Trần Vũ
—
Sau Tết Canh Ngọ 1990, Nguyễn Khắc Vĩnh sống lâu ở nước ngoài đưa Trương Mạn Ngọc trở về Huế. Ngôi nhà của dòng họ Nguyễn Khắc nằm ở số 60/13 Điện Biên Phủ, tức là đường Nam Giao cũ. Khi còn ở ngoại quốc, Vĩnh thường kể với Ngọc về ngôi nhà đầy kỷ niệm của gia đình mình cách bờ sông Hương non một dặm về hướng Nam. Lẫn trong những mẩu chuyện quá khứ của chồng, Ngọc luôn cảm tưởng Vĩnh bị ám ảnh bởi các phế tích cũ nằm rải rác phía sau nhà ra đến chân chùa Vạn Phước. Những ngôi mả loạn, giếng loạn, tình nghi là thuộc thời Tây Sơn mà Vĩnh kiêu hãnh kể lại những đuổi bắt trên gò đống tha ma lúc nhỏ, với một người bạn thân duy nhất, tên Trịnh Hải Đàm.
Về tới trước cổng, Vĩnh xúc động trông thấy. Mồ hôi rịn từ lỗ chân lông, bỗng vã ra đột ngột cùng với xúc động bùng vỡ của bao năm ngăn cách. Toàn thân Vĩnh lạnh hẳn đi, tay chân cứng không sao cất bước được. Vĩnh líu ríu nói không ra lời, trong lúc Ngọc bỡ ngỡ nhìn ngắm cơ ngơi của gia tộc chồng. Căn nhà cất xây theo lối nhà vườn Huế, nên các tàn lá sum xuê bủa rộng từ những thân cây chi chít trĩu cành. Hơi gió rì rào, man mát qua đầu mọi người. Vĩnh choáng váng lúc bước lên lối đi dẫn vào gian chính giữa, dùng làm gian nhà thờ, mà theo tục xây cất cổ hãy còn giữ lại một bức bình phong sừng sững, sần sùi với hàng chữ tô nổi Phúc Thọ. Họ hàng, người nhà đổ ra đón Vĩnh. Bà Ngãi trông thấy con, xổ òa tóc tai bù lu bù loa kêu gào kể lể. Tiếng khóc giọng phường Đúc của mấy mụ đàn bà trong họ tỉ tê ri rỉ y hệt nhà có đám. Vĩnh đứng chết lặng trong vòng tay gia đình. Hành lý vất ngổn ngang cho lũ cháu lục lọi. Chỉ có Ngọc là xa cách, lạ lẫm, đứng riêng biệt một góc nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt.
Vĩnh cùng khóc với bọ mạ một lúc thì hồi lại. Giây phút giao cảm với số phần mà trời đất đặt định qua đi, Vĩnh mới từ từ nhận ra những khác biệt mâu thuẫn lạ lùng đang nẩy sinh thành tâm trạng của chính mình. Không ai hiểu được Vĩnh lúc đó. Hiểu được cảm giác của người đàn ông mười sáu năm sau trở về, còn trông thấy cái vỏ ốc do chính tay mình ném vào bể nước cạn thuở bé, hãy còn nằm nghẽn trong ngách. Những vết sẹo mủ ở thân cây tươm ra từ vết dao nghịch ngợm tuổi thơ vẫn còn đó. Vết dao cắt vào da thịt Nguyễn Khắc Vĩnh lúc ấy. Một nửa tâm trạng Vĩnh đắm chìm vào ký ức cũ. Bừng bừng như sóng dội. Và một nửa tê liệt không hồn phách. Ở giữa, len vào chấn động của tình cảm vụt đứt lìa rồi vụt hàn nối, là một ấn tượng mới — tất cả vụt thu nhỏ lại.
Vĩnh ngắm sắc lá xanh thâm thẫm của khoảng sân vườn rộng mênh mông, vẫn khoảng sân ấy với sắc lá ấy, bấy lâu rập rờn ẩn hiện trong trí não Vĩnh, um tùm rậm rạp âm u trong ký ức Vĩnh, bỗng hiện ra chỉ vỏn vẹn một doi đất rào ngay ngắn, với dăm hàng chè tươi mọc trĩu qua lối đi. Cả ông bà Ngãi cũng nhỏ quắt queo. Ông Ngãi không còn phương phi hộ pháp. Người thím họ co rút lại giống bị tàn phế và thằng Hậu ─ đứa em kế Vĩnh ─ không cao thêm được chút nào.
Ông Ngãi gọi Vĩnh và Ngọc ra lạy trước khán thờ tổ. Nhưng Ngọc theo đạo Công giáo vùng vằng tỏ ý không chịu. Vĩnh bất đắc dĩ phải quỳ lạy một mình. Bó nhang bén lửa phựt lên như tâm thần Vĩnh hực cháy. Vĩnh phải vẩy mấy lần trước khi cắm vào bát sành bày trên hương án. Gian buồng thờ tối om, âm u đe dọa trong trí nhớ Vĩnh bao năm ở ngoại quốc, với hình nộm Phương Tướng cầm đao đuổi quỷ dữ tợn, với lá thế kỳ màu đen thêu bốn chữ “Hổ Sơn Vân Ám”, tự dưng hóa ra bình thường, thô dị, khi Vĩnh ngửng lên giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đám đông họ hàng chờ đợi, vái lạy rồi xá vong. Vẫn chừng ấy thứ đồ cúng. Một mâm ngũ quả, hai đĩa xôi gấc, một đĩa thịt luộc, hai cây đèn sáp, một lọ hoa huệ và chiếc lư đồng. Khác chăng là di ảnh của những người quá cố, đã khuất mặt, mà thuở niên thiếu Vĩnh luôn tránh ánh mắt, lúc này tẻ lặng bất lực, bạc màu. Toàn thân Vĩnh ngầy ngật, đầu óc bần thần rã ra vì ý nghĩ đang va chạm quá khứ, gặp lại tâm thức cũ, nhưng cùng lúc không phải là tâm thức cũ. Quá khứ đang dịch chuyển. Tất cả đã thun lại. Ngay cả xúc động lớn lao bồi hồi mới vừa rồi khi Vĩnh trở về đất tổ, cũng đang thu nhỏ lại dần.
