
Bạn đừng kể cho ai nghe gì cả. Nếu bạn kể, bạn sẽ khởi sự nhớ tất cả mọi người (Holden Caulfield)
Trên đường
Lên xe đi New York với ba nàng con gái. Ối giời, các nàng nói như máy khâu, dadadadada suốt cả chặng đường trường. Mỗi lần gặp xe tải các nàng lại “hế lô xe tải”, mỗi lần qua cầu các nàng gào “wohooooo cầu cầu cầu”. Lúc xe chạy êm thì các nàng hăng hái liên thanh từ chuyện biểu tình, chính trị, tài chính cho đến chuyện bố mẹ con cái, chuyện nhà thờ, chuyện tâm sinh lý. Mình đóng vai cái ghế xe, ngóng cổ ra ngoài ngắm trăng.
Trăng tròn vành vạnh, sáng lung linh trên trời. Dưới đất các nàng bắt đầu chuyển sang mục đọc cho nhau nghe tiểu thuyết diễm tình giả cổ Ai-len, thi thoảng lại rú lên cười sằng sặc. Mình chịu không hiểu một chữ nào các nàng đọc, nhưng cái cảm giác ngồi ở một góc xe nghe tiếng véo von, nghĩ về những ngẫu nhiên ngộ nghĩnh trên đời, đến một lúc cho mình cảm giác trên kia chị Hằng cũng tủm tỉm cười.
Mình nhớ trăng Hội An, nhớ cảm giác nằm ngửa trên ván thuyền, nghe tiếng mái chèo khua róc rách mà dang tay hứng trọn ánh trăng huyền chảy tràn lên vạn vật, nghe tim ứ nghẹn và mắt rưng rưng. Mình tự hỏi trăng này liệu có phải cùng trăng ấy không, cũng sáng đấy, cũng tròn đấy, mà sao như thể ai đó treo lên, trông đã không thật lại có phần hài hước.
Xe đi theo GPS, một thứ bản đồ thời gian thực kết nối với vệ tinh. Các nàng thay nhau lái, vì mình mới sang chưa kịp lấy bằng. Nhưng hai nàng kia có vẻ vừa lười vừa căng thẳng vì không quen xe, rốt cuộc nàng chủ xe phải lái phần lớn thời gian, khá là mệt mỏi.
Mình ngồi không, lại nhớ những ngày rong ruổi đường trường dọc bờ biển miền Trung suốt một tháng trời. Trong tay không có bản đồ – mà cho dẫu có bản đồ, cũng không thể có bản đồ đủ chi tiết cho những chỗ mình chui rúc – chỉ có xe máy, ba lô và chỉ dẫn của dân địa phương, vốn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ấy thế mà mình hiếm khi lạc. Đi đến tận rẻo cát, tận vách đá, tận cửa sông nào rồi cũng có lối đi, có đường mòn, có những ánh nhìn nửa tò mò nửa thân thiện. Mình nhớ cảm giác được tắm truồng ở biển, chạy bộ cùng bò và leo núi với chó, đứng trên đỉnh núi mà nhìn khắp một vùng duyên hải. Mình nhớ lúc ngồi nhậu với hai chị xe ôm, với ông chủ nhà trọ, sáng sớm đi đánh cá bằng thuốc nổ với bác ngư dân già đen trũi. Khi mình gần họ, mình gần với nắng mưa gió bão, với cam khổ nhẫn nhịn, với những gì như mọc lên từ mặt đất. Bây giờ, ngồi trên xe đi như bay trên đất Mỹ, đường cao tốc phẳng lì, dừng đỗ ở những trạm nghỉ dọc đường, ăn đồ Mỹ, nói chuyện với người Mỹ, cảm giác lạc lõng tưởng đã quen nhàm vẫn làm mình chới với. Có cái gì nhân tạo, chóng vánh, giao đãi, đứt gãy từ đâu đó tận sâu trong từng thớ rau, lát thịt, đến vị Cô-ca lẫn câu thăm hỏi. Khi ra xe, có những khu vực nhỏ mà GPS không đủ dữ liệu chi tiết để chỉ dẫn, các nàng lái xe lòng vòng và xoắn nhặng cả lên. Có lẽ nên tự cười mình vì đã đem so sánh những thứ chẳng nên so sánh.
