất nước đẹp bao la
Hãy nhớ 10 năm
Đừng lầm lỡ 45
Tin từ bây giờ 55 hy vọng
Mất hôm nay
Hà nội kinh hoàng
Lực lượng ngày mai dấy lên
Ghi tình yêu không chữ số.
Bốn bài thơ trên Người Việt chắc chắn là trong số những bài thơ đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền được phổ biến tới quần chúng và để người đọc tiếp cận được thơ của mình, ngay trong số báo thứ 2 Người Việt bộ mới, Thanh Tâm Tuyền đã cho in bài: Đặt đúng vấn đề thơ tự do. Tác giả mở đầu bài viết: “Cho đến hôm nay vấn đề thơ tự do ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Trong khi vấn đề này ở ngoại quốc hầu như không còn ý nghĩa. Thi sỹ nước ngoài khi viết không bao giờ nghĩ rằng mình đương viết một bài thơ tự do, chỉ gọi gọn là thơ mà thôi (…) Thơ tự do là một thực tại nghệ thuật không ai chối cãi được điều đó. Muốn hay không thơ tự do đã thành hình theo nhu cầu của nghệ thuật và xã hội. Không thể chối nhận sự thực khách quan này.”
Sau đó tác giả lướt qua những ý kiến về thơ mới, thơ cũ, về hình thức của thơ, vấn đề bình cũ rượu mới, cái ta trong thơ cũ và cái tôi trong thơ mới cùng quá trình sinh thành của thơ tự do. Tác giả trình bày: “Vậy trên những sự kiện xã hội nào nhu cầu nghệ thuật đòi hỏi “thể thơ tự do”? Thơ cũ đứng ở cái ta bàng bạc trên ngoại cảnh vũ trụ. Thơ mới vào sâu cái tôi riêng lẻ cá nhân, khép kín. Thơ tự do bước thêm nữa thoát ra khỏi cái tôi chật hẹp nhưng không đến cái ta mông lung, mà là cái chúng ta cụ thể làm giàu thêm cái tôi không khép kín và cái ta mơ hồ (…) Qua những tác phẩm đã ra đời, ta có thể phân biệt được hai nguyên tố cơ bản.
1 – Hiệu lực màu nhiệm của tiếng ( Pouvoir magique des mots)
2 – Ý thơ (Idée poétique)
(…)
Tóm lại những nguyên tố cơ bản cấu tạo thơ tự do là muốn vật chất hóa bài thơ, một bài thơ tự do sẽ được sáng tạo cũng như thưởng ngoạn giống như một pho tượng, một bức họa, một bản nhạc (…)
Bản vị – ý tưởng cùng tiết điệu – của bài thơ tự do không đặt trên mỗi câu mà đặt trên từng từ khúc (strophe) đã được khuôn định sẵn để gò ép cảm hứng mà là thứ từ khúc ấn định theo nguồn cảm hứng.
Nếu ta đọc một câu ‘Một mảnh tình riêng ta với ta’ hay ‘Người đâu gặp gỡ làm chi’, ta biết ngay đó là câu thơ. Bản vị của thơ ngày trước là câu thơ. Nhưng nếu chúng ta chỉ đọc ‘Thềm cũ’, ‘Hà nội’, ‘Ơi núi rừng’ (II) thì thật hoàn toàn vô nghĩa. Phải trả chúng vào sự cấu tạo riêng biệt của bài thơ.
Mỗi từ khúc là sự liên hợp những ý thơ những hình ảnh – những phần tử này có sự biệt lập tương đối được nối liền khắng khít bằng một ý tưởng thống nhất của từ khúc.
(…)
Có một câu hỏi cũng cần trả lời nốt: Liệu thơ tự do có hoàn thành được nhiệm vụ mình thỏa mãn được nhu cầu nghệ thuật thời đại không?
Điều đó không thành vấn đề: nó đã sinh ra và nó cứ sống đến khi nào nó chết. Lịch sử phán đoán sau. Có hoàn tất được nhiệm vụ không còn tùy ở những người sáng tạo và thưởng ngoạn nghĩa là những người đòi nó ra đời. Nói thế chứ, ít nhất, ta cũng đừng quên những: Whitman Lorca, Eluard, Neruda.”
Ở trên chúng ta đã nói đến những bài thơ tự do đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền và bài viết về thơ tự do của ông trên báo Người Việt năm 1955. Sau đó, trên con đường sáng tác thơ, Thanh Tâm Tuyền đã cho in: Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy (1964), Thơ ở đâu xa (in tại Mỹ năm 1990). Thơ của ông còn nhiều trên các báo và trong di cảo chưa được xuất bản. Sau năm 1955, hơn một lần Thanh Tâm Tuyền còn lên tiếng về thơ như bài viết: Trèo lên cây bưởi hái hoa (Sáng Tạo số 7 tháng 4 năm 1957), Nỗi buồn trong thơ hôm nay (Sáng Tạo số 31 tháng 9 năm 1959), Nói chuyện về thơ bây giờ (Sáng Tạo số 3 bộ mới, tháng 8 năm 1960). Cuộc đời của Thanh Tâm Tuyền như gắn kết với thơ, khi ở trong tù, lúc ra nước ngoài ông vẫn không ngừng sáng tác.
THANH TÂM TUYỀN VỚI BÚT KÝ: ĐỒN BA-MÍT
Ngay trong số 1 tờ Người Việt, Thanh Tâm Tuyền cho in Bút ký chuyến đi vào sâu đất nước: Đồn Ba Mít, ông mở đầu bài ký:
“Đi thật là vội vã bất ngờ, hành lý của tôi vỏn vẹn niềm tin yêu mãnh liệt. Hãy phả đầy hồn niềm tin yêu mãnh liệt ấy mà đọc những dòng này. Người khe khắt sẽ cho những hình ảnh, những ấn tượng tôi chụp lại dưới đây quá chủ quan. Tôi không chối, còn tự hào về cái chủ quan của mình (…) Và tôi viết.
Chiếc xe “díp” lăn vào con đường đất hẹp hai bên cỏ xanh cao ngất. Nói là đường bởi vì bánh xe lăn được trên đó, thực ra chỉ có hai vệt mòn dài làm bởi bánh xe còn ở giữa vẫn là cỏ. Chúng tôi đi như thế mất mười năm phút. Nắng cao rộng.
Rồi xe chui vào khoảng dâm mát dằng dặc (…) Làng ở đây không quây tròn mà kéo dài hai bên. Những gian nhà, lều thì đúng hơn, lui vào sâu dưới bóng cây, chỉ trước mặt cây còn quang đãng một chút vì tay người sửa sang… Người ta bỏ dở công việc đón chúng tôi một cách thầm lặng hoan hỉ. Những cụ già ngả nón chào chúng tôi làm chúng tôi phải đáp luôn…Chúng tôi tạt vào đồn Ba Xe… Các đồn ở đây sơ sài hơn ngoài Bắc. Đồn cũng xây cất hớ hênh dễ dãi tỏ cho có mặt mà thôi (…)
Tôi tỉnh dậy, ánh nắng xuống khỏi mái rung rinh. Mọi người đã bắt đầu làm việc. Những màu đen thô sơ của đồng ruộng lẫn với màu vàng kệch của quân đội, cả nhưng tấm lưng cháy nắng. Dân chúng đến phụ lực buổi nay khá đông. Trước đây quân đội viễn chinh Pháp không dám đóng đồn ở vùng này. Dân chúng sống trong sự áp bức bóc lột ghê gớm.
– Cây cam nhà tôi bán được ba trăm, thằng tư Đầy nó thu hai trăm – một ông cụ đã nói với tôi khi tôi gặp cụ bên chợ – bây giờ quân đội ta về dễ chịu, mùa này tha hồ mà ăn trái cây. Thóc gặt một trăm dạ chúng thu hai mươi. Bởi vậy quân đội lập đồn chúng tôi hoan nghênh và tình nguyện giúp sức. Buổi đông thì bảy, tám mươi người, vắng thì ba bốn mươi người.
– Cây cau làm cột cờ kia là của nhà tôi – anh nông dân ngửng đầu nhìn chót vót há cả miệng – nó cao những 14 thước, tôi phải cưa bớt đi.
Quân đội xin một cây cau, dân chúng cho ba, xin một cây tre dân chúng cho mười (…)
Trong cuốn sổ tay tôi đã ghi lại về chuyến đi này một ý nghĩ: muốn yêu một cái rộng lớn trừu tượng phải bắt đầu yêu từ những cái nhỏ bé cụ thể.”
Trên đây là lược trích bút ký Đồn Ba-Mít in hai kỳ trên báo Người Việt số 1 và số 2 ghi lại chuyến đi tới một vùng nông thôn ở vào thời điểm miền Nam đang khởi đầu công cuộc bình định và xây đựng sau khi đất nước bị chia đôi.
TRUYỆN NGẮN: NGƯỜI BỆNH GIỮA MÙA XUÂN
Nhân vật chính trong truyện Người bệnh giữa mùa xuân là một vị chủ tịch sống trong một dinh thự giữa một thành phố đang đổi thay. Vị chủ tịch bỗng lâm bệnh, ông thấy như cái chết đang tới gần, ông xuống phố, nhận ra những sự thật và ông quay trở về. Dưới đây là lược trích truyện Người bệnh giữa mùa xuân:
“Mùa đông đã qua đi từ lâu và bấy giờ người ta đang ở giữa mùa xuân. Thành phố không vui vẻ thêm chút nào, trái lại càng ảm đạm. Dân chúng lặng lẽ rời bỏ thành phố ngày một nhiều (…) Bây giờ cảnh vật không người chết rũ. Buổi chiều nay chết lịm trong im vắng. Gió len qua bờ cây rì rào. Đứng trên từng gác cao của dinh thự vị chủ tịch của cái chính phủ hiện cai quản thành phố nhìn qua cửa sổ thu tất cả sự chết chóc vào trong thân thể mình. Vì nhìn trên người ông già mầm hủy hoại đang nhú lên… Ông ngả người xuống nệm, người nhẹ lâng lâng và ông chợt thở dài.
