Nguyễn Đăng Thường – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào anh Nguyễn Đăng Thường. Mùa hè này của anh ở London thế nào? Anh là nhà thơ Việt duy nhất ở Anh mà tôi biết, nơi hình như có rất ít người Việt ra đi từ miền Nam. Duyên cớ nào đưa anh đến một đời sống ở London?

Nguyễn Đăng Thường: Chào anh Phan Nhiên Hạo. Mùa hè này của tôi ở Luân Đôn rất là… bình an, dù là một “mùa hè đỏ lửa.” Tôi ở khá xa các chiến trường. Cộng đồng Việt ở Hackney, đông-bắc London, một nơi có bạo động, hầu hết từ Đông Âu sang, di tản hợp pháp hay trốn sang. Tôi chưa đặt chân tới viếng. Duyên cớ nào đưa tôi đến một đời sống bên bờ sông Thames? Cuối năm 1974 tôi “trốn” sang Pháp nhằm mùa đông. Một tuần trước Noël. Sáng tinh mơ, từ phi cảng Charles de Gaulle ngồi taxi vào thành phố, tôi thú vị được nhìn thấy Paris dần dần hiện ra trước mắt, toàn một màu xám tro. Cành cây đen đúa, khẳng khiu, trụi lá trên bờ sông Seine hệt như trong tranh Bernard Buffet. Ở Paris đến đầu năm 1978 tôi xin sang Anh nhờ có một nhà báo bạn thân bảo lãnh, viện cớ rằng tôi có đóng góp cho tờ The Observer khi còn ở Sài Gòn trước 1975. Tôi cuốn gói ra đi vì đã bị vỡ mộng ở Kinh Đô Ánh Sáng. Mộng trở thành một nhà… danh họa. Một Foujita, Van Gogh hay Modigliani của Việt Nam. Ở Việt Nam làm họa sĩ là… “đói” nên đậu tú tài xong tôi chọn sư phạm. Tội nghiệp cho vĩ nhân tỉnh lẻ, ngồi đáy giếng hòn ngọc Viễn Đông nên chẳng hay chẳng biết rằng “trung tâm nghệ thuật” không còn là Paris như ở đầu thế kỷ, vì nó đã vù qua New York từ thập niên 50. Cô gái Nhựt làm người người mẫu cho họa sinh vẽ lõa thể đã rỉ tai tôi và cười hi hi khi nhâm nhi cà phê với nhau. Trí thức tây, ta già trẻ tôi có dịp gặp gỡ lúc ấy đều khuynh tả, không đệ tam thì cũng đệ tứ, mao-ít. Trong tiệm (quên tên) bán thực phẩm Á Châu (rất chật rất đông cuối tuần) ma cũ liếc xéo quỷ mới và ngược lại. Phản ứng tự vệ. Đêm 30 tháng Tư đen, hay đêm sau — tôi không nhớ — bọn sinh viên kéo tới nằm vạ bắt đền sứ quán Việt Nam Cộng Hòa đã khiến chúng trở thành một bọn “vô tổ quốc” (apatrides). Mấy tuần sau xuống métro, gặp lại một anh học trò cũ Chu Văn An được học bổng Pháp, đã đỗ tiến sĩ toán. Anh cho tôi biết có một số sinh viên đã tình nguyện tới sứ quán Hà Nội xin trở về quê hương “dự phần tái thiết.” Họ được “ngài” đại sứ tiếp đón nồng nhiệt, cám ơn và khuyên bảo “các cháu nên ở lại lo học hành, chừng nào cần thì tổ quốc sẽ gọi về.” Ăn chơi vẽ vời ở Paris độ vài tháng thấy chẳng tới đâu nên tôi bỏ cuộc. Tôi chọn sang Anh tại vì tôi nghĩ London lúc ấy hình như chỉ có vài ông bà Mít làm cho BBC mà thôi. Từ lúc sang đây tới nay quả thật tôi chưa chạm mặt một đồng hương nào. Một cuộc sống cô độc trên “hoang đảo” hoàn toàn như mơ ước của tôi.

Ở thành phố của Apollinaire, thiên tài thơ Việt chỉ viết được mấy câu thơ này:

“Mùa hè ấy những hàng cây thao thức
Tôi trở về trong giấc ngủ cô đơn
Nghe gió mưa trên thành phố tủi hờn
Và những bước chân buồn trên mặt đất”

Ba chê. Hehe.

Phan Nhiên Hạo: Cách đây vài năm tôi thấy trên internet mấy tấm chân dung tô màu lên photo kiểu Andy Warhol do anh làm. Mới đây thấy mấy bức chân dung đó được đăng lại trong một cuốn sách quan trọng về mỹ thuật, cuốn Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại của nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy, và bây giờ lại nghe anh nhắc đã từng nuôi mộng làm họa sĩ ở “Kinh Đô Ánh Sáng.” Vậy khởi đầu của anh là một họa sĩ? Anh có thể nói về những sáng tác hội hoạ đã làm?

