Phan Nhiên Hạo – Anh ma-cô dịu dàng. Bài văn… Một ý nghĩ…

Anh ma-cô dịu dàng

Tên anh không phải Mai-Cồ, tên anh tiếng Indonesia là gì anh nói tôi không nhớ. Anh khoảng bốn mươi mấy, mặc áo sơ mi dài tay bỏ trong quần, mang giày da cũ, cố gắng tỏ ra tươm tất. Anh có vợ con và người cha già đau gan nằm bệnh viện đã ba tháng nay. Mỗi ngày chi tiêu của gia đình anh khoảng bốn đô la, một số tiền khó kiếm đối với anh. Anh không có bằng cấp, vốn liếng, thân thế. Như phần lớn người nghèo, anh chỉ có nhiều xui xẻo.

Anh đứng trên đường Sosrowijayan khu du lịch loàng xoàng như khu Phạm Ngũ Lão Sài Gòn nhưng sạch và yên tĩnh hơn. Những nhà trọ rẻ tiền, những quán rượu mòn cũ. Không có nhiều du khách ở Yogyakarta dù đây là thành phố du lịch quan trọng thứ hai của Indonesia, chỉ sau Bali. Anh đứng đó từ mười giờ sáng đến hai giờ đêm, trong bộ đồ tốt nhất, tìm kiếm vận may.

Ở đây những người đạp becak, một kiểu xe như xích lô Việt Nam nhưng nặng và chậm hơn, hoàn toàn không nói được tiếng Anh. Chữ duy nhất mà họ nói là “Batik”. Ngày hay đêm, tôi bước chân ra khỏi khách sạn là có người đòi chở tôi đến những chỗ bán batik, loại vải và tranh nhuộm truyền thống nổi tiếng của Indonesia. Khi tôi đi ngang qua anh ma-cô, anh nói “Hello”. Tôi dừng lại và nhờ anh nói với người đạp becak là tôi đã mua tranh batik rồi, tại một phòng triển lãm của các họa sĩ điạ phương, đừng lẻo đẻo theo tôi nữa. Anh becak thất vọng đạp xe đi, anh ma-cô bắt chuyện. Tôi hỏi anh gần đây có cái bar nào khác hơn là mấy cái bar lổn nhổn Tây trong khu này. Anh chỉ dẫn tôi cặn kẽ. Tôi hỏi anh làm gì ở đây, anh nói không làm gì. Và với câu trả lời của anh tôi biết anh làm gì. Thật vậy, nói chuyện một hồi thì anh hỏi tôi có muốn chuyện đó không. Tôi ậm ừ rồi nói sang chuyện khác. Anh cũng không nhắc lại câu hỏi, anh nói về cuộc sống của anh. Anh nói cách đây sáu năm anh cũng đạp becak. Anh đã cố gắng, cố gắng, anh nhắc lại từ này hai lần, nhưng không sống được. Đông người đạp becak quá mà khách thì ít. Anh nói tiếng Anh giỏi, anh phải thăng tiến, anh phải lao động trí tuệ. Tôi hoàn toàn đồng ý. Tiếng Anh của anh tốt hơn nhiều người Việt ở Mỹ đã hai ba chục năm. Anh nói con gái của anh mười lăm tuổi, đi học và thông minh lắm. Mơ ước của anh là mua cho nó một computer giá năm trăm đô la. Một số tiền viễn tưởng.

