Lưu Thuỷ Hương – Bờ bên kia (ch. 2 – 3)

(Tiếp theo chương 1)

Chương 2: Và – Bóng tối
Tôi là Nils.

Những bí mật của tôi nằm trong góc tối tăm nhất của tâm hồn.

Chúng là những bóng ma vô hình. Chúng chỉ đến trong đêm, khi những mối bận tâm khác đã bị gạt qua một bên.>>” /> Một con đường hẹp hé lộ giữa những đống thùng carton cao ngất nghểu, chứa đầy ắp kỷ niệm. Những cái thùng cũ kỹ xộc xệch chất chồng hỗn độn chỉ chực đổ ập xuống. Những bóng ma chuồi đi qua con đường chật chội đó. Một va chạm mạnh sẽ làm đám thùng carton đổ xuống, con đường sẽ biến mất chỉ còn sự đổ vỡ, kinh hoảng và đau đớn. Những cái bóng bò dần ra đến bên ngoài, rón rén mở cái chốt cửa tâm thức. Chúng xô đẩy nhau qua cánh cửa, hỗn loạn bước vào một vùng sương mù. Bên đống lửa đỏ, chúng nhảy nhót múa may những vũ điệu kỳ quái, gào thét những lời vô nghĩa. Chúng quay cuồng, nhập vào nhau rồi tách ra khỏi nhau. Đống lửa tàn lụi leo lét, những cái bóng chìm vào nền tối âm u. Đống lửa bốc cháy, những cái bóng hiện ra vật vờ trong vùng sáng mông muội. Tôi cố thổi bùng ngọn lửa để nhìn rõ khuôn mặt của những bóng ma, nhưng chỉ thấy bất lực vô vọng. Mọi thứ đều nằm ngoài quyền kiểm soát của tôi. Không nắm bắt được. Không điều khiển được. Không nhận diện được.

Giấc mơ… Giấc mơ… Giấc mơ là hình ảnh của ký ức quay cuồng trong bóng tối của vô thức.

Một bóng ma nào lôi tôi đứng dậy, thì thầm vào tai tôi.

“Robert, chúng ta có thể giết người trong giấc mơ.”

Tôi vùng dậy, kêu thét lên. Những cái thùng carton đổ ập xuống, chôn vùi những cái bóng. Tôi nằm bẹp trong đêm tối mù mịt, kinh hoảng và đau đớn. Nếu tôi không đủ sức thét lên, nếu những cái thùng được xếp quá chắc chắn không đổ sập xuống, thì những bóng ma sẽ kéo tôi đi. Giấc mơ… Giấc mơ… Giết người trong giấc mơ.

Tôi tên là Robert.

Vi gọi tôi là Nils.

Tôi không bao giờ phản đối cái tên Vi chọn, không bao giờ nói cho Vi biết về cái thằng tên Robert. Vì tôi thấy không cần thiết. Vì tôi ghét cái tên Robert. Vì chữ Nils thoát ra từ đôi môi của Vi thật êm ái. Chữ Nils không uốn cong ở âm L mà kéo dài rồi biến mất đột ngột cùng âm S, nhẹ như tiếng thở.

Tôi gọi cô ấy là Vi. Một cái tên đơn giản, dễ phát âm có vẻ thích hợp với con người không cầu kỳ của cô ấy. Vi chẳng bao hỏi tên thật của tôi, nên tôi cũng chẳng bao giờ hỏi tên thật của Vi. Muốn tìm hiểu điều đó chẳng khó khăn gì, chỉ cần liếc mắt qua thùng thư, chỉ cần bỏ vài phút tra danh bạ điện thoại… Nhưng để làm gì. Người ta thích một cái thật mà xa lạ hay cần một cái giả mà thân quen?

“Robert. Người ta có thể giết người trong giấc mơ.”

Thằng Ahmed thì thầm câu đó trong đêm hai đứa ngồi bên nhau giữa căn phòng chật chội tồi tàn. Tôi với nó nằm trên sàn nhà vương vải những bao thức ăn và vỏ bia. Trên màn hình tivi, những hình ảnh giết chóc kinh dị đang trôi đi chậm chạp nặng nề. “Robert, người ta có thể giết người trong giấc mơ.” Câu nói khủng khiếp đó mở một con đường đi vào vùng tăm tối của ký ức và huỷ diệt cả phần đời còn lại của tôi.