Tiếng gõ cửa rụt rè. Ông khó chịu lên tiếng:
– Cứ vào.
– Thưa đồng chí chủ tịch, đồng chí bí thư trung ương đảng muốn được vào thăm chủ tịch.
– Tôi đã bảo không ai được vào cả – ông đập tay xuống giường kêu to – không một ai được vào nghe chưa? Để cho tôi yên một mình.
Ông kêu to quá và nước mắt tự nhiên dàn dụa. Ông mệt muốn đứt hơi (…) Cùng lúc ông đưa tay vuốt má chùi những giọt nước mắt, nhận thấy da mình nhăn nheo ghê rợn. Và ông rùng mình ngây ngất với cảm giác ve vuốt trìu mến. Thế là được thể giác quan và trí nhớ của ông mở rộng để đón một lượt những xúc cảm và hình ảnh xô bồ. Hình ảnh thưở ấu thơ mẹ và chị săn sóc khi ông ốm, tiếng chân rón rén ở sau lưng, bàn tay ấm áp đặt lên trán sâm sấp mồ hôi. Rồi ông bổng thèm khát âu yếm, muốn gần đàn bà. (…) Ông choàng thêm áo và do ngõ cửa bí mật dành riêng, ông rời dinh thự xuống phố (…) Ông bỗng bắt gặp một cặp trai gái tình tự sau gốc cây khuất bóng, nhìn dáng điệu ông nhận ra ngay đó là một cán bộ: – A, ông kêu nhỏ trong cổ. Và tự nhiên ông hổ thẹn như một đứa trẻ con trước cảnh ấy. Ông vội vã rảo bước. Qua một căn nhà làm trụ sở họp khu phố, cửa đóng kín, tiếng rào rào đưa ra. Ông ghé mắt nhìn vào và trông thấy ảnh mình treo trên tường giữa phòng (…) Hình dung lại cảnh tượng ông mới thấy là nó giả tạo quá (…) Đường phố vắng ngắt. Mùi tật bệnh thốc lên mũi, ông lợm giọng. Người ông giấy lên, ruột như bị lộn ngược: – Thất bại… Ông nhắm mắt nhanh và khuỵu bờ tường ngất bặt. Khi vị chủ tịch tỉnh lại ông thấy mình nằm trên chiếc chõng trong một căn nhà lá. Ngoài trời mưa lớn và vẫn là đêm (…) Ý nghĩ ông ngừng lại ngay, ông nín thở hé mắt. Hai vợ chồng chủ nhà vừa vào, ông định được ngay thành phần giai cấp của họ: lao động thành thị.
– Thế nào, các con xong xuôi chứ…
– Chúng nó đi tàu sáng nay với bác cả rồi (… ) – Đây này, lúc tôi về ngang trên phố gặp ông cụ này ngất ở hè đường. Thương hại tôi chở về đây. Chắc cụ trốn ở khu tư ra đói quá mà bơ vơ…Vị chủ tịch nhắm nghiền mắt. Hai vợ chồng đến bên giừơng. Hơi thở ấm của người đàn bà sát da mặt người ốm. Nhịp thở bỗng gấp hơn. Vị chủ tịch vẫn nằm yên. Tiếng chân hấp tấp xa ra đầu nhà. Tiếng thì thầm:
– Nhà nó không để ý gì à ?
– Gì?
– Chủ tịch… u nó để đấy cho tôi…
– Mình – tiếng chị vợ thất thanh – mình định làm gì?
– Làm gì à? Giết nó đi trả thù cho mình với bao nhiêu người nữa chứ.
– Mình, nhỡ không phải thì sao? Không lẽ ông ta lại nằm ngoài đường. Vô lý (10).
(…) Bàn tay ấm đặt lên trán. Ông nhớ mẹ và chị tha thiết. Bàn tay ấy xoa dầu vào thái dương ông. Ông nằm im muốn chết (…) Người đàn bà lấy áo mưa đắp cho ông. Mưa ngoài trời trên mái lá:
– Cụ đi với chúng con nhé – người vợ ghé sát tai vị chủ tịch – vào Nam ấy mà (…) Vị chủ tịch nắm lấy tay người đàn bà và khóc, khóc nức nở như trẻ nít (…)
Ngày thứ ba, vị chủ tịch lén bỏ trốn vợ chồng ân nhân về dinh thự khi đã khỏe mạnh. Và ngay buổi tối hôm ấy cặp vợ chồng lao động tốt bụng bị bắt tại nhà trong khi chưa kịp rời thành phố sang bên kia. Những đứa con đã đi trước không bao giờ gặp lại bố mẹ yêu quý nữa.
Vị chủ tịch thề không bao giờ xuống thành phố nữa và mùa xuân trôi qua bình thản trên phố phường câm nín hơi thở.”
Ở trên là lược trích truyện ngắn Người bệnh giữa mùa xuân in trên báo Người Việt số 2. Ngoài thơ, Thanh Tâm Tuyền còn sáng tác nhiều tác phẩm văn xuôi thuộc nhiều thể loại. Ông đã cho in: Bếp lửa (truyện dài, 1957), Khuôn mặt (truyện ngắn,1964), Cát lầy (truyện dài, 1966), Dọc đường (truyện ngắn,1966), Mù khơi (truyện dài, 970), Tiếng động (truyện dài-1970), Tạp ghi (phiếm luận, 1970).
Ngoài ra ông còn viết nhiều đoản văn, truyện dài trên các báo chưa được in thành sách. Sau năm 1975 người ta không còn thấy văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền.
THANH TÂM TUYỀN VÀ KỊCH: BỨC HỌA
“Kịch 1 màn – các vai: Liên, Huy, Thu
Không gian và thời gian: một buổi tối mùa đông trên căn gác nhỏ giữa thành phố Hà-Nội sau ngày quân đội Việt Minh chiếm đóng.
Bài trí: Hai cái ghế bành cũ, một vài tấm ảnh cắt ở báo Tây dán trên tường. Hành lý gọn gàng xếp ở một góc. Cửa sổ mở ra một mái ngói.
Màn kéo lên; Huy đứng trước giá vẽ. Liên ngồi trên tay ghế. Thu ngủ trong lòng ghế. Nhịp cười trong trẻo thanh thoát vọng từ hậu trường rồi bị bịt nghẽn.
HUY (sửng sốt ) – Cô Liên…
LIÊN – Dạ
HUY – Tôi nhớ ra rồi…
LIÊN – Anh nhớ cái gì?
HUY – Tôi nhớ ra rồi. Trở về Hà-Nội gặp cô không chút gì thay đổi nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì cần thiết lắm.
LIÊN – Một chút gì cần thiết lắm, tiếng cười phải không anh?
HUY – Đúng đấy cô ạ. Ngày trước cô hay cười ròn rã và vui lắm. Phải, tôi nhớ chắc chắn như thế. Sao bây giờ cô không cười. Không khí này làm cô nghẹn ngào?
(…)
HUY – Ấy, cô cứ cười nữa đi, tôi nhớ ra tất cả, mười năm, mười năm…
LIÊN – Mười năm? có quan hệ gì tới tiếng cười của tôi?
HUY – Mười năm, có lẽ hơn một chút. Tôi đã vẽ dở cho cô bức chân dung. Ngày ấy cô còn đi học và cặp tóc, Tôi cũng kê giá vẽ ở chỗ này, Nhưng cô không phải ngồi ở chỗ ấy. Cô ngồi gần cửa sổ kề bàn học của anh Thắng. Ngoài trời xanh lơ mùa xuân. Cô cười…
(…)
HUY – Vâng xin cô ngồi xuống, hơi nghiêng một chút… Tôi cố vẽ cho xong đêm nay để mai sớm cô đi (…) Mười năm tôi không làm sao hoàn thành nổi một tác phẩm. Bức nào nửa vời tôi cũng hủy đi…
LIÊN – Có, anh có hoàn thành được một bức…
HUY – Bức nào? Sao tôi lại không nhớ?
LIÊN – Thế mà tôi nhớ. Sau trận Đông Khê – Thất Khê, anh Thắng chết…
HUY – Phải, anh Thắng chết, Thắng chết, xác chết nằm trên người tôi.
LIÊN – Vì thế anh phát điên trở về hậu phương tĩnh dưỡng…
HUY – Tôi nhớ… Tôi nhớ… Làm sao?
LIÊN – Anh Hoàng từ khu bốn ra thăm anh và từ biệt anh vào thành. Bữa ấy anh ngồi bưng
mặt khóc. Anh gọi tên anh Thắng. Nước mắt ròng ròng anh lấy viết chì vẽ khuôn mặt tôi.
HUY – Vẽ cô? Sao cô biết?
LIÊN – Anh Hoàng về kể lại và trao cho tôi bức vẽ…
HUY – Bức vẽ nữa.
LIÊN – Anh vẽ tôi một mắt và có râu xồm…
(…)
HUY – Tại sao cô lại nghĩ đến tôi, đến tác phẩm của tôi?
