
Với tôi, mùa xuân bắt đầu từ hương hoa điều tràn ngập trên những nẻo đường đất đỏ miền Đông. Mỗi khi đi xa về, lúc bắt đầu nghe mùi vỏ cây cao su trộn lẫn mùi đất ẩm, mùi lá khô, củi mục… là tôi biết mình đã về gần tới nhà. Tôi gọi đó là “mùi quê hương”.
Với mùa xuân, “mùi quê hương” trở nên đặc biệt vì quyện lẫn hương hoa điều – thứ mùi quyến rũ và bí ẩn như một phụ nữ. Khi tôi cố tìm nó, nó lẩn khuất đâu đó nơi những ngõ sâu hun hút của vườn cây trái mênh mông, rồi bất thần ùa ra, ập vào, chiếm hữu tôi trong khoảnh khắc, nồng nàn và say đắm. Mùa xuân thực sự hiển hiện và mỉm cười chào tôi, nắm lấy tay tôi, kéo tôi bay qua những căn nhà ẩn sau hàng rào hoa râm bụt, qua tiếng võng đong đưa day dứt trưa nồng, qua những cội mai già trụi lá trước khoảng sân đất nện êm ái… Và chính mùi hoa mai dịu nhẹ thoang thoảng đó là thứ đã quyến dụ tôi vào cõi say — những vòng xoay bất tận của đất trời. Khi cái tổ hợp từ những mùi đã gắn bó suốt thời thơ ấu — đất ẩm, lá khô, củi mục, hoa điều và hoa mai — cô đọng lại trong tôi thành một khối trong suốt, tôi gọi đó là mùi của mùa xuân.
Quê tôi có một con đường nhỏ dẫn vào xứ Lạc Sơn. Con đường này là nơi tôi có thể cảm nhận rõ rệt nhất mùi của từng mùa trong năm. Tôi gọi nó là đường Sử Quân Tử, vì những ngày cuối năm, hai bên đường luôn phủ kín những chùm hoa giản dị mang sắc trắng, hồng, đỏ. Sử Quân Tử thơm lắm, nhưng thường chỉ thơm nồng về đêm, bắt đầu từ chạng vạng tối. Loài hoa dạ lai hương này từng hiện diện trong nhiều giấc mơ của tôi — những giấc mơ trong trẻo, ngốc nghếch và xa lạ. Rồi cỏ bông mây đua nhau nở kín đồi cao su thoai thoải, trông như những đám mây bềnh bồng trên mặt đất. Và anh đào. Chẳng phải là những đóa sakura Nhật duyên dáng, chẳng phải hoa đào nhỏ nhắn viên mãn miền Bắc. Khắp thung lũng nhỏ xíu trên con đường đi qua lô cao su, phủ kín sắc trắng, hồng phớt tím những chùm hoa anh đào xứ nóng (có người gọi là xăng-ca-rô), trông gần như những chùm hoa đậu tía mọc dại khắp nơi. Thuở nhỏ, tôi thường lầm anh đào với cây… rau ngót. Tôi nhớ sân nhà ngoại ngày xưa có một cây to lắm, mọc phía bên phải. Mỗi mùa xuân hoa tím trắng hồng rụng kín khoảng đất trước nhà, vương đầy lên những cành trúc khẳng khiu, đong đưa không ngừng nghỉ.
Còn nhớ vào một chiều ảm đạm, tôi đã hỏi ngoại: “Sao cây rau ngót này lại cao lớn và có hoa?” Không hiểu sao kỷ niệm đó lại buồn (có lẽ do sắc trời ảm đạm, và một phần vì cây hoa đó giờ cũng không còn nữa. Nó đã bị cậu tôi chặt đi, cậu sợ mùa mưa bão nó sẽ gãy đổ vào căn nhà gỗ nhỏ bé của ngoại). Trước sân nhà ngoại giờ chỉ còn lại cây vú sữa, ngoại bảo nó bằng tuổi cây anh đào ngày nào. Đầu xuân, hoa vú sữa màu trắng ngà nhỏ li ti rụng đầy mặt đất, mùi ngọt ngào. Tôi thường tha thẩn nhặt từng bông, xâu lại thành chuỗi hạt mà đeo. Quanh vườn ngoại hồi đó còn có rất nhiều xoan, đặc biệt là cây vông đồng. Bọn chim ri thường hay làm tổ đẻ trứng trên những chạc ba của cây, mỗi lần tôi muốn bắt trứng thì phải bắc thang leo lên vì cây có rất nhiều gai nhỏ. Hoa vông đồng đỏ rực rỡ, thắp thành từng cụm lửa cháy miên man giữa trời. Tôi hình dung màu hoa ấy có thể ngân thành tiếng. Và tiếng ấy rất khan, rất giòn, khắc khoải, xao xác, vang vọng qua mưa nắng, thời gian. Có lẽ vì trong một buổi trưa nào đó, mùa xuân đã khắc sâu vào tôi những thanh âm và mùi hương quen thuộc — cùng lúc với khoảnh khắc màu vông đỏ bùng cháy trong lồng ngực.
Tất cả như một bức tranh, và chỉ cần thấy lại bất cứ điều gì tương tự những chi tiết trong bức tranh đó, tôi lại nhớ về những tháng ngày tuổi thơ năm nào… Mùa xuân, làm sao có thể quên những trận pháo giòn giã đón giao thừa? Mùi xác pháo nồng khét, màu hồng và đỏ tươi, bay lả tả khắp chốn. Tiếng pháo ngày ấy đã xa, nhưng xác pháo nằm lại vĩnh viễn trong ký ức. Làm sao quên được mùi lá gói và nếp bánh chưng vừa chín tới trong đêm canh thức? Làm sao có thể thiếu tiếng cắn hạt dưa, tiếng cười? Và làm sao ghì được tiếng lòng mình khỏi xôn xao, vừa háo hức vừa nuối tiếc khi chân bắt đầu dợm bước lên thềm năm mới?
Một ngày đầu năm buốt ngực, mọi thứ phơi bày trần trụi dưới chân mùa…