Phan Thị Lan Phương – Những giấc mơ của Phương (1)

Tôi có một điều lạ: cứ ngủ là mơ, bất kể ngủ trưa hay ngủ đêm. Tôi đọc sách, người ta bảo rằng ai cũng mơ cả nhưng vấn đề là họ có còn nhớ giấc mơ đó khi tỉnh dậy hay không. Tôi hầu như đêm nào cũng mơ và mơ rồi thì lúc nào tỉnh dậy cũng nhớ. Tôi nhớ có một đêm tôi không mơ (hoặc mơ mà không nhớ), lúc đó tôi chừng 15 tuổi, khi tỉnh dậy, tôi thấy lạ lắm, lạ vì đêm qua mình vừa chết đi sống lại, hay đêm qua mình đã từng không sống. Nhưng chỉ có đêm đó thôi, những đêm khác tôi đều mơ. Có những đêm, tôi mơ linh tinh chuyện dọn nhà, chuyện đi ăn uống gì đó bình thường. Cũng có những đêm, tôi mơ những câu chuyện dài có đầu có đũa. Có những đêm, tôi mơ những giấc mơ ngắn ngắn, là lạ, hoặc kinh dị, sợ hãi. Có những đêm, tôi lại mơ giấc mơ nhẹ nhàng, dễ thương. Có những giấc mơ buồn ơi là buồn, tỉnh dậy không khóc mà buồn đến hết cả buổi sáng. Có những giấc mơ mơ đi mơ lại đến quen thuộc, không biết sao vẫn mơ thấy nó, đến khi ra ngoài đời thật, bắt gặp chính hình ảnh đã mơ, tôi có cảm giác hơi hoang mang, không biết cuộc đời thật này có phải là mơ không.

Có người nói với tôi rằng giấc mơ không có câu chuyện đâu. Nó chỉ là những mảnh ghép lóe lên trong đầu mình khi nghỉ ngơi và nó xâu chuỗi lại thành những thứ có vẻ như là có chuyện. Nếu vậy thì cái đầu tôi không nghỉ rồi, đêm nào nó cũng xâu như bà già ngồi kết chuỗi tràng. Nó miệt mài như thế suốt mấy chục năm nay. Tôi không thấy những giấc mơ làm phiền gì mình cả, ngược lại, tôi thấy vui với chúng. Những giấc mơ làm tôi thấy mình sống dài gấp rưỡi người khác, bởi tôi chưa ngủ bao giờ. Sau mỗi ngày làm việc, trò chuyện, tôi lại leo lên gác xép và nằm xuống. Ở đó, tôi bắt đầu một “ngày” khác trong một thế giới khác. Thế giới đó không có sự giới hạn của không gian, thời gian. Tôi đang ở đây, thoắt lại ở bên Pháp, bên Mỹ, bên Tàu. Trong giấc mơ đó, không ai già đi. Tôi gặp lại những người cả hơn 10 năm tôi chưa gặp, họ vẫn vậy.

Ngày trước, tôi thường tự hỏi, có phải chăng hằng đêm, linh hồn con người thoát xác, đi lang thang, gặp nhau, ăn nhậu, vui chơi, cãi cọ, đánh nhau, rượt nhau… rồi sau đó lại quay về với thân xác. Bởi không có không gian và thời gian nhất định, nên đêm nay tôi mơ gặp anh, ba đêm sau anh mới mơ gặp tôi, bởi thời gian của linh hồn anh và linh hồn tôi khác với thời gian của anh và tôi ngoài đời. Đến giờ, tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó. Và tôi quyết định không băn khoăn nữa, không lý giải nữa. Tôi muốn giữ mãi những giấc mơ của mình như một thế giới đẹp, nơi mà mỗi ngày tôi lại được viếng thăm. Ở đó, không có những cơn đau thật, những cái chết thật nhưng lại có những nỗi buồn thật, niềm vui thật.

Suốt mấy chục năm qua, tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu câu chuyện trong thế giới đó mà quên kể lại. Từ hôm nay, tôi sẽ ghi lại những giấc mơ như một món quà tôi may mắn có được.

