Nguyễn Hương – Walter Benjamin nhìn tranh Paul Klee

"Angelus Novus". Paul Klee. 1920

Walter Benjamin (1892-1940) xuất thân gia đình người Đức Do Thái, là nhà lý luận phê bình văn hóa trong trường phái Frankfurt.  Trên đường tị nạn Đức Quốc Xã năm 1940, ông vượt biên từ Pháp sang Tây Ban Nha để xuống Bồ Đào Nha đáp tàu đi Mỹ. Nhà nước Franco ra lệnh bỏ visa quá cảnh và trả về Pháp (lúc này đã bị Đức chiếm đóng) những người tị nạn như ông. Ông đã mướn phòng trọ, uống morphine tự sát vào ngày 25 tháng 9, 1940.  Cái chết của Benjamin được nhắc đến trong nhiều tác phẩm văn chương, kể cả truyện vừa “Constancia” của Carlos Fuentes.

Tự cho ông ta là nhà sử học duy vật đúng nghĩa, Benjamin đã viết mười tám mệnh đề trong tác phẩm Những Luận Đề về Triết Học Lịch Sử năm 1940 trước khi chết. Trong công trình này, Benjamin định nghĩa lại chủ nghĩa duy vật lịch sử khác với một loại chủ nghĩa lịch sử bảo toàn thời đại của nó, và nhất là khác với duy vật sử quan Mác-xít. Ta có thể đọc cách diễn giải lịch sử của Benjamin là cách đọc những dấu vết tàn tích vật chất của một lịch sử, một lịch sử phải được “quét ngược thớ gỗ.” Những tàn tích này là những tia chớp lóe lên cái nhìn một lịch sử vật chất khác, trong những giây phút nối liền hiện tại và quá khứ trong hiểm nguy. Ông ta đã từng viết nếu ta nhìn vào những “kho tàng văn hóa trước mắt,” chẳng hạn một tòa nhà, một thành phố, một quốc gia, ta chỉ có thể thấy ra lịch sử của kẻ chiến thắng. Và “ai đó đã chiến thắng thì cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục bước đều trong cuộc diễn hành, nơi kẻ cai trị đang dẫm lên những người nằm mọp dước chân.”  Thay vì một chủ nghĩa tương lai của tư tưởng tiến bộ như trong một loại chủ nghĩa Mác-xít mà Benjamin cho là thô thiển, Benjamin xử dụng tư tưởng huyền bí của Do Thái Giáo để nhìn tương lai như một sứ giả nhắc nhở ta nối kết các sự kiện lịch sử trong những nếp xếp thời tính chồng lên hiện tại, không bị nô lệ vào chiều tiến lịch sử mang tính tất yếu. Lối nhìn lịch sử của Benjamin cho phép sự có mặt của những gì đã bị xóa đi bởi kẻ chiến thắng.

Walter Benjamin sở hữu bức tranh “Angelus Novus” của Paul Klee trong nhiều năm, và đã rút ra chất thơ từ nó khi ông viết Luận Đề IX trong Luận Đề Triết Học Lịch Sử:

Một bức tranh của Klee có tên Angelus Novus vẽ một thiên thần như thể đang bỏ chạy từ điều gì đó hắn đang chăm chú nghĩ. Mắt hắn trừng trừng, miệng mở, cánh dang. Mình mường tượng đây là hình ảnh thiên thần lịch sử. Mặt hắn quay về quá khứ. Nơi ta thấy chuổi dài của biến cố, hắn thấy một tai ương duy nhất đang chồng đổ nát lên đổ nát quẳng trước chân hắn. Thiên thần muốn ở lại, đánh thức kẻ chết, và làm lành những gì đã bị đập nát. Nhưng một trận bão đang thổi từ Thiên Đàng, dính vào cánh hắn với sức mạnh bạo liệt làm hắn không còn khép nổi đôi cánh. Trận bão đẩy hắn trong tư thế quay lưng lại phía tương lai, trước mặt hắn đổ nát chồng lên tới trời. Trận bão này là cái ta gọi là tiến bộ.