LIÊN – Vì anh Thắng đã chết, vì anh Hoàng ở trong kia, vì tác phẩm có hình bóng tôi, tác phẩm chung của anh Thắng, anh Hoàng, anh và tôi. Tôi không muốn tác phẩm bỏ dở. Chính ra tôi ở lại gặp anh để giúp tác phẩm này. Tôi đoán biết trước anh trở về Hà-Nội với tác phẩm ấy trong tâm tư. Cần có tôi cho nó thành hình. Anh hiểu rõ vì sao tôi còn nán lại đón anh chứ?
(…)
(Tiếng còi tàu vang trong đêm khuya)
THU – Mai ta đi tàu ấy phải không chị?
LIÊN – Ừ.
HUY – Có phải đó là chuyến tàu phiêu lưu?
LIÊN – Không phải, đấy là chuyến tàu đưa kẻ phiêu lưu về quê hương”
Thanh Tâm Tuyền còn viết Buổi hòa nhạc cuối cùng (đã in trên báo Chỉ Đạo), Ba chị em (in trên Sáng Tạo số 17, năm 1965 nhà xuất bản An Tiêm in thành sách). Kịch của Thanh Tâm Tuyền chưa từng được đưa lên sân khấu.
Trên báo Người Việt, Thanh Tâm Tuyền còn ký những bút hiệu khác, bút hiệu Cô Tâm Thu cho phần dịch thuật và trả lời thư bạn đọc. Ông đã dịch thơ của Lorca, Tristan, Tzara, Eluar, Whitman sang Việt ngữ.
Chúng ta đã điểm qua những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền in trong 4 số báo Người Việt. Với những sáng tác và những quan điểm đã đưa ra tự nó đã phác thảo một chân dung Thanh Tâm Tuyền ngay từ lúc lên đường của mình.
Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh ( Nghệ An ) ngày 13 tháng 3 năm 1936, học tiểu học tại Gia Định, ra Hà Nội năm 1949. Đăng những truyện ngắn đầu tiên trên báo Thanh Niên (Hà Nội ), năm 1954 di cư vào Nam. Dạy học ở Sài Gòn, Thủ Dầu Một. Năm 1962 nhập ngũ khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.1966 giải ngũ. Tái ngũ sau Tết Mậu Thân 1968. Cấp bậc cuối cùng trong đời quân ngũ: đại úy. Sau 30 tháng 4 năm 1975 ông bị tù cải tạo, năm 1982 ra tù. Tháng 4 năm 1990 ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ.
Từ 1955 tới khi từ trần ngày 22 tháng 3 năm 2006 tại tiểu bang Minesota (Hoa Kỳ), Thanh Tâm Tuyền đã liên tục sáng tác, và chính những sáng tác ấy đã khắc họa đậm nét chân dung một nhà thơ tiền phong, một nhà văn hôm nay. Ông đã sống như bao con người Việt khác, chính đời sống của ông và những tác phẩm đã xác quyết: không có tự do thì không có sáng tạo. Người làm văn nghệ không thể không ghi lại, phản ảnh, làm chứng cho thời đại mình sống, hơn thế nữa phải nói lên những ước vọng và bước về phía trước.
Những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền đã được xuất bản: Tôi không còn cô độc (1956), Bếp lửa (1957), Khuôn mặt (1964), Liên – đêm mặt trời tìm thấy (1964), Dọc đường (1966), Cát lầy (1967), Ba chị em (1967), Mù khơi (1970), Tiếng động (1970), Tạp ghi (1970), Một chủ nhật khác (1970), Thơ ở đâu xa (Hoa kỳ, 1990).
2 – MAI THẢO
MAI THẢO – ĐÊM GIÃ TỪ HÀ-NỘI và GÓC ĐƯỜNG TỰ DO
Trên bốn số tuần báo Người Việt bộ mới, không phải chỉ có Thanh Tâm Tuyền mà còn nhiều người bạn đồng hành khác, trước hết là những sáng tác của Mai Thảo:
– Đêm giã từ Hà-Nội – truyện ngắn (1 )
– Một chiều qua Cửu Long (2)
– Đồn phòng ngự 21 – ký (3)
– Góc đường Tự Do – truyện ngắn (4)
Chúng ta hãy đi theo Mai Thảo bước vào Đêm giã từ Hà-Nội:
“Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà-Nội nhòa dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhòa nhạt anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà-Nội. Của anh nữa.
Dưới những hàng mái cong trũng ngập đầy lá mùa kia, đang xẩy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán biết được. Hà-Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt: anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một bờ vĩ tuyến bên kia. Bên ấy có những hình ảnh của chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy có những hình chiến lũy, những hàng rào giây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người. Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà-Nội, thở nhịp thở của Hà-Nội, đau niềm đau của Hà-Nội, mà Hà-Nội hình như đã ở bên kia (…)
Buổi chiều, hồi 5 giờ gặp Thu ở cuối nhà Thủy Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Đúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khỏi Hà-Nội (…)
Cái ý nghĩ cuối cùng của Phượng, gửi đến Thu. Anh nhìn sang bên kia đường. Vẫn không thấy gì. Có lẽ Thu đã ở lại. Phượng nhìn đồng hồ: chiếc kim dạ quang chỉ đúng 12 giờ đêm. Phượng cúi xuống nhấc va ly, bước đi.
Sau lưng anh bỗng có tiếng gọi nhỏ: “Anh”!
Phượng quay lại. Đôi mắt anh sáng lên trong tối. Từ bên kia bờ đường, từ bên kia Hà-Nội, một bóng người bé nhỏ đang vượt lòng đường đi sang bên anh. Thu. Bóng Thu siêu siêu vội vã. Một thoáng Thu đã đứng bên cạnh anh. Đôi mắt Thu còn ngấn lệ. Phượng đỡ lấy va-ly Thu.
Tiếng Thu vang lên trong đêm Hà-Nội:
– Em được đi rồi. Cả thầy mẹ em cũng đi, nhưng đi sau – và kéo tay Phượng – Chúng mình đi đi thôi anh ạ (…)
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà-Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu rời khỏi Hà-Nội. Bóng Phượng, bóng Thu nhòa dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào tương lai.”
Trên đây là tóm lược truyện ngắn Đêm giã từ Hà-Nội, ở trên đầu truyện tác giả có viết một câu ngắn: “Phượng nhìn xuống vực thẳm, Hà-Nội ở dưới ấy.” Cuối truyện Mai Thảo ghi: “Hà-Nội – 100 ngày, sau hiệp đinh Genève.” Trong truyện chúng ta gặp Phượng và Thu với niềm đau phải giã từ Hà-Nội. Truyện đầy ắp một không gian Hà-Nội. Nhưng với truyện ngắn thứ hai còn dang dở trên báo Người Việt số 4, không gian của truyện đã là Sài gòn và là gặp gỡ của hai người tưởng đã chia xa ở hai thế giới. Đó là truyện ngắn: Góc đường tự do.
“Người thiếu nữ nghiêng nón, bước xuống lề đường. Chiếc bóng dài thon để về phía trước người đang đi tới. Những tảng nắng nhòa nhòa trên những nếp áo. Nhị nghĩ đến người thiếu nữ 16 trong một họa phẩm của Tô Ngọc Vân. Bỗng anh kêu lên:
– Hương !
Người thiếu nữ đứng sững lại giữa lòng đường. Ít nhiều tảng nắng dạt khỏi tà áo. Mới đầu chỉ là hai con mắt rất to rất đen nhìn về phia anh. Thăm thẳm ánh lên một thoáng ngạc nhiên bỡ ngỡ (…) Người thiếu nữ bỏ nón. Nắng gội chan hòa trên mái tóc Hương. Sự hiển hiện này chấp chới bằng nắng.
– Anh Nhị!
Thời gian của Nhị và của Hương bấy giờ là 8 giờ sáng. Không gian của hai người là góc đường Tự Do (…)
– Hương vào đây từ bao giờ?
– Em vào từ tháng chín năm ngoái
– Em ở đâu?
– Phan Thiết anh ạ.
– Bây giờ cơ mà?
– Vẫn Phan Thiết anh ạ.
Hai ngươi yên lặng nhìn nhau. Thêm một phút trao gửi đằm thắm. Đủ rồi. Họ cùng mỉm cười (…) Đến lượt Hương đưa mắt nhìn anh. Nhị đoán được câu hỏi. Anh trả lời:
– Anh vào đây được mười ba tháng rồi. Trong đợt di cư đầu tiên. Anh vẫn ở Sài gòn. Sống bình thường. Có một số bạn hữu cũng ở đây: Nam, Thư, Ngự, Hương còn nhớ các anh ấy chứ. Họ vẫn hỏi thăm đến Hương luôn. Anh bảo Hương đã ở lại Hà-Nội. Nhưng chẳng ai chịu tin cả. Nhị ngừng lại, không nói nữa. Hương chợt bắt gặp trong mắt anh một thoáng tối buồn rầu (…) Cuộc sống của Hà-Nội, của hậu phương, của cuộc di chuyển rộng lớn, cuộc sống lửa đạn của thời đại mấy năm nay hình như không thuộc về những người đàn bà như Hương nữa.”
MỘT CHIỀU QUA CỬU LONG
Tác phẩm văn xuôi khi in trên Người Việt số 2: Một chiều qua Cửu Long, không ghi là truyện ngắn hay tùy bút,nhưng nó nằm trong tập truyện: Đêm giã từ Hà-Nội (1956) và sau này trong tập Mưa núi (1970). Mai Thảo viết về một mảng đời sống của vùng đất mới, nơi tác giả lần đầu đặt chân tới, đó là sinh hoạt ban đêm của một bến sông trên dòng Cửu Long:
“Tôi thức giấc vì một tiếng động nhỏ nhẹ trong đêm tối: Trước mặt tôi là Cửu Long. Tiếng động dâng lên từ phía ấy. Thêm một tiếng động nữa. Rồi những âm thanh khởi đầu lẻ tẻ trở nên một sự xao động rì rào.