*

Giấc mơ Lhasa

Tôi cùng hai cô bạn học cũ, một cô tên Vinh và một cô gì đó nữa không nhớ tên, cùng xách túi đi du lịch. Tôi có cái vali kéo khá to nhưng nhẹ, hai cô bạn không rõ mang theo thứ gì. Mở ngoặc nói thêm một chút về Vinh. Vinh ở cách nhà tôi chừng 200m đường chim bay, còn đường lòng vòng chắc chừng 400m. Ba nó lớn tuổi, họ Dương, bà con họ bên nhà ngoại nên tính về quan hệ bà con, tôi phải gọi nó là dì. À, tên đầy đủ của nó là Dương Thị Bích Vinh. Hồi đi học, nó hay viết bút mực màu xanh, vòng đầu chữ V viết hoa như tua cuốn bông mướp. Vinh mặt mảnh, mũi tẹt, nhỏ con. Ba nó cũng nhỏ xíu và bị thương hồi đi lính Cộng Hòa nên chân cao chân thấp. Lúc đi học, Vinh hay bị Quyền, một anh bạn cùng xóm (và tôi cũng phải kêu bằng cậu trong quan hệ bà con chòm xóm luôn) cứ đọc vè chọc nó.

“Cái lưng cong queo

Cái đít teo teo

Cái chân quèo quèo

Hỗn ơi là hỗn”

Vậy là con Vinh nổi khùng, mặt đỏ bừng, dí Quyền chạy lòng vòng. Hết cấp hai, Vinh và tôi lên cấp ba học cùng trường nhưng khác lớp. Tôi vốn không thân với nó, nay lại càng cách xa. Hết cấp ba là tôi cũng không gặp Vinh nữa, nghĩa là đã 12 năm nay. Vậy mà không hiểu sao, giờ lại đi du lịch chung với nó. Nó vẫn nhỏ con và gương mặt, dáng vóc y như hồi học lớp 12.

Vinh tìm được một chuyến tàu từ Hà Nội đi thẳng đến một ga nhỏ gần biên giới vào khu vực Tây Tạng. Chuyến tàu như thế nào tôi không nhớ, bao nhiêu tiền, tôi không biết, chỉ biết ba đứa đến một ga xép rồi mang hành lý ra khỏi ga. Tụi tôi kéo vali đi bộ. Đường nhỏ, có những chỗ ngập nước như nước biển (sao trên Hymalia lại có nước biển không biết?) Người ta đóng những cây cầu bằng cây ghép lại như những chiếc cầu vào thăm hang Gia Long ở Hà Tiên. Không biết vì sao, hình ảnh những cây cầu chênh vênh bằng ván hoặc gỗ tròn đóng lại, thỉnh thoảng có vài cây sút mất, cứ trở đi trở về trong những giấc mơ của tôi. Hết đoạn ngập nước biển, chúng tôi đi tiếp một đoạn đường nữa. Nó là đoạn đường đất bùn được đắp lâu ngày, cát phủ lên trên nhưng vẫn khá cứng. Hai bên, dương liễu mọc dày y như con đường nối từ nhà tôi qua nhà Vinh ở quê (không biết sự thật trên Lhasa có dương liễu mọc hay không?)

Đi được một đoạn, Vinh bảo tụi tôi lôi hết giấy tờ tùy thân đưa cho nó. Bây giờ vào biên giới Tây Tạng cần phải có visa. Tôi lục tung hành lý mà không có lấy cái giấy chứng minh nhân dân hay bằng lái xe gì. Vậy mà không hiểu sao, từ Hà Nội tụi tôi có thể đi tới đây mà chẳng cần visa giấy tờ gì để qua Trung Quốc! Nhỏ kia thì bảo nó có đem theo. Chả hiểu sao tới giờ, tôi vẫn không nhớ ra con nhỏ đi cùng là ai, chỉ biết nó cũng là bạn học cũ như con Vinh mà thôi. Nhỏ Vinh có vẻ khá lanh lẹ, móc ra hai tờ giấy A4 và bảo đây là giấy xin tị nạn chính trị, tụi bay có thể lấy giấy này mà xin vô Tây Tạng, còn tao thì có visa rồi, nhưng tất nhiên là phải có passport hay chứng minh nhân dân mới được. Vậy là tong, tôi phải ở lại. Tôi đưa tụi nó ra một bến đò (lại là bến đò kiểu ở miền Tây trên núi cao Tây Tạng!) Hai đứa nó qua bên kia bờ, vẫy vẫy tay chào tôi. Cảnh này có một lần tôi mơ thấy, không rõ trong giấc mơ nào, nhưng cũng tại bến đò y như vầy, tôi tiễn một ai đó đi Campuchia.

Hai đứa đó đi Lhasa, còn tôi lủi thủi lôi cái vali về. Tôi quay lại con đường đất với hai hàng dương liễu hai bên. Đi mãi đến khu vực có cái động đầy nước biển và những cây cầu bằng gỗ tròn ghép lại, tôi gặp hai người đàn ông địa phương. Chúng tôi trao đổi với nhau vài câu tiếng Anh đơn giản. Ông ta cho tôi ngồi chờ. Chờ cái gì tôi cũng không biết nữa.