Một đêm nào đó trong bóng vô thức, tôi sẽ giết chết Vi bằng con dao răng cưa cắt cà chua. Tôi sẽ đâm mũi dao nhọn vào bầu ngực trái của cô ấy. Tôi sẽ giết chết Vi vì tôi yêu cô ấy. Hình ảnh Vi nằm ngủ trên giường ám ảnh tôi đến mức mỗi lần tiến tới gần Vi, mạch máu tôi co thắt lại đến nghẹn thở. Ánh trăng soi nghiêng qua cửa sổ đọng trên vùng ngực đỏ thẫm – tôi sẽ kéo tấm màn cửa dày để xua đuổi ánh trăng trên ngực Vi – đứng thật lâu bên mép giường với con dao run rẩy trong tay. Buổi sáng, bàng hoàng tỉnh dậy trên ghế sofa, tôi luôn nghĩ rằng Vi đã chết cứng trong phòng bên, máu khô đỏ sẫm trên bộ ngực lạnh tím. Tôi trốn vào góc nhà bếp, ngồi bên bên bộ giá treo dao, kinh hãi thổn thức chờ đợi. Con dao cắt cà chua nằm lẻ loi trên mặt bàn đá trắng. Tôi cầm con dao lên, không thể nhớ nổi, tại sao nó nằm trên bàn. Buổi tối hôm qua nó vẫn còn nằm ngay ngắn trên giá treo. Tại sao những đêm Vi ngủ lại đây, con dao đều leo xuống nằm trên bàn. Tôi không thể nào nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra trong đêm hôm qua. Bên ngoài khung cửa một ngày bình yên vừa đến.

Tôi sợ màu đỏ trong bóng tối. Vi biết điều đó, và để chọc tức tôi, Vi luôn mặc áo ngủ màu đỏ. Tôi nguyền rủa cuộc đời sanh ra bọn đàn bà xuẩn ngốc, nguyền rủa con người đang mặc áo đỏ đứng nhởn nhơ trước cửa phòng ngủ. Cô ấy không giống cô bé quàng khăn đỏ, ban đêm, cô ấy giống gã phù thuỷ Rumpelstilzchen. Tôi nằm trên salon giận dữ miệt thị.

“Vi, cô thật là ngu ngốc và thiếu thẩm mỹ. Cái áo đỏ loè loẹt của cô rất lố lăng và rẻ tiền.”

“Em biết. Mấy con bò tót cũng rất ghét màu đỏ.”

Khi ánh sáng của ngọn đèn trong phòng vụt tắt, hình ảnh cuối cùng tôi mang theo là màu đỏ trên ngực Vi, bất chợt lóe lên rực rỡ rồi tắt ngấm.

“Cô làm ơn đóng kín cửa phòng ngủ dùm.” Tôi la lên trong bóng tối.

Vi cười thành tiếng.

“Anh sợ không kiềm chế nổi hay sao?”

“Tôi không phải là kẻ bị ám ảnh tình dục. Tôi chỉ muốn đóng cửa vì cô ngáy to quá.”

Vi tức giận đóng xầm cửa lại. Nhưng cánh cửa đóng không giúp tôi xác minh được chuyện gì. Bởi vì Vi không bao giờ khoá chốt cửa bên trong nên tôi vẫn có thể mở cửa vào phòng ngủ rồi lại đóng cửa khi trở ra. Tôi đặt đôi dép ngay ngắn bên mép sofa. Buổi sáng tỉnh dậy tôi thường quan sát vị trí đôi dép. Nhưng điều đó cũng thật là vô nghĩa, nó không thể khẳng định chuyện tôi có rời bỏ chỗ ngủ vào ban đêm hay không. Có thể tôi rời ghế sofa mà không mang dép. Cũng có thể tôi mang dép rồi đặt ngay ngắn vào chỗ cũ. Ai đã kéo tấm màn cửa màu tím trong phòng ngủ? Buổi sáng tỉnh dậy, tôi thường nghe Vi nũng nịu nói.

“Cảm ơn anh đã kéo màn cửa cho em.”

“Tôi không vào phòng cô.” Tôi đáp vội vàng, gần như là hốt hoảng.

“Thôi mà, Nils. Em đâu bao giờ thức dậy nửa đêm để kéo màn. Em là người vô lo, ngủ say lắm.”

