Tại sao ta phải khóc theo mùa, phải than thở theo thi sĩ thơ mới, theo nhạc sĩ lãng mạn?
Tại sao ta phải buồn tàn thu nhỉ?
Và đêm đông, a đêm đông, ôi đêm đông, đêm đông ta cứ phải đóng vai chinh phu để xa trông cố hương, hết thế hệ này sang thế hệ khác hay sao?
Chim không phải là người. Nếu rã cánh thì chim không bay. Chim có thể bay trong mưa gió đêm đông và rớt xuống sông xuống biển, nhưng chim “bâng khuâng” thì không.
Ðêm đông, đêm đông “trên quê hương những anh hùng” hôm nay ta chỉ nghe, chỉ thấy:
“Chiều chưa đi chàng công an tới
Giông gió rơi hững hờ khắp nơi
Ðôi cánh tay công nhân rã rời
Ðời đen tối mà không chê đời
Thời gian không ngừng trong tê tái
Cây trút lá xuống chân cầu ghe
Mưa giăng mắc nước sông lên hè
Xe lấn xe chen, ôi rừng xe…
Ðêm đông, ai ra bến sông ngồi nhìn qua sông
Ðêm đông, bên song nhởn nhơ kìa ai đang rờ
Ðêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn ô kê
Ðêm đông, ca nhi hát xong ôm chồng trên xế
Gió nghiêng chiều xiên
Gió lay bàn tay
Gió nâng bàn chân
Gió reo thì reo
Gió đau thì đau
Gió than thì van…
Ðêm đông, ta trông cố hương
Nhìn về quê hương
Ðêm đông, không mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Ðêm đông, ta nghe bước chân không giày lang thang
Có ai thấu tình bao trẻ đêm đông không nhà…”
Trái đất thì “xanh như quả cam” (Paul Éluard) và thôn nữ thì “hồng như trái đào” (Khuyết Danh) mà sao thi nhân, nhạc sĩ nỡ lòng nào chơi trò thả mồi bắt bóng lên thiên đường hay tới cung nguyệt đờn ca múa hát với bầy tiên nữ ảo?
Xem các màn “nhạc cảnh” trên YouTube dàn dựng lại cảnh bồng lai xa tít mù xa trên chín từng mây xanh, đỏ, tím, vàng, hồng chưa ai được trông thấy tận mắt, với bầy tiên nữ do các trần nữ nhập vai, mái tóc trâm cài hoa kết, xiêm y lộng lẫy khảy đàn tỳ bà, vung tay áo rộng áo thêu uốn éo mình rồng ca múa, khiến ta nhớ tới các nàng tiên trên nắp các chiếc hộp giấy đựng bánh trung thu thập cẩm Chợ Lớn ngày nào.
Nhưng ta đâu phải là Ðường Minh Hoàng mà mơ chuyện du Nguyệt Ðiện?
Gái Hà Nội đài các hôm nay mặc chiếc váy đầm dạ hội thướt tha chấm gót, tóc nhuộm nâu nhuộm vàng, siêu mẫu chưn lạc đà khoác chiếc áo dài thiết kế đính vảy kim vảy bạc, thêu phượng, vẽ rồng, vạt sau dài cả mấy chục thước tây, đầu quấn khăn hoàng hậu Nam Phương, mà sao trai Hà Thành vẫn phải mơ tưởng những nàng xẩm thậy cài trâm giả, thẹn thùng lấy tay che mặt của hàng bao thế kỷ trước? Truyền thống? Thói quen? Lười biếng suy nghĩ? Hay là mấy ngàn năm vẫn chưa thoát khỏi văn hóa nô lệ, nhất là giờ đây người ta đang muốn, đang buôn “cội nguồn”?
Nhật Bản, Ðại Hàn dù xuất thân từ văn minh Trung Hoa đều có một nền văn hóa riêng biệt không thể lẫn lộn với Trung Quốc. Việt Nam thì vẫn lai căng, không đầu khựa thì cũng đuôi chệt. Chiếc đền lồng giấy trắng nan tre của Nhật giản dị, tuyệt vời. Người Hà Nội thì thích (hay bị ép buộc?) treo đèn kết tua kết tụa sến đỏ loè loẹt “made in China” trên “phố cổ” có thể vì sợ “phố cổ” chưa đủ cổ? Các dãy phố cổ ấy, ngày xưa chắc không hề treo đèn lồng đỏ “made in China”? Nói vậy, không có nghĩa là tôi “xúi” người Hà Nội treo chiếc đèn giấy trắng “giản dị, tuyệt đẹp” của Nhật. Ðiều mà tôi muốn nói là cái cổ không phải là cái bề ngoài. Văn hóa “quốc hồn quốc túy” bịa đặt luôn luôn là văn hóa của các chế độ độc tài, mị dân, khơi dậy lòng tự hào không đúng chỗ.
Ðã lai thì căng. Có chạy đàng nào cũng không thoát. Không ai cấm “lai,” chí ít và đại khái là vì không có cái gì — vật cũng như người — thuần túy trăm phần trăm. Nhưng “lai” thì nên chọn lai với cái “đẹp,” cái “thật,” mới hay cũ không sao cả, thay vì vay mượn lại cái “cổ” cái “cũ” của người, nhứt là của kẻ đã, đang, và sẽ nô lệ hóa nước Nam một lần nữa, mà lần này dám có thể là lần cuối cùng và vĩnh viễn, cái tên Việt Nam sẽ bị xóa sổ.
Tôi thích ca khúc Trương Chi hơn Thiên Thai, chỉ bởi cái câu mở đầu: “Một chiều năm xưa trăng nước chưa thành thơ…”
Nay thì trăng đã tắm suối lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe, nay thì trăng đã nằm sóng soải trên cành liễu đợi gió đông về để lả lơi chẳng khác gì một cô gái làng chơi (fille publique) — xin lỗi độc giả — chờ khách. Ánh trăng, bóng nguyệt đã thuộc về mọi người dưới cái hình thức ấy thì tôi làm sao mà dám bén mảng tới gần dẫu chỉ để “ngồi cười với cô,” như “mấy anh nho nhỏ” hay đến ngồi cười với cô hàng cà phê, dù đến gần chỉ là một cách nói, bởi lẽ tôi không là một phi hành gia vũ trụ.
Alphonse de Lamartine (1790-1869), thi sĩ lãng mạng của Pháp: “Ôi trăng bạc, ta hiềm trăng đó… Oh lune d’argent, je t’abhorre…”
Chí ít cũng có được một thi sĩ lãng mạng không yêu nàng Hằng Nga. Hay là ta lại sai lầm?
Ước chi, ước chi ta được ngắm nhìn buổi chiều đầu tiên trên trái đất khi trăng nước chưa thành thơ nhỉ!
Trên đây tất nhiên là cảm nghĩ riêng tư rất sai bậy của tôi trong cái tháng 9 nhiễu nhương nhiều kỷ niệm đau buồn, dù đó là 2/9 hay 11/9. Kèn thổi ngược trong lúc trống đánh xuôi về văn hóa “quê hương của những người anh hùng,” nếu không bị kiểm duyệt thì cũng được ăn đòn hội chợ. Nhưng có thổi tò te tí te được vài phút vẫn hơn không? Mong độc giả cũng đồng ý.
Thân ái.