*
Bà Ngãi làm bốn món chính mực ống nhồi, bò bóp thấu, bún giấm nuốc với một thẩu tôm chua để đãi con và dâu ở nước ngoài về. Mùi nhang đèn, mùi rượu cồn đốt từ đống vàng mã ông Ngãi đương hóa vàng trước khuôn tĩnh chôn sau vườn xông lên nồng nặc, ngun ngút làm Ngọc khó chịu. Trước bữa ăn, Ngọc trông cái cốc thủy tinh bầy trước mặt mình có dính một cợn bẩn, mở ví lấy giấy ra chùi. Lúc thằng Hậu chuyền bún giấm nuốc, Ngọc lẳng lặng lấy đũa gạt sứa ra đĩa. Hai cử chỉ đó bị bà Ngãi và cả dòng họ Vĩnh bắt gặp. Ngọc phải nhìn lên bức hoành phi chạm lộng để tránh ánh mắt mọi người.
Sau chung đế Kim Long, tâm thần Vĩnh như người chết đuối được vớt, hồn không thoát đi nhưng nhập lại xác, từ từ tỉnh táo. Xúc động qua đi, Vĩnh ồn ào trả lời mọi người về đời sống ở nước ngoài. Đôi lúc Vĩnh cường điệu thêm vài chi tiết, đến cuối bữa ăn, Vĩnh bất chợt ngửng lên hỏi thăm về Đàm. Người chú họ nghe hỏi, đang no say cười sặc lên chế diễu: “Hắn về quê giống như Lữ Bố đi xa nhớ Điêu Thuyền…” Mọi người quanh bàn cùng cười rộ, nhưng Vĩnh không cười. Thằng Hậu thấy anh nóng ruột thì nhanh nhẩu đáp: “Anh Đàm công tác cho xí nghiệp ở Hội An chưa về.” Vĩnh nghe thằng Hậu nói, mắt đập vào bức mành vàng chanh mắc nơi hàng rầm thượng. Bao nhiêu năm bức mành vẫn ở y nguyên một chỗ, không xê dịch chuyển dời đi đâu. Vĩnh trông bức mành nhớ chỗ mình thường ngồi tập đàn tây ban cầm với Đàm. Căn buồng ăn không gió, nên bức mành thẳng đờ không lay động, chỉ có tiếng nhạc cũ vọng về.
Vĩnh lắng nghe âm thanh cũ, từ quá khứ còn vang rất nhỏ trong phòng, còn cả những tiếng nhấn từ ngón tay Đàm, cả nếp da vuốt lên dây đàn. Vĩnh cố hình dung ra cảnh tập đàn lúc trước, với bóng dáng Tịnh ─ bạn gái Đàm; thân áo lụa của Tịnh dán vào lưng dưới mái tóc lẳng đong đưa. Vĩnh muốn hỏi Hậu chị Tịnh còn đẹp hay không, nhưng gian buồng ăn đầy ắp tiếng động, tiếng cười ồm ồm của người chú họ, giọng phường Đúc của bà Ngãi, tiếng răng nhai trạo trạo của thằng Hậu và cả tiếng thở bực dọc của Ngọc lấn át quá khứ. Vĩnh không sao hồi tưởng lại được khuôn mặt Tịnh cứ nhòa đi bên cạnh bóng áo trắng của Đàm đến rồi đi, khi hiện mờ, lúc biến mất trước tấm mành. Không gian của quá khứ muốn trở về mà chưa nhập được vào đúng vị trí cũ. Còn thiếu một con ốc, một mũi chỉ, một kim may, khiến vẫn còn khoảng trống của một hình ảnh mà Vĩnh biết là do sự vắng mặt của Đàm.
Tàn tiệc. Chờ hết khách, ông Ngãi và thằng Hậu thay nhau khui những thùng quà Vĩnh đem về. Ông Ngãi kín đáo dặn gia đình đợi hết khách về mới khui, để trong họ không ai xin. Thằng Hậu lôi ra từng chai rượu Tây. Bà Ngãi một mình âm thầm thu dọn chén đũa đem xuống nhà dưới rửa, không quên liếc nhìn con dâu, lúc Ngọc quày quả bỏ bàn ăn vào buồng. Đêm khuya, trăng thượng tuần ở Huế lạnh lẽo, bà Ngãi úp hết chén bát, rồi nói với chồng: “Thằng Vĩnh hắn lấy phải con vợ mất nết.” Ông Ngãi chỉ ậm ừ không đáp. Thằng Hậu dọn mền chiếu ra gian ngoài nhường buồng cho Vĩnh và Ngọc, đang buông mùng trên đất, nghe vậy chen vào cãi: “Chị dâu hắn ăn mặc trộ nhứt Huế.”
*
Đêm đầu. Vĩnh vật vã không sao ngủ được. Gió lay màn cửa đập phộc phạch từng lúc thành tiếng động chầy vồ của quá khứ dộng từng nhát vào óc Vĩnh. Tiếng động của quá khứ hòa vào tiếng nước chảy róc rách ở ống cống sau hè. Mùi nhang đèn còn vướng u uất. Mấy chấm nhang lập lòe ngoài mả xưa. Dăm tiếng dế khuya gáy rìn rịt trong cỏ mượt và tiếng thở bực bội đứt quãng của Ngọc nằm bên cạnh không cho Vĩnh an giấc. Mớ hình ảnh cũ theo ánh trăng lại lan vào buồng, tràn chung quanh cột chống, dọi lên trần rồi quanh quất nơi cửa sổ. Nhưng thân thể đẫy đà thực tại của Ngọc, sát ngay cạnh, gần như một chướng ngại không cho Vĩnh trở về với tâm linh cũ. Vĩnh thấy mình xa cách hẳn với Ngọc, như cả hai không cùng nằm chung trên một giường, chưa từng gặp, chưa hề ân ái. Vĩnh muốn tâm sự với vợ, nhưng Ngọc nằm quay mặt vào vách, nói độc một câu duy nhất: “Tôi không ở đây lâu. Anh liệu đưa tôi trở sang bên ấy, không thì mướn khách sạn cho tôi ở.” Vĩnh im lặng, cố tảng lờ như không nghe. Trong bóng trăng, có tiếng nước rào rào thằng Hậu đi mót khuya dội cầu chảy tồ tồ thật mạnh. Vĩnh nghe vợ ngao ngán chép miệng. Suốt đêm, cả nhà ông Ngãi không có người nào chợp mắt.
