Phan Nhiên Hạo dịch
Nhầm lẫn về bản chất của cái gọi là thời đại thông tin [information age] đã đưa đến những nhận thức chung sai lạc. Đây là lỗi của tất cả, không phải của riêng ai, bởi vì trong khi cố gắng định vị trong không gian ảo, chúng ta thường sai lầm, và những quan niệm sai đã phát tán quá nhanh mà không bị thử thách. Khi được tập hợp lại, chúng tạo nguồn cho những cách ngôn kém hiểu biết. Nổi bật như năm cách ngôn sau đây:
1. “Sách đã chết.” Sai: Mỗi năm sách đang được in ra nhiều hơn năm trước đó. Một triệu đầu sách sẽ xuất hiện trên thế giới trong năm 2011. Chỉ trong một ngày ở Anh – “Super Thursday,” 1 tháng Mười vừa qua – 800 đầu sách mới đã được in. Ở Mỹ, số liệu mới nhất chỉ có đến năm 2009, và không phân biệt rõ đầu sách mới hay ấn bản mới của tựa sách cũ. Nhưng con số 288,355 đầu sách cho thấy một thị trường khỏe mạnh, với mức tăng trưởng có khả năng cao hơn trong năm 2010 và 2011. Mặt khác, những con số này, cung cấp bởi Bowker, chưa bao gồm sự bùng phát của loại sách “không truyền thống” – hơn 764,448 đầu sách tự in bởi các tác giả và cơ sở kinh doanh kiểu “thị trường nhỏ” in-theo yêu cầu. Kinh doanh sách cũng phát đạt ở những nước đang phát triển như China và Brazil. Đo lường kiểu nào đi chăng nữa thì dân số sách cũng đang tăng, chứ không giảm, và chắc chắn là không giãy chết.
2. “Chúng ta đã bước vào thời đại thông tin.” Tuyên bố này thường được phát ngôn với giọng điệu nghiêm trọng, như thể thông tin đã không từng tồn tại trong những thời đại trước. Nhưng thời nào cũng là thời đại thông tin, theo cách riêng của nó với những phương tiện truyền thông có được của thời đại đó. Không ai phủ nhận rằng phương tiện truyền thông đang thay đổi nhanh chóng, có lẽ cũng nhanh như thời của Gutenberg, nhưng sẽ là sai lầm để phân tích đổi thay này như thể đó là điều chưa có tiền lệ.
3. “Toàn bộ thông tin giờ đây nằm trên mạng.” Đối với những người từng làm nghiên cứu dựa vào các kho lưu trữ, tuyên bố này rõ ràng là ngớ ngẩn. Chỉ một phần rất nhỏ các tài liệu lưu trữ từng được đọc, nói chi đến việc số hóa chúng. Phần lớn các quyết định pháp lý của tiểu bang và liên bang chẳng bao giờ xuất hiện trên mạng. Đa phần những quy định và báo cáo của các cơ quan công quyền vẫn không đến được với các công dân mà chúng nhắm đến. Google ước tính có khoảng 129,864,880 đầu sách trên thế giới, và tuyên bố sẽ số hóa 15 triệu — tức khoảng 12 phần trăm. Làm thế nào nó có thể thu hẹp khoảng cách này trong khi sách tiếp tục được in ra với tốc độ một triệu tựa sách mới mỗi năm? Và làm thế nào loại thông tin-phi in ấn có thể được đưa lên mạng một cách ồ ạt? Khoảng một nửa số phim sản xuất trước năm 1940 nay đã biến mất. Bao nhiêu phần trăm tài liệu nghe nhìn hiện nay sẽ còn lại, ngay cả chỉ trong một phần nhỏ của internet. Bất chấp những cố gắng nhằm lưu trữ hàng triệu tin nhắn trên blogs, email, và các thiết bị cầm tay, phần lớn lượng thông tin trao đổi mỗi ngày vẫn mất đi. Văn bản số xuống cấp dễ dàng hơn nhiều so với chữ in trên giấy. Brewster Kahl, cha đẻ của Lưu Trữ Mạng [Internet Archive], cho biết vào năm 1997, tuổi thọ trung bình của một địa chỉ mạng [URL] là 44 ngày. Sự thật là phần lớn thông tin không xuất hiện trên mạng, và đối với những thông tin đã lên mạng, đa phần có lẽ đã thất tán.
