Thận Nhiên – Con rùa bò ngang mặt đất (ch. 10 – 12)

(Tiếp theo chương 8 – 9)

10.

Mực nước chỉ còn chừng 1.5 mét ở nơi sâu nhất, nơi cạn nhất thì chỉ chừng nửa thước. Mùi tanh tưởi của thứ nước tù đọng lưu cửu làm ta không thở được. Thi thoảng ta phải lừ đừ trồi lên hớp vài ngụm không khí. Lớp da già cỗi của ta tróc ra làm thành vô số vết lở lói, tươm máu mủ.

Đến khi dáng bơi của ta nghiêng nghiêng dần, người ta bắt đầu nghĩ là do thời tiết, do biến đổi khí hậu, rồi nào là ô nhiễm nước do những cống ngầm tuôn nước thải vào hồ, ô nhiễm tiếng động và đủ mọi nguyên do khác.

Ta nói thật cho mi biết nhé, nguyên nhân chính của cái chết của ta về mặt sinh học là do nước bẩn, và do bọn rùa tai đỏ xâu xé thân thể ta gây ra. Và nguyên nhân chính của cái chết về mặt tinh thần của ta là do nỗi cô độc, cùng với nỗi chán ngán sự phù phiếm, dối trá mà con người gán lên thân phận.

Vấn đề mà ta quan tâm nhất vào lúc này là mình sẽ chết như thế nào.

Ta chỉ muốn biến mất, muốn tan biến vô tăm tích, không để lại một dấu vết nào trên cõi đời này. Biến mất một cách tuyệt đối. Không tiêu bản, không hình ảnh, trên giấy mực hay trên bất cứ một hình thức nào lưu lại sự hiện hữu của mình. Ngay cả trong trí nhớ con người cũng chẳng nên, chẳng cần lưu giữ lại làm gì.

Ta sẽ không để mặc cho chúng quyết định cái sống và cái chết của ta!

Ta nhất quyết sẽ không trao cho chúng cái quyền đó. Chính ta sẽ làm ra cái chết cho chính mình.

Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được, ngoại trừ cái chết.

11.

Bên kia con đường là bến xe buýt, cách bến xe buýt chừng 200 thước là một ngôi đền cổ, ta không còn nhớ người ta cất nó lên từ bao giờ. Ngày xưa ta thường lên bờ bò loanh quanh trong đám cỏ rậm rồi hướng về phía nó. Khi thấy ta bò đi, dân giạt ra hai bên tránh đường, có kẻ còn kính cẩn quỳ sụp xuống bái lạy. Sân đền lát gạch tàu, hai bên cổng tam quan rêu phong có hai con hạc đá đứng chầu.

Ta bò lên chánh điện. Không gian tối om, chỉ có hai ngọn đèn dầu leo lét cháy ở hai góc nhà. Giữa điện, bóng một người khổng lồ ngồi tựa vào vách — một bức tượng tạc từ phiến đá thật to, choáng hết hai phần ba diện tích của căn phòng, vải nhiễu đỏ phủ kín từ vai tượng trở xuống. Bức tượng không có đầu. Đầu của kẻ này đã bị chém.

Mặt trời đang chìm dần xuống phía cuối chân núi, to như cái mâm rừng rực lửa. Cha con họ ngồi trên lưng ngựa suốt một ngày. Họ cố chạy thoát cuộc truy sát của kẻ thù.

Ta theo dấu họ. Bọn quân lính phương Bắc rầm rộ hò hét đuổi theo, đám bụi theo chân ngựa của chúng dấy mù mịt lên chỉ cách chừng hai dặm đường, chúng sắp bắt kịp họ.

Khi ta báo cho ông biết rằng chính con gái của ông là kẻ phản bội, kẻ đang rắc những chiếc lông ngỗng cho kẻ thù biết dấu đuổi theo, thì ông giận dữ, ghì ngựa lại.

Đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra, cô gái kinh hoàng lắp bắp van xin cha, những tiếng van xin khiếp đảm không thành lời. Với tay lôi cô xuống theo, ông nắm lấy búi tóc giật ngược đầu cô ra sau, miệng thét, tay kia vung gươm chém. Cô cúi đầu thật nhanh tránh, lưỡi gươm vút qua, sút khỏi tay ông cắm phập xuống đất. Cô gái nhặt thanh gươm, thuận tay vung lên, vừa ngay lúc ông chồm tới, thanh gươm phạt ngang trúng mặt ông, chẻ nó ra làm hai. Ông lấy tay che mặt, máu tuôn ra đầm đìa, bước loạng choạng. Cô bước dấn lên, đôi mắt long lên rồ dại, cô đâm chém loạn xạ vào ngực vào bụng ông. Ông quỵ xuống. Cô vung gươm chém thêm nhát cuối, lưỡi gươm ngập vào cổ, nhùng nhằng gân thịt. Bọt máu phì phèo trào ra. Cô cố cắt đầu ông nhưng không được; sau cùng kéo lưỡi gươm ra, cô nắm búi tóc ông lên rồi chém phăng một nhát cuối, đầu lìa khỏi cổ. Cô trượt chân, cái đầu văng ra lăn lông lốc. Thân ông ngã xuống quằn quại, hai chân giãy đạp như đang tìm chỗ tựa, tay trái trong cơn co giật níu được một nắm cỏ. Búi tóc trên đầu xổ ra, quấn vào bụi gai. Đôi mắt trợn ngược. Vòi máu đỏ tươi từ cổ phun ra ướt cả vạt cỏ úa.

Một giọt máu rơi xuống lấm lên đỉnh đầu ta, rồi nằm mãi ở đó, không hề phai đi.

Cô gái quăng gươm, qụy xuống, úp mặt xuống đất hồi lâu. Khi đứng dậy cô nhặt đầu cha lên rồi ôm vào lòng. Cô thất thểu bước đi khuất dần trong bóng chiều sập soạng, rú lên những tràng âm thanh không phải tiếng người. Con ngựa tần ngần một lát rồi hí lên một tràng ngắn, lững thững bước theo. Cô đứng lại nghĩ ngợi giây lát, rồi nhảy lên lưng ngựa phóng ngược về phía sau, phía có đám bụi mù của đoàn quân đang truy đuổi.

Chuyện đã lâu lắm rồi, ta chỉ còn nhớ được mang máng những hình ảnh như vậy. Về sau, ta nghe nói rằng khuya ấy bị gã tình nhân ruồng rẫy, cô ôm đầu cha nhảy xuống giếng tự tử nhưng không chết; sau đó cô trôi giạt sang Tàu làm ca kỹ ở một lầu xanh, rồi chết ở bên ấy.

Biết bao nhiêu sự việc chồng lấp lên nhau, lẫn lộn với nhau trong trí nhớ của kẻ đã sống cả ngần này tuổi. Nhưng đây là một biến cố đặc biệt, nó mãi ám ảnh ta, khiến cho ta khắc khoải vì cái chết chừng như ngẫu nhiên của ông.

Cô gái có cố ý chém chết cha mình hay không? Ta không biết. Nhưng ta biết một điều là buổi chiều đó phải có người đổ máu, phải có một trong hai kẻ ấy bị giết. Để làm gì ư? Để có một bi kịch cho ta kể lại với mi.

Trong sâu thẳm ta biết mình cũng có cái khao khát được chết, một cái chết thật nhanh, không kịp nhận ra nguyên cớ. Chết mà chưa kịp hiểu vì sao. Tuy nhiên điều ta thấy không có chút thú vị nào là ký ức về cái chết, nó đã lưu lại một câu chuyện cho đồng loại nhận biết sự hiện hữu của ông trên cõi đời này.

Ta bò theo chân tượng đến giáp vách, rồi bò ngược trở lại. Mùi mốc của rêu phong thời gian dấy lên theo đám bụi lả tả rơi xuống. Ta giở một múi nhiễu đỏ, ngậm chặt chéo vải rồi kéo mạnh cho nó rớt hẳn ra.

Máu từ vai tượng nhỏ xuống tí tách, rồi tuôn ròng ròng. Đột nhiên ta nghe tiếng thét của người con gái trong buổi chiều đó vọng lại, như tiếng người mê muội ú ớ trong giấc ngủ mớ.

Ta đằm người trong vũng máu đang ngập dần lên cho tới khi trời rạng.

12.

Chuyện đã lâu hay chỉ mới đây thôi?

Ta nằm dưới chân một cái tháp cao gần 20 mét, giữa cái hồ nhỏ, người ta gọi là hồ Con Rùa. Ở đây, người ta không gọi ta là “Cụ” như ngoài kia, mà họ gọi là “con”; thân thể ta là một khối đồng, trên lưng đội một tấm bia cao, to và nặng, cổ nghểnh nhìn về nhà thờ Đức Bà. Có hai cách để nhìn cái tháp này: một là nhìn từ trên xuống, nó có hình thanh kiếm có cán cầm tay cắm phập xuống đất; hai là nhìn từ dưới lên, thì nó là một cánh tay vươn thẳng lên trời, bàn tay xòe ra có nhiều ngón như một đài hoa.

