Phan Nhiên Hạo – Thư Âu Châu

Các bạn thân

Tôi đang ở Âu Châu. Trong tâm trí nhiều người Việt, Âu Châu là mảnh đất quen thuộc. Cũng như các bạn, lúc còn ở Việt Nam tôi thường mơ mộng về Paris chứ không phải New York, và tuyệt đối không bao giờ mơ sang Campuchia, xuống Indonesia, hay lên Miến Điện. Đó là điều đáng tiếc. Là họa sĩ, các bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị về nghệ thuật ở Siem Riep, Bali, hay Bagan, tôi tin vậy. Nhưng thời đó chúng ta sống trong một căn phòng đóng kín, chúng ta không biết gì về thế giới bên ngoài, chúng ta nuôi nấng ảo tưởng qua vài cuốn sách dịch và những tấm bưu thiếp nhỏ xíu. Tôi nhớ T “chôm” được mấy tấm bưu thiếp như vậy từ thư viện trường Đại Học Mỹ Thuật đưa tôi nhờ dịch những tựa đề. Những tấm bưu thiếp cỡ lớn hơn bàn tay in tranh Miró, Kandinsky, Pollock… được nâng niu, dấm dúi như tài liệu quý vể hội hoạ hiện đại. Chúng ta chỉ nhìn ra thế giới qua những lỗ thông hơi, và chúng ta không thể đi ra ngoài. Nơi trú ẩn duy nhất của chúng ta là Đà Lạt.

Một đêm mấy thằng uống hết chai Vodka Nga và những thứ quái quỷ gì nữa ở quán Café Tranh Tượng trước sân nhà triển lãm mỹ thuật gần Sở Thú, gần sáng tôi nổi hứng rủ S đi Đà Lạt mà chẳng có đồng nào. Tôi đạp xe về gõ cửa nhà Duy, người bạn thân học khoa Anh vừa ra trường may mắn tìm được việc trong một công ty xuất nhập khẩu, tiền bạc rủng rỉnh. Duy không làm văn chương hay vẽ vời nhưng tính tình thật nghệ sĩ. Duy vui vẻ đưa tôi ít tiền. Tôi hẹn S ở ngã tư Hàng Xanh, rồi hai thằng đi xe tải lên Đà Lạt. Đến trưa xe mới chạy, gần tối lên đèo, bên đường thông bắt đầu hiện ra, hai thằng nằm trên thùng xe phía sau thò đầu qua ô cửa nhỏ hít sâu vào phổi luồng không khí mát lạnh. Sung sướng không gì hơn. Đến Đà Lạt lúc nửa đêm, chúng tôi đi trên con đuờng tối thui, tuyệt đối yên tĩnh. H đã ở đó từ nhiều ngày trước, trong căn gác mới dựng còn thơm mùi gỗ sau nhà anh Sơn. H mặc áo choàng dài, đi giày, những món gia đình gởi về từ Mỹ. H dẫn tôi và S xuống phố uống sữa đậu nành nóng.

Chúng ta đã sống nhiều ngày ở Đà Lạt, buổi sáng co ro nhìn xuống đồi thông, buổi trưa lang thang trên đồi Cù, buổi tối ngồi café. Thật ra ngồi café bất cứ lúc nào còn tiền. Café Serenade gần nhà thờ Con Gà khung cảnh đẹp buổi tối, khi những ngôi nhà dưới dốc lên đèn, lung linh qua lớp tường kính, dù ban ngày đó chỉ là một xóm nhà gỗ lợp tôn lô nhô. Ngồi ở đó, chúng ta kín đáo làm dáng. Cô chủ quán nhìn bọn thanh niên từ Sài Gòn lên với chút ngưỡng mộ. Hay là tôi chỉ tường tượng vậy. Người ta hay diễn dịch sai những cái nhìn, nhất là khi người ta trẻ và nghĩ mình là nghệ sĩ. Có một quán khác rất vắng, khách ngồi uống café trên salon trong phòng khách một ngôi nhà đẹp, chủ nhân có vẻ là người khá giả thời trước nay cực chẳng đã phải mở quán kiếm sống. Đà Lạt là thành phố tổn thương nhiều nhất sau cuộc đổi đời 1975. Người Đà Lạt sinh ra chỉ để đan len, làm bánh ngọt, trồng rau, trồng hoa, uống café, và mơ mộng. Họ không chịu được sự xô bồ, giành giật. Cuối những năm tám mươi đói kém, trộm cắp nơi khác như rươi, nhưng Đà Lạt thì không. Trước chợ Hoà Bình người đi chợ vẫn vứt xe đạp không khoá. Đà Lạt bây giờ ngày càng đông người nhập cư từ ngoài kia vào, mang theo lối sống khác hẳn.

