Trần Vũ – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào anh Trần Vũ. Mùa hè này có gì vui, buồn, đang bận rộn hay mơ ước chuyện gì?

Trần Vũ: Câu hỏi của Hạo làm tôi nhớ đến Gabriel Garciá Márquez, trong một trả lời phỏng vấn cách đã hai thập niên, Marquez kể: “Mỗi sáng tôi thức sớm, lúc 5 giờ khi đêm còn trinh trắng, bình mình vừa nhấm đến chân cát. Tôi ra biển bơi lội một tiếng rồi trở về nhà đọc thư và các nhật trình của ngày hôm qua. Tôi luôn nhìn ngắm các phong thư rồi đặt chúng trên bàn cho đến hôm sau. Thời gian 24 giờ giúp tình cảm của tôi giảm sôi nổi và tôi đồng hóa chúng với đồ vật. Cách thức này giúp tôi không hấp tấp khi trả lời thư, không hưng phấn đến cam kết điều mình không thể thực hiện, và giúp tôi nghi ngờ những thề nguyền đã yêu mình. Giúp tôi tiêu hóa những cánh thư vào chi tiết, người viết thư thành nhân vật… Còn các nhật trình, làm phông xã hội. Sau đó, tôi ngồi vào bàn viết và viết đến trưa, khi ánh nắng làm nóng da đầu… Sau giấc ngủ trưa, tôi viết đến 5 giờ chiều. Thời kỳ này, mỗi ngày tôi viết 20 trang. Sau thành công của Trăm Năm Cô đơn và sau Nobel, tôi chỉ còn viết được 20 trang một tháng. Tôi tự khó khăn với chính mình, trong thâm tâm tôi biết, tôi cẩn thận vì danh tiếng. Tuy vậy, một ngày của tôi không thay đổi: Tôi vẫn bơi giấc 5 giờ sáng, đọc thư và uống cà phê sau đó, rồi ngồi vào bàn viết đến trưa. Đúng ngọ, tôi xuống làng dùng bữa trưa trong một hiệu quen, trò chuyện với chủ quán rồi về ngủ trưa. Giấc chiều tôi lại xuống làng đánh bài, với những bạn già quen không biết đến văn chương, tán gẫu, nhìn ngắm một cặp mông đẹp đi qua phố, rồi cùng với nhà tôi xuống sau, chúng tôi ăn tối trong một quán nhỏ êm đềm hướng ra biển. Rồi tôi về ngủ trước khi men rượu đánh thức những cô gái điếm.”

Đã thật lâu, tôi không nhớ rõ trên trang văn học của nhật trình nào nữa, có thể là Le Monde, hay Le Monde Diplomatique, đầu thập niên 90. Tôi cũng không nhớ rõ từng chữ Márquez trả lời, nhưng dáng dấp, phong vị và ý tưởng tự thuật một ngày của Márquez vẫn sống trong đầu tôi, như tôi vẫn ấn tượng là như vậy, và kể lại cho Hạo. Khi ấy, tôi còn nhớ rõ là mình đã mơ ước có một đời sống tương tự, không phải Nobel hay trăm năm hiu quạnh, mà sự êm đềm vĩnh cửu, và mình sở hữu thời gian, sống với những cánh thư, những nhân vật có thật vụt biến vào tiểu thuyết rồi hóa làm người khác. Chúng vây quanh, xuất hiện khi mình cần đến, rồi rúc vào xó góc khi mình khui một chai vang xưa trên nền khăn trắng, dưới trần mây mông lung còn những suy nghĩ của trang chữ viết tay dở dang, trước đùi trừu chín vàng với liễn hàu sống bên cạnh cầu gai còn thở phập phồng… Tiểu thuyết, giống một người đàn bà đẹp, cần ăn ngon, uống rượu chát tinh tuyền và cần thời gian để yêu suốt đêm mà ngày mai không phải đi làm… Ngày trẻ, sau thất vọng không kịp tham gia quân lực miền Nam, tôi mơ ước đời sống của Márquez. Hôm nay Hạo đặt câu hỏi này, tôi vẫn trả lời là tôi còn mơ ước đời sống của Márquez. Và quanh năm, không duy nhất một tháng hè.