4. “Thư viện đã lỗi thời.” Trên cả nước các thư viện đều cho biết chưa bao giờ họ lại có nhiều bạn đọc như vậy. Tại Harvard, các phòng đọc của chúng tôi đầy người. 85 chi nhánh của hệ thống thư viện công cộng thành phố New York luôn đông nghẹt. Thư viện cung cấp sách, video, các tài liệu như thường lệ, và cũng đang thực hiện những chức năng mới: cung cấp thông tin cho các cơ sở thương mại nhỏ, giúp trẻ con làm bài tập và tổ chức các họat động cho chúng, cung cấp thông tin lao động cho người tìm việc (việc biến mất các quảng cáo thuê mướn trên báo in khiến thông tin mạng cung cấp bởi thư viện trở nên thiết yếu đối với người tìm việc). Các thủ thư đáp ứng nhu cầu bạn đọc bằng nhiều cách khác nhau, đáng chú ý là việc hướng dẫn họ vượt qua sự hoang dã của thế giới mạng để đến được với các thông tin điện tử tương hợp và khả tín. Thư viện chưa bao giờ chỉ là kho chứa sách. Trong khi tiếp tục cung cấp sách trong tương lai, thư viện sẽ đảm nhiệm chức năng như các trung tâm thần kinh cho việc giao tiếp thông tin điện tử ở cấp độ địa phương và trong các khuôn viên đại học.
5. “Tương lai là số hóa.” Cũng đúng, nhưng gây nhầm lẫn. Trong vòng 10, 15, hay 50 năm nữa, môi trường thông tin sẽ chủ yếu là số hóa, nhưng sự thắng thế của thông tin điện tử không có nghĩa là sản phẩm in ấn sẽ không còn quan trọng. Các nghiên cứu của nghành học còn tương đối mới về lịch sử của sách cho thấy các phương thức thông tin mới đã không thay thế các phương thức cũ, ít nhất là trong thời gian ngắn. Việc sản xuất các văn bản chép tay thật ra đã được mở rộng sau thời Gutenberg và tiếp tục phát đạt suốt ba thế kỷ tiếp đó. Radio đã không tàn phá báo in; tivi đã không giết radio; và internet đã không làm cho tivi tuyệt chủng. Trong mỗi trường hợp này, môi trường thông tin chỉ trở nên phong phú và phức tạp hơn. Đó là những gì chúng ta hiện nay đang trải qua trong thời điểm chuyển tiếp quan trọng đến một môi trường chủ yếu là số hoá.
Tôi đề cập những quan niệm sai lầm trên đây vì tôi cho rằng chúng gây trở ngại cho việc hiểu biết của chúng ta về sự biến chuyển của môi trường thông tin. Chúng đã kịch tính hoá các thay đổi. Chúng trình bày sự việc một cách thiếu tính lịch sử và trong tương phản gay gắt – trước và sau, hoặc chỉ thế này/hoặc chỉ thế kia, hoặc trắng hoặc đen. Một cái nhìn hợp lý hơn sẽ từ chối xu hướng phổ thông cho rằng sách in và sách điện tử là tuyệt đối tương phản và chống lại nhau trên quang phổ kỹ thuật. Sách in và sách điện tử nên được xem như những đồng minh, không phải kẻ thù. Để minh hoạ cho luận điểm này, tôi sẽ đưa ra vài quan sát ngắn gọn về thị trường sách, về việc đọc, và viết.
Năm ngoái số sách điện tử (sách được số hoá cho các phương tiện đọc cầm tay) tăng gấp đôi, chiếm 10 phần trăm doanh số thị trường sách. Dự đoán năm nay là nó sẽ đạt từ 15 đền 20 phần trăm. Nhưng cũng có những chỉ dấu cho thấy số lượng sách in được bán ra cùng kỳ đã tăng ở mức tương đương. Nhiệt tình đối với sách điện tử có thể đã kích thích việc đọc nói chung, và mở rộng thị trường sách. Các máy in sách kiểu mới, vận hành như máy rút tiền ATM, làm mạnh thêm khuynh hướng này. Khách hàng đi vào tiệm sách đặt mua một cuốn sách trên máy điện toán. Văn bản được tải xuống, in ra như một ấn bản bìa mềm trong vòng bốn phút. Dạng in-theo yêu cầu này cho thấy cách in sách kiểu cũ có thể có một đời sống mới thông qua việc tiếp nhận kỹ thuật điện tử.