Chúng ta đã sống trong căn gác gỗ nhiều ngày không tắm cho đến khi quyết định tiêu một món tiền nhỏ vào nhà tắm công cộng dưới phố. Phòng tắm hẹp, tường và nền tráng xi-măng thô xám, không cung cấp khăn hay xà phòng, nhưng nước nóng mạnh, hơi bay mù mịt, tắm xong như vừa đổi đời.

Chúng ta đã trải qua nhiều ngày thiếu ăn, nằm đọc Chàng Trẻ Tuổi Gan Dạ Trên Chiếc Đu Bay để thấy mình cũng gan dạ như chàng nghệ sĩ chết đói của Saroyan. Đêm Giáng Sinh H bày trò chiên khoai tây, một món xa xỉ. Cả bọn uống rượu rồi đi ra phố. Chị Hg xinh đẹp, mắt tròn đen láy, đau khổ vì tình. Chị mặc chiếc áo len chắc là đẹp nhất nhưng tôi để ý thấy một lỗ rách nơi cùi chỏ. Vài năm sau chị đi tu trong ngôi chùa heo hút cách Đà Lạt vài mươi cây số, không còn gặp ai nữa. D đã từng sống ở đó nhiều tháng, trong một căn phòng ẩm ướt, lạnh lẽo, sực mùi giày tất thối, hình như làm việc cho phòng văn hoá thông tin. Hắn sống chỉ bằng thuốc lá và café đen, vẽ những bức tranh màu nước u ám về lũ chó hoang chạy rông ban đêm.

Nhưng Đà Lạt cũng không phải là chỗ chúng ta có thể lưu trú lâu dài. Rồi thì tiền hết, chúng ta phải trở về. Thường cuối mỗi cuộc hành trình tôi phải bán một đồng hồ đeo tay hiệu gì đó của Liên Xô. Dọc đường về xe dừng lại ăn trưa, cả bọn vào quán ngồi chỉ để móc thuốc rê ra vấn, đói run.

Bây giờ đám họa sĩ các bạn phần lớn đã thôi vẽ. D đã nói về van Gogh hàng giờ trong quán café bên hông trường Đại Học Mỹ Thuật mỗi lần tôi sang thăm. Tôi cứ đợi đến ngày D sẽ tự tay xẻo tai hay mũi nhưng rốt cuộc D là người lấy vợ sớm nhất, năm hai mươi mấy tuổi. Bây giờ hắn vẽ minh hoạ cho một tờ báo thiếu nhi ở Sài Gòn. Cách đây vài năm tôi về, gọi điện thoại, hắn nói đang bận thi đấu bi-da, giải quận hay thành phố không rõ. Mấy bức tranh D vẽ chó hoang Đà Lạt giờ hẳn đã thất lạc hoặc rã mục vì giấy quá xấu. T vẫn vẽ cho đến cách đây vài năm và từng đoạt giải Philip Morris, nhưng giờ chỉ còn làm thiết kế mỹ thuật cho phim, và là người có tiếng trong ngành này. K thì từ hai chục năm nay đã chuyển sang làm mỹ nghệ. S nghe nói rất lận đận, có lần tự tử nhưng được cứu sống. H và B sang Mỹ cùng khoảng thời gian với tôi. H lai rai rồi cũng học xong đại học nhưng giờ làm hội họa theo kiểu sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn là một họa sĩ sáng tác. B làm nghề thiết kế đồ họa ở San Francisco, hơn chục năm nay không vẽ, có lúc chuyển sang viết văn và đã in một tập truyện ngắn viết đẹp.