*
Những xúc động của Vĩnh khi gặp lại Đàm, không giống những xúc cảm mãnh liệt đã xảy ra khi Vĩnh trở về Huế gặp lại song thân. Vĩnh đã chờ đợi, mường tượng, mơ ước, suy diễn phút giây gặp lại Đàm trăm nghìn lần, từ lúc còn ở ngoại quốc, ngay cả trong những giấc mộng dằn vặt, ám ảnh, Vĩnh luôn thấy mình gặp lại Đàm ─ như một chứng nhân tuổi trẻ của Vĩnh ─ biểu tượng cho quá khứ hoa niên. Trong giấc mơ, Vĩnh luôn ôm vồ lấy Đàm, đấm thụi thùm thụp vào lưng bạn, hét to, thét gọi gần như la khản tiếng để giải tỏa ẩn ức cô độc kềm hãm, bị dồn nén. Bằng trí tưởng, Vĩnh sướng lịm đi khi gặp lại bạn cũ. Hai người thanh niên nói với nhau thao thao hàng giờ, không có biên giới, không có ngăn cách giữa họ, như thể cả hai chưa xa nhau một ngày, một giờ, một giây khắc nào. Họ là đôi bạn. Cùng một tâm trạng. Cùng một tư thức, chung suy nghĩ. Nhưng lúc Đàm ở Hội An về, bước qua cổng, thì tất cả hoàn toàn khác.
Đàm mang dáng vẻ kham khổ của một người dân quê sống ở Quảng Trị nhiều hơn là nơi kinh thành Huế. Nước da đen sạm, cử chỉ hận đời, đôi dép đứt quai khâu lại bằng một cọng kẽm, gọng kính nhựa trầy nhiều chỗ, Đàm khác hẳn người bạn mà Vĩnh thường đèo sau lưng xe đạp qua cầu Bạch Hổ. Chỉ có nụ cười còn phảng phất chút đùa nghịch.
– Tưởng không gặp lại mày nữa. Đàm cất tiếng.
– Tao trông mầy. Vĩnh trả lời.
Đàm nhìn Vĩnh quan sát, rồi tự tiện vươn tay rút điếu thuốc ngoại Vĩnh để trong bao đặt ở góc bàn. Đàm nghịch nắp bật lửa, mở đậy, mở đậy rồi đập đập một đầu cán thuốc trước khi đưa lên kẽ răng châm lửa, thở ra từng sợi khói vàng đặc nghệ như da thịt của người Huế.
Tiếng động của bật lửa tiếp tục, cho đến lúc Vĩnh cất lời.
– Tao đi rồi có chuyện gì đặc biệt xảy ra không?
Vĩnh không biết bắt đầu từ đâu, thấy khó khăn trong câu chuyện. Đàm vẫn thở khói.
– Nhiều lắm, ban đầu chuyện chi cũng lạ, chướng tai gai mắt có, scandale có, thảm khốc có, riết rồi giống nhau không còn gì đặc biệt. Ngay cả bi kịch cũng trở nên bình thường. Lúc mầy mới đi, tao viết cả một tập nhật ký để dành cho mầy đọc, xong rồi cũng quẳng. Biển Thái Bình cũng không chứa hết chuyện của Huế. Nhưng mầy hỏi làm gì?
Giọng Đàm tàn nhẫn. Vĩnh không dám đi sâu vào những câu chuyện đau thương của Huế, rót cà phê vào hai cốc, cố nhớ những chuyện đã kể với Đàm trong giấc mơ, khi còn ở ngoại quốc nằm mộng trở về đất Việt.
– Mầy còn nhớ phim Ben Hur mình xem đầu năm đệ tam? Cuốn phim La Mã có thằng Charlton Heston đóng.
– Nhớ.
– Tao sang bên ấy có xem lại. Cái cảnh mà thằng Messala người La Mã trở về Jérusalem tìm thằng bạn cũ kết nghĩa Do thái Ben Hur, hai đứa nó phóng lao lên đà nhà, hai cây lao bay vút đi rồi chập làm một cắm sát vào nhau, tao có ý nghĩ thật kỳ cục nếu Thượng đế cho phép trở về Huế gặp lại mầy, tao cũng bắt chước làm như vậy. Mầy ở nhà không hiểu sự mong ước của người ra đi, nhớ nhung quay quắt đến cỡ nào.
Vĩnh nói một hơi, mắt Vĩnh không nhìn thấy ngôi vườn với những gốc cau, mà nhìn thấy cảnh Messala mặc áo choàng La Mã cùng với Ben Hur đua ngựa và Esther, người yêu Do thái của Ben Hur thật đẹp. Vĩnh tự dưng nghĩ vu vơ đến Tịnh, đến dáng mình dây của Tịnh cho đến khi bị Đàm cắt ngang ý nghĩ.
– Mầy muốn ví tao là thằng Ben Hur bị trị thống khổ?
Đàm nhếch môi cười không có tiếng.
Chỗ Đàm và Vĩnh ngồi, có một lằn nứt sâu của đất chạy dài ra tới khuôn tĩnh. Với người xưa, đó là dấu hiệu của đất bị chạm long mạch tối kỵ. Nhưng với Đàm, thế hệ sinh sau không hề có sự bận tâm cho đất cát, ngoài giá đất. Đàm dụi tàn thuốc xuống cái khe nứt, trong lúc Vĩnh lắc đầu.
– Không hẳn. Ý tao muốn nói là những kẻ ra đi không thực sự sung sướng như bọn chúng mầy nghĩ đâu. Tụi tao bị dằn vặt tinh thần. Bằng chứng là suốt mười sáu năm tao chỉ có một mơ ước duy nhất trở về Huế để gặp lại gia đình, mầy, trông thấy thành phố này một lần nữa rồi mãn phần.
Vĩnh muốn thêm “gặp lại Tịnhm,” nhưng ngừng kịp.
– Mãn phần?
Đàm đang khuấy cà phê, ngửng lên ngạc nhiên nhìn Vĩnh.
Vĩnh chưa kịp giải thích thì Đàm bật phá ra cười.
– Mãn phần? Có hàng triệu thằng ở đây chỉ mong được chết sung túc, trong một cái áo quan tiện nghi chôn ở Nữu Ước, huyệt đào dưới chân thần Tự Do trong lúc mầy đòi mãn phần ở cái xứ sở này! Trái đất đúng là một cái vòng. Chết thì thành vòng luân hồi, sống thì là vòng tròn lẩn quẩn. Mầy thực sự muốn mãn phần ở Huế hay vì hám lăng?
Giọng Đàm mỉa mai, làm Vĩnh bực.
– Bọn chúng mầy mới là những đứa hoang tưởng. Thứ nhất thằng nào nói với mầy sở thích chết chôn ở New York, nó sẽ không được toại ý.
Vĩnh lớn tiếng, hai chữ “hám lăng” làm Vĩnh khó chịu.
Thấy Vĩnh sẵng. Đàm sẵng lại:
– Tại sao? Sống mới khó, chết rất dễ. Nhất là chết trong phú quý.