Xe tiến dần qua DC, Baltimore, rồi Pennsylvania. New England trong tầm mắt, đón du khách bằng sương mù và những hàng cây đang thay màu lá. Lá đang xanh chuyển dần sang vàng, cam rồi đỏ, để rồi sẽ rụng hết chỉ trơ cành vào những tháng mùa đông. Mình lại nhớ đang là mùa mưa ở Huế, mùa lụt ở miền Trung, và Hà Nội hẳn là đang trở lạnh. Có lẽ chỉ có Sài Gòn là vẫn ấm, vẫn ồn ào bụi bặm, vẫn hăm hở sống quẩn quanh trong tổ. Ô là mình nhớ cái tổ chật chội ấm cúng.
New York, New York
Rồi xe đến New Jersey sát gần New York City. Các nàng xuống khách sạn ở đó, nên mình tìm đường bắt tàu vào thành phố. Đi tàu không khó, nhưng cũng không dễ nếu chưa quen. Mình đã đi tàu ở DC, nên khái niệm về tàu và tàu điện ngầm mình cũng biết; nhưng hệ thống subway ở NYC cũ hơn, lớn hơn và chằng chịt hơn ở DC khá nhiều. Lúc bước vào một thang máy ở subway, cách vận hành chậm chạp, sự cũ kỹ han gỉ của khung thang, và cả mùi xú uế bốc lên làm mình có một thoáng rợn người khi nghĩ đến cảnh bị khóa nhốt bên trong cái thang này dưới lòng đất. Cuối cùng mình cũng “thoát,” và mọi người đều khá dễ mến chỉ đường cho mình về đến Brooklyn.
Về đến nhà bạn lúc khoảng 8 giờ tối, bạn đang nấu cơm. Thịt bò xào súp lơ, xa-lát, tôm luộc và cả rượu vang, thật hoàn hảo. Bạn sống trong một studio nhỏ xinh, ấm cúng, cùng với hôn phu người Mỹ. Nghĩ mà xem: còn gì tuyệt hơn, được học bổng toàn phần đi học ở NYU và sống cùng với người ta yêu ở New York! Các bạn còn cẩn thận mua nệm cho mình nằm, thật may quá, vì cái túi ngủ lởm mua ở chợ Dân Sinh sẽ làm mình lạnh và đau lưng chết mất. Tráng miệng tối hôm đó còn có bánh kem, do một người bạn Mỹ mang đến. Mình không dừng được, đành phải tiết lộ: hôm ấy đúng sinh nhật mình tròn 27 tuổi.
Hôm sau trời âm u, gió lạnh và mưa phùn. Mình bắt tàu lên Manhattan, ở đó có mục tiêu ban đầu của chuyến đi: Hội Chợ Truyện Tranh New York (New York Comic-Con). Đông vui, hoạt náo, nhộn nhịp. Các công ty, nhà xuất bản, họa sĩ, những người muốn trở thành họa sĩ, người hâm mộ, mỗi một thành phần lại chia ra làm năm bảy loại, tạo nên một hội chợ khổng lồ. Một dịp được nhìn toàn cảnh thị trường truyện tranh và tiếp cận văn hóa truyện tranh của người Mỹ. Người trẻ thì cải trang làm siêu nhân, người già thì lọ mọ đi sưu tầm truyện cũ hoặc mua những trang vẽ gốc giá có khi lên đến hàng chục ngàn. Ở khu quầy dành cho họa sĩ chuyên nghiệp, mình gặp và nói chuyện với một anh họa sĩ gốc Việt. Anh đã xuất bản một tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) kể về gia đình anh những ngày lưu vong sang đất Mỹ và cuộc hành trình tìm lại quê hương. Anh cởi mở, dễ mến, còn mời mình ngồi nghỉ sau khi đi quanh hội chợ quá mỏi chân. Khoảng 5 giờ chiều, mình cảm thấy đủ và quyết định ra ngoài ngắm thành phố.
