Hai tuần liền thật thú vị đọc Bàn Tròn Mỹ Thuật trên litviet. Thú vị vì đọc xong cứ phải ngẫm nghĩ, liên tưởng, cứ vẩn vơ đọng trong đầu lâu đến mức phải ngồi xuống… gõ phím, viết ra những cảm nghĩ của mình. Mới yên. Âu cũng là bệnh trầm ngâm một mình trong thời đại internet của những kẻ sống không cùng một nơi nhưng lại dùng chung một công cụ truyền thông, chung một thứ tiếng mẹ đẻ.
Tại sao tôi lại nhắc ngay đến tiếng Việt mẹ đẻ? Có lẽ vì tôi có một ý nghĩ riêng hơi khác so với ý kiến của họa sĩ Trịnh Cung về tiếng Việt khi hoạ sĩ nhắc đến thơ Việt trong bàn tròn. Nhưng điều này chút nữa tôi sẽ nói.
Đọc năm họa sĩ Việt bàn về mỹ thuật Việt Nam hiện nay, có lẽ ý kiến của Nguyễn Quỳnh và Nguyễn Minh Thành làm tôi quan tâm hơn cả. Vì làm tôi thích thú, cho dù là thích thú của một kẻ không có kiến thức gì về hội họa ngoài việc thấy một bức tranh thì… ngắm thật kỹ. Hai họa sĩ này rất “riêng,” rất” đặc thù” trong tính cách cá nhân nhưng như thế nào đó họ lại bổ sung cho nhau. Ít nhất khi ngắm tranh và đọc những suy nghĩ của họ, tôi thấy vậy.
Nguyễn Quỳnh nổi bật trước tiên bởi thứ tiếng Việt viết chẳng giống ai, có thể làm bực mình những con mắt quen đọc nhanh và những cái đầu quen tẩy chay cái xa lạ. Nhưng dường như Nguyễn Quỳnh không viết như thế thì không thể hiện hết tính cách Nguyễn Quỳnh: nhanh, thẳng băng, trực tiếp, mở toang, và đặc biệt có nhu cầu tiến lên phía trước có vẻ không biết mệt.
Nguyễn Minh Thành cho ta thấy tính cách nghệ sĩ trầm mặc hơn, mặc dù cũng rất trực tiếp và thẳng thắn. Nhưng anh nhiều ưu tư, và con đường khám phá tương lai của họa sĩ có vẻ chông gai.
Nguyễn Minh Thành cho rằng lý thuyết chính là sự hiểu biết, còn Nguyễn Quỳnh nói không có tác phẩm thì không có lý thuyết. Có lẽ hai ý kiến này gợi nhiều cảm hứng nhất cho tôi, nhất là sau khi đọc hết những ý kiến của họ để nghĩ thêm về cái gọi là năng lực và tính cách sáng tạo.
Nguyễn Minh Thành đang sống ở Việt Nam, môi trường đem đến cho anh chất liệu sống rất đa dạng, đặc thù. Chất đặc thù thể hiện ngay trong tác phẩm sắp đặt có nhan đề “Tro Tàn” của anh. Đã “tro tàn” một nắm nằm gọn lỏn trong cái hũ sành nhỏ lại còn mấy tầng lồng che chắn cẩn thận. Chỉ Việt Nam mới có!
Mấy người bạn Việt cùng ở xứ đông Âu tấm tắc cái ý tưởng tro tàn này, còn tôi lại nghĩ nhiều về mấy tầng lồng tre (đặc sản Việt Nam) đặt giữa khung cảnh cây cối xanh um. Cứ nhìn cả bức ảnh rộng mà xem: cái lồng chỉ chiếm một khoảng không nhất định trong khi cây cối xung quanh vẫn um tùm tươi mát, tha hồ mọc. Nguyễn Minh Thành nghĩ ra cái lồng tre rất độc đáo: những khung bằng tre chỉ tạo dáng cái lồng nhưng không ngăn được sự ra vào của không khí, của cái vô hình như hơi thở, như tiếng nói, như ý nghĩ, như tinh thần và linh hồn con người. Bởi vậy tuy đề tài rất “ngột ngạt” nhưng cách sắp đặt lại gợi lên được cái gì đó rất thoáng: đóng khung thế nào được Tự Do?
Thật thú vị khi so sánh tác phẩm sắp đặt này với bức tranh rất “khiêu khích” có tựa đề “Cuntology – 4” của Nguyễn Quỳnh.
