Nguyễn Đăng Thường – Cảm nghĩ tháng 10

Thôi đi cha nội. Thôi bỏ đi Tám. Không hiểu sao hai câu này vẫn lẽo đẽo theo tui hoài, dù tôi đã ra hải ngoại, và sống lẻ loi cô đơn chiếc bóng lạnh lùng đêm đêm bên bàn gõ chữ? Thêm một lẽ nữa, là khi còn ở quê nhà, tôi cũng chưa từng hành động sai quấy, hay ăn nói bậy bạ chốn đông người để được mời đi chỗ khác ngắm nhũ hoa chị Hằng… Thẩm Thúy. Nhớ dai, những cái không đáng nhớ? Hay sức mạnh của ngôn từ đã đóng dấu sắt nướng đỏ lên não bộ tôi? Có thể lắm đa. Tiếc thay, không biết ai là tác giả của hai khẩu hiệu rất thuyết phục này, rất đáng được ghi vào Từ Điển… Danh Ngôn, hổng rõ ai là tác giả để méc xì, thanh kiều very much. Chí ít là vì người nghe, nếu mày râu nhẵn nhụi không quá mịn màng như da mặt chàng Ngưu… Lang, thì sẽ cảm thấy thẹn thùng, tía tai, bị cụt hứng, cụp đuôi, xếp de ngay? Tất nhiên các khẩu lệnh ấy chỉ để xài giữa bạn bè trai gái, thằng Tư và con Tám với nhau mà thôi, trước khi nó trở thành “của riêng” của… đại chúng sinh linh. Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

Tác giả chắc là một tay “anh hùng hảo hớn”, hay một tên “ba trợn”, hay chỉ là “thằng Tư ” bình dân trong xóm lao động Sài Gòn, thập niên 50-60, trước khi bà Ngô Đình Nhu, theo tin đồn, đã cho phóng hỏa để bán các tấm tôn nhập cảng, hay để thiêu hủy các “ổ chuột” Việt cộng ở Bàn Cờ, Bầu Sen, lò heo Chánh Hưng. Tôi còn nhớ các đám lửa rực trời giữa đêm hè oi bức ― như Xê Da đốt thành La Mã ngày xưa trong phim… Quo Vadis ― những đám khói mịt mù lúc đang trưa nóng nực. Tôi tưởng như thấy trước mắt những khuôn mặt hốt hoảng, thiểu não, nhớn nhác, bất lực, nhìn túp lều lý tưởng đang cháy thành tro than. Những khuôn mặt của dân quê bị/được chiếm ruộng đất hôm nay, được nhà nước “do dân vì dân của dân” mời đi chỗ khác cắm dùi, có tương tợ như thế hay không nhỉ? Báo chí về sau có đăng tin vặt vài đứa trẻ bán cà rem bị người lớn rượt đuổi vì nghi trong bình cà rem có giấu mồi lửa. Những đứa trẻ thất học, con nhà nghèo, bán dạo giúp gia đình kiếm sống, bị/được người ta thuê để đốt nhà của chính cha mẹ chúng? Lũ trẻ bụi đời, hôm nay, khi trưởng thành cũng sẽ được/bị người ta thuê tông xe để sát hại, hay hâm dọa một phụ nữ lái xe máy không theo lề phải của tư duy chính thống? Ôi, thời oanh liệt vẫn còn đấy!

Riêng tôi nay đã là một đại gia nhà cao cửa thấp rồi, bà hỏa hổng dám bén mảng tới thăm Ngài. Trong phòng tắm bóng loáng, tôi có tới bảy cái bàn chải đánh răng mới tinh ― xinh xắn như một tác phẩm trưng bày của Nghệ Thuật Hậu Hiện Đại ― cắm trong chiếc lon thiếc tráng men sứ trắng, miệng lon viền màu xanh dương, cái lon uống nước thuở ban đầu dành riêng cho binh sĩ hay người đi cắm trại. Cán của bàn chải bằng nhựa trắng, xám, đen, đỏ, xanh. Lông bàn chải cũng trắng, đen, xanh, hay nửa xanh nửa trắng. Mỗi chiếc dành riêng cho mỗi ngày của tuần lễ. Vì tôi nghĩ: lưỡi, răng dù chỉ để nhai nuốt thức ăn ― hay làm vài chuyện khác hấp dẫn hơn ― nhưng chúng cũng biết chán chớ, nếu cả tuần lễ chỉ tiếp xúc với một anh Bàn Chải (tất nhiên không lãnh tụ mà chỉ lông xù) duy nhứt? Ôi, nay tôi đã vương giả không thua ông hoàng Ali Khan playboy thủa xưa, chồng của mỹ nhân Rita Hayworth, cô đào Hollywood thời vàng son lúc tôi còn là một học sinh ưu tú luôn luôn đứng cuối sổ. Tôi vẫn còn đây, nhưng cô đào Mỹ gốc Tây… Ban Nha “glamourous” một thời vang bóng thì đã quy tiên khá lâu rồi. Ôi, thời oanh liệt xin cùng nhau!