Buổi chợ đêm đã bắt đầu dâng lên. Xanh biếc, phảng phất. Chợ đi dần thành những bước thủy triều (…) Chỗ này người ta đã đốt lửa thật sáng đón thuyền về. Những chiếc đầu đoàn đã ghé bến. Có tiếng hỏi:
– Nhiều không (15)
Dưới nước đáp lên: nhiều.
– Gì thế?
– Toàn trê thôi.
Tôi sán lại, nhìn xuống một lòng ghe nhỏ thấp thoáng dưới ánh đuốc cháy. Cả lòng khoang đầy nước. Mặt nước sóng sánh ánh lửa. Nhiều sóng quá. Nhiều sóng quá. Những ngọn sóng của ngã ba, của giữa dòng về tới lòng thuyền rồi mà vẫn chảy lênh láng. Hình như nước vẫn còn sóng. Và những con sóng vẫn còn chảy. Mỗi khoang vẫn còn là một đời Cửu Long (…) Người đàn bà còn đứng ở chỗ cũ. Tôi đến hỏi chuyện. Chị cho tôi biết thêm là năm nào mùa cá cũng khởi đầu từ tháng sáu tháng bảy. Mãi đến tháng tư tháng năm mới hết. Tháng giêng thámh hai là giữa mùa (…) Tôi chỉ tay bảo chị:
– Chợ đêm nay đông ghê!- Chị trề môi:
– Đông ma gì, mới đầu mùa mà. Cá chưa đủ tháng, chúng tôi đánh cá cầm chừng thôi. Đợi cá đủ tháng vừa được nhiều, cá lại khỏe mới đưa đi xa được (…)
Tôi nhìn lên. Trời sáng rồi. Chợ Cửu Long tàn dần trong bình minh.”
ĐỒN PHÒNG NGỰ SỐ 21
Tác phẩm văn xuôi Đồn phòng ngự số 21 in trong báo Người Việt số 3 được ghi ở trên là tùy bút, nhưng ở ngay đoạn đầu người đọc đã gặp một nhân vật có tên là Vững. Tác giả viết về sinh hoạt của Vững và tiểu đội của anh trong những ngày đầu từ trên cao nguyên xuống xây dựng đồn:
“Đồn tiếp viện này vừa được thiết lập trên cây số 21. Ba mặt núi đá, cây cỏ hoang dậm. Phía trước đồn, con đường trải nhựa băng qua, lúc nào cũng vắng bóng người đi. Thường thường mãi đến tận chiều mới có một vài chiếc xe đò cũ, chở gỗ, lá từ vùng cao nguyên đổ xuống Sài gòn. Bên kia đường, một lối đi nhỏ khuất khúc chạy thẳng vào một cánh rừng già. Đầu con đường, một tấm biển gỗ, chữ viết đậm nét: “Coupe Lê văn Viễn”. Chiều hôm qua, Vững đã chặt đổ gục tấm biển đó (…) Anh binh nhì Vững nhìn xuống tấm biển nằm dưới mặt đất. Sự gẫy đổ này đánh dấu cho một thời oanh liệt tàn lụi (…) Căng lều nghỉ ngơi, phân chia công tác hai ngày. Đến ngày thứ ba, cả trung đội bắt tay vào việc. Tiểu đội Vững đào giếng (…) Hôm nay,Vững mở một chiến dịch mới trong vùng lòng chảo cháy nắng cũng giống như những chiến dịch mà những bạn anh đang mở ra ở các vùng mới tiếp thu: Bình Định, Cà Mâu… Những chiến dịch Hòa Bình mở ra khắp các vùng giải phóng trong nhịp điệu kiến thiết xây dựng. Một người bạn ngừng tay cuốc, bảo Vững:
– Này cậu, khá rồi đấy nhỉ?
– Khá cái gì?
– Cậu không thấy nhát cuốc chúng mình đi sâu hơn ban nãy à? Đất ở dưới mềm nhiều rồi. Chắc có nước.
Vững cười: Có mê đi chứ! Chả lẽ lại phải chịu xin nước tiếp tế à (…)
Anh quay trở vào. Từ bao giờ đêm rừng đã đầy lên. Dưới chân anh, một tiếng sỏi đá lăn động trong bóng tối. Gió núi hiền hòa. Anh nhìn lên. Sao rừng muôn vạn lấp lánh. Anh nghĩ tới những bản xóm, đến những người thổ dân hiền lành. Anh nghĩ đến quê hương xóm làng. Đến đồng lúa hạt thóc. Đất nước sẽ được bảo vệ. Cứ điểm sẽ được bảo vệ. Vì những con người mang nặng tình đất nước, tình cứ điểm. Vì những con người sống chết với đất nước, cứ điểm, sống chết với quê hương.”
Chúng ta vừa lướt qua những trang văn của Mai Thảo được in trên bốn số báo Người Việt. Mai Thảo đã từng có mặt tại đại hội văn nghệ liên khu tại làng Quần Tín, tỉnh Thanh Hóa vào mùa hè năm 1948 (III). Sau năm 1954 ông di cư vào Nam và đã có tùy bút in trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân và Nguyễn Đức Quỳnh trước khi Đêm giã từ Hà-Nội xuất hiện trên số 1 tuần báo Người Việt.
Trong một bài viết của Thanh Tâm Tuyền đăng trên tạp chí Thơ ở Hoa Kỳ tưởng nhớ Mai Thảo đã khuất có viết về trường hơp ông gặp Mai Thảo là lúc đang làm trang văn nghệ hàng tuần cho báo của ông Vũ Ngọc Các: “Tôi nhận được một bao thư dày cộm, không địa chỉ người gửi trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi. Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi tôi giật mình kinh ngạc: ‘Phượng nhìn xuống vực thẳm : Hà nội ở dưới ấy.'”
Tháng 10 năm 1956 tạp chí Sáng Tạo ra số 1 do Mai Thảo chủ trương biên tập. Ngay nơi trang 1 của tạp chí, Mai Thảo viết: “Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam.” Tạp chí Sáng Tạo ra tới số 31, tháng 9 năm 1959 thì tạm ngưng. Mãi tới tháng 7 năm 1960, Sáng Tạo ra số 1 bộ mới – Diễn Đàn Văn Học Nghệ Thuật Hôm Nay – với Mai Thảo đứng tên chủ nhiệm. Sáng Tạo bộ mới ra tới số 7 tháng 9 năm 1961 thì đình bản.
Sáng Tạo chết, Mai Thảo làm báo Điện Ảnh của Quốc Phong, báo Màn Ảnh của Mai Châu, làm chủ bút tuần báo Nghệ Thuật. Cuối năm 1971 về làm báo Văn của Nguyễn Đình Vượng trong khi Trần Phong Giao ra tờ Giao Điểm. Không chỉ làm báo văn học nghệ thuật, Mai Thảo còn viết truyện dài cho các nhật báo. Ông là người hiếm hoi trong văn giới có thể sống bằng ngòi bút của mình.
Sau 30 tháng 4 năm 1975 Mai Thảo chạy thoát khỏi cuộc truy bắt, ông vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ năm 1978, tại đây ông tiếp tục làm báo, viết văn. Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quí, sinh ngày 08 tháng 06 năm 1927 tại Nam Định, mất ngày 10 tháng 01 năm 1998 tại California, Hoa Kỳ. Ông còn ký bút hiệu Nguyễn Đăng và khi làm thơ ký tên Nhị. Ông đã cho in nhiều tác phẩm, bản kê những tác phẩm của ông dưới đây là chưa đầy đủ: Đêm giã từ Hà-Nội (truyện ngắn, 1956), Tháng giêng cỏ non (truyện ngắn,1957), Viên đạn đồng chữ nổi (truyện dài,1966), Dòng sông rực rỡ (truyện ngắn,1968), Người thầy học cũ (truyện ngắn,1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (truyện ngắn,1969), Mưa núi (truyện ngắn, 1970). Khi nhắc đến Mai Thảo, người ta nói đến Mai Thảo của Đêm Giã Từ Hà-Nội và Mai Thảo của tạp chí Sáng Tạo.
3 – DOÃN QUỐC SỸ
QUỐC SỸ với CON THUYỀN MA và GÁNH XIẾC
Những trang văn xuôi đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ in trên tuần báo Người Việt được ký là Quốc Sỹ; trong một bài tiểu luận bàn về trường Đại học Văn khoa, ông ký tắt: D.Q.S. Trên báo Người Việt, Quốc Sỹ cho in hai truyện ngắn Con thuyền ma, Gánh xiếc và truyện dài Đoàn người hóa khỉ. Trước hết chúng ta đọc Con thuyền ma:
“Xưa có một đoàn người hẹn cùng gặp nhau ở miền biên giới nọ. Họ đều là những tráng sỹ ưa phiêu lưu. Chuyến này họ trù tính đi lâu để thăm nhiều miền xa lạ. Sau mấy tháng vượt đèo cao rừng rậm, họ tới một miền duyện hải núi non lởm chởm có những thành đá cao vời vợi hướng ra biển. Lúc đó trời vừa tối, họ nghe thấy tiếng sóng rầm rộ vỗ vào chân núi và tiếng loài chim đêm vang lên rõ rệt. Không khí đượm một vẻ ma quái hoang vu.