Tôi không quan tâm đến chuyện Vi ngủ ra sao và nghĩ gì. Tôi mặc kệ chuyện cô ấy thất vọng hay sung sướng. Mặc kệ những thứ cảm xúc đàn bà lố lăng đó. Cô ấy không hề biết rằng mình đang đùa với cái chết. Tôi nghĩ đến chuyện đặt camera vào những buổi tối có Vi, nhưng cô ấy sẽ khám phá ra. Chẳng có thứ tủn mủn bất thường nào mà lọt qua được cặp mắt tinh ranh như mèo hoang của cô ấy. Tôi nghĩ đến chuyện xa lánh Vi, nhưng rồi không đủ can đảm.

Có một thời gian dài, Vi đột ngột biến mất. Tôi cũng không đi tìm. Tôi đoán, cô ấy đã trở về với cộng đồng của mình, yêu và cưới một người đàn ông da vàng nhỏ bé. Tôi xếp những tấm áo ngủ màu đỏ của Vi lại, tôi muốn dấu kín nó vào một ngăn kéo tối tăm. Đó là những chiếc áo bằng satin mỏng manh, bàn tay tôi vuốt ve lên đó, tưởng như hơi ấm của Vi còn đọng lại bên dưới lần vải. Tôi kê miệng lên bầu ngực trái cắn một miếng, ngỡ ngàng nhận ra vệt răng ướt đen của mình vừa in lại lên làn vải đỏ. Tim tôi se thắt, và tôi mong Vi đừng quay lại.

Nhưng rồi cô ấy vẫn tìm đến. Một buổi chiều nào đó, Vi đứng trước cửa nhà tôi, tiều tuỵ mệt mỏi gần như mất phương hướng.

“Nils. Cho em ngủ lại đây một buổi tối.”

Tôi không hỏi vì sao Vi quay lại, chỉ thấy sợ hãi vì tình cảm yêu thương ghen tuông giận dữ bùng nổ trong lòng mình. Rồi Vi sẽ lại ra đi. Đàn bà đều tàn nhẫn như nhau. Tôi muốn ôm Vi vào lòng, vỗ về nàng như một đứa trẻ. Nhưng tôi biết, tình yêu đó là thảm hoạ, tình yêu đó là cái chết. Tôi sẽ giết chết Vi bằng con dao nhọn đâm xuyên qua ngực trái. Tôi đã từng giết chết những người đàn bà mà tôi yêu thương. Những bóng ma trong tâm hồn tôi lại thức giấc bò đi trong đêm tăm tối. Tôi chạy trốn Vi, chạy trốn số phận, trôi nổi qua đêm trong mấy quán bar, vùi đầu vào những cơn say và chỉ trở về khi trời hửng sáng. Tôi ngủ vùi để mặt trời lặn mất, khi tỉnh dậy ngày đã qua từ bao giờ. Có những đêm, tôi nhấp ngụm champagner chua loét, nhớ ánh mắt Vi lạc lõng giữa đám đông. Chính trong những chốn sa đoạ cô đơn tận cùng, tôi quen Vi. Nhưng cô ấy không thuộc về thế giới điên loạn giả trá đó, dường như Vi chỉ lạc bước ngang qua. Tôi không rõ, tại sao một cô gái Á châu quyến rũ mê hồn như Vi lại cô độc, lại tìm đến những nơi ăn chơi trác táng. Một lần, tôi vô tình nói ra điều đó. Vi không giận, chỉ trầm ngâm trả lời.

“Không phải là tình người, không phải là sự cô đơn mà chính sự cám dỗ truỵ lạc lôi con người ta đến với nhau.”

Đó không phải là câu nói đùa. Hình như điều này có một ý nghĩa hệ trọng nào đó trong cuộc đời Vi. Tôi không muốn đi sâu thêm vào vấn đề. Sẽ là chuyện bất công, nếu tôi tò mò khám phá cuộc sống riêng của Vi mà lại khư khư giữa lấy bí mật của mình. Mà Vi thì rất ghét sự bất công. Vi thường gào thét đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, hăng hái đến độ tôi tiếc dùm cho Vi.

