Sau Bàn Tròn Mỹ Thuật (litviet đã đăng làm hai kỳ, 11 và 18 tháng Hai, 2012), tôi thấy cần trao đổi thêm với họa sĩ Nguyễn Quỳnh một số điểm nhằm tránh ngộ nhận từ phía đọc giả. Những ý kiến sau đây của tôi cũng có thể được nói ngay trong bàn tròn, nhưng vì không muốn một cuộc thảo luận gồm nhiều người lúc đó trở thành một đối thoại tay đôi về những chi tiết rất cụ thể, trong đó gồm nhiều chi tiết liên quan đến lịch sử hội họa miền Nam trước 1975, là một đề tài mà những người còn lại trong bàn tròn không quen thuộc, tôi nghĩ tốt hơn nên trao đổi riêng với họa sĩ Nguyễn Quỳnh sau khi bàn tròn kết thúc.
Trịnh Cung
—
Nguyễn Quỳnh: “…Hầu hết những sách anh Trịnh-Cung nêu ra không fải zo những người trong ngành chuyên môn về Sử Mĩ-thuật. Người Fáp viết rất hoa-lệ (Helenistic) về lịch-sử mĩ-thuật nhưng thực chất nông cạn…”
Nhận định trên đây của Nguyễn Quỳnh thật thiếu tôn trọng đối với nhà xuất bản Hachette, một trong những nhà xuất bản lâu đời và danh tiếng của nước Pháp, cũng như với cuốn sách L’Aventure de l’Art au XXe Sìecle và một ủy ban khoa học gồm có 3 chuyên gia lịch sử mỹ thuật rất tên tuổi như Madeleine Deschamps, Serge Fauchereau, Lionel Richard và hơn 30 nhân vật tham gia biên tập, tất cả họ được chủ trì bởi Jean Louis Ferrier và Yann le Pichon, những tên tuổi hàng đầu trong lãnh vực lịch sử và phê bình mỹ thuật của Pháp.
Tôi nghĩ, ngày nay, Mỹ rất mạnh về mỹ thuật và đi đầu trong nghiên cứu và truyền thông về mỹ thuật, nhất là mỹ thuật đương đại (Contemporary Art) nhờ 2 yếu tố: cởi mở và giàu có, nhưng Pháp hay Châu Âu vẫn là trung tâm của triết học và văn hóa đáng cho thế giới kính trọng. Hơn nữa, riêng lịch sữ mỹ thuật hiện đại (Modern Art) không ai giỏi hơn họ vì tất cả những sự kiện lớn về mỹ thuật hiện đại đều xảy ra ở Châu Âu, mà Pháp là trung tâm. Ngay cả nhà lịch sử mỹ thuật chính gốc Hoa Kỳ, Barbara Rose, tác giả cuốn American Painting Twentieth Century, cũng đã nhìn nhận điều này trong chương “The Armory Show and Aftermath.” Sau đây là trích đọan vài thông tin về nhà xuất bản Hachette và tiểu sử của Jean-Louis Ferrier, theo Wikipedia, mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên internet:
“Hachette Livre, French pronunciation: is a French publisher, the flagship imprint of Lagardère Publishing. It was founded in 1826 by Louis Hachette as a bookshop and publishing company. Hachette has its headquarters in the 15th arrondissement of Paris. In 1996 it merged with the Hatier group.”
Còn đây là tiểu sử của Jean-Louis Ferrier:
“Jean-Louis Ferrier a été professeur honoraire à l’École nationale des arts décoratifs, critique d’art et journaliste à L’Express puis au journal Le Point.
Il a publié de nombreux livres sur l’art :
• Aux éditions du Chêne : L’Aventure de l’Art au XIXe siècle ; L’Aventure de l’Art au XXe siècle ; Les Grands peintres du XXe siècle.
• Aux éditions Terrail : Paul Klee ; Les Fauves ; Picasso.
• Aux éditions Denoël : De Picasso à Guernica ; Dali Leda Atomica.