Họ theo một con đường dốc thoai thoải đưa xuống bờ biển và thấy đằng xa có ánh đèn. Họ tiến lại. Thì ra đấy là một chiếc thuyền khá lớn chỉ có một viên thuyền trưởng mà không có thủy thủ. Viên thuyền trưởng nói có thể chở mọi người đi xem Đảo Cực Lạc gần đó.
Mọi người hỏi Đảo Cực Lạc như thế nào. Viên thuyền trưởng đáp đảo này bốn mùa hoa cỏ tốt tươi, cây cối sầm uất, có đủ các thứ lúa chín vàng, gặt đi rồi nó lại mọc.
Mọi người vui vẻ buộc ngựa lại bờ biển, bên một hốc núi, rồi lên thuyền. Họ định đến thăm đảo rồi sẽ quay về xứ sở đón những người thân cùng đến hưởng hoa thơm, quả lạ và gặt lúa vàng ở đấy.
Viên thuyền trưởng tức khắc đẩy thuyền ra khỏi bờ. Vì trên thuyền không có thủy thủ nên viên thuyền trưởng nhờ mọi người cùng trèo giúp. Ai nấy vui vẻ vào việc mà không biết đã lên nhầm một con thuyền ma (…)
Trời không một vị sao. Biển mênh mông ánh nước đen ngòm (…) Chợt một người trong bọn hỏi viên thuyền trưởng tại sao trên trời không có lấy một vị sao. Viên thuyền trưởng đáp là đường đi tới Đảo Cực Lạc không có sao (…) Người khác lên tiếng hỏi: trên trời không có sao thì làm thế nào mà nhận được phương hướng? Viên thuyền trưởng đáp chính hắn là phương hướng rồi đừng nên nghi ngại gì cả (…) Chợt thuyền chòng chành, cả khối đen mênh mông xung quanh chuyển động dữ dội: bão biển. Thuyền xô lên cao, nhào xuống thấp, nghiêng ngả kinh hồn, vấp phải những tảng đá ngầm. Có nhiều chỗ rập nát và thủng. Trong khi chống đỡ với cuồng phong đã có mấy người tử nạn. Viên thuyền trưởng bảo mọi người khiêng những xác đó đặt vào chỗ rập nát và thủng của thuyền. Hắn niệm chú tự nhiên xác chết rữa ra thành nước dính vào thuyền và lấp kín những chỗ hư đó (…) Cơn bão biển này vừa qua, cơn khác lại tới. Sau đó một thời gian thuyền đã thủng khắp nơi và có nghĩa là khắp nơi đều có gắn xác người (…)
Trời không một vị sao. Biển càng mênh mông, ánh nước càng đen ngòm sau mỗi cơn bão. Con thuyền vẫn di chuyển đều do sức chèo của một số nhỏ những người ưa phiêu lưu còn sống sót.”
Trên đây là trích tóm tắt truyện Con thuyền ma, sau này truyện được in trong tập Sợ lửa mà tác giả ghi là truyện cổ tích (1956).
Trong Người Việt số 4, Quốc Sỹ cho in truyện Gánh xiếc, đây không phải truyện cổ tích nhưng vẫn là một truyện ẩn dụ. Nhân vật tôi kể lại một chuyến đi:
“Tôi đến kinh thành NewDelhi vào mùa thu năm 1952. Tại thủ đô Ấn ngày đó đi đâu cũng thấy ngươi ta bàn tán đến sáng kiến của nhà điêu khắc Karmarkar sửa soạn dựng một pho tượng bán thân Thánh Gandhi (…) Trên đường phố tôi gặp những người Ấn vận âu phục rất lịch sự, chân đi giày đánh bóng loáng nhưng đầu có quấn khăn. Chợt tiếng thanh la kèm theo tiếng hò hét từ xa vọng lại. Anh bạn tôi nói:
– Đằng kia có gánh xiếc.
Tôi hỏi:
– Anh ở đây đã lâu hẳn cũng có lần anh xem những trò xiếc đó.
Anh bạn gật gù: Nhiều lần anh ạ.
– Tôi có cảm tưởng đấy cũng tương tự những gánh xiếc bán thuốc cao ở nước nhà.
Nghe tôi nói vậy, anh bạn vội lắc đầu cải chính:
– Không đâu, những trò quỷ thuật ở đây kỳ diệu hơn nhiều.
Tôi dừng lại nhìn về phía có gánh xiếc:
– Hay là chúng ta vào xem một lát! (…)
Anh bạn tôi lên tới chỗ bán vé. Rồi một lát sau chúng tôi cùng lớp khán giả mới nối đuôi nhau vào xem (…) Khán giả khá đông, ngồi theo hình vòng cung trên các ghế xếp thành từng bực cao dần. Và cuộc diễn bắt đầu.
Mười năm phút đầu là những trò nhào lộn rất công phu (…) Sau ba tiếng vỗ tay của ông già hai cha con thôi nhào lộn chạy vào sau màn phông. Ông già lại ra đứng chính giữa và giới thiệu một thôi (…) Các khán giả dều thấy hoa mắt. Tôi có cảmh giác như vừa lạc vào khu vườn vũ trụ, quanh mình là muôn vàn những hoa tinh tú nở hào quang.
Anh bạn tôi ghé lại gần giảng qua những lời giới thiệu của ông già: Ông ta nói sắp đến trò Chính: Hiếu tử đánh lại thiên thần.
Ông ta đứng nghiêm trang và vỗ tay ba cái. Người cha ở sau màn phông chạy ra đứng bên phải. Ông ta vỗ tay ba cái. Người con ở sau màn phông phóng chạy ra đứng bên trái. Ông hét lên một tiếng (…)Tiếng gầm thét càng dữ dội thì các vì sao càng như nhảy múa rồi tận cùng có tiếng hú dài thê thảm. Một cẳng người từ trên cao ném xuống, rồi một cẳng nữa. Một cánh tay người từ trên cao ném xuống, rồi một cánh tay nữa. Rồi cả thân người và sau cùng là cái đầu của người cha máu me đầm đìa (…) Kế tiếp là tiếng gầm thét dữ dội của thiên thần và tiếng hú căm hờn của người con (…) Chợt người con từ đâu xuất hiện khoác một cái áo vô cùng lộng lẫy. Ý hẳn là vừa cướp được củ thiên thần. Hắn cúi xuống thu nhặt đầu, mình, chân tay của cha ghép lại cho đúng vị trí hình người rồi lấy chiếc áo thiên thần phủ lên. Hắn nhảy múa quanh thi thể hát lên một bài hát dạo. Bất chợt hắn cúi xuống lật tấm áo lên. Người cha bỗng ngồi nhỏm dậy, vẻ mặt tươi cười như không. Đầu, mình, chân, tay đã liền lại. Hai cha con nắm tay nhau cúi chào khán giả.”
Đã trải qua những giây phút kinh hoàng vì quỷ thuật trong rạp xiếc, nhân vật tôi nghi hoặc với trò “Hiếu tử đánh bại thiên thần”, rồi tình cờ phát hiện ra người điều khiển trò quỷ thuật bằng cách thôi miên người xem . Cho nên khi trở lại rạp xiếc bằng sự tỉnh táo của mình, nhân vật tôi đã khiến cho người thôi miên thất bại. Cảnh người cha leo lên, người con leo lên thực ra chỉ là chú khỉ, con chuột… Sự thật được phơi bày và lan truyền khiến cho gánh xiếc bị tẩy chay ở bất cứ đâu khi gánh xiếc tới. Ở những dòng gần cuối truyện, tác giả viết:
“Đó cũng là sự tích một gánh xiếc. Có điều khác là gánh xiếc ở Ấn Độ đến rồi phải đi, ở Bắc Việt hiện nay, trái lại, gánh xiếc đến chính dân chúng phải đi. Gánh xiếc chính quyền có khác (…)”
Truyện ngắn Gánh xiếc được xuất bản thành sách năm 1958 cùng với nhiều truyện ngắn khác.
Ngoài hai truyện ngắn Con Thuyền Ma và Gánh Xiếc, Quốc Sỹ còn cho in truyện dài Đoàn người hóa khỉ (IV) từ Người Việt số 2. Đây là một sáng tác dưới dạng cổ tích lịch sử, có bóng dáng của lịch sử Việt. Báo Người Việt đã giới thiệu Quốc Sỹ như sau:
“Nghe Quốc Sỹ kể chuyện, ta nhớ đến người nông dân Việt, bình dị nhưng cởi mở, ta thấy thét lên lời ca chính khí của người chiến sỹ Việt bất khuất, nhưng ta cũng say sưa với câu chuyện cổ tích của người bà Việt mái tóc bạc phơ kỉu kịt đưa võng ru cháu, hay trầm lặng trong chén trà của sỹ phu Việt suy ngẫm về đạo sống. Quốc Sỹ không thuộc về văn phái nào cả. Quốc Sỹ là ngọn bút của dân tộc.”
Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 03-02-1923 tại xã Hạ Yên Quyết, Hà-Nội. Từng dạy học tại trường Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (1952-1953). Năm 1954 di cư vào Nam dạy ở trường Trần Lục, làm hiệu trưởng trường trung học Hà Tiên, sau đó dạy trường Sư Phạm Sài gòn, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn khoa. Ông đã cộng tác với các báo: Lửa Việt, Dân Chủ, Người Việt, Tân Phong, Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa… Ông đã cho in nhiều tác phẩm như: Sợ lửa (truyện cổ tích, 1956), U hoài (tập truyện, 1957), Gánh xiếc (tập truyện,1958), Dòng sông định mệnh (truyện dài, 1959), Khu rừng lau (gồm 4 quyển )… Ngoài những công trình sáng tác ông còn là tác giả nhiều sách biên khảo, trong đó có bộ tuyển tập văn chương nhi đồng, ông chủ trương nhà xuất bản Sáng Tạo. Sau năm 1975, Doãn Quốc Sỹ bị bắt đi tù cải tạo 14 năm. Năm 1995 ông định cư tại Hoa Kỳ. Ở hải ngoại ông cho in: Vái tứ phương, Dấu chân cát xóa, Mình lại soi mình. Về tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, những ghi chép trên đây là chưa đầy đủ.