Thi hữu, cũng có khi là vài độc giả, nhã nhặn và rộng lượng gọi tôi là… nhà thơ. Ờ, thì nhà thơ hay nhà thở cũng được, chả sao cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng “nhà thở” quan trọng hơn nhà thơ, vì còn thở thì mới còn thơ chớ, phải không? Tôi cũng nghĩ, nếu tôi sống dai như… đỉa no là do hồng phúc ông bà để lại. Nhà thở, thở hít không khí trong lành của lề phải ― hay không “lành trong” của vỉa trái ― cũng chả sao hết á, miễn là còn khò khè được là quý hóa lắm rồi. Hay thở… Kiều nhỉ? Như vài người, hay như đại đa số trí thức mít cũng đặng mà, dù tôi không là một “phang” của cụ Nguyễn nhà… Tiên Điền. Tôi nghĩ: Cái cô xẩm thậy tài sắc vẹn toàn ấy hơi bị… nói dóc. Chỉ bởi vì gặp chàng trai nào “en” cũng… nước non nặng một lời thề chăm năm vàng đá hổng phai mờ… hơi bị nhiều chăng? Ba chàng ngự lâm Kim, Sinh, Hải “one for all, all for one” (một là ba, ba là một) tin “en” nên đã… bán đất bán đảo, rụng đầu chết đứng? Hệt như nếu ta tin lời các Bác Khựa Bắc Kinh 16 chữ vàng hôm nay? Nói thiệt, tui thích cái anh chàng Vân Tiên mù cà chớn hơn, ưa cái truyện thơ bình dân học vụ của ông Đồ Mù nhưng mắt sáng hơn sao vàng trong mắt Người sáng như sao… chổi. Chí ít vì tui là một thằng mít Nam Kỳ nên thích hợp với mấy cái từ “mầy”, “thằng”, “ruồi”, “chuột”, “đom đóm” và “ăn cơm”… trong truyện thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ôi, thời oanh liệt nay để đâu!

Nếu chẳng phải là nhà thở thì tôi cũng có thể vào vai một anh… thi dị. Tôi dị ứng thơ tui. Cũng hổng ưa ông thơ xô lô này, chả ái bà thẩn nhịp đôi kia, tình chữ mau, tình tự chậm, tùm lum tà la… hầm bà lằng… ba lăng nhăng… hà. Tôi, nhỏ nhoi, như con voi… tò he. Nhưng đường voi voi cứ đi, cầu voi voi cứ í. Cám ơn vô cùng trời rộng. Cảm tạ vô cùng đất hẹp. Nhưng bạn hỏi: Dị ứng mà sao… nhà thở vẫn… mần thơ. Có thể sau đây là câu đáp chăng? Và nếu “tui không nhầm” thì nó nằm trong bài thơ thứ ba của tui đăng trên tờ Trình Bày (Trình Bầy) năm 1970 với tựa đề “Và tôi tiếp tục làm thơ”. Đây, các lý… ro ro: “tôi làm thơ như người ta chạy gạo / tôi làm thơ như người ta trốn lính / tôi làm thơ như người ta sợ chết / tôi làm thơ như người ta ngồi tù / tôi làm thơ như người ta vẫn đẻ con… / không biết thơ tôi có là đồ phế thải / không biết con tôi có là nạn nhân / không biết bạn bè có đang dẫy chết / không biết tình cảm của tôi là nước tiểu và phân…” Tôi có thể kể lể thêm các lý… co co không chính đáng nữa (trích dẫn thêm) nhưng e sẽ bị… phế thải như vàng ròng của thi sĩ. Bạn đọc (nếu có ghé mắt xanh) sẽ la ó: “Thôi đi cha nội. Thôi bỏ đi Tám”. Rỉ tai: Tui thứ Tám trong một tiểu gia đình gồm bảy anh chị em và ba má. Thiệt mà. Ôi, thời oanh liệt để mần chi!