Nguyễn Đăng Thường: Ở tiểu học tôi luôn đứng nhứt với hai môn Việt văn và vẽ. Tôi “sáng tác” với bút chì, than, màu nước từ thời trung học. Trước tiên vẽ chân dung các sao Hollywood vì tôi mê xi-nê. Hoàng Ngọc Biên ở Huế mới vô Sài Gòn học chung lớp, cũng thích xi-nê như tôi, tới nhà chơi khen tôi vẽ đẹp như “họa sĩ.” Thi tú tài xong tôi định ghi tên học vẽ tại trường Mỹ Thuật Gia Định nhưng người dượng làm kỹ sư nói như vậy là “phí” cái bằng tú tài. Dượng khuyên tôi học kiến trúc nhưng tôi dở toán nên không thích. Tranh vẽ trên khung bố về sau vì tôi chưa hài lòng, vì thấy chúng quá “tây” trừu tượng lẫn tạo hình, không “trữ tình”, không có thiếu nữ “áo dài cổ cao tóc bay” như phần lớn tranh của các họa sĩ đã nổi tiếng ở Sài Gòn dạo ấy nên tôi tặng không, hoặc bán “rẻ” cho bạn bè ngoại quốc, ít khi ký tên, vì nghĩ chúng “chưa tới” (chữ của Nguyễn Quỳnh). Ngoài ra, tính tôi rất “tài tử”, mau chán. Vẽ tấm này chưa xong đã vẽ tấm khác. Năm ngoái tôi bỗng dưng nổi hứng, lấy một tấm hình của Hoàng Ngọc-Tuấn chơi ghi-ta ra vẽ lại chơi. Gởi “work-in-progress” anh Tuấn xem rất thích. Thế nhưng tới nay tôi đã có tới bốn versions thảy đều dang dở. Mặt khác, vẽ tranh không chỉ tốn thì giờ mà còn tốn xu mua bố mua màu nên tôi tiện tặn không dám vẽ to, không dám thử nghiệm. Có một dạo ở Sài Gòn tôi làm tranh collage rồi cũng chán vì không biết để làm gì. Khi có cái computer (iMac) tôi vẽ và làm collage điện toán. Định làm một số chân dung tác giả tây ta nhưng rồi cũng không có đối tượng nên bỏ luôn.

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Ở Anh cũng đang là một mùa hè “sôi động”, với cuộc nổi loạn ở London. So sánh biểu tình ở Việt Nam với nổi loạn ở London là chuyện khập khiểng, vì hai hiện tượng khác nhau về bản chất chính trị, và đặc biệt rất khác nhau trong cách phản ứng của chính quyền. Nhưng anh là người có óc khôi hài, xin anh hãy cứ đưa ra vài ý kiến?

Nguyễn Đăng Thường: Nhận xét của anh rất chính xác. Tất nhiên, đây là một vấn đề “nhạy cảm” (!). Ở Anh, các đảng phái, các cộng đồng, chính quyền, giới trẻ (nghèo mà ham), giới không trẻ (giàu nên tham), đều có cái lý cũng như cách diễn dịch riêng: đại khái là do thất nghiệp, mất trợ cấp, hay là vì mất dạy, vô trách nhiệm… Vân vân và vân vân. Thảy đều muốn kéo cái chăn về phía mình. Trung Quốc, Iran cũng xía vô. Việt Nam thì câm miệng hến. Có thể vì Ba Đình đang bận canh giữ cho hòa bình thế giới? Hoặc là họ đang chuẩn bị để đối phó, đàn áp? Nếu “chẳng may” ngọn lửa đấu tranh bay tới “Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương tôi sao vẫn lầm than”? Lo tích trữ thêm vòi rồng Trung Quốc, giày đinh made in China cho công an thực tập đạp lên mặt bọn “phiến loạn” trong một tương lai tôi hy vọng là không xa. Ở Anh, thiển nghĩ của tôi là các lý do như bị cắt trợ cấp xã hội, nạn thất nghiệp, vì ăn không ngồi rồi đêm ngày đâm ra buồn chán, ngứa tay ngứa chưn nên phải nổi loạn… có thể chưa đủ thuyết phục, chí ít là với tôi. (Xin đừng quên tôi là nhà giáo luôn luôn tôn trọng kỷ luật — nếu đúng chỗ — và sự tu thân). Bởi lẽ, tại sao các thế hệ da đen da nâu tới trước (cha mẹ) không được biệt đãi mà vẫn làm nên? Hãy lấy thêm thí dụ các cộng đồng da vàng, Tàu, Việt, Hàn. Họ ra đi với “hai bàn tay trắng.” Nhưng chỉ cần vài năm là con cái người Việt vào đại học. Tôi nghĩ giới trẻ — da màu lẫn da trắng — ở các quốc gia tân tiến hôm nay có thể ít nhiều đều thuộc về cái gọi là “thế hệ cá nhân” (the “Me Generation”), nên họ rất ích kỷ chăng? Họ chỉ “cầm nhầm” hàng hiệu, “trainers”, điện thoại, đồng hồ, rượu… Cũng có thể là vì chính phủ các nước ngoài đã cho bọn trẻ quá nhiều củ cải và quá ít củ… ba toong? Quá nhiều chính trị nghiêm túc, tự do quá mức? Thực sự tôi không hiểu nổi cho nên tôi không dám bàn bạc quá nhiều. Dù sao, cần xuống đường gấp và cần nổi loạn nhanh ngay bây giờ chính là quần chúng Việt Nam ta.