• Aux éditions Jean-Michel Place : Le Diable confiseur.
• Aux éditions Marabout Université : Comprendre l’esthétique” en collaboration avec André Akoun
• Aux éditions Hachette Littératures : Brève histoire de l’art(Trente tableaux de la Renaissance à nos jours)
• Voir l’artiste peintre François Jousselin
• Voir La Nouvelle figuratio”
Nguyễn Quỳnh: “…Tháng Ba 1974, sử-ja Mĩ-thuật nổi-tiếng người Fáp là Paul Selz tới Sàigòn. Xem tranh tôi hồi đó, ông đã nói ngay: “Très originale, très personelle!…”
Câu này, ông Paul Selz, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Nghệ Sĩ Tạo Hình Châu Âu, người mang họa phẩm gốc của các danh họa hiện đại Châu Âu đến triển lãm lần đầu tại Sài Gòn năm 1974, nơi triển lãm là Thư Viện Quốc Gia nằm trên đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ), cũng đã nói câu tương tự với chúng tôi (Mai Chửng, Nguyễn Trung, Trịnh Cung…) tại cuộc triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ đang diễn ra cùng lúc đó tại La Dolvita Gallery trong khách sạn Continental, Sài Gòn. Tôi nghĩ, đây chỉ là một câu nói xã giao.
Nguyễn Quỳnh: “…Chớ ngĩ rằng một người làm tranh theo kĩ-thuật của người khác, như “cạo-nạo sơn trên vải bố” là tấm tranh của người ấy thành công…”
Tôi nghĩ,”cạo nạo sơn trên vải bố” chỉ là một trong nhiều kỹ thuật vẽ sơn dầu, ai muốn áp dụng thì cứ vô tư, nhất là những họa sĩ trẻ. Ai cũng hiểu rõ sự thành công của một tác phẩm phụ thuộc chính vào hiệu quả cảm xúc mà bức tranh mang lại cho người xem, chứ không ai ngây thơ và đơn giản đến mức nghĩ rằng bắt chước theo kỹ thuật của người khác là thành công.
Nguyễn Quỳnh: “…Về thơ của Paul Klee: Đúng là trước đây tôi đã viết zường như tôi chưa thấy thơ của Paul Klee. Hoạ-sĩ Trịnh Cung đã triển một bài thơ ngắn của Paul Klee điều này làm tôi nhớ lại kí-ức trên 40 năm về trước. Khi thuyết-trình Paul Klee and I tại Goethe Institut (viết theo tiếng Đức), tôi có loáng thoáng thấy cái gọi là “thơ” của Klee. Thú thật, tôi rất kính trọng thơ nên đã không để í, và không coi “thơ” của Klee là điểm quan-trọng (có thể nói “rất tầm-thường”), cũng như kịch-ngệ của Picasso không fải là điểm đáng bàn. Tôi ngĩ rằng ai cũng có tự zo bước vào các lãnh vực khác, nhưng fải rất jỏi. Ví-zụ James Joyce rất vĩ đại trong văn-học, nhưng khi ông ta viết nhận-xét về văn-học thì quá iếu-kém…”
Trong nhiều ý kiến của Nguyễn Quỳnh, anh luôn cho thấy anh rất đề cao cách làm việc của người Mỹ, vậy mà thơ Paul Klee đã được một nhà xuất bản Mỹ uy tín tuyển chọn một cách trân trọng bởi những nhà nghiên cứu văn học Mỹ, lại bị Nguyễn Quỳnh đánh giá là tầm thường, và rất cao ngạo khi anh nói: “Tôi có loáng thoáng thấy cái gọi là “thơ” của Klee”.