Tôi thấy một con cá khá lớn, dài chừng tám tấc, đang mắc kẹt dưới cây gỗ nơi mép nước. Tôi chỉ một người đàn ông trong số họ và ông ta đi bắt con cá. Nhưng con cá lại thoát được. Hai người đàn ông cười. Tôi nhìn họ khó hiểu. Và con cá cứ nhảy lòng vòng xung quanh ba người. Họ vui đùa với nó. Hóa ra ở đây người ta nuôi cá như thể nuôi chó mèo làm thú cưng. Họ còn kêu con cá lại cho tôi xem nhưng nó không chịu, có thể vì tôi là người lạ. Tôi hỏi đường ra ga về Hà Nội, họ bảo cái ga đó xa lắm, về một hướng khác. Ở đây chỉ có một cái ga lớn hơn, đi về Bắc Kinh. Lạy Chúa, tôi không có giấy tờ, chẳng biết còn bao nhiêu tiền trong túi nữa, mà hình như toàn tiền Việt Nam thôi, làm sao mà về Bắc Kinh rồi về Hà Nội?

Ông ta đưa tôi ra ga, nơi đó chỉ thấy toàn đầu tàu, thỉnh thoảng có đoàn chuyển bánh nhưng chỉ có mỗi một toa. Tôi thở dài nghĩ thầm, tàu thế này thì đi tới đâu, mà lại chẳng có xu nào trong túi. Ông ta quay về. Tôi đứng lại lục tung cái vali. Bên trong vali to chần vật là vài cái vali nhỏ hơn (nhưng mà vẫn khá to), mấy đồng bạc lẻ, vài tờ giấy tôi viết vội thứ gì đó, hóa đơn mua điện thoại, vài trang kịch bản linh tinh. Lúc đó tôi nhận ra mình đang mơ và trong giấc mơ biết mình đang mơ đó, tôi rủa thầm: “Mẹ nó, thôi tỉnh dậy cho rồi chứ mơ khỉ gì mà đi Tây Tạng cũng không được, tiền cũng đếch có. Thôi đừng mơ nữa, tỉnh dậy, xách vali này về, lôi hai cái vali nhỏ ra và xếp hết đống quần áo đang đựng trong túi Metro chất chồng trên gác. Cái gác xép ở trọ này bé tí, giờ chỉ còn chừa mỗi cái nệm 1,2m vuông để nằm. Có ba cái vali này mà xếp đồ, hẳn cái gác phải gọn lắm.”

Rủa vậy thôi chứ tôi vẫn ngủ tiếp và mơ tiếp. Giấc mơ nối tiếp giấc mơ trước đó, là khi tôi nhận ra mình đang ở biển. Không hiểu thế nào, từ cái ga khốn nạn kia, tôi lại dông một phát đến biển. Tôi đang nằm trong một căn phòng có cửa sổ khung nhựa kiểu cửa Eurowindow, nhìn ra bờ biển. Kiểu phòng ở theo cả dãy, mini resort nối tiếp nhau như ở Sihanookville bên Campuchia. Tôi vừa mắt nhắm mắt mở tỉnh cơn mơ Tây Tạng (tức là cơn mơ chồng chéo cơn mơ, nhưng trong cơn mơ này, tôi biết mình vẫn đang ở Trung Quốc) thì thấy một con cá ngừ bay vèo từ sau cái phòng tôi đang ở về phía biển. Tôi hồi hộp, không biết con cá có gắng bay tới chỗ ngấn nước không. Không, nó hạ vây (chứ nó làm gì có cánh mà hạ cánh) ngay bờ biển rồi lắc lắc thân hình như con cá lóc trườn xuống nước. Tôi mở toang cửa, chạy ra bắt con cá. Tôi vừa đuổi đến nơi thì con cá cũng vừa xuống nước. Tôi thở dài, nghĩ mình khùng quá, việc của mình là làm sao về lại đến Việt Nam, chứ bắt cá ngừ ở đây thì làm chó gì. Tôi quay lại chỗ căn phòng, xách vali đi tiếp.

Nhưng rồi tôi sẽ đi đâu, tôi đã đi đâu, tôi không rõ. Có lẽ trong giấc mơ đó, linh hồn tôi mang theo ba cái vali rỗng đi lòng vòng trước khi nó nhập lại vào thân xác của tôi với hơi thở đều đều trên cái gác xép 6m vuông này.