Lẽ ra cô ấy nên sanh ra làm đàn ông.
Chương 3: Quá khứ
Tôi lớn lên trong một thế giới nhỏ hẹp và tù túng. Ba mạ tôi và những người đồng hương của họ sẽ không bao giờ hiểu được điều đó. Những buổi tối mùa hè, tôi ngồi bên khung cửa sổ nhìn lên bầu trời và tìm cho mình một vì sao. Ngôi sao đó không cần phải lớn, không nhất thiết phải màu xanh hay màu đỏ, chỉ cần nó nhấp nháy mời gọi, hứa hẹn cho tôi một thế giới riêng với những ảo giác quyến rũ mê hồn. Tôi sẽ đến đó bằng trí tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng kéo tôi đi, bay hun hút vào một vùng không gian thăm thẳm nhiệm mầu.

Mười bốn tuổi, tôi chối bỏ tuổi thơ của mình, bởi vì tôi căm ghét nó. Tôi giã từ thế giới nhỏ bé của mình với một mối tình đầu tan nát tức tưởi. Nỗi đau theo tôi mãi, nó thường kéo những ký ức của tuổi hoa niên trở về, trong nỗi cô đơn, trong đêm tối tĩnh lặng.

Mười bốn tuổi, tôi đánh mất thói quen ngồi bên cửa sổ tìm một vì sao trong vùng không tưởng. Tâm hồn tôi co rút dần lại trong cái vỏ ốc chật chội và câm lặng. Tôi không níu giữ khuôn mặt của mối tình đầu. Gã con trai nào đó chỉ là một cái bóng mờ bên chiếc cầu chông chênh bắt qua sông, một điểm dừng  ngắn ngủi trên dòng hiện thực. Tôi bước qua cầu rồi, chiếc bóng kia đã lùi lại phía sau, đã thuộc về quá khứ.

Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay nguợc trở về. Nhưng, người ta đã khắc lên đó những vết thương làm tôi đau đớn suốt cuộc đời. Nhân danh đạo đức.

Mười bốn tuổi, tôi là một đứa con gái khoẻ mạnh về thể xác. Ở trường chưa bao giờ tôi phải xấu hổ về chiều cao và tính cách điên khùng của mình. Bạn bè tôi đều cao lớn và điên khùng như tôi. Chưa bao giờ tôi phải ngượng ngùng dấu đi đôi chân dài ngoẵng của mình, và những lúc chen lấn qua cửa lớp tôi vẫn thường tranh thủ nhéo tai một thằng nhỏ nào đó. Tôi cười rất to và luôn nói thẳng những điều mình nghĩ. Mạ tôi dạy, con gái không được cười to và khi nói phải “uốn lưỡi bảy lần”. Tôi căm ghét cái câu “uốn lưỡi bảy lần” cũng như căm ghét hàng đống câu ca dao tục ngữ khác của mạ. Căm ghét mà không giải thích được vì sao. Khi lớn lên tôi mới hiểu, những thứ đó chỉ biến người phụ nữ trở thành cái bóng của đàn ông và dạy người ta đem dối trá để mua sự bình an.

Mười bốn tuổi, tôi cao hơn một mét bảy mươi, với đôi chân dài thẳng đuột. Cảm giác chao đảo bồng bềnh thường biến mất đột ngột, thay vào đó là một sự hưng phấn lạ lùng. Tay chân tôi bỗng hoá dư thừa. Cơ thể tôi rạo rực, chỉ muốn làm một cái gì đó để giải thoát nguồn năng lượng đang bị giam cầm trong cơ thể. Thường thì tôi gào thét nạt nộ con Thuỳ, con Thảo hay cõng thằng Cường chạy băng băng trên đồi cỏ rồi té vô lùm bụi rách hết tay chân, u đầu sứt trán. Những chuyện đó bao giờ cũng bị trả giá. Tôi sẽ phải ngồi im trong bếp để nghe những câu kinh dài lê thê của mạ. Đại khái như là, con gái phải ăn nói nhỏ nhẹ, con gái phải biết lo chuyện gia đình bếp núc, con gái phải thuỳ mị nết na. Tôi không tin mạ tôi thích loại con gái thuỳ mị nết na hơn loại con gái nhảy nhót ồn ào. Mạ tôi chỉ ghét tất cả những đứa con gái và ghét tôi. Tôi là người bị cuộc đời trói buộc vào bí mật của mạ, và tôi sẽ phải mang theo nó bên mình, cho đến tận cái chết.

