Âu Thị Phục An – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào chị Âu Thị Phục An. Cuộc sống của chị mùa hè này có gì vui, buồn, đang bận rộn chuyện gì? Chị khởi viết từ trước 1975 ở Sài Gòn, nhưng sau đó im lặng một thời gian dài, chỉ mới viết lại vài năm gần đây, chị có thể cho biết vì sao?

Âu Thị Phục An: Chào Phan Nhiên Hạo. Có thể nói là tôi đang sống những ngày tĩnh lặng, có hơi ẩn dật một chút, nhưng tôi cảm thấy hài lòng khi thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ một vài người, hoặc có khi một nhóm đông trong giới viết lách ngày xưa và cả bây giờ. Mỗi lần gặp họ tôi có cảm giác như về lại được ngôi nhà chung một thuở, ấy là thời vàng son của giới viết miền Nam trước 1975. Những cây viết trẻ cũng làm cho tôi xúc động và yêu mến nhiều, tôi như thấy lại mình của ngày nào, đã sống hết mình với những cảm xúc nóng bỏng trước thời cuộc. Viết lách là niềm vui mỗi ngàycủa tôi. Công việc hàng ngày là đi chợ nấu ăn cho các con. Tôi không bận bịu mưu sinh. Lại không có một ông chồng để “được” bận bịu, cũng chẳng bận rộn gì cả. Tôi đang tranh thủ hưởng thụ khoảng thời gian “vàng” nầy, vì vài năm nữa lên chức bà ngoại thì sẽ mệt lắm đây. Còn một điều làm tôi hơi buồn là mỗi tháng vẫn phải đi tái khám căn bệnh trầm cảm mà tôi đã điều trị gần ba năm nay. Một chút gì đó mất mát của cái đầu đã quá mệt mỏi.

Biến cố 1975 xảy ra, tôi như “một cành hoa trong gió loạn,” giờ nhớ lại còn rùng mình đây. Tôi đã đi qua hơn ba mươi năm bầm dập để kiếm sống. Xưa tôi có một ông bạn lính-nhà thơ-thiền sư, anh có tặng tôi một tập thơ thiền chép tay mà tôi rất quý, chính tập thơ nầy, chính những câu thơ thiền ấy của anh đã giúp tôi “qua được” những lúc yếu đuối, chỉ muốn chết, trong cái xã hội mà mình không còn được sống như một con người có học. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi không còn muốn viết lách gì nữa, dù thỉnh thoảng quá tuyệt vọng tôi cũng còn làm thơ đại loại như câu nầy “có lúc đem chữ vo thành gạo.” Cũng có người mời tôi cộng tác cho báo chí nhưng tôi từ chối vì không thể nào viết cho một chế độ mà tôi luôn phản kháng, dù tôi đói. Sau khi chồng mất vào năm 2006, tôi sụp luôn không còn gì để mà bám víu vào cuộc sống nữa, cứ lất lây như vậy cho đến một ngày tôi được bạn bè giới thiệu vài trang mạng văn chương mà tôi có thể viết . Tôi viết lại từ đó, chủ yếu là làm thơ. Thơ luôn tuôn trào mãnh liệt trong tôi. Và thơ cũng là nơi chốn mà tôi có thể gởi gắm cõi lòng mình. Một sự cứu rỗi!

Phan Nhiên Hạo: Ba mươi sáu năm sau biến cố 1975, chị có cảm thấy đã tìm lại được Sài Gòn, hay nó vẫn là một thành phố đã mất trong tâm thức chị. Trong cái thành phố đã đổi tên này, có khi nào chị cảm thấy mình như một kẻ ngoài lề?

Âu Thị Phục An: Câu hỏi nầy làm tôi muốn khóc. Đúng như Hạo nói, Sài Gòn vẫn là một thành phố đã mất, và nỗi đau nầy luôn nhức nhối trong tôi. Năm 1985, tôi có bài thơ “Ta Ở Việt Nam Cũng Nhớ Sài Gòn” để nói lên sự nhớ thương của tôi về một Sài Gòn đã mất. Dù rằng từng góc phố, con đường, cà phê cóc, hội quán, ngôi trường xưa (Đại học Văn Khoa) vẫn còn đó mà sao từng bước chân mình đi qua cứ nặng nề mệt nhọc, và hơn hết, là sự xa lạ lạnh ngắt đến buốt cả lòng khi không còn nữa những bạn bè, những xôn xao tuổi ngọc, những đón đưa trong những chiều mưa bay, và nhiều, nhiều lắm, một Sài Gòn hư ảo tuyệt vời trong tâm thức. Như đã nói, sau 1975, tôi đã không nhập cuộc vào một Sài gòn đã đổi tên, từ đó, tôi luôn là kẻ ngoài lề, và tôi thích như vậy.

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Cảm nhận và quan sát của chị, một nhà văn Sài Gòn thuộc thế hệ trước 1975, về những vấn đề này thế nào?

Âu Thị Phục An: Tôi mừng vì xã hội mình vẫn có những con người “dám” đứng lên tranh đấu với bất công và lên tiếng mạnh mẽ phản đối sự xâm lược của ngoại bang, dù đang bị kềm kẹp dưới chế độ độc tài, nhưng họ vẫn ngẩng cao đầu và hô vang những khẩu hiệu chống đối. Những cuộc biểu tình nầy dù bị đàn áp nhưng ngày càng khơi gợi thêm ý chí quật cường của dân tộc Việt, của những trái tim nồng nàn yêu nước. Có trái tim nào mà không đau khi dân tộc mình bị đe dọa và “làm hỗn” kiểu của Trung Quốc đã làm ở biển Đông? Đã lâu lắm rồi tôi mới có lại được nhịp đập mạnh mẽ trong lồng ngực vì một niềm hi vọng mới đang nhem nhóm trong lòng. Hiện tại có rất nhiều Cù Huy Hà Vũ đã bị chụp mũ, bị giam cầm, họ chấp nhận hy sinh làm ngọn đuốc thiêng liêng đầu tiên mở đường cho tự do dân chủ, cho nhân quyền và những gì tốt đẹp phải có cho một đất nước đã quá lâu sống trong sự bất mãn và bị kềm kẹp. Tôi trân trọng và biết ơn họ.

Phan Nhiên Hạo: Chị đang viết gì hoặc dự định viết gì trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?

Âu Thị Phục An: Tôi đang thường xuyên làm thơ nhiều hơn viết truyện, mặc dù tôi thích làm nhà văn hơn nhà thơ. Đối với văn xuôi hiện tại tôi như người đang tập viết vậy, vì bịnh làm cho tôi khó tập trung. Không hiểu sao trong bối cảnh thời sự như bây giờ, khi không làm được gì, tôi lại phải bắt mình trú ẩn trong những chuyện tình đầy khát khao cháy bỏng. Tình yêu luôn là đề tài của tôi, dù tình yêu trong truyện tôi luôn là sự mãnh liệt và hụt hẫng. Cũng như thời cuộc vậy, chúng ta đều muốn sống hạnh phúc và yên bình cho đến hết một kiếp người, nhưng chúng ta đều đang hụt hẫng và hoang mang bơi trong một vũng lầy chính trị. Bao giờ mới có được một sự tự do hạnh phúc ấm no thực sự cho dân tộc Việt?

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn chị Âu Thị Phục An.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)