Đây là khu giao lộ, ban đầu được đặt tên là Công Trường Chiến Sĩ Tự Do, sau thì đổi tên thành Công Trường Quốc Tế.

Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống nửa phần đất nước, ông mời một thầy phong thủy nổi tiếng người Tàu đến coi thế đất tại dinh Độc Lập. Tay thầy phong thủy này cho rằng vị trí của dinh có long mạch, là đầu của một con rồng. Long thủ tại dinh Độc Lập, còn long vĩ tại Công Trường Chiến Sĩ; con rồng này sẽ giúp ông ta phát hưng vượng, tuy nhiên do đuôi rồng hay vùng vẫy nên e rằng nghiệp lớn không vững bền. Tay thầy này đề nghị phải yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để đè trấn, giữ cho đuôi rồng không giãy cựa nữa thì công nghiệp mới được lâu dài, và xây thêm cái tháp cao là thanh gươm cắm xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng lại. Do đó, họ đúc hình ta bằng khối đồng để trấn cái đuôi rồng, trên lưng dựng một tấm bia cao. Ngẫm lại, ta căm ghét rồng vô cùng; qua từng giai đoạn, đời ta luôn có sự liên hệ với một con rồng nào đó.

Ta hiện diện khắp nơi và mọi thời điểm, không chỉ bò ngang mặt đất, mà bò ngang qua lịch sử của đất nước này, cái lịch sử không được tính theo chiều dọc của thời gian, nhưng được cắt ngang từng lát. Ta nhập hồn vào tượng.

Đêm qua, mưa nhỏ từng cơn ngắn. Từ trên cái đài cao nhìn về phía trung tâm thành phố chỉ thấy một màn mưa mỏng, mờ mờ giăng. Tiếng súng càng lúc càng dày, dồn dập hơn từ hướng phi trường, xa xa có lẫn cả tiếng bom ình oàng như tiếng sấm. Mấy ngày nay lính tràn về thành phố từ nhiều ngã, ô hợp và hoảng loạn. Khí quyển như báo hiệu sự kết thúc của một thể chế, mở đầu cho một giai đoạn lịch sử khác của đất nước. Từng đoàn xe GMC đổ lính xuống trấn đóng ở trung tâm, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành và các quận ngoại ô.

Ta hất tấm bia trên lưng văng ùm xuống lòng hồ cạn, nước bắn lên tung tóe, rồi bò ra phố, về hướng trung tâm. Trên đường đầy những áo quần lính, giày trận, ba-lô bị vất lại nằm la liệt ngổn ngang. Thi thoảng có cả xác người bị trúng đạn chưa được dọn đi, máu loang ra giữa mặt đường.

Hai người thanh niên, một nam một nữ, chạy chiếc Honda cán ngang qua lưng ta. Chiếc xe không thể len lõi được giữa lòng đường đầy chướng ngại vật. Bánh trước vướng vào một chiếc giày, người con trai không giữ được tay lái, loạng choạng rồi cả hai cùng ngã lăn ra đường. Anh ta gượng đứng dậy, vất chiếc xe, đỡ người con gái lên, rồi cả hai cuồng cuồng dìu nhau, vừa đi vừa chạy về cuối góc phố. Bỗng nhiên cô gái quỵ xuống. Lưng áo dài trắng của cô loang dần màu máu đỏ thẩm như một đóa hoa bung nở thật nhanh. Cô gái lịm đi, co giật nhẹ theo từng cái nấc của hơi thở cuối. Người thanh niên bàng hoàng trong giây lát không biết phải làm gì, rồi anh cuống cuồng bồng cô lên đi ngược về hướng hồ, vừa đi vừa kêu cứu nhưng không một ai dừng lại giúp; mọi người như đang chìm sâu vào một cơn mê muội vô thức, vừa hối hả, vừa vật vờ. Đuối sức, anh đặt thân cô lên chiếc ghế đá rồi ngồi xuống vệ đất cạnh bên.