Trong cuốn Cát bụi chân ai hồi ký của Tô Hoài viết năm 1990, bản in lần thứ 2 năm 1993 của nhà xuất bản Hội Nhà Văn (Hà Nội), có một đoạn viết về Doãn Quốc Sỹ như sau:
“Tôi cũng thường đọc trên đài ” thư Hà-Nội” gửi nhà văn Quan Sơn ở Sài gòn. Chẳng mấy ai biết bút hiệu ấy của Doãn Quốc Sỹ ngày trước trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút. Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ, Đôi Mắt Của Hiền, cô Hiền ấy, con gái đầu lòng bác Tú Mỡ. Bức thư tình đăng báo mà rồi nên nhân duyên. Doãn Quốc Sỹ theo nhà vợ ra vùng tự do ở Bắc Giang ít lâu rồi vào Hà-Nội, rồi di cư vào Nam. Báo chí và các nhà xuất bản ở Sài gòn in sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, lại biết Sỹ dạy học ở Hà Tiên, được tu nghiệp ở Mỹ mấy năm. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức còm ở một làng nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tôi tin là không, thế mà sao Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế. Chắc chẳng khi nào Doãn Quốc Sỹ nghe bài của tôi để biết đến những tiếng nói vùng quê của anh.(trang 229)
4 – NGUYỄN SỸ TẾ
NGUYỄN SỸ TẾ và NGƯỜI SÔNG THƯƠNG
Trong 4 số báo Người Việt, Nguyễn Sỹ Tế không xuất hiện với một sáng tác nào. Ông có hai bài tiểu luận:
– Mục đích của giáo dục (số 3)
– Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi (số 4)
Ngoài ra với bút hiệu Người Sông Thương ông dịch thơ của:
– Pablo Néruda với bài: Ngực em đủ với tim ta
– Juan Liscano với bài: Thần nữ, biển khơi và đêm tối
Về văn, ông dịch Niềm im lặng của biển cả của Vercors. Người Sông Thương đã giới thiệu tác giả và tác phẩm như sau: “Vercors là biệt hiệu một nhà văn Pháp cũng gọi là kỳ cựu: Jean Bruller (sinh tại Balê năm 1902). Là một người thiết tha với lý tưởng tự do. Trong hồi chiến tranh Pháp – Đức ông gia nhập hàng ngũ kháng chiến và đã viết nhiều tác phẩm cho in dấu diếm và lưu hành bí mật truyền tay. Đoản thiên ‘Niềm Im Lặng Của Biển Cả’ ông viết vào mùa hè năm 1941. Là một tác phẩm của hoàn cảnh ‘Niềm Im Lặng Của Biển Cả’ không ngờ đã trải qua thử thách của thời gian để trở nên một áng văn chương giá trị (…) Nếu như ‘Niềm Im Lặng Của Biển Cả’ đã vươn qua không gian và thời gian ấy chính vì nó đã mang trong nó một sức sống tối cao nhân thế và một lần nữa khóc thương đậm đà cho mối hận tình muôn thưở: Mối tình giữa lứa đôi thù nghịch.”
Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định. Ông dạy học ở trường Chu Văn An (Hà Nội) những năm 1952,1953. Năm 1954 di cư vào Nam. Ở trong Nam ông tiếp tục dạy học và làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Trường Sơn. Cùng với việc dạy học ông còn viết văn và soạn sách giáo khoa như: Việt nam văn học nghị luận (nhà xuất bản Trường Sơn,1962). Về sáng tác có: Chờ sáng (1962). Sau tháng 04-1975, ông bị bắt giam 11 năm. Năm 1992 ông định cư tại Hoa Ky. Ông mất ngày 17 tháng 11 năm 2005 tại Hoa Kỳ.
5 – TRẤN THANH HIỆP
TRẦN THANH HIỆP và TÀN PHÁ
Trên trang bìa bốn của 4 số báo Người Việt có mục DIỄN ĐÀN thì ba kỳ liên tiếp là bài của Trần Thanh Hiệp:
– Bi quan hay lạc quan? (số 1)
– Hướng về miền Nam (số 2)
– Văn minh nguyên tử lực (số 3)
Ngoài ba bài viết trên mục diễn đàn ông còn viết:
– Vấn đề giai cấp xã hội (số 2 và số 3)
– Nhân sinh quan của người Việt (số 4)
Những bài viết của Trần Thanh Hiệp luôn luôn bám sát vào đời sống xã hội đương thời mà người thức giả không thể làm ngơ. Về sáng tác Trần Thanh Hiệp có cho in truyện ngắn Tàn phá trên báo Người Việt số 4:
“Chiều quê còn nhớ người trai, vì ai vào chốn tử sinh… Giọng hát của người thiếu nữ nhẹ và trong nhưng quyện chặt với buồn thảm, bị ngắt quãng bởi mối xúc cảm sâu mạnh, trước khi ngừng bặt, nức nở… “Người về non nước xa xôi…” Câu cuối cùng này kéo dài một cách yếu ớt như để trấn áp một lôi cuốn nhưng thất bại. Người hát đã gục đầu xuống bàn, trán tì lên tay, hai vai khẽ run run trong khi tiếng vỗ tay ròn rã vang dội mang thêm tưng bừng cho buổi tiệc trà một vài tiếng xì xào lọt vào tai Hoàng: “cô ấy yêu một thương binh đấy!”… Hoàng khẽ đập khuỷu tay vào sườn bạn, hỏi nhỏ: “Ai đấy hở cậu?”
– A, Mai Dung, nữ học sinh ở tỉnh mới tản cư về. Nổi tiếng hát hay nhất vùng này đấy nhé! Câu giới thiệu tuy sơ sài của Thanh cũng đủ để kích thích óc tò mò của Hoàng. Chàng hỏi thêm:
– Nhưng sao lại mặc nhà quê thế kia hả?
– Chuyện! Tản cư mà lại? Thế cậu nhìn lại cậu xem sao? Chợt nhớ đến bộ quần áo nâu của mình. Hoàng cười:
– Này Thanh ạ, cô ấy hát hay thật. Nhưng coi bộ buồn thế kia thì chắc là tình sử phải lâm ly lắm nhỉ?
Hoàng phát biểu ý kiến của mình một cách linh cảm, giọng hơi đượm một chút hài hước, đưa mắt nhìn về phía Mai Dung.
– À, kể ra thì cũng khá lâm ly. Hiện nay có người yêu là một thương binh. Nghe đâu mối tình của hai người chớm nở với Mùa thu cách mạng nên vừa thơ mộng vừa hào hùng. Chưa kịp tính đến việc chung sống thì chàng đã phải tòng quân và sau một trận giáp chiến với quân Pháp đã cụt mất một chân. Hiện giờ chưa rõ sao cả. Chỉ biết rằng vì thế mà cô ta hay buồn lắm (…)
Hoàng vừa đặt chân lên thềm nhà thì em bé Vân đã reo lên: ”Chị ơi anh Hoàng đã về”.
– Ơ kìa Hoàng, ở đâu về thế em?
– Em ở trên tỉnh về. Hôm nay chị không đi dạy học à?
– Dạo này chị mở lớp riêng ở nhà. Và đây là cô Mai Dung, một học trò mới của chị đây.
Hoàng không ngờ lại gặp Mai Dung ở đây (…)
– Thế cô Mai Dung này, thật tình tôi hỏi cô nhé: Tại sao cô làm cán bộ?
– Thứ nhất là để góp phần vào cuộc kháng chiến. Thứ hai là để được học hỏi và nâng đỡ phụ nữ hương thôn, họ thiệt thòi lắm anh ạ! (…)
Hoàng dắt xe đạp cùng đi song song với Mai Dung. Mới có ba năm mà Mai Dung đã đổi khác hẳn (…) Tiếng nói khàn hẳn đi. Bước chân không còn khép kín. Có một cái gì đổ vỡ trong tấm thân kia (…)
– Mai Dung ốm đấy à?
– Không ốm thì cũng như ốm anh ạ!
– Nghe nói lập gia đình rồi cơ mà!
– Em được đoàn thể gọi lên khu. Sau nhiều cuộc hội họp đả thông tu tưởng và luyến ái quan mới, em được lệnh kết hôn với Bảo. Em là cái máy, yếu ớt quá rồi, chỉ biết tuân lệnh mà thôi. Nhưng khổ cho em quá. Bảo không còn là Bảo ngày xưa, tuấn tú và hiên ngang nữa. Cái thân hình dù có tàn tật cũng không đáng kể, nhưng tinh thần Bảo đã khác hẳn (…) Anh Hoàng ơi! Em không đủ can đảm ở với họ nữa đâu, nếu cứ kéo dài mãi có lẽ em chết mất. Hoàng vẫn thương Mai Dung. Hoàng không muốn tỏ lộ nỗi niềm của chàng trước sự tàn phá đó. Mai Dung đã trả một giá rất đắt cho cuộc thí nghiệm điên rồ của nàng. Liệu còn lôi được Mai Dung ra khỏi vực thẳm đó nữa không. Dẫu sao chàng vẫn cố hy vọng (…)
Không rõ là lành hay dữ. Tội nghiệp cho Mai Dung, con thiêu thân đã ném mình vào đĩa dầu đèn mà tìm cái chết.”