Trời vừa tạnh mưa lớn, vẫn còn gió và mưa bụi. Mình nhắm hướng Quảng Trường Times, cách trung tâm hội chợ khoảng 40 phút đi bộ. Trên đường người đi hối hả, đi cắm cúi, vội vã tiết kiệm từng giây đèn đỏ. Đây đó có người lang thang, có người nhặt rác, lại có những người ăn mặc kì quái mình chịu không biết là người gì. Cảnh sát có vẻ như hiện diện khắp nơi. Rừng nhà cao hút tầm mắt.
Mình đến nơi khi trời chiều chập choạng. Rốt cuộc là nó đây, cái nơi mà năm nào đêm giao thừa tết Tây cũng có quay màn đếm ngược trên ti vi. Nơi tập trung mọi thứ kinh tế văn hóa du lịch thương mại từ khắp mọi nơi trên trái đất. Nơi người ta xúm lại bu quanh một gã cao bồi ở trần đi bốt mặc xịp cầm đàn đang huyên thuyên gì đó. Nơi đặt biển quảng cáo của tất cả các thương hiệu hàng đầu. Nơi tất cả đều chụp hình kỉ niệm một lần đặt chân đến trung tâm thế giới. Mình thấy hơi nghẹn, chỉ đứng khoảng mười phút, rồi đi. Thực ra mình cũng chụp hình.
Thời tiết trở nên tuyệt đẹp vào hôm sau. Gió vẫn lạnh, nhưng trời nắng và trong xanh. Mình cùng hai bạn dạo bộ buổi sáng, lần đầu ăn bagel – một loại bánh mì vòng kẹp phó mát, vào công viên Prospect, trên đường về còn nhặt được sách, và cả một bộ loa iPod còn dùng tốt. Người ở đây khác: không dùng nữa là họ để ra ngoài cho người khác nhặt, dù đồ còn tốt nguyên. Như ở ta là đã bán lại hoặc chỉ cho người thân quen, hoặc có khi chất đống ở nhà dù chẳng để làm gì.
Chiều hôm ấy sau khi đi thăm thư viện/bảo tàng Morgan cùng hai bạn, mình quyết định một mình leo lên đỉnh Empire State Building. Sau một hồi lâu xếp hàng mua vé và chờ đến lượt, rốt cuộc thì NYC cũng nằm lọt trong tầm mắt, vàng rực trong ánh chiều. Đúng là một rừng nhà, một khu rừng đẹp. Từ trên độ cao 400 mét nhìn xuống, đám xe taxi trông như những con bọ màu vàng hối hả ngược xuôi.
Buổi tối, mình bắt tàu lên uptown Manhattan gặp hai bạn cũ người Mỹ. Mình từng làm hướng dẫn viên cho họ ở Huế ba năm trước, bây giờ họ tiếp đón mình ở New York. Họ làm nghề viết và sản xuất truyền hình tự do, nửa năm sống ở đây, nửa năm sống ở Paris. Bọn mình ngồi uống vang và tán chuyện trên sân thượng một tòa nhà, nhìn ra đằng sau lưng tổng hành dinh Liên Hợp Quốc. Rồi bọn mình đi ăn ở một nhà hàng Ý, rồi đi bar. Vì một người bạn Pháp phải lên xe đi sớm vào hôm sau, bọn mình không ngồi được lâu. Nhưng 2 giờ sáng mình mới trèo lên tàu điện, và gần 3 giờ mới về đến nhà. Trước khi về nhà mình còn tè bậy ở ga tàu và phân bua với cảnh sát, nhưng những chuyện ấy chẳng có gì đáng kể.
