Thường Quán – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào anh Thường Quán. Cái tựa đề loạt phỏng vấn này không thích hợp với anh, vì trong khi với tất cả mọi người bây giờ đang là mùa hè thì đối với anh, một người sống ở nam bán cầu, lại đang là mùa đông. Vậy thì mùa đông của anh ở Melbourne ra sao? Anh đang vui, buồn, bận rộn chuyện gì?

Thường Quán: Chào bạn Phan Nhiên Hạo. Nam bán cầu quả nhiên đang mùa đông, nhưng tôi có cảm tưởng mình đang sống cả đông lẫn hè. Trạng thái hai mang, lưỡng thê này nó đã có từ rất lâu, từ những ngày sinh viên đi làm radio cho Radio Australia, ngồi trong phòng thu thanh buổi sáng cỡ này phát thanh về Việt Nam, nhất là những năm đó, cuối 1970, đầu 1980 chuyện gió bão mưa nắng vốn rất quan trọng, quan trọng cho những đồng bào đang nằm bãi, hay đang lênh đênh giữa biển. Năm nay tôi lại đi đi về về giữa Melbourne và Canberra hằng mỗi tuần, sự đi lại cho tôi — như tôi tự cảm thấy — một sự mở cảm quan hơi khác mọi năm. Càng lúc tôi lại càng cảm thấy yêu thích mùa đông hơn. Khuôn mặt hai thành phố Melbourne và Canberra giữa đông có một không khí riêng, dân chúng sống làm như có ý tứ hơn, thân mật hơn. Những lễ hội có tính văn hóa nghệ thuật hay diễn ra giữa mùa đông, như lễ hội phim quốc tế Sydney và Melbourne, những buổi đọc thơ của những nhóm đoàn thơ văn trong thành phố, những show nghệ thuật quan trọng ở những gallery cũng hay được thiết dựng trong mùa đông, như cuộc triễn lãm nghệ thuật của Vienna đang có ở National Gallery ở Victoria. Là khách thưởng ngoạn, mùa đông là dịp tốt nhất để làm mới con mắt và tai nghe.

Phan Nhiên Hạo: Thỉnh thoảng anh cũng viết thơ tiếng Anh và đọc thơ với các tác giả địa phương. Anh có ý định đi sâu hơn vào giòng văn chương tiếng Anh ở Úc? Anh có thể nói thêm về sinh hoạt thơ tiếng Anh ở Melbourne hay Úc nói chung?