Mạ tôi vẫn muốn có một đứa con trai để giữ chân ba. Tôi sanh ra đời trong thể xác của một đứa con gái và chuyện ba tôi bỏ đi biền biệt, đi như chạy trốn, lẽ ra chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng mạ cứ níu hai chuyện đó làm một và đổ hết lỗi lầm, lẽ ra là của ba mạ, vào kiếp phận con gái của tôi. Chuyện này đáng lẽ phải chấm dứt sau khi mạ sanh thằng Cường. Nhưng ba cứ bỏ đi mãi, vì một người đàn bà khác, một đứa con trai khác, nên tôi vẫn phải đeo mãi trên vai mình tội lỗi sanh ra làm con gái. Sau này tôi nhường bớt phần tội lỗi này cho con Thuỳ con Thảo nhưng chẳng vì vậy mà nỗi oan ức vơi đi phần nào. Trong cái thế giới đầy quyền lực của đàn ông này, nỗi oan nào cũng sống dai nhách.

Những người đàn ông da vàng nhỏ bé xây lên những bức tường để nhốt đám đàn bà vào trong đó. Những người đàn bà tóc đen nhẫn nhục lại xây lên những bức tường để nhốt đám con gái của mình lại.

Walter Ulbricht xây lên bức tường bao quanh thành phố Berlin.

Những người tị nạn đến Berlin xây lên những bức tường cô lập chính bản thân.

Bức tường chính trị. Bức tường tôn giáo. Bức tường dân tộc. Bức tường giai cấp. Bức tường Nam Bắc. Bức tường thế hệ. Bức tường giới tính… Ngổn ngang gạch đá, xà bần, dây chuối, dây kẽm gai. Trong bức tường lớn còn có những bức tường nhỏ. Trong những bức tường nhỏ có những bức tường nhỏ hơn. Giữa những bức tường chật hẹp còn có những tấm vách rào. Phía sau vách rào là những con mắt. Những con mắt của những nhóm người bị xé nhỏ tả tơi. Những bức tường lớp trong lớp ngoài. Những lòng hận thù ganh ghét đố kỵ không thể nguôi ngoai…

Tôi lớn lên giữa một nhóm người đã bị xé nhỏ đến tả tơi.

Những buổi chiều cuối tuần, họ tụ tập nhau để ăn uống nhậu nhẹt. Đàn ông nói chuyện chính trị quốc gia đại sự, cãi nhau ầm ĩ rồi lại cố làm lành. Đàn bà cặm cụi nấu nướng, khép nép bên lề hóng chuyện đàn ông, chê bai nhau cái áo cái quần rồi lại dắt nhau đi sắm áo quần. Tôi thường tìm cách trốn ra khỏi cái ghetto đó, thả giấc mơ của mình đi tìm chàng hoàng tử của tôi. Chàng sẽ hiện ra vào bất cứ lúc nào, kéo tôi ra khỏi thế giới ngột ngạt. Bàn tay ấm áp của chàng sẽ nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt đầy bọt xà bông của tôi. Đôi môi chàng âu yếm thì thầm.

“Em yêu, để anh rửa dùm em đống chén dơ.”

Đó là đống chén dĩa khổng lồ đầy dầu mỡ mà các quý bà quý cô ưỡn ẹo vừa tuồn xuống bếp.

Chàng sẽ ôm tôi vào lòng dịu dàng bảo.

“Cô bé tội nghiệp, để anh thay tã cho thằng Cường và coi chừng con Thuỳ con Thảo.”

Thằng Cường khóc oang oang trong xe đẩy, cái tã căng phồng. Con Thuỳ con Thảo chạy biến mất sau những lùm cây trong công viên. Tôi đứng đó, buông xuôi chán nản, chỉ muốn bỏ đám đông nhỏ nhặt ồn ào này và trốn đi thật xa. Chàng lại lau nước mắt cho tôi, kéo tôi vào vùng ngực rộng ấm áp. Tôi lại vui vẻ đẩy thằng Cường chạy băng băng. Tôi biến thành tên da đỏ đuổi theo con Thuỳ con Thảo. Mấy đứa nhỏ cười vang sung sướng. Sáng chủ nhật, tôi thức dậy thật sớm, cùng chàng rửa hết đống chén dĩa còn sót lại, quét dọn luôn sàn nhà bê bết đồ ăn, khi mà, lẽ ra, hôm nay tôi đi xem giải chung kết khúc côn cầu ở câu lạc bộ Gấu Trắng. Bạn gái của tôi chơi cho hàng tiền đạo. Nó chạy trên sân cỏ cùng những đứa con gái lanh lợi vạm vỡ, quất những đòn chí mạng và gào lên những tiếng kêu quái dị. Tôi thèm tới đó, hò hét cuồng nộ giữa đám đông, đứng bên rào chắn réo gọi tên bạn mình, nhảy tưng tưng như con rối bất kể những lời căn dặn của mạ. Lẽ ra, tối hôm qua tôi đi xem phim cùng đám bạn gái, ngủ qua đêm với nhau trong một căn phòng chật chội đầy màn treo, mà chúng tôi gọi là nhà phù thuỷ. Nhưng tôi bị nhốt ở nhà như một đứa con gái hiền thục trong một gia đình nề nếp, để rồi hoang mang mơ tưởng tới một thế giới lộn xộn nào khác và một chàng trai hoang đàng nào đó.