Đến tận đây vì không gì cả
Ba ngày lang thang ở New York City, mình nhớ Holden. Nhớ sự cô đơn, nỗi lạc lõng, cơn vật vã của hắn trước trăm ngàn thứ bộ tịch. Nhớ cái cách hắn thắc mắc không biết đàn vịt giời và lũ cá sẽ về đâu khi mùa đông đến, khi nước hồ ở Central Park đã đóng băng hết cả. Nhớ cái lối hắn yêu em gái, nhớ cảnh Phoebe lũn cũn xách vali đòi phiêu bạt cùng ông anh, nhớ cảnh hắn khóc trong mưa khi nhìn em chơi ngựa gỗ. Tất cả đều ở đây, New York City, nhưng cũng có thể là bất cứ nơi nào.
Ba ngày ngẩn ngơ ở New York City, nhìn những tòa nhà chọc trời, đứng trên đỉnh ngọn tháp cao nhất, mình nhớ Roark. Nhớ sự mạnh mẽ của anh, sức sáng tạo của anh, sự kinh tởm của anh đối với những gì thứ sinh, những gì yếu đuối. Rừng nhà này là minh chứng, là kết quả của sức mạnh con người, nhưng chính chúng cũng đã và đang nuốt chửng con người, bởi mấy ai là người đủ mạnh mẽ để không sống thứ sinh?
Ba ngày ngó nghiêng ở New York City, mình nhớ Murakami. Là người từng chạy marathon ba lần ở thành phố này, ông luôn nhắc mình về những ẩn dụ bất tận của cuộc đời. Ông còn gợi ý cụ thể đến mức, khi bước vào nhà bạn ở Brooklyn, cuốn sách đầu tiên mình thấy chính là Kafka Bên Bờ Biển trên ghế sô-pha. Khi mở sách ra, câu đầu tiên mình đọc là của Oshima nói với Kafka: “…Nhưng sự mỉa mai làm con người sâu sắc hơn, giúp họ trưởng thành. Đó là cửa vào sự cứu rỗi ở một bình diện cao hơn, vào một nơi ta có thể tìm thấy một thứ hy vọng phổ quát hơn… Anh đang lặp lại chính mình, nhưng mọi thứ trên đời đều là ẩn dụ.”
Ba ngày im lặng ở New York City, mình nhớ Nietzsche. Ai cũng đến Hội Chợ Truyện Tranh để tìm vui, để tìm đối tác, để gặp họa sĩ nổi tiếng, để tìm cơ hội xuất bản. Ai cũng muốn kết nối, muốn làm quen, muốn mở rộng quan hệ. Nhưng mấy ai nhìn lại sự nghèo nàn nhạt nhẽo của truyện tranh Mỹ, sự quanh đi quẩn lại của đám siêu nhân, thậm chí Cô Bé Quàng Khăn Đỏ từ truyện cổ Grimm cũng được một số người vẽ thành thiếu nữ mông to ngực bự, cầm súng máy chống lại người sói khổng lồ. Chui vào đó để làm gì? Họ đã tạo nên một nền công nghiệp giải trí, nhưng có lẽ chẳng mấy ai trong mấy chục ngàn người ở đây coi truyện tranh là nghệ thuật. Mình nhớ Nietzsche, nhớ cách ông khinh bỉ sự nhỏ bé tầm thường của đám đông, nhớ Siêu Nhân của ông khi nhìn Superman của họ. Tất nhiên là lúc ở hội chợ mình nhớ mãnh liệt Osamu Tezuka, và ngàn lần ngưỡng mộ ông hơn. Một cuốn sách của ông có thể quét cả hội chợ khổng lồ này vào thùng rác.