Đàm đốt thêm điếu thuốc ngoại, nhìn Vĩnh bằng một sự ngờ vực mà trước đây chưa hề có. Vĩnh cũng nhận ra giữa mình và Đàm không còn sự cảm thông như trước. Chỉ có nhân dáng của tình bạn, còn tình bạn thực sự thì họ chưa tìm lại được.
Vĩnh nhìn những ngón tay chai sần của Đàm.
– Đúng. Chết thật dễ. Nhưng tiền mua đất để chôn thì không dễ kiếm. Mầy chưa bao giờ trông thấy cái lò thiêu xác ở New York. Nó không phải là một cái lò, mà là căn phòng của địa ngục. Địa ngục của bọn da trắng. Tin đi, trông thấy mầy sẽ sợ, vì biết chắc chín mươi chín phần trăm là mầy sẽ phải kết thúc cuộc đời trong căn phòng đó. Ở Huế ít ra có thể được chôn sau vườn, giỗ tết hương khói hoa quả đầy đủ, sống gần người thân, chết gần người thân, hồn lìa thì xác vào nằm trong đất mẹ. Tụi mầy vọng ngoại làm sao hiểu được hạnh phúc của một kiếp người chỉ cần chừng ấy.
Câu chuyện gặp gỡ, không ngờ trở thành cuộc cãi vã. Đàm nhìn Vĩnh lạ lẫm. Vĩnh biến mất khỏi cuộc sống Đàm, bẵng đi mười mấy năm, rồi tự dưng trở về nói những chuyện nhân sinh — cuộc đời, con người, kiếp người, hạnh phúc sau khi chết — những chuyện gần như hoang tưởng khi Đàm phải chạy gạo từng ngày. Những đề tài mà họ chưa khi nào đề cập với nhau và kỳ quặc là trong giọng nói giảng đạo của Vĩnh, ít nhiều tính trịch thượng làm Đàm bất mãn. Đàm cắn cán thuốc rồi phun xuống khe đất nứt. Dễ đến hai trăm năm từ lúc dòng họ Nguyễn Khắc theo chúa Nguyễn vào lập nghiệp đất này. Long mạch bị động là phúc hay là hại? Đôi khi đất cần nứt để toát hết âm khí… Đàm ngẫm nghĩ vừa tự hỏi, vừa nhìn Vĩnh chăm chú ở mọi góc độ, đến nỗi Vĩnh cũng nhận ra sự lạ lùng trong đôi mắt Đàm. Biết mình vô ý lớn tiếng, Vĩnh đâm ngượng, bỏ ngang cuộc bàn cãi.
Tự trong thâm tâm Vĩnh thất vọng về Đàm thì ít, mà thất vọng với chính mình thì nhiều. Ước muốn ôm chầm lấy người bạn học cũ một thời gắn liền với tuổi trẻ của Vĩnh vẫn còn đó, nhưng chỉ ở yên trong lòng mà không sao chuyển hóa thành hành động. Vĩnh không sao thực hiện, nhấc tay lên được. Làm như tình bạn đã tê cứng, không thể động đậy, hay có một phiến chắn tách rời Vĩnh với chung quanh. Rõ ràng là Vĩnh không thể xiết tay Đàm, chạm lấy da thịt Đàm, làm như có một biến đổi lạ lùng nào đó ở Vĩnh, hay ở xứ mẹ, mà Vĩnh không sao biết là ai thay đổi, nhưng cảm được sự khác biệt rõ rệt mỗi khi Vĩnh giao tiếp với những người chung quanh. Thậm chí ngay đến cả sự hiện diện của Đàm, mà mới đêm rồi, Vĩnh hãy còn cho là nhân tố quyết định giúp mình tìm lại tâm thức cũ, cũng trở nên nhàn nhạt không mấy cần thiết. Cả Đàm nữa, tại sao Đàm không ôm chầm lấy Vĩnh như trong tất cả các giấc mơ? Vì sao Đàm không làm những cử chỉ thân mật đã có giữa hai người bạn? Nguyễn Khắc Vĩnh và Trịnh Hải Đàm là một đôi bạn. Đôi bạn như trong tiểu thuyết của Nhất Linh từng sóng đôi, như hình với bóng. 16 năm Vĩnh đã tin mình là hình, Đàm là bóng, về đến Huế, Vĩnh chợt ngộ ra chính mình mới là Bóng. Chiếc bóng cũ của Huế mà không phải hình ảnh thật của Huế bây giờ. Đàm mới là hình ảnh thật của một Huế thực tế. Vĩnh cảm thấy thất vọng vì đã trông chờ quá nhiều từ quê hương.
*
Lễ Âm hồn Trịnh Hải Đàm trở lại nhà Nguyễn Khắc dùng bữa. Từ hôm Nguyễn Khắc Vĩnh trở về Huế, trừ những khi công tác cho xí nghiệp, chiều nào Đàm cũng sang gặp Vĩnh. Những xung khắc trong các mẩu chuyện của họ mỗi lúc một nhiều thêm, đến mức Đàm nhận ra mình cần im lặng. Trong các bữa ăn, bao giờ Vĩnh cũng chủ trì, được ông bà Ngãi gần như tôn trọng, cho phép Vĩnh độc chiếm câu chuyện. Vĩnh say sưa kể về những thành tựu cá nhân trên đất Hoa Kỳ, tính môi trường, nền dân chủ pháp trị và cả những lên xuống của thị trường chứng khoán mà không một ai hiểu những chỉ số dow jones là gì. Chỉ có Ngọc là không có vẻ thán phục mà đầy mệt mỏi. Thằng Hậu thường đưa Ngọc đi cà phê nghe nhạc sau đó.
Theo thói quen, khi bà Ngãi dọn bàn và ông Ngãi xem truyền hình là Vĩnh và Đàm ra vườn uống rượu Chivas. Từ sau khi Vĩnh bỏ nước ra đi, Đàm nghiện nặng rượu đế nhưng từ hôm Vĩnh trở về, Đàm nhận ra mình ngày một ưa Chivas. Lễ Âm hồn, Vĩnh đem ra chai Chivas Regal 18 năm. Đàm uống nhiều đã ngà ngà. Đàm ngắm tròng mắt mình trên cốc thủy tinh, cảm giác bên trong tròng mắt đang phản chiếu những phức tạp của tình bạn. Đàm thật sự không hiểu những khác biệt không-thời gian đang diễn ra trong lòng Vĩnh và càng không hiểu vì sao dường như Vĩnh có nhiều tiền lại nghĩ đến Mãn phần. Câu chuyện của ngày đầu tiên khi hai người bạn gặp lại, với những thước phim Ben Hur vẫn còn chiếu chậm trong ký ức cả hai.