Bận rộn? Hạo lại làm tôi nghĩ đến Adolf Hitler nói với Guderian vào tháng Năm, trước khi khai diễn trận Kursk tháng Bảy năm 1943: “Mỗi khi nghĩ đến mùa hè, ruột tôi quặn thắt.” Trận Kursk, mùa hè vinh quang cuối cùng, mùa hè còn chủ động chiến trường cuối cùng, Hitler tung vào mặt trận Nga tất cả trừ bị chiến xa, đánh canh bạc chót, mà không chắc thắng. Guderian hỏi ngược: “Mein Führer, vì sao phải tấn công mùa hè?” Hitler nhìn vào cảnh núi chập chùng trên nền cửa sổ của Berchtesgaden: “Mùa hè là mùa của những quyết định.”

Với tôi, mùa hè chính là mùa của những trận chiến. Minsk, Smolensk, Kiev, Vinnitsa, Ouman, Kharkhov, Stalino, Tcherkassy-Korsun… chúng hiện ra đồng loạt trên những quyển sách cũ mà tôi mua trong chợ sách cũ. Tôi đi chợ sách cũ trong công viên Georges Brassens, nhưng chỉ vào mùa hè tôi mới có thể ở lâu, lục lọi nguyên ngày vì trời ấm, không lạnh. Tôi sống với chúng, những trận chiến đẫm máu chết hàng vạn, hàng vạn thi thể chứ không lưa thưa như chiến tranh Irak, A Phú Hãn. Rồi tôi đem chúng ra biển, dưới tàu dừa xanh, dưới cụm mây trắng bềnh bồng, trước sóng biển lướt êm, bên ly cocktail mát lạnh, tôi luôn cảm giác kỳ lạ là mình thật yên bình hạnh phúc khi những kẻ khác lầm than, chết chóc và nguy khốn. Hạo có thể nói là một thú tiêu khiển sadique! Nhưng nếu tôi không đọc sách, thì họ cũng đã chết, và sách viết ra làm gì, nếu không để có người đọc?

Chợ sách cũ còn cho những bất ngờ: Đôi khi tôi tìm thấy những quyển hồi ký cách đây đã thế kỷ của các quan toàn quyền, đôi khi là hồi ký của thống chế Joffre hay Foch còn chữ ký đề tặng một sĩ quan thuộc cấp, lạ lùng là sách xưa còn nguyên vẹn thếp giấy chưa rọc, có nghĩa là viên sĩ quan được ký tặng ưu ái đã không đọc và con cháu mang vất bán cũng không đọc. Hay những dòng chữ viết đầy kỳ thị của một trú sứ An Nam, phê phán người đàn bà Việt biếng nhác, một khi lấy được chồng Tây không làm gì nữa ngoài nằm phe phẩy quạt… Viên trú sứ uy quyền, không biết con cháu của người đàn bà An Nam này, là tôi, nhặt lên một ngày quyển hồi ký đóng bìa da mạ vàng của trú sứ, bán với giá 5 đồng một ký, bản in cuối thế kỷ 19…  Đôi khi tôi tìm thấy trong sách cũ những tấm bưu thiếp gửi cho người nhận là chủ quyển sách, đôi khi một trang quảng cáo hay tấm vé đi xem hòa tấu nhạc, đôi khi một cánh thư tình nồng cháy của cách đây đã thật lâu… Sách, mang vết bụi thời gian mà chỉ lũ mọt sách mới cảm thấu. Chắc Hạo đã đoán ra, tôi không khác chúng.

