
“Khi tôi bắt đầu vẽ bức tranh, tôi không nghĩ là bức tranh sẽ mang tên này. Rồi trong khi vẽ, tôi cần nhìn các hình ảnh trên tạp chí hay trên internet để dựa vào đó mô tả cho khuôn mặt trong tranh của tôi, thì tôi càng để ý nhiều hơn đến các nét trong khuôn mặt người tây phương, và tôi thích những nét người Châu Âu. Thế là tôi vừa vẽ, vừa như đi trong câu chuyện về khuôn mặt lai giữa Âu và Á. Tôi thật thấy dễ chịu với vẻ đẹp này. Tôi nghĩ giá mình mà là người lai thì thật đẹp. Về mặt hình thể sẽ rất đẹp, nhưng bên trong cũng sẽ có nhiều cái đẹp và hay của tính cách nữa, tôi nghĩ vậy.
Và tôi nghĩ đến biết bao câu chuyện chung quanh vấn đề lai giống. Và tôi giật mình nhớ rằng những gì tôi thấy về vấn đề này ở Việt Nam thật buồn. Người Việt Nam sợ hãi và tủi hổ nếu bị lai căng. Họ nhìn người khác khi lai căng cũng bằng con mắt khinh rẻ. Họ chỉ thích thuần khiết, thuần phong mỹ tục, đậm đà bản sắc.
Đánh giá của riêng tôi về chuyện này trong lịch sử người Việt là: Họ sợ chuyện lai căng hơn là vui thích với nó. Với riêng tôi cũng có lúc như vậy trong vô ý thức. Và trong khi vẽ bức tranh này, đồng thời lòng tôi miên man với câu chuyện lai căng, giờ thì tôi sáng tỏ ra rất nhiều. Tôi quả quyết, dòng máu thuần Việt của tôi chỉ được 50% là hay và nếu lai với 50% khác thì sẽ tốt hơn. Từ nay tôi không còn sợ bị mất giống nữa. Nếu lai căng có gì bị mất thì chỉ là mất 50% xấu mà thôi.”
Nguyễn Minh Thành