Đàm nhấp môi uống chất lỏng nóng như lửa chảy chậm, rồi xoay miệng ly, lắc đầu:
– Mầy thay đổi nhiều quá, Vĩnh. Tao chịu không hiểu.
Tiếng nói của Đàm thêm mạnh khi Đàm vươn tay rót thêm Chivas.
– Nói bỏ qua, nhưng tao có cảm tưởng tụi mầy ở ngoại quốc dư cơm thừa thịt, đâm thích nghĩ những chuyện vớ vẩn. Mà ngay cả trong ý nghĩ vớ vẩn mầy cũng tự mâu thuẫn lấy: Nếu những kẻ chọn ở lại là Ben Hur, thì không thể ngoại vọng. Ben Hur là một người Do thái yêu nước. Mầy đồng ý không? Chỉ có Messala mới là kẻ phản bội, trở về để thống trị thành Jérusalem và đày ải Ben Hur ngay trên chính quê hương của Ben Hur. Tao còn nhớ phim Ben Hur đi xem với mầy và Tịnh, thằng Ben Hur đã khát khao trông chờ gặp lại thằng bạn thân của nó là Messala mà khi niên thiếu, hai tụi nó không quan trọng sự khác biệt gốc gác, giai cấp, một bên La Mã, một bên Do thái… Hôm thằng Messala thành tài trở về Jérusalem, hai chúng nó đã ôm chầm lấy nhau, rồi cùng phóng hai ngọn lao vào cùng một đích nhắm… Thằng Ben Hur sau đó thất vọng kinh khủng, vì thằng Messala mỗi ngày một kiêu ngạo… Tao còn nhớ hết đó Vĩnh.
– Tao không có ý nói về đây để thống trị Huế. Mà có muốn cũng không được, tao trở về chỉ mang theo ký ức cũ, không có sức mạnh nào khác. Mầy kẹt lại, nên không sống với quá khứ mà hướng đến tương lai, có lẽ vì vậy mà tao với mầy không hiểu nhau.
Giọng Vĩnh gay gắt. Đàm ngồi vắt chân lên ghế đẩu, tựa lưng vào bức tường đắp bằng gạch vồ, từng đọt lá khô rơi rụng xuống mặt bàn.
– Mầy vừa nói trở về với ký ức cũ, không mang theo sức mạnh nào khác? Có mà mầy chưa thấy đó thôi.
Đàm vừa nói, vừa với lấy cái ví da của Vĩnh để trên bàn, mở ra lấy xấp tiền giấy xòe thành hình cánh quạt.
– Mầy mới về nhà chưa đi đâu, nên chưa rõ. Những đồng đô la xanh này mạnh hơn tất cả những đạo quân La Mã mà thằng Messala mang vào thành Jérusalem. Ít ngày nữa mày sẽ thấy, cả xứ Huế này xiểm nịnh mầy. Tao chỉ sợ lúc đó mầy thay đổi hơn bây giờ nữa.
Vĩnh im lặng, một phần chấp nhận những ý nghĩ của Đàm, phần khác trông thấy rõ khoảng cách vô hình cứ lớn dần giữa hai người. Đàm như cũng nhận ra điều đó, tìm cách lảng chuyện:
– Tối nay mầy có dự tính gì không?
– Không. Chi vậy?
– Đi ngủ đò với tao.
– Ngủ đò?
– Ừ, ngủ đò. Người Huế mà không thích ngủ đò thì không phải người Huế.
Đàm nhìn Vĩnh tinh nghịch.
– Có mục kia?
– Dĩ nhiên là phải có.
– Mầy bây giờ tiến bộ.
Vĩnh nhìn Đàm chăm chú. Từ khi hội ngộ, lúc này Vĩnh mới bắt gặp trở lại tính nết đùa nghịch cũ của Đàm. Nhưng vẫn có cái gì đó khang khác lạ lùng đến từ đề tài mà Đàm vừa gợi ra. Cho đến lúc họ phải rời xa nhau, mười sáu năm trước, hai người bạn thân chưa hề dám thổ lộ với nhau những chuyện riêng tư thuộc về tình dục.
Đàm khoát tay, tỏ ý nói Vĩnh chậm tiến:
– Không phải “tiến bộ”. Mầy xài không đúng chữ.
– Vậy gọi sao? “Hủ hóa” à?
– “Hủ hóa” xưa rồi. Bây giờ để chỉ những hành vi ăn chơi, nhà nước có chữ “đổi mới”. Dạo trước ngủ đò bị cấm, gần đây “đổi mới tư duy” cho “chui” trở lại. Mầy ở ngoại quốc về, nên đi một phùa cho biết. Buổi tối trôi giữa dòng sông, ăn lạc rang, uống nếp cẩm, nhậu khô cá thiều, rồi nằm nghe đứa con gái kể chuyện cuộc đời nó vì sao đưa đẩy ngọc nát bèo trôi không thú à?
– Hẳn nhiên là thú. Nhưng chuyện đó để sau, lát nữa mầy dẫn tao đi thăm lại những khu phố cũ, tao muốn đi lại một lần nữa với mày.
Câu chuyện của Vĩnh và Đàm chợt đứt ngang vì tiếng guốc bà Ngãi khua trong vườn. Từ nãy, Ngọc ngồi dũa móng chân trên tấm phản con kê trước khuôn tĩnh. Ngọc mặc váy ngắn, đầu gối co lên đến ngực, nên để hở cả đùi và quần lót hướng về mộ người chết. Bà Ngãi đã ba lần bốn lượt cắp rổ ra sân ho húng hắng làm hiệu, nhưng Vĩnh mải chuyện, còn Ngọc thì hoàn toàn không chú tâm đến bất cứ điều gì xảy ra quanh mình. Tiếng guốc của bà Ngãi đi ra lần này khua khá mạnh, khiến Đàm quay lại nhìn vô tình trông thấy dáng ngồi của Ngọc. Vĩnh bắt gặp tia mắt Đàm rơi đọng trên phần đùi hở hang của vợ mình lấy làm ngượng. Bà Ngãi muốn mỉa con dâu, đon đả mời Đàm ở lại dùng bữa:
– Cậu Đàm ở lại ăn cơm nghèo hỉ? Tui già rồi một mình nấu cơm cho bảy miệng ăn cũng không có chết ai mô!