Những lần bước chân vào chợ sách, tôi đều va chạm mạnh với ý thức: Các chuyển đổi thể chế hay cách mạng tại Tây Âu đã không phá hủy kho tàng tri thức của dân Tây Âu. Bằng chứng là các tủ sách gia đình đồ sộ từ thế kỷ 18 tiếp tục bày bán, nếu con cháu không lưu trữ thì những tủ sách bị phát tán này sẽ làm nên những tủ sách gia đình khác. Sách vẫn tiếp tục luân lưu, như tri thức của dân Tây — điều này khác với Việt Nam, xứ sở của không gì có thể tồn tại quá nửa thế kỷ. Nhìn vào các tựa sách trên sạp, tôi còn khám phá thêm là sau mỗi biến động, dân Tây Âu nghiên cứu, phân tích, truy lục từng chi tiết, từng vết tích lịch sử, trong lúc giai cấp tả khuynh Việt Nam vung khẩu hiệu: “Hãy quên đi quá khứ…” để hướng đến tương lai? Tương lai sẽ thập phần hư hỏng một khi quá khứ bị đánh tráo.

Như thế, trong ý Hạo hỏi: Bận rộn? Với cá nhân tôi là bận rộn với sách, như tôi đi tìm mua tất cả những sách chiến tranh Việt-Pháp, Nga-Đức, Mỹ-Nhật, thế chiến… Mùa hè, là mùa của biển xanh và những lượn sóng chữ.

Phan Nhiên Hạo: Mùa hè này, có thể nói là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội. Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… đang dấy lên những dư luận rộng rãi trong xã hội. Từ cái nhìn của một nhà văn hải ngoại, anh có thể chia xẻ vài cảm nhận về tình hình chính trị trong nước hiện nay được không?

Trần Vũ: Để tránh lập lại những gì mà nhiều người đã trả lời trên litviet, mà tôi chia sẻ, và cùng chung suy nghĩ, Hạo cho tôi bàn về một khía cạnh khác: tập san Quân Đội Nhân Dân.

Dân Việt chìm đắm trong chiến tranh, lâu và thảm khốc, nhưng dân Việt ít viết về chiến tranh, ít phân tích, ít quan tâm học thuật quân sự mà duy nhất khía cạnh chính trị. Càng lạ lùng khi quân đội Việt Nam, một trong những đạo quân đông đúc, ít suy nghĩ chiến tranh. Điều này thể hiện rõ trên tập san Quân Đội Nhân Dân. Đọc tập san này, hay tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, lên trang Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự hoặc vào các trang web http://tapchiqptd.vn/, http://www.btlsqsvn.org.vn/, http://www.vnmilitaryhistory.net/, http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/43/Default.aspx, chúng ta không trông thấy tư duy chiến lược của giai cấp sĩ quan ưu tú, hay ít nhất những suy nghĩ chiến thuật trong thời kỳ vũ khí mới, trước tình hình căng thẳng biển Đông và trước uy hiếp nặng nề của Giải Phóng Quân Trung Quốc. Không một phân tích về quân đội Trung Hoa, không một hồi ký về chiến tranh biên giới 1979, hay suy tư thao thức của quân nhân. Cá nhân tôi không hiểu vì sao cần một cấp bậc thiếu tướng làm tổng biên tập tập san Quân Đội, khi tính chất học thuật-phân tích-bình luận trống vắng, khi nội dung vô cùng thường thức, thậm chí văn nghệ và sao lại các thông tin dân sự của 600 báo khác. Như thông tin du lịch biển đảo, hoa hậu hoàn vũ, giải thưởng văn học… đến các nghị quyết, cương lĩnh, hội nghị trung ương thuộc phạm vi thuần chính trị không thuần quân sự. Kể cả các thông tin về mua sắm vũ khí, thử tàu chiến, là những thông tin sơ lược có thể tìm thấy trên các báo khác. Tóm lại, tập san Quân Đội Nhân Dân không thực hiện đúng chức năng của mình.

Chức năng này là gì? Thống chế Moltke định nghĩa: “Tập san quân đội phải là diễn đàn của giai cấp sĩ quan trung cấp, nơi trao đổi những suy nghĩ quân sự mới mẻ, chưa chính quy hóa, để từ đây bộ tổng tham mưu quy nạp những phát kiến từ hạ tầng quân đội không thông qua con đường hệ thống quân giai truyền thống.”

Giai cấp sĩ quan trẻ, như thế, phát tiếng nói của mình trên tập san này. Trường hợp Việt Nam hiện nay, giai cấp này không có tiếng nói.

