Phan Thị Lan Phương – Những giấc mơ của Phương (2)

Chiến tranh

Tôi chạy ra biển tắm với đám bạn bè vừa lạ vừa thân quen mà tôi không nhớ tên. Có lẽ lúc đó chúng tôi ở Vũng Tàu. Cả đám đang đùa nghịch thì một chiếc tàu ba tầng phóng thật nhanh đến gần bờ. Chiếc tàu dừng lại đột ngột, thắng gấp như xe buýt chạy trên đường phố. Mọi người ngơ ngác. Từ trên tàu, một toán lính thủy đánh bộ Trung Quốc đổ xuống. Bọn chúng nổ phát súng đầu tiên. Trên bờ tiếng súng đáp trả lại. Mọi người hoảng loạn bỏ chạy khỏi bờ biển. Nhiều tiếng kêu thất thanh vang lên:

“Chiến tranh, chiến tranh rồi!”

Tôi có mặt ở Sài Gòn mà không biết mình đã quay lại bằng phương tiện gì. Ở Sài Gòn, không khí lặng lẽ khác thường. Nhóm bạn thân quen đang đứng túm tụm bàn bạc nên đi đâu. Mọi người thống nhất là đi Phnom Penh. Guigui bảo tôi quay về Pháp. Tôi nói vé đâu mà đi, sân bay sẽ đóng cửa. Ai nấy đều băn khoăn, không biết cửa khẩu Mộc Bài đóng hay mở và kiếm đâu ra xe để đi. Không bỏ chạy nhưng ai cũng có vẻ hoang mang. Chỉ riêng Lý Đợi là điềm tĩnh. Hắn vẫn bình chân như mọi ngày, hai tay vòng trước ngực vẻ thủ thế, chân rung rung nhịp nhịp, nói bằng giọng Quảng Nam vẻ thách thức lẫn bất lực.

“Chạy cứt chứ chạy chi mà chạy. Anh là anh biết rồi, mười tiếng đồng hồ nữa là quân Tàu tràn vô hết Sài Gòn. Chạy đi mô? Mấy đứa bay đi mô thì đi, chứ anh là anh ở lại. Để coi tới đâu.”

Lúc đó, chị S từ đâu chạy đến, hớt hải nói chị kêu được viện trợ bên Malaysia, nhưng nó hông viện trợ quân sự mấy em ơi, chỉ viện trợ cho mình cái xe buýt đi Phnom Penh thôi. Mọi người lại hoang mang, không biết nên làm gì, cứ đứng trơ trơ ở công viên 30/4 trước nhà thờ Đức Bà.
 
 

Thận của mẹ

Mẹ vừa từ bệnh viện ra, mẹ bị sỏi thận mà hòn sỏi lớn quá, bác sĩ đã lấy ra rồi. Mẹ không đưa tôi coi hồ sơ bệnh án mà ngồi xuống ghế đá, thò tay ra phía sau, móc nguyên phần lưng đưa đến trước mặt cho tôi xem. Mẹ chìa quả thận đã mổ làm đôi ra, bên trong có một viên sỏi như hạt trái bàng, vỏ lại có nhiều nếp nhăn như hạt dẻ tây. Mẹ nói cái viên ni là viên nhỏ, còn viên lớn bác sĩ lấy ra rồi. Tôi hỏi mẹ sao không vứt cái viên này đi. Mẹ nói bác sĩ bảo cứ để đó, nó sẽ tan dần theo nước tiểu. Thiệt khó hiểu quá! Mẹ còn lôi ra một bộ phận gì đó trong người đã được cắt rời. Tôi hỏi cái gì đây. Mẹ nghĩ chắc bác sĩ cắt lộn cái chi đó, thôi cứ bỏ nó vô đó đi, đến đâu hay đến đó, chắc mai mốt nó liền lại. Nói xong, mẹ nhét đống thận, đồ thịt thà linh tinh vào lại phía sau lưng.
 
 

Rừng mỹ thuật

Chúng tôi đi thăm một khu rừng mọc toàn những loại cây kỳ dị. Những cành cây cứ mọc ra được một đoạn lại bẻ gập vuông góc, hoặc hướng lên trên, hoặc chuồn xuống dưới, hoặc quẹo qua trái, hoặc lách qua phải. Cứ như thế, từ dưới đất mọc lên những thân cây to, bên trên đan lại thành những ô vuông. Cây rừng ít lá, cành cây đầy vỏ bong tróc như thân cây tràm làm cừ ở miền Tây.

Tôi đứng trong căn phòng giữa rừng, được làm bằng khung nhôm và kính, có thể nhìn ra ngoài. Mọi người bảo tôi không được mở cửa vì họ đang bật máy lạnh, đám hươu nai, thú rừng có thể nhào vô vì không khí mát mẻ. Tôi vẫn mở cửa, hươu nai và thú rừng chạy tới. Rồi mọi người cùng ra ngoài, đi dạo quanh khu rừng.