Bà Ngãi không đợi cho Đàm nhận lời, quày quả trở vô bếp, lấy dao phay chặt thịt trên thớt phầm phập. Vĩnh trong bụng muốn rủ Đàm đi ăn hiệu, bước theo định bảo bà Ngãi đừng nấu nướng chi cho mệt. Nhưng lúc bước qua gian bếp đổ nát, trần mái xiêu vẹo, khói than cay nồng và tro đất trây trét từng bệt lớn, Vĩnh chợt xốn xang nhìn hình ảnh mạ mình còm hai vai chẻ tre làm nhóm. Bà Ngãi vươn cánh tay già héo bắc bếp. Những giọt nước sôi bỏng sóng sánh trên mặt chảo gang. Tình mẫu tử ở đâu vụt dậy lên dâng trào trong máu huyết Vĩnh. Máu từ cổ vịt bà Ngãi đang cứa chảy ứa ra lai láng. Bát tiết canh đông lại dần, nhưng máu mủ của huyết thống thì cứ tiếp tục chảy trong da thịt Vĩnh.
Đàm đứng ngoài sân, đợi một lúc lâu thì thấy Vĩnh từ trong bếp trở ra, bảo Ngọc:
– Em vào phụ mạ đánh tiết canh vịt.
– Mạ anh thèm ăn thịt vịt thì sai thằng Hậu ra chợ mua về, hết bao nhiêu tôi trả!
Ngọc vừa sơn móng tay, chưa khô, bực mình đáp sẵng. Cơn giận bốc ùa lên đầu khiến mặt Vĩnh đỏ bừng. Vĩnh nổi nóng muốn bợp tai vợ, nhưng thấy Đàm đứng đó nên kịp dằn lại. Bà Ngãi đang trong bếp nghe tiếng con dâu, giẫy lên:
– Thằng Vĩnh gọi hắn vào đây tau dạy!
Ngọc không vừa, lồng lên, giọng chua không kém:
– Kể từ nay tôi không phải là con dâu nhà này. Anh ở thì tôi đi!
Bà Ngãi đứng chết trân nhìn con dâu cãi tay đôi với mình. Vĩnh run khắp người vì giận. Ngọc bước ba bước giật cái ví đầm treo ở móc. Thằng Hậu thấy chị dâu tiến ra cổng thì nhảy vội ra dắt chiếc Cúp Nữ hoàng Vĩnh mua cho hôm về.
– Chị đi đâu tôi chở!
Thằng Hậu chở Ngọc ra khỏi nhà. Vĩnh rượt theo định đánh thằng Hậu và bắt Ngọc lại, nhưng bà Ngãi đã chạy vội ra níu áo con:
– Để cho hắn đi! Thứ ni tau không giữ!
Tiếng máy xe thằng Hậu nổ bàch bạch. Bóng nó với Ngọc đã biến đi rồi mà Vĩnh hãy còn tê điếng vì giận. Đàm thấy nhà bạn có chuyện, không dám ở lâu, vội vã cáo từ ra về. Vĩnh không tiễn Đàm về, cũng không ăn món tiết canh bà Ngãi dồn hết công phu lẫn cay đắng ra đánh. Bát tiết canh không ai đụng đến, đen đặc, đỏ bầm. Giấc trưa trong vườn nhà ông Ngãi hơi nóng bốc lên ngùn ngụt.
*
Mười ba ngày sau Ngọc cho người đưa giấy về nhà, nói trở ra ngoại quốc, nếu Vĩnh không trở sang Mỹ thì đâm đơn ly dị. Vĩnh cầm bức thư trên tay, giải thích với Đàm:
– Sau năm 75, ra nước ngoài làm bao nhiêu gia đình Việt Nam ly tán. Mầy không sống trên đất Mỹ để thấy những ông bà già sáu mươi tuổi còn đưa nhau ra tòa ký giấy ly thân. Bây giờ về nước, thêm những gia đình tan vỡ vì không chịu nổi sức va chạm quá mạnh của hoàn cảnh địa lý. Đó là quy luật. Mình phải hiểu để chấp nhận những tráo trở của cuộc sống.
Giọng Vĩnh nặng, hơi lớn tiếng như nói cho cả nhà Đàm cùng nghe. Tịnh, vợ Đàm, đang dọn ăn phải ngửng lên nhìn. Tịnh bắt gặp Vĩnh đang ngắm mình, mắt Vĩnh đọng ở cổ áo Tịnh vừa cho con bú còn hở khuy. Lúc tia mắt Vĩnh chạm đến ngực Tịnh, thì Vĩnh cũng đột ngột ngưng nói. Cả gian buồng ăn chỉ còn trơ lại tiếng dép lội mưa lưa thưa bèm bẹp của mấy mụ hàng rong đi rảo ngoài đường rao cơm hến, vọng vào. Mưa lai rai nhay nhắt từ sáng không tạnh. Tịnh cài cúc áo cổ, rồi trở xuống bếp. Đàm ngồi bên cạnh Vĩnh, lắc đầu:
– Không phải tráo trở, mà là hệ quả của mâu thuẫn. Tụi mầy ra nước ngoài chạm phải mâu thuẫn ở xã hội Mỹ, rồi về nước đem theo khối mâu thuẫn đó, giản dị chỉ có vậy.
– Không đơn giản như mầy nghĩ đâu. Có những trạng huống tâm thần khác lạ mà mầy không thể hiểu nổi.
Vĩnh ngắt lời Đàm. Thở bung những vòng khói xám nghịt lên trần. Thái độ có vẻ khinh bạc của Vĩnh làm Đàm khó chịu. Không phải cung cách của một ngoại kiều, mà là của nhà Chúa. Chúa Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Khắc Vĩnh. Đàm cũng đốt thuốc liên miên, hỏi ngược lại:
– Chẳng hạn?
– Chẳng hạn như hồi ở ngoại quốc, tao chỉ ao ước đào được một cái ao con, thả dăm cánh sen, để chiều chiều bắc ghế ra ngồi uống trà nhìn sen nở. Khát vọng nhỏ như vậy mà mười mấy năm không thực hiện được.
– Tại sao không được? Tụi mầy bên đó tiền rừng bạc bể.
– Không phải chuyện tiền, mà là thời giờ. Mầy không hiểu thì giờ bên kia hiếm như thế nào. Lúc chiều đi với mầy ngang hồ Tịnh Tâm, đứng trước mặt hồ ngập đầy rau muống, tao mới thấy cuộc đời thật kỳ dị. Bên kia có những thứ thừa mứa, mà bên này không có. Còn ở nhà có những thứ quý mà tụi mầy không biết hưởng. Ao sen nhưng lại trồng rau muống.