Thường Quán: Khác với hội họa hay âm nhạc, một người cầm bút chân ướt chân ráo mới đi tới một vùng đất mới, anh ta không thể tham dự ngay lập tức vào những sinh hoạt ở đó. Những năm đi học ở đại học, tình thực tôi chú ý tới văn và thơ Việt Nam hơn là thơ “người khác.” Có đọc thơ “nước ngoài” thì cũng lại vào quán sách tìm những nhà thơ mình đã có một sự biết tới trong nước như Robert Frost, Baudelaire, Jacques Prévert (Allen Ginsberg, e e cummings là hơi quá mới). Úc thì tôi chỉ biết ông Patrick White, vì nhớ sau khi Patrick White đoạt Nobel văn chương thì Văn có làm một số đặc biệt. Muốn biết văn học đương đại Úc thì phải lăn lộn ngoài đường phố chứ chương trình đại học Úc những năm đó cũng chưa cho văn học Úc vào trong phần giảng dạy. Australia là một vùng đất mới, thổ ngơi mới, khí hậu mới. Mới không phải chỉ cho thế hệ di dân sau thế chiến mà cả cho hậu duệ những con dân Úc da trắng đi trong đoàn tàu đầu tiên chở tù cập Úc vào năm 1788. Ra khỏi đại học, năm vừa đi làm, lò mò vào một tiệm sách gần sở thì tôi bất ngờ tìm được cuốn The Golden Apples of the Sun: Twentieth Century Australian Poetry của nhà xuất bản Melbourne University Press do Chris Wallace-Crabbe biên tập. Đây là cuốn giới thiệu thơ Úc mở mắt cho tôi. Nhờ cuốn này tôi bắt đầu đọc thơ ca của Australia kỹ lưỡng hơn. Năm 1994 khi tôi biên tập cuốn Bushnights một tuyển thơ Úc do nhà Litchbild xuất bản tôi lại có dịp đọc khá nhiều thơ của các nhà thơ Úc đã được xuất bản trong một trăm năm trở lại. Năm 1994 ấy cũng lạ, Nguyễn Quang Thiều và các biên tập viên của tờ Văn Nghệ đã đăng chùm thơ của Thường Quán “nhà thơ Việt kiều” bên cạnh những Pờ Trích Oai Tơ, Ma Lúp Phơ và Tim Uynh Tơn (Patrick White, David Malouf, Tim Winton) vào trong số báo đặc biệt về văn học Australia. Một năm của duyên nợ. Tiếp đó tôi được tham dự hội nghị về văn học Úc do Đại Học Tổng Hợp Hà Nội cùng sứ quán Australia tổ chức, tham luận của tôi là “Một Giới Thiệu Về Thơ Australia.” Một chuyến về chung với Tạ Duy Bình & Bruce Keller của kịch. Rồi tiếp tới tôi được từ Australia Council for the Art một văn bổng cho dự án Dấu Nước (xuất hiện ở dạng online trên talawas chủ nhật). Tình cờ thơ Úc khoảng thời gian ấy cũng có những hoạt động mạnh như sự ra đời của Melbourne Poetry Festival (1999), sự bắt đầu có mặt của bộ phận dịch thuật văn chương (literary translation), sự xuất hiện của những giải văn chương thường niên của các tiểu bang, gọi là giải Thủ Hiến. Năm 2000 tôi nằm trong panel giám khảo thơ của giải Thủ Hiến Victoria, nghĩa là lại có dịp đọc thơ Australia, đọc một cách kỹ lưỡng và có lời bình phẩm rõ ràng cho những tác phẩm thơ xuất bản trong năm đó. Những năm 1990 cũng rộ lên những cuộc đọc thơ mà nghĩ lại tôi cho là rất bổ ích — tôi đi đọc ở La Mama, ở Water Rat, ở những festival thơ trong thành phố. Đọc chung với những bạn thơ mà tôi cho chính họ phần nào cũng là lý do, là lực thúc đẩy, trong nghĩa để khi nào viết được cái gì có lý tôi lại gởi cho họ đọc và nếu được thì xuất bản. Quả nhiên tình trạng báo văn học những năm trở lại đây đã có những khó khăn, những áp lực kinh tế, thiếu bạn đọc, thiếu tài trợ của qũy công… nhưng riêng tôi thì vẫn còn một số những điểm hẹn, như tờ The Age, là một trong những nhật báo có uy tín mà vẫn còn dành cho thơ mỗi tuần một bài (trang cuối tuần). Tôi vẫn muốn có thời giờ hơn để làm một chuyện đã làm dở dang là chuyển ngữ các nhà thơ viết tiếng Anh sang tiếng Việt.

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Ở bên Úc chắc anh theo dõi tin tức cũng thường xuyên. Anh có suy nghĩ gì về tình hình thời sự chính trị trong nước?

Thường Quán: Tôi theo dõi hàng ngày, vốn vì bản thân từ nhỏ đã ưa quan sát. Thời đảo chính 1963 tôi nhớ mình đã bám tai vào radio và đọc ké những tờ báo từ Sài Gòn mang ra miền Trung mỗi ngày, mà lúc ấy là còn ở tuổi vừa vào tiểu học. Tôi lờ mờ thấy là Việt Nam đang chuyển mình, và rất vui thấy đó là sự chuyển mình của phần đầu. Cái đầu quan trọng vô cùng. Cuộc xuống đường của những thành phần trí thức già trẻ (mà tôi tin là được theo dõi bởi đông đảo bà con trong và ngoài nước) gởi đi một thông điệp quan trọng, về mặt văn hóa. Tôi theo dõi và đã ký vào những kiến nghị về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tôi theo dõi Cù Huy Hà Vũ, và rất tiếc đã chưa kịp ký thì kiến nghị cho Cù Huy Hà Vũ đã khép sổ. Tôi tin là công lý sẽ giải quyết cho con người ưu tú này. Nếu họ giữ anh lâu trong tù, thì không biết chừng, anh có triển vọng sẽ trở thành một Nelson Mandela, một Aung San Suu-Kyi đấy. Vì Cù Huy Hà Vũ tôi đang đọc lại Huy Cận.

Phan Nhiên Hạo: Cách đây không lâu, nhân vụ Bùi Chát bị hành hung ở Sài Gòn, anh có viết bài “Nói Một Lời” để bày tỏ thái độ phản đối nhà cầm quyền Việt Nam. Về phương diện nghệ thuật, tôi nghĩ đó là bài thơ hay, nhưng nhắm đến một cái đích chính trị cụ thể thì tôi e rằng bài thơ có rất ít tác dụng, vì cái đối tượng mà anh muốn phản đối đó, đọc bài thơ cô đặc tính nghệ thuật như vậy, có thể chẳng hiểu gì cả. Những câu thơ trực tiếp kiểu Nguyễn Chí Thiện sẽ đụng vào họ mạnh hơn. Tôi đưa ra trường hợp này vì muốn nghe quan niệm của anh về mối liên hệ giữa thơ ca và chính trị/thời cuộc. Nhà thơ có thể viết gì, viết như thế nào trong bối cảnh thời sự Việt Nam hiện nay?