Tôi có viết cho Nguyễn Quỳnh nhận xét của tôi: “Bức tranh tràn ngập (cái gọi là) đàn bà. Mà đàn bà là gì? Là khí âm, là sự sinh sôi nảy nở, sự bành trướng, là negative, là biểu hiện đông đảo của sự sống, trái ngược với (cái gọi là) đàn ông. Bởi vậy chính bức tranh của anh đã bị quy định, bị đóng khung, bị ghép khuôn. Nhưng biết đâu thời đại này là thế? Sự sống thời đại này đang nhìn thấy như thế?”
Nghĩa là trái với đề tài có vẻ hết sức “thoải mái,” bức tranh của Nguyễn Quỳnh lại tạo nên cảm giác chật chội của ứ đọng dư thừa (vật chất, niềm khoái lạc?). Có phải cứ nhiều là “sướng” đâu!
Hiệu ứng của hội họa (cũng như văn chương, các ngành nghệ thuật khác) với người thưởng thức có thể nói là vô tận, muôn màu muôn vẻ, tùy theo góc độ và cảm nhận của mỗi người. Bởi vậy có lẽ cái khó nhất của đời sống là người này chấp nhận nổi ý kiến của người kia, nhưng cũng may, tính cách sáng tạo của người nghệ sĩ thường cũng chảy trôi như đời sống của họ, nên chẳng mấy khi họ có đủ “nhàn hạ” để “nổi giận” lâu.
Tôi rất thích ý kiến này của Nguyễn Quỳnh:
“Tôi kinh-ngiệm rằng, ví zụ tôi có í (idea) về một mầu “đỏ” cho tấm tranh sắp tới của tôi. Nhưng mầu “đỏ” trong í (idea) của tôi và mầu đỏ tôi fa chế và đặt lên tranh không jống nhau. Nó có thể làm tôi thất vọng và cũng có thể làm tôi thú-vị, nhưng KHÔNG LÀ MẦU ĐỎ theo mong muốn của tôi. Mầu “đỏ” trong đầu tôi không có không-jan, chất-tính (pigment) và xúc-jác (tactile). Nó hoàn-toàn trong cõi mơ-hồ và không có thật như mầu “đỏ” trong tranh. Tôi lại ngiệm ra rằng, mỗi lần vẽ (painting) và í (idea) không jống nhau có thể là một thất-bại cho tôi và cũng có thể là một thành-công bất-ngờ cho tôi. Tất cả ra ngoài zự-tưởng của tôi”.
Ý kiến này cho thấy sự kỳ diệu của sáng tạo, và tuyệt vời nhất là nó cổ vũ sự dấn thân cho tác phẩm của người nghệ sĩ. Khi sáng tạo, một trong những phiêu lưu của nghệ sĩ là rút cục không biết cái mình tạo ra có như mình muốn, mình mường tượng không? Một trong những đặc điểm nổi bật của Nguyễn Quỳnh là anh luôn ở trong “thời hiện tại”: nghĩa là đang làm một cái gì đó, chứ không chỉ nghĩ. Quan niệm “thời hiện tại” của Nguyễn Quỳnh thể hiện trong câu anh trích dẫn: “Kandinsky mở đầu cuốn Über das Geistige in der Kunst, thế này: Mọi Ngệ-thuật đều là con đẻ của Thời-đại (Zeitgeist).” Nguyễn Quỳnh đang sống trong thời đại ngày nay bên Mỹ, nơi không có xe hơi và không biết lái xe để đi làm thì…về Việt Nam mà ngồi tiếp ở quán nước vỉa hè!
Còn Nguyễn Minh Thành đang ở Việt Nam thì sao?
“…Cứ vĩ đại hoá trên cái đống rác cũ. Nên văn hóa nước mình cũng vậy. Lạc hậu là vì thế. Lạc hậu sinh ngộ nhận, lầm lẫn. Đó là hậu quả của tập quán lâu đời học thuộc lòng, mà tập quán này bởi không hiểu tự do và giá trị của tự do nên không có tự do. Không có tự do cũng tại vì không sống trung thực từ lâu đời. Không trung thực nên lừa người khác, và lừa cả mình. Thế thì tự do không xảy ra, nên nghệ thuật cũng không xảy ra…
Quả thật tôi đã chứng thực cho riêng tôi thấy về nỗi sợ hãi lớn như thế nào tại Hà Nội. Tôi ngắm nhìn người ta đi trên phố, có người sang kẻ hèn, nhưng đều được ướp trong cùng dung môi sợ hãi đó. Tôi cũng sợ nữa, nhưng từ nay, tôi biết tôi cần gì. Tôi cần tìm phương cách giải nỗi sợ hãi trên tôi. Khi tôi thấy nỗi sợ hãi lớn bao trùm ấy thì tôi cũng không suy tính làm triển lãm về chính trị nữa. Bởi tôi không hề thích đấu tranh với xã hội. Tôi chỉ muốn thuyết phục nếu có ai nghe. Tôi tin tưởng một cách cực đoan rằng: đấu tranh chỉ làm cho trái đất này dơ bẩn và xơ cứng. Từ đó đến nay, tôi lo vẽ trong yên lặng nhiều hơn và vẽ chậm. Tôi tin ở những bức tranh hai chiều sẽ có lối riêng, dẫn tôi đi trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam.”