Vĩnh dụi tàn thuốc. Mấy chữ “tiền rừng bạc bể” Đàm nói mỉa làm Vĩnh bực tức. Vĩnh nghĩ những thằng ở Việt Nam không hiểu để có được đồng tiền trên đất Mỹ phải đánh đổi những gì riêng tư nhất để trở thành một cái máy. Vĩnh xòe tay chỉ cặp liễn vẽ hình Bát Tiên và Tứ Linh mà bà Cảnh, mạ Đàm treo lây lất sau một cánh cửa. Đôi liễn chuồn chép hai câu thơ: Vạn tuế uyên nguyên bất tuyệt, thiên thu trợ đậu di hương, mà Vĩnh đoan chắc cho đến giờ này Đàm vẫn không hiểu hết ý nghĩa.
– Một cặp liễn cổ như vậy, bên Mỹ là cả một sự quý giá. Ở nhà mầy vất trong góc, nhưng bên kia đối với tụi tao là biểu tượng của dân tộc.
– Mầy vừa nói ở nhà có những thứ quý mà tụi tao không biết hưởng? Đó là vì mầy không chịu hiểu rằng các thứ quý đó không còn thuộc về đám dân Huế này nữa. Cả cái mặt hồ Tịnh Tâm ngập đầy rau muống của mầy ban chiều cũng thôi là của Huế. Mất cả rồi.
Đàm trả lời Vĩnh, chua chát. Càng ngày ấn tuợng đánh mất tình bạn càng rõ rệt trong đầu Đàm. Tại sao Vĩnh không hỏi thăm về những người bạn lúc xưa giữa họ, về cái “Công Ty Vĩnh Đàm” hài hước mà bạn bè trong trường gán cho họ. Từ hôm Vĩnh trở về Huế, Đàm là người có cuộc sống xáo trộn hơn hết. Đang công tác cho xí nghiệp ở Hội An, hấp tấp cáo bệnh trở ra Huế, nhưng gặp lại Vĩnh, Đàm mang tâm trạng bực nhiều hơn vui. Bao nhiêu năm, những bức hình hào nhoáng của Vĩnh gởi từ Mỹ về đối với Đàm là một viễn cảnh tương lai mà Đàm mong ngóng đạt tới. Bây giờ được trông thấy tận mắt tương lai của mình bằng xương bằng thịt, Đàm có ý nghĩ buồn rầu là nó chỉ đẹp ở bên ngoài, còn trong hồn đầy những khúc mắc. Vĩnh khui chai rượu Tây đem theo, rót đầy ly cho hai người, rồi hỏi vặn bằng một giọng lạnh lùng:
– Vậy cái hồ của ai?
– Của “tập thể”. Mầy không trông thấy những khẩu hiệu dán đầy ngoài đường đó sao? Trên đất nước này dân còn gì nữa? Giản dị có vậy và cũng chỉ vì vậy mà người ta đi tìm tương lai nơi khác.
Đàm uống cạn mấy ly rượu mạnh liền, mặt đỏ nhừ. Vĩnh nhìn đôi dép đứt quai khâu bằng một cọng kẽm của bạn, rồi nhìn Đàm tháo kính chùi những hạt mưa lấm tấm của Huế, như còn đọng trong cặp mắt hấp háy mệt mỏi của Đàm, thương hại:
– Trại tị nạn đóng cửa rồi. Tụi mầy đi nữa vô ích. Đã đến lúc phải xây dựng lại cái xứ sở đã quá mục nát này, mầy không thấy cần sao? Đi nữa, đi hết thì còn gì? Mầy nên thay đổi cách suy nghĩ. Ra đi bây giờ đã muộn rồi. Thế kỷ tới là của chung sống hòa bình, không phải của chiến tranh và trại tị nạn. Thế giới đang đi vào con đường “sống chung” đó. Thời gian sắp tới, tụi ở bên Mỹ còn về nhiều nữa, tụi nó sẽ mở hãng xưởng, lập nhà máy, nắm hết nền kinh tế ở nhà. Mầy nên chuẩn bị, làm việc với tụi ở Mỹ về, không giống như mầy “lao động” hiện giờ đâu. Tin tao đi: Tụi nó sẽ bắt mầy làm đúng tám tiếng một ngày, không thiếu một giây! Đi trễ: đuổi sở. Nghỉ bệnh: đuổi sở. Ăn cắp vặt: ghi vào sổ đen, suốt đời không được mướn. Nghe tao đi, thời gian sắp tới sẽ rất gay go cho tụi mầy. Không vốn đầu tư, không khả năng kỹ thuật, mầy bắt buộc phải đi làm công. Nếu không chịu thay đổi cách nhìn bây giờ, lúc đó mầy sẽ thấy cuộc sống còn khổ hơn nữa.
– Thay đổi cách nhìn?
Đàm ngửng lên ngó Vĩnh ngao ngán. Ngôi nhà của gia đình Đàm, mười sáu năm sau chỉ còn trơ lại cặp liễn chuồn tàn tạ. Thay đổi duy nhất là chiếc nón Phú Cam của Tịnh, từ khi lấy Đàm, treo ở móc. Tịnh không ngớt lên xuống săn đón Vĩnh. Săn đón thái quá khác hẵn cách Tịnh lạnh nhạt với Vĩnh ngày xưa. Còn bà Cảnh, mạ Đàm đang làm bếp, lâu lâu cũng tươi tả chạy lên nói những câu ve vuốt khách. Đàm vừa ngượng, vừa tự ái vì thái độ của mạ và vợ. Từ hôm Vĩnh trở về Huế, Đàm để ý thấy mỗi bận Vĩnh phát biểu một điều gì đó, mặc nhiên được mọi người tung hô. Bà Cảnh và Tịnh cũng không thoát ra khỏi tập quán mới mẻ này. Đợi hai người đàn bà trở vào bếp hẳn, Đàm mới chắp một nụ cười nhạt:
– Vĩnh, mầy đi lâu quá rồi, không hiểu những gì đang xảy ra ở đây, đừng nói với tao những điều vừa rồi. Nếu mày muốn kể một chuyện khôi hài thì được.
– Tao không kể chuyện khôi hài.
– Mầy đang kể mà không biết. Hôm đầu tiên về, mầy kể chuyện Ben Hur và Messala, nhớ không? Bây giờ mầy cũng đang kể chuyện những thằng Messala trở về Jérusalem để mua hết của cải, vật chất, sức lao động và khuyên những người Do Thái bị tước hữu, rằng các anh hãy ở lại thành Jérusalem để xây dựng vương triều La Mã! Không khôi hài sao? Chỉ một điều mà mầy nghĩ không tới, là cuối cùng Messala chết thê thảm trong cuộc đua ngựa ở đấu trường với Ben Hur.