Tôi hay nằm mơ, mơ thấy mình chợt nhớ đã quên lãnh lương cả mấy tháng trời nên tức tốc gọi tắc xi vô trường đòi… bồi thường nhân mạng. Freud sẽ diễn dịch các giấc chiêm bao đó như thế nào đây? Rằng tôi bị ám ảnh bởi tiền bạc, trí nhớ? Hay trong con người mới của tôi ở quê hương mới vẫn còn cái tôi cũ càng như một khúc ruột thừa? Ngày trở về Sài Gòn của tôi ― xin nhấn mạnh: Sài Gòn chớ hổng phải Quê Hương ― luôn luôn kết thúc bằng một cảnh hốt hoảng khiến tôi choàng tỉnh: tôi không thể trở ra vì mất sổ thông hành hay vì bị lạc vé tàu bay. Mặt khác, tôi chưa bao giờ dám nghĩ Việt Nam là quê hương của tôi. Nếu quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn thì… tôi sanh ra trên đất Cao Man. Tôi không yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời vì tôi không có mẹ hiền ru những câu xa vời hay gần gũi. Tôi chưa thấy Huế, Hà Nội, dù ba má tôi thành hôn tại Thăng Long thành. Ngôi nhà, hay căn phố (tôi phải hỏi lại bà mợ của tôi) của ông bà ngoại tôi gần Hồ Gươm vẫn còn đấy. Khi còn ở Sài Gòn tôi chỉ có một chỗ trú tạm, không có một tấc đất cắm dùi. Giờ đây, nếu còn ở đấy, chưa chắc tôi sẽ được tự do đi lại thảnh thơi, thì làm sao (sức mấy) mà dám gọi cái đất nước hoa gấm đẹp xinh với 80 triệu dân nhoi nhúc ấy là “quê hương của tôi”? Hỏi: Thế sao bạn hay trăn trở về những kẻ xấu số trong nước bây giờ? Đáp: Tôi cũng ái ngại cho những kẻ khốn khổ ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng Việt Nam là “ưu tiên” trong cảm nghĩ của tôi. Dù sao, tôi cũng từng sống gần nửa đời người ở đấy, ăn “fish sauce” mỗi ngày, và sức người cũng có giới hạn, không thể chinh Đông chinh Tây cùng một lúc. Ôi, thời oanh liệt nay về đâu!

Tháng này là sinh nhựt tôi. Nhằm hôm nào thì tôi không thể dứt khoát. Bởi vì tôi chào đời vài phút trước 12 giờ khuya. Nhưng trên khai sanh thì ghi ngày hôm sau. Hồi nhỏ tôi từng mơ ước có được một lễ sinh nhựt thượng hảo hạng. Một buổi lễ có chiếc bánh kem to, có những ngọn nến nhỏ, sang trọng đài các như trong các cuốn phim téc-ni-cô-lo của Hollywood. Có thân nhân, có bàn bè đứng xunh quanh ca “Happy Birthday To You… Happy Birthday To You… Happy Birthday To… Dear Asshole… Happy Birthday To You… Đu Bi Đu Bí Đu… Tất nhiên đó chỉ là giấc mơ Mỹ chưa hề trở thành… rề a li ti. Thực tế não nề (nhưng lúc đó thì ô kê, khá vui), thực tế gồ ghề (Rimbaud) là tôi chỉ nhận được một hai tấm thiệp vẽ tay, bằng bút chì màu. Vẽ cái gì thì tui hổng có nhớ, nhưng có thể là cành hoa, con bướm, hay hai cánh chim non. Tôi chỉ còn nhớ hai chữ “Bon Anniversaire” và “Joyeux Anniversaire” từ một bàn tay họa sĩ bé tí (chín, mười tuổi). Giờ đây, tôi có thể ăn khao sinh nhựt với chiếc bánh bơ to lớn nhứt, có cắm đủ cả bảy mươi ba cây đèn cầy, và mỗi năm hai ba bận, nếu tôi muốn. Thế nhưng, thực tế vẫn gồ ghề và vẫn tái tê, mỗi năm dù chỉ một lần thôi, tôi cũng không muốn thực hiện. Sinh nhựt? Xin thưa: Nó chỉ khiến tôi nhớ tới… “tử nhựt” mà thôi. Ôi, thời oanh liệt sẽ còn mãi!