Đi được một đoạn, tôi thấy một chiếc giá vẽ lẻ loi, bên trên là một bức tranh vẽ khu rừng. Vẫn những cành cây đan vuông vức ấy, thu nhỏ lại, gói gọn trong bức tranh. Một người giới thiệu với tôi rằng tháng tới đây, tại khu rừng này sẽ có triển lãm, đây là một trong những tác phẩm đó.

Tôi ngắm nghía bức tranh, nó trông chả khá khẩm gì. Tôi nghĩ thằng điên nào tự dưng mang tranh vô đây treo, rừng đẹp quá mà nó vẽ xấu quá, thà mang về phố mà treo, người ta còn tưởng nó vẽ tranh trừu tượng, cách điệu gì đó, chứ bỏ ở đây thì ma nào coi.
 
 

Cô giáo siêu nhân

Chúng tôi đang học ở một nơi không hẳn là rừng, không phải núi, chẳng phải là đồi. Tóm lại tôi chẳng biết nó là gì, nhưng ở đó có cái thác nước, phía sau là dòng suối lớn, xung quanh có cây cao vừa vừa, ra một chút nữa là đồng cỏ. Cô giáo tuổi chừng trung niên, vẻ rất bụi đời và tự tin. Cô đứng bên cạnh thác nước huyên thuyên giảng:

“Tôi đến đây không phải để giảng cho mấy anh chị nghe những điều xa vời. Cái gì học thì phải ứng dụng vào được thực tế. Đây, hôm nay tôi dạy cho mấy anh chị về cái thác. Mấy anh chị có thể ghi định nghĩa: Thác là nơi mà dòng nước bị cản lại bằng những tảng đá lớn khiến nó chuyển hướng hoặc đổi độ cao.”

Tôi cặm cụi viết bài bằng cây bút cọ lên đá. Con Tiểu Anh ngồi lèm bèm:

“Tưởng dạy cái gì, cái thác ai mà không biết.”

Cô giáo không thèm nhìn Tiểu Anh, cô tỏ vẻ coi thường sự phản kháng đó bằng cách bê một tảng đá to vật, chặn cái bẹt trước dòng suối từ con thác nhỏ đổ xuống. Dòng suối lại có thêm một cái thác nhỏ hơn.

“Đó, chị thấy chưa? Tôi định nghĩa không sai, tôi giảng thực tế quá mà!”

Con Tiểu Anh giật mình, nói nhỏ:

“Bà cô này dữ dằn quá đi. Tảng đá vầy mà bả bưng như không, ghê quá bà Đốp ơi!”

Cô giáo vẫn rất kênh kênh, ngước mặt lên nhìn ra phía xa.

“Vầy chưa ghê đâu. Mấy chị coi đây.”

Cô giáo chạy ra phía đồng cỏ. Con bò của tôi chừng một tuổi, bên chân nó còn dính nguyên vệt phân do đêm qua không chịu nằm lên rơm, đang chạy lung khắp cánh đồng. Con bò nghé đang độ tuổi theo cái nên tôi kêu kiểu gì nó cũng không quay lại. Vậy mà cô giáo phóng ra, giật cái dây rồi dắt con bò lại trước mặt tụi tôi. Tiểu Anh vỗ tay lẹt bẹt.

“Cô quá dữ! Con bò tưng vầy mà cô còn quất nó được. Thôi em về!”

Trời, tự dưng con Tiểu Anh bỏ về ngon ơ. Tôi ngồi lại, chăm chú làm bài. Chẳng biết học môn gì nhưng đại loại là có cái outline, còn tôi ngồi làm bài như thể viết kịch bản. Cô giáo đã đi đâu đó về cái chái phía sau lớp học. Tôi vừa viết vừa ngáp vặt, rồi tìm di động để coi giờ. Sắp 11g trưa, tôi đi tìm cô giáo để xin về. Cô giáo đang buồn bã đứng sau bếp, đưa tôi coi cái chảo đậu phộng rang thất bại.

“Cô làm việc gì cũng được, vậy mà rang đậu phộng lại hông được, hu hu.”

“Sao vầy cô, rang đậu dễ mà!”

“Cô không biết đâu, cô đổ dầu vô, chờ dầu sôi rồi đổ đậu vô. Vừa đổ vô thì nó đã cháy đen một mặt rồi. Cô tắt bếp, giờ đậu bên cháy, bên sống, làm sao bây giờ, hu hu.”

Cô giáo siêu nhân gì mà kỳ quá, có việc rang đậu thôi mà cũng không biết, lại còn rang đậu bằng dầu. Thiệt là bó tay!