Ý kiến của Nguyễn Minh Thành là suy tư của những trí tuệ trẻ có thực tài, thích hành động, liên tục thể hiện mình, và hơn hẳn nhiều người trong thế hệ đàn anh hoặc cùng thời với mình ở sự tỉnh táo.
Chính vì Nguyễn Minh Thành quan niệm kiến thức là lý thuyết nên anh đi thẳng vào vấn đề nổi bật của giới mỹ thuật Việt Nam ngày nay: tình trạng thiếu kiến thức về thế giới bên ngoài của những nghệ sĩ trẻ. Bức tranh “Cậu Bé Lai Tây” gần đây của Nguyễn Minh Thành tuyên bố tìm về những giá trị của cái đẹp có tính pha trộn, không đặt nặng trên cái gọi là “tính dân tộc.”
Tất nhiên, cuộc thảo luận bàn tròn về mỹ thuật còn rất nhiều điểm lý thú khác, nhưng khi viết bài này đầu óc tôi chỉ quanh quẩn với một vài ý kiến của Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Quỳnh, là hai họa sĩ có những phát biểu tôi thích. Bởi vậy, biết đến đâu, nghĩ đến đâu, tôi xin viết ra đến đó.
Tôi có ý nghĩ hơi khác về tiếng Việt so với họa sĩ Trịnh Cung. Trịnh Cung cho rằng:
“Nguyên nhân thứ hai khiến thơ Việt đã “hiu quạnh” (chữ của Nguyễn Quốc Chánh) còn “hiu quạnh” hơn nữa là vì phải viết bằng tiếng Việt như nhà thơ eL. đã nêu ra trên Bàn Tròn Thơ. Các nhà thơ Việt thì phải làm thơ bằng tiếng Việt, chẳng lẽ làm thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Tàu hay tiếng Ấn Độ? Khổ nỗi, thơ tiếng Việt người Việt đã ít đọc huống chi người nước Tây, nước Tàu. Một dân tộc nhỏ đủ mọi thứ chỉ trừ “bóp cò” là số zách như Việt Nam thì người các nước lớn mấy ai mà đi học văn chương Việt Nam để thưởng thức đến nơi đến chốn cái tinh tế trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của các nhà văn, nhà thơ Việt. Đây là lý do nói lên vì sao văn chương Việt không có mặt trên văn đàn thế giới dù chỉ trong phạm vi sách dịch. Nếu Linda Lê, Đinh Linh, Anh Do… những nhà văn nhà thơ Việt kiều này không viết bằng Pháp ngữ hay Anh ngữ thì chắc chắn năm trăm phần trăm họ chỉ là những nhà văn Việt lưu vong vô danh đối với đất nước họ đang định cư.”
Có thể họa sĩ Trịnh Cung sống ở Việt Nam nên không thấy tiếng Việt quý như thế nào đối với đám “lưu vong” xa quê hương đất nước.
Đối với tôi trước hết tiếng Việt quý vì là tiếng mẹ đẻ, một thứ của “trời cho” vừa sinh ra đã nhận được (và vì thế tôi rất ngậm ngùi cho lũ trẻ con Việt sinh ra ở xứ người – trong đó có con tôi – tiếng mẹ đẻ của chúng không phải là tiếng Việt nữa).
Thứ đến tiếng Việt là thế giới bên trong của những kẻ sống xa quê hương. Càng biết nhiều về thế giới bên ngoài (xứ mình đang sống) người ta càng có nhu cầu quay về cái thế giới bên trong này. Đơn giản thì lập hội đoàn để cùng nói tiếng Việt… với nhau. Khó hơn thì… ngồi một mình dịch những gì mình thích, mình hiểu được của xứ người ra tiếng mẹ đẻ, chưa cần biết dịch để làm gì và cho ai, mà chỉ vì sự thích thú được xử dụng tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt bao giờ cũng quan trọng đối những người tự coi mình là người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu. Để ít nhất hôm nay chúng ta còn có thể cùng trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt trên trang litviet này!
Budapest, 02.03.2012