Nguyễn Viện – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào anh Nguyễn Viện. Mùa hè của anh ở Sài Gòn thế nào, đang vui, buồn, bận rộn công việc gì?

Nguyễn Viện: Chào anh. Có lẽ có tất cả những thứ anh nêu ra trong mùa hè này của tôi.

Vui, vì tôi đang chuẩn bị ra một cuốn sách mới có tựa đề Ngồi Bên Lề Rất Trái, gồm một số truyện và kịch đã viết trong thời gian qua. Cuốn sách dày hơn 200 trang, tất nhiên vẫn do nhà xuất bản Cửa ấn hành. Nhân tiện đây cũng xin nói thêm, sau khi họa sĩ Trịnh Cung và nhà thơ Trần Tiến Dũng rút tên khỏi nhóm chủ trương, hiện nay nhà xuất bản này chỉ còn mình tôi đứng tên chủ biên.

Một niềm vui và cũng là bận rộn khác là tôi đang viết một truyện mới. Một truyện vừa mang nhiều tính thời sự. Tôi đã bắt đầu viết truyện này sau khi nghe nhạc sĩ Dương Thụ ngỏ ý mời tôi nói chuyện về văn chương Hậu Hiện Đại ở Cà Phê Thứ Bảy của ông ấy. Vì thế, truyện này cũng sẽ rất Hậu Hiện Đại. Hy vọng tác phẩm sẽ được hoàn tất trước cuối năm, để sang năm 2012 tôi sẽ in một cuốn sách nữa gộp chung với một truyện vừa tôi đã viết trong năm 2010 (chưa phổ biến ở đâu). Hai truyện vừa này sẽ thành một cuốn sách hơn 200 trang. Tôi thích những cuốn sách khoảng 200 trang như thế. Và tôi cũng thích gọi nó là những tiểu thuyết ngắn. Nếu có nhà xuất bản nào khác muốn in cuốn này, tôi rất hoan nghênh và sẽ giữ bí mật cho đến khi sách phát hành.

Buồn? Nhiều người hỏi tôi “Sao trông buồn thế?” Thật ra, một từ chính xác với tôi là chán. Rất chán. Càng sống lâu càng chán.

Phan Nhiên Hạo: Trong thời buổi mọi thứ có thể được phổ biến dễ dàng trên internet, tại sao anh vẫn muốn in sách, và tự in với những hạn chế của phương tiện kỹ thuật, sách in ra cũng không được truyền thông trong nước nhắc tới?

Nguyễn Viện: Có hai lý do để tôi thích một cuốn sách in trên giấy. Thứ nhất, đó là cách tôi gom góp những gì đã viết vào một chỗ như xếp vào một hồ sơ. Một cách khai tử nó trong một mộ chí. Thứ hai, ngược lại là tôi muốn khai sinh nó trong một hình thù nhất định. Còn với truyền thông trong nước, thật sự tôi đã quên nó từ lâu, quên tất cả từ người viết đến sáng tác của họ.

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Theo quan sát của anh, phản ứng của giới văn nghệ trước những vấn đề này như thế nào? Có sự khác biệt nào giữa giới văn nghệ ở Sài Gòn và Hà Nội, trong lề, ngoài lề, vân vân?

Nguyễn Viện: Thời tiết chính trị có lẽ nó không được cảm nhận giống nhau như một cái hàn thử biểu. Vì thế, những biến cố trong mùa hè này nó cũng được cảm nhận rất khác nhau, chẳng riêng gì văn nghệ sĩ.

Trước hết nói về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Trong lịch sử của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì chỉ bắt đầu từ năm 2007 mới có những cuộc biểu tình tự phát của công dân để biểu lộ một thái độ chính trị cũng như lòng yêu nước ngoài khuôn khổ chỉ đạo của nhà nước.

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007 có nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ hơn năm 2011 này. Đặc biệt, tại Sài Gòn hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia biểu tình đều là những văn nghệ sĩ ngoài luồng. Cái khác biệt giữa trong luồng và ngoài luồng là những người trong luồng chỉ làm những gì được cho phép hay lãnh đạo, còn những người ngoài luồng có thể làm những gì mà họ muốn làm. Cho nên năm 2007, phản ứng với bọn bành trướng Bắc Kinh, từ sáng tác cho đến hành động (biểu tình) chỉ thấy ở những văn nghệ sĩ ngoài luồng. Năm 2011, người ta thấy có cả những văn nghệ sĩ trong và ngoài luồng tham gia. Tuy nhiên, số lượng đã ít hơn hẳn. Lý do về sự vắng mặt của những văn nghệ sĩ đã từng tham gia biểu tình năm 2007 mà tôi biết được chỉ đơn giản là họ bị lực lượng an ninh canh giữ. Cá nhân tôi cũng không ngọai lệ. Nhưng bù lại, sự có mặt của một số người thường gọi là nhân sĩ, trí thức lại nhiều hơn và bất ngờ hơn, đặc biệt đối với những nhân vật nổi tiếng thuộc phe tranh đấu ở Sài Gòn trước 1975.

