Phan Nhiên Hạo: Chào anh Trần Nghi Hoàng. Đời sống của anh ở Hội An hiện nay thế nào? Anh làm công việc gì để sống? Anh đang viết gì?
Trần Nghi Hoàng: Khá êm đềm. Sáng dậy pha trà rồi ngồi vào bàn làm việc với cái computer. Hôm nào trời đẹp, không mưa, đạp xe ra biển với cái laptop hay một cuốn sách, nằm tới trưa, đạp xe về nhà nấu cơm ăn. Nhà tôi thuê cách biển khoảng 15 phút đạp xe. Buổi chiều, thỉnh thoảng dạy học. Tôi sống bằng nghề viết như hơn ba mươi năm ở Mỹ. Thêm “nghề” dạy học lai rai.
Tôi đang viết một tiểu thuyết có tên Truy Tung, và cuốn… không biết gọi là gì, có tên Những Ký Ức Mất Tích, gồm những bài về tất cả những kỷ niệm trong suốt hơn ba mươi năm tôi sống và đi ở Mỹ. Những ký ức luân lạc giang hồ. Bài nào đăng được thì tôi cho đăng trên báo… kiếm tiền. Chưa hoặc không đăng được, tôi để đó. Đồng thời tôi viết nhiều bài khác về văn học Hoa Kỳ hoặc Canada hay Mỹ La Tinh… cho đăng báo cũng trong dạng kiếm sống, có cả những bài ký sự về địa danh thắng cảnh đâu đó. Ngoài ra, tôi đang viết một cuốn về những suy niệm về đời sống và con người, một cuốn “tư tưởng” của tôi. Cuốn này là tâm huyết một đời.
Phan Nhiên Hạo: Anh từ Mỹ trở về Việt Nam từ lúc nào và tại sao anh chọn Hội An chứ không phải Sài Gòn hay một thành phố lớn? Vì sao anh quyết định trở về sống ở Việt Nam? Điều này liệu có ảnh hưởng đến những quan điểm chính trị của anh?
Trần Nghi Hoàng: Tôi về Việt Nam cuối năm 2007, đầu năm 2008. Thời còn ở Mỹ, tôi vẫn mê nhất là Santa Barbara, nơi tôi đi học. Tôi vẫn muốn nếu có thể, quay về sống ở Santa Barbara. Nhưng như Hạo biết đó, Santa Barbara là thành phố dành cho các… cựu tổng thống Hoa Kỳ và các minh tinh. Ngắn gọn là thành phố dành cho người… rất giàu. Tất nhiên tôi không đủ khả năng quay lại sống ở Santa Barbara. Hội An cũng là một thành phố biển núi khắp bốn bề như Santa Barbara, lại có cái phố cổ rất dễ thương, nên tôi chọn Hội An. Lúc mới về, tôi đã đi dọc từ Sài Gòn ra Hà Nội, tấp vào nhiều nơi để chọn chỗ dừng chân, tôi nhận ra mình không còn thích hợp với những thành phố lớn. Thời ở Mỹ, tôi đã đi rất nhiều, và cũng đã sống ở nhiều thành phố lớn: Los Angeles, San Jose, San Francisco, Philadelphia, Miami, New York…
Thời mới tới Mỹ, tôi đã “theo chân” Jack Kerouac đi khắp nước Mỹ nhiều lần, theo Beatnik đi “tìm cội nguồn nước Mỹ.” Tôi nghĩ, mình đã đi ta bà nước Mỹ và vài quốc gia khác, nhưng vẫn chưa thực sự biết hết đất nước Việt Nam. Tôi muốn tìm “cội nguồn” đất nước Việt Nam nên quay về đây là vậy. Điều này chẳng ảnh hưởng gì tới những quan điểm chính trị của tôi. Từ ngày về Việt Nam, tôi chưa từng viết một câu, một chữ nào đi ngược lại những điều tôi viết ở Mỹ. Tôi vẫn là một anarchist.
Phan Nhiên Hạo: Anh từng có nhiều ý kiến phê phán văn chương hải ngoại, nhất là văn chương vùng Little Saigon. Những chuyện đó cách đây cũng đã hơn một thập niên rồi. Hiện nay anh có thấy những nét mới trong văn chương hải ngoại? Anh nghĩ gì về tương lai văn chương hải ngoại?
Trần Nghi Hoàng: Tôi chưa thấy nhiều những cái mới trong văn chương hải ngoại, đặc biệt vùng Little Saigon hay có thể dùng một chữ “tân kỳ” hơn là văn học Bolsa. Có chăng là những nỗ lực đáng ca ngợi của vài cá nhân riêng lẻ.