Một chiếc xe tăng từ hướng Sở Thú rú chạy về phía trung tâm. Trên pháo tháp, khẩu đại liên gãy gập chúi mũi xuống đất, người xạ thủ là một cái xác bị đạn cắt mất đầu. Cái xác nảy tưng, hai cánh tay dang xoải ra, vung lên rồi đập xuống theo nhịp xe chạy dằn xóc khi cán lên những vật cản trên mặt đường, trông như một vũ công đang múa một vũ điệu ngớ ngẩn kỳ dị.

Ta bò vào công viên trước mặt dinh Độc Lập, nép mình bên gốc cây to cách cánh cổng dinh chừng 20 mét. Ngọn thánh giá trên nóc nhà thờ nhòa trong màn mưa nhẹ. Tiếng xích sắt của đoàn xe tăng của quân miền Bắc rì rầm tiến gần lại. Tiếng súng kháng cự của quân miền Nam yếu dần. Vài toán lính cuối cùng rút lui khỏi khu vực, họ vừa chạy vừa ném bỏ lại mọi thứ súng ống và quân trang.

Chiếc xe tăng đầu tiên chạy đến trước cánh cổng chỉ khép hờ thì dừng lại, có vẻ như những người lính trong xe chưa quyết định được phải làm gì. Mặt đất rung lên theo tiếng gầm rú của đoàn xe. Vài người lính nhảy xuống. Một người trong bọn họ vẫy tay ra hiệu, chiếc xe hung hãn chồm lên húc mạnh, cánh cổng sắt bung ra, từ từ đổ sầm xuống như trong một đoạn phim chiếu chậm. Chiếc xe cán lên cánh cổng, lao vào bên trong sân, những chiếc còn lại chia nhau lao theo, dàn đội hình bao quanh khu vực.

Một vật bằng kim loại văng ra, rơi xuống bên gốc cây. Ta cắn nó vào miệng, ngậm lại, đó là cái chốt tay nắm của cánh cổng. Nhiều tràng đạn bắn lên trời, cành lá trên ngọn cây rơi lả tả. Ta tha cái chốt tay nắm bò về. Từng đoàn người túa ra đường với các mục đích khác nhau, kẻ phất cờ hoan hô, kẻ vội vã chạy ra bến tàu cho kịp chuyến cuối vượt thoát ra biển. Ta thả cái chốt tay nắm xuống lòng hồ. Khi bò ngang qua, ta thấy người thanh niên vẫn còn ngồi đó, hai vai thu lại, đầu gục xuống, tay nắm tay xác người con gái nằm vắt vẻo trên ghế, máu từ lưng cô vẫn chảy nhỏ giọt xuống đất. Anh ngẩng lên ngó ta, ánh mắt dửng dưng thất thần như không thấy gì.

Sau đêm đó, hình ảnh ta dần dần phai nhòa khỏi trí nhớ mọi người, tuy nhiên ta biết, mình vẫn còn hiện diện đâu đó trong trí nhớ mờ mịt của một kẻ duy nhất, một con người đang mất trí.

Đó là thời rất nhiều người điên xuất hiện trong thành phố. Bao giờ cũng vậy, sau một cuộc chiến tàn khốc thì lúc giao thời là thời của bọn điên và những kẻ đang còn say máu. Thời thánh thần vắng mặt và mạng người thì rẻ rúng bèo bọt. Bọn điên có tính khí hung dữ nhiều hơn những người điên lành. Việc gặp người trần truồng tồng ngồng đi ngoài phố là chuyện rất thường. Thật ra, người ta không còn biết nhốt họ vào đâu, mọi bệnh viện tâm thần đều quá tải và thiếu nhân lực quản lý. Chuyện của người tỉnh chưa giải quyết xong thì ai rỗi công lo cho người điên; và người điên trở nên quá nhiều, đi đâu cũng gặp. Hẳn vì bị tác động của sự thay đổi khủng khiếp của hoàn cảnh sống cho nên ai cũng có lúc vượt qua ngưởng của sự tỉnh táo; có người vượt ngưởng rồi từ từ lấy lại được thăng bằng, có người thật sự muốn chìm hẳn vào cõi mơ hồ để khỏi phải chứng kiến và đối đầu với thực tại.