Câu hỏi đặt ra là có thật sự cần thiết chuyên ngành hay không? Hay nên làm kinh tế? Hoặc làm cơ quan ngôn luận của chính quyền? Câu trả lời: Nhìn vào một tập san quân đội, chúng ta trông thấy sức mạnh của quân đội đó.

Không ngẫu nhiên mà vào thời kỳ Nã Phá Luân, tập san quân đội Pháp dầy 800 trang xuất bản từng quý, với những tranh luận học thuật về đạn đạo, cách bố trí pháo binh, là một vũ khí hiện đại thời ấy. Cũng trên tập san quân đội Pháp, tướng de Gaulle khi còn là một đại úy phát thảo “Hướng Về Một Quân Đội Nhà Nghề”  [Vers L’armée de Métier] mà về sau in thành sách và được xem là những đề xuất mới, khi de Gaulle yêu sách thành lập các sư đoàn cơ động thiết giáp thay vì phân tán chiến xa thành các thiết đoàn nhỏ yểm trợ bộ binh. Nếu tập san quân đội Tây dịch thuật hàng loạt các văn bản lý thuyết chiến tranh của Mikhail Toukhatchevski của Hồng Quân Sô Viết, tập san quân đội Đức dịch thuật các văn bản của de Gaulle, Liddell Hart, Charles Fuller, mà từ đây Heinz Guderian đúc kết thành chiến thuật Blitzkrieg. Chính trên tập san quân đội Đức trong thập niên 30 xuất hiện những trang viết “Bộ Binh Tấn Công” [Infanterie Attaque] của Erwin Rommel, “Phòng Thủ Di Động” [Défense Élastique] của Erich von Manstein, “Coi Chừng Chiến Xa!” [Achtung Panzer!] của Guderian, là những sĩ quan vô danh thời kỳ này. Thế giới biết đến sức mạnh của quân đội Đức sau khi các sĩ quan này trở thành tư lệnh chiến trường, nhưng chính họ đã trưng bày sức mạnh tri thức của quân đội Đức và tạo ra tranh luận trong tập thể quân đội Wehrmacht.

Nhìn vào tập san quân đội Việt Nam, ngược lại, là một “chốn vắng tư duy.” Có thể viện dẫn vì bí mật quốc phòng, vì cần tránh khiêu khích Bắc Kinh, nhưng không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì khi kho sách quân sự đồ sộ của thế giới không được dịch sang tiếng Việt trên tập san quân đội, cũng như ở khâu xuất bản của nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Bản dịch vài quyển sách về Điện Biên Phủ của Erwan Bergot, Bernard Fall, Jean Pouget bị biên tập cắt xén. Nhìn lui quá khứ, trống vắng hoàn toàn những phân tích tỉ mỉ về những thất bại của quân đội Việt Nam trong chiến tranh Việt-Pháp — dù đã 60 năm sau các trận Vĩnh Yên, Ninh Bình, Mao Trạch, Nà Sản, là những thất bại của tướng Giáp và tổng bộ Việt Minh. Vẫn chưa thấy một nghiên cứu minh bạch nào ghi lại tổn thất cùng những sai lầm phạm phải trên chiến trường, để từ đây giúp tập thể quân nhân rộng lớn có cái nhìn trung thực về hiệu năng thật sự của các sư đoàn lừng danh 304, 308, 312, 316, 320, v.v… Thiếu xác tín trận địa, các sĩ quan tham mưu không thể lượng định đúng mức chiến quả và càng nguy hiểm khi tạo ra ảo tưởng ở các đơn vị.