Nguyễn Quỳnh: “…Tháng Ba 1975, tôi có một cuộc triển-lãm tranh trong đó khoảng ¼ là tranh lên án hai miền Nam-Bắc. Cuộc triển lãm này được bộ Jáo-zục cho fép vì tôi là hội-viên của Uỷ-ban Zịch-thuật Quốc-ja, không bị chính-quyền fản đối. Nhưng một số họa-sĩ (trong nhóm Hội Hoạ-sĩ Trẻ ở Sàigòn) lên án…”
Tháng 3-1975, Ban Mê Thuột đã thất thủ, miền Trung ”gãy súng” và tháng Tư thì kết liễu Sài Gòn, vậy Nguyễn Quỳnh còn ung dung để làm cuộc triển lãm này? Trong cuộc triển lãm này như anh đã công bố trong Bàn Tròn Mỹ Thuật có bức “Cách Mạng Vô Sản” và những bức vẽ cảnh “tướng-tá và công-chức ở miền Nam ‘bú lẫn nhau’,” nhưng chỉ thấy anh trưng ra bức “Cách Mạng Vô Sản,” còn những bức vẽ bôi bẩn chế độ Việt Nam Cộng Hòa sao không công bố luôn để lịch sử mỹ thuật Việt Nam được phong phú?
Với tôi, từng là Tổng Thư Ký và Phó Chủ Tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, xin cam đoan với anh là không có ai trong chúng tôi lên án cuộc triển lãm này của anh, thời điểm hiểm nghèo này không ai còn tâm dạ nào để ý đến mỹ thuật.
Nguyễn Quỳnh: “…Chúng ta cần gi nhận: Hội Hoạ-sĩ Trẻ Việtnam ra đời jữa thập-niên 60 là công-lao của Bác-sĩ Nguyễn Tấn-Hồng, nguyên bộ-trưởng Bộ Thanh-niên và Cựu Chiến-binh. Hội-trưởng đầu tiên là hoạ-sĩ Ngi Cao-Uyên và Nguyễn Trung là Fó Hội-trưởng, ra mắt ngay tại tư-zinh của Bác-sĩ Hồng. Họa-sĩ Ngi Cao-Uyên mang tranh của hội-viên Hội Hoạ-sĩ Trẻ Việtnam sang trình bày tại Washington, DC. Theo họa-sĩ Ngi Cao-Uyên, thì jới thưởng-thức tranh Hoa-kì nhận-định rằng những tác-fẩm ấy là: “sự suy-tàn hay xuống zốc (decadence) của hội-họa Fáp”. Sau này Hội Hoạ-sĩ Trẻ Việtnam còn nhận được sự júp đỡ về vật-liệu xây cất đến từ Bộ Tư-lệnh Không-quân…”
Tôi nghĩ những ý kiến trên của một giáo sư sử học về mỹ thuật như Nguyễn Quỳnh là đáng tiếc vì nó mang tính thị phi, sai sự thật. Tôi là người có mặt trong buổi họp thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tại nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng. Ông là người cùng với họa sĩ Ngy Cao Uyên là những người đầu tiên khởi xướng sáng lập ra Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Khi chúng tôi chưa có trụ sở, những cuộc họp của chúng tôi đều được bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng cho mượn nhà. Ông ấy là một người nhân hậu, vô vụ lợi, yêu sáng tạo và ủng hộ những tài năng trẻ. Đối với chúng tôi, dù sau đó không còn gặp gỡ cho đến khi ông qua đời tại Canada, ông ấy vẫn đáng được kính trọng vì đã mang lại cho chúng tôi cái cơ duyên hợp lực làm nên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.
Về việc Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam nhận được sự trợ giúp vật liệu xây dựng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa là một thông tin đồn đại. Sự thật là những khối gỗ thông dùng để làm doanh trại của Không Quân thuộc Tân Sơn Nhất, thông qua họa sĩ Ngy Cao Uyên, một sĩ quan của Không Quân-Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã trao đổi cho họ bằng tranh để có đủ gỗ làm trụ sở Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tại góc đường Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ khởi Nghĩa. Họa sĩ Hồ Thành Đức, một ủy viên ban chấp hành hội, là người trông coi việc sử dụng số gỗ này và tiến hành dựng nên trụ sở riêng của hội. Xin nói rõ là ở đây không hề có việc “nhận được sự júp đỡ về vật-liệu xây cất đến từ Bộ Tư-lệnh Không-quân…”.