Ba ngày quan sát New York City, mình nhớ Henry Miller. Ông từng viết “New York! Cái nhà ngục màu trắng, nơi lề đường nhung nhúc lũ giòi bọ, bọn nghèo kiết xác, những ống thuốc phiện được xây như những cung điện, đám Do Thái, bọn cùi hủi, lũ côn đồ, và trên tất cả, sự nhàm chán cùng cực, sự đơn điệu của mặt, của phố, của đùi, của nhà, của tháp, của đồ ăn thức uống bảng hiệu công việc tội ác và yêu đương… Cả thành phố dựng lên trên hố thẳm của hư vô” [a hollow pit of nothingness]. Đâu đó ông còn nghiến răng: “…đống cứt nát New York nơi tao sinh ra… thành phố xấu xa nhất, bẩn thỉu nhất, cứt đái nhất thế giới.”
Và trời ạ, ba ngày ở New York City, mình không nhớ ai cho bằng nhớ Phạm Công Thiện. Một mình Phạm Công Thiện có thể đại diện cho toàn bộ những người mình nhớ phía trên, cộng với Zorba, Rilke, Rimbaud, Hermann Hesse, Trần Dần, Bùi Giáng và Phật Tổ. Lang thang dọc bờ sông Hudson, mình như nhìn thấy ông hai tay ôm hai chồng sách — toàn thể tác phẩm của William Saroyan — bước đi trong gió lạnh vì trời sắp đổ tuyết, lểnh khểnh như chàng say rượu dù buổi chiều ấy ông không uống một giọt nào…
“Cả thành phố New York đã ám sát tôi, một “thiên tài hạng nặng” từ Việt Nam gửi đến, tôi, một đứa con trai của một nước nghèo nhất thế giới, một nước ngang tàng nhất thế giới. Tôi cao có một thước sáu mươi phân, thế mà tôi có cảm tưởng hai chân của tôi đang đạp lên đầu của cái cao ốc cao nhất nước Mỹ, Empire State Building!
Tôi, một người con trai của một đất nước quê mùa thất học nhiều nhất ở thế giới, đã nắm trọn cả văn hoá Mỹ quốc trong mười ngón chân. Tôi thừa biết rõ rằng một ngày nào gần đây trong tương lai gần đây, nếu tôi còn sống, nhất định tôi sẽ chinh phục cai trị Mỹ quốc với năm ngón tay phải của tôi; tôi sẽ viết những quyển sách ký đi bằng chữ Anh và xô đẩy toàn thể Mỹ quốc vào trong hố thẳm!
Lòng tôi đầy căm thù, thù hận mặc dù tôi thừa biết rằng chỉ có trái tim nguyên vẹn của tôi mới có sức chuyển hoá thế giới tan nát này thành một toà sen vĩ đại!
Tôi căm thù Mỹ quốc nhưng tôi sẵn sàng khoan dung tha thứ tội lỗi của Mỹ quốc: vì Mỹ quốc cũng tạo ra được những đứa con hoang đàng vĩ đại như Thoreau, Emerson, Whitman, Henry Miller, Faulkner, Wolfe, Robinson Jeffers, E.E. Cummings, Kenneth Patchen, Saroyan, Salinger, Tennessee Wiliams, Carson Mc Culler. Leswis Mumford, và ad infinitum!
Mấy ngày trước đó, tôi đã nhận thư mời của viện Giáo Dục Quốc Tế ở New York, tức là Institute of International Education (I.I.E): viện này cử tôi làm đại diện sinh viên ngoại quốc để dự buổi tiếp tân do đại sứ Arthur Golberg khoản đãi; trong một thoáng căm hờn bốc đồng, tôi đã viết thư cho Viện Giáo Dục Quốc Tế ấy rằng “tôi là thiên tài vĩ đại của nước Việt Nam gửi đến, tôi không tham dự buổi tiếp tân nào hết, tôi đã chán ngấy Mỹ quốc, vì thấy Mỹ quốc chỉ là trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. (utterly empty, awfully, dreadfully empty).”