Chiến thắng đem đến huênh hoang và chúng ta nhìn thấy điều này. Huênh hoang đi kèm với tự mãn và tự mãn đi kèm với tự tin: Số đông tin vào sức mạnh của sáu tàu ngầm Kilo vừa mua của Nga. Nhưng chính vì không dịch “40 Câu Hỏi Thủy Chiến Tiềm Thủy Đĩnh” [La Guerre en 40 Questions] của đại đô đốc Karl Dönitz mà quân đội và dân chúng Việt Nam hôm nay tin sáu tàu ngầm Kilo này là lá chắn hữu hiệu. Dönitz viết gì? Dönitz phân tích tổng số tàu ngầm hoạt động phải chia làm bốn: ¼ huấn luyện, ¼ bảo trì, ¼ tại vùng tranh chấp và ¼ từ vùng canh gác khác trên đường ra tiếp ứng. Như thế, với sáu tàu ngầm Kilo, Việt Nam chỉ có thể “dàn trận” tối đa một hay hai tàu ngầm. Dönitz còn chứng minh qua kinh nghiệm của binh chủng tiềm thủy đĩnh Đức Quốc Xã là tàu ngầm là vũ khí của kẻ yếu và tàu ngầm không đủ sức ngăn chận bất kỳ một cuộc đổ bộ đánh chiếm một hòn đảo hay một quần đảo nào. Tàu ngầm là phương tiện tấn công hữu hiệu các thương thuyền, hải vận hạm của đối phương, khiến đối phương phải dàn mỏng lực lượng bảo vệ, mà không phải là vũ khí đương đầu trực diện với hạm đội thủy chiến chính thức của kẻ thù. Một tàu Kilo sau khi khai hỏa đánh đắm nhiều nhất một khu trục hạm Trung Hoa, sẽ phải lặn xuống thật sâu chạy trốn các ngư lôi hạm Trung Hoa săn lùng, trả lại biển Đông cho kẻ thù. Sáu tàu Kilo mà Việt Nam vừa mua, chắc chắn không đủ sức bảo vệ quần đảo Trường Sa. Trong cách nhìn của Dönitz, phải là tấn công các đoàn tàu vận chuyển tài nguyên cho Trung Hoa xuyên qua eo biển Malacca và lui căn cứ Cam Ranh về Phú Quốc. Nằm sâu trong vịnh Xiêm La, Phú Quốc không bị Hoàng Sa canh chừng và đảo Hải Nam kềm hãm. Một khi các phi tuần oanh kích của Bắc Kinh phát xuất từ đảo Hải Nam sẽ phải bay qua dọc chiều dài miền Trung, cho phép Phú Quốc được báo động và tung khu trục cơ lên nghênh cản. Lập căn cứ quân sự Phú Quốc còn giúp kiểm soát hay làm giảm tham vọng của Thái Lan và Mã Lai. Phú Quốc có thể là vị trí chiến lược uy hiếp thường trực eo biển Malacca, đường vận chuyển huyết mạch của Bắc Kinh. Những cách nhìn trên, vì sao chúng ta không thấy bàn thảo, tranh luận, thậm chí cãi vã trên tập san Quân đội Nhân Dân? Là một sự im lìm. Không thể biện bạch quân nhân Việt Nam vẫn bàn thảo trên bàn nhậu; một khi không thành văn bản chính thức, sẽ thiếu nghiêm túc và vô giá trị.

Tương tự, cách tổ chức của quân đội Phần Lan trong chiến tranh chống bành trướng Liên Xô, hay mô thức tinh gọn của quân đội Tsahal Do Thái không được nghiên cứu. Chúng ta không thấy các sĩ quan Việt Nam tìm hiểu trường hợp tiểu quốc bên cạnh các đế quốc của các quốc gia Hung, Tiệp Khắc, Bulgarie, Roumanie, Phần Lan… Quốc gia Việt Nam có ba chọn lựa: hoặc tử chiến như Phần Lan và giữ được độc lập vì giá máu xương quá cao khiến Liên Xô phải từ bỏ tham vọng, hoặc đầu hàng như trường hợp Tiệp Khắc, hay trở thành chư hầu và đắm chìm theo vận mệnh của Bá Linh, như trường hợp Hung, Roumanie. Vẫn là một sự im lìm.

Không riêng yếu kém vũ khí, mà chính yếu kém tranh luận học thuật quân sự và tư duy chiến lược của Quân Đội Nhân dân gây âu lo.

Chúng ta cố gắng tin “Lòng yêu nước giúp chiến thắng,” hay nói như Dương Thu Hương, “Tiếng hát át tiếng bom?”

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Trần  Vũ.

(Phỏng vấn thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 9.2011)