Chân Phương dịch
Nhà thơ nước Ý Salvatore Quasimodo (Nobel 1959) là một trong những tiếng thơ trữ tình hàng đầu thế giới trong thế kỷ 20. Ông từng là đầu đàn của thi phái Mật Ngôn (Hermetic) bắt nguồn từ thơ Tưọng Trưng Pháp, chủ trương tinh lọc ngôn ngữ (Mallarmé) và dùng hình tượng thể hiện thẳng cảm xúc tránh chữ nghĩa hoa hòe rườm rà. Trong thế chiến thứ Hai, ông bị Mussolini cầm tù vì các hoạt động chống phát-xít. Kinh nghiệm chính trị đó là bước ngoặc trong sự nghiệp văn học của ông. Thơ Quasimodo trở thành tiếng nói chứng nhân cho những năm tháng tăm tối đầy bạo lực và tuyệt vọng của nước Ý. Khi ông ra đi vào năm 1968, nền thơ Ý và Âu châu mất một nhà thơ lớn của lương tâm, một tâm hồn luôn thao thức trước thân phận con người trong một thời đại nhiều bi kịch.
Chân Phương
Và em mặc áo trắng
Đầu cúi xuống em nhìn tôi
trong chiếc áo trắng,
và từ sợi vải buột lơi bên vai trái
một trái vú nở bung.
Tôi không kham nổi
thứ ánh sáng lung linh
phủ lên đôi tay em trần trụi.
Tôi lại thấy em. Những chữ em nói
nhanh, khô gọn,
nâng tinh thần tôi lên
dưới gánh nặng cuộc đời
chỉ là trò xiếc đối với tôi.
Thăm thẳm con đường
gió luồn theo
những đêm tháng Ba kia,
và đánh thức chúng ta
y như lần đầu
xa lạ.
Tôi lại nghe tiếng biển
Đã nhiều đêm rồi tôi nghe lại âm thanh của biển
dâng lên hạ xuống khẽ khàng trên những bờ cát phẳng
Từ thời gian vọng lên một lời nói
giấu kín trong tim óc; cùng tiếng hải âu
kêu không ngừng nghỉ, có thể là
lũ chim cắt bị tháng Tư
rù quyến quay lại ruộng đồng.
Trước kia có một thời
em từng gần tôi với lời nói ấy;
ước gì giờ đây chút hoài niệm về tôi
có thể vọng đến em
tựa biển kia thì thầm trong tăm tối.
(Dịch từ bản Anh văn của Jack Bevan, in trong Quasimodo: Selected Poems. London: Penguin Books, 1965)