Giấc mơ về chàng hoàng tử thường mập mờ không rõ nét, nhưng tôi bám vào nó như một sự giải thoát. Tôi cố nghĩ đến đôi mắt chàng, nó phải sâu thẳm êm đềm để tim tôi thắt lại khi thấy bóng hình mình in trong đó. Tôi mơ đến đôi bàn tay ấm áp và bộ ngực vững chãi, nó phải đủ rộng để tôi tựa đầu vào mà không hụt hẫng tuột qua một bên.

Ở tuổi mười bốn, tôi không hề biết rằng, đi tìm một người đàn ông như vậy trong cuộc sống này, trong cái ghetto chật hẹp này là điều tội lỗi, hay một tội ác tày đình. Ba mạ tôi và những người đồng hương phát hiện ra mối tình đầu của tôi và họ phẫn nộ treo cổ tôi lên. Chắc họ muốn tôi là tấm gương cho những đứa trẻ khác. Hay họ muốn họ là tấm gương cho những người lớn khác. Hay họ muốn cộng đồng này sẽ là tấm gương cho những cộng đồng khác. Hay họ muốn người Việt mình làm tấm gương cho những dân tộc khác. Tôi không biết. Họ cũng không biết. Gã con trai kia cũng không biết. Gã không hề là chàng hoàng tử trong những giấc mơ của tôi, gã chỉ là một ảo ảnh lệch lạc.

Sự tưởng tượng không chỉ sáng tạo ra hình ảnh, nó còn có khả năng làm sai lệch những hình ảnh trong thực tại để giải thoát tâm hồn con người khỏi những ràng buộc. Tôi say đắm ngã mình vào một vòng tay lạnh lẽo luôn run rẩy và tướp mồ hôi, gục đầu lên một bộ ngực gầy gò lép kẹp. Khi cảm giác yếu đuối, khao khát được chia sẻ tràn ngập trong lòng tôi, thì đôi mắt thằng con trai luống cuống chao đảo chẳng giữ nổi bóng hình tôi trong đó.

Ở tuổi mười bốn, tôi không phân biệt được hiện thực và ảo ảnh. Một chiều hè phản loạn nắng vàng, hai đứa xô vào nhau dưới gốc sồi già lao xao lá khô. Nụ hôn tình đầu đưa nhau sang sông.

Ở tuổi mười bốn, tôi không hề biết rằng, mình phải khôn ngoan dấu diếm thứ tình hão tưởng này đi. Những người đàn bà đồng hương khám phá ra tội lỗi khủng khiếp của tôi, khi tôi với thằng con trai ngực lép kẹp tay trong tay dạo phố. Cô Diễm, cô Châu, cô Tú, cô Mai… những cô hay tới nhà cho tôi rửa chén, họ trịnh trọng, nghiêm khắc thì thào vào tai nhau rồi thì thào vào tai mạ. Mạ khóc như mất tiền. Ba tôi gầm thét khóa chặt cửa phòng. Cái tát cuồng nộ bất ngờ xáng xuống, nóng rát một bên má. Tôi ngã chúi vào góc tường, không thấy đau, chỉ thấy cảm xúc và những ảo giác vỡ nát trong lòng. Tôi không khóc nhưng ánh xa lạ của mạ làm tôi trào nước mắt. Mạ chẳng dám nói gì hay sao? Mạ hẳng dám bảo vệ con gái mạ hay sao? Mạ chỉ chăm chăm ôm lấy dư luận để nó kéo mạ đi, khi mà mạ có cả một bí mật để giấu kín. Những lời ngọt ngào của cô Diễm như vết dao cắt vào lòng tôi.