Đàm uống cạn cốc rượu, dằn mạnh ly, rồi bỏ ra cửa sổ, kéo mạnh tấm liếp che mưa đang bắn vào nhà. Vĩnh vẫn ngồi ở bàn, nói sau lưng Đàm:
– Tao muốn mầy trả lời tao điều này: Dân tộc Do Thái vượt qua thử thách vì được Thượng đế của họ làm phép lạ. Còn dân tộc này, đất nước này có gì làm phép lạ?
Một ánh sét lọt qua khe hở làm xanh tái gương mặt Đàm mà Vĩnh chưa kịp ngắm rõ, Đàm đã quay lại với ánh chớp vỡ vụn giữa khuôn mặt. Đàm lừ đừ hơi rượu, nhìn Vĩnh, rồi dằn từng tiếng:
– Phép lạ là cách chúng tao lột sạch những thẳng ở ngoài về. Xã hội này lường gạt ưu việt. Mày sẽ bị ngựa dày như thằng Messala.
Trong một giây, Vĩnh có ấn tượng tiếng sét không đến từ bên ngoài mà theo câu nói của Đàm quật xéo trong gian buồng. Mùi đất xông mưa, ui ui lầm thầm xuyên giữa hai người.
*
Mấy tháng sau bữa cơm ở nhà Đàm, Vĩnh nhận được hồ sơ ly dị do Ngọc gởi từ Mỹ về để điền. Bà Ngãi đương ngồi nhai trầu trỏm trẻm, thấy Vĩnh điền đơn, tán đồng:
– Con nớ mất nết, mi bỏ là phải. Ai đời trong nhà mộ tổ là trọng, ngữ ni ngồi giơ cả háng.
Bà Ngãi vừa lẩm bẩm, vừa nạo cháy trong cái om làm bằng gốm Phước Phú. Cái om nắn trộn đất sét Dương Khánh, lâu năm trầy trụa mẻ lở. Về Huế, càng ngày Vĩnh càng thấy ngôi nhà của dòng họ giống một vật đã trụt lùi vào quá khứ, bỗng bị đem ra phơi dưới ánh sáng, phô bày mọi ngõ ngách của thời gian cũng hiện đầy trên mặt ông Ngãi.
– Bỏ hắn rồi tiền bạc có phải chia không mi?
Vĩnh nghe bọ hỏi, khẽ lắc đầu:
– Đám cưới có hợp đồng, không sợ lỗ.
Ông Ngãi gật gù thỏa mãn, bà Ngãi vẫn nạo cháy rồn rột nói Vĩnh về Huế kiếm nết na thùy mị không thiếu…. Thằng Hậu đánh xe ở cổng vào, vừa trông thấy Vĩnh đã xun xoe, ve vãn. Từ hôm xin tiền Ngọc, thằng Hậu mới thấy mình dại, ham mối lợi nhỏ để mất mối lợi lớn, xoay lại nịnh bợ Vĩnh. Nhưng tánh thằng Hậu bất sất, lỗ mãng, nói nhiều câu trơ trẽn:
– Mệ già, mệ trẻ ở Huế thiếu giống chi. Anh cần bao nhiêu tôi kiếm?
Vĩnh đang soạn các thứ giấy tờ, nghe thằng Hậu đề nghị nham nhở, đâm bực.
– Không kiếm ai hết. Để xe nhà tao đi coi đất.
– Anh đi đâu, tôi chở!
Thằng Hậu lại nhanh nhẩu, nhưng Vĩnh đã gạt phắt:
– Đi với mầy núi của cũng hết. Đụng một chút là ăn xài. Mười mấy năm không làm ra được một đồng bạc, bắt tao nuôi đến bao giờ?
Vĩnh mắng thằng Hậu như tát nước. Ông bà Ngãi tự kỷ ám thị, ngồi nghe cũng cúi gầm mặt. Gió đưa mấy cọng khói nhang cháy phả phất. Mấy đĩa xôi cúng ruồi nhặng, kiến cánh bu đầy. Bà Ngãi lấy cớ ra vườn hóa vàng. Vĩnh nhìn theo bóng bà Ngãi vẩy rượu để tống đạt vàng mã đến tay người quá cố. Từ hôm Vĩnh về Huế, tuần nào cũng có ba bữa cỗ, năm bữa tiệc. Hương khói, hoa quả ngập bàn thờ. Họ hàng nườm nượp đến viếng thăm, đông như người đi phúng. Vĩnh đưa không biết bao nhiêu tiền cho bà Ngãi làm các món ăn cung đình để đãi khách, cùng phân phát cho họ hàng. Thằng Hậu thích phát biểu: “Một người ở nước ngoài, ba họ được nhờ!” Từ sau bữa rượu ở nhà Đàm, Vĩnh tránh gặp lại người bạn học cũ, chỉ lén lút gặp Tịnh.
Có một chuyện mà Vĩnh giấu Đàm: là thời gian ở ngoại quốc, Vĩnh thường mơ thấy mình làm tình với Tịnh. Những giấc mơ cứ đến trong đầu Vĩnh hằng đêm rồi tan biến đi, rồi lại đến sau mỗi cuộc cãi vã với Ngọc. Hôm bước chân qua ngạch cửa nhà Đàm, thấy lại Tịnh, hãy còn đẹp sắc, hai đầu vú nhọn, chuôi mắt dâm dật, tự dưng Vĩnh thấy rõ giấc mơ cứ chực trào ra thành sự thật. Vĩnh không rời mắt được thân hình mình dây với mái tóc lẳng của Tịnh.
Vĩnh về Huế mấy tháng thì bắt đầu tính chuyện làm ăn, sang lại một cửa tiệm trên đường Lê Lợi, gần khách sạn Hương Giang, để buôn hàng ngoại. Sáng nay Vĩnh hẹn đi xem đất ở An Cựu, ý định làm chỗ ở và chỗ “mãn phần” sau này. Bà Ngãi thường hay te tát tâm sự với hàng xóm về ý định sang tiệm, tậu nhà đất của Vĩnh. Lần nào hàng xóm cũng tán tụng: “Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần” làm bà Ngãi thêm hãnh diện.
Vĩnh trở vào phòng cất giấy tờ. Lúc đóng va li, ngửng lên, Vĩnh vô tình bắt gặp khoảng trần nhà ố mờ, nơi treo thùng đàn ngày xưa. Điệu nhạc cũ, Vĩnh thường dạo với Đàm cách đây mười mấy năm bỗng vọng trở lại. Điệu nhạc mênh mang, như thời gian trôi chậm chạp chung quanh Vĩnh.
Áp Tết Tân Mùi 1991, Tịnh bỏ Đàm đi ở với Vĩnh.
Tháng 10, 1990