Thi thoảng một người đàn ông khật khùng xuất hiện ở trung tâm thành phố. Ông đi ngất ngưởng, không nhìn ai, không quan tâm đến mọi chuyện chung quanh, miệng lảm nhảm những lời vô nghĩa, trên vai luôn vác một cái radio, lúc này nhiều người gọi nó là cái “đài”, một thứ hàng hiếm và xa xỉ. Thường khi cái radio hôm sau khác với cái hôm trước, nhưng tất cả đều hư cũ, không phát ra tiếng, nhìn kỹ thì chỉ là cái vỏ máy; ông ta vác đi để cho có vậy thôi. Có khi ông như đang đóng vai một người ca sĩ nào đó, giả vờ hát thay cho cái radio. Có khi ông như một giáo sĩ đang thì thầm cầu nguyện hay trò chuyện với nó. Khi mệt thì ông ngồi xuống bên ghế đá trong nhiều giờ liền, rồi lẳng lặng đi mất lúc nào không ai hay; người ta không biết nhà cửa của ông ở đâu, và do đâu mà luôn có một cái radio trên vai. Có những chiều người ta thấy ông lang thang ở trước nhà thờ Đức Bà, rồi đứng lại, bỏ cái radio xuống đất, ngước lên ngọn thánh giá ở lưng chừng trời, nhắm nghiền mắt, hai tay dang ra, tóc xõa dài phất phơ, môi thành kính thì thầm cầu nguyện. Nét mặt ông u buồn, lặng lẽ, chìm đắm trong thế giới xa xôi.

Lần cuối cùng ông xuất hiện là một buổi hoàng hôn thật đẹp.

Buổi chiều ấy, một chiếc xe gắn máy chở kiện hàng sida* chạy ngang, chiếc xe bất ngờ nổ lốp, người lái xe loạng choạng ngã xuống bên bờ hồ, anh ngồi dậy xuýt xoa vì đau. Kiện hàng sút dây cột, bung ra. Bất ngờ một cơn gió thổi ào tới, hàng ngàn mảnh quần lót phụ nữ đủ màu rực rỡ xổ tung ra rồi bay lên thành một đàn bướm lạ chấp chới đáp xuống trần gian.

Người đàn ông như choàng tỉnh. Ông đặt cái radio lên băng ghế đá rồi chạy băng băng đuổi theo những mảnh vải nhẹ tênh đang bay lượn phất phới ngược xuôi; vừa chạy đuổi vừa hò reo vui sướng như một đứa trẻ đang vui đùa trong lúc cao hứng. Ông nhặt được vài mảnh, được mảnh nào ông liền dừng lại, đưa nó lên ngang tầm mắt ngắm nghía giây lát, rồi thận trọng vuốt thẳng ra, giắt vào cạp quần hay vào quanh cổ áo rồi chạy đuổi tiếp mảnh khác; khi hai nơi đó đã không còn giắt thêm được nữa thì ông cởi nút áo ngực, nhẹ nhàng nhét chúng vào đó; trông ông như một chùm hoa lộng lẫy đủ màu đang chuyển động thật nhanh.

Một lúc sau, ông chạy băng qua đường, mặc kệ hàng xe đạp đang hối hả chen nhau trong giờ tan sở, để đuổi theo một mảnh màu đỏ; mảnh vải gặp gió bay cao lên mãi, xoay xoay, nhỏ dần nhỏ dần thành một dấu chấm bé tí rồi vướng lại trên ngọn cây. Ông khựng lại, dang hai tay ra như thường khi đứng cầu nguyện, thẩn thờ ngó lên trời cao. Người chủ của kiện hàng chạy đến định phân trần lấy lại đồ của mình, nhưng khi thấy ông trong trạng thái xuất thần lạ lùng thì đổi ý, anh ta chỉ đứng nhìn ông như những người hiếu kỳ khác đang dần tụ lại quanh. Vài đứa trẻ đi học về thấy lạ, chúng liền tham gia vào trò chơi mới, đứng sắp thành hàng dọc sau lưng ông, đứng yên lặng, cố giữ nét mặt thành kính, hai tay cũng dang ra trong một nghi thức kỳ dị cho tới khi trời chìm dần vào tối.

Khuya đó, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả khu trung tâm thành phố. Thân thể bằng đồng của ta bay tung lên trời, tan tành, tấm bia cũ cũng vỡ ra thành hàng nghìn mảnh.

Từ đó, ta biến mất hẳn, không còn chút tăm tích trong trí nhớ con người.

 

(Trích truyện vừa đang viết Con Rùa Bò Ngang Mặt Đất)

Chú thích:

* Hàng sida là những món quần áo cũ do các nước phương Tây viện trợ cho Campuchia, lái buôn người Việt qua mua lại từng bành lớn, hỗn hợp đủ loại, rồi mang về bán cho dân nghèo (Thận Nhiên)

(Đọc tiếp chương 12 – 13)