Mấy năm nay tôi đi đây đó phần lớn vì công việc, chi phí do chỗ làm họ trả, chẳng có nhiều tiền để mà dẫn vợ con theo. Đi một mình rất gọn gàng, dù cũng nhớ nhà. Sống ở Mỹ nhiều năm rồi tôi cũng chẳng còn háo hức đi Âu Châu nữa. Dĩ nhiên mỗi chỗ mỗi khác, nhưng cung cách chung thì Âu với Mỹ cũng vậy vậy. Bây giờ tôi chỉ háo hức đi Phi Châu. Nhưng sang Âu Châu thấy nhiều thứ gợi lại Việt Nam, không phải vì Âu Châu giống Việt Nam mà vì nơi đây tôi gặp những điều ở Việt Nam chúng ta từng mơ tưởng. Ở Paris khách sạn của tôi cách khu Montmartre chỉ hai mươi phút đi bộ. Ở Amsterdam tôi ngụ gần Dam Square, sau lưng là khu đầy hàng quán ăn chơi tưng bừng thâu đêm suốt sáng. Ở Leiden tôi đi dọc những kênh đào tĩnh lặng, ngang khu nhà nơi Rembrandt sinh ra. Tối qua ở Copenhagen tôi ngồi trên bờ kênh Nyhavn giữa trung tâm thành phố gần một đám thanh niên đang uống bia. Bờ kênh tối, sạch, những người trẻ tuổi trò chuyện không ồn ào. Họ uống hết những lon bia rồi đứng lên đi, chỉ còn phía sau một anh chàng. Tôi nghe tiếng nước róc rách, nhận ra anh chàng đang quỳ đái xuống dòng kênh. Ở Mỹ luật không cho phép uống bia chỗ công cộng, và đái ngoài đường sẽ bị tó. Ở Copenhagen chắc cũng không cho đái bậy, nhưng uống bia ngoài đường thì hoàn toàn hợp pháp. Lúc đó tôi ước gì có các bạn bên cạnh. Chúng ta sẽ mua vài xâu bia trong tiệm tạp hoá gần đó ngồi uống trên bờ kênh tối, hút thuốc, rồi len lén đái xuống nước. Gần nửa đêm tôi về lại khách sạn nhưng tàu điện đã thôi chạy vì một đoạn đường đang sửa chữa, tôi đi xe buýt và xuống một chỗ lạ hoắc. Tôi ghé vào khách sạn gần đó hỏi đường, người tiếp tân nói khách sạn của tôi cũng gần đây thôi, nhưng tôi đi hoài không thấy tới. Sau này tôi nghiệm ra dân Âu Châu quen đi bộ chứ không mỗi bước mỗi lên xe như dân Mỹ, cho nên khi họ nói gần thì cũng có khả năng phải cuốc bộ một hai cây số. Tôi đi qua những con đường không một bóng người, tất cả các ngôi nhà đều đóng cửa, và tôi nhớ những con đường Đà Lạt ban đêm, chúng ta trở về căn gác cũng vào giờ này, im lặng đi dưới những tàn lá tối, chuếnh choáng say.

Giờ đây mỗi khi đi đâu tôi ở trong những khách sạn hạng trung bình, tránh xa khu du lịch ba lô. Tôi không chịu được sự thiếu tiện ghi, ồn ào, chung đụng, và nhất là cái vẻ hăng hái quá đáng của đám thanh niên hai mươi tuổi. Nhưng một buổi sáng ở Chiang Mai, Thái Lan, trên đường từ khách sạn ra sân bay, taxi dừng ở một ngã tư và tôi thấy hai cô gái du lịch trẻ đang đứng đợi xe buýt. Khuôn mặt ngái ngủ, tóc cột cẩu thả, người khòm xuống dước sức nặng của những chiếc ba lô khổng lồ, hai cô gái trông như hai con rùa. Nhưng họ đứng đó, điềm tĩnh, tự tin, vào một buổi sáng mờ sương trong thành phố lạ, chuẩn bị cho cuộc lên đường mới. Và tự dưng tôi thấy buồn vô tả. Tôi nhận ra tôi đã bắt đầu già, và chúng ta là những kẻ kém may mắn. Lẽ ra ở tuổi hai mươi chúng phải đi giang hồ khắp thế giới như những người trẻ Âu Mỹ hay Nhật Bản, chúng ta phải đến những thành phố lớn, phải trèo núi, phải vào sa mạc, phải nhậu nhẹt từ Âu qua Á, từ Phi Châu đến Nam Mỹ. Nhưng chúng ta đã chỉ có thể đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt với bụng rỗng, rượu dỏm, café tồi, và thuốc lá đen. Chúng ta chỉ có dăm ba cuốn sách dịch và những tấm bưu thiếp bé tẹo để học biết về thế giới. Tình trạng bây giờ cũng chỉ khá hơn một chút cho những nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam. Bây giờ họ không còn đói và có internet, nhưng số người đi được ra nước ngoài ít lắm. Chuyện đi ra ngoài vẫn còn là điều ghê gớm, và nó có thể được bọn chính trị sử dụng như những miếng mồi để thuần nghệ sĩ.

Tôi muốn có các bạn ở đây vì tôi muốn các bạn gặp được những điều các bạn mơ tưởng. Tôi muốn các bạn nhìn thấy thế giới. Và tôi muốn chúng ta vui chơi tới bến ở những thành phố thú vị này. Nhưng thôi, các bạn đừng buồn. Nghệ sĩ thèm đi nhưng đi nhiều không làm nên nghệ sĩ. Thật ra có những kẻ may mắn được đi đây đó khi còn trẻ nhưng rồi họ có làm được gì đâu. Chúng ta đã sống những ngày tuổi trẻ tù túng nhưng mạnh mẽ, và tôi vẫn nghĩ đó là những ngày đáng quý. Chơi với các bạn, những họa sĩ, đời sống tinh thần của tôi giàu lên nhiều lắm. Hy vọng có ngày rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau làm một chuyến chu du, cho dù lúc đó đã già. Chúng ta sẽ làm những lão già ham vui.

Chào.

2009-2011

 

Minh họa: Phan Nhiên Hạo