Thường Quán: Có, có sự gởi đi một thông điệp trong bài “Nói Một Lời.” Trước hết là để bày tỏ tình liên đới. Tôi viết “gởi một nhà thơ,” một nhà thơ trước hết là Bùi Chát, là người đã can đảm tiến hành một nhà xuất bản thơ độc lập trong nước. Giữa thực trạng kiểm duyệt phải nói là gắt gao của Việt Nam (tệ hại còn hơn cả thời Pháp thuộc) anh đã minh bạch, sòng phẳng, từ tốn làm việc với các bạn thơ khác, khá là hết lòng cho thơ. Tôi chưa hề có cơ hội liên lạc thừ từ hay bài vở với Bùi Chát, nhưng đọc và theo dõi thì có, qua những trang mạng. Anh là một nhà thơ có ý thức cao độ và lòng can đảm, cả hai ở mức cao cấp. Nhà cầm quyền chủ trương tóm gọn mọi thứ vào bàn tay kiểm soát của mình vốn không ưa những hoạt động ngoài lề như vậy, điều này thì tôi vốn biết, nhưng khi sự không ưa này của chính quyền tăng lên thành hành vi trấn áp, sử dụng tới công an và những kẻ côn đồ xã hội đen tấn công vào một nhà thơ đơn độc, làm việc ôn hòa và minh bạch như thế thì nó đụng tới rất nhiều chuyện vốn đã nằm trong suy nghĩ của tôi. Sự ác có lẽ đã đi liền với vô văn hóa, nó đã là như vậy, rất lâu, từ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, trấn áp những nhà văn nhà thơ hậu Nhân Văn, như Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn, Phan Đang… Bước vào thế kỷ 21 mà nó vẫn vậy, thì ấy là cả một sự lăng nhục, lăng nhục một đất nước vốn tự hào là có văn hóa lâu đời. Tôi không hề nghĩ những người được cho là giới thẩm quyền sẽ đọc thơ nên không quan tâm tới chuyện tác động đối với họ. Nhưng nếu có ai đó đọc thì tôi cũng tôn trọng như mọi bạn đọc khác. Tuy nhiên cũng nên nói thêm “gởi một nhà thơ” cũng là gởi những bạn thơ khác, ngoài mọi biên giới. Cũng có thể vì vậy tôi viết bài này bản tiếng Anh trước bản tiếng Việt.

Phan Nhiên Hạo: Anh đang viết gì, hay muốn viết gì, trong những ngày cuối đông Melbourne/ cuối hè Sài Gòn này?

Thường Quán: Tôi vẫn đọc và viết. Hơi thiếu thời gian cho cả hai. Những cái viết rời thì vẫn đóng góp trên các trang mạng văn chương mà các bạn đọc trong và ngoài nước đều có thể dễ dàng tìm tới. Mùa đông này đặc biệt tôi tìm lại được một vài bạn văn cũ trong văn giới Úc: lần đọc thơ với PEN cách đây đôi ba tuần tôi gặp lại một bạn biên tập khá thân Chris McKenzie tôi đã từng cộng tác làm tập Eat Tongue — một anthology đa ngữ đầu tiên của Trung Tâm Văn Giới bang Victoria hồi 1997, nay bà lại lo biên tập cho PEN Melbourne; một người khác là Ian Campbell, người đã cùng anh Tony Chu dịch thơ tôi ra tiếng Anh khoảng năm 1991-92, lúc mà anh đang đặc trách liên lạc di trú ở bang New South Wales, anh đang là một nhà thơ viết tiếng Indonesia và là một học giả về thơ được ái mộ ở xứ sở này. Những gặp lại sau mười mấy năm như vậy cũng là sự đáng nói. Tôi cũng đang tìm lại những cái viết cũ của tôi trên các tạp chí ngày trước, có thể tôi sẽ làm một cuốn thơ mỏng gồm những bài chọn lọc cho một xuất bản trong năm tới. Năm nay Australia Council cũng đã thông qua cuộc chọn lọc của International Poetry Website để IPW đưa thơ của tôi cùng ba, bốn người khác vào mạng thơ này, vì thế lại làm việc với các bạn biên tập của IPW cho phần vụ ấy. Hy vọng các bạn sẽ thấy thơ tôi ở đấy vào khoảng tháng 10.

Cảm ơn cuộc chuyện trò nhanh này với bạn thơ Phan Nhiên Hạo.

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Thường Quán.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)