Phan Nhiên Hạo: Những kẻ nổi loạn ở London đốt phá nhà cửa, hôi của, ném gạch đá và bom xăng vào cảnh sát khiến cả ngàn nhân viên công lực bị thương, nhưng chính phủ vẫn không quyết định được là có nên dùng…vòi nước chữa lửa để dẹp loạn hay không (!) Trong khi ở Việt Nam, sau hai cuộc biểu tình rất ôn hòa chống Trung Quốc, Sài Gòn đã bị “dập” êm tiếng. Còn ở Hà Nội, người biểu tình đi sát vào nhau trên lề đường chật hẹp rất trật tự. Việt Nam quả là nước “ổn định” nhất thế giới. Là một người Anh gốc Việt, anh có ý định viết thư khuyên chính phủ Anh nên sang Việt Nam học tập phương thức đối phó với biểu tình, thay vì mời Bill Bratton, cựu cảnh sát thành phố New York sang làm cố vấn, vừa tốn tiền hơn mà chưa chắc đã hiệu qủa?

Nguyễn Đăng Thường: Thưa anh có. Nhưng rủi thay tôi chưa kịp ra tay thì nghe phong phanh ông chủ tịch nước hay ông thủ tướng Mít sắp bay qua London bàn chuyện hai nước hợp tác để canh giữ hòa bình cho đường phố thế giới. Đại khái kiểu Anh Quốc ngủ thì Việt Nam thức, Việt Nam ngủ thì Anh Quốc cũng khò khò, bản cũ soạn lại í mà.

Phan Nhiên Hạo: Anh đang viết gì hoặc dự định viết gì trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?

Nguyễn Đăng Thường: Thưa anh, đối với tôi thì việc viết lách rất… bao la, như anh biết đó. Hứng thì viết dăm ba câu “nở ngày” (dù thường nguệch ngoạc lúc nửa đêm). Tiếng hú trong sa mạc. Nhưng cứ hy vọng rằng có vẫn hơn không. Góp hú làm tru. May ra có thể ru ngủ được cái… mummy và lũ vampires đang hút máu dân lành? Trong bối cảnh hôm nay và ở Việt Nam, nhà văn, nhà thơ, blogger, ai có tiếng nói, ai có độc giả, ai được đám đông quần chúng lắng nghe? Hơn lúc nào hết, thơ hôm nay phải xuống đường, tung hô khẩu hiệu, căng biểu ngữ, treo băng rôn. Văn hóa hoa hậu. Văn hóa người mẫu. Văn hóa vú mông. Văn hóa múa bụng. Văn hoá phơi rún. Văn hóa xế khủng. Văn hóa pháo hoa. Văn hóa lễ hội. Văn hóa festival. Văn hóa hàng mã. Văn hóa mê tín. Văn hóa khoe của. Văn hóa sờ đầu rùa Văn Miếu. Văn hóa made in China… Ôi biết bao nhiêu cái cối xay văn hóa trò hề kịch cỡm trên đất nước ta bây giờ mà sao chẳng thấy bóng dáng một chàng Don Quixote nào cả trong cái Hội Nhà Văn kia nhỉ? Mỗi dịp hè sang, dự tính về thăm quê hương một lần cuối cùng trước khi tôi nhắm mắt càng thêm bất khả. Vì không còn thiết tha. Vì tuổi tác ngại xê dịch. Vì sợ phải đối diện với cảnh vật đổi thay. Sài Gòn đã bị chôn sống. Không một chút tiếc thương. Khốn nạn thật. Hòn ngọc bé nhỏ của Viễn Đông, ẩn núp dưới những hàng me hàng sao, đã trở thành cái khối đá vô tri mang tên Hồ Chí Minh, nhô lên trên vũng bùn tanh tưởi của tư bản đỏ. Cả trăm người, lớn bé — người Hà Nội hay dân Sài Gòn tôi không rõ — ngoan ngoãn chen chúc đứng chờ để tranh giành bên cái rổ đựng một trái bưởi, vài trái táo, mấy khúc mía cúng cô hồn. Hai tấm hình đăng trên một tờ báo mạng trong nước. Tấm thứ nhứt: một thằng bé — có thể bụi đời, chân đất — mặt mày buồn xo dù đã giành giựt được hai trái bưởi. Tấm thứ hai: một chàng ca sĩ “con cưng của chế độ” ngồi trong “căn hộ khủng” toe toét khoe “tủ giày lớn nhất Việt Nam… có đôi giá tới 2.000 bảng Anh.” Xin hỏi: Theo ý của anh chị, chiếc ảnh nào phản ánh thực tế nước Việt ta hôm nay?

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Nguyễn Đăng Thường.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)

"Chân dung Hoàng Ngọc-Tuấn" (đang vẽ). Nguyễn Đăng Thường. Acrylic