Hồ Đình Nghiêm – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào anh Hồ Đình Nghiêm. Cuộc sống của anh mùa hè này ở Montréal có gì vui, buồn, đang bận rộn chuyện gì?

Hồ Đình Nghiêm: Chào bạn Phan Nhiên Hạo. Ở Montréal, mùa hè đang bước tới cuối đường. Nắng bắt đầu giảm đi sắc lửa và mưa thường rơi vào đêm khuya. Festival International de Jazz de Montréal đã kết thúc. Fantasia (điện ảnh Á Châu) đang rục rịch buông màn, đóng cửa sau hơn hai tuần liên tục ra mắt những cuốn phim mới. Mùa hè xứ này không mấy dài. Và như mấy năm qua, mình cũng vẫn vậy, hiếm khi đón nhận niềm vui. Điều đó cũng có thể hiểu: Mình chả có gì để gọi là bận rộn.

Phan Nhiên Hạo:
Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Ở ngoài này chắc anh cũng có theo dõi tin tức. Một nhà văn hải ngoại như anh cảm nhận thế nào về những chuyện này? Chúng có ảnh hường gì đến việc sáng tác của anh?

Hồ Đình Nghiêm: Ừ, chốn ấy quả là nóng. Hầu như năm nào cũng có chuyện để nóng. Thời tiết có can dự không? E vô can. (Mày là cái thá gì mà lộn xộn? Hãy để cho nhà nước giải quyết. Mặt trời, nhà ngươi chóng lặn đi nhé, đừng rình rập trên vòm lá cây nữa. Ông đã ra chỉ thị…). Ở Montréal, nếu hôm nào nhiệt độ ngoài trời từ 38 đến 40 độ C, người ta có quyền chây lười lao động để bế môn tỏa cảng. Chính phủ cho hay: Con người khi đó do nực nội, khó làm chủ bản thân, phát khùng. Xe cứu thương làm việc thêm giờ, bệnh viện có vô số những khuôn mặt đỏ rần, thở nhọc mệt với cái lưỡi luôn lè ra; đó là những cái bình xăng mở nắp rất dễ bắt hỏa, lố nhố ngồi nằm suốt bề dài hành lang có máy lạnh cực mát đang chạy hết công suất. Nóng điên người! (Không phải vô cớ mà ba chữ ấy hiện hữu). Và ở Việt Nam, cái đáng ngạc nhiên là dân chúng không điên, tỉnh trí là đằng khác; duy chỉ một thành phần lãnh đạo là độc quyền chuyện mát giây. Tốc-kê, té giếng, hâm, dở hơi, thường trú nhà thương Biên Hòa… Người bình thường chẳng ai đi đạp vào mặt đồng loại, đồng bào, đồng chí. (Cho dù nạn nhân là tên giặc bành trướng Bắc Kinh anh cũng không được du côn mất dạy như vậy). Người có ăn học chả ai trói tay đồng loại vin vô hai bao cao su qua sử dụng. Tựu trung, từ bình thường anh băng qua thời kỳ quá độ của điên tiết, anh cũng không hiểu được chuyện gì đang xảy ra quanh anh. Lạ lùng, không đúng. Man rợ, không đúng. Lạc hậu, không đúng. Hay anh là người hành tinh? Tất cả những chộn rộn đó, thứ nóng nằm trong ngoặc kép ấy đã “thổi” tới mình: Choáng! Mình chả viết được gì cho ra hồn. Chữ nghĩa có khi nó hạn hẹp và vô tích sự. Có khi nó bị bức rời đi để thành cái gì đó gần như một món hàng chẳng thiết thực, có tính tạm bợ. Tự dưng mình đâm có cảm tình với những câu thơ của Bùi Chí Vinh trong bài “Tiếng Chửi Thề Của Nhân Dân”:

“Các ngươi ăn ở sao khôn vậy
Bóc lột ngay từ lúc cởi truồng
(…)
Thảo nào con nít quen bắt chước
Tập “gà nhà bôi mặt đá nhau”
(…)
Tiền? Thì nói “Ngân Hàng Nhà Nước”
Tù? Thì kêu “Tòa Án Nhân Dân”
Chao ơi, tiền bạc dành ông lớn
Còn cùm gông tặng kẻ rách quần…”

Phan Nhiên Hạo: Anh đang viết gì hoặc dự định viết gì trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?

Hồ Đình Nghiêm: Mùa hè ở đây, dọc đường mình thấy có rất nhiều tấm bảng cắm xuống lề cỏ: “Bán nhà.” Mình dự định viết gì? Mình là căn nhà trống đang đón đợi chủ nhân mới dọn vào. Hy vọng đó là cặp vợ chồng trẻ, mới cưới, mới đi hưởng tuần trăng mật về. Mình đang là một ông già. Bạn tin không? Một ông lão luôn tiếc nuối thời quá vãng, và đáng phàn nàn là khứa lão ấy rất dễ bị thời cuộc ảnh hưởng, khuấy động làm cho mắt mờ, chân run, đêm ngủ phải dậy đái hai ba bận. “Các người ăn ở thua con c…/ ‘Con c…’ còn biết đái khi cần” (Bùi Chí Vinh).

Đôi khi chẳng biết nói gì. Chửi thề một phát, họa may sung? Khi nào sung, trời vào thu, người bớt điên, mình sẽ “viết cái gì đó” gửi đến diễn đàn litviet. Thăm bạn an vui.

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Hồ Đình Nghiêm.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)