Có lẽ nhờ thiên thần hộ vệ, bức thư ấy được gửi đi rồi, thế mà tính mạng tôi vẫn an toàn.
Không ai ám sát tôi, vì chắc họ cho tôi là một thằng điên, điên, điên, điên.
Chỉ có những thằng điên mới cứu vớt thế giới này khỏi điên loạn.
Saroyan, buổi chiều hoang trống ở Nữu Ước dạo ấy, tôi đã đóng kín cửa phòng, đóng kín cửa sổ, bật đèn lên, cởi truồng ra, nằm soải người ra để đọc Saroyan và tôi khóc như đứa con nít.
Sức nóng của tình người đã thổi vào phòng tôi buổi chiều hoang vắng ấy. Tôi thương hết tất cả, tất cả. Tôi thương con gà, con bò, con cá, con chó, con kiến; tôi thương trái đất, trái cây, trái vú; tôi thương dân Mỹ, dân Nga, dân Tàu, dân Pháp, dân da đen, da đỏ, dân Tây, dân Thổ, dân nghèo, dân giàu.
Saroyan còn khổ, còn đau, còn bị chà đạp gấp trăm lần tôi; Saroyan nghèo đói, cô độc, điên gan, ngu dại, ngây thơ, lung tung, bất thường gấp trăm lần tôi. Saroyan viết văn thơ mộng gấp trăm lần tôi: Saroyan thông minh tế nhị, nhạy cảm gấp trăm lần tôi.
“Trong gang tấc lại gấp mười quan san.” Câu thơ ấy của Nguyễn Du đã trở về ám ảnh tôi giữa một chiều thu lạnh giữa Nữu Ước.
Tại sao tôi phải căm thù bọn nổi loạn? Buổi chiều hôm ấy, trên các thành phố hoang vu ở Mỹ quốc, ít nhất cũng có hàng trăm triệu người cũng cô độc, cũng tàn tạ, cũng gẫy đổ tan nát như tôi. Họ cũng không biết phải làm gì cho đời họ, họ cũng bắt buộc phải sống, phải hiện lên một lần cô liêu ở trái đất buồn thảm này để rồi chết đi trong đôi mắt khép kín của kiếp người.
Cuộc đời cần tình yêu của tôi, trái tim trong sạch của tôi hơn là cần hận thù chua xót.
Hận thù quá dễ. Chán đời quá dễ. Yêu thương mới khó, yêu đời mới khó.
Hãy đứng dậy đạp mạnh hai chân xuống đất, đưa hai tay lên trời, khom xuống và vùng dậy và cười lên một tiếng cuời ầm ầm như sấm sét. A ha! aha, aha, aha aha aha aha, tôi yêu đời, tôi yêu hết, yêu, yêu, thương, thương…
Aha aha aha aha aha aha…”
Trong buổi tối ở quán bar trên phố 43, sau một hồi hàn huyên so sánh giữa Việt Nam và Mỹ, về sự quan liêu cửa quyền, sự ngu xuẩn lười biếng, sự nhàm chán trống rỗng, sự thiếu trí tưởng tượng – những đặc tính của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới, anh bạn Mỹ của mình cười kết luận “Rốt cuộc anh đến tận đây vì không gì cả” (So you came all the way here for nothing). Mình cười đồng ý. Nhưng có lẽ “Không gì cả” cần phải được viết hoa, the Nothingness, cái Nada của Hemingway, Hố Thẳm của Thiện, và Hư Vô vĩ đại mà mình tha thiết muốn ôm trọn vào lòng.
Lúc lên xe về lại Georgia, khi đám con gái bắt đầu mở máy dadadada về những siêu nhân ở hội chợ, mình biết ông Thiện nhìn mình cười, nên mình nhe răng cười lại với ổng.
New York – Savannah, tháng Mười, 2011