Tàn phá của Trần Thanh Hiệp là thân phận một nữ thanh niên nhiệt tình yêu nước nhưng đã bị đoàn thể lợi dụng tàn nhẫn, cuối cùng chỉ còn là cái chết.
Trần Thanh Hiệp sinh năm 1928. Di cư vào Nam năm 1954. Ông theo ngành luật và sau đó hành nghề luật sư tại Sài gòn. Ông cộng tác với nhiều báo chí và đã từng góp tiếng nói trên các diễn đàn về những vấn đề văn hóa, xã hội. Trần Thanh Hiệp là một trong tám người của bộ biên tập tạp chí Sáng Tạo bộ mới. Ông đã cho xuất bản: Tiếp nối (1965), Vào đời, Ngày cũ. Sau tháng 4 năm 1975 ông sống tại Pháp.
6 – QUÁCH THOẠI
QUÁCH THOẠI và CÒN SÁNG TẠO, TA HÃY CÒN SÁNG TẠO
Trên tuần báo Người Việt ngoài những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền và của một số tác giả khác còn có thơ của Quách Thoại:
– Chúng tôi muốn thế (số 2)
– Bom !(số 2 – ký Đoàn Thoại Sơn )
– Những buổi chiều Việt Nam (số 3)
– Còn sáng tạo, ta hãy còn sáng tạo (số 4)
– Thằng bé nó cười (số 4)
– Khẩu cung (số 4)
Bài thơ Chúng tôi muốn thế được in trang trọng, chiếm trọn một trang báo có đóng khung, kèm theo lời giới thiệu của Thanh Tâm Tuyền: “’Đây bạn đường mến yêu của tôi’. Gặp Quách Thoại tôi kêu lớn lên như thế .Chúng tôi tuy nhiều nhưng lẻ loi, vì thế gặp nhau mừng vô kể. Tôi vội vàng lục trong tập thơ dày cộm – những ý tình thế hệ, hối hả truyền tới tay các bạn.” Thơ Quách Thoại in trên Người Việt tất cả 6 bài, sau này đều in lại trong tập thơ Giữa lòng cuộc đời. Dưới đây là hai trong sáu bài thơ nói trên :
CÒN SÁNG TẠO,TA HÃY CÒN SÁNG TẠO
(Chung tặng các văn thi hữu. Riêng tặng Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo.)
Tôi đổ lệ khóc đêm nay
Nào các anh có biết
Khi tôi đọc những bài văn anh
Bài thơ anh thắm thiết
Những mối tình yêu đời bất diệt
Của lòng anh của hồn anh trinh khiết
Hiện nguyên hình trên chữ mực vừa in
Tư tưởng dòng câu chứa đựng vạn niềm tin
Bao tâm huyết đổ dồn trên ý nghĩ
Thơm tho thay những ý tình tế nhị
Nói không cùng những cảm động ẩn trong lời
Tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
Là những kẻ còn tin yêu vững sống
Còn sáng tạo các anh còn sáng tạo
Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Để nhìn các anh
Như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo
THẰNG BÉ NÓ CƯỜI
Ôi em bé mồ côi
Ôi em bé không nôi
Đã hai ngày qua
Mẹ nó chết rồi
Chỉ còn lại nó
Vô cùng bé nhỏ
Trên đường binh đao
Kinh hoàng ngồi ngó
Loài người xôn xao
Bụng đói như cào
Bởi nên em bé
Quặn ruột em bò
Ôm cây mà cạp vỏ
Mắt mũi nhăn nhó
Mặt mày méo mó
Sượng sùng khó ngó
Cũng vừa lúc đó
Lũ người giày đinh
Đến nhìn em nhỏ
Nói nhau rất rõ
Thằng bé nó cười
Bắn nó chết tươi .
Quách Thoại sinh năm 1930 tại Huế. Năm 1948 ông vào Sài gòn viết cho nhiều nhật báo. Năm 1949 làm tổng thư ký tòa soạn báo Nguồn Sống. Số báo đầu Quách Thoai viết tùy bút Nó và nàng, số thứ hai viết Hy vọng và tuyệt vọng. Ở số đầu Quách Thoại có đăng và viết giới thiệu bài thơ Thế kỷ hai mươi của Huy Cận. Báo Nguồn Sống còn có bài của Lý Văn Sâm, Lê Thương. Sau 1954, thơ Quách Thoại in trên các báo Người Việt, Sáng Tạo. Ông mất vì bệnh lao ngày 07 tháng 11 năm 1957. Năm 1963 tạp chí Văn Nghệ xuất bản tập thơ Giữa lòng cuộc đời, đây chỉ là một phần trong số nhũng tác phẩm mà Quách Thoại để lại (V).
Thanh Tâm Tuyền viết về thơ Quách Thoại: “(…) tôi tìm thấy trong thơ của Thoại một thứ nhịp điệu tôi gọi là nhịp điệu của hình ảnh. Trong một bài thơ giữa những tiếp nối của ý tưởng bỗng xuất hiện hình ảnh, có khi một có khi là một mớ xô đẩy nhau, tưởng chừng không ăn nhập gì vào bài nhưng chính thực ở đấy tỏa ra một thứ ánh sáng, một thứ âm nhạc bao trùm làm rung động toàn bài. Một ví dụ nhỏ như trong bài “Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo” đã đăng ở Người Việt, đang kể lể, Thoại bỗng viết :
Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Từ cái nhịp điệu của hình ảnh, rồi bằng vào kinh nghiệm riêng khi làm thơ cũng như khi đọc thơ, dần dần tôi tìm đến được thứ nhịp điệu của ý tưởng, cả hai thứ nhịp điệu trên chỉ là sự thể hiện cuả nhịp điệu của ý thức, hơn bao giờ hết người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca.” (VI)
Thanh Tâm Tuyền viết về những kỷ niệm với Quách Thoại: “Thoại thường nói với tôi, nguồn thơ của thi sỹ ngày nay khó mà cạn được bởi trong nhà thơ còn có sự chung đụng của một nhà tư tưởng,một chiến sỹ . Kỷ niệm quý báu nhất Thoại để lại cho tôi là những người bạn còn sống, thứ cần thiết cho một đời sống cô đơn, như Duy Thanh Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Trần Lê Nguyễn, nhờ Thoại mà tôi gặp gỡ những người ấy…” (VII)
Ở trên chúng ta đã điểm qua những sáng tác, những ý kiến của Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trong những bước đầu gặp nhau trên bốn số tuần báo Người Việt bộ mới xuất bản vào những tháng cuối của năm 1955 ở Sài gòn. Bài viết có thể kết thúc ở đây.
7 – GHI CHÚ MỞ RỘNG
A. TRỌNG LANG và NGUYỄN ĐỨC QUỲNH
Khi giới thiệu 4 số tuần báo Người Việt bộ mới, chúng ta đã ghi nhận những tác giả cộng tác trên diễn đàn này, trong đó có hai tác giả đã nổi tiếng từ thời tiền chiến, đó là Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh.
Khi đăng tải phóng sự Những tâm trạng bi thương: Một người mẹ của Trọng Lang, Người Việt đã viết lời giới thiệu: “Người văn nghệ già không vì niên kỷ. Tuổi tác nặng thêm nhưng tâm hồn vẫn trẻ mãi còn rung cảm trong nhịp thế hệ. Trọng Lang có thể tự hào đến bây giờ mình vẫn còn trẻ mãi. Những tâm trạng bi thương là chứng cớ. Những mảnh đời vụn nát hôm qua cũng như hôm nay vẫn thừa xúc động tâm hồn giàu có của Trọng Lang, cây bút phóng sự sâu sắc phong phú vững chãi nhất của văn chương V.N. hiện đại. Phơi lên ánh sáng Những tâm trạng bi thương cái hằng ao ước của Trọng Lang là thôi khỏi viết về chúng nữa. Và đó cũng là niềm ao ước chung của những người “trẻ” theo nghĩa trên.”
Trọng Lang tên thật là Trần Tán Cửu, sinh ngày 02-10-1906 tại làng Do Lễ, huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội. Từng viết cho các báo Thực Nghiệp, Phong Hóa, Ngày Nay, năm 1932 làm chủ bút báo Bắc Kỳ Thể Thao…
Tập phóng sự đầu tiên của ông là tập Trong làng chạy in trên báo Ngày Nay từ số 3 đến số 13 năm 1935. Trong tập Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1943) trong phần III – Những nhà viết phóng sự – Trọng Lang xếp cùng với ba tác giả là: Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố. Trong phần nhận xét, Vũ Ngọc Phan viết về Trọng Lang như sau: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh” (trang 610, NXB Thăng Long, Sài gòn 1960). Số lượng tác phẩm của Trọng Lang rất lớn. Những tác phẩm chính gồm: Hà-Nội lầm than (1938), Làm dân (1942)… Năm 1954 ông di cư vào Nam và tiếp tục cộng tác với nhiều diễn đàn. Năm 1964 ông cho in Điên… thời đại. Trọng Lang mất ngày 29-04-1986 tại Sài gòn. Trọng Lang góp mặt trên Người Việt với loạt phóng sự Những tâm trạng bi thương gồm :
– Một người mẹ (số 1)
– Mồ hôi nước mắt trong thùng nước (số 4)
Khác với Trọng Lang, Nguyễn Đức Quỳnh góp mặt trên Người Việt với bút hiệu Âu Âu Thành Đô trong bài viết in trong hai số 3 và 4: Góp phần xây dựng văn nghệ. Với suy tưởng và trải nghiệm của chính bản thân mình, Nguyễn Đức Quỳnh chứng minh chủ nghĩa Mác là một ngụy thuyết. Ông viết: “Chủ nghĩa Mác đã rèn luyện môn đồ thành con người chỉ biết suy nghĩ (luận) theo có một chiều (duy vật biện chứng), chỉ biết có hành động (luật) theo có một hướng (độc tài vô sản) nên tất nhiên con người đó phải thui chột hết tình cảm. Mà con người đã không rung động thì làm gì còn có tính chất… con người nữa (…) Hậu quả tất nhiên của nền Triết học duy lý khiên cưỡng ấy phải là một chế độ chính trị xu thời, tiền hậu bất nhất, luôn luôn bẻ quẹo thực tế khách quan đi cốt sao cho phù hợp với chủ quan lệch lạc của mình.”