Nhiều người trong chúng ta lo ngại về sự suy thoái của việc đọc sâu, đọc phản hồi, đọc từ đầu đến cuối sách. Chúng ta phàn nàn về việc chuyển hướng đến blog, ghi chép vụn, và tin nhắn. Trong nghiên cứu, chúng ta thừa nhận lợi thế của việc tìm kiếm dựa trên đơn vị từ, nhưng chúng ta từ chối tin rằng điều này có thể đem đến loại hiểu biết mà chỉ việc đọc toàn bộ một cuốn sách mới có thể đạt được. Dù sao việc đọc sâu cũng đang suy giảm, nhưng liệu nó đã luôn thế thắng thế? Những nghiên cứu của Kevin Sharpe, Lisa Jardine, và Anthony Graffon cho thấy các nhà nhân văn thế kỷ 16 và 17 cũng thường đọc đứt đoạn, tìm kiếm những đoạn văn có thể được sử dụng để tỉ thí trong các cuộc tranh tụng ở toà án, hay sử dụng chúng như những khối kiến thức có thể được chép lại vào loại sách bình dân và dùng tham vấn bên ngoài ngữ cảnh.
Trong những nghiên cứu về văn hoá giới bình dân, Richard Hoggart và Michel de Certeau nhấn mạnh khía cạnh tích cực của việc đọc ngắt quãng và đọc với liều lượng nhỏ. Người đọc thông thường, theo những nghiên cứu này, tiếp cận sách (bao gồm sách mỏng và tiểu thuyết diễm tình Harlequin) theo cách riêng của họ, và thêm vào đó những ý tưởng có ý nghĩa riêng đối với họ. Hoàn toàn không thụ động, những đọc giả này, theo de Certeau, hành xử như những kẻ “cưỡng chiếm,” chộp lấy điều thiết yếu từ những gì mà họ có trong tay.
Tình trạng viết xem ra cũng bi đát như tình trạng đọc đối với những người không thấy gì ngoài suy tàn trong buổi giáng lâm của Internet. Như có đã người than vãn: Sách từng được viết cho đám đông; nay sách được viết bởi đám đông. Internet hẳn nhiên đã kích thích việc tự xuất bản, nhưng tại sao việc đó lại đáng buồn? Nhiều người viết có những chuyện quan trọng để nói đã không vào được thị trường sách, còn đối với những thứ viết vô giá trị, người ta chỉ cần tảng lờ.
Ấn bản điện tử của các nhà xuất bản ảo có thể góp phần vào tình trạng quá tải thông tin, nhưng các nhà xuất bản chuyên nghiệp sẽ cung cấp lối thoát bằng cách tiếp tục làm công việc mà họ đã luôn làm — chọn lọc, biên tập, thiết kế, và quảng bá những tác phẩm tốt nhất. Họ sẽ phải chuyển đổi kỹ năng cho phù hợp với công nghệ Internet, và điều đó đang xảy ra, họ có thể tận dụng lợi thế của các khả năng mới mà kỹ thuật mới cung cấp.
Lấy ví dụ từ kinh nghiệm của chính tôi, tôi mới in một cuốn sách với phụ bản điện tử, Poetry and the Police: Communication Networks in Eighteenth-Century Paris (Harvard University Press). Cuốn sách mô tả việc những bài hát đường phố đã có ảnh hưởng đến dư luận như thế nào trong những xã hội đa phần mù chữ. Mỗi ngày, dân chúng Paris chế lời mới cho những giai điệu cũ, và những bài hát đã được truyền đi với sức mạnh làm kết tủa cuộc khủng hoảng chính trị năm 1749. Nhưng giai điệu đã ảnh hưởng đến ý nghĩa như thế nào? Sau khi tìm ra phần ký âm của khoảng chục bài hát, tôi yêu cầu một nghệ sĩ cabaret, Hélène Delavault, thâu âm chúng cho phụ bản điện tử. Người đọc có thể nghiên cứu phần văn bản trong sách cùng lúc với việc nghe những bài hát trên mạng. Bằng cách thu giữ âm thanh, phụ bản điện tử của một văn bản in kiểu cũ có thể giúp khám phá một khía cạnh mới của quá khứ.
Người ta có thể đưa ra những ví dụ khác về việc kỹ thuật mới đang tiếp sức cho các phương thức truyền thông cũ, thay vì làm hại chúng. Tôi không có ý làm giảm thiểu những khó khăn mà tác giả, nhà xuất bản, và đọc giả hiện đang đối mặt, nhưng tôi tin rằng những ý kiến theo quan điểm sử học như thế này có thể hoá giải các quan niệm sai lầm đang ngăn cản chúng ta tận dụng tối đa “thời đại thông tin” — nếu chúng ta phải gọi nó bằng cái tên này.
(Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “5 Myths about the ‘Information Age'” của Robert Darton, đăng trên The Chronical of Higher Education, 17 tháng Tư 2011. Robert Darton là giáo sư và thư viện trưởng thư viện đại học Harvard.)