Một điều cũng rất khác nhau giữa thái độ của người trong luồng với ngoài luồng trong sáng tác, tôi cho rằng ý kiến trước đây của InrasaraThận Nhiên cũng khá chính xác. Trong khi những người trong luồng chỉ biểu lộ tinh thần yêu nước và chống xâm lăng bằng những tác phẩm mà có thể phổ biến lúc nào cũng được, nghĩa là nó chung chung và thường nhắc lại tinh thần chống ngoại xâm của cha ông trong lịch sử, thiếu tính thời sự việc thật, người thật, những sáng tác ngoài luồng lại nhấn mạnh đến những hiểm họa đang diễn ra và những hành vi khó giải thích của chính quyền, cũng như nỗi đau trước sự phũ phàng đó. Sự khác nhau đó tự nó cho người đọc thấy chỗ đứng nào là chỗ đứng của người nghệ sĩ đích thực, chỗ đứng nào mang tính nô tài.

Phan Nhiên Hạo: Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, lúc mới diễn ra, Sài Gòn đi đầu và rầm rộ hơn Hà Nội, nhưng rồi nhanh chóng rơi vào im lặng, trong khi biểu tình ở Hà Nội vẫn tiếp tục kéo dài đến nay. Anh là người đã tham dự vào những cuộc biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn, anh có nhận xét gì về tình trạng này?

Nguyễn Viện: Đúng như anh nói. Tôi đã tham gia biểu tình và tường thuật vụ biểu tình ngày đầu tiên 5/6/2011 tại Sài Gòn trên sóng đài RFA. Đến lần thứ hai thì tôi bị bắt.

Ngay từ 3/6/2011, trước khi có biểu tình, tôi đã bị công an mời làm việc và khuyến cáo không được đi biểu tình. Và từ ngày 5/6/2011 đến nay tôi tiếp tục bị công an canh chừng vào mỗi ngày Chủ Nhật. Quả thật là không vui. Nhưng thật tình mà nói giữa tôi và mấy ông công an canh tôi cũng không đến nỗi căng thẳng. Tôi biết họ làm nhiệm vụ. Vâng, chuyện ai người ấy làm. Cho nên, họ canh thì cứ canh. Việc tôi đi biểu tình là việc của tôi. Còn việc tại sao Sài Gòn hầu như đã chấm dứt sau lần thứ hai, có nhiều lý do mà tôi không phải là nhân tố đáng kể. Tôi chỉ là một trong số đông. Mà số đông không ai đại diện cho ai. Không ai lãnh đạo hay xúi giục (nói theo giọng điệu nhà nước). Vì thế, phản ứng của số đông tùy thuộc vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cả ba yếu tố này ở Hà Nội hơn hẳn Sài Gòn. Hà Nội đã hình thành được một tập thể nhân sĩ trí thức đáng tin cậy và đoàn kết, vì thế Hà Nội có thể sẽ tiếp tục được cái ý chí và truyền thống chống ngọai xâm của mình.

Phan Nhiên Hạo: Anh có nghĩ rằng giới trí thức Sài Gòn phân hoá hơn Hà Nội trong vấn đề này? Nếu có, tại sao?

Nguyễn Viện: Đây là câu hỏi đáng suy nghĩ.

Trước hết, Hà Nội là nơi có sự thuần nhất về bối cảnh lịch sử, chính trị và xã hội với những con người sống ở đó, cho nên họ dễ có những điểm chung. Trong khi ở Sài Gòn, rõ ràng là bối cảnh của mỗi con người rất khác nhau. Ít nhất, chúng ta có thể chia thành các nhóm:

— Nhóm những người từng theo Mặt Trận Giải phóng như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng…

— Nhóm đối lập trước 1975 nhưng vẫn là quốc gia, hoặc là thành phần thứ ba (theo cách gọi của thời đó)

— Nhóm không theo Cộng Sản hoặc những người thuộc chế độ cũ

— Nhóm từ miền Bắc vào sau 1975

— Nhóm trưởng thành sau 1975

— Những nhóm thuộc ảnh hưởng các tôn giáo

Vân vân…

Nếu nhìn ở góc độ này, người ta có thể thấy những thân phận khác nhau. Sự phân hóa nếu có, cũng chẳng có gì lạ.

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Nguyễn Viện.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)