Ngày nào đi qua tôi cũng đứng lại nói chuyện với anh ma-cô, hút một hai điếu thuốc. Anh nói tuy tôi không đem lại tiền cho anh nhưng nói chuyện với tôi cũng có ích, học được thêm tiếng Anh. Mỗi khi có từ nào chưa biết anh yêu cầu tôi giải thích rồi lẩm nhẩm lập lại. Những lúc ấy tôi im lặng đứng nhìn trời mây chờ cho anh nhập xong từ mới vào bộ nhớ. Anh nói anh cố gắng trao dồi tiếng Anh hy vọng ngày nào đó có một người Mỹ đến đây mở công ty, anh lọt vào mắt xanh (hay nâu) của ông ta và sẽ được trọng dụng. Ôi giấc mơ này tôi đã nghe thấy ở khắp nơi, ở Indonesia, ở Miến Điện, ở Cambodia, ở Lào, ở Việt Nam. Những người đàn ông địa phương mơ làm cố vấn văn hóa kiêm tùy viên liên lạc cho các ông chủ tư bản ngờ nghệch, những công chúa lọ lem mơ các hoàng tử da trắng đến mang ra khỏi thành phố nhiệt đới chết tiệt. Tôi biết nói gì. Chẳng lẽ tôi nói với anh đa số những kẻ ngoại quốc lê la ở những nước như của anh, của tôi, họ cũng hy vọng lợi dụng được sự khù khờ của người điạ phương như anh hy vọng sẽ khôn hơn họ. Mà họ thì hiểu biết hơn, từ văn hoá cho đến tâm lý con người xứ anh, trong khi anh hoàn toàn không biết gì về họ. Những điều anh tưởng anh biết về họ chỉ là một mớ ảo tường. Họ sẽ dùng anh trước khi anh kịp dùng họ.

Người ma-cô này như một kẻ nghiệp dư. Anh không cười, cái nhìn thẳng, giọng nói nghiêm trang, dịu dàng. Có lẽ một hôm nào đó anh sẽ giải nghệ vì quá ế ẩm, hay anh sẽ dẫn khách vào hẻm tối dí dao lấy tiền, nếu anh còn đủ sức và đủ liều. Người đàn ông này giống một kẻ lỡ tàu biết rõ không còn chuyến sau nhưng vẫn đứng trên sân ga can đảm chống chọi lại nỗi tuyệt vọng.
 
 

Bài văn của chú tiểu Angkor

Hoàng hôn trên đỉnh tháp Angkor Wat, nhìn ra bốn bề rừng cây thưa, những ngôi tháp đá rải rác trên một khu vực rộng, và mặt trời đỏ đang xuống trong cái nóng đã dịu của ngày. Có khá nhiều du khách, nhưng ngôi đền khổng lồ này vẫn đủ chỗ cho những người muốn tìm một góc yên tĩnh, nếu chịu khó trèo những bậc thang đá gần như dựng đứng lên tầng cao nhất. Trong không khí u tịch buổi chiều, ngồi trên những phiến đá của một kỳ quan hơn tám trăm tuổi, lòng thật thanh thản. Đây là ngôi đền khởi dựng từ thế kỷ 12 để thờ thần Visnu đạo Hindu, nhưng bắt đầu từ thế kỷ 13 trở thành đền thờ Phật giáo hệ phái Tiểu Thừa. Hàng ngàn phù điêu sinh động mô tả thần thoại Hindu bên cạnh những tượng Phật trong đền là chứng cứ cho sự giao thoa của hai tôn giáo. Nhiều tượng Phật mất đầu, nhưng chỉ phần thân mình còn lại trong tư thế kiết già cũng đủ gợi cảm giác an nhiên. Tôi đã gặp nhiều tượng Phật mất đầu như vậy trên tháp Borobudur, một kiến trúc Phật giáo đồ sộ xây vào thế kỷ thứ tám ở Indonesia. Nhìn những tượng Phật mất đầu, tôi luôn thấy một nụ cười độ lượng trong khoảng không trên cổ. Người ta có thể chặt đầu nhưng không thể lấy nụ cười ra khỏi một bức tượng Phật.

Một chú tiểu cỡ mười bốn tuổi khuôn mặt sáng láng tiến lại phía tôi, tay cầm quyển kinh mỏng, áo cà sa màu vàng sậm nổi bật trên cái nền xám đen của những hàng trụ và tường đá ngôi đền. Hình ảnh này là bưu thiếp tiêu biểu của Angkor hôm nay, một hoà điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa đời sống lam lũ và lòng mộ đạo của người Campuchia. Tôi gật đầu chào chú, chú ngồi xuống hỏi tôi vài câu mà khách du lịch ở đâu cũng được hỏi, như anh tên gì, đến từ đâu. Chú cho biết đang học tiếng Anh, quanh quẩn nơi đây vì muốn luyện đàm thoại với du khách. Cái mà tôi tưởng là cuốn kinh trong tay chú thật ra là cuốn tập học sinh. Chú đưa tập cho tôi, nói tôi làm ơn sửa giùm chú một bài văn Anh ngữ.