“Thôi, anh chị cứ từ từ mà dạy cháu, dù chi cũng lỡ dại lần đầu. Con nít mà. Tội hắn.“

Tôi không còn là con nít, nhưng cũng không muốn thành người lớn để bước chân vào thế giới giả dối của họ. Trong bóng đêm, tôi thao thức chờ mạ. Tôi mong mạ đến, để hai mạ con cùng chia sẻ với nhau điều bí mật đau khổ, chia sẻ với nhau thân phận làm người phụ nữ bị giam trong những bức tường. Nhưng mạ đã từ chối cơ hội để chia sẻ với tôi. Mạ từ chối đưa bàn tay ra dẫn dắt tôi vào đời. Nửa đêm, tôi bò dậy, cổ họng khô đắng. Tiếng mưa đe doạ đập từng hồi lên cửa kính. Tôi mở chốt cửa, sợ hãi hoang mang nhìn ra màn đêm tối thăm thẳm. Mưa lạnh tạt vào mặt, thấm ướt cả ngực áo. Tôi liếm những giọt mưa mặn đang lăn xuống từng dòng trên môi, nhìn lại lần cuối căn phòng nhỏ. Bàn tay tôi run rẩy bám trên bờ cửa trơn ướt. Tôi nhảy qua cửa sổ, trốn đi.

Có một thế giới nào khác đang kêu gào vẫy gọi. Tôi chạy như điên trong bóng đèn đường vàng vọt xiêu vẹo gãy khúc giữa màn mưa xám. Bàn chân tôi dẫm lên mặt đường nhựa xấp nước. Tôi chạy băng băng qua mặt đầt bùn sình, đạp lên những lùm cỏ dại sắc lạnh. Tôi chỉ dừng lại khi con đường đào thoát của mình bị dòng sông chắn ngang. Con sông rộng không có một nhịp cầu, chỉ có tiếng cú kêu khắc khoải. Tôi tuyệt vọng chạy dọc theo bờ sông, khổ sở lên leo lên bờ tường đá, phong phanh ngơ ngác trong gió lạnh. Nhìn qua bờ bên kia, chỉ thấy một màn đen hun hút. Tôi run rẩy đứng trên mép tường đổ nát mong mình sảy chân ngã xuống dòng sông tối đen kia, vĩnh biệt nỗi đau, vĩnh biệt cô đơn. Mưa loang loang trên mặt nước lao xao bí hiểm. Những tiếng rì rầm vọng lên từ bên dưới lòng sông hung ác. Những ám ảnh cũ kỹ trong những câu chuyện cổ tích lại quay về. Tôi lùi dần lại trong nỗi sợ hãi trẻ thơ và biết mình sẽ không bao giờ có đủ can đảm để nhảy vào cõi chết. Trong cơn mưa tầm tã, tôi cúi đầu lủi thủi quay về nơi mình vừa trốn ra.

Đó không là lần chạy trốn duy nhất. Tôi thường trốn khỏi nhà vào đêm khuya. Trong nỗi khao khát vô vọng tìm tới một thế giới nào khác, tôi phóng chạy như điên trong bóng tối. Chạy loanh quanh – loanh quanh suốt cả một thời thơ dại, rồi lại quay về chỗ cũ.

Những giấc mơ của tôi sau này đã không còn những cảm xúc xôn xao ngây ngất như ở tuổi mười bốn. Nỗi niềm khao khát một ánh mắt êm đềm, một bờ vai vững chãi cứ nguội lạnh dần sau những mối tình tan vỡ. Tôi thôi nghĩ đến chàng hoàng tử như một người sẽ giúp tôi sang sông, thôi nghĩ đến một vì sao êm đềm dành riêng cho mình. Tôi co dần lại như con ốc sên dấu nỗi niềm của mình trong vỏ cứng, vừa sợ hãi phải tỏ bày cảm xúc, vừa khao khát một cơ hội để được sống với cảm xúc của mình. Tôi trưởng thành dần mà không hề hay biết. Giấc mơ tuổi hoa niên ở lại phía sau, xa lắc. Đôi lúc ngoảnh đầu nhìn lại, trong xót xa tôi chế nhạo quá khứ của mình và ý thức mãnh liệt rằng, tôi cần phải đi tới. Tôi đạp lên dư luận mà đi tới.

Người ta không  thể duy trì quá khứ để đưa nó quay nguợc trở về hiện tại.

(Trích tiểu thuyết đang viết Bờ Bên Kia)

(Đọc tiếp chương 4 – 5)