Nguyễn Quỳnh: “…Họa-sĩ Thái-tuấn: Năm 1989, tôi gặp họa-sĩ Nguyễn Cầm tại New York City, và tôi rất ngạc nhiên khi nge Nguyễn Cầm nói: “Thái-tuấn rất mến cậu (Nguyễn Quỳnh). Ông ấy nói “cậu học jỏi và có tài!” và “thiên-hạ tìm cách zìm cậu”. Thú thật, tôi không bao jờ để í đến chuyện này. Tôi có nhiều buổi ngồi nge và nói chuyện với Thái-tuấn tại studio của ông. Thái-tuấn không hiểu í-niệm thẩm-mĩ của Hegel, mặc zù ông có những í hay. Sau này, có lẽ Thái-tuấn đọc những bài viết của tôi về Paul Klee đăng trên Sóng-thần. Tôi đã đọc lại tất cả các số Sáng-tạo đến từ University of Hawaii. Những bài viết về ngệ-thuật trong báo đó sai vì người viết không có căn-bản. Chỉ có những bài điểm fòng tranh, chứ không thể nói là fê-bình. Fê-bình là một việc làm đòi hỏi thông-minh, uyên-bác, nhiều công-fu và kỉ-luật. Có lần, trên một tờ báo có người hỏi Thái-tuấn là ông ngĩ jì về thế-hệ họa-sĩ trẻ, và Thái-tuấn đã trả lời “Tôi không có kì-vọng jì ở họ hết!…”
Là một nhà sử học và triết học, một họa sĩ rất tài năng như Nguyễn Quỳnh thì không nên căn cứ vào những lời nói “làm quà” kiểu của Nguyễn Cầm. Ở Sài Gòn thời trước 1975, chẳng ai tìm cách dìm Nguyễn Quỳnh đâu. Ví dụ như chúng tôi thời ấy, đều là những họa sĩ rất trẻ, dân nghèo tứ xứ, không ai có chỗ dựa thế lực, nổi lên là nhờ có tác phẩm được xã hội đón nhận. Đó là một câu nói có tâm địa gây thù óan. Tôi không tin anh Thái Tuấn nói như vậy, vì anh ấy là một người lớn, có địa vị trong ngành mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ, một họa sĩ tự do, một người trí thức ủng hộ nghệ thuật mới của giới trẻ. Làm nghệ thuật, nổi hay chìm cũng đều có số phận
Khi kết luận những bài viết về mỹ thuật trong tạp chí Sáng Tạo là “sai vì người viết không có căn-bản,” Nguyễn Quỳnh nên đưa ra một vài dẫn chứng. Nếu trích lời ai nói cũng nên lựa những người mà tên tuổi của họ đã có uy tín và có thẩm quyền phát ngôn về chuyên môn, chứ anh – một nhà lịch sử mỹ thuật – không nên viết kiểu: “Một lần khác, zường như trước khi qua đời, Thái-tuấn viết đại-cương thế này (xin hỏi anh Đặng Hải-sơn, Fòng-tranh Tự-zo, SG để biết chính xác): “Tôi đã tìm ra cái đẹp nên tôi không cần tìm nữa!”… Anh Đặng Hải-sơn đây chỉ là một chủ phòng tranh ở Sài Gòn, lời kể của anh không có đủ tính tư liệu để dựa vào đó đánh giá về một nhân vật như họa sĩ Thái Tuấn.

Cuối cùng, tôi rất mong Nguyễn Quỳnh coi những phản hồi của tôi trên đây là một trao đổi xây dựng, không có tính tỵ hiềm hay hơn thua cá nhân. Mặt khác, cá nhân tôi lúc nào cũng quí trọng tài năng và sở học uyên sâu của bạn. Chúc khỏe và may mắn thật nhiều.
Sài Gòn, 21.2.2012