Sau đây là bài văn của chú tiểu với những câu đơn giản viết bằng thứ chữ to tròn, có vài lỗi ngữ pháp nhưng ý nghĩa hoàn toàn rõ ràng:

“Tên tôi là Bourey. Tôi đến từ làng X và bây giờ tôi sống ở chùa Y. Gia đình tôi có chín người. Tôi có bốn anh em trai và hai chị em gái. Ông bà nội tôi đã bị giết trong chiến tranh. Chúng tôi không có tiền. Gia đình tôi rất nghèo. Cha mẹ tôi là nông dân. Em tôi không đi học vì không có tiền. Ba tôi bị bệnh và cần tiền mua thuốc. Tôi đang học tiếng Anh bởi vì tôi muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Tôi cần tiền để mua sách và để giúp gia đình tôi. Các khách du lịch thỉnh thoảng cho tôi tiền. Vui lòng giúp đỡ tôi. Cảm ơn rất nhiều.”

Có loại văn khiến ta xúc động vì sự chân thành.

Có loại văn khiến ta tâm đắc vì sự sâu sắc.

Có loại văn đẹp một vẻ đẹp sáng rỡ khiến ta muốn viết được như vậy dù thật ra chúng là loại văn rất khó bắt chước.

Có loại văn gồm cả ba phẩm chất trên, loại văn tuyệt diệu.

Có loại văn mà sự uốn éo của chữ nghĩa và thái độ mù mờ có tính toán của thứ đầu óc con buôn chính trị khiến ta muốn nôn oẹ, tương tự như khi nhìn thấy một con chuột cống trụi lông thập thò trong góc nhà.

Bài văn của chú tiểu thuộc loại khiến tôi cảm thấy hết sức bối rối.
 
 

Một ý nghĩ thánh thần

Buổi chiều trước cửa Nana Square Shopping Center, góc đại lộ Sukhumvit và Soi 3, tôi ngồi ở bàn của Starbucks Coffee nhưng café thì lại mua trong tiệm tạp hoá 7-Eleven bên kia đường. Tôi ghét Starbucks Coffee, đây là một thương hiệu giành cho những kẻ dễ bị dụ trong xã hội tiêu thụ. Vị café Starbucks chẳng có gì đặc biệt, không xứng với số tiền phải bỏ ra, tiệm sạch sẽ nhưng lạnh lẽo, vô hồn. Starbucks thành công trong việc làm cho thương hiệu của mình trở thành một biểu tượng của đời sống hiện đại, bận rộn, hiệu quả, và sành điệu. Nhưng ba tính chất đầu cũng có thể được tìm được trong tiệm McDonalds với giá tiền rẻ hơn, còn tính chất thứ tư thì tôi rất tởm. Tôi ngồi bàn của Starbucks chỉ vì đây là cái bàn duy nhất đặt trước khu mua sắm, và tôi muốn nhìn thiên hạ qua lại trong khi đợi giờ ra phi trường. Tôi phải trả phòng khách sạn lúc 12 giờ trưa nhưng chiều tối mới bay đi Jakarta. Tôi không muốn đi bộ trong cái nắng Bangkok, người sẽ nhớp nháp mồ hôi mà không có chỗ quay về tắm rửa. Đến Bangkok hay những thành phố nhiệt đới khác, ban ngày tôi thường chỉ ra ngoài một hai tiếng rồi trở về khách sạn máy lạnh. Tôi không còn chịu được sự thiếu thốn tiện nghi, và đối với một kẻ thích du hành, đây là dấu hiệu của thoái hoá. Ngồi ngoài này một lúc nóng tôi sẽ vào bên trong thuê computer có internet đọc tin tức. Góc chéo bên kia đường là khu Nana Square, nơi các quán bia mở cửa ngày đêm và luôn đông kín những người đàn ông da trắng đứng tuổi mặt mày đỏ gay ngồi lờ đờ cạnh những cô gái Thái đen giòn liếng thoáng. Lề đường Soi 3 quẹo trái dọc theo đại lộ Sukhumvit là nơi bắt đầu các sạp bán hàng du lịch, từ băng đĩa lậu đến quần áo rẻ tiền, từ tượng Phật đến những dương vật bằng gỗ bóng loáng, đồ sộ. Những sạp hàng này dọn ra khoảng mười giờ sáng, dẹp vào lúc hai giờ đêm. Soi 3 cũng là khu buôn bán của người Trung Đông, nhiều khách du lịch Trung Đông, và tôi luôn ngạc nhiên trước sự tương phản giữa những ông chồng quần ngắn áo thun mang dép đi lẹt xẹt cạnh các bà vợ đẫy đà trùm phủ từ đầu đến gót trong một màu đen nóng bức.