Nguyễn Đức Quỳnh sinh ngày 23-11-1909 tại làng Trà Bồ, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Mất ngày 21-06-1974 tại Sài gòn. Từ những năm 1930 Nguyễn Đức Quỳnh đã cộng tác với các báo, nhưng đáng chú ý nhất là tạp chí Văn Mới và sự hình thành nhóm Hàn-Thuyên với góp mặt của: Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, Lê Văn Siêu, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Khuê, Lương Đức Thiệp… Ông đã biên soạn nhiều sách lịch sử như: Gốc tích loài người (1943), Đời sống thái cổ (1942), Tây phương cổ sử (1944), Lịch sử thế giới (1944). Trong hai năm 1941 và 1942 ông cho ra đời bộ ba tiểu thuyết: Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình. Năm 1946 ông ra chiến khu và hoạt động tại Thanh Hóa. Năm 1952 ông vào Hà Nội rồi Sài gòn làm tuần báo Đời Mới của Trần Văn Ân, trên báo Đời Mới ông cho in Làm lại cuộc đời với bút hiệu Hà Việt Phương. Năm 1957, nhà xuất bản Quan Điểm cho in cuốn tâm bút Ai Có Qua Cầu với bút hiệu Hoài Đồng Vọng. Vào những năm 60 ông sinh hoạt với những người trẻ ở Đàm Trường Viễn Kiến, ông còn viết nhiều tác phẩm in trên nhật báo Tin Sáng của Lý Đại Nguyên.
Mai Thảo viết về Nguyễn Đức Quỳnh: “Trong cái đám hai trăm đại biểu từ khắp nơi đeo bạc đà, vượt tiêu thổ, về họp mặt dưới những chùm hoa gạo đỏ thắm trên mái đình làng Quần Tín, người Hàn Thuyên gần đủ mặt, chỉ thiếu Lê Văn Siêu (…) Đã ngót ba mươi năm. Tôi còn như đang nhìn thấy anh đến. Tráng kiện, mạnh mẽ. Khuôn mặt rám nắng, vầng trán mênh mông. Cái nhìn sáng và sắc, chém đinh chặt sắt (…) và nụ cười, nụ cười thân yêu bè bạn sau này không bao giờ quên của cả một lớp người văn nghệ trẻ tuổi ở miền Nam, anh Nguyễn Đức Quỳnh tức khắc là “người” của đám người viết mới như tôi trong đại hội. Bên cạnh một Trương Tửu lè phè, xập xệ, một Đặng Thai Mai nhợt nhạt đau yếu, anh là khuôn mặt sống động và nghệ sỹ nhất của nhóm Hàn-Thuyên chúng tôi thấy mặt lần đầu (…) Họp mặt Quần Tín cũng là một chia lìa. Những người Mác-xít, chưa ra mặt hẳn, đã muốn áp đặt đường lối chính trị của họ vào hội thảo văn học (…) Trên bàn chủ tịch đoàn, Nguyễn Đức Quỳnh là người duy nhất đánh phá đường hoàng vào sự trầm trọng lệch lạc này (…)” (III)
Thanh Tâm Tuyền viết về Nguyễn Đức Quỳnh: “Cùng với ‘Những Ngày Thơ Ấu’ của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt, đã đưa tôi vào đời. Tôi đã nếm mùi sung sướng và vị đắng cay khi đọc quyển sách ấy. Tôi đã gặp một ngọn lửa đốt cháy tôi – ngọn lửa của đời sống.
Tôi không phải là người của một vài cuốn sách. Trước và sau khi đọc ‘Thằng Kình’, ‘Những Ngày Thơ Ấu’, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác, nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn Đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Tôi không nói yêu, không nói phục, tôi nói ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Hết lòng ngưỡng mộ, hết văn chương. Kẻ được ngưỡng mộ chưa chắc đã sung sướng bằng kẻ ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi.”
Hôm nay thì tôi hiểu: thơ mở một cõi ngoài cho người ta sống và tiểu thuyết mở chính cõi này cho người ta sống. Tiểu thuyết là mối hạnh phúc đau đớn anh nhận được, mở cho anh cửa ngõ trần gian nơi anh đắm đuối thèm khát tới. Anh sẽ vẫn còn sống được khi anh còn say sưa với những quyển tiểu thuyết như tôi đã say sưa ‘Thằng Kình’. Mọi quyển tiểu thuyết lớn lao đều mở rộng lối để đón người, Những người phải sống.” (III)
Sự góp mặt của Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh trên báo Người Việt, diễn đàn của những người viết trẻ vào thời điểm khởi đầu của họ (1955) và ghi nhận về các tác giả và tác phẩm tiền chiến này cho thấy: dòng văn học Việt Nam trước 1945 vẫn được tiếp cận, không phải chỉ ở thời kỳ này mà thơ của Nguyễn Đình Thi và Huy Cận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng được nói tới. Đây là sự tiếp cận với cái tiền phong, với cái mới. Đồng thời nó nói lên tính liên tục của văn học nghệ thuật miền Nam: dòng chảy của văn học nghệ thuật không bao giờ ngừng, không thể bị cắt đứt, hay phủ nhận. Tính liên tục ấy phải được hiểu rằng cái mới, tinh thần tiền phong phải được nuôi dưỡng và đương nhiên phủ nhận cái cũ lạc hậu, cái cũ xác chết. Văn học nghệ thuật đích thực bao giờ cũng kêu đòi cái mới, cái tiền phong .
Tháng 12 năm 2009
—
CHÚ THÍCH :
(I) Nguyệt san Văn Nghệ Mới xuất bản tại Huế năm 1955. Nguyễn Văn Xuân cho đăng truyện ngắn, truyện dài Đất Ô Châu, luận thuyết Xây dựng một nền văn học nghệ thuật dân chủ tiến bộ. Luận thuyết này đã in trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân và Nguyễn Đức Quỳnh với bút hiệu Việt Hiến. Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam mất ngày 04 tháng 07 năm 2007 tại Đà Nẵng. Tác phẩm đã xuất bản Bão rừng (1957), Khi những lưu dân trở lại (1967), Phong trào Duy Tân (1969)… Trên Văn Nghệ Mới còn in kịch dài Bão thời đại của Trần Lê Nguyễn, năm 1968 vở kịch được nhà Sáng Tạo xuất bản. Trần Lê Nguyễn tên thật là Nguyễn Huy Tạo, sinh ngày 04 tháng 08 năm 1924 tại Thạch Thất – Sơn Tây, mất ngày 07 tháng 07 năm 1999 tại Sài gòn.
(II) “Thềm cũ”, “Hà-Nội ”, “Ơi núi rừng”, đây là Thanh Tâm Tuyền nhắc đến bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa của Nguyễn Đình Thi in trên báo Văn Nghệ (1949) thời kháng chiến chống Pháp. Sau đây là nguyên văn bài thơ theo bản in của báo THẾ GIỚI, số 13, từ 14 tới 20-1-1950 xuất bản tại Sài gòn, thư ký tòa soạn: Dương Tử Giang
Sáng mát trong như sáng năn xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà-Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy
Ôi nắng dội chan hòa
Nao nao trời biếc
Gió đượm hương đồng rộng
Hương rừng chiến khu
Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
Những cánh chim non
Trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời
Mấy đứa giết người
Hung hăng một buổi
Tháng tám về rồi đây
Hôm nay nghìn năm gió thổi
Trời muôn xưa
Đàn con hè phố
Môi hớn hở
Ngày hẹn đến rồi
Các anh ngậm cười bãi núi ven sông
Hà-Nội
Ơi núi rừng .
Về sau trong trong tập thơ Người chiến sĩ ( NXB Văn học, Hà-nội 1960) có in bài Đất nước, trong đó có một vài câu và một số chữ là ở trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa. Sau đây là đoạn đầu bài thơ Đất nước:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(…)
(III) Ngôi sao Hàn Thuyên của Mai Thảo và Anh đã đọc Thằng Kình chưa của Thanh Tâm Tuyền. Tập san VĂN số: Vĩnh biệt Nguyễn Đức Quỳnh tháng 06 năm 1974, Sài gòn
(IV) Đoàn người hóa khỉ của D.Q.S sau này có in lại trên Sáng Tạo số 30 và 31.
(V) Theo Xuân Trường trong bài Một nhận định về Quách Thoại. Văn Nghệ số 24 tháng 6/7 năm 1963, Sài gòn.
(VI) Nỗi buồn trong thơ hôm nay của Thanh Tâm Tuyền. Sáng Tạo số 31 tháng 09/1959, Sài gòn
(VII) Những kỷ niệm về Quách Thoại. Sáng Tạo số 5 bộ mới tháng 11/1960, Sài gòn
2 bình luận về “Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 1)”
Đã đóng bình luận.