Tương lai văn chương hải ngoại? Tôi không lạc quan lắm. Tuy nhiên, tôi lại có kỳ vọng vào lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại viết bằng ngôn ngữ địa phương nơi quốc gia họ đang sinh sống.
Phan Nhiên Hạo: Sống ở Hội An, anh có dịp tiếp xúc nhiều với giới văn nghệ trong nước không? Anh thích những người viết nào trong nước hiện nay?
Trần Nghi Hoàng: Hội An nằm ở Quảng Nam miền Trung, năm nào cũng phải chịu thiên tai bão lụt, nên tôi không có nhiều dịp “tiếp xúc” với giới văn nghệ Việt Nam trong nước, mà hầu hết những sinh họat đều nằm ở Sài Gòn hay Hà Nội. Thỉnh thoảng tôi có thích một bài thơ một truyện ngắn hay một tiểu luận, bài viết nào đó, nhưng thích đặc biệt một người viết nào thì không .
Phan Nhiên Hạo: Anh là người làm báo văn chương kỳ cựu, từ thời internet chưa phổ biến. Tôi nhớ những bài thơ đầu tiên tôi đăng ở hải ngoại là trên tờ Văn Uyển của anh đầu những năm 90. Nhưng anh cũng là một người làm báo với nhiều va chạm trong giới văn nghệ. Anh có thể kể lại vài kỷ niệm và kinh nghiệm văn chương thời làm Văn Uyển?
Trần Nghi Hoàng: Kỷ niệm thì quá nhiều, kể “cái” nào đây? Những kỷ niệm “va chạm” thì nhiều quá, và kể ra làm gì? Để người khác kể, hay hơn! Vậy sao không kể kỷ niệm của tôi, của Văn Uyển và Hạo? Ừ, thời đó chưa có internet. Lần đầu nhận được thư của Hạo qua đường bưu điện, nói thích “chùm” thơ đăng trên Văn Uyển, cùng mấy bài thơ… Từ đấy Hạo cộng tác với Văn Uyển. Hình như thuở đó Hạo còn học ở Portland, Oregon thì phải? Rồi vài năm sau này, Hạo về học UCLA, có lần Hạo cùng Nguyễn Danh Bằng tới thăm tôi ở San Jose, mang theo một chai rượu nhỏ. Anh em mình đã có những buổi nói chuyện thật vui vẻ thân tình.
Phan Nhiên Hạo: Vâng, lúc đó tôi ở Seattle, phía trên Portland một chút. Từ góc độ một người viết văn, làm thơ, anh suy nghĩ gì về tình hình chính trị, thời sự ở Việt Nam hiện nay?
Trẩn Nghi Hòang: Hạo tin không? Tôi giờ gần như không quan tâm đến tình hình chính trị, thời sự. Mà tôi quan tâm rất nhiều đến tình trạng giao thông trên đất nước Việt Nam. Tôi thấy một tình trạng chung từ Nam chí Bắc là con người Việt Nam không quan tâm tới ai khác ngoài mình khi họ bước/lái xe ra đường. Những người đi bộ thản nhiên và từ tốn băng qua hoặc đi giữa đường bất kể xe cộ và những tiếng còi điếc tai sau lưng hay qua lại trên đường. Một cái xe gắn máy từ trong hẻm nhỏ vọt ra bất ngờ và bất thần mà người lái xe không hề ngó trái ngó phải xem xe cộ hay người đi bộ đang di chuyển trên con đường mình đang vọt xe ra, luôn là như vậy. Ở Hà Nội thêm cái đặc biệt là hai ba xe gắn máy dừng hàng ngang giữa đường, các anh chị cô cậu vẫn bình an ngồi trên xe, bàn chuyện gì đó với nhau. Xe cộ qua lại có bị nghẽn, có ai đó chửi thề hoặc cằn nhằn, mặc! Hội An là thành phố tương đối còn “hiền lành” nhất. Nhà tôi thuê ở sát bên một trường cao đẳng, các em sinh viên học sinh dang tay nhau đi chậm rãi chiếm hết con đường khoảng ba mét rộng bất kể xe cộ qua lại là chuyện bình thường. Các em đi như đang đi trong rừng! Hai bên đường có lề, nhưng không ai thèm đi. Ai cũng thích đi giữa đường. Quan sát tình trạng giao thông ở Việt Nam, cho tôi cảm giác ở đây không ai quan tâm tới người khác, mỗi người đều cho rằng mọi người phải quan tâm tới mình.
Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Trần Nghi Hoàng.
(Phỏng vấn thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 9.2011)