Trước mặt tôi, trên lề đường, một người đàn ông cầm xấp thiệp quảng cáo massage đứng đón khách, những tấm thiệp giấy cứng cỡ bàn tay sặc sỡ in hình các cô gái mặc bikini đeo số ngồi xếp hàng trong lồng kính đợi khách chọn lên phòng như cái cách người ta chọn mua cá cảnh. Dọc đại lộ Sukhumvit có hàng chục tay cò massage như vậy, kiêm luôn nghề lái taxi hay tuk tuk. Taxi hay tuk tuk của họ chỉ chở khách đến các tiệm massage trong thành phố, kêu đi những chỗ khác sẽ nhận được cái lắc đầu từ chối. Mỗi khi một du khách ngoại quốc đi ngang qua, tay cò cười toe toét, miệng liếng thoáng giới thiệu hàng, nhưng suốt gần một tiếng đồng hồ chẳng ai chịu đứng lại nghe anh ta nói. Du khách quanh đoạn này phần lớn là dân sành sõi, dù sành sõi đã phải trả giá bằng vài lần bị dụ. Công việc của tay cò là tìm cách câu những con cá lần đầu đến Bangkok. Nhưng bây giờ đang giữa trưa, cá chưa đi ăn nhiều, và kinh tế suy thoái, lượng khách du lịch giảm. Tay cò đưa xấp thiệp quảng cáo lên ngang ngực, các ngón tay lần lần từng tấm giấy, mắt nhắm, miệng lẩm nhẩm một lúc lâu. Anh ta đang cầu xin được mua may bán đắt. Cầu khẩn xong mặt anh ta có vẻ tươi tỉnh hơn như vừa được bề trên tiếp sức. Nhưng những du khách kế tiếp đi qua vẫn không ai dừng lại.

Tôi còn thời gian và có đủ tiền cho một cuộc massage. Tôi có thể khiến cho lời cầu nguyện của người đàn ông này thành sự thật. Chỉ cần tôi bước xuống khỏi những bậc tam cấp nói chuyện với anh ta, hỏi han giá cả, leo lên xe tuk tuk cho anh ta chở đi, tôi có thể làm điều mà thánh thần của anh ta không làm được. Tôi, một tên du lịch trung bình may mắn sống ở Mỹ với ít đồng đô la trong túi, giờ phút này có quyền năng của đấng siêu nhiên. Nhưng nếu tôi bước xuống nói chuyện với tay cò, có thể hành động đó đã được sai khiến bởi thánh thần mà tay cò cầu nguyện? Trong khi tôi tưởng tôi đang hành động theo ý chí của chính tôi, thật ra tôi chỉ là công cụ trong tay thánh thần? Tôi suy nghĩ một lúc lâu về điều này, rồi tôi đứng dậy ném chiếc ly giấy vào thùng rác, mở cửa bước vào bên trong toà nhà máy lạnh, để mặc tay cò tiếp tục đứng trên lề đường với những lời mời vô vọng, thỉnh thoảng lại cầu nguyện.